Sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật Quảng cáo, ghi nhận chung, hoạt động quảng cáo đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về quảng cáo đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập đòi hỏi phải kịp thời sửa đổi nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa; nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo…
Đại biểu tham dự tọa đàm |
Để đàm bảo tính đồng bộ, phù hợp thực tiễn của luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội đã tổ chức tọa đàm Lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Đây là hoạt động cần thiết, phục vụ cho Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Trong đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Qảng cáo sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám được khai mạc vào ngày 21/11/2024
Theo đó, để có cái nhìn toàn diện về dự thảo Luật Quảng cáo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Triệu Thế Hùng đã thông tin những nét khái quát về nội dung sửa Luật. Theo đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban cho biết, sẽ tập trung quy định về: nội dung và hình thức quảng cáo; quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới; hoạt động quảng cáo ngoài trời... sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và bảo đảm tính đồng bộ giữa các luật có liên quan đã được sửa đổi, bổ sung trong thời gian qua.
Trước đó, để có được những đánh giá tác động khách quan và sự phản biện chính sách thỏa đáng về Luật Quảng cáo sửa đổi, ngày 4/7/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Chính phủ có Tờ trình số 350/TTr-CP trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025.
Tại tọa đàm, các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Quảng cáo và tập trung cho ý kiến để hoàn thiện quy định về:
- Giải thích từ ngữ;
- Hoạt động quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới;
- Trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo;
-Yêu cầu đối với nội dung quảng cáo… để bắt kịp sự vận động, phát triển của xã hội, khắc phục những vấn đề còn vướng mắc, tạo điều kiện cho hoạt động quảng cáo phát triển thuận lợi.
Đặc biệt, hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay nhiều đối tượng đã lợi dụng sự phổ biến và thông dụng của các phương tiện quảng cáo, đặc biệt là mạng xã hội để truyền tải các nội dung quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Chưa kể, đối với các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường, tại nhiều quốc gia đã yêu cầu phải quy định nội dung bắt buộc phải thể hiện trên sản phẩm quảng cáo. Song, Luật Quảng cáo hiện hành chưa quy định nội dung này, chỉ quy định trong văn bản hướng dẫn thi hành và tại một số luật chuyên ngành, gây mâu thuẫn, chồng chéo…Do đó, cần cân nhắc để Luật Quảng cáo đồng bộ với các luật khác và mang tính thực tiến cao.
Được biết, các ý kiến góp ý sẽ được Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nghiêm túc tiếp thu, hoàn thiện để thể hiện rõ hơn các vấn đề liên quan đến hoạt động quảng cáo trong thời đại kỹ thuật số; thể hiện sự mạnh dạn, đổi mới hơn nữa trong công tác quản lý quảng cáo; đưa ra những quy định bảo đảm khả thi, thực hiện ổn định./.
----------
Bài viết cùng chuyên mục: