Sau trại sáng tác văn học về đề tài lực lượng vũ trang (LLVT) và chiến tranh cách mạng do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân (QĐND) tổ chức tại Tam Đảo vừa qua, trong các tác phẩm được ban tổ chức đánh giá cao có trường ca “Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh” của nhà văn Châu La Việt. Mới đây, trường ca được xuất bản, nằm trong bộ sách kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và đã được bạn đọc đón nhận. Dưới đây là những chia sẻ của nhà văn về tác phẩm và những câu chuyện xung quanh dòng thơ trữ tình chính trị.
Phóng viên (PV): Thưa nhà văn Châu La Việt, với việc hoàn thành trường ca “Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh” mới đây, cho thấy ông là một trong số ít tác giả bền bỉ theo đuổi dòng thơ trữ tình chính trị?
Nhà thơ Châu La Việt: Từ tuổi thơ, tôi đã say mê với những trường ca về Bác Hồ, về các lãnh tụ của Đảng và sau này là người lính, lại càng say mê hơn dòng thơ trữ tình chính trị, mà những cánh chim đầu đàn là các nhà thơ: Tố Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi... Đó là các trường ca như: “Theo chân Bác” (Tố Hữu), “Bài ca Hắc Hải” (Nguyễn Đình Thi), “Hoa trước lăng Người” (Chế Lan Viên); hay những nhà thơ lớp trước tôi như: Hữu Thỉnh với “Trăng Tân Trào”, Thanh Thảo với trường ca “Dạ, tôi là Sáu Dân”...
Ở những năm 70 của thế kỷ trước, nhà thơ Tố Hữu với gia sản thơ đồ sộ, nhưng luôn nhắn nhủ đến độc giả rằng: Trường ca “Theo chân Bác” chính là bài thơ tâm đắc và thành công nhất của ông. Những người làm tuyển thơ ông có thể không chọn bài này, bài kia, nhưng “Theo chân Bác” là nhất thiết phải có. Nhà văn Nguyễn Đình Thi cũng bỏ rất nhiều công sức để kể cho bạn đọc nghe câu chuyện của Chủ tịch Tôn Đức Thắng trên Hắc Hải ngày nào trong truyện thơ “Bài ca Hắc Hải”. Nhà thơ Hữu Thỉnh sau rất nhiều trường ca đã được giải thưởng, cũng cảm thấy chưa yên lòng khi chưa viết trường ca về Bác. Bởi thế mãi sau này ông quyết hoàn thành trường ca “Trăng Tân Trào”.
Bìa tập trường ca “Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh” |
Bài thơ đầu tiên của tôi được in trên Báo Văn nghệ là “Tuổi trẻ Trường Sơn” năm 1968. Năm ấy tôi 16 tuổi và bài thơ in trước ngày tôi lên đường nhập ngũ. Từ ngày ấy và mãi về sau này, tôi chỉ làm thơ, viết văn về đề tài người chiến sĩ và dòng thơ trữ tình chính trị. Đến nay, tôi đã có 5 tập thơ và trường ca, trong đó có 3 trường ca về lãnh tụ: “Dòng sông thơm hương cỏ xương bồ”, “Người chiến binh mang tên sông Thạch Hãn và “Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh” do Nhà xuất bản QĐND mới phát hành trong đợt sách kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
PV: Ông có thể giới thiệu đôi nét về trường ca “Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh”?
Nhà thơ Châu La Việt: Đây là trường ca trước hết để khắc họa về một miền đất, một chiến trường hết sức ác liệt trong cuộc kháng chiến của dân tộc ta: Tây Ninh. Trong suốt hàng chục năm đạn bom dã man chưa từng thấy của kẻ thù, nhưng quân và dân nơi này đã chiến đấu hết sức quả cảm, kiên cường để bảo vệ quê hương, bảo vệ Trung ương Cục-bảo vệ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Không ở đâu ác liệt như nơi đây, và cũng không nơi nào giàu sự tích anh hùng như mảnh đất này...
Vàm cỏ đông ơi Vàm cỏ đông
Nhớ bao người vì quê ta chiến đấu
Tên họ mãi còn với đất nước quê hương
Tên họ trong lòng nhân dân yêu dấu.
Đất lửa Tây Ninh và tiếng chim rừng
Những nhân vật chính của trường ca này là người nghệ sĩ mang tên Tô Lan Phương và người cán bộ an ninh Tô Quyền. Họ cùng họ Tô, cùng sinh trưởng nơi quê hương mang tên Xuân Cầu (Văn Giang, Hưng Yên) giàu truyền thống cách mạng, giàu truyền thống văn hoá, nơi sinh ra những chiến sĩ cộng sản xuất sắc. Với truyền thống cách mạng của quê hương, hai thế hệ người trước người sau cùng lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc, theo sự phân công của Đảng, vào chiến đấu nơi chiến trường Tây Ninh ác liệt. Qua những tháng năm lửa đạn, cống hiến, Tô Lan Phương được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, và đồng chí Tô Quyền - người cán bộ an ninh xuất sắc cũng được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
PV: Thưa ông, cơ duyên nào giúp ông viết trường ca này?
Nhà thơ Châu La Việt: Có những cơ duyên kỳ lạ đã theo tôi suốt từ thuở ấu thơ đến tận bây giờ. Hồi nhỏ tôi học ở Trường Tiểu học Tô Hiệu trên phố Hai Bà Trưng, Hà Nội. Vì mang tên Tô Hiệu, nên nhà trường và cô giáo thường xuyên kể cho chúng tôi nghe về người chiến sĩ cách mạng Tô Hiệu, về sự tích cây đào của ông trong lao tù Sơn La. Nhà trường còn tổ chức cho các em học sinh về Xuân Cầu- Nghĩa Trụ thăm quê hương Tô Hiệu.
Hình ảnh quê hương Xuân Cầu đã vào tâm hồn tôi không chỉ có chiếc giếng khơi cho chúng tôi từng gầu nước mát giữa trưa hè, mà còn là mảnh đất "địa linh nhân kiệt". Cho nên khi viết về quê hương Xuân Cầu, tôi như viết từ những kỷ niệm tuổi thơ ấy, về mảnh đất xinh đẹp và giàu truyền thống cách mạng, đặc biệt là dòng họ Tô Xuân Cầu với Tô Chấn, Tô Hiệu, Tô Ngọc Vân, Tô Dĩ, Tô Quyền, Tô Lan Phương...
Một kỷ niệm khác cũng góp phần làm nên thành công của trường ca “Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh” là hình ảnh đồng nghiệp của mẹ tôi, các anh Lâm Quang Măng (nhạc sĩ Thanh Trúc), nhạc sĩ Trần Mùi, ca sĩ Tô Lan Phương… lên đường đi B ( ngày nhỏ, tôi ở với mẹ là nữ ca sĩ Tân Nhân ở Khu văn công Cầu Giấy)… vào thời điểm đó, dù chỉ là một chàng trai còn học lớp 10, nhưng tâm hồn đã náo nức muốn lên đường vào Trường Sơn cùng họ.
Nhưng nếu để nói về tính quyết định cho việc hình thành tập trường ca, có lẽ là sự kiện tôi được gặp Đại tá Đặng Văn Thượng (Sáu Thượng), khi ấy là Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh. Đó là năm 1985, ông mời tôi và nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý về sáng tác tại Tây Ninh. Ông đưa chúng tôi về Gò Dầu, nghe chị Tư Minh (Nguyễn Thị Minh), Bí thư Huyện ủy (sau là Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh kế cận anh Sáu Thượng) kể về những ngày tháng quyết tử giữ Gò Dầu dưới sự chỉ huy chính của đồng chí Tô Quyền, Tỉnh uỷ viên, phó ban An ninh Tây Ninh. Tôi đã âm thầm nuôi dưỡng những trang viết về Tây Ninh, về anh hùng Tô Quyền từ ngày ấy.
PV: Trong dòng văn học nói chung, Thơ trữ tình chính trị đang có vị trí thế nào, thưa ông?
Nhà thơ Châu La Việt: Dòng thơ trữ tình chính trị là một bộ phận của văn học đương đại. Nó hết sức cần thiết để cổ vũ, động viên quân dân ta thực hiện những nhiệm vụ cách mạng, nó cũng rất thiết yếu để làm công tác tuyên truyền chính trị, ngợi ca Đảng, đất nước và lãnh tụ của Đảng cùng những chiến sĩ cộng sản kiên trung. Những năm qua, chúng ta đã có nhiều trường ca, nhiều tập thơ viết theo dòng thơ chính trị được bạn đọc đón nhận. Những năm tháng vượt Trường Sơn, chiến đấu ở chiến trường, chiến sĩ chúng tôi qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, qua những tờ báo, tạp chí, vô cùng hiếm hoi gửi vào chiến trường, thường say mê và gần như thuộc lòng rất nhiều bài thơ thuộc dòng thơ này của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Lê Anh Xuân, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo...
Đến nay chúng ta có nhiều dòng thơ hơn, nhất là dòng thơ thế sự. Nhưng với riêng tôi, như lời nhà thơ đàn anh Vương Trọng từng nói: “Các nhà văn Quân đội là những người có nhiều tác phẩm viết về chiến tranh và người lính, bởi trong chiến tranh hầu như chỉ có đề tài này. Tuy nhiên, khi hòa bình lập lại, nhiều vấn đề của xã hội, cuộc sống nảy sinh, các nhà văn Quân đội cũng mở rộng đề tài “dân sự”, và với một số nhà văn, thành tựu văn học của họ được bạn đọc đánh giá khá cao ở mảng đề tài mới mẻ này. Tuy nhiên, có một nhà văn chỉ viết về đề tài người lính và chiến tranh, ngay cả sau 40 năm cuộc kháng chiến chống Mỹ toàn thắng. Đó là nhà văn Châu La Việt”.
Thật sự tôi rất tự hào và vinh dự về những đánh giá này. Tôi luôn tâm niệm mình viết bởi cảm xúc dào dạt của một nhà thơ, nhưng cũng bởi nhiệm vụ của một người lính đã được Quân đội trao cho cây bút sáng tạo từ những ngày còn là chiến sĩ chiến đấu giữa chiến trường.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!