Diễn đàn lý luận

Vài kỉ niệm về hai nữ nhà văn mặc áo lính

Trình Quang Phú
Chuyện văn chuyện đời
15:00 | 26/12/2024
Baovannghe.vn - "Nhà văn là phải thế, nếu không thâm sâu không khúc chiết thì chỉ là người máy viết văn"
aa

1. Nhà văn Nguyễn Thị Như Trang.

Hoàng Lại Giang là bạn của tôi từ thời học sinh miền Nam, Giang là nhà văn công tác ở Nhà xuất bản Văn học. Tôi hay đến nhà xuất bản và gặp Nguyễn Thị Như Trang ở đây. Ngày ấy, chị là biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội và đang nổi tiếng với tập truyện ngắn Màu tím hoa mua. Chúng tôi gặp nhau, trao đổi đề tài, có khi chỉ là thăm hỏi. Mỗi lần chúng tôi có bài được in ở báo hoặc nhà xuất bản, nhận được nhuận bút chúng tôi hay rủ nhau đi ăn bún ốc, bún riêu cua... Lại Giang thì thích ăn thịt cầy, uống rượu đế nhưng Như Trang thì không khoái món này nên chọn món bánh tôm hồ Tây để uống với bia tươi. Có lần, có cả Lê Minh Khuê, Vũ Thị Hồng. Như Trang nói: Những bữa ăn và gặp nhau luôn là một lời nhắc mình “hãy viết và viết”.

Vài kỉ niệm về hai nữ nhà văn mặc áo lính
Nhà văn Như Trang ( 1939 - 2016)

Một lần, khi chiến tranh phá hoại, giặc Mỹ ném bom miền Bắc tạm lắng, Như Trang rủ tôi đi Nghệ Tĩnh (ngày đó Nghệ An Hà Tĩnh hợp nhất gọi là Nghệ Tĩnh). Hà Nội - Vinh chỉ có non ba trăm cây số nhưng tàu phải chạy cả đêm, mờ sáng mới đến. Tôi chở Như Trang bằng xe đạp về Cửa Hội, rồi vượt phà Bến Thủy qua Tiên Điền quê Nguyễn Du. Đến đoạn Nghi Xuân, Như Trang bảo để Như Trang chở. Tôi hỏi vì sao. Chị bảo: “Tôi chở ông, thì tôi nhìn được bao quát, ngồi ở sau, ông che hết không thấy gì?” Thì ra vậy, Như Trang nói chị muốn vừa đạp xe vừa nhìn núi Hồng sông Lam quê Nguyễn Du. Thật ra, cái ý đó chỉ là cái cớ, Như Trang sợ tôi đạp mãi bị mệt nên Như Trang đỡ một đoạn. Khi đến quê Nguyễn Du tôi hỏi Như Trang có đúng vậy không. Chị cười: “Ông khỉ gió này, cái gì cũng nghĩ ra được.” Trong vườn nhà Nguyễn Du, Như Trang đầu đội mũ tai bèo lững thững đi qua đi lại trầm ngâm. Như Trang nói: “Nguyễn Du là bậc đại tài, thơ ông viết sâu sắc và đầy thực tiễn. Câu nào cũng khúc chiết và thâm sâu.” Như Trang nói như khẳng định: “Nhà văn là phải thế, nếu không thâm sâu không khúc chiết thì chỉ là người máy viết văn.” Tối đó, chúng tôi nghỉ ở nhà khách Tỉnh ủy, nửa đêm còi báo động máy bay đến, hai chúng tôi được tự vệ đưa xuống hầm trú ẩn. Hầm xây kiên cố, có ghế ngồi và có đèn điện. Như Trang bảo: “Đẹp như phòng viết. Ban ngày xuống đây viết chắc tránh được cái nóng gió Lào, mà lại yên tĩnh.” Tôi cười: “Tưởng dễ xuống à. Có báo động người ta mới mở cửa cho xuống chớ bộ.” Sau lần đi đó, tôi viết bài ký Cửa Hội sáng xuân nay, đưa Như Trang đọc. Cầm bản thảo của tôi chị nói: “Ông giỏi quá, tôi chưa có chữ nào.” Sau khi đọc xong chị bảo: “Chất liệu hay quá, sao ông không xây dựng thành một truyện hơn là viết ký, hình ảnh ông cụ đáng viết lắm.” Chẳng là ba tôi ngày ấy là Bí thư Đảng ủy Quốc doanh đánh cá Cửa Hội, vừa lãnh đạo đoàn tàu đánh cá đi tránh bom Mỹ trở về. Những tháng ngày chống chọi bom Mỹ ấy là một trận tuyến đầy máu lửa. Như Trang đã gặp ông và tỏ ra rất quý mến, kính trọng. Sổ tay Như Trang ghi đầy ắp về cụ. Tôi nhìn Trang: “Thì bà viết đi!”

Trong chiến tranh Như Trang xông pha trên đường Trường Sơn, khi chiến sự xảy ra chị có mặt ở biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam. Đi và viết nhiều tác phẩm tạo dấu ấn, được giải.

Miền Nam giải phóng, tôi được điều về Nam, Như Trang buồn. Nắm tay tôi chị nói: “Các ông bỏ tụi này đi hết vậy sao?” Nói vậy, nhưng chị lại động viên: “Đi đi, hai mươi năm rồi, miền Nam đang chờ các ông.” Và chị khẳng định: “Tôi sẽ vô.” Tôi về đến Sài Gòn, Hoàng Lại Giang chưa nhận công tác nhưng cũng vào thăm. Chúng tôi được thư của Như Trang, tôi nhớ trong đó có câu: “Biết rằng các bạn phải đi, đó là trách nhiệm, là nghĩa tình nhưng sau khi Phú đi rồi lòng tôi thấy trống quá, cả Giang nữa, hắn cũng mất tăm, hỏi ra mới biết hắn cũng vào Nam. Có những lúc như thế này mới hiểu tình bạn của chúng ta nó thấm sâu vào cuộc sống như thế nào.”

Cuối năm 2015, tôi và Hoàng Lại Giang, Hữu Nhuận đến thăm Như Trang tại nhà riêng. Nhà văn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã nghỉ hưu và bị tai biến mạch máu não mới hồi phục một phần, còn rất yếu, đi lại rất khó khăn. Gặp chúng tôi Như Trang khóc, chị nói: “Không biết còn gặp nhau được nữa không?” Và dù rất yếu Như Trang cũng cố đứng dậy, lần bước tiễn chúng tôi ra tận đường Phan Đình Phùng. Quả như chị dự đoán, đó là lần cuối cùng chúng tôi gặp Nguyễn Thị Như Trang. Cuối năm năm 2016 Như Trang đã vĩnh viễn ra đi. Tôi ghi lại những dòng này và cũng coi đây là những giọt nắng, giọt sương lung linh của tình bạn, tình đồng đội đầy kỷ niệm xưa.

2. Nhà văn Hồng Duệ

Vài kỉ niệm về hai nữ nhà văn mặc áo lính
Nhà văn Hồng Duệ (1944 - 2015)

Tôi trở lại Quảng Trị khi quân ta giải phóng đến sông Thạch Hãn. Sau chuyến vượt sông Thạch Hãn qua Tích Tường Như Lệ, nơi chiến tuyến với quân ngụy, tôi trở về sư đoàn bộ đóng ở rìa sân bay Ái Tử. Tại đây tôi gặp một nữ quân nhân. Cục Chính trị giới thiệu tôi đó là Hồng Duệ, biên tập viên Nhà xuất bản Quân đội nhân dân - chị cũng mới ra tuyến trở về. Chị là một nữ quân nhân đẹp, có gương mặt phúc hậu, mũi dọc dừa và đôi mắt tròn lai lai, rất Tây và cũng rất tình. Cái đẹp cộng với cái oai phong của người lính làm cho chị thêm nổi bật giữa đội quân Giải phóng. Tôi bắt tay Hồng Duệ, khi biết tôi tên là Hồng Phú, cô cười: “Chào người đồng đội cùng họ” (ý nói có cùng chữ Hồng). Khoảng một tuần sau tôi gặp lại Hồng Duệ trong bữa cơm tại Hội Văn nghệ Quảng Bình. Hôm đó tôi mới có dịp nói chuyện với người đẹp. Đồng Hới là quê, là nơi sinh ra của Hồng Duệ. Chị đã ra đi từ bến sông Nhật Lệ anh hùng này. Duệ nhỏ hơn tôi 4 tuổi, cô vẫn xưng em nhưng tôi chưa lần nào gọi cô là em. Hôm đó nghe nói ở “Cộn” (thị trấn cách thị xã Đồng Hới 6km) gần nơi sơ tán của Hội Văn nghệ có hiệu sách quốc doanh, Hồng Duệ rủ chúng tôi đi xem để tìm sách. Cô nói: “Đi địa phương em thích tha thẩn hiệu sách lắm.” Trần Công Tấn nói với tôi: “Duệ là mọt sách từ nhỏ, cô ấy mê đọc lắm.” Có lẽ sự đam mê đó là một yếu tố đưa cô trở thành nhà văn. Đó cũng là lần tôi gặp Hồng Duệ lâu nhất.

Mãi hơn bốn mươi năm sau, khoảng tháng 7 năm 2014, lúc đó tôi vừa viết xong tập Còn với non sông một chữ tình và Nhà xuất bản Hội Nhà văn chuẩn bị xuất bản. Bộ phận biên tập phía Nam nhờ Hồng Duệ đọc lại lần cuối, nghe vậy tôi rất vui. Một tuần sau đó cô Đỗ Thị Phấn, nguyên Giám đốc Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn mang gởi lại tôi bản thảo và nói chị Hồng Duệ có gợi ý điều chỉnh đôi chỗ. Tôi mở ra thấy có một bức thư ngắn. Bức thư viết:

Kính gửi: Anh Trình Quang Phú

Chưa biết anh nhưng quý chị Phấn nên tôi đã mạo muội chỉnh một vài điều trong bản thảo của anh theo ý và sự suy nghĩ của tôi. Có điều gì làm anh phật lòng thành thật mong anh bỏ lỗi.

Trân trọng.

(Đã ký)

Nguyễn Thị Hồng Duệ

4/7/2014.

Bốn mươi mốt năm trôi qua chúng tôi không gặp nhau và tôi không còn dùng bút danh của nhà báo chiến trường Hồng Phú ngày trước nên Hồng Duệ không nhận ra, tôi xin cô Phấn số điện thoại của chị và gọi điện. Khi tôi nhắc lại chuyện xưa của người “cùng họ” ở chiến trường, Hồng Duệ à lên. Tôi mời chị đến cơ quan tôi, chị vui vẻ nhận lời. Mấy hôm sau chị đến, gặp tôi Hồng Duệ nhận ra ngay. Hồng Duệ thay đổi nhiều, người mập ra, già đi, da hơi bạc như có mầm bệnh mãn tính, nhưng vẫn sắc nét đậm đà của một người đẹp ở tuổi 70. Hồng Duệ rất vui về bản thảo của tôi, Duệ nói:

“Phấn đưa bản thảo nhờ tôi đọc, tôi là người rất khó tính. Bản thảo nào đọc không vô tôi từ chối liền. Bản thảo của anh tôi thích, tôi đọc một mạch trọn cả ngày và gần mất nửa đêm, thú vị lắm.”

