Chuyên đề

Thơ Vũ Ngọc Thư - Lời bình của Phạm Đình Ân

Câu chuyện văn hoá
06:30 | 24/12/2023
Năm chúng tôi đi với sáu bàn chân Năm cái đầu không lành lặn Tám bàn tay bới đời lận đận
aa

VŨ NGỌC THƯ

Năm gương mặt lính

Năm chúng tôi đi với sáu bàn chân

Năm cái đầu không lành lặn

Tám bàn tay bới đời lận đận

Năm con người thập thễnh gắng mà đi.

Đôi tay cụt em út thằng Tư

Bấm xuống đất quê từng nhát cuốc

Theo đất bới là dòng máu tướp

Tưới xuống đồng đổi hạt thóc xuân.

Thằng Tá giờ đi với một bàn chân

Ôm trận đánh bắn đỏ nòng khẩu súng

Mõ lốc cốc đi làm thầy cúng

Cầu mình qua được mắt bão trời.

Thằng Hiệp giờ ở đất quê người

Một bàn chân chôn lòng đất mẹ

Ngỡ sung sướng nó còn rất trẻ

Nào ngờ tóc sớm bạc như sương.

Chúng tôi ôm thằng Thức mà thương

Căn bệnh nặng trời đày bể khổ

Tờ ly hôn đặt dưới bàn chân gỗ

Nó tha hương khấp khểnh bậc đời.

Bao năm rồi cơn choáng lành hạ tôi

Mảnh đầu vỡ không chỉ che mưa nắng

Năm chúng tôi năm trái tim lành lặn

Đi trên đời chỉ với sáu bàn chân!

(Báo Văn nghệ, số 3, 15/01/2022)

Lời bình của Phạm Đình Ân

Một bài thơ lạ viết về thương binh của một tác giả ít xuất hiện trên báo Văn nghệ. Như nhan đề, bài thơ nói đến nhóm bạn năm thương binh, kể cả người xưng tôi. Lâu nay, khi viết về thương binh, các tác giả thường thường chỉ nói đến một vài nhân vật chính trong một bài thơ. Viết về năm người như thế này là duy nhất, theo nhận xét của người viết lời bình này.

Tác giả Vũ Ngọc Thư giới thiệu với độc giả cuộc gặp mặt thân thiện, san sẻ vui buồn của họ. Ngay ở khổ thơ đầu tác giả đã tạo nên một ấn tượng mạnh: Năm chúng tôi đi với sáu bàn chân/ Năm cái đầu không lành lặn/ Tám bàn tay bới đời lận đận/ Năm con người thập thễnh gắng mà đi. Nếu chỉ gặp riêng một người thương binh, thấy người ấy mất tay, chân hoặc ốm bệnh do đánh giặc, chịu đựng di họa của chiến tranh, hẳn ai cũng xót thương, cảm phục, muốn chia sẻ nỗi khó khăn đau đớn với họ.

Nhưng đây là cả một nhóm năm người, ai cũng phải chịu thương tật theo một kiểu riêng. Con số nêu ra thật thảm thương, như là cố ý nhấn mạnh của tác giả: 5 người, lẽ ra phải đủ 10 bàn chân, mà chỉ còn 6; 10 bàn tay mà chỉ còn 8 và tất cả 5 cái đầu đều không bình thường bởi còn mảnh đạn găm vào hoặc bị chấn thương trong não…

Sau khổ thơ đầu giới thiệu chung là thơ phác họa chân dung năm gương mặt lính. Trước tiên, em út tên Tư cụt cả hai tay, từ chiến trường trở về quê hương cần mẫn bấm xuống đất quê từng nhát cuốc. Đời sống của ông ra sao, người đọc thấy không thể nào cơ cực hơn hình ảnh này: Theo đất bới là dòng máu tướp/ Tưới xuống đồng đổi hạt thóc xuân. Máu đỏ trong chiến tranh đã qua thì nay hòa bình vẫn máu đỏ tiếp theo. Người thứ hai Thằng Tá giờ đi với một bàn chân, bởi ông không có ruộng, đành phải đeo Mõ lốc cốc đi làm thầy cúng - một nghề kiếm ăn từng bữa nay làng này mai xã khác, trật trưỡng rủi may. Anh cúng cho người, cũng là gõ mõ cho số phận mình. Người thứ ba cũng mất chân, phiêu bạt quê người, còn rất trẻ mà đầu bạc trắng xóa. Thêm nữa, cả nhóm ôm thằng Thức mà thương/ Căn bệnh nặng trời đày bể khổ/ Tờ ly hôn đặt dưới bàn chân gỗ/ Nó tha hương khấp khểnh bậc đời. Người bạn chiến đấu thứ tư này có số phận đau buồn hơn cả chăng, bởi ông đã bằng chân gỗ mà đi tìm hạnh phúc. Ông là người thương binh duy nhất trong nhóm bạn vừa bị mất chân vừa bị tổn thương nặng nề về tinh thần - phải ly hôn khi trắc trở về hạnh phúc gia đình.

Bài thơ được kết thúc bằng một chân dung thứ năm và cả năm chân dung. Người đại diện tự xưng là chúng tôi, đến phút cuối chia tay với bạn đọc mới xưng tôi. Ông không bị tổn thương, mất mát về chân, tay mà bị thương ở đầu do mảnh đạn xuyên qua, khiến cơn đau óc luôn luôn hành hạ.

Nếu khổ thơ đầu là mở ra năm chân dung nhóm bạn thương binh một cách chung nhất thì khổ thơ kết là khép lại bằng hai dòng thơ rắn rỏi, chắc nịch:

Năm chúng tôi năm trái tim lành lặn

Đi trên đời chỉ với sáu bàn chân!

Có tứ mới lạ về đề tài quen thuộc, bài thơ được sáng tạo theo bút pháp hiện thực khắc nghiệt - trần trụi. Tác giả tạo ấn tượng nhiều ở hình ảnh bàn chân và hành động đi. Thông điệp ở đây là dẫu sao thì cả năm thương binh vẫn còn lành lặn năm trái tim tràn đầy nhiệt huyết tin yêu cuộc đời, tin yêu Tổ quốc, tin yêu nhân dân, tin yêu ở hiện tại và tương lai…

Trái tim vẫn lành lặn, đó là cái quý giá nhất còn lại của người thương binh hiểu theo nghĩa cả vật chất và tinh thần, nghĩa đen cùng nghĩa bóng.

Nguồn Văn nghệ số 51/2023


Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...