Văn hóa nghệ thuật

“Cởi trói” nỗi sợ mơ hồ của phim lịch sử

Dương Dương
Điện ảnh
06:00 | 27/11/2024
Baovannghe.vn - Được ghi nhận là thể loại tiềm năng để sản xuất, khơi gợi nhiều cảm hứng cho người làm phim nhưng phim lịch sử và có yếu tố lịch sử vẫn xuất hiện theo kiểu nhỏ giọt, rón rén trong thị trường điện ảnh Việt Nam. Một số chuyên gia chỉ ra những yếu tố trói buộc vô hình đối với dòng phim này.
aa

Nhắc đến dòng phim lịch sử - huyền sử, không dễ để khán giả Việt Nam liệt kê được nhiều tựa phim nổi bật. Tuy nhiên, từ đầu thập niên 2010 đã là giai đoạn ồ ạt của những bộ phim cổ trang, điện ảnh nhiều mà truyền hình cũng không thiếu. Hướng về kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, các dự án được đầu tư và quảng bá rầm rộ, nhưng sự tiếp cận với công chúng dường như chưa xứng tầm. Bẵng đi một quãng dài, phim có yếu tố lịch sử (gồm cả huyền sử, dã sử) không còn thấy tăm hơi đâu nữa, “chìm nghỉm” giữa hàng loạt phim hài và phim gia đình. Sự vắng bóng này một phần vì những hạn chế ngân sách và kỹ xảo, phần vì lợi nhuận thu về chẳng đáng bao nhiêu. Cho tới gần đây, các bộ phim khai thác chất liệu văn hóa dân gian đạt được thành công nhất định, trở thành tiền đề cho phim lịch sử nhen nhóm cựa mình trở lại.

“Mỏ vàng” của điện ảnh

Tham dự hội thảo “Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học” trong khuôn khổ Liên hoan phim (LHP) quốc tế Hà Nội (HANIFF) lần thứ 7, nhà sản xuất phim Nguyễn Trinh Hoan (người đứng sau các tác phẩm Đất rừng phương Nam, Ngày xưa có một chuyện tình) đánh giá lịch sử là đề tài tiềm năng làm nên tác phẩm giá trị trong điện ảnh, bởi Việt Nam có bề dày lịch sử cùng nhiều nhân vật, sự kiện hấp dẫn. Theo quan sát của ông, nhiều nhà làm phim trong nước tìm thấy cảm hứng lớn với những giai thoại liên quan triều đại nhà Nguyễn. Đồng quan điểm, đạo diễn - nhà sản xuất Charlie Nguyễn cho hay nhiều đồng nghiệp của ông “thai nghén” những dự án thú vị, với tinh thần bảo tồn văn hóa, kết nối lịch sử với thế hệ trẻ.

Tiềm năng để khai phá đến như vậy nhưng phim lịch sử - dã sử - huyền sử vẫn là một nan đề đối với các nhà làm phim và các hãng phim. Đất rừng phương Nam ra rạp năm ngoái là trường hợp khiến nhiều người tiếc nuối hơn cả. Dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi, lại được hưởng tiếng thơm của bản phim truyền hình cách đây hơn 20 năm, tác phẩm những tưởng thành công danh tiếng lẫn doanh số phòng vé, rốt cuộc gánh chịu điều tiếng “xuyên tạc lịch sử”, bị kêu gọi tẩy chay, đứng bên lề các giải thưởng, LHP nội địa.

Câu chuyện của Đất rừng phương Nam được đạo diễn Phi Tiến Sơn (Đào, Phở và Piano) cho là nỗi đau của điện ảnh Việt. Nghệ sĩ Mai Thu Huyền cũng xót xa bộ phim phải chịu điều tiếng mà không được bảo vệ chính đáng. Không nhắc thẳng tên phim nhưng nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thể hiện nỗi thương cảm: “Một số phim có chất liệu lịch sử gần đây nhận nhiều bình luận rất thô thiển trên mạng”.

Nhắc lại chuyện buồn của một năm trước, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh nhớ mãi không khí căng thẳng trong phiên điều trần thứ ba của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội về bộ phim này. Ông kể: “Tôi cảm giác người ta cần tìm một đơn vị hoặc một cá nhân chịu trách nhiệm với việc đưa phim ra rạp. Tôi đề xuất với ủy ban không nên quy tội cho đoàn phim. Nhưng nếu cần xử lý khủng hoảng truyền thông, họ hãy cách chức cục trưởng, tức là tôi”.

“Cởi trói” nỗi sợ mơ hồ của phim lịch sử
Tạo hình nhân vật trong phim cổ trang Người vợ cuối cùng đạo diễn Victor Vũ. Ảnh: Bazaar

Từ nỗi sợ mơ hồ…

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chỉ ra nỗi sợ mơ hồ với đề tài lịch sử đang vô tình kìm hãm khả năng sáng tạo, tư duy bứt phá của các biên kịch và đạo diễn. Ông phát biểu tại hội thảo: “Tôi tin người làm phim Việt Nam không kém cỏi về trí tưởng tượng đâu, nhưng sự sợ hãi làm họ tự ngăn cản mình. Sáng tạo là mênh mông. Chỉ cần không phản bội lịch sử, người làm phim có quyền sáng tạo các tình tiết, cảm xúc để làm sáng tỏ một nhân vật, một sự kiện hoặc một giai đoạn có thật trong lịch sử”.

Tán thành ý kiến này, đạo diễn - nhà sản xuất Charlie Nguyễn chỉ ra nhiều biên kịch, đạo diễn mang nỗi hoang mang và lúng túng khi tiếp cận chủ đề lịch sử. Anh nhận thấy nhiều người đón nhận phim lịch sử và phim có yếu tố lịch sử như một tư liệu lịch sử. Sự đánh tráo khái niệm này là một trong những trở ngại để chất liệu lịch sử bước lên màn ảnh.

Charlie Nguyễn đưa ra quan điểm: “Trong phim chủ đề lịch sử có hai hiện thực. Thứ nhất là hiện thực lịch sử gồm các yếu tố ai, chuyện gì, ở đâu, khi nào - những thứ được ghi chép và công nhận trong sử sách, người làm phim không thể thay đổi. Thứ hai là hiện thực tinh thần, nói cách khách là hành trình nội tâm, biến động tâm lý của từng danh nhân trong một tình huống hay sự kiện có thật. Những điều này không được mô tả trong sách sử nhưng là chất liệu kết nối phim với khán giả. Cài cắm chúng ra sao là trách nhiệm của biên kịch. Nếu đòi hỏi mọi thứ trong phim chính xác như lịch sử thì kịch bản chỉ đơn thuần kể lại sự kiện thực tế, bộ phim sẽ khô khan”.

…đến tháo gỡ về tài chính

Từ góc nhìn của nhà sản xuất, ông Nguyễn Trinh Hoan đề cập kinh phí là trở ngại đầu tiên của phim lịch sử. Theo ông, bối cảnh, phục trang, đạo cụ, kỹ xảo và không khí thời đại là những yếu tố đòi hỏi tính công phu và chi phí đầu tư quá lớn. Đổi lại, sự đón nhận của công chúng, sức bán vé của tác phẩm khi phát hành khó được đảm bảo. Do đó, phim lịch sử hoặc có yếu tố lịch sử khó thuyết phục các nhà đầu tư rót vốn.

Bên cạnh đó, nhà sản xuất Nguyễn Trinh Hoan cũng bày tỏ nỗi niềm trăn trở trước dự thảo tăng thuế điện ảnh từ 5% lên 10%. Ông lý giải: “Với mỗi dự án phim, chúng tôi phải vay ngân hàng để có chi phí. Từ lúc khởi động đến khi phim ra rạp nhanh cũng phải một năm, chúng tôi chịu lãi ngân hàng khoảng 12%. Nếu mức thuế tăng, nhà đầu tư sẽ rất dễ rút lui. Tôi đề xuất không đánh thuế điện ảnh, bởi đây là ngành nghề nhiều rủi ro, chưa có chính sách ưu đãi”.

Đáp lời những người làm phim tại hội thảo, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, ủy viên Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội khẳng định nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích dòng phim lịch sử cất cánh trong điện ảnh. Ông cho biết: “Lịch sử nhiều chi tiết đúng nhưng cũng nhiều góc khuất. Điều này làm lịch sử hấp dẫn hơn, dễ đi vào trái tim con người hơn. Nhà nước mong muốn các nghệ sĩ tôn trọng lịch sử, dựa trên sự kiện có thật, nhưng hoàn toàn được quyền sáng tạo. Nhà nước mong lịch sử hấp dẫn hơn qua phim ảnh nhưng không được phủ nhận những điều đã được khẳng định”.

Tạo ra cuộc đối thoại song phương giữa những người sáng tạo, người sản xuất và đại diện của ban ngành quản lý điện ảnh, cuộc hội thảo “Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học” trở thành điểm sáng trong khuôn khổ LHP quốc tế Hà Nội lần thứ 7, bởi tính thiết thực của nội dung đối với vận hành ngành phim đương thời.

Khai mạc Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V

Khai mạc Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V

Baovannghe.vn - Sáng 27/11 Hội Nhà văn Việt Nam, phối hợp với Hội đồng lý luận phê bình VHNT Trung ương tổ chức Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V "50 năm Văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế". Hội nghị diễn ra tại Hà Nội.
Phố phường Hà Nội - mạch nguồn bất tận

Phố phường Hà Nội - mạch nguồn bất tận

Baovannghe.vn - Với bề dày lịch sử và văn hiến hơn nghìn năm tuổi, Hà Nội đã trở thành một vùng địa lý quen thuộc trong văn chương. Các nhà văn đương đại vẫn luôn viết về mảnh đất này, ghi chép lại những đổi thay của Hà Nội trong dòng chảy không ngừng của đất nước.
Tóc mượn. Truyện ngắn dự thi của Hồ Kiên Giang

Tóc mượn. Truyện ngắn dự thi của Hồ Kiên Giang

Baovannghe.vn - Niềm hãnh diện ấy nội truyền sang cha khi chọn vợ. Cũng như nội, tóc má dài quá lưng, đen huyền, óng ả. Cái nếp này má dạy chị cách chăm sóc, vuốt ve hàng ngày nên tóc chị giống y chang tóc của má, của bà nội. Mỗi sáng thức dậy, sau khi rửa mặt xong, má kêu chị ngồi ở mép giường để nhẹ nhàng gỡ từng sợi tóc rối cho thẳng thớm, cột lại đàng hoàng. Mỗi chiều, bao giờ má cũng nấu nồi nước lá sả để gội tóc cho má và cho chị.
Khúc dạo miền sông lở - Thơ Võ Văn Luyến

Khúc dạo miền sông lở - Thơ Võ Văn Luyến

Baovannghe.vn- Anh đứng ngoài cuộc/ rứa mà nhìn bên nớ bên ni
Võ Diệu Thanh - Hiền hòa và dữ dội

Võ Diệu Thanh - Hiền hòa và dữ dội

Baovannghe.vn - Là cô giáo tiểu học dạy môn mỹ thuật ở trường làng quê mình, đất Nam Bộ, nhưng Võ Diệu Thanh cũng là tác giả của hơn 20 tác phẩm đã xuất bản và 8 giải thưởng dành cho số tác phẩm ấy, đến từ cấp tỉnh, cấp miền, cấp quốc gia!