Sáng 8/8/2024, tại hội trường NXB Hội Nhà văn Việt Nam (Hà Nội), họa sĩ Lê Thiết Cương đã chính thức giới thiệu với độc giả cuốn sách Nhà & Người. Sách tập hợp gần 60 bài viết của họa sĩ Lê Thiết Cương trong hơn hai chục năm qua, (khoảng từ 2000-2023 cho một số tạp chí về kiến trúc nội thất).
Sách tập hợp gần 60 bài viết của họa sĩ Lê Thiết Cương trong hơn hai chục năm |
Như tên gọi cuốn sách, qua chuyện nhà cửa, họa sĩ Lê Thiết Cương muốn nói đến chuyện người, chuyện gia cảnh, mỗi gia đình, mỗi gia cảnh, qua nhà thấy người qua người thấy nhà. Một phần nữa là chuyện đất, những vùng đất mà họa sĩ Lê Thiết Cương đã đi qua, Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Lạt, Sapa và Hà Nội nơi sinh ra ông, một vài làng cổ ở Bắc Bộ, một ngôi chùa, một nhà thờ ngoài đê sông Hồng... Cũng như chuyện nhà, chuyện đất cũng là chuyện người. Viết về kiến trúc, trang trí nhà cửa, phong cảnh vùng miền nhưng những chuyện ấy chỉ là cái vỏ, lõi của nó là chuyện người. Đất, nhà và người suy cho cùng là một. Thử hỏi có chuyện gì trong đời mà chả là chuyện người, chuyện gì thì cũng phải lấy những giá trị người làm căn bản.
Họa sĩ Lê Thiết Cương tặng sách độc giả |
Tại sao đối với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, về nhà tức là về quê, làng Chùa của anh, chỉ quê mới là nhà, nhà - quê? Tại sao nhạc sĩ Phú Quang lại lạc nghiệp mới an cư? Tại sao nhà của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và nhà của đạo diễn Đào Trọng Khánh là nhà “thích khách"? Tại sao nhà của thi sĩ Thụy Kha có gì đặc biệt mà vừa bần cư trung thị vừa “sơn lâm” nhưng vẫn quá đông tao nhân mặc khách ra vào, tá túc năm này qua năm khác? Tại sao Đà Lạt buồn nhưng đẹp? Tại sao Hải Phòng đất dữ “ăn to nói lớn” nhưng luôn nồng nàn “đói bạn”? Tại sao Sài Gòn lại là đất dưỡng thân của những kẻ thích làm to, thích liều lĩnh, năng động và hợp thời đổi mới? Tại sao chất đất - chất người của Thăng Long - Hà Nội lại thiên về âm thổ? … Tất cả các câu trả lời của những câu hỏi trên đều có trong sách.
Sách Nhà & Người dầy 340 trang, khổ sách 18x24cm, giấy bìa và giấy ruột đều là giấy mỹ thuật cao cấp nhập khẩu, Nhà xuất bản Hội nhà văn cấp phép. Đây là cuốn đầu tiên trong một bộ 3 cuốn của họa sĩ Lê Thiết Cương, sẽ lần lượt ra mắt. Tiếp theo là cuốn Trò chuyện với hội họa và Trong hạt thóc có hạt gạo (tập hợp những bài viết về văn hóa Việt). |
Lối viết của Hoạ sĩ Lê Thiết Cương, vừa có chất văn và báo, vừa đi vừa ngẫm để ghi lại chuyện của một thời, đọc chậm để nhìn lại những nếp cũ trong dấu ấn của thời gian từ cách bài trí, bày biện tới nâng tầm lên kiến trúc, duy mĩ. Trong hội hoạ, hoạ sĩ Lê Thiết Cương lấy đơn giản, có chiều sâu làm sự tinh tế cuối cùng. Trong văn chương, khi chuyển tải nghệ thuật anh tiếp tục tối giản câu chữ để giữ lại cái bản thể thuần Việt, dễ thẩm và thấm, không cầu kỳ, hoa mĩ.
Phát biểu trong lễ ra mắt sách, tác giả Lê Thiết Cương bày tỏ: “Trong 330 cuốn sách tôi đã đọc, dù viết về vùng đất nào thì quan điểm của tôi khi làm cuốn sách này là luôn đi giữa các ranh giới, tôi viết về design nhưng thực ra là viết về người, viết về nội thất trong mỗi con người, nó có chất văn, nó lấp ló những tư tưởng, là tập sách đầu tiên nhưng là sự tích tụ của 24 năm miệt mài nghiên cứu của tôi”.
Hà Phương | Báo Văn Nghệ
----------
Bài viết cùng chuyên mục: