Diễn đàn lý luận

Thi phẩm "Thời hoa đỏ" của nhà thơ Thanh Tùng

Nguyễn Thị Thiện
Lý luận phê bình
13:48 | 30/07/2024
Baovannghe.vn - Thi phẩm "Thời hoa đỏ" - ra đời năm 1972 - là sáng tác tiêu biểu nhất làm nên tên tuổi chói lọi của nhà thơ Thanh Tùng...
aa

THỜI HOA ĐỎ

Thi phẩm
Nhà thơ Thanh Tùng (1935-2017)

Thanh Tùng

Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao

Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng

Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh

Chẳng chịu cho lòng ta yên

Anh mải mê về một màu mây xa

Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ

Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa

Em hát một câu thơ cũ

Cái say mê một thời thiếu nữ

Thi phẩm
Tập thơ Còn đây một thời hoa đỏ

Mỗi mùa hoa đỏ về

Hoa như mưa rơi rơi

Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi

Như máu ứa một thời trai trẻ

Hoa như mưa rơi rơi

Như tháng ngày xưa ta dại khờ

Ta nhìn sâu vào mắt nhau

Mà thấy lòng đau xót

Trong câu thơ của em

Anh không có mặt

Thi phẩm
Vẻ đẹp của hoa phượng vĩ đỏ thắm

Câu thơ hát về một thời yêu đương tha thiết

Anh đâu buồn mà chỉ tiếc

Em không đi hết những ngày đắm say

Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ

Không cho ai có thể lạnh tanh

Hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ

Như vết xước của trái tim

Sau bài hát rồi em lặng im

Cái lặng im rực màu hoa đỏ

Anh biết mình vô nghĩa đi bên em

Sau bài hát rồi em như thể

Em của thời hoa đỏ ngày xưa

Sau bài hát rồi anh cũng thế

Anh của thời trai trẻ ngày xưa.

Lời bình của Nguyễn Thị Thiện

Thi phẩm "Thời hoa đỏ" - ra đời năm 1972 - là sáng tác tiêu biểu nhất làm nên tên tuổi chói lọi của nhà thơ. Bài thơ với cảm xúc mãnh liệt gắn với mối tình đam mê cháy bỏng và cuộc hôn nhân của nhà thơ với người vợ đầu. Hơn ba mươi câu thơ tự do như những dòng cảm xúc dạt dào tuôn chảy là tiếng nói từ trái tim yêu tha thiết, đắm say một thời tuổi trẻ của chủ thể trữ tình.

Thơ Thanh Tùng thiên về trực giác, gây ấn tượng cho bạn đọc từ những câu mở đầu. Hình ảnh màu hoa đỏ trong thơ là hồi ức về một mối tình tuyệt đẹp, tràn đầy sức sống thanh xuân: "Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao/ Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng/ Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh?/ Chẳng chịu cho lòng ta yên". Hình ảnh thời hoa đỏ trong nhan đề bài thơ được nhấn mạnh lần nữa trong câu thơ đầu "hoa như lửa cháy", xuất hiện nhiều lần, tạo nên sắc màu chủ đạo chi phối cảm xúc toàn bài và hàm chứa nhiều ý nghĩa.

Ở đây, hoa đỏ màu như máu tươi, như lửa cháy, tượng trưng cho tình yêu một thời tuổi trẻ mạnh mẽ, dại khờ với những tình cảm trong sáng, khao khát và lãng mạn. Thời hoa đỏ đúng một tứ thơ rất đẹp và độc đáo chỉ có Thanh Tùng mới phát hiện ra và nắm bắt được. Ở thời hoa đỏ, con người được tạo hoá ban cho nhiều ưu ái: trẻ đẹp, yêu đắm đuối, sức sống đầy nội lực. Mỗi con người hầu như ai cũng có một thời như thế. Hình ảnh anh "nắm tay em bước dọc con đường vắng" là hồi ức đẹp lung linh của tình yêu giữa hai tâm hồn đồng điệu. Người vợ của Thanh Tùng tên Nhàn, người con gái đất Cảng “tơ tuốt, óng mượt”, tuy đã có con và chia tay với chồng cũ những nhan sắc diễm lệ của Nhàn khiến nhiều người đàn ông rất ngưỡng mộ. Thanh Tùng yêu vợ cháy đỏ đam mê và cả vụng dại. Nên trong bài anh viết hay nhất, ám ảnh tâm trí người đọc nhất là những câu thơ sau: "Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi/ Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi/ Như máu ứa một thời trai trẻ/ Hoa như mưa rơi rơi/ Như tháng ngày xưa ta dại khờ". Giai điệu đã chắp cánh cho lời thơ. Sắc đỏ của hoa phượng ngập tràn trong khổ thơ và toàn bài với đậm đặc những hình ảnh đầy ấn tượng. Bên cạnh đó, hàng loạt từ láy tiếng rơi rơi, láy âm mỏng manh, tan tác được dùng đắt giá khiến trong thơ như có nhạc, một thứ nhạc điệu của nhịp điệu thơ bay bổng, nhẹ nhàng nhưng thấm vào từng đường gân thớ thịt, từng tế bào, mạch máu. Đó là sự rung cảm tinh tế của tâm hồn, của lòng người đang nhớ nhung và nuối tiếc những gì đẹp đẽ đã qua không bao giờ gặp lại nữa. Lời thơ như được chưng cất từ một trái tim yêu nồng nhiệt và từng chịu nhiều thương đau. Nhà văn Lê Thiếu Nhơn đã rất có lý khi nhận xét: “Thanh Tùng có cái phóng túng của một kẻ dường như chỉ sinh ra để làm thi sĩ, dẫu năm tháng lao động chân tay nhọc nhằn. Đọc thơ Thanh tùng giống như bước vào một vùng cảm xúc mâu thuẫn: giữa sự ngang tàng và yếu đuối, giữa sự tinh tế và sự vụng về, giữa sự mạnh mẽ và sự dở dang”. Tình yêu vốn là thế, đẹp vô cùng nhưng mong manh, dễ vỡ làm sao. Nhà thơ như nhắn nhủ: mọi người phải hết sức gượng nhẹ với nó. Nhà thơ Đỗ Trung Lai trong bài Đêm sông Cầu cũng viết “Giữ tình yêu như giữ lửa”. Nếu để lửa quá mạnh, lửa rất có thể thiêu cháy cả sự nghiệp của ta; ngược lại nếu để lửa yếu ớt nó sẽ dễ lụi tàn và tắt ngấm.

Đồng cảm sâu sắc với nỗi lòng yêu mãnh liệt và nhớ thương khắc khoải của nhà thơ Thanh Tùng, nhạc sỹ Nguyễn Đình Bảng đã phổ nhạc rất thành công bài thơ. Vừa trình làng, lập tức ca khúc được lan tỏa rộng rãi và trở thành một hiện tượng trong đời sống nghệ thuật trong những năm 90 của thế kỷ trước. Nhiều khán thính giả yêu thích, thuộc nằm lòng ngay bài hát. Đoạn điệp khúc “mỗi mùa hoa đỏ về” trở đi trở lại, ngập tràn trong cả bài thơ, thành tâm điểm của những đợt sóng cảm xúc dào dạt như những vòng tròn đồng tâm lan tỏa không dứt. Màu đỏ của hoa phượng – nét đặc trưng của thành phố Hải phòng - như màu của máu tươi, lửa cháy, của tình yêu say đắm và sôi nổi. Nhất là mỗi khi mùa hạ về, tiếng ve rộn rã như một bản nhạc khiến lòng người thêm rạo rực. Nhạc sĩ đã gặp gỡ thi sĩ vì cả hai cùng nói hộ tấc lòng của bao bạn trẻ, của chung chúng ta những kỷ niệm một thời tuổi thanh xuân trong cuộc đời: "Anh mải mê về một màu mây xa/ Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ/ Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa". Lời thơ chứa chan xúc cảm nhưng có chút nuối tiếc vì tuổi trẻ có bạn đồng hành là sự dại khờ, nông nổi. Hình ảnh màu mây xa, cánh buồm là hiện thân của sự trong trắng, lãng mạn. Tất cả đều đẹp biết bao. Thật khó tin những hình ảnh thơ của một mối tình say đắm như thế nhưng lại hai con người không đồng hành đến cuối bến cuộc đời bởi trong khi nhân vật trữ tình anh một lòng hướng về nhưng trái tim em lại không cùng nhịp đập: "Em lại hát một câu thơ cũ", và "Trong câu thơ của em/ Anh không có mặt". Cứ như thế… rồi hai đứa xa nhau. Đoạn cuối bài thơ nói về chia ly nhưng không có hờn giận hay oán trách, chỉ thao thiết nhớ về những tháng ngày đẹp đã qua. Sau tất cả những mất mát, đổ vỡ, chỉ còn lại câu chuyện của tình yêu, tình người vị tha, nhân ái, bao dung.

Bài thơ “Thời hoa đỏ” được lấy làm nhan đề một tập thơ in riêng của Thanh Tùng năm 2001. Tập thơ rất xứng đáng được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022 và được tái bản những năm sau đó. Giờ đây, nhà thơ Thanh Tùng đã đi xa nhưng nhiều sáng tác của ông, đặc biệt là đứa con tinh thần chung của ông với nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng là ca khúc “Thời hoa đỏ” sẽ mãi còn vang danh bất hủ.

Nguyễn Thị Thiện | Báo Văn nghệ

-------

Bài viết cùng chuyên mục

Bài thơ "Mẹ và quả" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm Nhà văn Sơn Tùng "Sen xanh một đoá" Những xúc cảm qua bài thơ " Chùa" của nhà thơ Vũ Từ Trang Cùng Lương Mỹ Hạnh dắt mây đi chơi qua tập thơ "Mùa lá thức" Bài thơ "Hoa phượng ở nghĩa trang Trường Sơn" của Mai Thìn
Bản tin Văn nghệ ngày 22/11/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 22/11/2024

Baovannghe.vn - Bộ VHTT&DL tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Tổ chức triển lãm 80 năm văn hóa, nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổ chức triển lãm 80 năm văn hóa, nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam

Baovannghe.vn - Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) tổ chức Hội nghị triển khai và rà soát công tác chuẩn bị tổ chức Triển lãm 80 năm văn hóa, nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam
Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Baovannghe.vn- Sinh ở Lào nhưng là người Hà Nội/ Một nghệ sĩ hào hoa sắc sảo đa tài
Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Baovannghe.vn - Từ ngày 23/11 đến ngày 15/12/2024, tại Nguyen Art Gallery (Hà Nội), sẽ diễn ra triển lãm tranh màu nước Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở của nhóm 6 họa sĩ trẻ.
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