Diễn đàn lý luận

Mấy khoảng trống trong nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Việt Nam từ 1975 đến nay

PGS.TS Ngô Văn Giá
Lý luận phê bình
06:00 | 10/12/2024
Baovannghe.vn - Chỉ ra khoảng trống không nhằm đổ lỗi cho ai, mà cốt để hình dung về bức tranh toàn cảnh, góp phần chỉ chỗ cho hoạt động NCLLPB văn học hiện nay
aa

1. Đặt vấn đề

Thứ nhất, khi nói “nghiên cứu, lý luận, phê bình” như tiêu đề bài viết này, người viết muốn lưu ý rằng ba thuật ngữ này lâu nay được dùng như một cụm từ (cả ba hoặc hai trong ba) liền nhau, hoặc gạch nối (tùy theo trường hợp cụ thể), nhưng thực ra chúng có nội hàm khác nhau. “Nghiên cứu” nhằm để chỉ hoạt động nghiên cứu nói chung mà sản phẩm của nó là các công trình mang tính chuyên luận, nội dung của nó nghiêng về văn học sử (thời kỳ, giai đoạn, khuynh hướng, thể loại, tác giả, tác phẩm) hoặc lý luận văn học (bình diện trung tính của văn học mang tính khái quát) đề cập đến mối quan hệ nội quan/ngoại quan của văn học, các trường phái lý luận, phê bình văn học, lý thuyết ứng dụng... Tuy nhiên, do như một thói quen, khi nói đến các công trình nghiên cứu, người ta hay nghĩ đến các công trình nghiên cứu lịch sử văn học. Chính vì thế, để có sự phân biệt mạch lạc hơn, khi các công trình thuộc về nghiên cứu lý thuyết, lý luận văn học, người ta lại nhấn mạnh đến tính chuyên biệt của nó với một ghi chú rõ ràng. Còn riêng phê bình văn học thì dễ phân biệt hơn, bởi đối tượng của nó là các tác phẩm văn học hiện thời, qua đó, người viết nhằm phân tích, cắt nghĩa, đánh giá, dự báo, chỉ ra các xu hướng vận động của văn học... Trong bài viết này, người viết sử dụng ba thuật ngữ trên với tính chất linh động, miễn sao phù hợp với thực tiễn khoa học văn học Việt Nam.

Mấy khoảng trống trong nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Việt Nam từ 1975 đến nay
NCLLPB đối với hai thời kỳ văn học: trước và sau 1975 vẫn còn những khoảng trống. Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Thứ hai, nói “khoảng trống” là nói đến những việc lẽ ra cần phải làm do nhu cầu thực tiễn đòi hỏi nhưng cho đến nay vẫn chưa làm hoặc chưa làm xong, như là những “món nợ” cần phải trả cho lịch sử văn học. Cho nên, việc chỉ ra những khoảng trống đó nhằm rà soát, nhận diện, đặt vấn đề để góp phần thúc đẩy các hoạt động của khoa học văn học, làm đầy các khoảng trống đó.

Thứ ba, bài viết hạn định khảo sát thực tiễn nghiên cứu, lý luận, phê bình (NCLLPB) trong khoảng thời gian từ sau 1975 đến nay. Tuy là vậy, nhưng những “khoảng trống” không chỉ riêng của giai đoạn 50 năm sau cùng này, mà chúng còn là những tồn đọng lịch sử kéo dài của khoa học văn học nước ta suốt từ sau 1945 đến nay. Nên khi chỉ ra những khoảng trống chưa hoàn thành đó, không thể không nhắc đến một số vấn đề đã kéo dài từ những giai đoạn trước cho đến tận hôm nay.

2. Nội dung

Trong phần này, để tiện theo dõi, chúng tôi liệt kê một số “món nợ lòng” (chữ dùng của nhà văn Nguyễn Công Hoan) của giới NCLLPB đối với hai thời kỳ văn học: trước và sau 1975.

2.1. Về văn học thời kỳ trước 1975

Quan sát hoạt động của đội ngũ NCLLPB sau 1975 lấy thời kỳ văn học trước 1975 làm đối tượng nghiên cứu, có thể thấy mấy tiêu điểm đáng chú ý sau (chúng tôi liệt kê theo cách từ quá khứ gần đến quá khứ xa):

2.1.1. Về bộ phận văn học miền Bắc thời kỳ 1945-1975, có ba khu vực văn học chưa được tổng soát, đánh giá một cách toàn diện, chính thức, như một nhiệm vụ chính thống cấp nhà nước:

a, Vùng văn học Hà Nội tạm chiếm 1948-1954. Đây là vùng văn học được sinh ra trong lòng Hà Nội tạm chiếm, với một số các tác giả sống và viết tại đó và một số tác giả vì rất nhiều lý do đã từ vùng kháng chiến “rinh-tê” về Hà Nội. Hiện nay mới chỉ có công trình nghiên cứu Văn nghệ Hà Nội những năm 1947-1954 (NXB Hội Nhà văn, 2017) của nhà nghiên cứu Lê Văn Ba đề cập trực tiếp và có hệ thống đến khu văn học này. Ở đây, tác giả đã phân tích bối cảnh lịch sử-xã hội và văn học của giai đoạn này, và khẳng định những thành tựu và những đóng góp nổi bật của một số tác giả như: Ngọc Giao, Tam Lang, Vũ Bằng, Lê Văn Trương, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Vũ Khắc Khoan, Mộng Sơn, Ngân Giang, Sao Mai, Nguyễn Minh Lang, Thy Thy Tống Ngọc... Ông khẳng định bộ phận văn học này thực sự có thành tựu, nhưng do cái nhìn định kiến, nên vẫn chưa được đánh giá đầy đủ, công bằng. Tuy công trình này được ghi nhận như một đột phá khẩu về vùng văn học Hà Nội tạm chiếm 1947-1954 nhưng chưa thể nói là đã giải quyết xong xuôi, mà chắc chắn còn cần phải bổ khuyết trên nhiều phương diện nữa.

Từ sau công trình này, có thể nói chưa có một sự nghiên cứu tiếp nối cần thiết. Đây chính là một khoảng trống lớn mà giới NCLLPB hiện nay cần phải tiếp tục (1).

b, Các tác giả, các ấn phẩm/tác phẩm của phong trào “Nhân văn – Giai phẩm”. Trên thực tế, khá nhiều tác phẩm của các tác giả như Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Trần Đức Thảo, Trương Tửu...đã được in lại. Một số cây bút có liên quan như Phan Khôi, Văn Cao, Trần Duy, Thanh Châu, Quang Dũng... cũng vậy. Trong số các tác giả vừa nhắc trên, cũng đã có các nhà thơ được phong tặng Giải thưởng nước như Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán. Một số công trình nghiên cứu ở cấp độ thạc sĩ, tiến sĩ trong các cơ sở đào tạo cũng đã nghiên cứu về một số nhà thơ kể trên. Tuy nhiên, nhiệm vụ đặt ra là cần đánh giá công khai, toàn diện ở cấp nhà nước về một phong trào văn học với lịch sử và số phận, cách thức tổ chức, các ấn phẩm, diện mạo, đóng góp và hạn chế của nó trong lịch sử văn học và chính trị-xã hội Việt Nam. Với một yêu cầu ở quy mô như vậy, hiện nay NCLLPB của chúng ta chưa làm được. Đây đó mới chỉ có mấy tiếng nói đơn lẻ, chưa được thừa nhận chính thức.

c, Bộ phận các tác giả văn học có “nghi án văn chương”

Đó là một số tác giả vì rất nhiều lý do này khác bị coi là vi phạm pháp luật của chế độ, rồi bị mang án, nhẹ thì kiểm điểm, nặng là treo bút hoặc bị tù tội. Đó là những tác giả Bùi Ngọc Tấn, Hoàng Yến, Phùng Cung, Vũ Thư Hiên, Nguyễn Xuân Khánh, Phù Thăng, Tuân Nguyễn, Nguyễn Dậu..., sau nữa là Trần Vàng Sao, Hoàng Hưng. Chưa có một khẳng quyết rõ ràng nào về những con người này, mặc dù các tác phẩm của họ gần đây đã được in ấn lại khá cởi mở.

Hiện nay, trong các câu chuyện về những nhà văn kể trên, còn nhiều câu hỏi về tiểu sử, sự nghiệp, tác phẩm, những hạn chế và đóng góp của họ vẫn đang còn bỏ ngỏ, rất cần được tường minh. Các nghiên cứu văn học hiện nay hầu như vẫn còn để trống mảng văn học này.

2.1.2. Về bộ phận văn học miền Nam 1954-1975

Cho đến ngày hôm nay, chúng ta không thể không thừa nhận nền văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975 thuộc di sản chung của nền văn học dân tộc.

Ngay sau ngày thống nhất đất nước, đã có một số công trình nghiên cứu về khu vực văn học này, có thể kể như: ''Văn hóa, văn nghệ phục vụ chủ nghĩa thực dân mới Mĩ tại Nam Việt Nam 1954-1975'' (NXB Thông tin và NXB Long An, 1990) của nhà nghiên cứu Trần Trọng Đăng Đàn; ''Nhìn lại một chặng đường văn học'' của GS. Trần Hữu Tá (NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 2000). Ở hai công trình này, do hạn chế về cách tiếp cận, nên thiếu một cái nhìn khoa học, hòa hợp và hòa giải (2).

Từ bấy đến nay, tuy còn chậm nhưng đã có sự chuyển biến trong nhận thức và nỗ lực tiếp cận. Một số cơ sở đào tạo đã tiến hành nghiên cứu văn học miền Nam ở cấp độ thể loại, tác giả như: tiểu thuyết hiện sinh, Lý luận phê bình, Nguyễn Văn Trung. Một số công trình nghiên cứu về thơ, về lý luận phê bình tổng quan, giáo trình cũng đã không quên khảo sát và đánh giá về văn học miền Nam giai đoạn này. Khá nhiều các nghiên cứu ở cấp độ tiểu luận cũng đã đề cập đến một số vấn đề riêng lẻ.

Có thể kể đến một số công trình chính:

- Luận án: “Lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975” của Trần Hoài Anh (2008)

- Luận án: “Con người và những giá trị truyền thống trong văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975” (2008). Công trình này được xuất bản thành “Văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975 nhìn từ các giá trị văn hóa truyền thống” (Nxb ĐHQG TPHCM, 2015)

- Luận án “Vấn đề thân phận con người trong tiểu thuyết đô thị miền Nam 1954 - 1975” của Nguyễn Thị Việt Nga (2012)

- Chuyên luận “Lý luận-phê bình văn học miền Nam 1954-1975 - Tiếp nhận và ứng dụng” của Trần Hoài Anh (Nxb Hội nhà văn, 2023)

Một số công trình dưới đây đã có những chương/phần nghiên cứu về văn học miền Nam giai đoạn này:

- Toàn cảnh thơ Việt Nam 1945-1975 của Nguyễn Bá Thành (Nxb ĐHQG Hà Nội, 2015)

- Phê bình văn học Việt Nam hiện đại-Lịch sử và chân dung của GS Trần Đình Sử (Nxb ĐHSP, 2023)

- Lược sử văn học Việt Nam (Trần Đình Sử chủ biên - Nguyễn Xuân Kính, Nguyễn Văn Long, Huỳnh Như Phương, Vũ Thanh, Lã Nhâm Thìn, Trần Văn Toàn), Nxb ĐHSP, 2021

Một số công trình biên khảo, nghiên cứu của một số tác giả thuộc văn học hải ngoại đáng chú ý:

- “Hai mươi năm văn học miền Nam (1954-1975) của Võ Phiến, Nxb Văn nghệ CA-USA, 1987

- “Văn học miền Nam 1954-1975” của Nguyễn Vy Khanh, 2016 (?)

Các công trình và các tiểu luận nghiên cứu như đã nói ở trên là những nỗ lực nghiên cứu rất đáng quý của các cá nhân/nhóm. Tuy nhiên, đó chỉ là những cố gắng bước đầu, mang tính khái quát, chưa thể nói là đã đầy đủ, kỹ lưỡng; đặc biệt, đi vào đơn vị là các tác giả/tác phẩm vẫn đang còn nhiều trở ngại.

2.2. Bộ phận văn học hải ngoại từ sau 1975

Những năm gần đây, do đã có chuyển biến trong nhận thức và thái độ, cộng với sự thuận lợi trong tiếp cận, trao đổi tài liệu nhờ công nghệ Internet, nên khá nhiều các tác phẩm, cả sáng tác lẫn NCLLPB của các nhà văn Việt Nam đang sống và viết ở nước ngoài được xuất bản theo cả con đường chính thống, cả tự do. Đây là khu vực văn học khá phức tạp, có tính phân loại cao, đa dạng từ nhiều nguồn, với số lượng khá lớn cả tác giả lẫn tác phẩm.

Hiện nay, cũng đã có một số công trình nghiên cứu về văn học hải ngoại ở các cấp đào tạo ngữ văn bậc sau đại học. Cũng đã có một số công trình nghiên cứu của các tác giả trong nước đã xuất bản.

Đã có một số tiểu luận của các nhà nghiên cứu trong nước về văn học hải ngoại như: Hoàng Ngọc Hiến, Lý Lan, Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Quang Thiều, Lê Hoài Nguyên, Phạm Xuân Nguyên, Đỗ Minh Tuấn, Phạm Quang Trung, Huỳnh Như Phương, Nguyễn Thị Thanh Xuân... Tuy nhiên, chưa có nhiều công trình mang tính chuyên luận để công nghiên cứu một cách hệ thống về khu vực văn học này. Cuốn chuyên luận “Văn học di dân-Phác thảo diện mạo nữ nhà văn Việt Nam tại Hoa Kỳ” (Nxb Phụ nữ, 2019) của tác giả Trần Lê Hoa Tranh được xem như là một thành tựu đầu tiên nghiên cứu về bộ phận văn học này đáng được ghi nhận.

Đây là một khu vực văn học khá rộng, bề bộn, việc nhận diện đang còn chưa rõ ràng. Văn học của người Việt sống ở nước ngoài? Người Việt có quốc tịch nước ngoài? Người Việt viết bằng tiếng Việt? Hay người Việt viết bằng ngôn ngữ khác?... Ngay cả tên gọi cũng có vẻ như chưa thống nhất: Văn học hải ngoại? Văn học di dân?... Xét thấy, khu vực văn học hải ngoại đang rất cần được giới NCLLPB quan tâm và bổ khuyết.

Thêm một lưu ý: Xét văn học Việt ở hải ngoại, bộ phận này đã có cả một lịch sử lâu dài, có thể tính từ khi nước Việt Nam trở thành thuộc địa của thực dân Pháp (cuối Tk 19 - đầu Tk 20). Nếu nhìn như vậy, chúng ta còn nhiều việc phải làm đối với khu vực văn học này (3).

2.3. Những “món nợ xa”

Tôi muốn nói đến một số trường hợp văn học của thì quá khứ chưa hẳn đã xa mà hiện nay chúng ta cũng chưa có một đánh giá chính thức ở tầm quốc gia. Đó là hàng loạt các tên tuổi của các bậc trí thức, các nhà văn, nhà báo của những năm đầu thế kỷ 20 kéo dài cho đến 1945: Nhà văn hóa Trương Vĩnh Ký; các nhà văn hóa Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, theo đó là các tạp chí Nam Phong tạp chí, Đông Dương tạp chí, Trung Bắc tân văn và các ấn phẩm khác; các nhà nghiên cứu, nhà thơ Dương Bá Trạc, Nguyễn Bá Trác, Trần Trọng Kim… cũng cần được đánh giá thỏa đáng hơn. Ngoài ra, chưa kể hàng loạt các cơ quan ngôn luận về văn học, văn hóa gắn liền với nhiều tên tuổi nổi tiếng như: An Nam tạp chí, Đông Tây, Phong hóa/ Ngày nay của Tự lực văn đoàn, Tiểu thuyết thứ Năm, Tiểu thuyết thứ bảy, Phụ nữ Tân văn, Tri tân, Thanh nghị... cũng chưa được nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện và thỏa đáng.

