Làng Thượng Luật quê tôi ở vùng cát biển nam Quảng Bình. Làng tôi đánh giặc thì giỏi lắm, có đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy anh hùng bắn cháy tàu chiến giặc những năm đánh Mỹ, nhưng làng tôi rất nghèo. Có câu hát nhại ca từ Hoàng Vân: “Quảng Bình khoai khoai toàn khoai", hẳn là hát về làng tôi. Khi tôi bảy tuổi thì ba tôi mất trong Cải cách ruộng đất. Chị đầu đi lấy chồng, bốn anh em tôi còn nhỏ. Thế là gia đình không thuyền lưới, không có người đi biển. Sau một thời gian phải cầm rổ đi xin từng con cá dọc bờ biển chang chang nắng gió, rồi đi mót từng củ khoai hà, mạ tôi quyết định chuyển sang nghề chạy chợ. Mạ tôi phải tần tảo chạy chợ mấy chục năm liền kiếm gạo nuôi con. Hồi đó ở miền Bắc, ngoài cửa hàng Mậu dịch và Hợp tác xã mua bán, không ai được mở cửa hàng tư, vì thế “cửa hàng” của mạ là đôi triêng gióng trên vai, không ai bắt phạt được.
Mạ buôn chè xanh, thơm (dứa), quả mận quân, mít xanh, mít chín... từ Chợ Huyện, quê ngoại Vĩnh Linh, gánh về làng biển đổi cá cho bà con trong làng. Cá ngừ, cá thu thì cắt miếng kho, các loại cá cơm, cá duội, cá nục...thì phơi làm cá khô hoặc làm mắm nêm, nước mắm... rồi gánh đi chợ Tréo, chợ Mai, chợ Hôm Trạm, Chợ Chè khắp huyện Lệ Thủy để bán. Từ làng tôi đi chợ Tréo gần hai mươi cây số, phải trèo động cát tới sáu cây số, gánh nặng đi năm tiếng đồng hồ mới kịp giờ họp chợ. Nên mạ dậy từ hai giờ sáng, đến tối mịt mới về. Những ngày Mỹ ném bom miền Bắc, đoạn đường mạ tôi đi chợ ngày nào cũng có bom nổ. Mỗi lần nghe bom nổ đâu đó, anh em tôi lo thắt ruột. Bữa mô bán ế, mạ lại gánh cá, mắm lên chợ Hôm Trạm hay vào các làng ở Liên Thủy, Mỹ Thủy bán cho bằng hết. Vì cuộc sống anh em tôi ở trên vai mạ nên khi mạ về mới có rau, cá, để ăn, có quần áo, sách vở để học. Nhiều bữa cả bốn anh em chờ tới tận mười giờ đêm mạ mới về... Ăn xong anh em tôi lăn ra ngủ, mạ lại lui cui chuẩn bị cá mắm để sáng mai lên chợ... Khi anh em tôi thức dậy thì thấy nồi cơm, xoong cá đã để trên chạn bếp. Đó là thức ăn cho mấy đứa suốt ngày...
Vào mỗi dịp giáp Tết, từ đầu tháng Chạp âm lịch, mạ tôi chạy chợ liên tục, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Bốn anh em trai chúng tôi thường xuyên ra gốc dương cổ thụ đầu xóm đón mạ mỗi tối. Có lần tôi được đi chợ Huyện (tức chợ Hồ Xá, Vĩnh Linh) vào ngày 26 Tết với mạ. Tôi lẽo đẽo đi bộ theo mạ vượt 26 cây số Truông Nhà Hồ. Đến chợ tôi say mê chạy theo mấy ông bán tò he, gà đất, chó bột, chân vấp phải hàng nồi đất, vỡ mất chiếc nồi nấu cơm của họ, mạ phải đền. Mạ mắng tôi mà nước mắt lưng tròng.
Tết mạ tôi gánh đến cho người ruộng là những chai nước mắm ngon, gọi là nước mắm chắt, nước mắm nhĩ, tức là loại nước mắm cốt từ trong chượp chắt ra, nhĩ ra tự nhiên, ngon lắm. Rồi những con mắm mục, mắm trích thính thơm phức, những khúc cá ngừ, cá thu kho ngon lựng; Tết mạ gánh về cho bà con làng biển Thượng Luật nghèo là bó chè xanh, quả thơm, quả mít chín, gạo nếp, rồi bao nhiêu thứ kẹo bánh cho trẻ con như: kẹo bi, kẹo bột đậu bọc giấy bóng xanh đỏ tím vàng, kẹo cứt gà (tên kẹo như thế vì kẹo nấu bằng đường thủ công tẩm bột nâu, đen đen trắng trắng như viên cứt gà khô trên cát); rồi các thứ bánh để thờ trên bàn thờ ngày Tết như bánh in bọc giấy bóng xanh đỏ, bánh ít, rồi lá dong, lá chuối để bán cho các nhà gói bánh chưng bánh tét. Chỉ có tối ba mươi Tết là mạ về sớm hơn. Nói là sớm cũng bốn năm giờ chiều. Về để làm cơm cúng tất niên, chuẩn bị bàn thờ đón Giao Thừa. Mạ chợ về trên vai một gánh Tết đầy...
Ảnh minh họa .Nguồn: Pinterest |
Ma nấu xôi, chè, làm con gà giò luộc để nhờ thầy xem giò đoán vận hạn, nấu các món thịt xào, thịt phay, canh bún riêu cua... làm mâm cơm cúng tất niên. Mạ vừa nấu cúng vừa bán hàng Tết chịu nợ cho bà con nghèo, vì đến gần giao thừa rồi mà nhiều gia đình vẫn chưa kiếm được tiền sắm Tết. Anh em tôi thì lo soạn bàn thờ, thắp nhang đèn. Cúng tất niên xong là mạ bắt đầu gói bánh chưng bánh tét. Tết nào mạ cũng nấu một nồi lớn bánh chưng sôi sùng sục. Anh em chúng tôi được mẹ phân công đứa thì lau chùi các thứ lư đỉnh ấm chén trên bàn thờ, thay cát thờ mới, riêng tôi thì canh nồi bánh chưng, khi nào cạn nước thì thêm nước. Tôi trải chiếc chiếu rách bên nồi bánh, thắp cây đèn dầu nằm đọc sách, vừa canh nồi bánh vừa đợi giao thừa, rồi có Tết ngủ quên lúc nào không biết.
Còn mạ thì vẫn cắm cúi làm các loại bánh như bánh nổ, bánh đúc, bánh ú.v.v.. để mai sớm gánh ra bán ở nơi làng tổ chức đánh đu, chơi Tết. Làng tôi hồi đó Tết nào cũng trồng hai cây đu lớn. Hội đu là nơi vui nhất trong mỗi cái Tết. Từ rằm tháng Chạp, người ta đã kéo nhau vô các làng xã miền ruộng để chọn mua tre la ngà về dựng đu. Bắt đầu từ sớm mùng Một Tết, đông đảo thanh niên nam nữ trong làng đã chen nhau vào chơi đu. Trẻ con chúng tôi thì đứng xem vỗ tay tán thưởng mỗi khi có cặp chơi đu vút lên cao thẳng đứng. Mấy anh thanh niên cứ mỗi lần thấy hai ống quần lụa gió của các chị bay ngược xuống đùi là vỗ tay rần rần. Tết làng tôi còn có hội đua thuyền. Hơn chục chiếc thuyền đánh cá của các đội sản xuất được sơn lại như mới, rồi vẽ rồng bay phượng múa. Mỗi thuyền có 16 thanh niên lực lưỡng cầm chèo một ông già đầu bịt khăn đóng, ngồi trước mũi thuyền đánh sanh, hò dô rất nhịp nhàng. Cả làng đổ xô ra bờ biển hò hét. Có người giơ nón lên cao, lội ra biển để vẫy. Rồi trò ném vòng cổ chai, ném quả bóng bàn vào giỏ do Đồn biên phòng tổ chức thu hút rất nhiều thiếu niên như tôi.
Chuyện Tết rất ấn tượng nữa thời bao cấp ở làng tôi là xem phim. Những ngày đó ở Quảng Bình có Đội chiếu bóng lưu động số 17. Cứ một năm vài lần Đội lại đêm phim về chiếu ở xã tôi, thường vào dịp trước Tết hoặc sau Tết năm bảy ngày. Đó là ngày hội của làng. Các thôn Liêm Lấp, Liêm Vàng, Tây Thôn xa 17 cây số, trẻ con, người lớn cũng bới cơm ra làng Thượng coi phim. Mỗi lần phim, làng phải cử 12 thành niên trai trắng vượt động cát lên Quốc lộ 1A, khiêng vác máy nổ, máy chiếu, màn ảnh về. Hai đêm chiếu phim xong lại khiêng máy lên trả. Khi phim về mạ tôi nấu cơm sớm để anh em tối đi xem. Chúng tôi ra bãi từ khi chưa tắt mặt trời để giành chỗ ngồi trước. Ngồi mãi đến gần tám giờ tối người ta mới loa “Buổi chiếu bóng xin phép được bắt đầu. Hôm nay Đội chiếu bóng lưu động số 17 sẽ phục vụ bà con hai bộ phim thời sự và phim truyện...”.
Sáng mùng một Tết, mạ tôi dọn mâm xôi chè và mấy thứ bánh cúng ông bà, cúng ba tôi, phát áo mới cho bốn anh em, dặn không được sang nhà họ đạp đất, lo trong năm có gì xui họ trách, rồi mạ triềng gióng gánh Tết lên vai... Mạ đi “phục vụ Tết" cho bà con tới chiều tối mùng Một mới về.
Mạ tôi là người nấu ăn giỏi nhất làng. Bởi thế mà suốt mấy chục năm khi xã, hợp tác xã có liên hoan là lại mời mạ tôi đứng bếp. Các thầy giáo trong huyện về Ngư Thủy dạy cấp 1, cấp 2 đều ở nhà tôi, có lẽ một phần vì nhà tôi có tủ sách lớn do ba tôi để lại, phần nữa là do mẹ nấu ăn ngon. Mạ tôi làm bánh nổ bằng thóc nếp rang nổ, sảy vỏ rồi cho vào nấu với nước đường, thêm tí vani, tí bột đao, ép khuôn cắt thành từng vuông nhỏ, hoặc vắt tròn như quả mận. Ăn ngọt mà giòn rụm. Ngày Tết, trẻ con trong làng rất thích loại bánh này. Mạ còn nấu bánh đúc bằng gạo mùa mới gặt. Nấu cho nhuyễn, thêm gia vị tiêu hành rồi đổ ra cái mâm thau, đợi bánh nguội, cắt thành từng miếng hình thoi, xếp vào thùng lót lá chuối, gánh đi bán. Bánh đúc chấm nước lèo ăn no vẫn thòm thèm..
Cuộc đời mạ tôi trầm luân vất vả. Nước mắt mạ nhiều hơn nụ cười. Chỉ có đêm Ba Mươi, sớm mùng Một là có Tết ở nhà. Gọi là Tết nhưng phải lo bao việc sáng đêm quần quật. Trong ký ức của tôi, Tết luôn luôn ở trên vai Mạ.