Thời đã xa - truyện ngắn của Lê Đức Dương |
Hồi tôi mới đến, cây xà cừ đầu phố thưa thớt lá. Đã thế thỉnh thoảng chú Sùng cứ vác dao ra chặt phầm phập những cành non. Mỗi lần chặt xong chú nhìn lại lẩm bẩm: "Chặt thế cho thoáng...". Lúc đầu tôi không hiểu vì sao chú cứ làm cái việc ấy. Nhưng có một tối, bố mẹ tôi đi chơi để tôi ở nhà, tôi sang phòng chú Sùng. Phòng chú ở sát ban công nhìn xuống phố. Qua khung cửa hoa sắt leo lét sợi tóc tiên no ứ bã chè: Phố buồn tênh. Thấy tôi sang chú nhỏm dậy cười lăn nhăn, trông rất quái. Chú ném cho tôi tập sách màu có in hình nhiều phụ nữ rất đẹp:
- Mày ngồi đấy mà xem, đừng đem đi đâu đấy!
Lúc tôi ngẩng lên đã thấy chú ở ngoài ban công, hút thuốc. Chú rít như xít răng làm cọng gân cổ nổi lên đỏ au như con giun uống thuốc đỏ. Tôi nhìn xuống đường, chỗ gốc cây xà cừ cụt ngọn có mấy người lố nhố. Họ thì thầm như đốm lửa điếu thuốc. Vừa rụt rè, vừa mạnh mẽ. Rồi một chốc một chiếc xe máy chạy vụt đi, theo sau một chiếc khác, phía sau yên một người con gái cúi mặt, tay bấu chặt vào vai người đàn ông. Hai chiếc xe chạy vụt mất, một người đàn bà đứng tuổi thất thểu dắt đứa bé đi sang phía bên kia đường, nơi có quán bánh bèo xì xụp người ăn. Chú Sùng nghiến răng rửa thầm: "Đồ khốn nạn! Mai phải bắt cổ nó!"
Ở góc đường chỗ tôi ở có mấy con người rất lạ. Đó là một gã bán bánh tiêu má phúng phính, nhìn qua cũng biết gã rất khoái trẻ con. Bằng chứng mỗi khi trẻ con tới, kể cả tôi thằng nhóc chẳng bao giờ có tiền mua dù chỉ một chiếc bánh nhỏ nhất trên mâm của gã. Thế mà gã vẫn khuỳnh chân xuống như con bò hiền từ, hai tay vẫy vẫy, miệng lúng phúng: "Pánh! Pánh! Pánh nghe nhỏ! Pánh nghe nhỏ." Hoặc có lúc gã lắc lư, chao đảo như con gấu xiếc, vuốt đầu lũ trẻ con của mình. Nhưng gã chỉ trở lại góc phố này lúc buổi chiều. Có hôm trời mưa, gã đứng núp dưới hiên gỗ, co ro, môi tái ngắt, mắt lơ lạc tìm trẻ con.
Người thứ hai là một ông già cũng người Tàu, người cao ngỏng đét dơ xương như một con gà đá già. Lão tên gì tôi không biết, chỉ biết lão có cách rao hàng rất buồn cười: "Ế! Ế! Càng ế càng ngon...."... Và khi nào mệt quá gã chỉ róng cổ: "Ế! Ế!"... Còn khi nào bán được nhiều bánh, lão xổ ra một tràng tiếng Hoa theo lời rao rất vui vẻ. Tôi không hiểu sao cuộc sống của lão chỉ có thể róng riết trên chiếc rổ con đựng mấy chiếc bánh bột mềm nhẽo. Có lúc tôi cứ bùi ngùi vì tôi chưa được nếm món bánh của hai người đàn ông ấy, khi tôi có tiền thì phố không còn bóng dáng họ.
Người tôi ít chú ý nhất, nhưng lúc nào cũng có mặt ở trước nhà tôi. Cứ sáng sớm lúc cơ quan mở cửa là từ trên xích lô nhảy xuống ba người, một người đàn bà đứng tuổi, một thằng bé nhỏ tí và một thiếu nữ rất đẹp và ngây thơ. Mãi đến bây giờ nhớ lại tôi vẫn thấy người thiếu nữ ấy ngây thơ. Mọi người gọi người con gái ấy là: con Câm! Câm nói không được, chỉ lơ lớ cùng khuôn mặt đỏ bừng tấm tức. Đó là gia đình họ. Người đàn bà đứng tuổi là mẹ, thằng nhỏ là em của Câm. Họ cứ ngồi dưới hè ăn hết thứ nọ đến thứ kia. Câm đi lăng xăng, rong rả rồi lại trở về góc đường đứng dựa vào gốc xà cừ.
Khi ngồi tụm lại học lừ đừ như lũ gà trưa. Thế mà lúc xế chiều, người mẹ lanh lỏn, thì chạy vùn vụt từ phố nọ sang phố kia. Để một lúc sau Câm nhảy lên xích lô, tay cầm chiếc nón lá trắng tinh che mặt, mấy ngón tay hồng như búp măng. Còn người mẹ với thằng nhỏ cũng tất tả đi vào chợ. Ban đầu tôi không biết trò đó là trò gì của mẹ con nhà Câm. Nhưng chiều nào cũng thế. Ngày nào cũng thế. Sau mỗi buổi chiều Câm trở về, mặt phờ phạc. Mẹ đưa cho Câm mấy quả vú sữa to. Câm ngồi ăn, bên cạnh chiếc nón thỉnh thoảng bị gió lúc thổi cứ muốn văng ra lề đường.
Tôi đem chuyện Câm hỏi chú Sùng. Chú lẩm bẩm: "Nó là con đĩ đấy mà!" Nghe chú nghiến răng thế tôi thấy rùng mình ghê rợn. Chiều đó tôi không dám xuống đường, mặc dù tiếng trống rinh rinh của gã bán bánh cứ ùa tới.
Hôm đó cơ quan vắng ngắt, tôi bỏ đi chơi ra biển nhặt những vỏ sò dưới mép cát chơi. Biển vắng hoe chỉ có gió và màu xanh của biển.
Tôi chơi gần tối mới về. Chạy sang phòng chú Sùng, cửa đóng kín, khô khan. Như vậy là chú lại bỏ đi chơi rồi. Nghĩ vậy tôi lại bỏ đi ra phố. Hôm nay dưới gốc xà cừ không có bóng Câm đứng dựa. Chỉ có mấy con mèo con người ta bỏ kêu nghêu ngao rất sợ.
Tôi lần mò tới rạp mong ngóng xem lão gác rạp có hớ hênh để tọt vào xem phim. Nhưng lúc tôi tới rạp đã căng màn đen thẫm, lão gác cửa vò thuốc rẻ hút lạnh lùng như ngồi trước bờ sông ngắm bèo trôi. Tuyệt vọng lang thang dọc con phố, tôi thấy cô Thy ban ngày đến cơ quan mặc quần đen, áo bà ba thế mà giờ này cô mặc quần loe gin áo pul bó sát người cao lộng lẫy. Cô đi chơi với bạn, người bạn trai cô đi xe cuốc chở cô đằng trước rất âu yếm. Tôi lặng lẽ nuốt nước miếng tự hỏi: Thế mà bây giờ mới biết nhỉ? Tôi rất buồn vì những buổi làm việc ở cơ quan chú Sùng. Những bác già cứ hút thuốc rê bỏ đầy ống bơ đen ngòm viết chi chít chữ trên giấy, rồi lại thở dài ngóng xem xe rau mậu dịch. Còn ở trên lầu chú Diên, một chú rất trẻ đang hăm hở giảng giải cho mấy chục người ở xa tới cách thức thu thuế sát sinh hôm trước chú Sùng giảng bài cách bán hàng. Có khi chú đem cả chiếc can mắm tới minh họa bài bằng ngón tay thò vào rồi mút rất sinh động. Mỗi lần như vậy những người nghe giảng rất thích, khi ra về ai cũng xốc áo, sửa dép rất mạnh mẽ.
Tôi đang đứng tần ngần nhìn cô Thy đi mất hút thì thấy chú Tân tới, chú không thấy tôi, nhưng vẫn hăm hở xông vào nhà cô Thy, nhà cô Thy là một tiệm may nổi tiếng nhưng giờ này chỉ treo ba cái áo dài. Tôi chẳng biết chú Tân làm gì lúc này mà vào nhà cô Thy. Mẹ cô Thy rụt rè ra tiếp thỉnh thoảng đuổi con chó con chạy ra nhìn chú Tân sủa ăng ẳng như nghẹn cơm.
Chú Tân mới tới cơ quan có mấy ngày nhưng hay ngồi nói chuyện với cô Thy, chú nói rất nhiều chuyện. Tôi ít để ý vì ít thích cách nói của chú Tân hay cười nhàn nhạt và nhìn săm soi vào mặt cô Thy. Chú nói tới hai ba ngày đầu mãi đến ngày thứ tư một người đàn bà cao lớn mặt đầy mụn đen đi xe đạp nam đạp tới, sau yên một bó rau to. Chú Tân nói đó là vợ. Đầy mệt mỏi nhưng đầy vẻ khiếp sợ khi người đàn bà ấy nhìn. Sau này chính người đàn bà đó tát vào mặt chú Tân vì tội không chịu về nhà để đi xếp hàng mua cá. Trong khi ngoài đường nhiều người xách từng con cá ngừ chảy xệ dòng nước đen ngái. Khi bị tát chú Tân vẫn cười, chú nói vợ chú hay đùa kiểu đó. Rất may lúc đó cô Thy đã lên lầu đánh máy. Chú nói vậy nhưng sau đó khi gần trưa lúc ngồi la cà với cô Thy chú cứ thỉnh thoảng liếc đồng hồ như sợ nó chết. Có hôm nó chết chú hớt hải chạy đi so giây rất tội. Bây giờ chú đã đến nhà cô Thy chơi. Tôi thương cho chú bởi bộ quần áo xám gió của chú trông bẩn thỉu trong một ngôi nhà sang trọng bởi những chiếc áo dài trắng tinh trong tủ kính.
Gần khuya tôi mới thấy chú Sùng về, chú không vui không buồn, chỉ hơi bồn chồn như con mèo đứng trên nóc nhà. Chú cởi quần áo ném vào chậu rồi đi tắm ào ào.
Sáng hôm sau chú Sùng nhận được thư vợ ở ngoài Bắc. Chú xé thư đọc mặt căng ra rồi vò ném vào sọt rác: "Chẳng có cái gì mới, toàn chuyện lợn gà." Bác Lân ngồi bên cạnh nhe răng vàng chóe nói sang đầy quan tâm: "Mày đã gửi cho nó gạo chưa?" Chú Sùng lẳng lặng đi lên lầu.
Ở ngoài đường mẹ con nhà Câm vẫn ngồi lủi thủi ăn bánh hỏi. Ăn xong Câm úp nón dựa vào tường ngủ. Mẹ Câm mắt hau háu như tìm cái gì trên đường, thỉnh thoảng lại định chồm tới muốn đi đâu nhưng lại thôi.
Tối hôm đó chú Sùng cũng mất hút lạnh lùng bỏ tôi đi đâu lạnh tanh vô mặc. Tôi chẳng biết chú về lúc nào bởi tôi ngủ từ sớm. Sáng hôm sau lúc đi ăn sáng chẳng may chú Sùng bị ngã xe phải vào cấp cứu. Cơ quan chỉ mỗi chú Tân với tôi. Chú Tân ngồi hút thuốc chờ các bác tới để bàn bạc. Tôi chẳng chở theo các bác bởi bệnh viện ở ngay sát sân vận động nên tôi rất rành. Tôi vào đã thấy có một người đang lau mặt cho chú. Tôi ngạc nhiên đó là Câm, chỉ mỗi mình Câm. Câm chùi mặt vắt cam cho chú khéo đến nỗi cô y tá mặt nặng như chì. Thấy tôi vào Câm hơi gật rồi đi ra. Còn chú Sùng, chân đau nhưng chú vẫn nói: "Mày đừng nói có con Câm vào đây nhé!" Tôi gật đầu: "Tí nữa các bác sẽ vào thăm chú!" Chú Sùng bồn chồn ái ngại điều tôi nói. Nhưng mãi đến gần trưa mới thấy các bác tới. Chú Tân nói lâu vì chờ xin phiếu đặc biệt mua hộp sữa.
Tuy tôi không nói gì nhưng sau khi chú Sùng khỏi bệnh, chú phải dự cuộc họp mà sau buổi họp mặt ai cũng đỏ gay, riêng mặt chú Sùng thì tái. Bên ngoài Câm vẫn úp nón ngồi ngủ hờ rất tự nhiên.
Nha Trang hè 95
Tranh minh họa. Nguồn wikiart.org |
----------
Bài viết cùng chuyên mục: