“… Trong suốt 60 năm xây dựng và phát triển, với sự nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn thách thức, Tạp chí Nghiên cứu văn học đã xuất bản đều kỳ 580 số với chất lượng khoa học cao, góp phần định hướng tư tưởng học thuật qua các thời kỳ, đáp ứng xuất sắc nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa - văn học nước nhà…”
(Trích Thư chúc mừng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân kỷ niệm 60 năm Tạp chí Nghiên cứu văn học xuất bản số đầu tiên)
Đồng hành với kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (1925-2020), 67 năm thành lập Viện Văn học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (tiền thân là Ban Nghiên cứu lịch sử, địa lý, văn học tại chiến khu Việt Bắc, 1953), và chính thức tính từ năm 1960 đến số chuyên san “Kỷ niệm 60 năm Tạp chí Nghiên cứu Văn học” vào tháng 6/2020, Tạp chí đã xuất bản được tổng cộng 580 số.
Giáo sư Hoàng Như Mai (người ngồi hàng ghế đầu) trong buổi họp cộng tác viên Tạp chí Văn học do TCVH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, tháng 7-1999 |
Hiện nay Tạp chí Nghiên cứu Văn học là cơ quan ngôn luận của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và gắn kết trực tiếp với Viện Văn học. Chính thức ra đời tháng 1/1960 đến số 6/1963, Tạp chí có tên Nghiên cứu Văn học; từ số 7/1963 đến số 12/2003 đổi tên Tạp chí Văn học; từ số 1/2004 chuyển lại tên Nghiên cứu Văn học. Tạp chí là diễn đàn khoa học, nơi công bố các kết quả học thuật của Viện cùng giới nghiên cứu, giảng dạy văn học trong nước và học giới quốc tế. Trong 60 năm qua, tạp chí đã đăng trên 9000 tiểu luận khoa học, góp phần thúc đẩy sự phát triển khoa nghiên cứu, xứng đáng giữ vai trò trung tâm ngôn luận về khoa học văn học của cả nước.
Có một đặc điểm rõ nét, tất cả lãnh đạo Tạp chí (với các chức danh Chủ nhiệm, Phó và Tổng Biên tập, Thư ký Tòa soạn) qua các thời kỳ đều là các nhà khoa học, chuyên gia có công trình nghiên cứu chuyên sâu, hầu hết là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, một số vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh và Nhà nước về văn học, nghệ thuật: Đặng Thai Mai (1960-1976), Hoài Thanh (1960-1969), Vũ Đức Phúc (1970-1978), Phan Nhân (1970), Nguyễn Văn Hoàn (1974-1975); Hoàng Trung Thông (1977-1985), Thành Duy (1977-1979), Phong Lê (1989-1995), Bùi Công Hùng (1980-1990), Hoàng Trinh (1986-1989), Hà Minh Đức (1995-2003), Phan Trọng Thưởng (1995-2013), Nguyễn Hữu Sơn (2006 đến nay)…
Điểm lại tình hình hoạt động của Tạp chí qua 580 số trong suốt 60 năm vừa qua, có thể khẳng định Tạp chí vẫn duy trì được không khí học thuật, có những bước phát triển đáng ghi nhận. Ngay trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1960-1975), Tạp chí vẫn xuất bản đều đặn với số lượng lớn, góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng nền văn nghệ tiên phong chống xâm lược, đấu tranh thống nhất đất nước. Trong khoảng mười năm sau hòa bình và những sóng gió thời hậu chiến (1975 đến trước 1986), Tạp chí tiếp tục gắn bó cùng số phận dân tộc, đất nước, cho dù có thời điểm phải in gộp cả hai kỳ, thậm chí bốn kỳ, vào chung một số. Bước sang giai đoạn Đổi mới, trải qua ba mươi năm, Tạp chí dần làm quen với cơ chế quản lý mới, thời kỳ các loại báo chí “bung ra”, thời kỳ báo mạng lên ngôi, thời kỳ hội nhập và phát triển, nhu cầu và tâm lý tiếp nhận của học giới và bạn đọc đã có sự thay đổi đáng kể. Trong tình hình ấy, Tạp chí vẫn đứng vững, ra đúng kỳ hạn, đúng tiến độ, không một lần để chậm sang tháng sau và cơ bản vẫn giữ được vai trò là cơ quan ngôn luận hàn lâm, có uy tín trong đời sống nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học của cả nước… Ghi nhận những đóng góp và thành tựu trên, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Huân chương Lao động Nhất, Nhì, Ba cho Tạp chí Nghiên cứu Văn học, từ đó góp phần quan trọng vào việc Viện Văn học được tặng Huân chương Độc lập Hạng Nhất (1999).
