Năm 2000, tập Truyện ngắn Thâm Tâm (Văn Giá và Thanh Hương sưu tầm) ra đời là hạnh phúc và động lực để người con trai Nguyễn Tuấn Khoa tìm lại những gì người cha đã viết, đã in. Một hành trình không dễ dàng khi hầu hết những người cùng thời đã ra đi. May mà tuổi nghỉ hưu đã tạo điều kiện cho ông có nhiều thời gian mở rộng tìm kiếm từ thư viện, các hiệu sách báo cũ, những nhà sưu tầm sách. Đặc biệt, Thư viện Quốc gia Pháp ở Paris cũng đưa lên mạng những gì họ đã thu được ở Việt Nam xưa. Nhà văn Vũ Bằng từng kể, do hoàn cảnh gia đình bức bách, Thâm Tâm phải viết rất nhiều. Khi Vũ Bằng làm thư ký tòa soạn Tiểu thuyết thứ 7, có số phải cho Thâm Tâm đăng 2 bài, buộc phải ký bút danh khác nhau. Nhà sách Tân Dân nơi Thâm Tâm cộng tác cũng tạo điều kiện cho ông in những tập Truyền bá, như một phụ san để in các truyện của mình. Nhiều truyện, chính tác giả vẽ minh họa. Nhắc thế để biết những khó khăn của quá trình kiểm chứng bút danh. Khi đã có trong tay gần đủ bộ Tiểu thuyết thứ 7, Tiểu thuyết thứ 5, Truyền bá, mấy số Phổ thông bán nguyệt san, trải qua công đoạn xác định và kiểm chứng các bút danh, đến nay, gia đình đã sưu tầm được thêm 23 bài thơ, 83 truyện ngắn, 29 kịch ngắn, 2 tiểu thuyết (Thuốc mê, Nỗi ân hận dài), 27 truyện vừa, trong đó có 18 truyện viết cho thiếu nhi.
Số truyện viết cho thiếu nhi này được Nhà xuất bản Kim Đồng in thành 3 tập: Hai cây hoa nhài (6 truyện cổ tích), Con rùa đội vẹt (7 truyện đồng thoại), Thuồng luồng ở nước (5 truyện dã sử).
3 tập truyện thiếu nhi này dày 530 trang, được Thâm Tâm viết chủ yếu trong 3 năm, từ 1942-1945. Đây là bộ sưu tập chưa đầy đủ nhưng cho thấy một sức viết đáng nể. Dẫu "Cơm áo không đùa với khách thơ", dẫu chọn nghề văn để nuôi một gia đình nặng gánh như một số nhà văn dạo ấy, nhưng qua những trang viết cho thiếu nhi, tài năng của tác giả vẫn hiển lộ. Trong bài viết này, chúng tôi đọc lại chùm truyện viết cho thiếu nhi để thấy một phương diện tài năng của Thâm Tâm.
Tập truyện thiếu nhi của nhà thơ Thâm Tâm - Ảnh: HNM |
Nhìn lại lịch sử văn học có thể nhận ra một đặc điểm khá phổ biến. Dù chính kiến chính trị, thể chế khác nhau tùy thời điểm, nhưng văn học dành cho thiếu nhi bao giờ cũng là một không gian riêng, với những mẫu số chung về đạo lý làm người. Ngay cả những tác giả từng viết nhiều thể loại với một văn phong gân guốc, dữ dằn, khi đặt bút viết cho đối tượng này cũng phải “dọn mình” tuân theo những luật bất thành văn, trước là trao gửi cho con trẻ - trong đó có con cháu ruột thịt của mình - những điều nhà văn mong ước chúng được trở thành, được nếm trải, bằng một diễn ngôn giản dị, trong sáng, hồn nhiên nhất có thể.
Đọc truyện thiếu nhi của Thâm Tâm, một lần nữa khẳng định nhận xét đó. Điều ngạc nhiên nhất là ít thấy bóng dáng thời gian hơn 3/4 thế kỷ trước để lại trên từng trang sách. Trong khi ngôn ngữ xã hội và ngôn ngữ văn học nước ta non thế kỷ qua có rất nhiều chuyển động theo hướng hiện đại, hình thức diễn ngôn, kết cấu truyện... in đậm dấu thời gian, thì hôm nay, đọc truyện Thâm Tâm vẫn ngỡ tác giả là người đương thời. Viết từ 80 năm trước mà từ, ngữ, cách diễn đạt rất trong sáng, giản dị, không thấy cũ, dù nhiều truyện cũ.
Gọi truyện Thâm Tâm là cũ trước là vì “chiếc áo” thể loại quen thuộc khoác lên các câu chuyện. Đó còn là sự gợi nhắc các điển ngữ dân gian (Con cóc là cậu ông giời, ếch ngồi đáy giếng, coi trời bằng vung...) trong truyện kể. Các truyện dã sử của Thâm Tâm thì gắn với những nhân vật và sự tích trong lịch sử dựng và giữ nước, hướng đến nêu gương các anh hùng, đề cao lòng yêu nước. Một số truyện cổ tích và đồng thoại được phát triển trên cơ sở các mô tip, tình tiết chính của truyện đời xưa. Sử dụng những chất liệu cổ tích như phép thử của Bụt, sự hóa thân trong một thân xác khác, sự hóa kiếp, khả năng tiên đoán những tai họa, thuyết nhân quả...
Thâm Tâm có nhiều truyện hấp dẫn như Ông hoàng rắn, Nàng Út... Ở Nàng Út, âm hưởng của văn học dân gian Việt Nam và thế giới thể hiện khá rõ, trong đó phải kể đến sự hiện diện của nhân vật tí hon. Trong cổ tích nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản, dạng thức nhân vật này xuất hiện khá nhiều (Chú bé trái đào Momotaro, Isum Boshi, Anh chàng samurai tí hon, Công chúa Kaguya...). Ẩn sâu trong hình hài nhỏ bé ấy là những tâm hồn giàu tình yêu thương kèm theo những phẩm tính phi thường. Giấc mơ vượt lên những điều bé mọn để chinh phục những điều lớn lao được gửi gắm vào nhân vật ấy.
Mô tip hóa thân cũng được Thâm Tâm khai thác. Điều đó thể hiện trí tưởng tượng bay bổng, phóng khoáng của tác giả trên cái nền hư ảo của truyện cổ. Đó cũng là khát vọng hóa giải con người thoát khỏi những bi kịch của cuộc sống, làm tròn triết lí nhân sinh ở hiền gặp lành - điều mà tác giả không quên gửi gắm thông qua kết thúc rất có hậu và trọn nghĩa.
Thâm Tâm tiếp nhận ảnh hưởng của văn học dân gian nhưng điều đáng nói là trên “nền đất cũ” ấy, “một thành trì mới” đã được xây dựng. Giữa truyện Hai cây hoa nhài với truyện Sọ Dừa dân gian có nhiều điểm tương đồng. Tích xưa vẫn còn đó nhưng Hai cây hoa nhài là một sáng tạo bất ngờ và thú vị. Hai cây hoa nhài là một sáng tác bề thế gấp nhiều lần về dung lượng, về tình tiết. Tác phẩm này là ví dụ sinh động cho sự kết hợp giữa truyền thống và cách tân, giữa dân gian và hiện đại, điều mà nhà văn cũng đã thành công với các tác phẩm khác như: Cái quạt mo, Đười ươi giữ ống, Thằng Cuội phiêu lưu.
Truyện Cóc và ếch tranh hùng là một hình thức tiếp nhận văn học dân gian khác của tác giả. Khi kể lại truyện cũ, Thâm Tâm không chỉ tồn tại với tư cách là tác giả. Ông thể hiện vai trò của một độc giả, thể hiện “tầm đón đợi”, cách nhìn nhận về những hình ảnh/chi tiết đã diễn ra trong truyện xưa. Có những lí giải, tiếp nhận làm người đọc “té ngửa”, ví như lí do Cóc tía lên thiên đình với gà chỉ vì gà biết bay, cóc tía cưỡi lưng gà đi thì tiện biết bao nhiêu, chứ đi một mình thì không biết bao giờ mới lên giời…Cứ thế, từ việc phá vỡ tính chỉnh thể của những câu chuyện đời xưa, Thâm Tâm sáng tác nên những truyện kể hấp dẫn. Như một dịp giới thiệu phong cảnh, hình sông thế núi, cách sống, khí phách con người Việt Nam ở những vùng địa lý khác nhau (Mò ngọc trai, Thuồng luồng ở nước, Tiên trong giếng thần, Trịnh Khả…). Như một dịp chia sẻ, giãi bày quan điểm về nhân tình thế thái, về các vấn đề lịch sử (Thỏ, chuột và khỉ; Hươu, rím, khách; Bước gian nan của con nắc nẻ, Đầu lâu Tô Thị trên mình voi). Như cơ hội tái hiện, khơi gợi các mảng màu văn hóa dân gian đất Việt và văn hóa phương Đông, đặc biệt là văn hóa Trung Hoa (Đười Ươi giữ ống, Thằng Cuội phiêu lưu…).
Trong 3 tập truyện, có lẽ tập truyện đồng thoại là phần cung cấp nhiều kiến thức cho bạn đọc trẻ nhất. Các nhà phê bình sinh thái có thể xem đây là một nhánh đầy sinh khí trên “cây phả hệ” của loại hình văn học này. Qua các tác phẩm, nhà văn kiến nghị một cuộc chung sống hòa bình giữa muôn loài động vật, cây cỏ hiện tồn, không triệt tiêu lẫn nhau để cùng tồn tại và phát triển (Cóc và ếch tranh hùng Đời con kiến, Thỏ chuột và khỉ, Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, Bước gian nan của con nắc nẻ, Linh hồn đá). Tác giả cung cấp một bách khoa thư về các giống loài động, thực vật. Quan hệ gần xa của chúng, tập tính sinh hoạt, đặc điểm sinh học, cuộc cạnh tranh sinh tồn và phát triển là một thế giới kỳ lạ đối với lớp trẻ nhiều thời. Danh xưng các con vật: cóc tía, cóc xám, cóc vàng, cóc mốc, cóc đen, ngóe, nhái bén, chàng hươu, chẩu chuộc, ếch ộp, ễnh ương... cũng đã là sự mời gọi khám phá. Tác phẩm Đời con kiến đồng thời với cốt truyện là một biển kiến thức về các loài kiến, và quan trọng hơn vẫn là cách sống của kiến giúp con người nhìn lại mình, sau những chiến tranh liên miên không thể chấm dứt. Thỏ, chuột và khỉ; Hươu, rím, khách; Bước gian nan của con nắc nẻ giúp bạn đọc trẻ khám phá cuộc sinh tồn không đơn giản của các loài vật. Ở truyện Bước gian nan của con Nắc Nẻ, con bướm Nắc Nẻ ra đời, lớn lên, khôn ngoan trốn tránh mọi nguy hiểm trên đường đời, long đong và bấp bênh, lúc nào cũng lo sợ, phấp phỏng, lẩn lút trốn tránh, cuối cùng vẫn bị dẫm nát dưới chân những kẻ vô tình. Linh hồn đá là chùm 3 truyện liên quan đến những tượng đá có linh hồn. Tưởng tượng Đầu lâu Tô Thị trên mình voi khá thú vị, khi hơn 70 năm sau, đất nước trải bao sóng gió, cái đầu Nàng Tô Thị trên động Tam Thanh đã bị rụng. Lưỡi tầm sét trong cơn mưa gió của Thiên Lôi đã làm đầu rời tượng đá.
Vừa thân quen, vừa mới lạ là ấn tượng mà truyện Thâm Tâm tạo ra. Đằng sau mỗi truyện kể vẫn thấp thoáng một Thâm Tâm với khao khát yêu thương, khao khát lên đường. Tính chất giáo huấn, khuyến thiện vẫn thể hiện rõ, cô đọng ở phần kết thúc truyện. Ở nhiều tác phẩm, có nhiều điều thuộc về đạo lý sống dân gian được nhắc lại, nhưng với một tinh thần khác. Trong truyện cổ cũng như ca dao tục ngữ Việt Nam, xuất phát từ tâm lý ẩn ức của tầng lớp cùng đinh, nghèo khổ, sự phản ứng khi thắng thế nhiều khi quyết liệt, triệt để đến tàn nhẫn, cạn tình, có thể dẫn đến việc nuôi dưỡng hận thù truyền kiếp. Nhưng các truyện của Thâm Tâm luôn hướng đến những hóa giải nhân ái, đầy khoan dung và trách nhiệm. Khi tâm nguyện của tác giả bất thành do sự phức tạp của cuộc đời thì câu chuyện dang dở trong những nỗi buồn bàng bạc: “Núi rừng âm u vẫn giữ nguyên cái điệu lạnh lùng dữ dội, và trên cao vẫn bàng bạc làn hơi lam che phủ biết bao nhiêu điều bí mật” (Huơu, rím, khách).
Có thể thấy trong khi nhiều nhà thơ cùng thời tưới tắm văn chương trong những cách tân mang hơi hướng Tây phương thì Thâm Tâm lại có những phút giây lặng lẽ tìm về với mạch nguồn văn hóa truyền thống. Sống trong “thời đại thơ Mới”, ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn Thâm Tâm chủ yếu để lại cho thơ với những thi phẩm có khả năng “làm sống lại cái không khí riêng của nhiều bài thơ cổ”. Sáng tác cho thiếu nhi là một lựa chọn lạc thời; khơi lại dòng chảy của đồng thoại, dã sử, cổ tích dân gian cũng là lạc thời. Nhưng đấy là bản lĩnh của Thâm Tâm. Cùng đi một lối nhưng Thâm Tâm thuộc nhóm người mở đầu và dấu ấn của tác giả rất rõ ràng. Xét riêng ở thể loại truyện ngắn, tác phẩm của Thâm Tâm lúc nào cũng rậm rịt chi tiết, đầy ắp thông tin, đậm tính đối thoại, phản biện, gợi mở nhiều vấn đề nhân sinh, trong đó có cả các vết thương thời gian, các khoảnh khắc sa mù của phận người. Trong các truyện đồng thoại, tiếng vọng từ lòng rừng thẳm xa xôi lại là thanh âm của xã hội đương thời. Vì vậy, không chỉ riêng nghệ thuật, nội dung tư tưởng các tác phẩm của Thâm Tâm đã không bị sự phát triển của xã hội làm cho lạc hậu.
Thâm Tâm đã trở lại, bề thế và sinh động giữa không khí văn học đương đại.
Viết & Đọc - Chuyên đề mùa xuân 2024