Sự kiện & Bình luận

See tình

Dương Thanh Truyền
Đời sống
08:00 | 12/08/2024
Baovannghe.vn - Tiếng Anh ngày nay đã trở thành năng lực giao tiếp toàn cầu. Nhiều bạn trẻ nước ta bây giờ mỗi ngày đang ăn, đang sống, đang mơ với tiếng Anh
aa

Ca khúc… “See tình” (Hoàng Thùy Linh, DTAP) ra đời từ năm 2022, đến đầu năm 2023, sau khi được cộng đồng mạng tạo ra những điệu nhảy thú vị trên nền nhạc dựng lại, đã vượt khỏi biên giới xứ ta, làm thành nhiều cơn sốt tại Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ… Thời đại phẳng, dân ta đi làm, đi học, đi chơi, lấy chồng lấy vợ, giao lưu văn hóa, học thuật, giải trí khắp nơi. Chuyện nghe nhìn, chuyện ăn nói hai ba thứ tiếng không còn là chuyện hiếm. Nhưng trái với lối sính ngoại, phô trương, ưa khoe chữ; thói biếng nhác, thiếu trách nhiệm, lười chuyển ngữ, việc nhiều người bây giờ chơi chữ song ngữ, xem ra đã không còn là của hiếm! Và cái tên “See tình” là một trong những ví dụ đó!

Tây ta kết hợp

Một nhà báo kể: Trên chuyến tàu tốc hành từ Ý qua Pháp, một vị khách vừa bước lên toa, gật đầu chào và nói: Chào! Vui mừng và xúc động biết bao khi gặp một người nước ngoài biết nói tiếng Việt. Nhưng sau đó, mới ngộ ra mình đã “bé cái lầm”, ông ấy nói tiếng Ý: Ciao!

Đây là một trường hợp ngẫu nhiên, khi hai ngôn ngữ có chung một từ gần âm đồng nghĩa.

See tình
Nhà văn Dương Thanh Truyền

Nhà văn Dương Thanh Truyền có nhiều tập sách được bạn đọc yêu thích:

-Tạp bút "Ký ức về nước mắt và tiếng cười"

- Tạp văn "Chuyện gái trai"

- Du ký "Trên đường về nhớ đầy"

- Phiếm đàm "Trái tim có hình hộ chiếu"

- Tạp văn "Bắt đầu bằng để lại" (NXB Trẻ ấn hành năm 2023)

Tự teen sải bước vào… tương life!

Chuyện cuối tuần trên Tiền Phong (14/11/2010), tác giả Trí Quân có công vừa phát hiện vừa… phát kiến một câu chuyện chữ nghĩa như sau: “Ghé hiệu sách, bắt gặp một cuốn dạy làm người với cái tít vui vui “Tự teen sải bước vào đời”. Chợt nảy ngay trong đầu hai chữ “tương life” (tương lai) chưa từng thấy ai dùng: “Tự teen sải bước vào tương life” chẳng hạn, cho nó teen … hết cấp luôn!”.

Sách Tự teen sải bước vào đời, giúp các bạn tuổi teen tự tin vào đời, hiện vẫn còn được rao bán trên mạng. Còn chữ tương life để chỉ tương lai thì chưa thấy có thêm ai sử dụng. Cả hai cách diễn đạt này, đều dùng kế đồng âm để chơi chữ.

Tháng 3/ 2012 đã xảy ra một xì căng đan trong cuộc thi “Bước nhảy hoàn vũ” mùa thứ ba. Một nữ ca sĩ trong phần thi của mình đã có đoạn hát nhép bằng giọng của một giảng viên thanh nhạc. Một nhà báo đã viết: “M.H. không thể vô can trong việc sử dụng đoạn vocal của L.A trong Bước nhảy hoàn vũ”.

Năm 2018, ca sĩ Chi Pu cho ra mắt album, thể loại nhạc jazz, có tên gọi: “Mời anh vào team em”. Gần đây, một công ty du học tổ chức chương trình du học tại chỗ qua kênh trực tuyến, đã tung ra slogan: “You học e - learning”.

Dân bàn nhậu thường ca ngợi ông bà ta từ xa xưa đã thông thạo… tiếng Anh. Bằng chứng là tiếng ta có từ đất đai! Giải nghĩa như sau: Ai mà dính tới đất đều phải đai (die); còn ai đã đai đều phải về với đất! Chỉ có dân nhậu mới nghĩ được chuyện như vậy! Còn dân trên mạng, thường bình chọn những chuyên gia “like dạo” - những người sáng mở mắt ra cứ thấy ai quen là like, like xong vẫn không rõ vì sao like, không rõ vì sao like mà hàng ngày vẫn cứ like, để ban tặng cho danh hiệu “Như Like thần chưởng”!