Có một thực tế, càng chậm nghiên cứu, càng để trễ thời gian thì công việc lưu giữ tư liệu càng trở nên khó khăn; ấy là chưa kể đến nhiệt huyết và trách nhiệm của giới nghiên cứu hậu bối đối với di sản chưa biết sẽ như thế nào...

  1. Kết luận

Việc còn những khoảng trống nghiên cứu như đã liệt kê trên kia trong nền NCLLPB hiện nay có nhiều lý do thuộc về cấp quản lý vĩ mô và cá nhân riêng lẻ (trong đó có tôi).

Chỉ ra những khoảng trống này chúng tôi không nhằm để đổ lỗi cho ai, mà cốt nhằm để hình dung về bức tranh toàn cảnh, góp phần chỉ chỗ cho hoạt động NCLLPB văn học hiện nay, nhất là đối với các cây bút nghiên cứu trẻ, các nghiên cứu viên ở các cơ sở đào tạo đại học và sau đại học... Mỗi thế hệ nghiên cứu đều có những giới hạn của chính thế hệ mình. Hoạt động nghiên cứu là cuộc chạy tiếp sức. Nếu tổ chức tốt, có tính kế hoạch và khoa học cao, những khoảng trống trên kia sẽ mau chóng được bổ khuyết.

Hà Nội, ngày 21/1/2024

______________________

Tài liệu tham khảo

(1, 2) Bài viết của GS Phong Lê: “Văn học Hà Nội trong chống Pháp (1947-1954) và 20 năm văn học đô thị miền Nam(1956-1975) qua một số công trình nghiên cứu” cũng đã có ghi nhận và đánh giá về công trình của các tác giả Lê Xuân Ba, Trần Trọng Đăng Đàn, Trần Hữu Tá

(3) Được biết tác giả Phạm Văn Quang bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài “Trật tự từ trong tiểu thuyết pháp ngữ của Cung Giũ Nguyên, Phạm Văn Ký và Phạm Duy Khiêm” năm 2004. Tiếp sau đó ông đã bảo vệ thành công đề tài sau tiến sĩ “Thiết chế văn học Việt Nam Pháp ngữ”. Bản thân tôi chưa được đọc các công trình này.

-----------

Bài tham luận tại Hội nghị Lý luân phê bình Văn học lần thứ V

Hội Nhà văn Việt Nam: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Văn học năm 2004

Hội Nhà văn Việt Nam: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Văn học năm 2004

Baovannghe.vn - Sáng 12/12, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác văn học năm 2024, thông qua phương hướng hoạt động của năm 2025. Hội nghị được tổ chức tại Hà Nội.
Viết ở Đồng Đậu - Thơ Trần Khoái

Viết ở Đồng Đậu - Thơ Trần Khoái

Baovannghe.vn- Con ngồi thiền/ Để về lại thiên thu
Ru ca - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Ru ca - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Baovannghe.vn- Em ru ca/ Em ru nỗi người
Ủy ban thường vụ Quốc hội: Sẽ tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 9

Ủy ban thường vụ Quốc hội: Sẽ tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 9

Baovannghe.vn - Tháng 2/2025 dự kiến sẽ diễn ra kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội để sửa luật, phục vụ triển khai sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy
Canh sắn - món ăn đậm tình người và đất Trung du

Canh sắn - món ăn đậm tình người và đất Trung du

Baovannghe.vn - Ai từng đến Phú Thọ, ngoài chiêm bái đền Hùng và quần thể di tích Lạc Long Quân - Âu Cơ thì đều được giới thiệu món canh rau sắn, đặc sản của người trung du.