Rơm sẽ ra mắt công chúng Hội An từ 22-25.8.2024 trong chương trình thực cảnh do UBND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam phối hợp cùng Arabesque Vietnam tổ chức.
Thông qua âm nhạc dân gian kết hợp cùng nghệ thuật múa đương đại, Rơm sẽ được thực hiện vào thời điểm hoàng hôn trên cánh đồng trái tim lúa Hội An (khối Trường Lệ, phường Cẩm Châu, thành phố Hội An).
Trước " Rơm", thành phố Hội An đã được biết đến với chương trình biểu diễn nghệ thuật đỉnh cao " Ký ức Hội An" với 5 màn biểu diễn tương ứng với 5 câu chuyện của đất và người Hội An. Đó là Sinh Mệnh – Ký ức Hội An về thuở khai hoang lập Ấp; Đám cưới của người Dân Tộc Chăm; Thuyền và Biển - Ký ức Hội An về giai đoạn chuyển mình; Bến Bờ - Ký ức Hội An về thời kỳ giao thoa văn hóa đa phương; Áo dài. Đến với Rơm sẽ là câu chuyện về tình cảm bình dị và chân chất của gia đình nông dân Việt Nam. Ụ rơm mộc mạc, quen thuộc chính là một “chứng nhân” quan trọng bên cạnh ngôi nhà: Kể từ ngày ông bà còn trẻ, quen nhau, cưới nhau rồi sinh con, đến khi những đứa trẻ chào đời và trải qua thời thơ ấu chơi đùa, tinh nghịch dưới những ụ rơm... qua ngôn ngữ Ambiance Dance.
Với sự dàn dựng của đạo diễn, Giám đốc nghệ thuật Nguyễn Tấn Lộc và Giám đốc âm nhạc Đức Trí tuổi thơ của những đứa trẻ có mùi rơm giạ cứ thế lớn lên, ông bà lại ra ngồi dưới ụ rơm tính chuyện dựng vợ gả chồng cho chúng. Cứ thế, từng thế hệ rời đi, ụ rơm vẫn đứng đấy như là chứng nhân của tình cảm gắn kết gia đình. Ụ rơm có lúc vơi lúc đầy cũng như tình cảm lúc sâu lắng, lúc đầy vơi… Vô hình chung, ụ rơm ấy trở thành một phần ký ức trong hành trang của mỗi đời người. |
Đạu diện UBBD thành phổ Hội An chia sẻ, mục tiêu của Rơm chính là nhằm mang đến một sản phẩm du lịch - văn hoá mang tính tiên phong, góp phần tôn vinh vẻ đẹp của một điểm đến mới ở một vùng đất đã nổi tiếng toàn cầu: Cánh đồng lúa chín Hội An vào mùa gặt hái.
Ambiance Dance vốn là hình thức biểu diễn kết hợp ngôn ngữ múa với không gian ngoài trời, âm thanh, bối cảnh... rất phổ biến trên thế giới, đặc biệt ở các thành phố văn hóa và du lịch. Rơm, chính là một dấu ấn nữa của Arabesque trong hành trình xây dựng tình yêu nghệ thuật Múa, với khát vọng mang Múa Việt Nam và Văn hóa Việt Nam đến gần hơn với người yêu nghệ thuật trong nước và quốc tế |
Đồng thời cũng cho thấy những nỗ lực của UBND TP Hội An trong quyết tâm xây dựng và phát triển TP Hội An theo định hướng thành phố sinh thái – văn hoá – du lịch, trong đó chú trọng việc phát huy và sáng tạo các tiềm năng, lợi thế sẵn có, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hoá – nghệ thuật.
Như vậy, với tiêu chi khai thác tiềm năng thế mạnh của di sản, kết hợp với văn hóa nghệ thuật, UBND tỉnh Quảng Nam nói chung, thành phố Hội An nói riêng đang thúc đẩy du lịch địa phương trở thành ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Đây là hướng đi không chỉ phù hợp với xu thế phát triển kinh tế xanh mà còn phát huy những giá trị độc đáo của nền văn hóa bản địa. Từ những chương trình nghệ thuật đỉnh cao, Hội An sẽ đem đến cho du khách những món ăn tinh thần độc đáo. Đó là nét đẹp mộc mạc của xóm làng nông thôn, cánh đồng mùa gặt và sản phẩm thủ công từ Rơm...vốn mang nét đặc trưng của nền văn minh lúa nước. Và Rơm sẽ kể cho du khách những thanh âm trong trẻo của cuộc sống
Giám đốc nghệ thuật Nguyễn Tấn Lộc chia sẻ: “Câu chuyện về Rơm không chỉ là một buổi biểu diễn múa; đó là một dịp tôn vinh sự khéo léo và tinh thần bền bỉ của người dân Việt Nam". Và "khi buổi biểu diễn diễn ra, vào khoảnh khắc dịu dàng của hoàng hôn, chúng tôi hy vọng khán giả, đặc biệt là khách du lịch quốc tế, sẽ cảm nhận được điều gì đã định hình nên nền văn hóa đặc biệt này”, giám đốc nghệ thuật Nguyễn Tấn Lộc chia sẻ thêm.
Để giữ vững ngôi vị Hội An điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, những chương trình nghệ thuật đỉnh cao sẽ tiếp tục song hành và làm nên thương hiệu có một không hai cho thành phố di sản.
Bùi Quyên | Báo Văn Nghệ
------------
Bài viết cùng chuyên mục: