Nắng chiếu qua ô cửa sổ như ánh đèn spotlight rọi thẳng vào sân khấu. Ánh sáng tập trung trên cuốn sách còn đang đọc dở làm nhòa dần đi hình ảnh những đồ vật khác trong phòng. Bố tôi ngồi trên ghế thân quen màu nâu sầm yêu thích của mình, mặt ông hướng về bức tranh vẽ mẹ đang nhoẻn miệng cười, một nụ cười say đắm như dành cho riêng bố...
“Bố ơi...”
Bố vẫn ngồi đó, dưới cái nắng mềm da của chiều thu, tôi gõ cửa lại thêm một lần nữa nhưng bố vẫn chưa hồi đáp lại. Tôi mở cửa căn phòng, đứng mấp mé ở phía cửa gọi bố xuống dùng bữa xế chiều, tôi bỗng cảm thấy ái ngại, ngượng ngùng với tiếng nói của mình trước một thế giới giống như đang chìm sâu vào giấc ngủ êm dịu. Con mèo cuộn tròn trên chiếc áo len cũ của bố, những kệ sách dường như ẩn đôi mắt sau đám bụi mịn do lâu ngày chưa quét dọn, cái giường, cái thảm, mấy chai rượu vang dường như cũng đang gật gù tận hưởng không gian tĩnh lặng của những ngày vào thu.
“Bố ơi, con làm xong bánh rán rồi”. Tôi khẽ gọi.
Bố vẫn không trả lời và cũng không cử động ra hiệu gì cho tôi. Gương mặt bố vẫn hướng về bức tranh vẽ mẹ đang nhoẻn miệng cười. Tôi rón rén bước tới lay tay bố, nhưng bố vẫn không trả lời. Tôi thoáng nhìn vào đồng hồ, bây giờ mới có bốn giờ chiều, còn một tiếng “nhà hát kịch” của riêng bố mới đến giờ đóng cửa.
Bố theo nghiệp diễn xuất từ khi còn khá trẻ. Giờ tuy đã hưu trí rồi nhưng ông vẫn thích giấu gương mặt nhăn nheo sau lớp trang điểm dày cộp, bố quan niệm đã là nghệ thuật không được phép thừa hoặc thiếu, chỉ có đủ thôi, khi trình diễn phải đẹp nhất, không được xuề xòa, luộm thuộm, kể cả có diễn vai một người ăn xin thì cũng phải là một người ăn xin chỉn chu, và đặc biệt không được để thừa một cọng chỉ trên phục trang. Bố luôn luôn kỹ tính và nghiêm khắc với chính bản thân mình. Và trong buổi chiều tĩnh lặng này tôi đồ rằng bố đang nhập tâm một vai diễn nào đó trong phòng riêng của ông.
Tôi ngồi xuống và kê đầu mình lên chân bố. Tôi cảm nhận hơi ấm từ người bố tỏa ra, nếu như tôi ở đây thêm năm mười phút nữa thôi thì tôi sẽ hòa tan vào thế giới tĩnh lặng này, một cách từ tốn và thật tự nhiên. Căn phòng yên tĩnh đến lạ, mọi thứ như ngưng đọng trong ánh nắng chiều. Tôi tự hỏi, bố đang mơ tưởng về điều gì? Liệu bố tôi đang trong vai thuyền trưởng giương buồm đón gió ra khơi tìm kho báu dưới đáy biển hay bố đang chỉnh lại đèn pin soi đường dẫn vào hang tối tìm những cổ vật từ quá khứ xa xưa... Bố vẫn cứ im lặng, thời gian lặng lẽ trôi, tôi thì miên man trong dòng suy tư dò đoán về vai diễn bố đang rất nhập tâm.
Trời chuyển tối, mọi thứ trong căn phòng này dường như hòa lẫn với nhau, chúng không còn có những đường biên về màu sắc, về hình dạng khiến cho mắt tôi không thể gọi tên được chúng trong bóng tối. Đột nhiên tôi thấy tay bố chạm vào tóc, bố khẽ vuốt mái tóc tôi như cái cách bố thường vuốt lông cho con mèo xinh xắn của ông.
“Ta đi cùng làm bữa tối thôi nào con.”
Tôi khẽ giật mình và dụi mắt tỉnh sau một giấc ngủ thiếp đi.
“Hôm nay, bố...”
“Nay bố diễn vai một cái ghế.”
“Cái ghế...” Tôi nhắc lại với giọng nói đầy sự ngạc nhiên của mình và mở to mắt trong bóng tối.
“Bố muốn hòa mình vào cái ghế để xem nó có đời sống như thế nào ”. Bố tôi nói thêm: “Thực ra việc diễn vai cái ghế cũng không quá nhàm chán như bố tưởng tượng. Bố nghĩ mình đã có một luồng suy nghĩ giống như cái ghế này, nó khác với luồng suy nghĩ mà con người luôn nhìn nhận về thế giới xung quanh, dễ hiểu hơn thì là luồng suy nghĩ của cái ghế khi suốt tháng, suốt năm được đặt ở trong căn phòng này chẳng hạn.”
Trong bóng tối ấy, tôi không nhìn rõ được mặt bố, nhưng tôi lờ mờ đoán được là bố đang cười, một gương mặt khác xa so với gương mặt vô hồn lúc nãy, nụ cười đang kéo giãn làn da nhăn nheo của bố. Và chỉ có Chúa mới biết, ngày mai, hay ngày kế tiếp bố sẽ diễn vai nào hay là sẽ tiếp tục làm đóng vai một cái ghế nhưng là một cái ghế sofa ngoài phòng khách hay chiếc ghế gỗ sung ở bàn ăn...
Bố tôi là một diễn viên kịch đã về hưu, nhưng với niềm đam mê say sưa diễn của ông thì tôi đoán chẳng có giới hạn nào khiến cho ông có thể nghỉ ngơi trừ khi cái chết đến và kéo thân xác của ông đi. Bố vẫn luôn sắm cho mình những vai diễn kỳ thú mà ngay cả chính bản thân ông cũng chưa từng làm thử trước đây.
Chiều hôm ấy nắng tắt sớm, chỉ còn chút ánh sáng yếu ớt tỏa rạng trong căn phòng. Tôi vén bức màn nhung chậm rãi tiến vào căn phòng của bố. Tôi thường đem thức ăn lên tận phòng cho bố vào buổi sáng, bố tôi bảo buổi sáng căn phòng chính là cánh gà, nơi các nghệ sĩ chuẩn bị trước khi lên sân khấu nên tôi có thể mang đồ ăn sáng lên, khi qua chín giờ sáng thì căn phòng bố trở thành sân khấu thì tôi không được phép vào. Căn phòng của bố tôi chỉ rộng hơn hai mươi mét vuông, thế nhưng lại vận hành theo kiểu một nhà hát có sức chứa trăm người. Nhưng buổi chiều đó không hiểu sao tôi cứ thấy nóng ruột, chốc chốc lại lên ngó nghiêng phòng bố. Nhìn bố cũng thật khác lạ, ông mặc áo tứ thân, vải hơi mỏng và đã bạc màu, ngoài ra ông còn mang tóc giả và cài trâm bạc. Tôi tò mò hỏi:
“Hôm nay bố sắm vai nào thế, mà tại sao hôm nay bố lại đánh màu son nâu giống của mẹ vậy?”
Bố tôi nhìn tôi, một nụ cười mỉm trên gương mặt hơi tái nhợt.
“Con cứ chờ đó, bố sẽ đóng một vai khá bi thương.”
Tôi mỉm cười, đặt bát phở bò lên bàn làm việc cũ của bố và không quên chúc người diễn viên có một vai diễn thành công rồi lặng lẽ rời khỏi “sân khấu” đang được sắp đặt theo những gì bố mong muốn.
Tôi xuống dưới nhà lấy ba chiếc bát tô, ba đôi đũa, ba chiếc thìa đặt lên bàn ăn, để âu nước dùng ở giữa mâm, một bát con đựng hai ba quả chanh đã cắt đầu, một hũ giấm tỏi nhỏ, một rổ rau thơm nhỏ đã cắt lát. Mở vung âu nước dùng lên, vị phở òa ra khắp cả gian bếp, khói nghi ngút tạo nên cảm giác ấm cúng cho cả căn phòng chỉ có duy nhất một người ăn. Tôi vẫn ngồi ăn một mình như vậy từ khi mẹ qua đời. Căn nhà dường như to ra, rộng rãi hơn và kéo theo đó là nỗi cô đơn bao trùm. Tôi vẫn ngồi ăn một mình cạnh hai chiếc bát trống không chẳng có bàn tay nào đụng tới. Đang ăn phở đột nhiên tôi thấy giọng bố đột nhiên cao vút lên.
“Thiếp vốn nhà nghèo, được vào cửa tía. Sum họp chưa thỏa mãn chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết...”
Tôi dỏng tai dõi theo, nghe quen quen. Ngẫm ngợi một lát tôi cũng nhớ được ra, đó là lời nàng Vũ Nương trong Người thiếu phụ Nam Xương của Nguyễn Dữ. Thì ra hôm nay bố vào vai Vũ Nương, một thiếu phụ xinh đẹp nết na đã tìm đến cái chết chỉ vì người chồng hiểu nhầm mình.
Tôi dọn dẹp căn nhà rồi ra ngoài vườn cắt tỉa lại vài bụi hoa bạch trà. Còn bố tôi đang đứng bên cạnh cửa sổ, tay chạm nhẹ lên bức chân dung của mẹ mà cất giọng nói trầm bổng đầy nhiệt trào trong cơ thể. Bố tôi hát về tình yêu của Vũ Nương dành cho Trương Sinh, tiếng ca tựa như phát ra từ một người đau khổ đang run rẩy nghĩ về những câu chuyện đã hết rồi. Tôi thấy bố như đang tự tình với chân dung của mẹ. Bố đã tạo ra cho mình một lối sống kỳ lạ khi vắng mẹ. Ông giống một kẻ độc tài ngồi trên chiếc ngai bằng gỗ trong một căn phòng được xây bằng nỗi nhớ, bố không cho tôi xâm phạm vào dù hiện giời tôi là người thân duy nhất của ông.
“Thiếp chẳng thể lại về nhân gian được nữa.”
Kết thúc câu nói ấy là một tiếng thét lạnh người, tôi ngoái lại nhìn về phía sân khấu. Bố tôi gục bên thành cửa sổ, gương mặt nhăn lại, một cánh tay ghì chặt vào tim. Dần dần bức ảnh của mẹ tuột khỏi cánh tay của bố, đó cũng là lúc đôi mắt bố dần khép lại. Nỗi nhớ đã ứ đọng lại, dồn tụ dày xéo trái tim bố, những mao mạch máu vì thế mà mất kết nối với động mạch chủ, cơn co thắt liên hồi của nhịp tim. Một cái chết quá đột ngột. Tôi rơi vào cơn chóng mặt quay cuồng sau tiếng thét cứa vào tim đó. Căn phòng bố khi đó được phủ một màu đỏ, màu của tấm màn nhung đóng sân khấu lại khi kết thúc một vở diễn. Có lẽ bố đã diễn tròn vai. Vũ Nương đã chết, bố cũng thở hắt hơi cuối cùng, còn tôi thì đang ở rất gần cái chết.
Buổi chiều đã ngả sang tối, những đám mây mờ mờ màu xám xịt đưa căn phòng vào trạng thái “nhà hát kịch” đóng cửa. Tôi ngồi xuống ôm lấy bố, cố truyền cho bố chút hơi ấm lên làn da đang lạnh dần.
“Bố ơi...”
“Bố ơi...”
Toàn bộ không gian là màu đen tối, mọi đồ vật như đồng lõa quỷ mị với nhau, tôi không còn thấy bố nhưng tay tôi vẫn chạm vào người bố. Tôi như đang đứng trước một bờ vực mà bố đã từng tháo chạy trước đó ở thời điểm mẹ ra đi. Ngày ấy, bố nhận diễn cho năm, sáu bộ phim nên cả tháng trời không về nhà. Mẹ tôi vì nhớ bố quá nên đã nhận nhầm hình bóng một người đàn ông lạ trên phố. Bà vội vàng chạy theo người đó và gọi tên bố tôi, một gã lái xe đi trái đường đã tông trúng mẹ khiến bà ra đi mãi mãi. Từ dạo ấy, bố luôn tự trách bản thân nên đã vùi mình vào vai diễn hề kịch, vai người say rượu gào đời bằng những câu bông đùa giễu nhại thóa mạ về sự tàn khốc của cuộc sống hay những vai diễn không thoại, bất động vô cảm, hững hờ và nhạt nhẽo. Hết rồi. Mép đất trên bờ vực mong manh quá, bố không thể vượt qua được cái chết của mẹ cho nên bố đã rớt xuống vực thẳm sâu hút kia để lại mình tôi trong căn phòng u tối.
Có lẽ, con người ta thường sống trong ám ảnh và chết đi cũng chỉ vì những ám ảnh.
Một hệ hình không thể xóa nhòa.
“Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động, làm sao em nhớ những vết chim di...”
Tiếng hát thánh thót của Hà Trần phát ra từ chiếc loa của ngôi nhà nào đó, đã làm mê mẩn tâm hồn tôi. Tiếng hát ấy, mang một ma lực siêu nhiên làm não tôi mất kết nối với hai cánh tay khiến tôi vô thức điều khiển ghi đông rượt đuổi theo âm thanh ấy. Càng tới gần tiếng hát, tôi càng tới gần với cánh cửa ký ức. Nhà hát kịch hiện ra. Tôi sững sờ trước màu sơn mới của nhà hát kịch. Người ta đã sơn lên những mảng rêu cũ kỹ, những phần tường bị tróc sơn bằng một nước sơn màu xanh lam sáng sủa nhưng hoang lạnh như chính tôi vậy. Điều này làm đồng tử mắt tôi giãn nở kích thích cho oxytocin ngập tràn ngay lồng ngực. Tôi bắt đầu cảm thấy được rằng bờ vực đã ở trước mặt, xanh thẳm và sâu hút.
Không gian chợt yên tĩnh kỳ lạ, chuyện gì sẽ tới khi tích tụ đủ đầy những ám ảnh.
Liệu tôi có hụt chân rớt xuống bờ vực đó không?
“Làm sao em nhớ những vết chim di...” Âm thanh ấy lại vang lên, nỗi nhớ về những vai diễn của bố bắt đầu hiện trong tâm trí tôi. Đã quá lâu để tôi tự thả lòng mình mê đắm trong ca nhạc, đầy cảm xúc trong những vở opera Cavalleria Rusticana, hay sướt mướt xin khăn giấy của một ai đó ngồi bên cạnh khi coi vở kịch “Người đàn bà uống rượu”. Giờ đây, tôi hèn nhát không dám xem hết một vở kịch. Tôi sợ hình ảnh tấm màn nhung đỏ khép lại, vai diễn của người nghệ sĩ sẽ kết thúc, rồi bóng tối sẽ bao trùm lên toàn bộ nhà hát kịch. Lúc đó hình ảnh bố trong vai Vũ Nương nằm bất động trên sàn diễn lại hiện ra án ngữ tâm trí tôi...
Tôi ám ảnh về gương mặt lần cuối cùng của bố và mẹ. Màu trắng bệch của phấn, màu nâu thẫm của son luôn hiện hữu gương mặt của bố và sự xộc xệch ngũ quan trên gương mặt của mẹ khi bị tai nạn. Thật tuyệt vọng khi biết chắc chắn rằng nỗi nhớ của tôi không thể làm cho họ sống lại. Tôi chỉ biết rằng nỗi nhớ sẽ làm tôi đau hơn và quý gương mặt của mình hơn, bởi tôi chính là thành quả chưng cất của tình yêu không tuổi của cha mẹ mình.
Tôi lặng lẽ gõ cửa và bước vào căn phòng của bố sau giờ tan làm về. Ánh chiều đỏ úa đang ngồi ở trên bàn gỗ thân thờ ngồi đợi một ai đó xa xăm. Tôi khẽ gọi:
“Bố ơi... Con mua bánh ăn chiều cho bố này.”
Khắp không gian im bặt như đang chìm vào trong giấc ngủ chiều. Chẳng có một tiếng động nào hồi đáp lại. Tôi lặng lẽ bước tới cái bàn mà bố đã ngồi hóa trang, kê đầu lên chiếc ghế mà bố từng ngồi để cảm nhận được chút hơi ấm từ bố còn sót lại. Cơn gió chiều thu xuyên qua khe cửa khẽ vuốt mái tóc tôi. Tôi tự hỏi rằng: “Cái ghế này có còn nhớ người bạn diễn của nó không?”
Song Dương | Báo Văn nghệ
------------
Bài viết cùng chuyên mục: