Theo đó, "Việt Nam danh tác" là tên bộ sách các tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, được Nhã Nam tuyển chọn và in lại dựa trên những ấn bản toàn vẹn nhất, thường là các bản gốc hoặc gần với bản gốc nhất. Đây là một nỗ lực vinh danh, giới thiệu lại với bạn đọc những tác phẩm một thời là tinh túy của văn học Việt Nam. Trước đó đã 44 tác phẩm của 27 tác giả được xuất bản và giới thiệu đến bạn đọc
Hồi ký Những ngày thơ ấu là một trong những tác phẩm đặc sắc nhất của Nguyên Hồng, bao gồm thiên hồi ký cùng tên Những ngày thơ ấu và bốn truyện ngắn khác, được NXB Đời Nay in lần đầu năm 1940. Với lối viết chân thực giản dị mà thắm đượm trữ tình, tác phẩm đã tái hiện những kỷ niệm sâu sắc về thời thơ ấu nhiều cay đắng của tác giả trong một gia đình không hạnh phúc.
Ấn bản này của Nhã Nam được thực hiện theo bản in Những ngày thơ ấu của NXB Đời Nay năm 1940… Các ảnh minh họa trong sách được lấy lại trong các truyện của Nguyên Hồng đã đăng trên báo Ngày Nay.
Tiểu thuyết Lạnh lùng của Nhất Linh đăng dài kỳ trên báo Ngày nay, từ số 16 (ngày 12-7-1936) đến số 37 (ngày 6-12-1936), NXB Đời Nay xuất bản lần đầu năm 1937. Tác phẩm là câu chuyện về Nhung - một góa phụ trẻ tuổi, lòng đầy khát khao yêu đương nhưng bị trói buộc trong nghĩa vụ thủ tiết thờ chồng.
Lạnh lùng là tiếng nói lên án lễ giáo phong kiến kìm hãm và đi ngược lại quyền sống của con người, đồng thời ngợi ca và cổ vũ tình yêu tự do, giải phóng cá nhân. Ấn bản này của Nhã Nam được thực hiện theo bản in của NXB Đời Nay in xong ngày 7-6-1940.
Ấn bản này ngoài kênh chữ còn có sự kiện diện của kênh hình với những tranh minh họa do chính Nhất Linh vẽ. Qua những bức họa, bạn đọc cũng có thể bắt gặp không gian sinh hoạt, những phong cảnh truyền thống của làng quê Việt Nam với cổng làng, lũy tre, rặng cây, hoa thủy tiên ngày Tết…
Gánh hàng hoa là tiểu thuyết viết chung của Khái Hưng và Nhất Linh, đăng dài kỳ trên báo Phong hóa, từ số 66 (ngày 29-9-1933) đến số 88 (ngày 9-3-1934). Xuất bản lần đầu năm 1934, NXB Đời Nay. Tác phẩm mang đậm màu sắc lãng mạn với câu chuyện tình cao thượng của ba người bạn trẻ Minh, Liên và Văn nơi trại Hàng Hoa ven đô Hà Nội. Đây được xem là tác phẩm đi đầu cho chủ trương cổ vũ lối văn chương mới yêu đời của Tự Lực văn đoàn.
Ấn bản này của Nhã Nam được thực hiện theo bản in Gánh hàng hoa của NXB Đời Nay in năm 1934. Các tranh minh họa là do Đông Sơn, tức Nhất Linh vẽ.
Tập truyện ngắn Sợi tóc của Thạch Lam xuất bản lần đầu năm 1942, NXB Đời Nay. Gồm năm truyện ngắn: Dưới bóng hoàng lan, Tối ba mươi, Cô hàng xén, Tình xưa, Sợi tóc. Các truyện ngắn của Thạch Lam tuy nhẹ nhàng và giàu tính trữ tình, nhưng chứa đựng những trăn trở sâu sắc về con người, thời thế.
Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan nhận xét: “… những truyện Tối ba mươi, Cô hàng xén, Tình xưa, Sợi tóc, đều là những truyện vào hạng những đoản thiên tiểu thuyết đáng kể là hay nhất trong văn chương Việt Nam”.
Ấn bản này của Nhã Nam được thực hiện theo bản in Sợi tóc của NXB Đời Nay in xong ngày 30-1-1942. Các ảnh minh họa trong sách được lấy từ các truyện ngắn của Thạch Lam đăng trên báo Ngày Nay (1938-1940).
Được biết, vào lúc 18 giờ ngày 15-1, tại Thư viện Viện Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội) sẽ diễn ra buổi tọa đàm văn học giới thiệu 4 tác phẩm mới nhất của bộ “Việt Nam danh tác” được Nhã Nam phối hợp NXB Hội Nhà văn tuyển chọn và in lại dựa trên những ấn bản toàn vẹn.
Chương trình có sự tham gia của nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân, TS Văn học Mai Anh Tuấn cùng biên tập viên Đào Lê Tiến Sỹ, người phụ trách biên tập bộ sách Việt Nam danh tác. Nhân dịp này, Nhã Nam còn tổ chức triển lãm trưng bày tranh bìa 12 tác phẩm cả cũ và mới tại tầng lửng Viện Pháp. Mỗi tác phẩm đều có tóm tắt nội dung bằng tiếng Việt và tiếng Pháp. Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 30-1.
Nguyễn Phương ( tổng hợp)