Chuyên đề

Tập thơ "Bài ca trái đất" của nhà thơ Định Hải

Bảo tàng Văn học Việt Nam
Văn học nhà trường
13:00 | 14/07/2024
Nhà thơ Định Hải tên thật là Nguyễn Biểu, quê ở Thanh Hóa, là một trong những nhà thơ có nhiều cống hiến cho nền văn học thiếu nhi Việt Nam.
aa

Trái đất này là của chúng mình

Quả bóng xanh bay giữa trời xanh

Bồ câu ơi, tiếng chim gù thương mến

Hải âu ơi, cánh chim vờn sóng biển

Cùng bay nào, cho trái đất quay!

Cùng bay nào, cho trái đất quay!

Trái đất trẻ của bạn trẻ năm châu

Vàng, trắng, đen... dù da khác màu

Ta là nụ, là hoa của đất

Gió đẫm hương thơm, nắng tô thắm sắc

Màu hoa nào, cũng quý, cũng thơm!

Màu da nào, cũng quý, cũng thơm!

Khói hình nấm là tai họa đấy

Bom H, bom A không phải bạn ta

Tiếng hát vui giữ bình yên trái đất

Tiếng cười ran cho trái đất không già

Hành tinh này là của chúng ta!

Hành tinh này là của chúng ta!

(Bài ca về trái đất, Berlin - 1978)

Bài ca về trái đất là một tác phẩm đặc sắc với thông điệp về hòa bình đầy ý nghĩa của nhà thơ Định Hải. Bài thơ Bài ca về trái đất được ông viết năm 1978 ở Berlin và được sử dụng làm ngữ liệu giảng dạy trong chương trình phổ thông. Nhạc sĩ Trương Quang Lục đã phổ nhạc bài thơ thành bài hát Trái đất này là của chúng mình và được trẻ em cả nước yêu thích. Đây cũng là bài hát luôn được hát vang trong mỗi dịp gặp gỡ, giao lưu với các thiếu nhi quốc tế.

Tác phẩm của nhà thơ Định Hải về thiếu nhi được trưng bày tại Bảo tàng Văn học Việt Nam

Bài thơ Bài ca về trái đất đã cho thấy vẻ đẹp của trái đất - hành tinh xanh của chúng ta. Nó không chỉ là môi trường sống, nó còn chính là tài sản to lớn nhất, quan trọng nhất của con người. Trái đất là nơi đầy ắp tiếng cười của trẻ thơ, là nơi vui chơi bất tận của mọi loài sinh vật vì chỉ có hòa bình, tiếng hát, tiếng cười mới mang lại bình yên thực sự cho trái đất. Trẻ em thế giới dù ở đất nước khác nhau, có màu da khác nhau nhưng đều có quyền bình đẳng, đó là sự kỳ diệu của hành tinh và trẻ em là tương lai của mỗi dân tộc và của thế giới vì vậy chúng ta phải cùng nhau giữ cho thế giới hòa bình, không có chiến tranh, cùng nhau hạnh phúc giữ mãi màu xanh của trái đất.

Tác phẩm của nhà thơ Định Hải về thiếu nhi được trưng bày tại Bảo tàng Văn học Việt Nam

Nhà thơ Định Hải tên thật là Nguyễn Biểu, sinh ngày 6/6/1937, quê xã Định Hải, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, là một trong những nhà thơ có nhiều cống hiến cho nền văn học thiếu nhi Việt Nam. Ông bắt đầu sáng tác từ những năm đang còn học cấp hai trường Lam Sơn (Thanh Hóa) và được đăng thơ trên báo từ năm 1954 với tên Nguyễn Biểu. Lúc này, ông đã được nhiều người biết đến với những bài thơ: Quê ta một dải Bắc - Nam (giải khuyến khích báo Tiền Phong, 1955); Trồng cây xanh (giải nhì - không có giải nhất - báo Người giáo viên nhân dân, 1960). Nhà thơ Định Hải tốt nghiệp ngành Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sau đó công tác ở Bộ Giáo dục ít năm thì làm biên tập viên ở Nhà xuất bản Kim Đồng, sau làm Tổng Biên tập tạp chí Tuổi xanh, nguyên trưởng ban Văn học thiếu nhi - Hội Nhà văn Việt Nam. Từ năm 1962, nhà thơ Định Hải đã sáng tác rất nhiều thể loại cho thiếu nhi như: truyện ngắn, truyện thơ, thơ, hoạt cảnh, viết lời cho các bộ phim hoạt hình... Ở mỗi thể loại ông đều để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Song thành công hơn cả là những sáng tác thơ viết cho thiếu nhi. Thơ của ông đã mang đến những cảm xúc chân thành, bình dị, gần gũi, thân quen đối với tâm hồn trẻ thơ. Một số tác phẩm chính của ông: Nắng xuân trên rẻo cao; Chồng nụ chồng hoa; Hươu cao cổ; Em hát - đu quay; Nhành hoa trong vườn sớm; Bài ca trái đất, v.v...

Là một trong những nhà thơ có nhiều cống hiến cho nền văn học thiếu nhi Việt Nam, nhà thơ Định Hải đã được nhận nhiều Giải thưởng của Hội Nhà văn, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Văn nghệ Hà Nội... cho các tác phẩm thơ viết cho thiếu nhi. Năm 2007 ông vinh dự nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Gian trưng bày về nhà thơ Định Hải tại Bảo tàng Văn học Việt Nam

Hiện nay, một số tác phẩm của nhà thơ Định Hải cũng như bản thảo viết tay của ông đang được lưu giữ và trưng bày tại tầng 3, Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Theo Bảo tàng Văn học Việt Nam

* Tên bài viết do Báo Văn nghệ Online đặt

Nhà thơ Định Hải: Dẫn thiếu nhi tới chốn thần tiên Cú hích cho nền văn học thiếu nhi* Mấy suy nghĩ về văn học thiếu nhi Thơ viết cho thiếu nhi: Khi cảm xúc được nuôi dưỡng Truyện thiếu nhi của Thâm Tâm
Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 50/2024

Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 50/2024

Baovannghe.vn - Báo Văn nghệ số 50/2024 ra ngày 14/12/2024 có các nội dung sau đây:
Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Baovannghe.vn - Lê Vĩnh Thái luôn mang tâm thế là một thầy giáo nghèo vùng ngoại ô của Huế. Sự vất vả, lam lũ, khung cảnh nông thôn chính vì thế luôn là không gian nghệ thuật nổi bật trong thơ anh.
Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Baovannghe.vn - Trong tranh của Trương Đình Hào, ta thường bắt gặp nón quai thao, một cặp nam nữ đang hát quan họ, các con vật và vật dụng thường ngày… Thoạt nhìn, rất dễ để xem tranh Hào dưới góc nhìn văn hoá, di sản: các tác phẩm ghi lại các hoạt động bình dị hằng ngày của đời sống nông thôn ở miền Bắc Việt Nam giai đoạn trước Đổi mới.
Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trong đáBaovannghe.vn - 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội là trụ sở của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Tòa nhà bình dị này mang một ý nghĩa rất lớn.
Ở trong tôi - Thơ Kim Chuông

Ở trong tôi - Thơ Kim Chuông

Baovannghe.vn- Tôi gặp mùa thu trên mặt sông đầy/ nhịp cầu giống chiếc đòn gánh lớn