Riêng mấy anh chàng đào hoa, khi đề tặng cho các cô nàng “người yêu các loại” liền thêm một chữ Mai trước tên riêng của nàng: Mai Thảo, Mai Tâm, Mai Anh, Mai Tuyết, Mai Lan… kèm một lời giải thích thì thầm bên tai: Mai = My (tiếng Anh) = của anh! Người bên ngoài chắc khó đoán định nhưng người trong cuộc thì lại sướng rơn.

Nên bạn đừng ngạc nhiên khi một khách sạn 5 sao nằm ngay góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Ngô Thời Nhiệm (Quận 3, Tp Hồ Chí Minh) có một cái tên vừa ta vừa Tây: Mai House = Nhà tôi.

Xem ra chiêu thức đồng âm này được áp dụng nhiều vào việc đặt tên cửa hàng, cửa tiệm, nhãn hiệu, thương hiệu…

Lý do, vừa gây được ấn tượng với khách hàng , vừa không bị bắt lỗi ngữ pháp, vì tên riêng mà:

Tạp chí 2! Đẹp (Chào! Đẹp). Cà phê Phiêu Linh (Felling coffee). Cà phê Triết (Treat coffee, Hội An). Bên bờ kênh Nhiêu Lộc (Sài Gòn) có mấy tiệm tên Ốc boo, Quán Cok… Trên đường Lý Thường Kiệt đoạn ngã ba Bắc Hải (Quận 10, Tp Hồ Chí Minh) có một quán bar tên Ngã Bar Đường. Trên đường Sư Vạn Hạnh (cũng đoạn qua quận 10) có tiệm bún riêu tên Bún Real Cua Đồng!

Quốc cúp

Cây bút Long Thảo, người Việt trên đất Pháp, trong “Vui Quốc khánh, chờ rước cúp” (Tuổi Trẻ, 15/7/2018), đã trình làng một kiểu chơi chữ bất ngờ bằng đồng âm song ngữ với: “Cách đây 20 năm, khi Pháp vô địch “Quốc cúp” trên sân nhà…” Quốc cúp = World Cup, nhưng World Cup lại là quốc cúp vì năm đó, nước Pháp đã giành được cúp ngay trên đất nước mình!

Quá hay!

Ôm - Hôn - Phờ Ra Đây!

“Ôm – Hôn – Phờ Ra Đây” là cách mấy ông thầy giáo Vật lý cấp 3 tổng kết các định luật đã dạy cho học sinh bằng cách… chuyển âm: Olm + Hall + Faraday! Còn vào bữa nhậu mừng sinh nhật, anh em rót tràn ly bia rồi nâng ly hô lớn: Hớp bia bớt đây! (Happy Birthday).

Bạn có biết Coca Cola vào xứ Hoa ngữ chuyển thành “Khả Khẩu Khả Lạc”, và Pepsi Cola = “Bách Sự Khả Lạc” không?

Có giai thoại kể rằng, Sài Gòn xưa có nhà hàng Back Here rất nổi tiếng. Ông chủ cảm thấy cái tên này quá xa lạ, khó phát âm với số đông thời đó, liền nghĩ kế đặt ra giải thưởng cho ai đặt được một tên hay mà không cần thay đổi hoàn toàn thương hiệu. Kết quả là Bách Hỷ được chọn. Chuyện này thực hư không rõ, nhưng đây là bài học cho những người làm nghề quảng cáo – tiếp thị.

Hãng nệm gối Dulopillo, từng tung ra chiến dịch quảng bá với slogan: Đừng lo bị lỗ. Và một chuyên gia tiếp thị đã ra một loại bài tập cho học viên thực hành chuyển âm trong xây dựng thương hiệu. Kết quả là: “Parkson” = Bách Xuân, nghe cũng rất hợp với tên gọi của trung tâm thương mại; “Triumph” = Tri Âm / Trai Ôm, nghe cũng rất trúng với… khách hàng mục tiêu!

Có bài báo giật tít “Singer hay là xin – de” kể chuyện: Có người mua máy may Singer, gặp phải hàng chất lượng kém, đòi nhà bảo hành bồi thường nhưng họ không chịu, thế là từ nay xin de, xin chừa, thôi không mua hàng ở cửa hàng đó nữa.

Thật ra, cách này, cũng… Diễm xưa rồi!

Dân ta đã từng gọi tướng Mỹ Westmoreland là Vét Mỡ Lợn, gọi huấn luyện viên Anh (Harry) Redknapp là Rách Nát, cười xe Yamaha chỉ dành cho mấy ông Già mà ham, chọc ghẹo anh thủ môn đội tuyển Lào ra vào không hợp lý bằng cái tên Vô Vô Hẵn Ra Ra Hẵn! Và trêu nghịch các tài tử xứ kim chi bằng mấy cái tên gây sốc: Kim Đâm Chim, Chim Đang Sung, Chơi Xong Dông...

Nói cười… không biên giới

Tiếng Anh ngày nay đã trở thành năng lực giao tiếp toàn cầu. Nhiều bạn trẻ nước ta bây giờ mỗi ngày đang ăn, đang sống, đang mơ với tiếng Anh, nên cũng đang nói đang cười theo một kiểu cách chưa từng có: xóa mờ ranh giới, trộn lẫn Việt – Anh, thậm chí tạo ra kiểu cấu tạo từ mới!

Như thơ như nhạc

Dễ thấy nhất, là kiểu nói có vần có điệu như thơ, như nhạc dựa vào khả năng đồng âm giữa tiếng ta và tiếng xứ người!

Khi thì để tự giới thiệu:

Người ta gọi em là xinh gái. Trạng thái của em là single (đọc là xinh – gồ, nghĩa là độc thân);

Trứng hấp cần gì mỡ

Bắp luộc cần gì bơ

Bởi vậy nên bây giờ

Tôi vẫn forever (pho – rê – vơ, mãi mãi… vẫn độc thân!).

Khi thì để đám con trai tỏ tình:

Khi thấy em, anh see (si) tình; Anh đang hóng heart (hớt, trái tim), để đợi tin em… Hoặc các cô nàng “thả thính”:

Muốn đi bắt cọp thì vào sở thú, muốn tìm chỗ trú thì vào team (tim, đội nhóm) em; Có con mèo be bé,

Nằm bên cạnh cây me

Này cái cậu cu - te (cute: dễ thương),

Làm người yêu tớ nhé!

Lúc khác, là để “còm - men”:

Tuy chúng ta cùng team, nhưng trong tim không có nhau!

Đẹp trai nhiều like (lai, thích)

Đáng yêu nhiều view (viêu, xem).

Ai đọc Harry Potter đều biết chúa tể hắc ám Voldermort không có mũi, nên bạn trẻ chọc ghẹo kẻ “ác nhân” bằng câu đố: Voldemort hát ru con như thế nào? Giải đáp: "Chị ong nose nose nose nose, chị bay đi đâu đi đâu" (nose, đọc là nâu, nhại theo bài hát thời tiểu học “Chị ong nâu và em bé” củaTân Huyền).

Người ta rao: Tuyển nhân viên 8time (8 = bát, bát gần âm với part; part – time: bán thời gian). Và câu tục ngữ “Sông có khúc, người có lúc”, lập tức biến thành: “Sông có cook, người có look”…

Theo chiều ngược lại, trong tiếng Anh có một câu nói rất câu phổ biến là “Bad boys ain’t good, good boys ain't fun!” (Trai hư thì không ngoan, trai ngoan thì không vui) được các em nhà ta “biến tấu” thành: “Bad boys ain’t good, good boys an tâm!”. Ain’t gần âm với an, nên giữ được cái hay của câu này nhờ vào cấu trúc điệp âm.

Nói lái song ngữ: tại sao không!

Có một câu “mắng nhau” nổi tiếng trên mạng: Não ít nên dùng nick ảo.

Và một số mẩu “chuyện tình tự kể”, sưu tập được từ mạng xã hội:

Một cô gái bày tỏ trạng thái: New Year sắp đến. Sao bằng near you (được gần anh). Một anh chàng buông lời ong bướm: Anh xin hơ gót cho nàng hot girl!

Một anh chàng, gõ cửa nhà người tình vào lúc sập tối. Cửa mở, anh liền nói với… người ta: I love you nên ai lú vô! Lại có một chàng trai nữa, cứ luôn bị người yêu đòi dẫn đi mua sắm, lần nọ phải tìm cách nhắc khéo: Đi shopping thì phải xin bóp! Kèm theo là động tác móc cái ví xẹp lép ra mà trình làng…

Một anh chàng khác, mời “người trong mộng” của mình đi chơi quán bar, nhưng bị nàng thẳng thừng từ chối. Sau đó phát hiện người ấy lại đi chơi thâu đêm với… một thằng khác, liền bực tức nhắn tin trách móc: Ai vờ nô nhưng vẫn over night (qua đêm)!

Còn đây là một câu chuyện nhằm phê phán căn bệnh… “tiểu đường” của một số “ông chủ” ở xứ ta với một cái kết rất chát, rất đắng:

Dừng xe đái bậy like a boss (lai ơ bót, như ông chủ)

Đái xong quay lại lost a bike (lót ơ bai, mất xe đạp)

Lần sau hãy nhớ buy a lock (bai ơ lốc, mua cái ống khóa)

Trước khi đái bậy lock your bike (lốc do bai, khóa xe của bạn)!

Và… hơn thế nữa!

Mấy bạn trẻ cuồng bóng đá thuộc vào hàng… ngoại hạng đã tìm cách đem về… xứ ta những tên tuổi từ cầu thủ đến huấn luyện viên.

Kiểu 1 là theo phương pháp “dịch nghĩa”:

Gareth Southgate (đội tuyển Anh) = ngài Cửa Nam;

Mason Greenwood (câu lạc bộ Manchester United) = anh Gỗ Xanh / chàng Lục Lâm;

Mason Mount (Chelsea) = anh Núi;

Danny Drinkwater (Chelsea) = anh Uống Nước - Không Nhớ Nguồn (nhại theo tục ngữ),

Ben White (Arsenal) = chú Ben Trắng - Tai Không Đen (nhại theo tên phim)… Bởi vì: south – là phương nam; gate – là cổng, là cửa; green – xanh lá cây, tức màu lục; wood – là cây, là rừng (lâm); mount – núi; drink – uống; water - nước; white – trắng…

Riêng những Tuchel (Chelsea) = Tú Chè, Gerard Piqué (Barcelona) = Bích Khuê, Anthony Martial (Manchester United) = Mã Tiến An, Son Heung – min (Totteham) = Huỳnh Minh Sơn, và Mikel Arteta (Arsenal) là Mì Cay Anh Tên Tạ… lại theo kiểu 2, bằng phương pháp “chuyển âm”!

Tiếng Anh có một loại tiếp vĩ ngữ (hậu tố) -er khi gắn vào phía sau một từ gốc sẽ tạo nên từ mới (danh từ) chỉ người / vật đang hoạt động: teacher (thầy giáo), learner (người học), worker (công nhân), heater (máy sưởi), air – conditioner (máy lạnh)… Na ná như kiểu chữ giả trong tiếng ta: độc giả = người đọc; khán giả = người xem; thính giả = người nghe; sứ giả = người đi sứ; tác giả / soạn giả = người sáng tác; học giả / thức giả = người có hiểu biết sâu rộng…

Chế biến theo cách làm này, bạn trẻ thời nay đã tạo ra một kiểu diễn đạt theo… “ngữ pháp” mới với “quy trình tạo nghĩa” như sau:

should (trợ động từ tiếng Anh): nên, vậy shoulder = nên người;

work (động từ): làm, vậy worker = làm người;

become (động từ): thành, vậy becomer = thành người!

eyeliner, từ chỗ là bút chì kẻ mắt, đã biến thành… người: Không ai quan trọng bằng eyeliner! Đúng kiểu ngôn tình Kim Dung, như Trương Vô Kỵ trong Ỷ Thiên Đồ Long ký đã từ bỏ hết thảy để đi cùng Triệu Minh, trở thành người kẻ mắt, kẻ lông mày cho nàng suốt đời!

Xem đến đây, quý bạn đọc đã thấy ngẩn nger chưa, đã thấy cool ngầu chưa, đã thấy đỉnh kout chưa?

See tình
Sách Tình ca tiếng nước ta

Bài được trích đăng từ sách Tình ca tiếng nước ta của tác giả Dương Thành Truyền. Nhà báo Dương Thành Truyền (còn có bút danh Duyên Trường).

Ông có 2 năm đi bộ đội, 5 năm dạy văn, 10 năm làm sách, 12 năm làm báo, 25 năm công tác Đoàn, Đội… Ông là tác giả của Ký ức về nước mắt và tiếng cười (tạp bút), Chuyện gái trai (tạp văn), Trên đường về nhớ đầy (du ký), Trái tim có hình hộ khẩu (phiếm đàm), Di chúc của Bác Hồ - một giáo trình tiếng Việt độc đáo.

Dương Thanh Truyền | Báo Văn Nghệ

--------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Nhiều cây bút trẻ đang Tây hóa: Có đáng lo ngại? “Đổi mới” viết hoa và “Đổi mới” không viết hoa Bảo vệ tiếng Việt mới là điều cấp thiết Quyển sách tiếng Việt đầu tiên Hãy cứu lấy tiếng Việt!
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.