Là một người dạy học, tôi nhận thấy phần Tiếng Việt ở 2 cấp học sau cùng này gần như chỉ “gá” vào cho đủ thành phần; còn trên thực tế, cả trong dạy, học và thi cử, nó đã bị xem thường và bỏ qua. Đây là một tai họa. Nó dẫn đến thực tế rằng đa số học sinh và cả không ít giáo viên đã không biết nói và viết tiếng Việt một cách thông thạo và hiệu quả. Tình trạng kỹ sư, cử nhân... viết “không ra hồn” một lá đơn hay một bản trình bày về một công việc, một sự việc gì đó... là khá phổ biến.
Học sinh trong một giờ Ngữ văn. Ảnh: Hoctot |
1. Mặc dù ai cũng biết rằng “văn chương là một loại hình nghệ thuật ngôn từ”, nhưng không phải vì thế mà đồng nhất nó với ngôn ngữ của một quốc gia. Văn chương chỉ là một loại “phong cách ngôn ngữ” bên cạnh các phong cách khác như ngôn ngữ hành chính, ngôn ngữ sinh hoạt, ngôn ngữ khoa học, ngôn ngữ chính luận, ngôn ngữ báo chí v.v... Trong khi đó, nó chưa hẳn đã là thứ “phong cách ngôn ngữ” mà người dân sử dụng thường xuyên, liên tục và gắn chặt với cuộc sống của họ mỗi ngày, nếu so với các dạng phong cách và các loại hình văn bản khác. Việc đặt trọng tâm vào nội dung văn học/văn chương là chúng ta đã biến môn học quan trọng này thành một môn nghiên cứu/phê bình văn học trong nhà trường phổ thông. Tất nhiên, nó cũng chẳng tới đâu, vì “nghiên cứu-phê bình kiểu lớt phớt dạo chơi.
Văn học/văn chương là một môn nghệ thuật. Nó cũng như hội họa, điêu khắc, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh... Tất nhiên, do tính lịch sử của mình, văn học/văn chương có thể quen thuộc hoặc có vị trí nhất định của nó trong toàn bộ tiến trình văn hóa của một cộng đồng. Tuy nhiên không phải vì thế mà dành cho nó một đặc ân bất thường như cái cách mà nó đang được dạy trong nhà trường. Môn Tiếng Việt (Việt ngữ/Quốc ngữ) cần được dạy xuyên suốt chương trình phổ thông và đánh giá năng lực tiếng Việt trên phương diện quốc gia, chẳng hạn như đưa vào đề thi tốt nghiệp THPT. Còn Văn học/Văn chương thì nên đối xử như đang đối xử với Âm nhạc, Mỹ thuật trong chương trình phổ thông hiện nay. Tách môn Văn học ra khỏi Ngữ văn, nó sẽ được những học sinh có năng khiếu hoặc có đam mê chọn học để thỏa chí hoặc để theo đuổi như một nghề nghiệp. Còn như bắt tất cả hàng triệu học sinh phải học văn chương suốt bậc phổ thông với tư cách là một loại hình nghệ thuật, điều đó rất phản khoa học. Có bao nhiêu em thích văn chương, có bao nhiêu em muốn chọn văn chương làm nghề nghiệp tương lai, mà lại bắt học sinh cả nước phải học như thế? Điều quan trọng nữa là nó có ích gì, hay chỉ gây tác hại khi ép buộc cả những ai không thích nhưng phải cố sức mà học thuộc văn mẫu?
2. Tiếng Việt là thứ ta sử dụng hàng ngày, nó là một phương tiện, một công cụ trọng yếu của mỗi người trong biểu đạt, chia sẻ, học hỏi... và thực hiện các quyền công dân của mình. Nhưng do không được dạy dỗ một cách đến nơi đến chốn, ngày nay dù học suốt 12 năm ròng rã nhưng đa số không viết nổi một bài luận với chủ đề quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày, không trình bày nổi một sự việc khi gặp rắc rối, không biểu lộ được quan điểm của mình trước các vấn đề xã hội hàng ngày. Đó là một thực tế chua chát!
Bởi vậy, việc dạy “văn” và học “văn” có lẽ đã đến lúc cần trở về với đúng cái vị trí và nhiệm vụ của nó, đó là dạy cách sử dụng tiếng mẹ đẻ. Học “văn” là để nghe, đọc, nói và viết tiếng Việt một cách chính xác, thành thạo và hiệu quả, tức là đúng và hay. Đó là lý do nên đổi tên môn học thành Việt ngữ hay Quốc ngữ như đã trình bày trên đây. Xin chớ coi thường cái mục đích nghe có vẻ “tầm thường” này, vì đó chính là bản chất của giáo dục khai phóng. Khi người ta có những ý tưởng trong đầu, nếu họ không viết (hoặc nói) nó ra thì những ý tưởng ấy cùng lắm cũng chỉ như một đám sương mù mờ đục. Viết và nói không phải chỉ đơn thuần là trình diễn cái suy nghĩ có sẵn của mình ra, mà đó chính xác là cách rèn luyện tư duy. Chính năng lực ngôn ngữ đã mang đến tư duy, óc luận lý và sự sâu sắc của tinh thần. Học viết và nói chính là con đường đưa chúng ta tới ánh sáng của trí tuệ.
3. Chương trình 2018 của Bộ GD-ĐT, trong mục tiêu luôn nhắc đi nhắc lại 4 chữ đọc-viết-nói-nghe, tuy nhiên trước nó luôn là chữ “thông qua”, nghĩa là dường như chương trình cũng chỉ mới coi các hoạt động này là một thứ phương tiện chứ không phải là mục tiêu như là một phạm trù có tính khoa học trong một môn khoa học. Cách quan niệm này theo chúng tôi là không chính xác. Cần phải coi năng lực nói, viết (và đọc, nghe) là mục tiêu, còn tất cả những gì có được sau nó là hệ quả mà thôi. Chỉ có quan niệm như thế thì mục tiêu mới có thể đạt được bởi những thao tác sư phạm hữu cơ của nó; đồng thời tất yếu sẽ đưa tới hệ giá trị là các phẩm chất và năng lực tích cực.
Nhìn vào mục tiêu ở Chương trình 2018 thấy rằng cái trọng tâm và là đặc thù của môn học đã bị lu mờ trước rất nhiều mục tiêu mang tính đao to búa lớn. Không những thế, những mục tiêu này còn “lấn sân” sang cả các môn học khác, ví dụ môn Đạo đức, môn Giáo dục công dân (cũ)... vì nó mang nặng tính đạo lý. Bởi thế, một lần nữa, mục tiêu sử dụng tốt tiếng Việt phải được nhắc lại, nhấn mạnh, và nâng lên hàng đầu như một yêu cầu cao nhất đối với môn học quan trọng này. Theo đó, hàng loạt thứ cần phải thay đổi căn bản: xây dựng cấu trúc, áp dụng phương pháp, tổ chức dạy học v.v...
Cũng từ việc xác định lại mục tiêu môn học, thì tính chất tích hợp và liên môn trong mục tiêu, nguyên tắc và phương pháp của giáo dục phổ thông sẽ tự khắc được đặt ra và giải quyết một cách hữu cơ, chứ không còn là sự ghép nối cơ học nữa.
4. Theo tinh thần thay đổi mục tiêu môn học như đã trình bày, bước đầu chúng ta có thể hình dung ra những việc cần làm gấp, như: tập trung dạy nghiêm túc về chính tả, về giải nghĩa từ ngữ, về cách sử dụng từ ngữ... đến cách viết câu văn sao cho đúng ngữ pháp, tạo lập văn bản một cách chặt chẽ, logic, truyền đạt được điều muốn nói, cần nói một cách trọn vẹn và có tác động mạnh mẽ. Không những thế, cần phải dạy cho học sinh biết cách viết các loại hình văn bản khác nhau sao cho đúng đặc trưng về phong cách, không những chuẩn mực mà phải đạt đến mục tiêu là sáng sủa, mạch lạc, hay, đẹp và giàu.
Cách dạy tiếng Việt cũng phải thay đổi căn bản, không nên tiếp tục dạy “tri thức tiếng Việt” cho học sinh như dạy cho các sinh viên ngành Ngôn ngữ học. Cách đó vừa uổng phí thời gian, vừa không hứa hẹn mang lại kết quả. Một học sinh biết phân biệt từ loại, biết phân tích các thành phần câu, biết gọi tên các phép tu từ... thì cũng tốt thôi, nhưng cái quan trọng là chúng có ích gì cho việc nói-đọc-viết-nghe? Chúng ta có thể hình dung điều này khi nhớ đến các thế hệ cha ông ở làng, họ không đi học, không biết chữ nhưng họ đã nói một thứ tiếng Việt rất giàu hình ảnh, tinh tế và đầy giá trị biểu cảm. Rất hiếm khi thấy ông bà và cha mẹ chúng ta nói một câu tiếng Việt sai ngữ pháp.
Vì vậy, dồn trọng tâm vào việc dạy ứng dụng và thực hành, không nặng nề tri thức ngôn ngữ học, đó là một tinh thần cần được thực hiện, càng sớm càng tốt. Đã đến lúc nên tách Văn học/Văn chương ra thành một môn riêng như Âm nhạc, Mỹ thuật... và ai thích thì lựa chọn, như tất cả các môn tự chọn khác trong chương trình. Theo đó sẽ tập trung dạy tiếng Việt thật chu đáo. Đó là cách cứu vãn tiếng Việt trước tình thế quá bi thảm hiện nay. Xin lưu ý và nhấn mạnh một lần nữa: Tách môn Văn học ra khỏi môn Tiếng Việt, nhưng không phải là không được sử dụng tác phẩm văn học như là một phương tiện để dạy tiếng Việt!
Thái Hạo | Báo Văn nghệ
----------
Bài viết cùng chuyên mục: