Chuyên đề

Sống đã rồi mới viết

Câu chuyện văn hoá
13:03 | 30/07/2023
Đại tá, nhà báo, nhà văn Nguyễn Trần Thiết sinh năm 1929; quê quán: Xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
aa

Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn trần thiết

Đại tá, nhà báo, nhà văn Nguyễn Trần Thiết sinh năm 1929; quê quán: Xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông tham gia quân đội từ năm1949, từng là chiến đấu viên rồi chính trị viên đại đội thuộc đại đoàn chủ lực 312, có mặt ở nhiều chiến dịch lớn, năm 1953 làm phóng viên mặt trận báo Quân đội nhân dân và công tác ở tờ báo này cho đến năm 1989 về hưu với quân hàm Đại tá; Nguyễn Trần Thiết từng có mặt ở những mặt trận, thời khắc lịch sử, như Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), Đường 9 - Nam Lào (1971), trong Phái đoàn liên hợp quân sự bốn bên, hai lần ở trại David (1973 và 1975), trong chiến dịch Hồ Chí Minh, chứng kiến chính quyền Việt Nam Cộng hòa đầu hàng ngày 30/4/1975; Ông là người đã từng tham gia hỏi cung tướng De Castries ở Điện Biên Phủ tháng 5/1954, và cũng là người có mặt trong các cuộc hỏi cung toàn bộ các thành viên trong nội các Dương Văn Minh từ 12 giờ 12 phút ngày 30/4/1975. Với 94 năm tuổi đời và 75 năm tuổi Đảng, với những từng trải của cả một cuộc đời binh nghiệp, Đại tá, nhà báo Nguyễn Trần Thiết là tác giả của gần 100 cuốn sách cùng rất nhiều bài báo, trong đó có những tác phẩm nổi tiếng viết về Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhà văn đã được nhận Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng năm 1994; Giải thưởng văn học Bộ Nội vụ năm 1995 và hai giải báo chí của Hôi Nhà báo Việt Nam các năm 1981 và 1985. Với giới văn chương, ông được coi là người dành cả đời để viết, mặc dù năm 2000 ông từng bị một cơn tai biến mạch máu não, đột quỵ, phải cấp cứu và điều trị dài ngày. Tuy nhiên ông vẫn miệt mài sáng tác, và ở tuổi 80 ông vẫn ra mắt các tác phẩm mới…

Những tác phẩm chính: Trưởng thành (truyện, 1978); Chiến công thầm lặng (truyện, 1981); Dọc ngang trong lòng địch (truyện ký, 1981); Điệp viên 04 (truyện ký, 1982); Người giao liên tình báo (truyện ký, 1983); Gia đình biệt động (truyện ký, 1984); Chuyện anh Năm Mộc (truyện ký, 1984); Chú bộ đội ham học (truyện, 1984); Nhập vai ông chủ lớn (truyện ký, 1985); Vùng đất sôi động (truyện, 1986); Nữ tướng Phunrô (truyện, 1987); Kẻ cuồng vọng mang mật kế Z (truyện ký, 1988); Truy tìm ổ quỷ (truyện, 1988); Tham vọng mù quáng (tiểu thuyết, 1988); Viên chuẩn tướng (truyện ký, 1989); Chân dung chiến sĩ (truyện, 1990); Mặt trận không tiếng súng (truyện, 1990); Hành trình đồng đô la (tiểu thuyết, 1991); Lót ổ (truyện, 1991); Vòng trầm luân oan nghiệt (tiểu thuyết, 1992); Tôi đi tìm cái chết của tôi (tiểu thuyết, 1992); Khát vọng con người (tiểu thuyết, 1992); Ông tướng tình báo và hai bà vợ (tiểu thuyết, 1994); Dương Văn Minh - tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn... Trong đó có những tác phẩm như Vòng trầm luân oan nghiệt, Ông tướng tình báo và hai bà vợ, Viên chuẩn tướng… đã để lại dấu ấn sân đậm trong tâm trí độc giả. Riêng tiểu thuyết Ông tướng tình báo và hai bà vợ được đạo diễn, NSƯT Bùi Cường dựng thành bộ phim truyền hình dài tập cùng tên, đoạt Huy chương Vàng trong Liên hoan phim Truyền hình toàn quốc…

Nhà văn từng được nhận: Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; Huân chương Chiến thắng hạng Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam”; Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.

Do tuổi cao sức yếu, lại lâm bệnh trọng, nhà văn Nguyễn Trần Thiết đã từ trần hồi 11 giờ 40 phút ngày 20/7/2023, hưởng thọ 95 tuổi. Tang lễ nhà văn đã được tổ chức vào ngày 22/7/2023, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Hỏa táng cùng ngày tại Đài hóa thân Hoàn Vũ Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội); an táng tại nghĩa trang quê nhà.

Hội Nhà văn Việt Nam, tuần báo Văn nghệ xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến toàn thể gia đình, bè bạn, cùng những độc giả yêu mến nhà văn Nguyễn Trần Thiết, và xin giới thiệu lại những suy nghĩ của ông về cuộc sóng, về nghề văn thong o qua bài viết được thực hiện cách đây vừa đúng 10 năm, khi ông còn khỏe mạnh…

Văn nghệ

Năm 2010, tiểu thuyết Ông tướng tình báo và hai bà vợ của nhà văn Nguyễn Trần Thiết ra mắt bạn đọc. Hỏi chuyện bếp núc công việc sáng tạo, nhà văn nói: “Không biết các nhà văn khác thai nghén tác phẩm thế nào, còn tôi, khi viết tác phẩm này, tôi tự đặt câu hỏi: Người xưa đã để lại cho đời những áng văn chương ghi lại những tấm gương bất hủ về tình cảm vợ chồng như Tống Trân - Cúc Hoa, trong khi cuộc sống ngày hôm nay có bao nhiêu kỳ tích tương tự, vậy tại sao mình không viết?”...

Nghe nhà văn nói thế, bạn đọc cũng có thể hiểu sơ qua nội dung cuốn sách này rồi. Hiển nhiên, đó chính là cuộc sống đầy gian truân và éo le của ba con người, một tình yêu tay ba. Nhưng đó là một tình yêu trọn vẹn hiếm hoi và lạ lùng, diễn ra dưới sự chi phối của tình người và nghĩa lớn dân tộc. Câu chuyện được hư cấu trên cơ sở chất liệu có thực. Năm 1946, ông Đức cùng vợ là bà Thanh (đều là cán bộ tình báo) từ Hà Nội sơ tán về Thanh Hóa. Năm 1948, ông bà được lệnh trở ra Hà Nội nhận nhiệm vụ “trèo cao leo sâu” vào hàng ngũ địch. Ngặt nỗi, lúc đó bà vừa sinh con nên đành chấp nhận để ông “vào thành” trước, còn bà sẽ thu xếp ra sau.

Tại Hà Nội, trong khi chui được vào hàng ngũ địch, ông Đức gặp Quận chúa Cẩm Nhung, con gái một trùm phản gián Pháp và tình yêu sét đánh giữa hai người đã xảy ra. Rồi quan hệ của họ ngày càng trở nên khăng khít vì lúc này, nhà tình báo Việt Nam đang cần có một chỗ dựa để có cơ hội hoàn thành trách nhiệm của mình. Thông cảm với chồng, vì nghĩa lớn, năm 1952 trở ra Hà Nội, bà Thanh một mặt phải dằn lòng cho chồng lấy Quận chúa Cẩm Nhung để ông có được một vỏ bọc kín đáo, mặt khác đành chấp nhận việc rời bỏ nhiệm vụ, cùng con chuyển lên sống và làm việc ở Nông trường Vân Lĩnh xa xôi, với niềm tin chỉ hai năm nữa là tổng tuyển cử, thống nhất đất nước, người chồng thân yêu sẽ xong nhiệm vụ và trở lại với vợ con gia đình. Hóa ra nỗi buồn đau chua xót, trong đó phải kể tới sự nghi ngờ, dè bỉu của cộng đồng mà bà Thanh phải chịu đựng kéo dài tới 21 năm đằng đẵng.

Tiểu thuyết Ông tướng tình báo và hai bà vợ được độc giả đón đọc rất nhiệt tình. 29 tập phim dựa theo tác phẩm này của đạo diễn Bùi Cường đã đoạt Huy chương Vàng trong Liên hoan phim truyền hình toàn quốc và đã chắp cánh cho tác phẩm tiếp tục bay xa hơn. Bà Thanh, người được nhà văn Nguyễn Trần Thiết lấy làm nhân vật chính của cuốn sách nói: “Hơn 15 năm nhận sổ hưu nghỉ mất sức, gia đình tôi không có bất cứ một vị khách nào lại qua. Từ ngày sách của ông Thiết xuất bản, đã có 400 đoàn khách đến thăm hỏi và tặng quà. Tôi đã được nhà nước cho chuyển về Hà Nội và cấp nhà để ở”.

Dựa vào các nguyên mẫu ngoài đời, thông qua hư cấu, tạo nên một chỉnh thể nghệ thuật, đó là đặc điểm quan trọng nhất đã được thể hiện qua các sáng tác của nhà văn Nguyễn Trần Thiết. Hãy điểm qua những nhan đề sách của ông: Chiến công thầm lặng, Gia đình biệt động, Nữ tướng Phunrô, Kẻ cuồng vọng mang mật kế Z, Viên chuẩn tướng, Mặt trận không tiếng súng, Truy tìm ổ quỷ, Hành trình đồng đôla, Theo bước chân thần tốc, Cơn lốc Trường Sơn, Dương Văn Minh, tổng thống cuối cùng chính quyền Sài Gòn ... Hương vị đời sống thực tỏa ra ngay từ các tên sách và sức hấp dẫn của văn chương Nguyễn Trần Thiết cũng là ở chỗ đó. Tiểu thuyết và ký sự của ông thỏa mãn nhu cầu độc giả được tiếp cận nghiêm nhặt với cái thật ở ngoài đời. Dương Văn Minh - tổng thống cuối cùng chính quyền Sài Gòn - cuốn tiểu thuyết thứ 93 của lão nhà văn đã được tái bản nhiều lần, được giới thiệu ở Anh, Mỹ, Pháp và đang được dựng phim với qui mô cả trăm tập.

93 cuốn sách - tuổi tác ngoại bát tuần. Một sức nặng thời gian và một sức lao động đáng kính nể. Nguyễn Trần Thiết xuất thân trong nghèo khổ, từ thân phận kẻ cày thuê cuốc mướn, rồi đổi đời cùng Cách mạng Tháng Tám. Nhập ngũ trong vai anh lính Cụ Hồ, ông trực tiếp cầm giáo mác công đồn diệt giặc. Lặn lội trong gian khó, vào sinh ra tử trong máu lửa chiến tranh, ông đã trải qua chức trách từ tiểu đội trưởng, trung đội trưởng tới đại đội trưởng, rồi nhờ năng khiếu viết, được điều về làm phóng viên Báo Quân đội nhân dân, tham gia hầu hết các chiến dịch lớn từ thời đánh Pháp đến đánh Mỹ. Nay ông đeo hàm đại tá, nhận huy hiệu 65 năm tuổi Đảng.

Sống đã rồi mới viết được - đó là một chân lý. Tuy nhiên, dẫu khiêm nhường và tỏ ra có lý khi tự gọi mình là “nhà văn chân đất”, Nguyễn Trần Thiết cũng chưa thật công bằng với chính mình lắm đâu. Là bởi, phải có một quá trình học tập nghiên cứu bền bỉ đến thế nào, phải có một khối lượng kiến thức tư liệu dầy dặn đến thế nào, cây bút quân đội Nguyễn Trần Thiết mới sở hữu được một khối lượng tác phẩm lớn đến như thế.

Nguyễn Trần Thiết là phóng viên đã từng hỏi cung bại tướng De Castrie năm 1954 ở lòng chảo Điện Biên, ông cũng lại là người đã phỏng vấn Dương Văn Minh, Tổng thống cuối cùng của chế độ Sài Gòn ngày 30/4//1975.

Khi nghe một phóng viên đặt câu hỏi: “Giữa hai lần tiếp xúc với De Castries và Dương Văn Minh, ông thấy có gì khác nhau?”, lão nhà văn gật đầu, tủm tỉm: “Khác nhau. Một đằng là lòng chảo Điện Biên trắng xóa màu trắng cờ đầu hàng của giặc Pháp. Một đằng là sắc cờ đỏ tươi thắm rực rỡ tràn ngập phố phường đô thành Sài Gòn!”.

Hoàng Tuyên

(Nguồn https://cand.com.vn/)


Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Baovannghe.vn - Tối ngày 19.9.2024 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT năm 2023, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.