Thượng tướng Song Hào |
Sư đoàn 308 hay Đại đoàn quân Tiên phong là sư đoàn bộ binh chủ lực được thành lập đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, được sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng và Quân đội.
Đồng chí Ngọc Diệp, nguyên diễn viên Đoàn Văn công Sư đoàn 308 nhớ lại ngày trước buổi Sư đoàn 308 lên đường tham gia chiến dịch Điện Biên: Khi ấy trời bắt đầu vào đông, bầu trời xám xịt và gió thổi buốt giá trên những hàng cây. Trên một khu đồi rộng, đại diện các đơn vị toàn Đại đoàn có mặt, đội ngũ chỉnh tề. Các đơn vị xếp đội ngũ theo các khối: bộ binh, trợ chiến, công binh, thông tin. Khối trợ chiến trông oai phong nhất, các loại súng đại liên, súng cối, Bazooca, ĐKZ đặt trước hàng quân, còn bộ binh thì ngồi súng kề vai, các đơn vị thông tin thì tua tủa cần ăng-ten râu của đài 25 oát chọc thẳng lên trời.
Bỗng có tiếng vỗ tay khi hai thủ trưởng Đại đoàn là Song Hào và Vương Thừa Vũ tiến vào. Nhưng dường như không ai tin nổi mắt mình nữa, bởi đi giữa hai thủ trưởng Đại đoàn là Bác, Bác Hồ, Bác Hồ thật rồi. Tiếng vỗ tay giữa ngọn đồi mênh mông mà rền vang như sấm dậy. Bác bước lên giơ cao hai tay, rồi dập xuống dứt khoát. Thế là im phăng phắc. Bác hỏi ở đây có các cháu gái không. Ngọc Diệp và chị nuôi Lan đồng thanh thưa:
- Có ạ.
Bác bảo:
- Các cháu ngồi lên chỗ cao nhất đây.
Ngọc Diệp và Lan được ngồi cách Bác độ vài mét, sung sướng quá. Các chị chăm chắm nhìn Bác, vị lãnh tụ thiêng liêng, thấy Bác mặc bộ quần áo kaki màu vàng nhạt và chiếc áo bông cũng đã cũ, cổ quấn khăn, đầu đội chiếc mũ cát két. Càng nhìn càng thấy Bác giống trên ảnh treo. Bác có quyển sổ nhỏ, Diệp thấy chi chít toàn chữ Nho. Bác nhìn một lượt rồi nói:
- Nào, bây giờ các cô các chú hát đi, hát cho Bác nghe với nào!
Thế là mọi người cùng đồng thanh hát, vang khắp cả quả đồi. Lúc này trời đã tối hẳn. Ngọn đèn măng sông bên Bác càng sáng tỏ, tỏa ra một màu trắng huyền ảo. Bác đứng lên bảo, các cô các chú múa hát xong rồi, bây giờ đến lượt Bác, Bác chúc tất cả khỏe mạnh, chúc quân Tiên phong luôn tiên phong, quyết chiến quyết thắng, giữ vững kỷ luật chiến trường, chấp hành tốt chính sách thương binh liệt sĩ, chính sách tù hàng binh. Khi gặp khó khăn không được nản. Chiến thắng không được chủ quan, khinh địch. Tất cả rõ chưa?
Toàn Đại đoàn hô vang trả lời Bác: "Rõ ạ", rồi hô vang tiếp: "Hồ Chủ tịch muôn năm, Hồ Chủ tịch muôn năm!"
Bác giơ tay bắt nhịp bài hát Kết đoàn, tất cả hát trong niềm hân hoan vui sướng. Bác rời khỏi Chủ tịch Đoàn lúc nào không ai biết, chỉ còn lại ánh đèn măng sông và ánh trăng huyền ảo sáng khắp vùng đồi...
*
Trong giai đoạn 1951-1954, Tư lệnh Sư đoàn 308 là đồng chí Vương Thừa Vũ và Chính ủy Sư đoàn là đồng chí Song Hào. Kể từ khi thành lập, Đại đoàn 308 đã tham gia 13 chiến dịch, tiêu biểu nhất chính là Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nhớ ngày lên đường vào chiến dịch, cả Đại đoàn đã vinh dự được Bác Hồ về thăm và trao nhiệm vụ; trước lúc bước vào chiến dịch, Đại đoàn lại vinh dự cùng 4 đại đoàn khác tham gia chiến dịch (các sư đoàn 308, 316, 312, 351, 320) được thư của Bác Hồ động viên, khích lệ chiến sĩ Điện Biên hết sức tình cảm: "Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang. Các chú vừa được chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật. Nhiều đơn vị đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới. Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất. Chúc các chú thắng to. Bác hôn các chú".
Bước vào chiến dịch, Sư đoàn 308 đã lập nhiều chiến công vẻ vang, xứng đáng với tên gọi quân Tiên phong: Mở đầu là trận tiêu diệt địch ở đồi Độc Lập, rồi bức hàng quân Pháp ở đồi Bản Kéo góp phần đập tan tấm lá chắn phía Bắc. Tiếp đó, với trận chiến đấu quyết liệt trên đồi A1, Đại đoàn tham gia cùng các đơn vị bạn phá vỡ khu phòng ngự phía Đông của tập đoàn cứ điểm địch, vừa đánh vừa phản kích, phụ trách cánh quân phía Tây...
Trưa ngày 7/5, quân ta diệt tiếp các vị trí 507, 508 và 509 ở bên bờ sông Nậm Rốm, địch đối phó yếu ớt. Nắm chắc thời cơ, đúng 15 giờ ngày 7/5/1954, Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh tổng công kích. Từ phía Tây, Đại đoàn 308 đánh thẳng vào sở chỉ huy địch ở Mường Thanh, cùng các đơn vị bạn ở phía Đông tiêu diệt những vị trí cuối cùng của giặc.
Mặc dù địch còn hơn 10.000 quân nhưng tinh thần đã hoàn toàn tan rã nên quân ta đánh đến đâu địch đầu hàng đến đó. Đến 17 giờ 30 phút, quân ta đánh chiếm sở chỉ huy địch, bắt sống tướng De Castries. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Sau 56 ngày đêm chiến đấu anh dũng, Đại đoàn 308 cùng với các đơn vị đã tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954.
*
Một ngày nắng rất đẹp (19/9/1954), Bác Hồ đến thăm khu Đền Tổ Hùng Vương ở Phú Thọ. Tại Đền Giếng trong khu di tích Đền Hùng thuộc núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, Bác gặp gỡ cán bộ chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên phong (Sư đoàn 308) đang trên đường chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô.
Bác xúc động nói với cán bộ chiến sĩ sư đoàn: "Bác cháu ta gặp nhau ở đây rất có ý nghĩa. Ngày xưa các Vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước... Trải qua bao thời đại đấu tranh, ông cha ta mới giữ được Thủ đô, tám, chín năm nay, do quân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế các chú được Trung ương và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự lớn..."
Chính ủy Song Hào đã thay mặt cán bộ chiến sĩ sư đoàn bày tỏ niềm vui sướng xúc động khi sư đoàn trước lúc vào Chiến dịch Điện Biên Phủ được Bác đến thăm, động viên và trao nhiệm vụ, và nay khi đã hoàn thành nhiệm vụ, chuẩn bị bước vào nhiệm vụ mới về tiếp quản Thủ đô, lại được gặp gỡ Bác và nghe thêm những lời huấn thị của Bác.
Câu chuyện trên đây và những tấm ảnh quý này, tôi được nhận từ tay đồng chí Song Tùng, Trưởng Văn phòng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, là cháu ngoại của đồng chí Song Hào, nguyên Chính ủy Đại đoàn 308 những ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ (Sau này, đồng chí Song Hào là Thượng tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, rồi Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng).
Cũng đồng chí Song Tùng cho tôi nhiều tư liệu quý báu về vị Chủ nhiệm chính trị xuất sắc của quân đội: Đồng chí Song Hào tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1936 trong Phong trào Mặt trận bình dân. Năm 1937, ông phụ trách tổ chức Ái hữu thợ thêu, Thanh niên dân chủ tại quê hương. Tháng 4/1939, đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử làm Thư ký Ban Thường trực Liên đoàn Lao động Hà Nội và tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội.
Đồng chí Song Hào những ngày đầu tham gia cách mạng |
Đầu năm 1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam và kết án 7 năm tù, lưu đày qua các nhà tù Nam Định, Hà Nội, Sơn La, Hòa Bình, Chợ Chu. Năm 1943, đồng chí được chỉ định làm Bí thư chi bộ tại nhà tù Chợ Chu. Trong năm 1944, ông cùng nhiều đồng chí khác vượt ngục khỏi nhà tù Chợ Chu về vùng Tuyên Quang, Thái Nguyên hoạt động, được chỉ định làm Chính trị viên Đội tuyên truyền Cứu quốc quân hoạt động ở các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và Thái Nguyên. Trong Cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, bằng tư duy sắc sảo, nhạy bén, đồng chí đã cùng Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Tuyên Quang lãnh đạo nhân dân đứng lên giành chính quyền thắng lợi (Trong hồi ký về cha mình - Thiếu tướng Hà Vi Tùng, do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân mới phát hành của Đại tá Hà Hoài Nam cũng kể rất chi tiết ngày cướp chính quyền ở Tuyên Quang của đơn vị đồng chí Hà Vi Tùng do đồng chí Song Hào lãnh đạo).
Sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Song Hào là Xứ ủy viên Bắc kỳ của Kỳ bộ Việt Minh, phụ trách liên tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và Thái Nguyên... Tháng 12/1947, đồng chí là Chính ủy Liên khu 10, Khu ủy viên, Bí thư Quân khu ủy. Đến năm 1950, đồng chí là Chính ủy khu Tây Bắc, Bí thư Ban cán sự bộ đội tình nguyện vùng Thượng Lào. Trên cương vị mới, đồng chí đã cùng với Bộ Chỉ huy Đại đoàn tập trung xây dựng Đại đoàn và Đảng bộ Đại đoàn vững mạnh. Đặc biệt, trình độ tác chiến và ý thức tổ chức kỷ luật của bộ đội được duy trì chặt chẽ, là cơ sở để Đại đoàn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Bộ Tổng Tư lệnh giao phó.
Có thể nói, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ, nhưng bằng tinh thần của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, đồng chí Song Hào đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Đồng chí đã thể hiện tài thao lược về chính trị và quân sự, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hoàn thành sự nghiệp kháng chiến trường kỳ; đồng thời, để lại dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí. |
Ngày 14/5/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh bổ nhiệm đồng chí Song Hào giữ chức Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Tiếp đó, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960), đồng chí được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đến năm 1961, đồng chí được phân công làm Phó bí thư Quân ủy Trung ương; được Hội đồng Chính phủ quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Khi đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng điều động nhận công tác khác, ngày 3/3/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh bổ nhiệm đồng chí Song Hào giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Với trọng trách người đứng đầu cơ quan chính trị của Quân đội, đồng chí đã rất nhiệt huyết và dồn tất cả tâm sức của mình trong nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, sức mạnh tinh thần và sức chiến đấu vô song, "Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".
Một người bạn thân thiết của tôi, anh Trần Kiến Quốc, con trai tướng Trần Tử Bình từng nhiều năm là học sinh trường Nguyễn Văn Trỗi kể cho chúng tôi hay:
"Khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng điều động nhận công tác khác, ngày 3/3/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 09/SL, bổ nhiệm Trung tướng Song Hào giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Hòa bình cũng chỉ được chừng chục năm. Ngày 5/8/1964, sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, đế quốc Mỹ bắt đầu mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Các cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện... phải sơ tán xa Hà Nội và các thành phố lớn.
Cuối năm 1964, tại Văn phòng Tổng cục Chính trị đã có cuộc họp quan trọng do Chủ nhiệm Song Hào chủ trì cùng các Phó Chủ nhiệm Lê Quang Đạo, Phạm Ngọc Mậu... Sau cuộc họp đã ra quyết định: Để đảm bảo an toàn cho hậu phương Quân đội, khẩn trương tập trung con em các gia đình cán bộ trung cao cấp đang chiến đấu ngoài chiến trường và gia đình có công lên Trường Văn hóa Quân đội ở Hiệp Hòa, Hà Bắc (nay là Bắc Giang) học tập, rèn luyện, chuẩn bị lớp kế cận cho mười, hai mươi năm sau.
Và tháng 3/1965, những học sinh lớp 5, 6, 7 đầu tiên đã được đón lên doanh trại ở Trại Hòe. Đến ngày 15/10/1965, tại An Mỹ, Đại Từ, Bắc Thái (nay là Thái Nguyên), tròn một năm sau ngày chiến sĩ biệt động thành Nguyễn Văn Trỗi hy sinh, đã chính thức thành lập Trường Văn hóa Quân đội mang tên Nguyễn Văn Trỗi. Trong số học sinh của trường có bốn chị em con Trung tướng Song Hào.
Hình ảnh hoạt động cách mạng của Thượng tướng Song Hào |
Nhà trường được sự chỉ đạo trực tiếp từ Tổng cục Chính trị. Còn nhớ, khi đóng quân ở An Mỹ, chúng tôi - những chú học sinh trẻ mặc áo lính - kính trọng khi thấy Chủ nhiệm Tổng cục đầu đội mũ cối căng lưới ngụy trang, quần xắn móng lợn, chân đi dép lốp lên kiểm tra nhà trường. Khi xuống đại đội lớp 9, lớp 10, thấy các cháu học sinh đang tuổi lớn, sắp nhập ngũ, ăn tiêu chuẩn gạo 15kg không đủ no; ông đã quyết định cho tăng tiêu chuẩn lên 21kg gạo một tháng.
Gặp các thầy dạy con mình, ông dặn: Các đồng chí coi con tôi như con em các đồng chí khác, đừng ưu tiên mà phải nghiêm khắc đưa các cháu vào kỷ luật Quân đội.
Chính nhờ có sự quan tâm của Quân đội, Tổng cục Chính trị và Chủ nhiệm Song Hào mà thầy cô nhà trường đã giáo dục để 1.200 học sinh ngày đó, sau 50 năm trưởng thành, có hơn 900 người nhập ngũ, hơn 1.000 kỹ sư, bác sĩ, cử nhân, hàng trăm sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang với 4 Trung tướng, 15 Thiếu tướng, có đồng chí như học sinh Nguyễn Thiện Nhân học khóa 5, sau là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh".
Một Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị lớp sau kế cận đồng chí Song Hào, Thượng tướng Lê Khả Phiêu (Sau là Tổng Bí thư Trung ương Đảng) chia sẻ: "Anh Song Hào được Bác Hồ gọi là Tướng rau muống, bởi anh là người có đủ các đức tính cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, quan tâm đồng chí, đồng đội, sống giản dị, khiêm nhường... Gắn bó với anh suốt cuộc đời cách mạng, tôi thấy, anh Song Hào là người cộng sản kiên trung, mẫu mực, người con ưu tú của quê hương Nam Định, suốt đời vì dân, vì nước. Anh là người có uy tín và đóng góp to lớn đối với cách mạng Việt Nam trên nhiều lĩnh vực; nhà chỉ huy tài năng của Quân đội nhân dân Việt Nam; người đóng góp xuất sắc vào xây dựng Đảng, công tác Đảng, công tác chính trị của lực lượng vũ trang nhân dân, Quân đội nhân dân Việt Nam; người xây dựng Tổng cục Chính trị thật xứng đáng, là cơ quan đảm nhiệm công tác Đảng, công tác chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam".