Điều đáng quý ở Từ giờ thứ sáu tới giờ thứ chín của Nguyễn Một là tính chân thực.
Tiểu thuyết được kể bằng ngôi thứ ba với điểm nhìn chính từ Sơn, một chàng trai sống trong gia đình có năm anh em, hai anh nhảy núi theo Việt cộng, hai anh đăng lính Quốc gia. Chiến tranh đến hồi khốc liệt, trước nguy cơ các con đi lính đều có thể chết, người cha tên Ruộng đã bố trí cho đứa con út hành phương Nam để “bảo tồn giống nòi”, trở thành một thanh niên “trốn lính cả hai phía, không nghề nghiệp, không lí tưởng”.
Qua thế giới quan của Sơn, xã hội miền Nam (tính từ Vĩ tuyến 17 trở vào) những năm tháng chiến tranh hiện lên hỗn độn và bi thương. Viện trợ Mỹ, văn hóa phương Tây với trào lưu Hippie và chủ nghĩa Hiện sinh đổ vào miền Nam; chính quyền bù nhìn, quan chức tham nhũng, buôn lậu; tệ nạn ma túy, mại dâm… ngập ngụa từ thành thị đến nông thôn. Những cuộc hành quân bắn giết. Những vụ khủng bố ám sát. Những mái nhà lợp tôn sơn cờ ba sọc để máy bay Mỹ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa tránh bỏ bom. Những ngôi nhà bị chấm sơn đen đánh dấu có người theo Việt cộng để cảnh sát, mật vụ theo dõi. Trong hoàn cảnh ấy, nhiều người thân và bạn bè của Sơn học xong trung học thường phải đứng trước hai lựa chọn: một là theo Việt cộng, hai là vào Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Và Sơn đã được/ phải tiếp xúc với cả hai phía trong tâm thế “kẻ thân thuộc vô can.” Chọn góc nhìn này, Nguyễn Một đã tránh được sự thiên lệch khi viết về chiến tranh theo định kiến “ta thắng địch thua, ta tốt địch xấu”. Nhờ thế hiện thực trong Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín là đáng tin. Những con người của cả hai phía đều mang những tính cách rất đời. Bên có những cán bộ tài giỏi kiên trung nhưng cũng nhiều người máy móc, giáo điều, cơ hội; bên có những sĩ quan hào hoa lí tưởng nhưng cũng có vô số chiến binh a dua, hãnh tiến, võ biền...
Ở cuốn tiểu thuyết thứ 3 này Nguyễn Một đã “chán” thủ pháp huyền ảo vốn được ông vận dụng trong hai tiểu thuyết trước là Đất trời vần vũ và Ngược mặt trời, mà chọn bút pháp hiện thực nghiêm nhặt, tả chân đến từng số nhà tên phố, tên ca khúc, tên bài thơ, tên tác giả... Ngay cả giọng văn, ở nhiều trường đoạn anh cũng sử dụng ngôn ngữ sến một cách… chân thực. Thời đại nào, ngôn ngữ nấy. Sống trong từ trường của một xã hội ngập tràn nhạc vàng ủy mị, thơ học trò lãng mạn bồng bềnh gió thổi lá bay và truyện tiểu thuyết ngôn tình sướt mướt…, lời ăn tiếng nói của nhân vật không sến mới là giả.
Nhưng văn của Nguyễn Một không chỉ có sến, mà còn có triết luận, trữ tình, hài hước... tùy mỗi văn cảnh. Và những đoạn văn đằm sâu da diết nhất, sinh động nhất của anh trong tiểu thuyết này không phải viết về Đồng Nai hay Sài Gòn, mà là về nơi chôn nhau cắt rốn của chàng Sơn. Trong toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Một nói chung và ở cuốn tiểu thuyết này nói riêng, tâm thức “vọng cố hương” rất mạnh. Dù trong hoàn cảnh nào thì Sơn vẫn luôn hướng về Mỹ Sơn, Quảng Nam, nơi có những tháp Chàm bí ẩn, những bóng ma hời u uất, và những người nông dân chất phác nghĩa tình.
Có một câu danh ngôn, đại ý người ta có thể mang một đứa trẻ ra khỏi quê hương nhưng không thể mang quê hương ra khỏi đứa trẻ. Quê hương của Sơn là những buổi cấy cày cực nhọc của cha mẹ trên cánh đồng thường xuyên bão lũ. Là những buổi chăn trâu hái hoa quả rừng, cắm câu bắt cá tràu, tát ruộng bắt cá rô bí. Là món mì Quảng trứ danh làm từ thứ gạo cực phẩm chan nước nhưng quện đặc đậm đà nấu từ gà đồi cá ruộng, ăn kèm với đủ loại rau vườn chát đắng ngọt bùi. Những bữa mì ăn trong cái nắng nóng cực điểm mùa hè miền Trung, lua một đũa mì vô miệng, ghé răng cắn quả ớt chỉ thiên“xanh giòn rôm rốp” tận hưởng cảm giác “cay xè, đột ngột hả hê”, mồ hôi sảng khoái vã ra như tắm được Nguyễn Một nhắc đến trong nhiều tác phẩm, và trong tiểu thuyết này món mì hồn cốt Quảng Nam cũng lại ám ảnh Sơn trong từng bữa ăn giấc ngủ.
Quê hương của Sơn không chỉ có con người tình nghĩa, mà cả con vật cũng biết khóc biết cười. “Linh cảm được bạn cũ trở về, con Xe nghếch mũi lên phì một hơi dài. Động tác này biểu hiện niềm vui của trâu, thường nó chỉ làm vậy khi ngửi trâu cái.” Không là người từng chăn trâu không thể viết được câu văn như thế. “Anh thấy mũi súng hướng về phía con Pháo, nhưng không có vết máu, bộ lông của nó vẫn trắng toát dưới nắng chiều. Nó chạy mất hút trên ngọn đồi và anh thấy nó bay vào bầu trời xanh thẳm”. Không là người yêu trâu, thương trâu, không thể viết được những câu văn đớn đau mà nên thơ như thế.
Quê hương của Sơn đẹp nhưng nghèo, giờ lại bị chiến tranh “xé” làm hai. Nhưng người dân quê Sơn không phân biệt, yêu thương tất cả những đứa con của xóm làng, không phân biệt Quốc gia hay Cộng sản. Và những đứa con cũng vậy, dù mỗi người theo đuổi một mục đích xã hội riêng, nhưng đều có chung tình làng nghĩa xóm. “Có hôm đám giỗ của dòng họ thấy có lính của hai bên cùng về, ăn xong đường ai nấy đi, kẻ vào rừng, người trở lại đơn vị”. Người dân quê Sơn, mặc dù sống trong vùng Quốc gia quản lí nhưng vẫn hàng ngày tìm cách mang đồ vào rừng tiếp tế cho con em theo Việt cộng. Thậm chí có người lính Quốc gia còn mua đồ chất lên xe rồi quẳng xuống vệ đường “gửi cho người anh em”. Những “người anh em” máu đỏ da vàng vốn không hận thù. Thế nên“Mấy anh lính đứng gác cầu Giao Thủy, khi thấy lục bình bèn chĩa súng hỏi: “Lục bình trôi hay Việt cộng trôi?” Đám lục bình trả lời: “Việt cộng trôi!” Anh lính giục “Việt cộng thì trôi nhanh nhanh đi không để tụi Mỹ nó tới!” Đọc đoạn văn này và nhiều trang mang tính tư liệu trong tiểu thuyết, sẽ có câu trả lời thuyết phục cho câu hỏi: Kẻ nào chủ trương phá Hiệp định Genève, âm mưu chia cắt nước Việt lâu dài, đưa quân đội ngoại quốc vào Việt Nam, ép người Việt phải đối đầu, gây nên cuộc chiến tranh thảm khốc?
Trong Từ giờ thứ sáu tới giờ thứ chín, Nguyễn Một dành nhiều tâm huyết cho chủ đề tôn giáo. Ông tỏ lòng kính ngưỡng Chúa Jesus và những linh mục kính Chúa yêu nước thông qua Sơn, một người ngoại đạo nhưng mang tình yêu Thiên chúa. Ông cũng tỏ ra khách quan khi đề cập đến những tôn giáo khác. Mỗi tôn giáo có tư tưởng và triết lí riêng, nhưng đều có chung mục đích nhân văn là chăm sóc phần hồn của con người, hướng con người đến những điều tốt đẹp. Chả thế mà chàng phi công Mỹ lái máy bay ném bom B52 tên Giôn sang Thái Lan huấn luyện đã cất công tìm hiểu Phật giáo, thứ tôn giáo thịnh hành ở Á Đông. Sau khi hiểu, Giôn đã quyết định mang về Việt Nam một bức tượng Thích Ca Mâu ni. “Tôn giáo này mang lại cho con người sự bình yên, khuyên con người nên rũ bỏ dục vọng và tham vọng. Tuy nó kềm hãm sự phát triển của xã hội, nhưng phát triển để làm gì khi con người nhân danh sự phát triển để bắn giết nhau”. Và Trang, người tình của Giôn, vốn theo đạo Công giáo, khi nghe những lời như một sự giác ngộ và cũng như những lời sám hối của Giôn, Trang đã để bức tượng Phật lên bàn thờ.
Có thể nhận thấy Từ giờ thứ sáu tới giờ thứ chín là cuốn tiểu thuyết đa chủ đề. Quê hương – Chiến tranh – Tôn giáo…, những chủ đề này được ngào trộn, tương tác, phản ứng và kết tinh nhờ một chất xúc tác kì diệu là Tình yêu. Có hai cuộc tình được Nguyễn Một sử dụng làm mạch dẫn cho tiểu thuyết. Cuộc tình Sơn - Diễm theo mẫu tiểu thư xinh đẹp con chủ - chàng trai quê ở trọ. Cuộc tình Tâm - Trang theo kiểu chiến binh hào hoa - nữ sinh kiêu sa. Cả hai cuộc tình được tưới tắm trong tiếng chuông nhà thờ và tiếng kinh cầu. Trong không khí chiến tranh hầm hập khói lửa và chết chóc, hình ảnh những tà áo dài trắng thướt tha, những gương mặt “đẹp như Đức mẹ Maria”, những bàn tay chắp, những đôi mắt ngước đẹp và buồn… đã tạo nên một “bầu tiểu khí quyển” an lành khiến cho những cuộc tình trở nên thánh thiện và thơ mộng. “Bầu tiểu khí quyển” này cũng giúp xoa dịu những nỗi đau biệt li bởi chiến tranh và những chấn thương bầm dập từ cuộc đời của những đôi tình nhân. Nhờ đức tin họ đã vượt qua mọi khổ đau để chờ đợi và hi vọng.
Đất nước thống nhất, Tâm, chàng sĩ quan Việt Nam Cộng hòa thoát chết trong chiến tranh, sau khi học tập cải tạo đã trở về gặp lại Trang, người cương quyết chỉ dành bờ môi cho một người đàn ông duy nhất là Tâm dù sóng gió cuộc đời đã xô đẩy Trang vào vòng tay của nhiều đàn ông khác. Gia đình ông Trần Viết Ruộng, sau khi ba người con chết bởi chiến tranh, một người bị thương tật vĩnh viễn không còn khả năng làm chồng, đứa con út là Sơn cũng không thể có con sau cuộc hôn nhân không tình yêu, những tưởng dòng họ Trần Viết đã tuyệt tự. Nhưng không. Đất nước bước vào giai đoạn hội nhập, nhiều người di tản khỏi cuộc chiến năm xưa đã trở về quê hương mang theo một tin vui lớn cho dòng họ Trần Viết: cuộc yêu duy nhất đêm chia tay giữa Sơn và Diễm đã đơm hoa kết trái. Dù chuẩn bị kết hôn với Thành, một người quen cũ của cả Sơn và Diễm, nhưng vì “không dám phản bội Đức tin Công giáo”, Diễm đã quyết định giữ thai. Cậu bé được sinh ra, lớn lên trong tình yêu thương của mẹ và cha dượng, ăn học tử tế và đang ngóng đợi ngày được về Việt Nam nhận cha.
“Đúng lúc ấy tiếng chuông nhà thờ cổ vang lên báo hiệu giờ lễ chiều, anh chợt nhớ buổi lễ năm xưa anh đứng sau lưng Diễm và nghe giọng trầm buồn của vị cha xứ: Lúc đó vào khoảng từ giờ thứ sáu, tối tăm liền bao trùm cả mặt đất cho đến giờ thứ chín. Mặt trời trở nên u ám, màn trong đền thờ xé ra làm đôi ngay chính giữa…”. Đoạn Kinh Thánh được Nguyễn Một rút làm tựa sách cũng là thông điệp cho tác phẩm hơn ba trăm trang in với bề bộn ngổn ngang nhân tình thế thái. Sau quãng thời gian tăm tối, “hồi quang hoàng hôn lóe sáng bên bãi bồi. Lần đầu đầu tiên trong đời, Sơn nhận ra màu chiều huyền hoặc của dòng sông”
Người Việt hay dùng câu thành ngữ “Qua cơn bĩ cực tới hồi thái lai” vốn được lẩy ra từ hai quẻ trong Kinh Dịch: Bĩ tượng trưng cho cùng khốn, Thái tượng trưng cho sự hanh thông. Số phận mỗi nhân vật trong Từ giờ thứ sáu tới giờ thứ chín gắn liền với lịch sử đau thương của đất nước dằng dặc mấy chục năm từ chiến tranh vắt sang hòa bình đã nhận được những cái kết có hậu, như sự phục sinh.
Đỗ Tiến Thụy
Nguồn Văn nghệ số 26/2023