Chuyên đề

Thơ tự chọn: Bùi Kim Anh

Văn học địa phương
10:23 | 05/09/2020
Bùi Kim Anh giáo viên dạy văn tại Hà Nội đã nghỉ hưu Hội viên HNV Việt Nam
aa

Nhà thơ Bùi Kim Anh sinh năm 1948 tại Thái Bình, tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội, là giáo viên dạy văn tại một số trường Phổ thông trung học ở Hà Nội (Cổ Loa, Bạch Mai, Trần Phú).

Với Bùi Kim Anh, thơ là người bạn tri kỉ giúp bà giao tiếp với cuộc đời và cùng bà vượt qua mọi gian truân để không bị gục ngã. Có lẽ chinh vì vậy mà thơ của bà chứa đựng những nỗi niềm lắng đọng qua bao gian nan, vất vả, trĩu nặng những suy tư về thân phận con người và đời sống. Ngoài ra người đọc cũng có thể nhận thấy trong thơ của nhà giáo, nhà thơ Bùi Kim Anh thấp thoáng không gian Hà Nội với từng góc nhỏ thân yêu gắn với kỉ niệm của bản thân và gia đình…

Từ bài thơ đầu tiên được đăng là ở Báo Hànộimới, khoảng những năm 70 thế kỷ trước, cho đến hôm nay Bùi Kim Anh đã xuất bản 11 tập thơ: Viết cho mình (thơ, NXB Văn học, 1995); Cỏ dại khờ (thơ, NXB Hội nhà văn, 1996; Lối mưa (thơ, NXB Quân đội nhân dân, 1999); Bán không cho gió (thơ, NXB Hội nhà văn, 2005; Lời buồn trên đá (thơ, NXB Hội nhà văn, 2007); Lục bát cuối chiều (thơ, NXB Văn học, 2008); Nhốt thời gian (thơ, 2010)… và tập thơ thứ 11: Tóc trắng nắng mai (2019)

NGOÀI NHỮNG CÂU THƠ TA CHẲNG CÒN GÌ

những câu hỏi khi ta còn trẻ
được trả lời khi ta già đi
những câu hỏi đưa ta đi đâu
ý tưởng trôi nổi như mùa thu
thời gian không từ một ai
không có thời gian dầm mình trong quá khứ
ta sống hai mảng đời đã qua và hôm nay
không nhọc lòng cho mong ước ngày mai

ngoài những câu thơ ta chẳng còn gì
thơ trú ngụ trong ý nghĩ
thức dậy
một thế giới cổ xưa
ta ôm giấc mơ từ khi còn trẻ
vỡ vụn con chữ
ta cần những ý thơ như người chết cần một chiếc quan tài
khi ta mỏi mệt và chán nản những ý thơ ào đến vực ta sống lại
cái bóng mờ trong tim gọi tên mất mát có là chiếc áo lấm bẩn đâu mà rũ sạch
ta và thơ giằng hai chữ đúng sai
chỉ ngày mai không biết gì là đúng



ẢO TƯỞNG



chẳng quậy được ở đời quậy ở trong thơ
bật ý nghĩ trào ra ý nghĩ
quên tuổi tác cần khép mình theo khuôn luật định
tung ra mà chả biết tung gì

người đàn bà ngồi viết những câu thơ ẩm ương
đêm qua giấc mơ trắng nhợt
ngày thờ ơ chẳng thể hiện hình
trái tim đau vượt giới hạn để tiếp nhận đau hơn
yêu đương quá ngưỡng tình khô nét mực
câu thơ chật mà thế thái nhân tình ngồn ngộn
dại dột còn đâu đặt niềm tin vào thơ

vu vơ gió mây ta tự đánh lừa mình
tự thưởng bằng lời khen sáo rỗng
bỏ tiền mua những điều tán tụng
cánh bướm nhập nhoàng
ta nhập nhoàng
thơ nghèo chẳng biết kinh doanh
biết kinh doanh thơ không còn là thơ nữa
phía bên ngoài của bão lũ
phía lạ xa của đói nghèo
phía vô cảm của giàu sang
ảo tưởng ôi thi tứ
dành cho thơ thời gian nhàn rỗi
xả ra
dòng lũ tạp nham ý nghĩ
vô tích sự
cưa mang chẳng nổi chính ta


cái nhà hàng xóm kia ẽo ợt khúc ca pha tạp giai điệu
loãng toẹt rồi ý nghĩ sớm mai
bao điều muốn viết mà câu chữ bay biến
một chiếc xe máy lao vào ngõ hẹp phá vỡ không gian

