(Nhân đọc truyện kí NGƯỜI THẦY của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng)
Vào giữa tháng hai năm nay, tôi bỗng nhận được một món quà quí. Đó là một cuốn sách của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh vừa xuất bản có tên là Người Thầy, với lời đề tặng hơi lạ “Kính tặng anh Khuất Quang Thụy. Tôi đã thực hiện lời hứa là sẽ kể về ông Ba sau chiến thắng năm 1975. Kính mến!”. Trời đất, hoá ra ông tướng tình báo này còn nhớ một lời hứa bâng quơ với mình từ hơn chục năm trước. Không chỉ hứa, mà còn thực hiện được nữa.
Đại tướng Lê Đức Anh (giữa) chụp ảnh cùng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (Trái) và Đại tá Anh hùng LLVTND Nguyễn Ngọc Ẩn (Tư Ẩn) Đội Z |
Chuyện là, vào đầu năm 2000, tôi và Nhà văn Chu Lai đã được đích danh ông Nguyễn Chí Vịnh, Tổng cục trưởng Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng, mời tới Tổng hành dinh của Tổng cục để “uống trà” và bàn chuyện viết lách. Vào thời điểm trước đó, cánh cổng của Tổng cục tình báo còn là nơi khó “công phá” nhất đối với cánh nhà văn nhà báo. Từ sau ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước đến thời điểm này, có thể nói cánh nhà văn quân đội chúng tôi đã lặn lội khắp các quân khu quân đoàn, các vùng địa bàn từng diễn ra những trận đánh, những chiến dịch lớn của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã gặp rất nhiều những vị tướng lĩnh, những anh hùng dũng sĩ để thu thập tài liệu và rồi hì hục viết ra khá nhiều cuốn sách, có cuốn hay, có cuốn chưa hay lắm, nhưng nói chung đã gần như phủ kín các mặt hoạt động, chiến đấu của quân đội ta trong chiến tranh. Cả đến những binh chủng kĩ thuật quân sự đầy mới mẻ và bí ẩn như Hải quân, Không quân, Đặc công… cũng có người viết cả rồi. Chỉ riêng có ngành tình báo quân sự thì gần như chưa có ai được thực sự chạm tới. Nói gần như, vì dù cho rất “kín cổng cao tường”, nhưng một số nhà văn, nhà báo vẫn tìm cách “khui” ra được những nguồn tin, những mảng tư liệu độc đáo và đã cho ra đời những tác phẩm văn chương, báo chí khá hấp dẫn. Nhưng dẫu sao đó vẫn chỉ là những tác phẩm ra đời theo con đường “tiểu ngạch”. Vậy mà nay chúng tôi được mời vào theo “cổng chính” để nói chuyện về việc viết về cái ngành đặc biệt này thì thực sự là một đặc ân.
Lúc đầu cuộc gặp diễn ra có phần hơi nghiêm túc, căng cứng vì hầu như có mặt tất cả các vị đứng đầu Tổng cục, cơ quan chính trị và một vài nhân vật lạ lẫm. Nhưng với cách dẫn chuyện cởi mở, có phần hơi hài hước của Tổng cục trưởng Nguyễn Chí Vịnh, không khí dần trở nên sôi nổi, thân mật gần gũi hơn. Khi tôi hỏi “Vậy chúng tôi sẽ viết những gì?” Ông Vịnh nói luôn “Các anh sẽ được tiếp cận và viết về những nhân vật tình báo quan trọng nhất của quân đội ta”. Nghe thế, chúng tôi nửa mừng nửa lo. Nhưng lại nghĩ, nói vậy thôi chứ cho đến khi tiếp cận được nhân vật thì cũng… còn chán! Ai ngờ, chỉ ít ngày sau, chúng tôi đã nhận được lời mời vào Tổng cục để “làm việc luôn”, gặp gỡ và nói chuyện với các “cụ” tình báo “gộc” ngay lập tức! Như cách nói của anh Vịnh, mời các anh vào để làm quen với các ông trước. Ai ngờ, thực ra, cuộc gặp ấy là để các cụ xem mặt và chọn người viết về mình. Là nhân vật chọn tác giả, chứ không phải tác giả chọn nhân vật! Và tôi, may mắn thế nào lại lọt được vào “mắt xanh” của ông Ba Quốc (tức Thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức). Chuyện “xem mắt” chọn người này phải đến khi đọc cuốn sách của anh Vịnh chúng tôi mới biết, chứ lúc đó tôi cứ đinh ninh rằng mình đã được “tổ chức phân công” viết về ông Ba Quốc!
Và cũng phải đến khi được đọc cuốn tự truyện Người Thầy của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tôi mới hiểu vì sao hồi đó mình tiếp cận thuận lợi đến vậy với ông Ba. Bởi vì ông là người có tính tổ chức, tính kỷ luật rất cao. Một khi tổ chức đã ra quyết định, đã phân công, đã yêu cầu làm việc gì thì ông sẽ làm đến nơi đến chốn, kể cả việc kể chuyện cuộc đời mình, một việc mà trước đó ông luôn tìm cách lảng tránh. Ông cũng tạo điều kiện cho tôi tiếp cận, hiểu rõ câu chuyện, nắm chắc những vấn đề thuộc về nguyên tắc của ngành khi thu thập tài liệu, gặp gỡ các nhân chứng và soạn thảo văn bản. Phần lớn thời gian tôi được làm việc với ông tại văn phòng của ông do Cục 12 bố trí, nhưng cũng có vài lần ông mời tôi đến nhà riêng của ông trên đường Cộng Hoà (Tp. Hồ Chí Minh). Khi tôi tới, ông nói: “Phiền anh tới đây vì hôm nay tôi hơi mệt”. Thực ra tôi cũng rất muốn đến, rất cần đến thăm gia đình ông, gặp gỡ trò chuyện với những người thân của ông, quan sát nơi ông vẫn sống “như người thường”, nhưng do giữ nguyên tắc của ngành nên tôi không dám ngỏ lời. Những lần được may mắn tiếp cận với gia đình ông, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc, tôi cũng chỉ thực hiện được khi ông cho phép...
Xin được kể thêm một chi tiết mà tôi đã bị “việt vị” trong lần đầu tiên được tiếp xúc riêng với ông. Hồi đó, đại tá nhà báo Nguyễn Trần Thiết cũng vừa in xong cuốn sách Vị tướng tình báo và hai bà vợ. Tôi đã đọc kĩ cuốn sách, coi như mình có được một chút vốn hiểu biết về ông trước khi nói chuyện với ông. Nhưng khi tôi vừa nói tới cuốn sách, ông liền xua tay “Khi làm việc với tôi, anh phải quên hết những gì người ta đã nói và viết về tôi hoặc về… những câu chuyện na ná như thế đi. Có như vậy anh mới sáng suốt, tự tin mà tự quyết định mình sẽ viết gì, viết như thế nào…”. Thật là một lời khuyên thấm thía đối với người cầm bút.
Tôi dần quen với cách đặt vấn đề cách dẫn dắt câu chuyện của ông. Tôi biết, ông rất kiệm lời, không thích kể dông dài mà chỉ chú tâm đến những gì cốt lõi nhất, quan trọng nhất. Nhưng đến khi viết, tôi lại không cầm lòng được trước những câu chuyện hấp dẫn, li kì; trước những tình huống tâm lí rất thú vị, kịch tính. Vì, suy cho cùng nó đều… rất tiểu thuyết! Cũng may, tôi còn tỉnh táo nên khi viết xong được một phần tôi lại đưa cho ông đọc thử. Ông đọc một cách một cách nghiêm túc và làm việc trên bản thảo của tôi cẩn thận như một biên tập viên mẫu mực. Ông đã thẳng tay loại bỏ những dòng, những đoạn mà tôi cho rằng rất tâm đắc, rất văn chương. Dĩ nhiên có cả tình tiết, câu chuyện, ông yêu cầu tôi loại ra vì lí do nghề nghệp, vì nguyên tắc của ngành. Vì thế trong cuốn sách tôi viết về ông còn có một số đoạn mờ nhoè, thiếu hụt (rất may, trong cuốn Người Thầy, anh Nguyễn Chí Vịnh đã khéo léo cài cắm để bù lại được một số đoạn còn thiếu khuyết). Khi đặt dấu chấm hết cho cuốn Tình báo không phải là nghề của tôi; tôi có nói với Tổng cục trưởng Nguyễn Chí Vịnh rằng, tôi đặc biệt tiếc nuối vì đã không được giúp ông Ba kể nốt quãng đời cống hiến đặc biệt xuất sắc của ông cho ngành tình báo kể từ sau năm bảy mươi lăm tới nay. Và lúc đó anh Vịnh đã hứa với tôi “Được rồi, ta tạm dừng ở đây đã. Đến một lúc nào đó chúng ta sẽ viết về quãng đời thú vị này của ông Ba. Rất có thể chính tôi sẽ phải viết, phải kể những câu chuyện ấy…”
Và bây giờ anh đã kể. Cảm ơn anh Vịnh. Những câu chuyện của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh kể trong cuốn truyện kí Người Thầy khiến tôi và nhiều người may mắn được đọc cảm thấy rất ấn tượng. Nhà thơ Hữu Việt, Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban Nhà văn Trẻ, nhân gặp tại một buổi họp của Ban chấp hành đã túm lấy tôi và trầm trồ: “Anh Thụy này, tôi vừa đọc một mạch xong cuốn Người Thầy của ông Nguyễn Chí Vịnh. Hay và hấp dẫn lắm anh ạ. Hiếm gặp một cuốn sách có phong cách kể chuyện thú vị đến thế. Trong sách có nói đến chuyện anh viết cuốn sách rất hay về ông già tình báo Ba Quốc. Vậy mà tôi chưa được đọc. Nếu được anh cho tôi đọc với”. Tôi có hứa với Hữu Việt là sẽ tìm trong kho sách của mình, nếu còn tôi sẽ gửi tặng anh, vì cuốn sách xuất bản lâu rồi, chưa có dịp tái bản.
Thiếu tướng Đặng Trần Đức (Phải), Cục trưởng Cục 12 và Trung tá Nguyễn Chí Vịnh, Cục phó Cục 12 tại 3A Bạch Đằng, Tp. Hồ Chí Minh năm 1994 |
Cuốn sách của Nguyễn Chí Vịnh chọn người thầy làm nhân vật trung tâm. Chọn chuyện dạy người dạy nghề, học làm người và học làm nghề là chuyện chính. Tác giả không định chủ tâm kể chuyện làm tình báo. Nhưng vì thầy ấy, dạy nghề ấy, trò ấy học nghề ấy, nên cuối cùng thì những câu chuyện tình báo, những chiến công lẫy lừng nhưng hết sức thầm lặng của ngành tình báo quân sự vẫn cứ hiển hiện một cách hết sức tự nhiên. Các chiến dịch tình báo, các điệp vụ, công việc bếp núc của một trợ lí tình báo, hay công tác tham mưu lập kế hoạch tình báo cho cả một chiến dịch lớn, xây dựng quan điểm tình báo trong thời điểm thế giới có những biến động địa chính trị và cạnh tranh nước lớn khốc liệt… tất cả vừa là diễn biến thực của nhiệm vụ tình báo trong thời kì mới sau chiến tranh giải phóng, vừa được dùng như những “học liệu” để thầy dạy trò. Cuối cùng bao trùm lên tất cả là những bài học về một cuộc chuyển giao thế hệ không hề dễ dàng, không chỉ của riêng ngành tình báo trong giai đoạn vừa qua trên đất nước ta...
Đọc cuốn sách của Nguyễn Chí Vịnh, chúng ta sẽ thấy đần dần phát lộ một cách tự nhiên chân dung của một người thầy và của những người học trò vừa theo những chuẩn mực truyền thống “tôn sư trọng đạo”, vừa hài hoà với những phẩm chất mới mẻ của người thầy và những người học trò của thời đại mới, trong những môi trường rất đặc biệt: người thầy thì vừa dạy vừa làm lại vừa học tập hàng ngày tự tích luỹ thêm kinh nghiệm, kiến thức, tự làm mới mình; học trò thì cũng vừa học vừa làm, vừa học từ thầy vừa tự học từ thực tiễn, từng bước nâng mình lên từ lúc còn phải cầm tay chỉ việc đến khi có thể tự “bay đơn”, tự ra quyết định trong những tình huống khó khăn ngặt nghèo…
Nhân vật trung tâm, đại diện cho những người thầy trong cuốn sách của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là nhà tình báo chiến lược, Thiếu tướng Đặng Trần Đức (ông Ba Quốc). Ngay trong những lần gặp mặt đầu tiên với chúng tôi, tướng Nguyễn Chí Vịnh đã giữ trọng trách Tổng cục trưởng Tổng cục 2; còn ông Ba Quốc lúc đó đã nghỉ hưu, những vẫn được tổ chức yêu cầu giữ vai trò cố vấn cho lãnh đạo chỉ huy Tổng cục. Nhưng mỗi khi nhắc tới ông, tướng Vịnh vẫn luôn gọi là “Thầy tôi” với giọng nói ngọt ngào và rất đỗi tự hào. Đến khi thầy qua đời, ông ứng xử theo đạo hiếu đễ thầy trò truyền thống. Ông coi gia đình của thầy như gia đình mình, anh chị em trong nhà thầy cũng như là anh em ruột thịt. Đến nay, khi thầy đã qua đời nhiều năm, người học trò “đắc ý” nhất của thầy sau nhiều năm giữ trọng trách Tổng cục trưởng, rồi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cũng đã hoàn thành nhiệm vụ, được về nghỉ hưu, nhưng tình cảm đồng chí đồng đội sắt son, nghĩa thấy trò trong ông vẫn sâu đậm như vậy. Đó là một thứ tình cảm trân quý mà trong xã hội ta hôm nay dường như đang ngày càng hiếm hoi...
Trong cuốn sách của mình, không ít lần tác giả thốt lên, rằng mình thật may mắn, hạnh phúc khi có được một người thầy như vậy: “Tôi cảm thấy tự tin khi có một ông thầy như vậy, vừa là thầy vừa là thủ trưởng, vừa dạy vừa giao đề bài cho tôi, vừa rèn rũa tôi làm cho tốt, vừa đánh giá nghiêm khắc kết quả tôi thực hiện. Một người thầy toàn diện như thế, quả thực tôi không mong mỏi hay đòi hỏi gì hơn”.
Nhưng để nên người, trong cuộc đời mỗi chúng ta thường không chỉ có một người thầy. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng vậy, trong cuốn tự truyện này, ông đã kể về rất nhiều những người đã góp phần dạy ông làm nghề, làm người... Ngoài ông Ba Quốc, ông còn kể chi tiết về hai ông thầy rất lừng lẫy khác, đó là ông Hai Trung (Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn) và ông Sáu Trí (Thiếu tướng tình báo Nguyễn Văn Khiêm). Cả hai ông thầy này đều được ông “thầy cả” là ông Ba Quốc uỷ thác dạy học trò cưng của mình những sở trường, những ngón nghề tình báo khác nhau. Khi giao học trò cho ông Hai Trung ông Ba dặn: “Cậu ạ, trước sau gì mình cũng làm tình báo ngoại, mà trong nghề tình báo có một lĩnh vực rất lợi hại, đó là thu thập tin tức thông qua môi trường truyền thông, báo chí, cậu phải học lấy một ít… Mà trong lĩnh vực này không ai hơn anh Hai Trung… Nên cậu chịu khó, tranh thủ làm trợ lý cho anh Hai Trung một thời gian…”. Được thầy giao bài như vậy, ông Vịnh đã ngoan ngoãn hào hứng thực hiện việc đi làm trợ lý cho ông Hai Trung để học nghề, mặc dù trên danh nghĩa lúc đó ông đã là Cục phó Cục 12. Cắp cặp theo ông Hai làm trợ lí để học việc được hơn một năm thì ông Hai dắt cậu học trò trả lại cho ông Ba, bảo: “Tôi hết vốn rồi, trả cậu Vịnh lại cho anh”. Người thầy nhận lại cậu học trò Cục phó và lại âm thầm xây dựng một “giáo án” khác, hóc búa hơn để chuẩn bị cho học trò của mình đủ sức đảm nhiệm những nhiệm vụ nặng nề hơn. Một hôm ông mời ông Sáu Trí (Thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm) đến, ông Sáu Trí từng là thủ trưởng cũ của ông Ba Quốc, là Trưởng phòng tình báo Miền Nam j22. “Anh Sáu ạ, tôi hướng dẫn cậu Vịnh hơn mười năm, tôi dạy cậu ấy nghiệp vụ, cậu ấy làm tốt, nhưng nay tôi hết vốn rồi! Năm trước tôi có giao cậu Vịnh cho anh Hai Trung, nhờ anh Hai bồi dưỡng, dạy cậu ấy về tình báo ngoại và tình báo công khai. Nhưng bây giờ phải chuẩn bị cho vị trí Cục trưởng, tôi nhờ anh dạy cậu ấy về công tác kế hoạch, công tác tham mưu chỉ đạo”… Rồi ông nói luôn “Anh giúp tôi dạy cậu ấy”. Một lời uỷ thác nặng như Thái Sơn khiến ông Sáu Trí không thể từ chối...
Khác với Hai Trung, ông Sáu Trí là người của những chuẩn mực trong ứng xử và cả trong công việc. Bằng sự tận tuỵ và khiêm nhường, ông đã làm rất tốt vai trò của người thầy hướng dẫn học trò học những phẩm chất, kĩ năng của một người lập kế hoạch và làm công tác chỉ huy, tham mưu tình báo. Đó là những thứ được coi là “những mảnh ghép cuối cùng” để ông Vịnh trở thành một người có thể đảm đương những trọng trách của ngành tình báo quân sự trong tương lai gần. Hơn một năm sau, ông thầy này cũng tự thấy mình đã “hoàn thành nhiệm vụ”, đã “hết vốn” và đem cậu học trò đặc biệt này trả lại cho ông “thầy cả”. Nhưng khác với ông Hai Trung, ông Sáu Trí làm thủ tục “bàn giao” học trò của mình một cách hết sức nghiêm túc, chỉn chu với một bản báo cáo chi tiết, đầy đủ về quá trình dạy và học của hai thầy trò, khiến chính học trò của mình phải “thêm một lần nữa kinh ngạc trước trí tuệ và sự nghiêm túc, chỉn chu của một ông già gần bảy mươi tuổi”. Trong bản báo cáo dạy, học “ông ấy khen tôi thì khen đích đáng, chính xác; mà chê thì gọi là chê đến chết người, chê đúng tim đen. Một bản nhận xét chuẩn chỉ như sách giáo khoa của thầy đối với học trò”. Một người thầy, đến động tác cuối cùng vẫn trở thành mẫu mực, vẫn cứ là một “bài học” đối với học trò của mình…
Nhân nói về ông Sáu Trí, người viết bài này cũng từng rất hân hạnh được nhiều lần gặp ông, nghe ông kể chuyện đời mình, kể chuyện làm tình báo trong lòng địch và làm chỉ huy, tham mưu tình báo ở chiến trường Miền Nam (j22), nhưng đến tận ngày hôm nay tôi vẫn còn nợ ông một lời hứa chưa hoàn thành. Trong sổ tay ghi chép của tôi vẫn còn ghi một chữ “nhẫn” và câu nói rất sâu sắc của ông “Chờ đợi cũng là một nghệ thuật, cũng là một cách sống, cũng là lòng trung thành…”. Xin cảm ơn những điều mà ông đã làm, đã để lại và đã truyền dạy cho thế hệ chúng tôi.
Có được những người thầy như vậy thật hạnh phúc cho những người học trò, hạnh phúc cho một thế hệ đã được lớp đàn anh, tiền bối đi trước tận tình dìu dắt chỉ bảo, vừa theo đạo thầy trò, vừa theo tinh thần đồng chí đồng đội, thể hiện trách nhiệm cao với Đảng, với dân, với quân đội trong công tác cán bộ, trong chiến lược dùng người…
Khuất Quang Thụy
Nguồn Văn nghệ số 9/2023