Giải thưởng Nobel được thành lập theo Di chúc của nhà hóa học người Thụy Điển, người phát minh ra thuốc nổ Alfred Nobel (1833-1896) nhằm trao cho những ai có các cống hiến nổi bật trong Vật lí, Hóa học, Văn học, Hòa bình, Kinh tế, và Y học hoặc Sinh học (giải này ở Việt Nam thường được gọi tắt là giải Y Sinh).
Ảnh Internet |
Các giải Nobel Vật lí, Hóa học, Văn học và Kinh tế do Viện hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển quyết đinh; giải Nobel Y Sinh do Ủy ban Nobel của Viện Karolinska (Thụy Điển) quyết định; và giải Nobel Hòa bình do Ủy ban Nobel thuộc Quốc hội Na Uy quyết định. Mỗi giải thường được trao tối đa cho ba người; riêng giải Nobel Hòa bình có thể trao cho các tổ chức hoặc cá nhân. Không có qui định nào về việc giải Nobel phải trao hằng năm, nhưng trừ một số năm có những trường hợp đặc biệt, không tổ chức trao giải được, còn lại, giải Nobel thường được trao mỗi năm một lần. Lễ công bố giải thưởng Nobel hằng năm được tổ chức vào tháng 10 và lễ trao các giải Nobel Y học, Vật lý, Hóa học, Văn học, Kinh tế được tổ chức vào ngày 10 tháng 12 (ngày mất của Alfred Nobel) tại Stockholm, Thụy Điển; lễ trao giải Nobel Hòa bình được tổ chức tại Oslo, Na Uy. Mỗi người (hoặc tổ chức) đoạt giải nhận được: một huy chương vàng làm bằng 150 gram vàng 18 ca-ra, có chạm hình Alfred Nobel, một chứng chỉ và một khoản tiền được Quỹ Nobel quyết định. Theo thông tin đăng trên nobelprize.org, thì số tiền thưởng giải Nobel năm 2022 này là 10 triệu Kurona (đồng tiền của Thụy Điển), tương đương với 915.000 USA.
Ảnh Internet |
Quỹ Nobel được thành lập vào ngày 29 tháng 6 năm 1900, dựa theo bản Di chúc cuối cùng của Alfred Nobel. Giải Nobel đầu tiên được trao vảo năm 1901. Và từ năm 1901 đến năm 2022, các giải Nobel trao cho tổng cộng 954 cá nhân, trong đó có những cá nhân hơn một lần nhận giải, và 27 tổ chức. Riêng giải Nobel Văn học, tính từ năm 1901 đến năm 2022, đã được trao cho 119 cá nhân, trong đó người trẻ tuổi nhất được nhận giải là nhà văn, nhà thơ người Anh Rudyard Kipling, chủ nhân giải thưởng năm 1907, lúc ông 41 tuổi, và người lớn tuổi nhất là nữ nhà văn - cũng người Anh - Dorris Lessing, chủ nhân giải thưởng năm 2007, nhận giải lúc bà đã 88 tuổi. Có tổng cộng 17 nhà văn, nhà thơ nữ đã nhận giải thưởng Nobel Văn học, trong đó có 9 người thuộc về thế kỉ XX, gồm: Nhà văn người Thụy Điển Selma Ottilia Lovisa Lagerlöf (1909), Nhà văn người Ý Grazia Deledda (1926), Nhà văn người Na Uy Sigrid Undset (1928), Nhà văn người Mỹ Pearl Buck (1938), Nhà thơ người Chile Gabriela Mistral (1945), Nhà thơ người Đức Nelly Sachs (1966), Nhà văn người Nam Phi Nadine Gordimer (1991), Nhà văn người Mỹ Toni Morrison (1993), Nhà thơ người Ba Lan Wislawa Szymborska (1996); và 8 người thuộc 22 năm đầu của thế kỉ XXI: Nhà văn người Áo Elfriede Jelinek (2004), Nhà văn người Anh Doris Lessing (1919-2013), Nhà văn, nhà thơ người Đức gốc Romania Herta Müller, Nhà văn người Canada Alice Munro, Nhà văn người Belarus Svetlana Alexandrovna Alexievich, Nhà văn, nhà thơ người Ba Lan Olga Tokarczuk, Nhà thơ người Mỹ Louise Glück, Nhà văn người Pháp Annie Ernaux. Như vậy, so về số lượng và mật độ nhận giải, chúng ta thấy, các nhà văn, nhà thơ nữ thế giới vào đầu thế kỉ XXI đã vươn lên một cách mạnh mẽ so với các thế hệ nhà văn, nhà thơ nữ thế kỉ XX, với 8/17 nhà văn nữ; và 8/22 nhà văn (gồm cả nam và nữ) đã nhận giải thưởng Nobel Văn học trong 22 năm qua.
Trong 9 nhà văn nữ đoạt giải Nobel Văn học ở thế kỉ XX có 6 nhà văn: Selma Ottilia Lovisa Lagerlöf , Grazia Deledda, Sigrid Undset, Pearl Buck, Nadine Gordimer, Toni Morrison, và 3 nhà thơ: Gabriela Mistral, Nelly Sachs, Wislawa Szymborska. Bình quân hơn 10 năm mới có một phụ nữ giành được giải Nobel Văn học. Sang đầu thế kỉ XXI, tình hình này được cải thiện; trong vòng 22 năm đã có 8 nhà văn, nhà thơ nữ đã giành được giải thưởng danh tiếng này, trong đó có 5 người là nhà văn: Elfriede Jelinek, Doris Lessing, Alice Munro, Svetlana Alexandrovna Alexievich, Annie Ernaux, 2 người vừa là nhà văn và nhà thơ là Herta Müller, Olga Tokarczuk, và một nhà thơ duy nhất là Louise Glück. Tổng số tuổi của 17 nhà văn, nhà thơ nữ tính đến năm họ nhận giải Nobel Văn học là 1.098 tuổi, bình quân số tuổi các nhà văn, nhà thơ nữ đến năm họ nhận giải thưởng là 64,58 tuổi; cụ thể hơn, 9 nhà văn nữ nhận giải Nobel Văn học trong thế kỉ XX có tổng số tuổi là 532 tuổi, tuổi bình quân khi nhận giải thưởng là 59,11 tuổi, hai người trẻ nhất nhận giải thường cùng 46 tuổi là Sigrid Undset và Pearl Buck, người tuổi cao nhất khi nhận giải thưởng là Nelly Sachs – 75 tuổi; trong khi đó 8 nhà văn của 22 năm đầu thế kỉ XXI có tổng số tuổi tính đến năm họ nhận giải thưởng là 566 tuổi, tuổi bình quân khi nhận giải thưởng là 70,75 tuổi, hai người trẻ nhất khi nhận giải thưởng cùng 56 tuổi là Herta Müller và Olga Tokarczuk, hơn hai nhà văn trẻ tuổi nhất nhận giải Nobel Văn học trong thế kỉ XX là 10 tuổi; người cao tuổi nhất khi nhận giải thưởng này là Doris Lessing - 88 tuổi, hơn người cao tuổi nhất nhận giải này trong thế kỉ XX là 13 tuổi. Như vậy, hiện tượng “già hóa” trong các nhà văn nữ nhận giải Nobel Văn học trong 22 năm qua so với các nhà văn nhận giải Nobel Văn học của thế kỉ XX là khá cao. Tuy vậy, dù tuổi tác và sức khỏe có tác động trức tiếp đến công việc sáng tạo, nhưng cái mà các nhà văn, nhà thơ phụ thuộc nhất chính là năng lực sáng tạo và môi trường sáng tác của họ. Nhìn ở góc độ này, các nhà văn, nhà thơ nữ được Viện hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển vinh danh trong 22 năm qua đã có sự chuyển động mạnh mẽ, mới và lạ, thể hiện cụ thể qua các tác phẩm văn học của họ. Tiểu thuyết cũng vậy. Truyện ngắn và tự truyện cũng vậy. Thơ cũng vậy. Nếu các nhà văn nữ ở chừng 2/3 đầu của thế kỉ XX đi sát vào đời sống hiện thực xã hội, của các vùng miền, dân tộc, dân cư, xem tình yêu và tình người là những lí tưởng cao cả, thì các nhà văn của 1/3 cuối thế kỉ XX và rõ nhất là sang đầu thế kỉ XXI, đã nhấn mạnh đến nữ quyền, tình yêu, tình dục và tâm thế người nữ. Văn phong của họ cũng vượt lên lối trần thuật truyền thống, cách nghĩ và cách viết của họ vượt lên hiện thực và nhuốm màu siêu thực, họ đi sâu vào những khát vọng sống tiềm ấn sâu kín của con người; đôi khi khiến người đọc có thể hiểu nhầm là họ bỏ qua những gía trị mang tính phổ quát của nhân loại, nhưng thật sự không phải vậy, họ mô tả xã hội và xiển dương bình đẳng giới với tiếng nói khác, lí lẽ khác, và dường như họ thích nhìn xã hội ở góc độ tâm lí học hơn là xã hội học… Ví dụ, nếu như nhà văn Pearl Buck, được trao giải Nobel Văn học 1938, là vì những các tác phẩm văn học của bà - tiểu biểu như các cuốn tiểu thuyết The Good Earth (Đất lành, 1931), The Mother (Người Mẹ, 1934) là những bài ca chân thực và phong phú về cuộc sống nông thôn ở Trung Quốc; hay nhà thơ Gabriela Mistral, được trao giải Nobel Văn học 1945, là vì những vần thơ trữ tình xuất phát từ xúc cảm mạnh mẽ, đã khiến tên tuổi của nhà thơ Chi Lê này trở thành một biểu tượng cho khát vọng lý tưởng của thế giới Mỹ Latinh; thì với 8 nhà văn, nhà thơ nữ được trao giải Nobel Văn học 22 năm qua, họ đã không có được cái không gian rộng lớn và truyền thống của các thế hệ trước, nhưng lại rất giàu có về tâm tưởng và sâu lắng về tâm hồn. Nhân vật của họ, nhất là và chủ yếu là nhân vật nữ chừng như… ít hiền lành hơn; dữ dội và dằn xé nội tâm hơn là nỗi đau đớn thể xác. Hầu như họ không chút ngượng ngùng khi miêu tả về tình dục (nhưng cũng chưa thấy ai viết về tình dục hay như Hồ Xuân Hương). Thì cũng là tiểu thuyết nhưng Elfriede Jelinek khác với Selma Ottilia Lovisa Lagerlöf; cũng là thơ, nhưng thơ của Louise Glück thật khác với thơ của Wislawa Szymborska… Tất nhiên, chúng ta không vì giải Nobel Văn học mà đánh giá các nhà văn, nhà thơ đoạt giải là hơn các nhà văn, nhà thơ chưa có cơ hội hoặc mất cơ hội đoạt giải. Thực tế đã chứng minh có những nhà văn tuy chưa thắng giải thưởng Nobel Văn học, nhưng tác phẩm của họ lại được xem là vĩ đại, như Chiến tranh và hòa bình của Lev Tolstoy là một ví dụ. Nhưng mặt khác ta hiểu được giá trị của giải Nobel Văn học. Cho đến nay, giải Nobel Văn học do Viện hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao hằng năm là giải thưởng văn chương sáng giá nhất. Giải thưởng này có thể xem là một bảo chứng bằng vàng cho những ai được vinh danh. Và theo cách nghĩ khoáng đạt này, chúng ta hi vọng trong thế kỉ XXI, các nhà văn, nhà thơ nữ của thế giới sẽ tạo nên một bước đột phá mạnh mẽ, tạo nên một thế kỉ văn học mang đậm dấu ấn nữ giới. Nhiều nhà văn, nhà thơ nữ sẽ được Viện hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển vinh danh. Và trong hi vọng đó, chúng ta có thể ví 8 nhà văn, nhà thơ nữ đã đoạt giải Nobel văn học trong 22 năm qua như những vì sao sáng, như một niềm hi vọng về một thế kỉ “lên ngôi” của các nhà văn, nhà thơ nữ thế giới, mà chỉ với những dòng ngắn gọn về tiểu sử văn học của họ cũng có thể giúp cho các nhà văn, nhà thơ nữ hiện tại và tương lai nhìn vào để phấn đấu.
Nhà văn người Áo Elfriede Jelinek, sinh năm 1946, là tác giả rất thành công gồm cả văn xuôi, kịch nói và kịch bản phim về đề tài tính dục nữ và các xung đột phái tính. Kiệt tác của bà là cuốn tiểu thuyết Die Klavierspielerin (Cô gái chơi dương cầm, 1983) với nhân vật chính là một cô giáo dạy dương cầm, bị mắc căn bệnh bạo dâm, trong hành trình tìm kiếm bản thể của mình. Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã trao Giải Nobel Văn học 2004 cho Elfriede Jelinek là "vì dòng âm thanh và lời thoại trong các tiểu thuyết và vở kịch của bà, với năng lực ngôn nữ phi thường, đã phát lộ sự phi lý của những khuôn mẫu sáo rỗng của xã hội và sức mạnh khuất phục của chúng" (for her musical flow of voices and counter-voices in novels and plays that with extraordinary linguistic zeal reveal the absurdity of society's clichés and their subjugating power).
Nhà văn người Anh Doris Lessing (1919-2013), sinh tại Kermanshah, Ba Tư, tác giả của những cuốn tiểu thuyết như: The Grass is Singing (Cỏ hát, 1949) và The Golden Notebook (Cuốn sổ vàng, 1962). Cuốn tiểu thuyết The Golden Notebook là dấu mốc làm nên tên tuổi của bà trên văn đàn thế giới. Bà được Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao Giải thưởng Nobel Văn học 2007 vì là “người viết sử thi về trải nghiệm nữ giới, người mà với sự hoài nghi, nhiệt huyết và tầm nhìn xa rộng, đã xem xét kĩ lưỡng một nền văn minh bị chia cắt” (that epicist of the female experience, who with scepticism, fire and visionary power has subjected a pided civilisation to scrutiny).
Nhà văn, nhà thơ người Đức gốc Romania Herta Müller, sinh năm 1953, tại Romania, trong một gia đình nông dân. Lớn lên, bà theo học tiếng Đức và văn học Romania tại Đại học Timişoara; làm nhiều nghề như viết sách, phiên dịch, dạy học. Từ năm 1987, bà cùng chồng sang Đức và định cư ở đó. Bà là giảng viên ở một số trường Đại học tại Đức. Các tác phẩm nổi tiếng của bà là: The Land of Green Plums (Miền đất mận xanh), Nadirs (Tập truyện ngắn, 1982), The Passport (Tấm hộ chiếu, 1989), The Devil is Sitting in the Mirror (Ác quỷ ngồi trong gương, 1991), The Appointment (Cuộc hẹn, 2001)... Bà được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải Nobel Văn học 2009 vì là "người, với sự cô đọng của thơ và sự thẳng thắn của văn xuôi, đã miêu tả phong cảnh của mảnh đất bị tước quyền sở hữu" (who, with the concentration of poetry and the frankness of prose, depicts the landscape of the dispossessed).
Nhà văn người Canada Alice Munro, sinh năm 1931, là nhà văn viết truyện ngắn bậc thầy trong văn học hiện đại của Canada, tác giả của những tác phẩm văn học nổi tiếng như: Runway (Trốn chạy, 2004), Gấu về qua núi… Nhà phê bình văn học Sigrid Loffler nhận xét: “Munro làm chủ nghệ thuật ghi lại toàn bộ cuộc sống của một con người trên một trang duy nhất. Bà lấp đầy những câu chuyện của mình, thường dài không quá 20 đến 30 trang, một cách hấp dẫn hơn nhiều so với những tác phẩm dài tới 700 trang”. Alice Munro là nhà văn đầu tiên của Canada được trao Giải Nobel Văn học - 2013 với, tư cách là "bậc thầy của truyện ngắn đương đại" (master of the contemporary short story).
Nhà văn người Belarus Svetlana Alexandrovna Alexievich, sinh năm 1948, tại Ukraine. Cha bà là người Belarus, mẹ là người Ukraine nhưng bà viết văn, viết báo bằng tiếng Nga. Bà là nhà báo điều tra và là nhà văn văn xuôi hiện thực. Các tác phẩm nổi tiếng của bà: У войны не женское лицо (Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ, 1983), Чернобыльская молитва (Lời nguyện cầu từ Chernobyl, 1997)…. Svetlana Alexandrovna Alexievich là nhà văn đầu tiên của Belarus được trao giải Nobel Văn học 2015, "vì lối viết phức điệu, một tượng đài tưởng niệm sự thống khổ và lòng can đảm trong thời đại của chúng ta" (for her polyphonic writings, a monument to suffering and courage in our time).
Nhà văn, nhà thơ người Ba Lan Olga Tokarczuk, sinh năm 1962, là một nhà văn theo trào lưu nữ quyền và hiện thực huyền ảo. Dấu ấn phân tâm học - một chuyên ngành mà bà chuyên sâu nghiên cứu và bà tự xem mình là học trò của nhà tâm lí học nổi tiếng Carl Jung - in đậm trong các tác phẩm của bà. Bà thường mượn những yếu tố thần thoại để trình bày về những vấn đề của con người hiện đại, đề cao sự thấu hiểu và đồng cảm giữa người và người. Ở Ba Lan, bà được đánh giá là một nhà văn thành công nhất trong thế hệ các nhà văn cùng thời. Các tác phẩm nổi tiếng của bà như: Flights (Những chuyến bay), The books of Jacob (Những cuốn sách của Jacob), Drive your plow over the bones of the death (Lái máy cày qua bộ xương chết chóc)… Bà được trao Giải Nobel Văn học 2018 là vì "trí tưởng tượng và niềm say mê kiến thức rộng lớn, đã thể hiện những hành trình vượt qua các ranh giới như một dạng thức của sự sống" (for a narrative imagination that with encyclopedic passion represents the crossing of boundaries as a form of life)
Nhà thơ người Mỹ Louise Elisabeth Glück, sinh năm 1943, là tác giả của hơn 20 tập thơ và tiểu luận về thơ. Ngoài làm thơ, bà còn là giảng viên, giảng dạy ở một số trường Đại học ở Mỹ; được trường Đại học Williams ở bang Masachuset phong hàm Giáo sư chính. Những tập thơ làm nên tên tuổi của bà phải kể đến là: Firstborn (Đầu lòng, 1968); The House on Marshland (Ngôi nhà trên đầm lầy, 1975); The Garden (Khu vườn, 1976); Descending Figure (Hình hài hư hao, 1980); The Triumph of Achilles (Chiến thắng của Achilles, 1985); và xuất sắc nhất là hai tập thơ: The Wild Iris (Diên vĩ dại, 1992) và Faithful and Virtuous Night (Đêm trung thành và đức hạnh, 2014). Bà được trao giải Nobel Văn học 2020, "vì giọng thơ không thể nhầm lẫn với vẻ đẹp khắc khổ làm cho sự tồn tại cá nhân trở nên phổ quát" (for her unmistakable poetic voice that with austere beauty makes inpidual existence universal).
Nhà văn người Pháp Annie Ernaux, sinh năm 1940, là một nhà văn, đồng thời là giảng viên văn học Pháp, có biệt tài về viết tiểu thuyết - tự truyện. Bà bắt đầu sự nghiệp văn chương vào giữa thập niên 70 của thế kỉ XX, và được độc giả chú ý đến kể từ khi bà xuất bản các cuốn tự truyện La Place (Một chỗ trong đời, 1984), và thành công vang dội với các cuốn tự truyện Les Années (Năm tháng, 2008), Mémoire de fille (Hồi ức thiếu nữ, 2016)…; trong đó tác phẩm Les Années đã được tạp chí Le Monde xếp vào danh mục 100 tác phẩm sáng giá của nền văn học đương đại Pháp. Bà được trao Giải Nobel Văn học 2022 “vì lòng dũng cảm và sự nhạy bén lạnh lùng mà bà đã khám phá ra gốc rễ, sự ghẻ lạnh và những hạn chế chung của kí ức cá nhân” (for the courage and clinical acuity with which she uncovers the roots, estrangements and collective restraints of personal memory).
Thế kỉ XXI còn đến 78 năm nữa. Với sự thăng hoa của các cây bút nữ trong 22 năm qua, với 8 giải Nobel Văn học danh giá, chúng ta có quyền hi vọng, thế kỉ XXI là thế kỉ có nhiều chuyển động của các nhà văn, nhà thơ nữ. Bằng sức lao động bền bỉ và gian nan gấp nhiều lần so với những người cầm bút nam giới, các nữ nhà văn, nhà thơ sẽ vươn lên với một nghị lực phi thường và tâm thức nữ giới của mình, góp phần làm nên một thế kỉ văn học mới, với những chuyển động mới mà chúng ta chưa thể đoán định hết được, chưa thể hình dung ra hết diện mạo của nó, vì thời gian còn dài ở phía trước và trong một bối cảnh thế giới, như những gì đang diễn ra và có thể sẽ xảy ra, rất khó đoán và khó lường. Nhưng một điều chắc chắn rằng, với đà này, văn học nữ thế kỉ XXI sẽ “lên ngôi”, sẽ có nhiều yếu tố mới, lạ và khác so với các thế kỉ văn học trước đây.
Bùi Xuân