TỰ THOẠI 1


không thể lang thang trên phố hỗn độn người
lướt báo mạng mỗi ngày rối bời tâm trí
yêu thương không dủ sức đánh bật những bất bình
lặng câm khúc tình yêu già cỗi

lui vào ngõ
khép mình sau cánh cửa
ngoài kia gió
gió trời tung bụi rác
ngoài kia mưa
lầy lội những nẻo đường
khép cửa lại
con thạch sùng tặc lưỡi
bức tường hoen sau một trận mưa rào
cánh cửa khép một vùng lãnh thổ
câu chữ ép trong khuôn luật định
thầm đếm vệt loang trên bức tường ngày
niềm tin thơ ngây một lần gục ngã
khép cửa chắn đi cơn gió
hắt hơi gợi nhớ
đâu có quên
luồng gió độc hất vào vòng u tối
thế thôi đóng lại thu không gian lại
tự do cần chi khoảng rộng trời


TỰ THOẠI 2

còn trong thơ một sắc hoa màu tím
biết là thủa ấy đã rất xa
ký ức nhỏ như chiếc cúc áo mỏng như chiếc cúc áo
ký ức chồng lên ký ức
lại như tảng đá đè lên ngóc không dậy
nhỏ nhoi nhung nhớ
thảng thốt hương xa

đẩy ngày tiếp ngày khi tiếp nhận chất nặng thêm ký ức
đôi dép nhựa mòn quẹt nếp thời gian
chiếc gậy chống còng ý nghĩ
nhiều ngày sống không để cho mình
nhiều ngày sống chẳng để làm gì
để rồi yêu không cảm xúc
để rồi viết như liều thuốc giảm cơn đau

không ồn ào thì đi đâu
sống ở phố phố cứ thêm chật ních
văn chương cũng ồn ào phiên chợ
làm tình bằng thơ
làm tiền bằng thơ
làm chính trị bằng thơ
ta cũng làm thơ
nói chuyện với mình cho khỏi sinh trầm uất
bộc bạch với mình thoát cơn nổi điên


LÊN LÃO

khi ta già thơ cũng già theo
người ngắn lại và thơ co lại
tóc phủ bạc xuống màu trên câu chữ
không thể ríu rít lời tình tự gió mưa
sống trong ngõ lòng như ngõ hẹp
nắng một bên gió một lối ra vào
ta rủ thơ rong chơi
chiếc nạng thời gian dẫn bước
lối thư thả giữa đôi luồng trong đục
lối thản nhiên mặc co kéo tình đời

THỜI TA CÁCH TÂN

cách tân thời ta cách tân
thương câu lục bát mãi lân lối đi
ngắt dòng e chẳng ra gì
bỏ nếp cũ sợ nhỡ khi sai đường

theo người sợ đứt gánh thương
kẻo mai mốt biết ai nhường cho ai
cách tân một vạt áo dài
cách tân ư liệu ngày mai thế nào

người đi bước thấp bức cao
ta so nếp áo ướm vào thời gian

NÉ TRÁNH

ta nhốt ta trong căn phòng nhưng trang báo mạng mở
ta biết là ta né tránh
cái giá của sự cả tin khiến ta im lặng
mỗi ngày ta viết về những điều không đâu
chỉ để biết mình đang tồn tại

ta nhốt ta trong căn phòng lẫn lộn cảm giác nóng lạnh
ta biết là ta không sợ
chịu đựng nhiều làm hao mòn chữ sợ
mỗi ngày ta lại tự lừa dối mình bằng những trang viết
và những câu thơ có lúc cũng lừa dối ta để tồn tại

TÊN MÙA ĐẶT VÀO KHÚC GẤP

ta đi nhặt chiếc lá mùa thu
cho thơ
thấy gì đâu
rỗi việc
dọc con phố hàng cây xanh
dọc con hè không lá rụng
thấy gì đâu
xe cộ chen trên lối hẹp
nắng thu len qua kẽ hẹp
ngửa cổ ngắm khoảng trời thu dọc theo con phố
ta ôm về trĩu nặng
oi bức hè chưa chịu mang đi
và những cơn bão mang tên xa lạ rập rình
thu ơi
tên mùa đặt vào khúc gấp thời khác nào đây
có phải người về không mà sao lặng lẽ

