Multimedia

Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Đọc thơ
10:03 | 31/01/2024
Chất độc màu da cam Cướp đi cả lá cả cành
aa

Nghiêng và đối mặt

Chất độc màu da cam

Cướp đi cả lá cả cành

Thương em lòng mẹ lá úa

Chiếc áo vá mãi chẳng lành.

Em ngậm cọ nằm nghiêng vẽ tranh

Cắn bút ngửa mặt làm thơ

Trăng ngời ánh mắt

Mặt giấy đầm mưa,

mưa…

Tranh em vẽ như thực như mơ

Cái gì cũng nghiêng

Dốc con tim thắp lửa

Sắc màu nâng cánh mùa lên.

Thơ của em

Cái gì cũng đối mặt

Câu thơ sao đắng đót?

Chắt ra mặn chát nỗi người.

Nằm nghiêng một đời

Gió mưa đối mặt.

Cây trôi

Em có về nhặt quả trôi mùa trăng

Quả chín đỏ sân, hoa vàng ký ức

Sáo đậu cành cao, chào mào cành thấp

Tắc kè có còn gọi nắng gọi mưa?

Cây trôi cổ tích làng ta

Bóng tỏa chở che phận người nghèo khó

Mẹ cha một đời dầm mưa dãi gió

Gặt mùa về lại đội nón mùa đi.

Cây trôi bao kỷ niệm tuổi thơ

Đêm múa hát trăng cài kẽ lá

Cầm tay nhau còn ngượng ngùng xấu hổ

Để bây giờ trái trôi vẫn còn xanh.

Cây trôi ngọn tháp làng mình

Sừng sững nghìn năm vươn trời cổ thụ

Ngày ra trận con đường ngập gió

Điểm hẹn còn rung trên mỗi lá cành.

Cây trôi bao lá bao tình

Vật đổi sao dời, chứng nhân bao thế sự

Như suối có nguồn, như chim có tổ

Trôi vẫn xanh đứng giữ hồn quê.

Bến cũ ta về

Khói lam chiều bảng lảng ngõ sen

Bồn chồn dáng mẹ đợi bên thềm

Ngóng đứa con xa chưa về Tết

Lửa reo, nồi bánh sôi rền.

Ồn ã chợ chiều phiên cuối năm

Người đi xa xứ Tết về thăm

Ai đến chốn xưa tìm năm tháng

Soi vào thăm thẳm nỗi cố hương.

Vồi vội ngược xuôi nhịp bước chân

Sân ga khách đợi chuyến cuối năm

Anh lính lên tàu ra hải đảo

Em về tươi rói một nhành xuân.

Mút mắt đồng xa lúa chiêm xanh

Cánh cò vồi vội cõng gió Đông

Mẹ gánh hoa đào ra chợ Tết

Em vào ca tiếng máy rền vang.

Chuyến đò ngày Tết rộn người sang

Bến sông chầm chậm tiếng chuông ngân

Người đi nước chảy sông biền biệt

Bến cũ ta về sóng rưng rưng…

Mẹ

Mẹ ngồi

Khâu mũ

Bán nghèo

Khâu mây vào núi

Khâu chiều vào đêm.

Sa Pa

Treo mảnh trăng liềm

Dệt nên thổ cẩm

Nỗi niềm trăm năm.

Buồn vui

Mũi chỉ xa xăm

Mẹ khâu đời mẹ

Hoa văn

Kiếp người.

Gặp nàng Tô Thị ở Đồng Đăng

Tôi lên chợ Đồng Đăng

Gặp nàng Tô Thị địu con xuống núi

Nàng để lại hình đá trên đỉnh Vọng Phu

Mặc áo chàm bán bánh ngải.

Vai áo sờn gùi sương bạc gió

Nụ cười nắng ấm ban mai

Bao năm thờ chồng dẫu tóc thu phai

Bánh ngải thơm bản làng vẫn nhớ.

Nếp Thất Khê, ngải non Cao Lộc

Vừng Chi Lăng, lá dong lá chuối Bắc Sơn

Giã sấm gói mưa, thức với sao Mai sao ôm

Bánh ngải Đồng Đăng chẳng còn đắng nữa.

Không muốn bồng con làm tượng đá

Trở lại kiếp người để được buồn vui

Người đi rồi làm sao quay trở lại

Nàng bước ra cuộc đời bao nỗi đầy vơi.

Tôi gặp nàng chơi đàn tính trong đêm

hát then

Vác cuốc lên nương tra mùa bắp

Vào rừng sâu tìm cây hái thuốc

Đi giữa cuộc đời, đi giữa mùa xuân.

Tôi gặp nàng Tô Thị ở Đồng Đăng…

Nguồn Văn nghệ số 4/2024


Quyền lực khán giả và “cái chết” của thần tượng

Quyền lực khán giả và “cái chết” của thần tượng

Baovannghe.vn - Khán giả kết nối với thần tượng (ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng…) thông qua các sản phẩm văn hoá nghệ thuật, giải trí. Bản chất của sự kết nối này luôn đến từ sự hâm mộ, tức những tưởng tượng, vốn có tính hướng thượng (hướng đến giá trị chân thiện mỹ). Điều gì sẽ xảy ra khi một thần tượng sụp đổ hình tượng?
Hàng rong trên đường phố Hà Nội xưa

Hàng rong trên đường phố Hà Nội xưa

Baovannghe.vn - Hàng rong không chỉ ở Hà Nội mới có nhưng hàng rong trên đường phố Hà Nội đã tạo nên nét đẹp riêng trong văn hóa của phố thị.
Phim tài liệu "Thư gửi mẹ" giành giải thưởng Silvana S Film tại Liên hoan phim LENScape

Phim tài liệu "Thư gửi mẹ" giành giải thưởng Silvana S Film tại Liên hoan phim LENScape

Baovannghe.vn - Phim tài liệu ngắn Thư gửi Mẹ (Dear Mom) do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đồng sản xuất cùng đạo diễn Hà Lệ Diễm đã xuất sắc giành giải Silvana S Film - giải thưởng cao nhất tại Liên hoan phim tài liệu ngắn Đông Nam Á LENScape.
Nhà văn Phong Điệp và một triết lý về hạnh phúc

Nhà văn Phong Điệp và một triết lý về hạnh phúc

Baovannghe.vn - Tâm niệm "Viết để sống, để yêu và để trân trọng cuộc đời này", nên tác phẩm nào của nhà văn Phong Điệp cũng thấm đẫm vị đời, nóng hổi hơi thở cuộc sống. Giữ được sự nồng ấm này, có lẽ cũng nhờ một phần từ công việc khác của Phong Điệp: Nhà báo.
Made In Vietnam

Made In Vietnam

Baovannghe.vn - Biên giới của Made In Vietnam vươn tới đâu? Trong những cuốn sách cổ kính nhất không thấy câu trả lời, ngay cả các bản sấm ký cũng chẳng hé lộ chút gì. Chỉ biết rằng, tổ tiên của chúng ta, với sức sáng tạo lãng mạn tuyệt trần đã cài cắm “nhân sự” của mình tới nhiều nơi, cả trên trần gian lẫn ngoài thế gian.