Minh hoạ Ngô Xuân Khôi |
Lối rẽ vào làng Đào Xá đi xuống, sau đó băng qua con đường đất mấy trăm mét trên đồng bãi.
Có năm lũ sông Luộc lên cao tràn qua làm vỡ con đê quai, nước ập lên lưng chừng đe dọa cả con đê chính và nhấn chìm tất cả đã biến khu đồng bãi thành một biển nước. Nhờ nằm trên gò cao mà ngôi chùa không bị nước lũ tấn công, được bình an qua những mùa mưa lũ.
Ngôi chùa nổi tiếng là linh thiêng này nghe nói có từ thời Lý, được xây dựng lên để thờ Phật. Chùa có tên là Sơn Khánh tự nhưng mọi người vẫn quen gọi là chùa Đào Xá vì thuộc địa phận của làng Đào Xá. Chùa được xây dựng theo dạng chữ Đinh, tiền đường bao gồm ba gian hai chái, bên trong gồm chính điện và các ban thờ, hậu cung. Phía trước chùa đi qua một sân rộng được lát gạch Bát Tràng có gác chuông vút cao nổi bật lên trời hình chiếc bút, mỗi chiều tiếng chuông chùa ngân vang xa từ đây. Bên phải là dãy nhà dành cho các phật tử sắp lễ, nhà ở của các tăng ni phật tử. Trải qua nhiều thăng trầm, biến cố của thời gian, được trùng tu, nhưng ngôi chùa vẫn giữ được nhiều nét cổ kính, in đậm nhiều dấu tích kiến trúc, điêu khắc qua các thời kỳ, đặc biệt chùa còn lưu giữ được nhiều pho tượng cổ, sắc phong và đồ cúng tế quý giá trong chùa.
Sư thầy trụ trì Trúc Thông năm nay đã ngoài ngũ tuần nhưng dáng người còn rất trẻ, nhanh nhẹn do biết võ nghệ. Cứ nhìn những đường nét gọn gàng, anh tú còn sót lại trên gương mặt đã bị thời gian bào mòn của thầy thì ai nấy đều khẳng định thời trẻ thầy rất đẹp trai. Sư thầy Trúc Thông ngoài việc tinh thông chữ nho, chữ quốc ngữ, chữ Pháp còn biết cả nghề bốc thuốc Nam và đã chữa được một số bệnh, nhất là các bệnh về xương khớp, chấn thương ngoài da. Dân làng Đào Xá mỗi khi có việc gì khó đều hỏi, nhờ sư thầy giúp và được giải đáp nên sư thầy được bà con dân làng quý mến và tin tưởng lắm.
Đã thành lệ, cứ mỗi sáng sư thầy cùng ni cô Trúc Mai, cô vãi tên Tơ thức giấc vào giữa giờ Dần. Dưới ánh nến mờ ảo trên ban thờ chính trong chính điện, nơi tượng đức Phật đang ngự trên đài sen, đang nhìn chúng sinh với ánh nhìn vô cùng khoan dung và độ lượng, ba thầy trò quỳ trong chính điện Trì Chú Lăng Nghiêm, gõ mõ tụng kinh niệm Phật. Trong đêm tối, tiếng gõ mõ tụng kinh vang lên khắp các gian chùa, đều đều tràn ra khoảng sân còn tối đen các tàng cây. Tiếng mõ lóc cóc, theo gió len lỏi qua các ruộng ngô làm chúng giật mình thức giấc, rồi vượt qua những luống khoai vẫn đương mải mê ngủ vùi để đến được con đê quai chờ đón bình minh. Khi bình minh đủ mạnh để ló rạng nơi mặt sông, đủ sức để xua hết đi những bóng tối còn sót lại của đêm tàn thì tiếng gõ mõ tụng kinh dừng hẳn. Sau khi đã quét sạch sẽ sân, vườn chùa là lúc ba thầy trò chuẩn bị dùng Tảo thực. Nồi cơm được lấy ra từ đống tro vùi trong bếp mà trước đó cô vãi đã thổi. Ni cô Trúc Mai lấy lọ muối vừng trong chạn cho ra mâm. Ba thầy trò yên lặng ăn.
Nhưng buổi sáng hôm nay cô vãi Tơ đã phá tan bầu im lặng thường thấy:
- Bạch thầy, mấy đêm qua con đều nghe thấy có tiếng súng nổ và tiếng đuổi bắt phía ngoài sông Luộc, nghe người trong làng nói quan Tây xua lính đi lùng bắt Việt Minh, còn cho cả lính vào làng lùng sục nữa.
- Thầy cũng nghe nói. Mong sao không ai bị tên bay đạn lạc. A di đà Phật!
Sư thầy nói xong, buông bát đứng dậy đi ra sân. Câu chuyện mà cô vãi vừa kể vẫn vương đậm trong ông. Mấy hôm nay không hôm nào sư thầy yên giấc, lòng lúc nào cũng thấy bồn chồn, lo lắng. Sư thầy biết như thế là không ổn, đi ngược với những giáo lý của người tu hành. Nhưng súng đạn đã nổ ngay ngoài sông kia, tức là có bắn giết đang xảy ra ngay ngoài cổng chùa thì hỏi sao người tu tập yên tâm ngồi tụng kinh niệm Phật trong chùa. Mấy năm nay phong trào Việt Minh nổi lên khắp nơi. Họ là những nhóm hội kín xuất quỷ nhập thần, thoắt ẩn, thoắt hiện nay thấy rải truyền đơn mạn chợ Cầu, mai đã thấy dán cáo thị trên đình làng Ký, họ kêu gọi chống đi phu, đi lính, cắt giảm sưu thuế, diệt trừ Việt gian bán nước. Dân chúng thì phấn khởi, vui mừng vì có người dám đứng lên bênh vực và nói lên tiếng lòng của họ. Nhưng đó là điều mà chính quyền không hề muốn vì nó gây khó khăn, cản trở công việc trong quản lý và được coi như là vi phạm pháp quyền, cần loại bỏ. Ngay lập tức các quan phủ, quan chánh tổng đưa tráp về làng yêu cầu lý trưởng các làng có Việt Minh xuất hiện phải truy tìm đuổi bắt. Lý trưởng lại hò hét bọn tuần phu, rồi kết hợp với các quan Tây ở các đồn cùng bọn lính khố xanh, khố đỏ đi càn lùng bắt Việt Minh gây náo loạn các làng quê. Đồn, bốt mọc lên khắp nơi. Đã có bắt bớ, tù đày, chém giết tang thương xảy ra. Rồi sau những cuộc càn đó tưởng yên, vậy mà đùng một cái Việt Minh lại xuất hiện ngay giữa chợ Tổng chém chết tươi một người làm việc cho quan chánh tổng, người bị chém chết ấy Việt Minh cho rằng đó là Việt gian bán nước hại dân, vụ việc gây rúng động cả một vùng.
Thêm nữa mấy năm nay khu đồng bãi tuy không xảy ra cảnh ngập lụt, dân trong làng được mùa ngô khoai, nhưng lúa trong đồng lại xấu lắm. Cây lúa bị sâu bệnh còi cọc, vàng lá rồi chết khô, hoặc không chết thì bông ra như que tăm, cỏ còn tốt hơn lúa. Thoảng có ruộng mới cho thu hoạch khá. Hai năm mất mùa liên tục làm dân trong vùng lâm vào cảnh đói rách. Mái rạ ngày một mỏng, vách đất tường nhà ngày một mòn. Làng quê cứ xác xơ. Đã vậy người nông dân đâu có được yên, vẫn phải nộp đủ sưu thuế, phu lính. Dân làng Đào Xá nhờ có đồng bãi tốt tươi thì đỡ hơn, nhưng cơm phần lớn phải độn ngô khoai, ngày hai bữa, sáng tối mỗi người được ba vực chặt cơm độn.
Ngay như trong chùa sư thầy cũng yêu cầu phải giảm khẩu phần ăn, mặc dù vẫn có các phật tử cúng dường nhưng giữa lúc vật giá leo thang, thóc cao gạo kém không thể tùy tiện nhận.
*
Hoàng hôn dần buông trên sông. Mặt trời như quả cầu lửa chuẩn bị xuống núi đi ngủ nhưng dường như còn lưu luyến muốn nghe hết bài kinh cùng tiếng chuông chùa thánh thót ngân vang khắp bãi sông của ni cô Trúc Mai. Quả thực ni cô có giọng tụng kinh trong trẻo, mát ngọt như nước mưa buổi sáng. Các già, các cô đi lễ chùa ai nấy đều mê mẩn khi một lần được nghe ni cô tụng kinh. Tuổi đời mới chỉ mười tám đôi mươi nhưng ni cô đã đứng ra xử lý các công việc của nhà chùa đâu vào đấy những khi sư thầy trụ trì vắng mặt. Nhìn vào gương mặt xinh đẹp thánh thiện, cử chỉ đoan trang hòa nhã của ni cô Trúc Mai, mấy ai biết được rằng ni cô đã trải qua một tuổi thơ đầy bất hạnh và đau khổ.
Trong một trận càn của lính Tây vào làng Cầu, một đôi vợ chồng trẻ đang cấy lúa, khi nghe thấy tiếng súng đạn nổ đã hoảng quá bỏ chạy, thấy nghi ngờ toán lính lia đạn đuổi theo và đã bắn chết đôi vợ chồng trẻ đó. Họ đã bị chết oan và bỏ lại ba đứa con mà đứa bé nhất vừa cai sữa mẹ. Trong lúc đám tang, sư thầy có việc đi qua làng nghe tin đã thương xót vào làm lễ, tụng kinh giúp. Rồi sau khi biết được hai người chú ruột vì nghèo đói chỉ chia nhau nhận nuôi hai đứa con trai nhỏ, đang đùn đẩy không muốn nuôi đứa con gái lớn của đôi vợ chồng xấu số, nhìn bé gái mới hơn sáu tuổi tay đang níu chặt quan tài cha mẹ khóc ngằn ngặt, sư thầy đã quyết định nhận nuôi và đưa cô bé lên chùa quy y. Đứa bé gái mồ côi, bị người thân chối bỏ ngày xưa đó chính là ni cô Trúc Mai.
Tiếng chuông vừa tan là lúc ba thầy trò yên lặng dùng Dược thực tối. Bữa tối giống như bữa sáng nhưng có thêm món canh rau tập tàng được hái về từ đồng bãi.
Bóng tối đã vương trên các tàng cây ngoài vườn và bắt đầu trùm lên ngôi cổ tự trong cái rét nàng Bân. Cô vãi đi thắp nến trong chính điện chuẩn bị cho khóa lễ tối. Sư thầy bỗng quay ra bảo ni cô Trúc Mai.
- Nghe tiếng chuông thỉnh mấy chiều nay, thầy thấy tâm con không được thông, có điều gì rất mệt mỏi. Tối nay con có thể nghỉ ngơi.
Ni cô Trúc Mai sững sờ trong bóng tối.
Ni cô thấy có lỗi với sư thầy, người mà ni cô coi như người cha thứ hai của mình. Được sư thầy dang tay đón nhận, cưu mang và nuôi dạy để có được như hôm nay, ân tình và công lao dưỡng dục không thể kể hết.
Trước giờ chưa bao giờ ni cô Trúc Mai phải để sư thầy nhắc nhở và phiền lòng. Vậy mà...
Một sáng, trong lúc mải chui vào ruộng ngô ngoài bãi để tìm hái cây nhọ nồi về làm thuốc, ni cô Trúc Mai đã vô cùng hoảng sợ và suýt bỏ chạy khi bắt gặp một người đàn ông nằm thoi thóp trên một rãnh luống. Người ấy cũng định bỏ chạy khi thấy có người đến gần, nhưng khi nhận ra là một nhà sư và có lẽ cũng không còn đủ sức chạy trốn nên đã cầu xin giúp đỡ. Thoạt đầu ni cô Trúc Mai khiếp hãi bởi khuôn mặt người đàn ông đó bê bết bùn đất, quần áo trên người thâm đen bởi những vệt máu khô bám dính. Thấy ni cô có ý định tìm người giúp đỡ, người đàn ông đó đã nói thẳng là Việt Minh bị quan Tây và lính truy đuổi hồi đêm hôm trước, hiện trúng đạn đang bị thương, sẽ rất nguy hiểm nếu nhiều người biết. Trước giờ cứ nghe Việt Minh là những người xuất quỷ nhập thần, hành động trượng nghĩa như những kiếm khách cổ, như thần thoại. Nay gặp thì ra họ cũng chỉ là những người bình thường, cũng cần giúp đỡ, huống hồ giáo lý nhà Phật đã dạy cứu một mạng người bằng xây bảy tòa tháp. Nhưng cứu bằng cách nào, không thể đưa thí chủ này về chùa được. Ni cô Trúc Mai chợt nhớ ra trong một lần đi hái lá thuốc đã vô tình phát hiện một cái cống gạch bên một bờ kênh tiêu thoát nước, do bỏ hoang lâu ngày nên bị cây cỏ mọc um tùm che kín khiến nó trở thành một cái hầm trú ẩn khá kín đáo. Ni cô đã dìu thí chủ ra cái cống gạch gần đó. Người đàn ông bị thương ở phần dưới cơ thể. Máu không còn chảy nhưng từng vệt máu khô cứng đen đặc bám dính làm cho chiếc quần dính chặt vào một bên đùi bị thương đã bắt đầu bốc mùi hôi tanh. Người bị thương hiện rất yếu, bị sốt, liên tục kêu khát nước và có lẽ còn bị đói nữa.
Ni cô Trúc Mai đã về chùa, lấy nước, cơm nắm cùng dược thảo. Được uống nước, ăn cơm và lau rửa mặt mũi, thí chủ bị thương đã dần hồi tỉnh. Đó là một thanh niên còn rất trẻ với khuôn mặt sáng sủa, chắc chỉ ngoài hai mươi hơn ni cô vài tuổi. Vốn biết về việc điều trị vết thương do đã được sư thầy chỉ dạy, ni cô rửa sạch sẽ chỗ bị thương. Rất may là viên đạn chỉ xuyên sượt qua đùi non, không ảnh hưởng tới xương, nhưng vết rách trên da khiến mất khá nhiều máu. Ni cô đã đắp thuốc vào vết thương, thuốc này được sư thầy điều chế có tác dụng chữa trị vết thương ngoài da rất tốt. Trước khi rời đi, ni cô đã đi lấy lá bạch đàn tươi trộn cùng cỏ khô lót xuống làm ổ nằm để giữ ấm cho thí chủ và giúp xua đuổi muỗi. Hy vọng bộ quần áo đã được giặt sạch sẽ khô, kịp mặc để tránh cái lạnh buổi tối.
Mấy ngày nay ni cô Trúc Mai đã bí mật đem cơm nước, cùng thuốc ra cho thí chủ bị thương. Người thí chủ tên Minh sức khỏe tiến triển khá nhanh, đã tỉnh táo bình thường, chỉ còn sốt nhẹ, vết thương không còn nhức đã lên da non. Thí chủ Minh liên tục nói lời cảm ơn ni cô đã cứu mạng. Ni cô cũng thấy rất vui.
Nhưng mỗi khi về chùa, ni cô Trúc Mai lại thấy lo sợ. Sợ việc làm của mình bị sư thầy phát giác, chắc chắn thầy sẽ quở trách, rồi với bản tính của cô vãi khi biết sự việc, liệu bí mật về người Việt Minh đó có được giữ kín? Rồi sư thầy và nhà chùa sẽ bị liên lụy. Ni cô đã chứng kiến một ngôi chùa ở làng bên bị đốt cháy trụi trơ khung khi các quan Tây cho rằng chùa đó chứa chấp Việt Minh.
Ni cô Trúc Mai còn nỗi lo lắng nữa, bởi trước giờ chưa bao giờ ni cô ở gần một người khác giới nào ngoài sư thầy. Sư thầy đã dạy nam nữ thụ thụ bất thân. Vậy mà giờ, tình cảnh bắt buộc, đây là lần đầu tiên ni cô ở quá gần một người đàn ông, rồi lại phải tiếp xúc, xem khám thay rửa đắp thuốc băng bó vết thương ở gần chỗ kín, ni cô không thể nào không nhìn cái bộ phận đàn ông mà lẽ ra không nên nhìn, nhưng tránh đi đâu được khi nó vẫn vào đúng tầm nhìn của mắt, cho dù nó đã được thí chủ Minh ngượng ngùng đỏ mặt dùng tay che chắn. Ni cô Trúc Mai thấy bối rối và tội lỗi. Nhớ lại lời cô vãi có lần tâm sự, mọi ngọn nguồn vui sướng hay đau khổ của đàn bà đều từ đàn ông mà ra, giờ ni cô mới thấy thấm.
Giờ đây mỗi khi làm việc gì nhớ đến những lúc ở gần thí chủ Minh, ni cô Trúc Mai lại thấy tim mình đập mạnh và phân tâm. Sư thầy nhắc nhở và phiền lòng là phải.
*
Buổi sáng, trời đang nắng đẹp, chợt đâu mây đen và gió ập về vần vũ kéo theo những bông gạo rụng đỏ ối một khoảng sân chùa. Ni cô Trúc Mai đang giúp sư thầy bốc vài đơn thuốc chữa bệnh toét mắt cho mấy già ngồi chờ, bỗng thấy tiếng ồn ào phía ngoài cổng chùa. Nhìn ra, lý trưởng cùng bọn tuần phu dắt theo một con chó Tây, lăm lăm dao kiếm, gậy gộc, xộc vào.
Sư thầy bước ra. Lý trưởng gõ cây gậy ba toong xuống sân gạch:
- Thừa lệnh quan trên, tôi đang đi lùng bắt Việt Minh. Xin hỏi sư thầy có thấy một người nào trẻ tuổi ngoài hăm, dáng dấp thư sinh học trò qua lại đây không?
- Nhà chùa hàng ngày có nhiều người đến thắp hương lễ bái, bốc thuốc chữa bệnh nhưng người mà lý trưởng hỏi nhà chùa không thấy - Sư thầy đáp.
Trong khi sư thầy nói chuyện với lý trưởng thì bọn tuần phu theo lệnh của trương tuần Khoản xộc vào trong chùa khám xét các gian thờ, từ tiền đường tới hậu cung. Trương tuần Khoản dáng người như hộ pháp, nhưng đôi mắt thì ti hí liếc ngang dọc dắt theo chó to lớn như con bê con đi dò xét các ngóc ngách, ra cả ngoài vườn săm soi. Một lát cả bọn không tìm kiếm được gì ra tập trung trước sân chùa đợi lệnh.
Lúc này lý trưởng mới nhấc cặp mông nặng nề lên khỏi chiếc ghế ra chiều cung kính:
- Xin sư thầy thứ lỗi vì đã làm náo loạn cửa chùa, nhưng đây là việc quan, không đừng được. Nếu sư thầy và mọi người ở đây có thông tin gì về người lạ mặt giống như tôi vừa nói thì báo ngay cho nhà chức trách. Sẽ có thưởng lớn.
Cả bọn kéo nhau ra cổng chùa, toan dẫn chó vào đồng bãi để truy tìm tiếp, nhưng thấy trời sắp mưa bèn quay lại con đường dẫn lên mặt đê trở về làng.
Trong chùa, mấy người xin thuốc xong lần lượt ra về. Chỉ còn hai thầy trò ngồi lại phòng thuốc. Sư thầy thở dài bảo ni cô:
- Thời cuộc nhiễu nhương quá! Xem ra đến cửa chùa mà cũng không được yên. Thầy thấy con không được khỏe, mấy ngày nay lúc nào cũng trĩu nặng ưu tư. Có việc gì chăng?
Im lặng. Sư thầy tiếp:
- Con có thể không cần nói nếu thấy không tiện. Nuôi con từ tấm bé, ngoài tình thầy trò, thầy còn quý con như người thân ruột thịt. Lúc nào thầy cũng mong con được an nhiên, vui vẻ. Con cứ làm những điều con muốn, nhưng phải đúng với luân thường đạo lý. Cửa chùa là nơi đón nhận tất cả những mảnh đời muốn nương nhờ cửa Phật. Ai có duyên, căn quả thì ở lại tu tập, còn không có thể lên đường đi tiếp cuộc đời của mình. Con có làm gì thì thầy cũng sẽ ủng hộ.
Ni cô Trúc Mai bật khóc nức nở.
Chiều đó nhân lúc đi hái rau ngoài đồng bãi, ni cô Trúc Mai đã lén gặp và kể hết sự việc xảy ra ở chùa cho thí chủ Minh.
Minh trầm ngâm:
- Cảm ơn ni cô đã cho biết tình hình. Chắc tôi phải đi khỏi đây càng sớm càng tốt. Chân tôi hiện đã sắp khỏi. Trước khi đi tôi còn việc phải làm là rải số truyền đơn tôi vẫn mang theo ở chợ làng Đào Xá và phải giết được tên trương tuần Khoản. Trương tuần Khoản là một tên nếu còn để hắn sống sẽ rất nguy hiểm, chắc chắn hắn sẽ gây ra nợ máu với nhân dân bởi hắn có con chó rất tài đánh hơi tìm tài liệu, dao súng. Đã có lần Khoản tìm được một căn hầm bí mật của Việt Minh nhờ con chó, nhưng rất may hôm đó mọi người vừa kịp thoát đi.
- Xin thí chủ hãy cân nhắc kỹ, bởi chân chưa khỏi hẳn sẽ rất nguy hiểm nếu hành động. A di đà Phật, tôi thực sự không muốn có đổ máu.
- Việc tôi nói hôm trước ni cô đã cân nhắc chưa? Tôi tha thiết mong ni cô đi cùng tôi. Người như ni cô vừa biết chữ, vừa biết về thuốc Việt Minh rất cần, ni cô không thể trói buộc cuộc đời của mình trong một ngôi chùa, hãy đi làm cách mạng cùng tôi để đánh đuổi bọn Tây và bọn cường hào ác bá - Minh nài nỉ.
Im lặng. Minh hạ giọng:
- Vậy tối nay tôi sẽ hành động. Sáng mai vào cuối giờ Dần tôi đợi ni cô dưới bến sông, ta sẽ vượt sông bằng con thuyền nhỏ tôi đã giấu dưới mé sông chỗ có bụi tre gai to nhất nhìn ra. Thoát qua sông là tỉnh khác, yên tâm vì có cơ sở bên đó. Bây giờ ni cô hãy cùng tôi đi lấy truyền đơn và súng chỗ hôm trước mình cất giấu.
Hai người rẽ cỏ chui ra khỏi cống nhằm hướng chòi canh ngô bỏ hoang. Họ ngồi xuống đào bới đất. Gói truyền đơn chôn giấu cùng với khẩu súng ngắn đã biến mất. Minh tái mặt khi thấy có những dấu vết đào bới còn mới. Ai đã lấy chúng? Vậy là mình đã bị lộ? Minh hoang mang tột độ đứng không vững. Cơn đau dưới chân lại nhói lên. Dìu Minh về đến cái cống gạch, ni cô Trúc Mai vội vã về chùa cho kịp giờ thỉnh kinh buổi chiều tối.
Sau khi tụng xong bài kinh Pháp Hoa, kết túc khóa lễ tối, sư thầy về phòng nghỉ, chỉ còn ni cô Trúc Mai và cô vãi Tơ vẫn nán lại chính điện. Tiếng mõ lóc cóc cùng tiếng rì rầm tụng kinh của ni cô:
- Chúng con cung kính quỳ trước Phật đài, tán dương công đức bậc thầy ba cõi, đảnh lễ hồng danh chư Phật ba đời, chí thành cầu xin sám hối tất cả tội lỗi, cố ý hay vô ý đã tạo ra trong quá khứ cũng như hiện tại. A di đà Phật…
Tiếng mõ vẫn lóc cóc:
- Tội này vô lượng vô biên, phát sinh từ cửa mắt nhìn mà ra… A di đà Phật. Nay con nguyện một lòng sám hối, biết bao điều tội lỗi xưa nay, thành tâm quỳ trước Phật đài, lạy ba ngôi báu tỏ bày ăn năn. A di đà Phật, A di đà Phật, A di đà Phật...
Tiếng mõ im lặng. Cô vãi quay sang ni cô:
- Nghe sư cô tụng kinh sám hối tôi mới hiểu lời sư thầy vừa nói chiều nay, có thể sư cô sẽ rời đi. Sư thầy nói tôi có thể thay dần các công việc của sư cô, thầy còn bảo sẽ quy y cho tôi vào dịp thích hợp. Ngoài kia thế giới rộng mở lắm, sư cô còn trẻ còn tuổi để bay nhảy. Tôi năm nay đã gần bốn mươi mùa ngô bãi, cái tuổi đã lên chức ông, chức bà. Tôi sẽ chết già ở đây thôi. Sư cô cứ yên tâm lên đường bình an. Sư thầy và ngôi chùa sẽ có tôi và các già trong làng chăm sóc.
Ni cô xúc động:
- Tôi còn chưa quyết lòng. Có thể tôi sẽ không đi đâu cả.
- Vậy sư cô hãy tĩnh tâm. Sáng mai có chợ phiên Đào Xá, tôi đã xin phép sư thầy cho nghỉ khóa lễ sáng để đi chợ sắm sửa vài thứ cho nhà chùa.
Cô vãi đứng dậy. Im lặng bao trùm trong chính điện. Ánh nến chập chờn. Mùi hương trầm phảng phất. Trên đài sen đức Phật vẫn khoan thai cùng ánh nhìn vô cùng khoan dung và độ lượng.
*
Vẫn như thường lệ vào giữa giờ Dần, thầy trò thức giấc rồi cùng đến gian chính điện để làm khóa lễ buổi sáng và kết thúc khi nghe đâu đó tiếng chim líu lo trong các vòm lá, cùng mùi hương mai chiếu thủy thoảng đưa chào đón bình minh.
Nhưng hôm nay chào đón họ lại là những bước chân hớt hải của cô vãi Tơ từ cổng chùa.
- Bạch thầy, có tin động trời. Hôm nay Việt Minh rải truyền đơn kín chợ làng Đào Xá. Đang là phiên chợ chính đông đặc người vậy mà chẳng ai lo buôn bán chỉ tập trung nhờ người biết chữ đọc cho nghe rồi thì thầm to nhỏ về nội dung viết trên truyền đơn. Lý trưởng phải hò hét tuần phu đi thu gom rồi đem đốt, cứ náo loạn cả chợ. Nhưng còn tin rúng động hơn nữa, là người ta còn phát hiện ra trương tuần Khoản bị Việt Minh đang đêm xộc vào nhà, nhét giẻ vào mồm, lột quần áo ngoài, trói dây thừng giật cánh khuỷu vào gốc đa sau chợ suốt đêm. Sáng ra mới được phát hiện thì gần như bị lả đi vì bị cảm lạnh. Con chó to, dữ tợn của ông ấy cũng bị Việt Minh bắt đi đâu mất.
Thở lấy sức, cô vãi tiếp tục:
- Việt Minh còn viết giấy để lại chỗ trương tuần Khoản rằng nếu tiếp tục làm việc bán nước hại dân, lần sau sẽ phơi đầu tại chợ. Khiếp hãi quá!
Cô vãi Tơ vẫn tiếp tục:
- Lạ là tờ giấy mà Việt Minh viết để lại chỗ trương tuần Khoản được họ gói lại, khi mở ra có mấy bông hoa ngọc lan trắng. Họ làm thế khác gì đánh đố, vì ngay cuối chợ có cây ngọc lan sai hoa chi chít các kẽ lá.
Sư thầy nghe xong, trước khi bước vào phòng thuốc quay ra bảo cô vãi:
- Mình là người nhà chùa, con nghe thì biết vậy, không được bàn ra tán vào. A di đà Phật.
Ni cô Trúc Mai cũng đi về phòng, sau đó bước vào phòng thuốc nói chuyện với sư thầy. Rồi thoáng cái đã thấy khoác tay nải rảo bước nhanh ra cổng, phút chốc khuất dấu trong những vạt ngô xanh nõn phất phơ trổ bông ngoài đồng bãi.
Ni cô Trúc Mai vội vã bước tới đoạn đê quai nơi có bụi tre gai to nhất. Không thấy thí chủ Minh đâu. Đã xảy ra chuyện gì? Sao túi truyền đơn không tìm thấy đêm qua lại được rải ở chợ? Có lẽ sau đó thí chủ Minh đã tìm thấy và đêm qua đã hành động? Nhưng thí chủ ấy đi đâu mà không thấy? Liệu thí chủ ấy có bị thương hoặc đã bị bắt? Ni cô lo lắng. Cô quyết định quay lại cái cống gạch bỏ hoang. A di đà Phật, ni cô Trúc Mai thở phào khi thấy thí chủ Minh trong đó, thí chủ vừa qua cơn sốt.
Sau khi uống nước thuốc và ăn chút cơm mà ni cô Trúc Mai vừa đem theo, Minh đã hồi tỉnh rất nhanh và ngạc nhiên khi nghe ni cô kể về tình hình ngoài chợ Đào Xá. Rõ ràng là đêm qua Minh bị sốt, không thể dậy, truyền đơn và khẩu súng đã bị mất khiến anh hoang mang, chưa biết tính sao. Ai đã biết chỗ anh giấu truyền đơn và khẩu súng ngắn? Vậy là có ai đó thay anh rải truyền đơn ở chợ và bắt trương tuần Khoản? Ai mà lại có bản lĩnh cao cường vậy? Thật khó hiểu? Minh nhìn sang ni cô Trúc Mai, người con gái mỏng manh xinh đẹp này là ân nhân đã cứu anh một mạng sống, đã chấp nhận từ bỏ cuộc sống an yên để cùng anh đi trên con đường nhiều gian truân và nguy hiểm. Rõ ràng ni cô không thể làm lộ bí mật được.
Ni cô Trúc Mai cũng rất bất ngờ khi biết sự việc đêm qua ở trong làng Đào Xá không phải thí chủ Minh thực hiện. Vậy ai đã làm khi kế hoạch đó chỉ có hai người biết? Càng nghĩ ni cô càng thấy hoang mang.
Minh quyết định nhanh chóng thoát khỏi đây, tình hình này chắc chỉ lát nữa sẽ có quan Tây và bọn lính tới. Phải qua sông sang bờ bên kia ngay thôi.
Hai người bước nhanh trên con đê quai còn đẫm sương đêm vương vãi nơi các trảng cỏ. Tới bụi tre gai ngầm định Minh ngạc nhiên khi thấy một chiếc tay nải quen thuộc vắt vẻo trên bụi tre. Đúng là nó đây, bên trong là khẩu súng ngắn Conbat và những bông hoa ngọc lan trắng. Thật không thể nào tin nổi có ai đã treo nó tại đây để trả lại cho chủ của nó. Minh chợt hiểu, người rải truyền đơn, bắt trương tuần Khoản, trả lại khẩu súng cho anh là một và chắc chắn người ấy ở một tổ chức Việt Minh khác anh, được giao tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của anh. Nhưng vẫn không hiểu bằng cách nào mà người đó lại có được gói truyền đơn và khẩu súng?
Minh thận trọng nhìn xung quanh, ngoài họ ra thì đồng bãi không một bóng người. Tiếng chim hót véo von trong xuân sớm. Đồng bãi xanh mướt trải dài đến tận con đê xanh xanh phía xa. Hoa cỏ sớm mai vừa tỉnh ngủ, khoan khoái rung rinh đón gió từ mặt sông chào một ngày mới. Minh lội ra mép sông mò, kéo lên con thuyền đã giấu. Ni cô Trúc Mai cũng lội ra giúp sức tát nước. Họ nhanh chóng bước lên thuyền. Con thuyền nhỏ lựa theo dòng chảy băng băng vượt sông Luộc, thoáng chốc đã cập bờ bãi bên kia sông.
Hai người trẻ tuổi bước lên bờ, cùng nhìn sang bên kia sông chếch về hướng có ngôi chùa phía mờ xa được nhận ra bởi cây gạo cổ thụ cao vút với những chùm hoa rực đỏ, rồi quay lại tiếp tục cuộc hành trình của mình.
Từ đó không một ai có tin gì về hai người trẻ tuổi đó nữa. Nhưng câu chuyện về Việt Minh và những đóa hoa ngọc lan trắng thì được dân làng Đào Xá còn kể mãi cho tới tận bây giờ...
Nguyễn Thanh Bình | Báo Văn nghệ
------------
Bài viết cùng chuyên mục: