Văn hóa nghệ thuật

Nghệ thuật trần thuật trong phim "Be with You" của đạo diễn Nobuhiro Doi

Trình Xuân Phương
Điện ảnh
19:00 | 06/08/2024
Baovannghe.vn - "Be with You" của đạo diễn Nobuhiro Doi mang giá trị nhân văn sâu sắc. Phim ca ngợi vẻ đẹp của con người, của tình yêu cao thượng và tình cảm gia đình thiêng liêng.
aa

Phim Be with You (tên tiếng Việt: Về bên anh) của đạo diễn Nobuhiro Doi là một trong những tác phẩm điện ảnh cải biên thành công, được khán giả - đặc biệt là các khán giả yêu mến nguyên tác văn học đón nhận nồng nhiệt. Với giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế, không gian nhuốm màu hư ảo, cùng nội dung đầy tính nhân văn, tiểu thuyết Be with You (được chuyển ngữ và ấn hành tại Việt Nam với tựa đề Em sẽ đến cùng cơn mưa) của nhà văn Ichikawa Takuji đã chinh phục độc giả và được cải biên sang truyện tranh, kịch, phim điện ảnh, phim truyền hình... Trong đó, cả hai phiên bản điện ảnh do Nhật Bản (Về bên anh, 2004) và Hàn Quốc (Và em sẽ đến, 2018) sản xuất đều gây “sốt” phòng vé, tạo nên hàng loạt kỷ lục về doanh thu. Có thể nói, Be with You không bi thương sướt mướt, không kịch tính cao trào, mà như cơn mưa mùa hạ, lắng đọng dư âm trong trẻo, nhẹ nhàng chạm đến tâm hồn. Tác phẩm đã biến những điều không thể thành có thể, biến cái chết và sự đau thương, mất mát thành niềm tin và hy vọng vào tương lai tươi đẹp, với thông điệp: Cuộc sống luôn tồn tại những điều kỳ diệu, chỉ cần trái tim rộng mở để đón nhận yêu thương, chúng ta nhất định sẽ hạnh phúc.

Phim "Em sẽ đến cùng cơn mưa" của Nobuhiro Doi từ góc nhìn trần thuật học
Cả hai phiên bản điện ảnh của "Be with You" do Nhật Bản (2004) và Hàn Quốc (2018) cải biên đều gây sốt phòng vé - Ảnh: Internet

Tiểu thuyết Be with You có cốt truyện đơn giản nhưng bất ngờ. Nobuhiro Doi đã tiếp nhận cốt truyện ấy, làm cơ sở để xây dựng cốt truyện phim thú vị mà không làm mất đi tinh thần của nguyên tác văn học. Tiểu thuyết kể về một người đã chết trở về sống cùng chồng và con trong sáu tuần. Sáu tuần ngắn ngủi nhưng lại là khoảng thời gian hạnh phúc nhất đối với cả ba thành viên trong gia đình nhỏ. Họ cảm nhận được tình yêu dành cho nhau. Tình yêu ấy ấm áp, thuần khiết và nhẹ nhàng như cơn mưa, làm dịu mát tâm hồn và trái tim họ. Với chiến lược trần thuật đảo ngược, các tình tiết, sự kiện không được diễn ra theo trật tự thời gian tuyến tính mà đan xen giữa hiện tại và quá khứ. Đạo diễn luôn tạo ra những khoảng trống giữa các sự kiện, đồng thời khéo léo sắp xếp để tất cả được hé lộ dần dần. Từ đó, khán giả có dữ liệu để ghép nối thành một câu chuyện hoàn chỉnh và tự đưa ra lý giải hợp lý cho việc Mio dù đã qua đời vẫn có thể trở lại vào mùa mưa trong sáu tuần.

Một trong những đặc trưng của điện ảnh là tính sát thực. Vì thế, đạo diễn Nobuhiro Doi đã bắt đầu câu chuyện từ thời điểm hiện tại, khi Yuji tròn 18 tuổi. Cấu trúc kể chuyện của tác phẩm không diễn tiến theo khung thời gian tuyến tính mà đi từ hiện tại về quá khứ, rồi trở về hiện tại, rồi lại quay về quá khứ... Cứ như vậy, hiện tại và quá khứ đan xen, tạo hứng thú và kích thích sự tò mò của khán giả. Phim mở đầu với sự xuất hiện của nhân vật Yuji vào sinh nhật tuổi 18. Sau đó, Yuji dẫn dắt người xem đến với câu chuyện vào mùa mưa năm cậu 6 tuổi. Điều kỳ diệu xảy ra, mẹ cậu đã trở về với hai bố con đúng như lời hứa trước khi cô mất. Sự trở lại của Mio đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của Takumi và Yuji, đồng thời những bí mật cũng được hé lộ. Đó là những điều chưa được biết về câu chuyện tình lãng mạn của Takumi và Mio, từ khi hai người còn là học sinh, thích thầm nhau nhưng không ai dám ngỏ lời; đến khi Takumi có dũng cảm hẹn gặp Mio và tỏ tình; đến khi họ hẹn hò; hay khi biến cố xảy ra buộc họ phải tạm thời xa nhau, nhưng rồi vẫn trở về bên nhau... Lúc này, thời gian của câu chuyện được lùi lại, trở thành quá khứ của thời điểm Mio trở lại vào mùa mưa.

So với tiểu thuyết, cốt truyện phim không có nhiều thay đổi, chỉ khác là câu chuyện được kể lúc Yuji tròn 18 tuổi. Nhưng chính thay đổi này khiến câu chuyện về “người chết sống lại” trở nên đáng tin hơn. Bằng chứng là việc ông chủ cửa hàng bánh ngọt Momo vẫn giao bánh cho Yuji vào mỗi dịp sinh nhật và bức ảnh chụp chung của gia đình Aio vào mùa mưa năm ấy được đặt một cách nâng niu, trân trọng ở trên bàn. Nhưng cho dù đó là câu chuyện có thật hay chỉ là những “tưởng tượng kỳ lạ trong tâm trí” của các nhân vật chính, thì đó vẫn là một câu chuyện rất đẹp và nhân văn.

Phim "Be with You" của đạo diễn Nobuhiro Doi từ góc nhìn trần thuật học
Tình yêu thương của các nhân vật trong phim "Be with You" ấm áp, thuần khiết và nhẹ nhàng như cơn mưa, làm dịu mát tâm hồn và trái tim họ - Ảnh: Internet

Câu chuyện phim Be with You không hề phức tạp, nhưng cách thức tự sự thì đa tầng đa lớp, tạo nên nhiều bất ngờ cho người xem. Trong khi trần thuật, đạo diễn Nobuhiro Doi luôn duy trì trạng thái mập mờ giữa hai thế giới thực và ảo: Câu chuyện dường như diễn ra trong thế giới hư ảo và chỉ kết nối với thực tại qua chi tiết Mio đến cửa hàng Momo đặt bánh và gặp Nagase - đồng nghiệp của Takumi - nhờ cô ấy quan tâm, giúp đỡ hai cha con Takumi.

Về giọng điệu kể chuyện, Takumi luôn nhẹ nhàng, trầm lắng. Anh luôn trân trọng và xót thương người vợ quá cố. Thậm chí, ngay cả khi cô đã qua đời nhiều năm, trước khi ra khỏi nhà, anh vẫn chào tạm biệt bằng câu nói: “Anh đi đây”. Takumi là kiểu người hướng nội, anh như sống trong một thế giới riêng, nơi Mio vẫn chưa rời xa anh. Khi gặp lại Mio vào mùa mưa, cô dường như đã quên hết mọi chuyện, anh kể cô nghe về mối tình đầu của hai người. Lúc này, giọng kể của anh dạt dào, chứa chan, điều đó cho thấy tình cảm anh dành cho Mio vô cùng sâu sắc. Giọng điệu của anh có lúc nhẹ nhàng, tự nhiên pha chút bối rối, có lúc lại đầy xót xa, nhất là khi kể về việc anh bị bệnh và tìm cách trốn tránh Mio, mặc dù vẫn còn yêu cô tha thiết. Giọng điệu của Mio thì dịu dàng, chậm rãi, tuy buồn man mác và đôi khi đầy tiếc nuối, nhưng ẩn chứa niềm hạnh phúc vô bờ, cùng niềm tin mãnh liệt vào tình yêu, cuộc sống và tương lai tươi đẹp. Mặc dù Yuji ít trực tiếp tham gia vào quá trình kể chuyện nhưng qua giọng điệu chân thành cùng những hành động ngây thơ, đáng yêu mà hết sức cảm động, người xem vẫn thấy được tình yêu thương sâu sắc mà Yuji dành cho gia đình, đặc biệt là dành cho mẹ.

Phim Be with You có những tình tiết, sự kiện, thậm chí chi tiết rất nhỏ được đạo diễn thay đổi so với nguyên tác văn học. Ví dụ, trong tiểu thuyết, Mio sau khi trở lại vào mùa mưa đã gặp thầy Nombre, một người vốn thân thiết với gia đình Aio, ông đã được Takumi kể cho nghe câu chuyện về lời hứa của Mio, rằng cô sẽ trở về vào mùa mưa đầu tiên sau khi cô mất. Cả gia đình Aio đều yêu mến thầy, và trước đó chính Mio còn nhờ thầy Nombre chuyển lá thư của mình cho Takumi, vì thế việc để ông tin vào chuyện “người chết sống lại” là điều có thể chấp nhận được. Còn trong phim, đạo diễn Nobuhiro Doi đã thay thế nhân vật thầy Nombre bằng bác sĩ Noguchi, đồng thời, ngoài Takumi và Yuji, chỉ cho Mio gặp hai nhân vật khác (bắt buộc phải gặp thì mới tạo được logic cho phim) là ông chủ cửa hàng bánh ngọt và cô bạn đồng nghiệp của Takuji. Ngoài ra, trong tiểu thuyết, chiếc bút mà Takumi để quên ở chỗ Mio vô cùng quan trọng với anh. Đó là món quà sinh nhật đầu tiên anh được người bác anh rất mực yêu quý tặng. Tuy nhiên nếu vậy, việc Takumi gặp Mio để lấy bút là điều đương nhiên. Còn trong phim, chiếc bút là cái cớ để hai người gặp nhau, nó chỉ là một chiếc bút bình thường, chẳng hề quan trọng. Trong tiểu thuyết, Takumi vô cớ mắc bệnh lạ, Mio đạp xe từ chỗ làm về nhà nên bị tai nạn, sau đó thì “xuyên không” đến tương lai. Còn trong phim, Takumi bị bệnh là do tập luyện điền kinh quá sức, Mio vì đuổi theo Takumi nên mới bị ô tô đâm. Những chi tiết đó khiến cho bộ phim trở nên logic và các vấn đề được giải thích một cách hợp tình, hợp lý hơn.

Đạo diễn còn cắt bỏ một vài chi tiết trong tiểu thuyết và đưa vào phim những chi tiết thú vị khác. Cảnh Takumi dừng lại để chỉnh dây giày thì làm đổ xe đạp khiến khán giả bật cười. Takumi vụng về nhưng đáng yêu, đó là lý do khiến Mio đem lòng thương mến chàng trai này. Cảnh đó được tái hiện khi hai nhân vật chính “yêu lại từ đầu”. Mối tình đầu đẹp như mơ của họ khiến khán giả xúc động và ngưỡng mộ. Sau khi Mio trở về, mọi thứ dường như được thổi bừng sức sống. Ngay cả Takumi thường ngày vụng về, lóng ngóng cũng trở nên nhanh nhẹn hơn. Điều này cho thấy sức mạnh của tình yêu đã khiến Takumi thay đổi, anh mạnh mẽ và lạc quan hơn. Chi tiết cho tay vào túi áo xuất hiện trong phim những ba lần, lột tả được tình yêu mới chớm nở, ngập ngừng, e ngại, bẽn lẽn nhưng vô cùng nồng ấm. Ngoài ra, bộ phim có những chi tiết nghệ thuật thú vị, như món trứng chiên hay búp bê cầu mưa...

Phim "Be with You" của đạo diễn Nobuhiro Doi từ góc nhìn trần thuật học
Khung cảnh cánh đồng hoa hướng dương cũng là một điểm nhấn trong phim - Ảnh: Internet

Ngay từ những cảnh quay đầu tiên, tác phẩm điện ảnh Be with You đã mở ra một không gian đẹp và thanh bình. Vì truyện phim có yếu tố hoang đường nên đạo diễn Nobuhiro Doi đã tạo ra một không gian hoàn toàn riêng biệt cho gia đình Takumi: ngôi nhà bên hồ nước, ở giữa khu rừng. Trong nguyên tác văn học, gia đình Takumi vẫn sống bình thường ở khu phố đông người, Mio vẫn sinh hoạt, đi lại, nói chuyện với hàng xóm một cách bình thường. Tuy nhiên trong phim, sự tiếp xúc của Mio với những người xung quanh được tiết chế đến tối đa. Mio chỉ ra khỏi nhà khi chuẩn bị cho sự ra đi lần thứ hai của mình. Ngôi nhà là không gian mà cô gắn bó nhất. Không gian ấy tuy nhỏ nhưng lại ấm áp tình thương và là nơi gắn kết các thành viên của gia đình nhà Aio. Khung cảnh cánh đồng hoa hướng dương cũng là một điểm nhấn. Trước khi ra đi, Mio cùng Yuji đã trồng hoa hướng dương trước cửa nhà, cô luyến tiếc vì không thể chứng kiến vườn hướng dương nở rộ. Ở cuối phim, Takumi ngồi trước cửa đọc lại nhật ký của Mio, bên ngoài sắc hoa hướng dương rực vàng, gợi cho người ta nhớ tới nụ cười tỏa nắng của Mio. Nói chung, đạo diễn Nobuhiro Doi đã lựa chọn những bối cảnh tiêu biểu nhất, gợi cảm nhất, để tạo ra những hiệu quả nghệ thuật cho bộ phim.

Nguyên tác văn học của Be with You được kể từ điểm nhìn của nhân vật “tôi” (tức Takumi) và Mio thông qua bức thư cô để lại, nên người đọc có thể cho rằng câu chuyện hoàn toàn chỉ là tưởng tượng của nhân vật “tôi”. Trong khi đó, bộ phim được kể từ bốn điểm nhìn: điểm nhìn của đạo diễn thông qua chiếc máy quay ở thời điểm hiện tại; điểm nhìn của Yuji; điểm nhìn của Takumi; điểm nhìn của Mio thông qua cuốn nhật ký của cô. Ban đầu, máy quay mở ra không gian rộng lớn, khiến người xem liên tưởng tới những câu chuyện cổ tích mở đầu bằng câu “ngày xửa ngày xưa”. Đây là điểm nhìn của người kể chuyện giấu mặt, cũng chính là đạo diễn. Sau đó, đạo diễn trao điểm nhìn cho Yuji. Đứng trước con đường dẫn tới nhà máy bỏ hoang, Yuji dừng lại và bắt đầu kể câu chuyện về mùa mưa năm đó, khi phép màu xảy đến: “Có thể đó chỉ là chút ảo tưởng kỳ lạ trong tâm trí nhưng chắc chắn bố con tôi đã được gặp mẹ”. Điểm nhìn của Takumi và Mio đều giống nhau ở những sự kiện nhưng có sự khác biệt về cách ứng xử và suy nghĩ của người kể chuyện. Nhờ đó, khán giả có thể bao quát toàn bộ cốt truyện, nội dung phim và có được cái nhìn tổng thể, sâu sắc. Takumi kể lại câu chuyện tình yêu của anh và Mio, nhưng nhiều chi tiết còn chưa đầy đủ. Khi ta xem lại câu chuyện dưới điểm nhìn của Mio thì mọi chuyện mới rõ ràng, sáng tỏ hơn. Có thể nói, sự đa dạng và tương hỗ lẫn nhau trong các điểm nhìn nghệ thuật giúp người xem hiểu bộ phim một cách đa chiều và sâu sắc, đồng thời giúp câu chuyện khúc chiết, liền mạch hơn. Nếu không chọn cách kể độc đáo qua nhiều điểm nhìn, phim sẽ đơn điệu, khó thuyết phục và khó tạo ra bất ngờ cho khán giả.

Phim "Be with You" của đạo diễn Nobuhiro Doi từ góc nhìn trần thuật học
Phim "Be with You" ca ngợi vẻ đẹp của con người, tình yêu cao thượng và tình cảm gia đình thiêng liêng - Ảnh: Internet

Be with You là bộ phim ấm áp về tình yêu thương và tình cảm gia đình. Số phận kỳ diệu đã gắn kết hai con người, tình yêu đã cho họ sức mạnh để vượt qua tất cả, thậm chí ngay cả cái chết cũng không thể ngăn cách hai người. Đến cuối cùng, những chi tiết tưởng như hão huyền và hoang đường ở đầu phim đã được lý giải một cách thuyết phục. Câu chuyện khép lại, để lại trong lòng mỗi khán giả những dư vị tiếc nuối, xúc cảm khó phai về câu chuyện tình yêu đẹp và lãng mạn như một giấc mơ.

Tóm tại, đạo diễn Nobuhiro đã rất sáng tạo trong việc xây dựng kết cấu trần thuật của tác phẩm. Bộ phim mang đến khán giả những xúc cảm dịu dàng mà lắng sâu. Khung cảnh đẹp và lãng mạn, nội dung hấp dẫn cùng sự tính toán và sắp xếp đầy ý đồ nghệ thuật của đạo diễn đã làm tăng hứng thú và lôi cuốn người xem ngay từ những cảnh quay đầu tiên. Phim cũng mang giá trị nhân văn sâu sắc, ca ngợi vẻ đẹp của con người, của tình yêu cao thượng và tình cảm gia đình thiêng liêng.

Trình Xuân Phương | Báo Văn nghệ

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Bản sắc văn hóa dân tộc và vấn đề chuyển thể văn học sang điện ảnh Hành trình nội tâm bằng ngôn ngữ điện ảnh Điện ảnh là hồn cốt của hồn cốt Kỹ thuật làm phim hoạt hình stop-motion Bản sắc văn hóa Nhật Bản trong phim "Kubo và sứ mệnh Samurai"
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...
Đại biểu Quốc hội: Làm rõ "Tiêu chuẩn Việt Nam" trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Đại biểu Quốc hội: Làm rõ "Tiêu chuẩn Việt Nam" trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Baovannghe.vn - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, sáng nay, 22.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Bản tin Văn nghệ ngày 22/11/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 22/11/2024

Baovannghe.vn - Bộ VHTT&DL tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.