Theo đó, chia sẻ tại sự kiện, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam bày tỏ, nên đầu tư nhiều hơn cho sáng tác kịch bản và làm phim đề tài lịch sử. Bởi chúng ta đang thiếu nhiều tác phẩm chất lượng ở mảng này.
Quỹ Hỗ trợ chuyển thể kịch bản điện ảnh từ tiểu thuyết lịch sử hoạt động phi lợi nhuận, hoàn toàn công khai. Quỹ kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng và các Mạnh thường quân yêu văn hoá nghệ thuật dưới mọi hình thức. Quỹ sẽ tài trợ cho các tác giả chuyển thể kịch bản (mọi thể thức) theo hai hình thức: tổ chức thi chọn kịch bản; mời và hỗ trợ tài chính trực tiếp các nhà biên kịch có khả năng. |
Trên thực tế, trong nhiều năm trở lại đây, khi nhắc đến dòng phìm lịch sử, đa phần các đạo diễn, nhà sản xuất đều cho rằng chúng ta không có kịch bản lịch sử hay, mặc dù tác phẩm văn chương viết về lịch sử hay không thiếu. Những nhà biên kịch tài năng, chuyên nghiệp hay nghiệp dư, cũng không hiếm. Nhưng họ không có động lực cả về nghệ thuật lẫn tài chính cũng như mục tiêu để chuyển thể tiểu thuyết lịch sử thành kịch bản phim. Do đó, việc ra đời Quỹ hỗ trợ chuyển thể kịch bản điện ảnh từ tiểu thuyết lịch sử được kỳ vọng sẽ tạo cú huých cho dòng phim này phát triển.
![]() |
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng nên đầu tư nhiều hơn cho sáng tác kịch bản và làm phim đề tài lịch sử. |
Tại sự kiện, Quỹ hỗ trợ chuyển thể kịch bản điện ảnh từ tiểu thuyết lịch sử đã giới thiệu tác phẩm đầu tiên được đề cử chuyển thể là cuốn “Kim Thiếp Vũ Môn” của tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh, NXB Văn học.
“Kim Thiếp Vũ Môn” là một tiểu thuyết lịch sử đặc biệt theo dạng luận đề. Quyển sách nhắc hậu thế về những thân phận con người, về số phận bi hùng của những hào kiệt, anh tài luyện thép, đúc súng của đất Việt trong thăng trầm lịch sử.
![]() |
“Kim Thiếp Vũ Môn” của tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh, NXB Văn học được đề cử chuyển thể thành phim. Ảnh VH |
Giới phê bình văn học nhận định, sẽ không dễ đọc nếu đọc nó như một cuốn tiểu thuyết bình thường. Đây là quyển sách mà cấu trúc, văn phong và bút pháp không theo một tiền lệ nào cả, nhưng mỗi câu chữ, chương, hồi không chỉ là lịch sử, là khoa học, là tiểu thuyết, là kiếm hiệp, là trinh thám mà còn nhiều hơn thế, là tình yêu, là thân phận, là văn chương, thế sự, cuộc đời…
Đại tá, nhà văn, nhà báo Phạm Quang Đẩu bày tỏ, với chất lượng của tác phẩm, dự án đưa “Kim Thiếp Vũ Môn” lên phim ảnh sẽ sớm thành hiện thực. Rồi đây sẽ có một bộ phim về Khởi nghĩa Lam Sơn xứng tầm, đáp ứng được lòng mong mỏi của đông đảo công chúng…”
Lịch sử dân tộc có rất nhiều câu chuyện vừa hấp dẫn vừa phong phú, mà "Đào, phở và piano", mới đây là "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”, đang có những thành tựu rất đáng tự hào, cho thấy rất cần thiết phải điện ảnh hóa Sử Việt, để các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu biết nhiều hơn, sâu sắc hơn về lịch sử nước nhà. Do đó việc ra đời Quỹ hỗ trợ chuyển thể kịch bản điện ảnh từ tiểu thuyết lịch sử không chỉ giải tỏa cơn khát về dòng phim lịch sử, mà còn góp phần lan tỏa Sử Việt.