Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thông tin cụ thể: 6 tháng đầu năm 2024, Hội Nhà văn Việt Nam cũng như các Hội khác khi nhìn lại những việc mình làm sẽ thấy hơi bất ngờ vì sao mình làm được những công việc như vậy, khi gần hết tháng 7 mà ngân sách đầu tư cho sáng tạo văn học nghệ thuật không hề có. Ông đưa ra hình ảnh ví von: “Chúng ta nói văn hóa soi đường cho quốc dân đi, nhưng chúng ta không đổ dầu vào đuốc. Đến hôm nay, chúng ta vẫn giơ đuốc trên văn bản mà không đốt đuốc trong đời thực, trong mỗi ngôi nhà, mỗi công sở, mỗi đường phố… và trong mỗi hành động của chúng ta”.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Thúy |
Trên thực tế, vấn đề đầu tư cho văn học nghệ thuật đã được bàn luận, trao đổi trong nhiều năm qua. Tuy vậy, thủ tục, hướng dẫn triển khai Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021-2025 (theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 08/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ) gặp nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện. Hết Quý II/2024, nhưng kinh phí từ nguồn hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật năm 2024 chưa được cấp đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chung của Liên hiệp và các hội. Do thiếu kinh phí, các hoạt động chuyên môn của nhiều hội trong 6 tháng đầu năm 2024 phải tạm dừng, một số tạp chí chuyên ngành của các hội phải tạm đình bản.
NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng bày tỏ sự lo lắng: Nếu như 6 tháng đầu năm, tất cả 10 Hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam đều không có kinh phí hoạt động. Gần đây, Hội đã phối hợp với thành phố Hải Phòng tổ chức thành công Liên hoan sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất. Tuy vậy, để tổ chức các liên hoan, trao giải thưởng, duy trì hoạt động Hội thì nguồn kinh phí Nhà nước “chưa đáng kể so với những việc phải làm”. “Đó là một câu hỏi mà chúng tôi không trả lời được và có lẽ còn lâu mới làm được, nếu cơ chế không thực sự nhìn thấy những khó khăn như thế này. Ví dụ với việc hỗ trợ sáng tạo cho văn nghệ sĩ: vì nó tên là “hỗ trợ sáng tạo” nên chúng tôi hỗ trợ cho tác phẩm chất lượng cao, nếu theo Nghị định 21 thì mỗi tác giả - tác phẩm được hỗ trợ 350 triệu. Nhưng thực tế chúng tôi chỉ hỗ trợ và động viên tinh thần, mỗi nghệ sĩ được 5 triệu/ năm. Nếu chỉ có 5 triệu thì làm sao chúng tôi có thể nói là ‘hỗ trợ cho tác phẩm chất lượng cao’ được. Điều này thật khó nghĩ!”, NSND Trịnh Thúy Mùi nói.
Đề cập vấn đề xã hội hóa, tìm nguồn thu cho hoạt động của Hội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: Quan điểm của Đảng và Nhà nước luôn đúng đắn, mang tính chiến lược nhưng các cơ quan giúp cho Đảng, Chính phủ thực hiện công việc này chưa sát sao. Ông Nguyễn Quang Thiều khẳng định: nếu để cho Hội Nhà văn Việt Nam tự lo kinh phí hoạt động thì Hội sẽ sẵn sàng làm việc đó. Dựa trên cơ cở về công sản hiện có, hơn các Hội chuyên ngành khác, nếu được tạo cơ chế liên doanh, liên kết cho thuê địa điểm sẽ mang lại nguồn lợi đủ “chi phí” cho hoạt động Hội Nhà văn Việt Nam, cho đầu tư sáng tác, trao giải thưởng và mở rộng mối quan hệ cũng như truyền bá văn học Việt Nam ra thế giới bằng con đường dịch thuật.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đinh Thị Mai, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã ghi nhận sự chủ động, linh hoạt của Liên hiệp và các hội, phát huy vai trò nòng cốt trong sáng tạo, tổ chức, triển khai nhiều chương trình hoạt động có ỹ nghĩa, thiết thực, hiệu quả.
Liên hoan sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất là hoạt động trọng tâm của Hội nghệ sĩ sân khấu trong nửa đầu năm 2024. Tuy vậy, ngân sách cho liên hoan chưa nhiều. |
Cụ thể: Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam và các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành đã chủ động quan tâm đến công tác chính trị - tư tưởng, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, tích cực đóng góp vào nhiều đề án, dự án văn học, nghệ thuật quan trọng của đất nước; Tiếp tục phát huy tốt vai trò chủ lực trong tập hợp lực lượng, định hướng sáng tác, nâng cao chất lượng hoạt động sáng tạo; Tích cực tham gia phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan trong tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/06/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; xây dựng đề án, kế hoạch tổ chức tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất; tham gia tích cực vào cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm về đề tài “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”...
Đồng chí Đinh Thị Mai đề nghị một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới: Liên hiệp và các hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan sớm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế tài chính, thực hiện triển khai Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương (theo Quyết định số 558/ QĐ-TTg ngày 08/04/2021 của Thủ tướng Chính phủ); rà soát, hoàn thiện nội dung dự toán kinh phí triển khai tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất; dự toán kinh phí cho đại hội toàn quốc Liên hiệp và các hội vào năm 2025 trình cấp thẩm quyền phê duyệt; sớm hoàn thành xây dựng kế hoạch hoạt động và dự toán tài chính ngân sách cho năm 2025; xây dựng kế hoạch và chuẩn bị tốt cho Hội nghị giao ban Quý III/2024 tại Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam vào tháng 10/2024.
Phương Thúy | Báo Văn nghệ