RẰNG



rằng
muốn theo người
bán thơ đi
nặng lòng gánh
chọn câu gì để rao
người lơ đãng
biết bán sao
tình nhạt nhẽo
biết nơi nào
đẩy đưa
*
rằng
ta giờ chỉ thích đi
đi quanh phố
ngắm cái gì
cũng vui
ngắm cười theo
để muốn cười
ngó buồn theo
lại mượn lời làm thơ



rằng
quẩn quanh đến bao giờ
ngu ngơ câu chữ
ngu ngơ kiếp người
mới hay
lời đã vận lời
đừng thay đổi
cuối dòng
đời đục trong

HÃY GỌI NGƯỜI NHƯ TÔI LÀ KẺ NHÁT GAN

xin đừng lên án người như tôi sợ sự thật khóa lối vào
ngoài kia hội nhập cả tình yêu khai quật bạo hành cả trong gia đình trong lễ hội
ngoài kia bụi lẫn sương mù rác của người thải ra dến hơi thở cũng sặc mùi của rác
Hà Nội hôm nay chen chúc những ngôn từ

xin đừng lên án người như tôi sợ sự thật khóa lối vào
Hà Nội chỉ có đêm mới lặng lẽ phố xưa
hoa sữa chỉ còn đêm mới nồng nàn hương mát gió
đêm lại sợ những kẻ lang thang bẻ khóa đột nhập nhà

hãy gọi người như tôi là kẻ nhát gan
ngồi một chỗ để nghĩ và để viết
triết lý cũ an ủi mình giữ lề thói cũ – tôi tư duy là tôi tồn tại
ngoài kia người ta yêu nhau giết nhau nhanh hơn cả thời gian

hãy gọi người như tôi là kẻ nhát gan


CHÈN LÊN TẤT CẢ LÀ CHỊU ĐỰNG

ký ức kể bằng giọng đùng đục nghe như giọng vị thần mang lưỡi hái
thời gian đã qua bị băm nát
không thể gào toác lên
không thể khóc nấc lên
cũng không cả khóc âm thầm
dù da mặt tái xanh không huyết sắc tố
nghe có vẻ đang diễn
dù sự giả bộ ấy chỉ mình ta biết
thơ cũng không biết hết
ngày ta sống trong căn trọ hẹp
đêm ta ngủ trên tấm nệm xốp thủng
và ta lết chân trên phố Sài gòn để
lết trở lại với ổ bánh mỳ nguội trên tay

ta chịu đựng sự tuyệt vọng của niềm tin
ta chịu đựng sự khốn cùng của tuyệt vọng
tê dại nhận thức
tê dại cảm giác
chèn lên tất cả là chịu đựng

thật khốn nạn khi rơi vào tình trạng không chắc chắn
nó làm ta hồ nghi con người
nó làm ta băn khoăn về mình

thật khốn nạn khi rơi vào cảm giác mất thăng bằng
nó làm ta không thể định vị
nó làm ta có cảm giác rơi xuống

buổi sáng muốn đập chết một cái gì đó
một chiếc lá rơi
một nhành hoa khô
một con gián nhảy ra từ xó cửa
một hoang tưởng
một lỗi lầm
cái này cái kia và không là gì cả
giữa những cái tên trống rỗng
lộp độp giọt… giọt… rơi… rơi…

buổi chiều muốn văng ra
một tiếng tục tằn
một lời thô bỉ
một câu chửi rủa


la hét tứ tung và chẳng đâu vào đâu cả
ngửa cổ lên trời mưa rơi xuống mặt
cúi gằm xuống đất nước mắt mặn môi
cái con thạch sùng kia tặc lưỡi
tối trời


Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Baovannghe.vn- Sinh ở Lào nhưng là người Hà Nội/ Một nghệ sĩ hào hoa sắc sảo đa tài
Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Baovannghe.vn - Từ ngày 23/11 đến ngày 15/12/2024, tại Nguyen Art Gallery (Hà Nội), sẽ diễn ra triển lãm tranh màu nước Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở của nhóm 6 họa sĩ trẻ.
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...