Đồng thời với việc giữ vững định hướng học thuật, mở thêm các chuyên mục Văn học và nhà trường, Tư liệu văn học, Trao đổi ý kiến, Đọc sách, điểm sách, Tạp chí khẳng định được vị thế chuyên môn, giữ vai trò thông tin, đánh giá, tư vấn, phản biện xã hội, góp phần dự báo và xây dựng khoa nghiên cứu văn học tiên tiến, hiện đại. Mặt khác, trong những năm gần đây, Tạp chí tiếp tục mở rộng hoạt động dịch thuật, thâu nhập các nguồn lý luận mới mẻ, tiến bộ, phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển đất nước, trong đó đặc biệt khuyến khích việc thực hiện các số chuyên đề tôn vinh danh nhân đất nước, các giai đoạn và thể loại văn học, các hệ thống giá trị di sản tinh thần dân tộc; chú trọng vùng văn học Nam Bộ và dân tộc, miền núi Tây Bắc, Tây Nguyên; thực hiện các số chuyên san về văn học Pháp ngữ và các nước Ấn Độ, Ba Lan, Hàn Quốc, Hunggari, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc, v.v…
Nối tiếp truyền thống xây dựng, đổi mới và phát triển, bước sang giai đoạn đầu thế kỷ XXI, Tạp chí Nghiên cứu Văn học chú trọng hướng tới các vấn đề khoa học cơ bản, chuyên sâu, bám sát tôn chỉ, mục đích để có những đóng góp thiết thực vào đời sống nghiên cứu, giảng dạy, mở rộng giao lưu văn học khu vực và quốc tế. Nhằm mục đích nâng cao chất lượng Tạp chí, vấn đề cốt lõi đặt ra là việc xác định cấu trúc các mục bài cũng như cách thức triển khai các vấn đề học thuật. Theo định hướng hội nhập quốc tế, bên cạnh các chuyên mục thường kỳ như lý luận, nghiên cứu văn học Việt Nam giai đoạn cổ - cận đại, hiện đại, dân gian, dân tộc, gắn vấn đề văn học Dân tộc – Quốc gia và Quốc gia – Dân tộc với văn học nước ngoài, Tạp chí tiếp tục duy trì các mục chuyên sâu, đặc biệt khai thác có hiệu quả mảng bài thông tin tư liệu, trao đổi ý kiến, văn học và nhà trường, đọc sách, điểm sách, góp phần tạo cho các trang viết trở nên sinh động và gần gũi hơn với đời sống văn học đương đại.
Nhìn lại chặng đường đã qua, sau khi thu thập và tham khảo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu và bạn đọc, chúng tôi cho rằng Tạp chí còn bộc lộ nhiều mặt hạn chế chưa dễ khắc phục trong ngày một ngày hai. Điều chủ yếu là chất lượng các mục bài vẫn chưa đồng đều. Một số bài thuộc khu vực hiện đại, đương đại và các mảng mục Văn học và nhà trường, Chân dung văn học có ý nghĩa tạo nên dáng vẻ sinh động và đáp ứng yêu cầu của nhiều đối tượng bạn đọc song lại dễ có cơ nghiêng về bình giảng, thiếu tính chuyên sâu. Đây cũng là câu hỏi thường trực đặt ra cho Tạp chí và đòi hỏi chính chúng ta - các nhà nghiên cứu và giảng dạy văn học, những nhà chuyên môn vừa là cộng tác viên vừa là độc giả, và cũng chính là chủ nhân đã góp phần công sức kiến tạo nên diện mạo Tạp chí - phải cùng nhau luận bàn, khắc phục hạn chế và tạo đà cho Tạp chí phát triển.
Qua thực tế, Tạp chí thường xuyên phải trả lời những câu hỏi đặt ra gần như những nghịch lý và mâu thuẫn cơ hồ không dễ điều hòa: Muốn có nhiều tiểu luận chuyên sâu nhưng số tác giả đạt tầm chuyên gia có hạn; muốn nâng cao tính học thuật thì lại giảm thiểu tính phổ cập, xã hội hóa; muốn các trang viết sinh động, phục vụ đông đảo đối tượng bạn đọc thì tính chuyên nghiệp ắt bị hạn chế; muốn tăng trang, tăng nhuận bút nhưng nguồn kinh phí hàng năm lại là cơ số hữu hạn. Thêm nữa, các vấn đề về quan niệm và mức độ các cuộc tranh luận, tính dân chủ trên diễn đàn tranh luận, mối quan hệ hai chiều giữa Tạp chí với các cộng tác viên cũng là những điều cần được trao đổi thẳng thắn.
Trong điều kiện thuận lợi mới, Tạp chí chú trọng mở rộng những cuộc trao đổi học thuật về các vấn đề chức năng văn học, lý thuyết phản ánh và sáng tạo, văn học và “lằn ranh văn học”; chú ý khuyến khích những suy nghĩ, tìm tòi mới mẻ, những cách đặt vấn đề, cách lý giải và kiểm chứng đúng mức hơn về nhiều khái niệm và hiện tượng văn học trước đây còn chưa được đánh giá một cách toàn diện, khách quan khoa học (tư liệu văn học đầu thế kỷ XX, văn học lãng mạn, văn bản và tác phẩm, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa “hậu hiện đại”, “hậu cấu trúc”, “giải cấu trúc”, trường phái “phê bình mới”, văn học phi lý, văn học kỳ ảo, giới hạn của lịch sử văn học…); từng bước nhấn mạnh và giới thiệu rộng rãi hơn những phương pháp, trường phái lý luận mới (thi pháp học, ký hiệu học, loại hình học, phiên dịch học, so sánh, tiếp nhận, tự sự học, cấu trúc, liên ngành, cận văn học, văn hoá học, xã hội học văn học, trường văn học…). Rõ ràng việc vận dụng một cách phù hợp những phương pháp và hệ thống lý thuyết văn học mới đã cho phép học giới ngày càng hiểu sâu sắc, hoàn chỉnh hơn các phương diện thuộc về bản chất văn học, đối tượng và chức năng văn học; thậm chí xác định lại ngay cả các cách hiểu về tác phẩm, văn bản và liên văn bản, về mục đích và phương thức tiếp cận văn bản, về mối quan hệ giữa tác phẩm và người đọc tưởng chừng như đã quen thuộc. Trong tương quan chung, việc mở rộng diễn đàn trao đổi, tranh luận chắc chắn sẽ giúp cho Tạp chí khởi sắc, góp phần tích cực vào quá trình phát triển nền văn hóa văn học đậm đà bản sắc dân tộc, từng bước tiếp cận trình độ nghiên cứu ngữ văn hiện đại ở khu vực và thế giới…
________
* PGS.TS. Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Văn học.
Nguồn Văn nghệ số 25/2020