Hồng Duệ đề nghị tôi: Anh xem, theo tôi tên sách chỉ nên rút còn lại hai từ “Chữ tình” là đủ. Rồi chị nói: Cái gì rồi cũng hết, chỉ có chữ Tình là còn. Bất ngờ cô đọc lên câu thơ của Tố Hữu “Sống là cho, mà chết cũng là cho”, nhìn tôi như một sự nhắn gởi: “Đời là vậy anh Phú ơi, ta phải sống đẹp và phải viết, phải đọc, đó là niềm vui, lẽ sống của chúng ta.”

Tác phẩm Còn với non sông một chữ tình của tôi được ra đời có sự chăm chút của chị, tôi gọi điện báo tin với Hồng Duệ, hẹn gặp để tặng sách và cảm ơn. Duệ hẹn, nhưng rồi không gặp được, thì ra đó là những ngày Hồng Duệ phải chống đỡ với căn bệnh hiểm nghèo. Không đầy tám tháng sau lần gặp lại (tháng 3 năm 2015) nữ văn sĩ Hồng Duệ ra đi. Hồng Duệ đã vĩnh viễn trở về với sông Nhật Lệ, với quê hương. Nhưng ánh mắt đầy nhiệt huyết và chân tình của chị mãi là tia nắng, là giọt sương đầy tình yêu thương gởi lại đời.

Vài kỉ niệm về hai nữ nhà văn mặc áo lính
Đường Trường Sơn ngày nay. Ảnh Internet
Trắng - Thơ Nguyễn Đức Mậu

Trắng - Thơ Nguyễn Đức Mậu

Baovannghe.vn- Có cụ già đi viếng mộ chồng/ Chồng cụ hy sinh khi còn trai trẻ
Phong cảnh không quyết định sự thành công của bộ phim

Phong cảnh không quyết định sự thành công của bộ phim

Baovannghe.vn - Làm phim dựa vào thiên nhiên để quảng bá du lịch không đơn giản. Nhiều phim nước ngoài lấy bối cảnh Việt Nam nhưng hiệu ứng du lịch không tăng.
Chuyện của Tân

Chuyện của Tân

Baovannghe.vn- Phút đoàn tụ của những người lính đã từng chung chiến hào sau mấy chục năm trời mới gặp lại nhau thật ồn ào và náo nhiệt. Những lời chào, những cái ôm, những cái bắt tay siết chặt, những nụ cười và cả những giọt nước mắt đã rơi, khiến ai cũng cảm thấy rưng rưng hạnh phúc.
Giải thể Nhà xuất bản Đà Nẵng, sáp nhập báo và đài theo hướng tinh gọn

Giải thể Nhà xuất bản Đà Nẵng, sáp nhập báo và đài theo hướng tinh gọn

Ban Chấp hành Đảng bộ Đà Nẵng vừa quyết định sáp nhập các cơ quan báo chí và giải thể Nhà xuất bản Đà Nẵng. Ngày 25/12/2024, tại cuộc họp quan trọng, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đã thông qua phương án sáp nhập Báo Đà Nẵng, Đài Phát thanh – Truyền hình thành phố và Cổng Thông tin điện tử thành phố, dự kiến hoàn tất trong quý I năm 2025. Đồng thời, quyết định giải thể Nhà xuất bản Đà Nẵng do hoạt động không hiệu quả trong thời gian qua.
Những tranh cãi nổi bật trong giới nghệ thuật năm 2024

Những tranh cãi nổi bật trong giới nghệ thuật năm 2024

Năm 2024 đã chứng kiến hàng loạt những tranh cãi nảy lửa và những sự kiện đáng chú ý trong giới nghệ thuật toàn cầu. Dưới đây là các sự kiện được CNN bình chọn là nổi bật nhất trong năm qua. Từ những tác phẩm gây sốc, tranh cãi về AI, đến các hành động phá hoại và biểu tình, năm qua đã mang đến một bức tranh đầy màu sắc về sự giao thoa giữa nghệ thuật, công nghệ và xã hội.