Văn hóa nghệ thuật

Tiền nhiều để làm gì?

Dương Thành Truyền
Sách
09:11 | 10/08/2024
Baovannghe.vn - Từ câu hỏi Tiền nhiều để làm gì? (dĩ nhiên câu hỏi dành cho người giàu có), đã xuất hiện câu hỏi của những người nghèo khổ - Làm gì để nhiều tiền?
aa

Tiếng nước ta có một khả năng không phải xứ nào cũng làm được: nói ngược!

Xin nói ngay, chuyện nói ngược đang bàn, không phải là kiểu vè nói ngược:

Nghe vẻ nghe ve / Nghe vè nói ngược / Ngựa đua dưới nước / Tàu chạy trên bờ / Lên núi đặt lờ / Xuống sông đốn củi / Gà cồ hay ủi / Heo nái hay bươi / Nước kém ba mươi / Mồng mười nước nhảy…

Đó là cái sự ngược đời, nghịch lý, trái với tự nhiên, không hợp lẽ thường mà ông bà ta xưa nay vẫn hay nói hay hát để ghẹo, để cười, để giễu cho vui là chính!

GS Trần Văn Giàu, đã từng viết: “Tôi vốn không phải là một nhà sử học, tôi chỉ là một người học sử” (Lời nói đầu, Chống xâm lăng, NXB Tổng hợp Tp. HCM). TS. Lê Thanh Hải, có nêu rõ trong sách Giá trị thặng dư trong nền kinh tế nối kết của mình cái lý do có chủ đích khi dùng từ nối kết chứ không phải kết nối. Nhà văn Đỗ Tiến Thụy, trong tiểu thuyết Con chim joong bay từ A đến Z, có viết: Sếp Khoa (tên một nhân vật) hôm nay hành vi rất… vi hành!

Đây chính là kiểu nói ngược, diễn đạt theo các nhà ngôn ngữ học, là lối chơi chữ bằng phương thức đảo từ. Trường hợp dưới đây, là đảo vị trong phạm vi một từ hai tiếng, hoặc một tổ hợp hai tiếng:

Tiền nhiều để làm gì?
Nhà văn Dương Thanh Truyền.

Muốn ăn cao lương thì phải có lương cao.

Muốn đứng hàng đầu thì chớ có đầu hàng.

Muốn làm chuyện lớn thì đừng làm lớn chuyện.

Phải chịu khó chờ đừng khó chịu.

Phải cố ngoan chờ đừng ngoan cố

(Chép lại từ… đám mây trên mạng)

Nhờ vào đặc nét loại hình ngôn ngữ đơn âm, tiếng Việt còn có thể làm… hơn thế nữa: đảo vị trong tổ hợp từ, đảo vị các thành phần của câu (đảo ngữ / đảo cú, có thể kết hợp với đồng âm)!

Kho tàng thành ngữ, tục ngữ của ông cha ta không thiếu những cấu trúc nói ngược nói xuôi như thế:

Sanh sự, sự sanh; Cá ăn kiến, kiến ăn cá; Giúp người chẳng cầu người giúp;

Cười người chớ có cười lâu

Cười người hôm trước hôm sau người cười…

Các nhà sư phạm thường dặn nhau nằm lòng phương châm giáo dục: Học chơi, chơi học! Dân mê hát karaoké vẫn hay “động viên” nhau, mà có khi là để “thanh minh” trước khi cầm lấy micro: Hát hay không bằng hay hát! Thầy thuốc có lúc phải “nhắc nhở” những bệnh nhân đái tháo đường: Cứ để đường lên thì sẽ lên đường…

Dân công sở “cảnh báo” các nạn nhân của hội chứng nghiện công việc: Đừng cố quá mà thành quá cố! Có chàng trai trong lúc hoang mang vì người yêu dính bầu, buột miệng mà hát như mếu, nhại theo ca từ của ca khúc Bây giờ tháng mấy của Từ Công Phụng: Bây giờ mấy tháng rồi hỡi em! Còn dân chơi đời mới thuộc vào hạng hầm hố thì hùng hổ tuyên bố: Khi đã máu, đừng hỏi bố cháu là ai! Khi đã có thai đừng hỏi ai là bố cháu!...

Cụ Nguyễn Đình Chiểu, trong Lục Vân Tiên từng có câu thơ : Hại nhân, nhân hại rành rành chẳng sai… Nhà thơ Lê Giang, trong bút ký “Bút đàm” với má, có kể rằng: “Mấy bà đồng nát mua được mấy thứ rồi lấy làm hả hê, rao mua đồ cũ, đồ bỏ om sòm cả cái hẻm của má ở từ ngày chạy giặc tới ngày… giặc chạy”.

Trước và sau ngày cưới

Câu chuyện sau đây được lưu truyền trên mạng, được một ai đó thời nay sáng tác “mô phỏng” theo lối thuận nghịch, dựa trên trật tự lượt lời trong một cuộc hội thoại giả định.

Trước ngày cưới:

Chàng: Thật tuyệt vời! Cuối cùng thì giờ phút anh mong đợi nhất cũng đã tới!

Nàng: Anh có muốn rời xa em không?

Chàng: Không. Thậm chí em đừng bao giờ nghĩ tới điều đó!

Nàng: Anh có yêu em không?

Chàng: Tất nhiên là có rồi!

Nàng: Anh có phản bội em không?

Chàng: Không bao giờ! Sao em lại có ý nghĩ đó cơ chứ?

Nàng: Anh sẽ hôn em chứ?

Chàng: Đương nhiên, mỗi khi anh có cơ hội!

Nàng: Anh sẽ đánh em chứ?

Chàng: Không đâu, đồ ngốc!

Nàng: Em có thể tin anh được không?

Chàng: Chắc chắn…

Nàng: Anh đúng là định mệnh đời em!

Và… sau ngày cưới:

Bây giờ, xin bạn hãy đọc ngược từng lượt câu từ dưới lên nhé!

Tháng 11/2012, sự kiện một ca sĩ “khóa môi” một nhà sư tại một phòng trà ca nhạc, và liền sau đó, một người mẫu “vừa qua tuổi vị thành niên” với trang phục xuyên thấu “lẻn” vào thảm đỏ một Liên hoan phim Quốc tế ở thủ đô, đã “gây bão” cho giới showbiz và giới nhà báo. Báo Thể thao & Văn hóa (6/12/2012) có một bài viết đặt vấn đề về các quy định và việc xử phạt các vi phạm liên quan đến hoạt động sản xuất, lưu hành, biểu diễn… trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, với một cái tít cố tình… gây nhớ: “Phạt ai, ai phạt, bây giờ phạt ai?”

Ấn tượng không kém là một mẩu tranh biếm, mục Thư giãn trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần (28/6/2017) châm chích cái sự quan chức ta vốn thường xuyên phải… làm lại những việc đã làm lộn, bằng một cái tựa cực gọn: Lộn, lại – Lại, lộn… Trên báo điện tử Zing, trang Sống trẻ, mục Cộng đồng mạng, đã giới thiệu một bộ tranh hài hước nước ngoài về những khác biệt bản chất của hai khái niệm tưởng như rất gần nhau, bằng một cái tựa ấn tượng: “Sếp” và “leader”: Tưởng không khác mà khác không tưởng (22/6/2018).

GS. TS Nguyễn Đức Dân, trong “Ngôn ngữ báo chí – Những vấn đề cơ bản” (NXB Giáo Dục, 2007) đã giới thiệu những tiêu đề hay: Có những tiêu đề được đặt theo cách nói ngược: Ăn xin – không đơn thuần là xin ăn” (Pháp Luật, 08/8/1993); “Bội thu nhưng thu chưa bội” (Sài Gòn Giải Phóng, 23/3/1993)… Còn PGS. TS Trịnh Sâm, trong “Tiêu đề văn bản tiếng Việt” (NXB Giáo Dục, 1998), khi bàn về những điều kiện thiết lập một tiêu đề văn bản hay, có dẫn chứng về một bài báo trên Tuổi Trẻ (30/11/1993) với tít chính là “Lịch 94 từ cú “việt vị” đầu tiên, hậu quả dài dài” và một tít phụ là: “Cấm! không cấm!... Không cấm được!... Không được cấm”.

Cái tít này, bỗng nhắc nhớ đến câu chuyện hồi thế kỷ trước, khi các cụ nhà ta đã từng bàn về một “mệnh lệnh”: Cấm không được hút thuốc! trở thành một “phản đề” khi ta nói ngược: Thuốc hút được không cấm!

Lý giải tường tận, dẫn chứng phong phú về chơi chữ trong đảo từ, đảo ngữ, đảo cú, có thể tìm thấy trong “Thú chơi chữ” (Lê Trung Hoa - Hồ Lê, NXB Trẻ, 1990). Từ chuyện xưa đến chuyện nay, có chữ Hán có chữ Nôm, cả trong thành ngữ, tục ngữ, câu đối và thơ ca… Sách còn dẫn ra khả năng “xáo chữ” của tiếng Việt, chẳng hạn với 5 chữ: anh, tôi, nó, thấy đến, dân ta có thể bày ra đến 94 câu có nghĩa (kèm theo một số dấu câu, khi nói thì có nhấn giọng / ngắt nhip)! Bạn hãy thử xem nào!

Dân chơi internet, đã “xáo chữ” thành công câu: Không thầy đố mày làm nên thành một tục ngữ mới: Làm thầy mày không nên đố! Còn dân nhậu thời nay, đã cho “lội ngược dòng” tên ca khúc Đêm thành phố đầy sao của nhạc sĩ Trần Long Ẩn mà hát lên rằng: Sao đầy phố thành đêm!

Tháng 2/2019, vụ ly hôn đáng giá ngàn tỷ với phát biểu của người trong cuộc tại tòa án đã tạo ra một làn sóng: Từ câu hỏi Tiền nhiều để làm gì? (dĩ nhiên là câu hỏi dành cho những người giàu có), đã xuất hiện câu hỏi của những người nghèo khổ - Làm gì để nhiều tiền? Và rồi, lại thêm một câu hỏi nữa, có hơi hướm triết lý: Tiền làm để gì nhiều? (sao không biết xài, sao không biết tận hưởng)…

Thiệt là hết biết! Nhưng, có khi, biết hết lại là thiệt!

Tiền nhiều để làm gì?
Sách "Tình ca tiếng nước ta". Ảnh: TL.

Bài được trích đăng từ sách Tình ca tiếng nước ta của tác giả Dương Thành Truyền. Nhà báo Dương Thành Truyền (còn có bút danh Duyên Trường). Ông có 2 năm đi bộ đội, 5 năm dạy văn, 10 năm làm sách, 12 năm làm báo, 25 năm công tác Đoàn, Đội… Ông là tác giả của Ký ức về nước mắt và tiếng cười (tạp bút), Chuyện gái trai (tạp văn), Trên đường về nhớ đầy (du ký), Trái tim có hình hộ khẩu (phiếm đàm), Di chúc của Bác Hồ - một giáo trình tiếng Việt độc đáo.

Dương Thanh Truyền | Báo Văn Nghệ

-------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Nữ văn sĩ J. K Rowling đứng đầu danh sách nhà văn kiếm tiền nhiều nhất thế giới Triển lãm và Talkshow “Tranh dân gian qua lăng kính của những nghệ sĩ trẻ” Những người Nhật tử tế - Lăng kính đa chiều về con người, xã hội Nhật Bản Ra mắt chương trình nghệ thuật “Thói đời - Lưu Quang Vũ: Lăng kính, sân khấu và cuộc đời” Phải chăng các cây bút văn xuôi ĐBSCL đang thủ tiết?
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn