Diễn đàn lý luận

Đôi lời tìm thấy và đánh mất

Nguyễn Bình Phương
Lý luận phê bình
10:00 | 09/08/2024
Baovannghe.vn - Viết là tìm thấy hay đánh mất? Đó là câu hỏi luôn luôn vang lên trong tâm trí tôi kể từ sau khi tác phẩm đầu tiên của mình ra đời. Có lúc tôi nghĩ là tìm thấy, nhưng không ít lần tôi lại cho rằng viết là đánh mất.
aa

Thật khó biết chính xác khi viết mình tìm thấy gì và đánh mất gì. Nhưng điều rõ nhất là tôi có một thế giới ăm ắp trong tâm trí tôi, thế giới ấy kết tạo bởi đời sống và trí tưởng tượng. Thế giới ấy biến hóa sinh động và luôn luôn hỗn độn. Khi tôi viết ra, là đã tiết lộ với mọi người cái thế giới thầm kín kia, cũng đồng nghĩa vừa tìm thấy vừa đánh mất. Tôi tìm thấy một khoảnh khắc, cố định được nó, nhưng đánh mất những sinh trưởng của chính cái được cố định. Tôi có nhiều phương án cho cuộc đời của các nhân vật, có rất nhiều, nhưng khi viết ra tôi chỉ chọn một và tôi đã đánh mất đi sự biến hóa, sự phong phú của các nhân vật ấy, tôi đánh mất những phương án mà có thể lúc nào đó sẽ là tối ưu chứ không phải phương án đã viết ra. Cầm cuốn tiểu thuyết đầu tay, cảm giác của tôi là tiếc nuối vì vừa hao khuyết một thế giới hỗn độn nguyên sơ trong tâm trí mình và đó là lúc câu hỏi hoài nghi vang lên trong tôi. Tôi nhận ra mình tìm thấy sự mạch lạc trong mớ hỗn mang, nhưng tôi cũng đồng thời đánh mất một thế giới bát nháo, sống động của những cảm tính.

Đôi lời tìm thấy và đánh mất
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Tìm thấy và đánh mất đan xen quấn quýt nhau như thế, như những mảng đậm nhạt vờn đuổi trên mặt trăng. Nhưng dù sao thì tôi đã tìm thấy những độc giả đầu tiên của mình và một phần trong số đó đi cùng tôi tới tận bây giờ. Tôi tìm thấy lòng can đảm vì đã trình ra một thế giới lâu nay ủ kín trong tâm trí, dù thế giới đó không hẳn đã hoàn hảo vì không hẳn đã chính xác với thế giới trong tâm trí tôi. Nhà văn nào cũng mong muốn đạt tới sự hoàn hảo, mà sự hoàn hảo chỉ đến khi người ta ngừng viết. Tôi cho rằng thực ra mỗi nhà văn chỉ viết duy nhất một tác phẩm, đó là tác phẩm đầu tay, những tác phẩm tiếp theo, dù có tinh tế, điêu luyện đến thế nào cũng chỉ là sự bổ sung, gia cố, bồi đắp cho những gì chưa có, chưa hoàn chỉnh, những gì thừa ra, hoặc những gì thô ráp, ngớ ngẩn của tác phẩm đầu tay vụng dại mà trong trẻo kia. Đó là câu trả lời vì sao đối với nhà văn, tác phẩm hoàn hảo nhất, đỉnh nhất chưa bao giờ tới lúc họ còn đang viết. Khi nhà văn nằm xuống đồi núi mới trồi lên.

Văn học không lành mạnh thẳng thớm như thể thao, nó là thứ khiến người ta ngước lên chỉ sau khi đã cúi xuống nhìn sâu vào chính bản thân mình. Tôi nghĩ, về cơ bản có hai loại người, một loại cúi nhìn trái tim mình và một loại cúi nhìn hạ bộ mình. Và tôi không xác quyết loại nào tốt, loại nào xấu, loại nào cần lên án hay loại nào cần tụng ca. Thiên chức nhà văn, nếu có, là chỉ ra rằng trong trái tim có bóng dáng của hạ bộ, và ngược lại. Đấy là lúc nhà văn tìm thấy tiếng nói của mình và đấy cũng chính là chỗ hiểm nguy nhất của nghề viết, hiểm nguy nhưng không thể khước từ nếu anh thực sự là nhà văn. Nhà văn tìm thấy sự trong sáng ở phần đen tối nhất, tìm thấy hòn đảo lạc quan giữa trùng trùng những lớp sóng bế tắc. Như thế, tức là anh ta đánh mất đi con người lí tưởng, theo mẫu số chung của đám đông, và bù lại, anh ta tìm thấy con người theo đúng nghĩa của nó, con người như một sự hỗn độn bát nháo nhưng không thể phủ định rằng rất thơ ngây.

Tôi nhận ra thời này, dấu hiệu tâm thần có mặt ở tất cả mọi hạng người, không chỉ là đặc ân cho đám trí thức nữa và nó không còn là một căn bệnh mà trở thành một yếu tố của con người. Nhân vật của tôi, sống giữa những dấu hiệu tâm thần và họ không quan tâm tới điều ấy, dấu hiệu tâm thần chỉ là cái nhìn lệch lạc của kẻ bên ngoài, bản thân họ thì thấy thuận với tự nhiên của họ. Nhà văn là một tế bào của xã hội và anh ta chứa đủ những gì mà cơ thể xã hội đang mang. Xã hội tràn lan dấu ấn tâm thần thì nhà văn cũng chẳng tránh khỏi, những gì anh ta viết ra cũng chẳng tránh khỏi. Hành vi tâm thần luôn là những hành vi hồn nhiên nhất vì thế mà nó cũng là tự do nhất. Con người càng hồn nhiên thì càng tự do, càng tự do thì càng tiến sâu vào huyền ảo. Đó là lộ trình tôi tin tưởng. Trong thế giới huyền ảo tôi được các nhân vật rỉ tai rằng cần thận trọng với lòng tốt của người chưa bao giờ xấu xa, rằng rốt cuộc lí tưởng vẫn là thứ cần thiết cho một đời người, rằng huyền ảo là chốn bình đẳng tuyệt vời nhất. Tôi tìm thấy nhiều điều ngay với nhân vật của mình, nhưng tôi đã đánh mất tính nhân ái phổ thông mà thế hệ nhà văn trước gieo vào tôi, thông qua các nhân vật lí tưởng hóa của họ. Tôi tìm thấy mặt đất cho nhân vật và đánh mất bầu trời của họ. Viết là tìm thấy và viết cũng là đánh mất.

Tuyệt không làm đề cương khi viết. Với tôi, một bài thơ hay một tiểu thuyết luôn bắt đầu giống nhau, là sự réo gọi, bứt dứt, gần như không phương hướng. Chỉ có những u ơ đâu đó trong tâm trí, và rồi nó rõ dần lên thành tiếng gọi, sau đó thì nó thúc giục mình ngồi vào bàn viết. Những trang đầu tiên không nói được gì cả, những trang đầu tiên luôn luôn lừa mị tôi mặc dù nó là thứ tôi gửi vào đó nhiều hăm hở nhất. Phải tới dăm mười trang sau mọi sự mới thực sự bắt đầu và khi ấy bàn chân sinh ra con đường chứ không phải con đường réo gọi bàn chân. Tôi quan niệm viết văn cũng giống như cưỡi ngựa, người mới bắt đầu thì loạng quạng, khó điều khiển theo ý mình, đến khi quen rồi, thành thạo rồi thì tự do tự tại, làm chủ tình huống theo ý mình mà không cần phải dùng tới yên cương. Một nhà văn, khi mới vào nghề là kẻ để cho tâm hồn mình bộc lộ tự nhiên, anh ta bị cảm xúc dẫn đi vì thế tác phẩm đầu tiên bao giờ cũng loạng quạng, chệch choạc, hớ hênh. Khi thành nghề thì anh ta chủ động điều khiển cảm xúc, anh ta tìm thấy kỹ thuật, sự kín đáo và trớ trêu thay, lại đánh mất tính hồn nhiên.

Tiểu thuyết đầu tay của tôi có một kết cấu cân đối như phần lớn kết cấu của các tiểu thuyết xoàng xĩnh khác cùng thời. Nói một cách khác, tôi đã tìm thấy gần như ngay lập tức kết cấu cho một tác phẩm vì nó có sẵn trong đầu tôi, nó nhập vào tôi thông qua các lần đọc, nói trắng ra thì nó là sự sao chép cấu trúc của các tác phẩm phổ thông khác mà tôi đọc được. Đến tác phẩm thứ hai thì tôi không bằng lòng với cái kết cấu mình đã tìm thấy dễ dàng, mà tìm kiếm kết cấu đa tuyến, sau đó tới song tuyến và song tuyến là kết cấu mà tôi yêu quý, yêu quý tới mức thậm chí trở thành lạm dụng. Tất nhiên, một nhà văn thì chỉ có một đến hai kiểu kết cấu cơ bản thôi, tôi tin như thế. Vấn đề ở chỗ tôi đã tìm thấy, rồi đánh mất, một cách cố tình, rồi lại tìm và chắc chắn sẽ lại đánh mất lần nữa. Tôi đã quy củ, nghiêm ngắn, sau đó băm nát ra để sắp xếp lại, theo cách mà tôi hình dung với ý đồ mô phỏng được sự chằng chéo, đan xen, cả hỗn độn nữa, của đời sống. Tôi đã có tác phẩm phá tung như thế, một cách bất nhã, rồi ngay sau đó tôi cũng có tác phẩm cân đối, trật tự như một lời cải chính khiêm nhường. Kết cấu là thứ làm đau đầu các nhà văn bởi nó biểu hiện cho khát khao thiết lập thế giới theo cách độc đoán của mỗi người. Nhưng rồi chẳng gì thoát được quy luật, đảo lộn cuối cùng cũng là để đi tới sự quy củ khác. Viết là tìm thấy một quy tắc trên cơ sở đánh mất một quy tắc.

Khi chưa có câu trả lời xác quyết thì hành động khôn ngoan hơn cả vẫn là tiếp tục viết để duy trì câu hỏi.

--------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Lấp khoảng trống trong phê bình Văn học nghệ thuật Xung lực mới cho hoạt động Lý luận phê bình văn học nghệ thuật “Trung thực và quả cảm” trong sáng tác và phê bình văn học, nghệ thuật Lý luận phê bình văn học hôm nay: Thực trạng và giải pháp Nghĩ vụn về nghề phê bình văn học - Tiểu luận của Nguyễn Hoài Nam
Đại biểu Quốc hội: xác định nhu cầu thực về nhà ở thương mại

Đại biểu Quốc hội: xác định nhu cầu thực về nhà ở thương mại

Baovannghe.vn - Sáng 21.11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất (dự thảo).
Cờ bay trong nỗi nhớ.  Truyện ngắn của Khuất Quang Thụy

Cờ bay trong nỗi nhớ. Truyện ngắn của Khuất Quang Thụy

Baovannghe.vn - Có nằm mơ tôi cũng không mơ được câu chuyện lạ lùng này: Tôi bỗng trở thành thông gia với một người mà tôi đã từng có đôi chút thành kiến.
Lựa chọn khả dĩ. Truyện ngắn của Đào Văn Hợp

Lựa chọn khả dĩ. Truyện ngắn của Đào Văn Hợp

Baovannghe.vn - Y hài lòng với phương châm sống và cuộc sống hiện tại. Mẹ y thấy thế thì lo lắm. Kinh nghiệm dạy mẹ như vậy
Lúc ấy - Thơ Nguyễn Đăng Khương

Lúc ấy - Thơ Nguyễn Đăng Khương

Baovannghe.vn- Chấm vệ tinh xâm thực mây/ bầu trời dõi theo mắt người
Đọc truyện: Giao lộ nhân sinh. Truyện ngắn của Nguyễn Minh Chung

Đọc truyện: Giao lộ nhân sinh. Truyện ngắn của Nguyễn Minh Chung

Baovannghe.vn- Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương