Chuyên đề

Giáo sư Hoàng Minh Giám - Trí thức yêu nước tiêu biểu, nhà giáo tận tụy, tâm huyết

PGS.TS Phạm Mai Hùng
Tư liệu
11:04 | 17/11/2024
Baovannghe.vn - Giáo sư Hoàng Minh Giám cùng các cộng sự của ông đã bước đầu tạo dựng được nền tảng của một nền văn hóa mới: Văn hóa vì con người - con người vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là chủ thể xứng đáng hưởng thụ những sáng tạo đó; Khơi dậy được sức mạnh tiềm ẩn, phi thường của từng con người, của cả cộng đồng để khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng; Tạo nên mẫu hình con người mới cường tráng về thể lực, có trí tuệ về tâm hồn và không ngừng vươn tới đỉnh cao của văn hóa - chân, thiện, mỹ.
aa

I. Những nhận biết về cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư Hoàng Minh Giám

Giáo sư Hoàng Minh Giám sinh ngày 4/11/1904 tại làng Đông Ngạc (tên là Làng Vẽ), huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Đây là một làng Việt Cổ, có bề dày lịch sử hàng ngàn năm, bảo tồn được nhiều di sản vật thể và phi vật thể ẩn chứa giá trị nhiều mặt. Trong số các di sản ấy, di sản cao quý nhất, nổi danh khắp nơi là di sản hiếu học, trọng tri thức. Làng có hẳn “một bồ” các cụ Tú, cụ Cử, cụ Nghè, Giáo sư, Tiến sĩ cả Hán học lẫn “Tây học” nên mới có danh xưng là làng của trí tuệ, “làng Tiến sĩ”. Họ Hoàng của Giáo sư, là một trong những dòng họ có truyền thống hiếu học, thực học để thành tài, thành danh của Làng Vẽ trong nhiều thế kỷ, nặng lòng với nước, gần dân và thương dân.

GS Hoàng Minh Giám - Trí thức yêu nước tiêu biểu, nhà giáo tận tụy, tâm huyết
Giáo sư Hoàng Minh Giám (1904-1995)

Thân phụ của Giáo sư - cụ Hoàng Tăng Bí (1883-1940), thi đỗ Cử nhân năm 22 tuổi (1906) tại trường thi Hương Nam Định - năm đó có tới 6.121 sĩ tử chính thức dự thi, giám khảo đã chọn lấy 50 người đỗ, cụ là người thứ hai trong số 50 người đó; năm 1910 cụ đỗ Phó bảng. Cử nhân tân khoa Hoàng Tăng Bí được Thống xứ Thành Nam - Nam Định, có tên là Groleau mời ra làm quan với chính quyền thuộc địa. Là một kẻ sĩ, có đầy ý thức tự trọng, cụ thẳng thừng từ chối, trở về Hà Nội (1907), cụ cùng với cụ cử Lương Văn Can, cụ huấn đạo Nguyễn Quyền mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục với mong muốn góp phần nhỏ bé của mình vào việc chấn hưng văn hóa nước nhà, đề cao tinh thần dân tộc, đào tạo người học thành những con người “hữu dụng” cho đất nước, cho dân tộc. Ngoài hoạt động nội khóa, hoạt động ngoại khóa của nhà trường đã thu hút sự chú ý của nhiều lớp người: Buổi diễn thuyết người đông như hội/ Kỳ binh văn khách tới như mưa. Người Pháp sợ trường này sẽ là “cái lò phiến loạn ở Bắc kỳ”. Thế rồi nhân vụ “Hà Thành đầu độc” (12/1907), chúng bắt giam nhiều sáng lập viên, giảng viên của Đông Kinh Nghĩa Thục - cụ Hoàng Tăng Bí nằm trong số đó và bị tòa án đại hình Hà Nội xử tội, kết án 5 năm khổ sai, 15 năm biệt xứ.

Do có nhiều mối quan hệ và quen biết, nhạc phụ của cụ cử Hoàng Tăng Bí, cử nhân Cao Xuân Dục (1842-1923) đương chức Thượng thư Bộ Học (tương đương Bộ trưởng Bộ Giáo dục), kiêm tổng đài Quốc Tử Giám (vương Triều Nguyễn), bảo lãnh, cụ chỉ phải thực hiện án 15 năm biệt xứ và sống ở Huế với gia đình nhạc phụ. Vậy là tuổi thơ của Giáo sư Hoàng Minh Giám gắn liền với cố đô Huế.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình danh gia vọng tộc, hẳn nhiên là Giáo sư Hoàng Minh Giám được chăm sóc chu đáo về chuyện học hành. Từ năm lên 5 đến trên 10 tuổi, Giáo sư chỉ được học chữ Hán - chữ của Thánh hiền tại gia đình, bởi “ông ngoại tôi không cho tôi học tiếng Pháp - vào khoảng năm 1912- 1913, ông ngoại tôi về nghỉ hưu và chỉ sau thời gian đó ông cụ tôi mới cho tôi học chữ quốc ngữ và tiếng Pháp”. Từ năm 1914-1917, học trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba; 1917-1921, học tại trường Quốc học Huế, từ 1921-1923, học tú tài toàn phần tại trường Trung học bảo hộ - Hà Nội. Tròn 20 tuổi tốt nghiệp tú tài; năm 1923-1926 học trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Đây là những trường danh giá nhất ở Bắc kỳ và Trung kỳ thời bấy giờ. Có thể khẳng định, con đường học tập, tích lũy kiến thức và tu nghiệp của Giáo sư về cơ bản là suôn sẻ.

Thời gian học tập tại Trung học Bảo hộ, trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội là thời gian xã hội Việt Nam có những biến động sâu sắc. Nước Pháp tuy là nước thắng trận trong chiến tranh thế giới lần thứ Nhất (1914-1918), song bị kiệt quệ. Để đối phó với những biến động có thể xảy ra ở thuộc địa và hỗ trợ đắc lực cho chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai ở Việt Nam, góp phần khôi phục kinh tế, thực dân Pháp đã thi hành một số cải cách về chính trị, mở rộng nền tảng xã hội của chế độ thuộc địa; tiến hành “cải lương hương chính” ở nông thôn, nới rộng một số quyền lực cho các tầng lớp trên, tạo ra mảnh đất tốt cho chủ nghĩa “Pháp - Việt đề huề”, tạo sự ổn định chính trị, thu hút đầu tư vào Đông Dương. Về kinh tế: thay đổi cơ cấu vốn đầu tư, tập trung cho các lĩnh vực nông nghiệp, thương nghiệp theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, hình thành hệ thống các thành thị kiểu phương Tây dẫn đến sự biến đổi, phân hóa giai cấp, giai tầng xã hội. Về văn hóa - tư tưởng: thập kỷ 20 trong lịch sử nước ta được xem như là thập kỷ giao thoa, đan xen giữa các giá trị văn hóa truyền thống và văn hóa ngoại nhập, giữa nền văn hóa thực dân - nền văn hóa chính thống và nền văn hóa mới, văn hóa tiến bộ cách mạng đang định hình. Chính quyền thực dân từ lâu đã sử dụng văn hóa như một thứ vũ khí để quảng bá cho tư tưởng “Pháp - Việt đề huề”, “Pháp - Nam hợp tác”, cho phép Phạm Quỳnh ra tờ Nam Phong tạp chí (1917) và cho lập Hội Khai trí Tiến Đức (1919) để tập hợp lực lượng trong giới thượng lưu... Đối lập với nền văn hóa thực dân, văn hóa nô dịch đó là nền văn hóa mới, tiến bộ và cách mạng. “Khởi đầu là dòng báo chí tiến bộ với các tờ báo La Cloche Fêlée (Chuông Rè) của Nguyễn An Ninh, L’Annam (Nước Nam) của Phan Văn Trường. Tiếp đó xuất hiện các thư xã (nhà xuất bản) ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội. Sự xuất hiện tác phẩm Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách (1925) đả kích lễ giáo phong kiến, đề cao tự do cá nhân, kịch nói Chén thuốc độc của Vũ Đình Long, Bạn và vợ của Nguyễn Hữu Kim, Hoàng Mộng Điệp của Vi Huyền Đắc, Chàng Ngốc của Nam Xương... đã hướng tới việc phê phán xã hội đương thời bằng cách bóc trần cảnh lầm than, tủi nhục của những người lao động, miêu tả những xung đột bi kịch giữa lễ giáo phong kiến đã lỗi thời và tự do cá nhân tư sản, đồng thời công khai bộc lộ tình cảm yêu nước thương nòi”.

Thời gian nói trên cũng là thời gian Nguyễn Ái Quốc (tức Hồ Chí Minh (1890-1969)) thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, gửi tới Hội nghị Vecxay (Versailles) (Hội nghị của các nước thắng trận trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất) Bản yêu sách 8 điểm của nhân dân Việt Nam.

Tháng 7/1921, Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà cách mạng ở các nước thuộc địa của Pháp thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa và xuất bản tờ báo Le Paria (Người cùng khổ), số báo đầu tiên ra ngày 1/4/1922. Cũng trong năm 1922, Người viết vở kịch Con Rồng Tre, tiếp đó xuất bản tập sách Bản án chế độ thực dân Pháp. “Mặc dù bọn mật thám ráo riết rò la, truy lùng, ngăn cấm, những tác phẩm, bài báo gọi là phi pháp vẫn do những bàn tay bí mật phân phát và chúng tôi vẫn đọc, đọc say sưa...” Đó là thời gian ngoài phong trào dân tộc bột khởi rầm rộ còn có phong trào yêu nước đòi tự do dân chủ của giai cấp tiểu tư sản, khởi đầu từ cuối năm 1923 và đạt tới cao điểm vào những năm 1925-1926 đòi ân xá Phan Bội Châu và tang lễ Phan Châu Trinh. Được tin Phan Bội Châu - yếu nhân của phong trào Đông Du (1905) bị bắt và đang ngồi tù ở Hà Nội, Hội Phục Việt đứng đầu là Tôn Quang Phiệt rải truyền đơn kêu gọi nhân dân đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu. Khi thực dân Pháp đưa cụ Phan Bội Châu ra tòa Đại hình ở Hà Nội xét xử và kết tội tử hình, làn sóng phản đối bùng lên mạnh mẽ trên phạm vi cả nước. Trước sức mạnh đấu tranh của quần chúng, thực dân Pháp đã từng bước nhượng bộ, giảm án tử hình xuống khổ sai chung thân và ngày 25/12/1925, Toàn quyền Varen (Alexandre Varenne) phải ký lệnh “ân xá” Phan Bội Châu. Về tang lễ cụ Phan Châu Trinh (1872-1926) một tri thức yêu nước nhiệt thành, nhà dân chủ lớn và tiêu biểu của nước ta đầu thế kỷ XX, cụ tạ thế ngày 24/3/1926. Khi được tin cụ qua đời, nhân dân cả nước bày tỏ tình cảm thương tiếc cụ bằng việc tổ chức tang lễ, qua đó, biểu dương sức mạnh đoàn kết của dân tộc. Tại Sài Gòn, đám tang Phan Châu Trinh được tổ chức trọng thể theo nghi thức quốc gia; ở Huế, Hà Nội lễ truy điệu cũng được tổ chức trọng thể. Có thể nói, ở đâu có trường học, ở đó có phong trào truy điệu để tang Phan Châu Trinh.

Sự xuất hiện tác phẩm Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách (1925) đả kích lễ giáo phong kiến, đề cao tự do cá nhân, kịch nói Chén thuốc độc của Vũ Đình Long, Bạn và vợ của Nguyễn Hữu Kim, Hoàng Mộng Điệp của Vi Huyền Đắc, Chàng Ngốc của Nam Xương... đã hướng tới việc phê phán xã hội đương thời bằng cách bóc trần cảnh lầm than, tủi nhục của những người lao động, miêu tả những xung đột bi kịch giữa lễ giáo phong kiến đã lỗi thời và tự do cá nhân tư sản, đồng thời công khai bộc lộ tình cảm yêu nước thương nòi.

Không khí nóng bỏng nói trên, chắc chắn có tác động tới sinh viên Hoàng Minh Giám. Ông viết: “Trong thời gian tôi học ở trường Cao đẳng Sư phạm, sinh viên và học sinh ở các trường khắp ba miền Bắc, Trung, Nam đều tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Châu Chinh và những hoạt động yêu nước khác. Cuộc đời sinh viên đã giúp cho tôi trưởng thành, hun đúc thêm lòng yêu đất nước, căm ghét bọn thực dân cướp nước”. Giáo sư viết tiếp: “Anh em chúng tôi là những người hoặc đang đi học tại các trường học của Pháp, hoăc đã là công chức trong bộ máy cai trị của chúng (ngành hành chính, ngành giáo dục, ngành chuyên môn khác...). Một số đặc điểm là chúng tôi đều ít nhiều có tinh thần yêu nước, nói nôm na là ghét Tây và khinh bỉ những người nịnh Tây là bọn thực dân Pháp chứ không phải là những người Pháp tiến bộ, nói chung là nhân dân Pháp, bạn của nhân dân ta”. Trên thực tế, Giáo sư Hoàng Minh Giám đã tự giác và trực tiếp tham gia các hoạt động yêu nước sôi nổi rộng khắp của các học sinh, sinh viên những năm 1925-1926.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, Giáo sư Hoàng Minh Giám được “cử” đi dạy ở Trường Trung học Sisowath (Phnôm Pênh, Campuchia), mở đầu sự nghiệp trồng người ở bậc trung học của Giáo sư và sự nghiệp này kéo dài mười chín năm (tới năm 1945). Trong khoảng thời gian ấy, Giáo sư không bao giờ quên, ấy là khi bị trục xuất khỏi Trường Sisowath sau hai năm đứng trên bục giảng. Trở về Sài Gòn năm 1928, Giáo sư vẫn trung thành với nghề làm thầy và dạy ở các trường tư thục Huỳnh Khương Ninh, Huỳnh Công Phát, An Nam học đường (1928-1931). Thêm một lần nữa thầy bị cấm dạy ở Sài Gòn bởi bị phê là dạy sai giáo trình, hơn thế còn cộng tác và viết bài cho các tờ báo bằng tiếng Pháp có xu hướng tiến bộ ở Sài Gòn, gặp gỡ, mạn đàm với chủ bút của các tờ báo ấy - đó là tờ La Cloche Fêlée (Chuông Rè) của cử nhân Nguyễn An Ninh, L’Annam (Nước Nam) của tiến sĩ Luật học Phan Văn Trường, công khai truyền bá tư tưởng dân chủ tư sản, công khai đăng tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (do C.Mác và F. Ănghen soạn thảo), truyền bá tư tưởng mác-xít, bóc trần chủ nghĩa cải lương phản bội lợi ích dân tộc; là tờ Le Nhaque (Người Nhà quê) của Nguyễn Khánh Toàn, bạn học cùng Khóa III Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội - người thay mặt sinh viên Đông Dương đọc bài diễn văn “nảy lửa” tố cáo chính quyền thuộc địa thực hiện chính sách tàn bạo, ngu dân và hứa hẹn “cải cách mị chúng”, lúc Alexandre Varenne được bổ nhiệm làm Toàn quyền Đông Dương năm 1926, trực tiếp đả kích chế độ thực dân phong kiến.

Năm 1932, thầy giáo trẻ Hoàng Minh Giám về Hà Nội, được sự giúp đỡ, động viên của những bạn hữu như Phan Thanh, Đặng Thai Mai... thầy quên ngay chuyện buồn ở Phnôm Pênh, Sài Gòn, tiếp tục đứng trên bục giảng tư thục Gia Long, sát cánh cùng các thầy Phan Thanh, Ngô Duy Cẩn, Tôn Thất Bình, Đặng Thai Mai... Ba năm sau (1934), thầy cùng nhóm thanh niên trí thức Phan Thanh, Đặng Thai Mai, Phạm Hữu Ninh, Nguyễn Cao Luyện, Đặng Vũ Xích, Nguyễn Dương... thành lập Hội Mở mang nền tư thục, chọn Trường Thăng Long làm căn cứ địa. Thầy nghĩ: “Trường Thăng Long phải xứng đáng là nghĩa thục theo gương Đông Kinh nghĩa thục” [việc làm này là nghĩa cử, kế tục tư tưởng yêu nước của thân phụ thầy - Cử nhân, Phó bảng Hoàng Tăng Bí, một trong ba người sáng lập Đông Kinh nghĩa thục (1907), quả thật “Hổ phụ” đã sinh “Hổ tử” - PMH]; bàn với Phạm Hữu Ninh, hiệu trưởng Trường Tư thục Thăng Long cũ, ở phố Hàng Cót lúc đó chỉ đến cấp Thành Chung (Lycée Complementaire - Trung học cơ sở) nâng lên cấp tú tài (Lycée Secondaire - Trung học phổ thông) và thầy Hoàng Minh Giám thay thầy Phạm Hữu Ninh làm hiệu trưởng, kiêm nhiệm dạy môn văn học Pháp.

GS Hoàng Minh Giám - Trí thức yêu nước tiêu biểu, nhà giáo tận tụy, tâm huyết
Trường Tư thục Thăng Long - nơi Giáo sư Hoàng Minh Giám giảng dạy và làm hiệu trưởng thời kỳ 1935-1945

Trường Tư thục Thăng Long đã thu hút được nhiều trí thức trẻ tài năng, có tâm huyết, có uy tín, giàu lòng yêu nước tạo nên danh sách cơ hữu các thầy, cô lừng danh: Phan Thanh, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Bá Phúc, Phan Anh, Phan Mỹ, Hoàng Như Tiếp, Nguyễn Cao Luyện, Khuất Duy Các, Trương Đình Sửu, Vũ Bội Liêu, Phạm Hữu Ninh, Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Xiển, Nguyễn Lân, Xuân Diệu, Vũ Đình Hòe, Phạm Huy Thông, Lâm Đăng Dụ, Lang Trung Đính, Nguyễn Văn Hội, Vũ Như Trình, Nguyễn Văn Độ, cụ phó bảng Bùi Kỷ, Nguyễn Duy Đính, Lê Thị Xuyến, v.v...

Với đội ngũ thầy, cô nổi tiếng như vậy, nên khóa học đầu tiên khai giảng (1935), số học sinh tựu trường đông đến mức không ngờ: 2.000 học sinh. Trong số này, có cả những học sinh từ các tỉnh về theo học. Trường Tư thục Thăng Long nhanh chóng trở thành trường có uy tín bởi có chất lượng giảng dạy cao về nội dung, có phương pháp giảng dạy giỏi về hình thức nên dẫn đầu các trường về số lượng học sinh tốt nghiệp các khóa, khiến chính quyền thực dân phải kính nể.

Một điểm nhấn đáng quý, đáng trân trọng và nể phục ở ngôi trường này là: Bằng trí tuệ uyên bác, bằng lòng yêu nước thiết tha, bằng sự mẫn cảm về thời cuộc, bằng niềm tin mãnh liệt về tương lai tươi sáng của đất nước, các thầy, các cô truyền thụ cho các thế hệ học trò của mình không chỉ đơn thuần về kiến thức, mà còn hơn thế, qua các môn học lịch sử Việt Nam, văn học Việt Nam, qua các chương trình ngoại khóa còn khéo léo kéo các em ra khỏi vũng bùn hôi hám của chế độ thuộc địa, xa rời lối sống vị kỷ, xa rời những thói hư, tật xấu mà “nhà nước bảo hộ” tạo ra, cổ xúy, ru ngủ tuổi trẻ học đường, lãng quên trách nhiệm công dân của một dân tộc vốn có hàng ngàn năm văn hiến, phải biết khinh tởm chương trình giáo dục nhồi sọ, tôn thờ nước mẹ Đại Pháp, “Pháp - Việt đề huề”... khơi dậy lòng yêu quê hương đất nước, trọng anh hùng, trọng nghĩa khí, trọng sự thật... nghĩa là dạy học trò cách tiếp nhận tri thức để trở thành người hữu dụng cho quốc gia, cho dân tộc...

Được may mắn học tập dưới một mái trường như vậy, được các thầy, cô giảng dạy, chỉ bảo tận tình như vậy nên nhiều học sinh của trường đã tự nguyện dấn thân vào con đường cách mạng theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ, chấp nhận gian khổ hy sinh để trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này như: Lê Quang Đạo, Đào Thiện Thi, Nguyễn Thành Lê, Võ Thuần Nho, Nguyễn Thọ Châu, Hồ Trúc, Trần Quang Huy, Lê Trung Toản, Dương Thông, Nguyễn Văn Khoa, Lê Khắc (Bộ Ngoại thương), Lê Khắc (Ủy ban Khoa học - Kỹ thuật Nhà nước), Trần Văn Phác (người kế tục thầy Giám làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa năm 1987), Võ Trí Đạo, Nguyễn Tiệp, Lê Văn, Hoàng Đức Nghi, Mai Nhân, Hoa Nam, Nguyễn Khoa Diệu Hồng, Nguyễn Thị Sinh, Tạ Thị Thanh, Phạm Thị Thược, Thụy Phương, v.v... Nhớ lại những năm tháng sống, giảng dạy tại Trường Tư thục Thăng Long, Giáo sư Hoàng Minh Giám viết: “Nhìn lại, kể từ khi thành lập, nhà trường đã sống trong một thời kỳ lịch sử sôi động của đất nước: Phong trào Đông Du (1905-1908), Khởi nghĩa Yên Bái (1930), Xô Viết - Nghệ Tĩnh (1930-1931), Mặt trận Bình dân (1936-1937), Mặt trận phản đế (1939), Nam kỳ khởi nghĩa năm 1940, rồi mặt trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương phát triển lực lượng rộng lớn từ năm 1941, trong lúc thế giới bước vào cuộc Đại chiến thế giới lần thứ hai (1939-1945). Năm châu bốn biển rung động, trật tự cũ trên khắp thế giới bị đảo lộn...” Trải qua những năm tháng ấy, nhà trường đã thực sự là một trong những hạt nhân đỏ của Cách mạng. Hạt nhân đó không phải ngẫu nhiên mà có. Nó là trí tuệ và công sức của nhiều thế hệ thầy và trò của nhà trường góp phần tạo nên. Nó đã được sự chỉ dẫn rất bí mật của Đảng, thông qua một số thầy, kể từ các anh Đặng Thai Mai, Phan Thanh, Võ Nguyên Giáp... những hoạt động chính trị, yêu nước, cách mạng như một làn sóng ngầm ngày càng lớn mạnh trong hàng ngũ thầy trò. “Trường Thăng Long đã vận động một đội ngũ giáo viên và học sinh đông đảo tham gia Hội truyền bá quốc ngữ trong đó có nhiều người là cán bộ Việt Minh hoạt động bí mật” mà việc ra đi bí mật của thầy Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng... vào năm 1941 là một ví dụ.

Người viết bài này, với kiến thức còn hạn hẹp, ngu dại nhiều điều, xin mạnh dạn được thưa rằng: Quãng thời gian thầy Hoàng Minh Giám vừa đảm nhận xuất sắc vai trò hiệu trưởng, vừa là thầy dạy môn văn học Pháp cực giỏi, cực hay nổi tiếng Hà thành tại Trường Tư thục Thăng Long (1935-1945), chính là thời gian thầy tự rèn luyện để hoàn thiện nhân cách một con người - cao hơn là nhân cách một thầy giáo - một thầy giáo mẫu mực hội đủ các tố chất nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, dũng, liêm; đã bổ sung, làm giàu thêm tri thức và trở thành một trí thức trẻ có học vấn uyên bác về nhiều lĩnh vực; để bồi trúc, củng cố lòng yêu nước, củng cố niềm tin, hoàn toàn ngả về khuynh hướng xã hội chủ nghĩa cộng sản. Và đó chính là tảng nền, là sinh lực nội tâm vững chắc để khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ra đời ở khu vực Đông Nam Á, theo yêu cầu mở rộng Chính phủ lâm thời, theo yêu cầu phải tìm cho được những người tài giỏi, không phân biệt giai cấp, đảng phái, dân tộc ra phụng sự đất nước, theo sự chỉ đạo trực tiếp và ráo riết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp đã tiến cử Giáo sư Hoàng Minh Giám tham gia Chính phủ và được Chủ tịch Hồ Chí Minh chấp thuận.

GS Hoàng Minh Giám - Trí thức yêu nước tiêu biểu, nhà giáo tận tụy, tâm huyết
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Hoàng Minh Giám đọc bản Hiệp ước Sơ bộ trước sự chứng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Jean Sainteny - đại diện Chính phủ Cộng hòa Pháp, ngày 6/3/1946

Giáo sư Hoàng Minh Giám, không một chút băn khoăn, vui vẻ nhận nhiệm vụ và từ thời điểm này, cuộc đời, sự nghiệp của Giáo sư bước vào trang sử mới, trở thành nhà chính trị, chính khách có bản lĩnh chính trị, có lập trường kiên định, tài năng, kiên quyết, khôn khéo trong ứng xử, tế nhị, đức độ, hào hoa phong nhã và tuyệt đối trung thành với Đảng và Bác Hồ, là nghị sĩ Quốc hội liên tục từ Khóa I đến Khóa VII; Ủy viên thường trực Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa I, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Khóa VI; Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Tổng thư ký Đảng Xã hội Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Bộ trưởng Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban Việt Nam đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước. “Ở bất kỳ cương vị nào, đồng chí cũng tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc và đồng bào, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao phó, lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn. Đối với bạn bè, đồng nghiệp và cấp dưới, đồng chí là người bạn, người anh cả khoan hòa, nhân hậu, đầy tình cảm vị tha. Trong đời sống hằng ngày, đồng chí luôn giản dị, khiêm tốn, đồng chí được bạn bè, đồng nghiệp và bằng hữu quốc tế quý mến kính trọng”.

13 giờ 25 phút ngày 12/1/1995 (tức ngày 12 tháng Chạp, năm Giáp Tuất), Giáo sư Hoàng Minh Giám qua đời, hưởng thọ 91 tuổi. Thay mặt Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Lê Quang Đạo, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trịnh trọng đọc điếu văn trong lễ truy điệu cấp Nhà nước, tiễn đưa Giáo sư Hoàng Minh Giám về nơi an nghỉ cuối cùng. Trong bản điếu văn đó, Chủ tịch Lê Quang Đạo vừa xác tín những cương vị mà Giáo sư Hoàng Minh Giám đã đảm nhận từ năm 1926 cho tới năm 1987, vừa nêu bật những cống hiến to lớn của giáo sư cho sự bình yên của Tổ quốc, của nhân dân và nhấn mạnh “Do công lao và những đóng góp to lớn, quý báu của đồng chí (tức Giáo sư Hoàng Minh Giám) cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đồng chí Hoàng Minh Giám đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân và Bộ Ngoại giao trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp ngoại giao Việt Nam. Đồng chí được tặng nhiều huân, huy chương khác của nước ngoài và các bộ, ngành”. Và tên của Giáo sư đã được đặt cho một đường phố ở Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

GS Hoàng Minh Giám - Trí thức yêu nước tiêu biểu, nhà giáo tận tụy, tâm huyết
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoàng Minh Giám (người thứ ba từ trái sang) trong Phái đoàn Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và phái đoàn Anh, Pháp, Quốc dân Đảng gặp nhau ở Ô Chợ Dừa (Hà Nội) để bàn về việc chấm dứt những vụ khiêu khích cuối tháng 12/1946

Gần hai mươi năm kể từ khi Giáo sư Hoàng Minh Giám qua đời, chúng ta đã có thời gian đủ dài để tìm hiểu kỹ hơn, sâu hơn về con người và sự nghiệp của Giáo sư Hoàng Minh Giám. Tôi đã tìm đọc những công trình xuất bản những năm gần đây (không kể những bài báo của nhiều tác giả đăng trên các tạp chí, báo ngày, báo tuần, báo tháng...) như:

- Hoàng Minh Giám - Con người và lịch sử, NXB Lao Động, H., 1995 - Tuyển tập những bài viết về Giáo sư Hoàng Minh Giám;

- Đinh Xuân Lâm - Trương Hữu Quýnh (chủ biên), Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, NXB Giáo dục, H., 1999, tr.149 - Hoàng Minh Giám (1904-1995);

- Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trí thức Việt Nam xưa và nay, NXB Văn hóa -Thông tin, H., 2005, bài Đồng chí Hoàng Minh Giám của Lê Quang Đạo, tr.1149;

- Bác Hồ với nhân sĩ, trí thức, NXB Thông tấn, H., 2005, bài Người trợ thủ tin cậy của Bác Hồ trong các cuộc đấu tranh ngoại giao đầu tiên, tr.156-175;

- Bộ Ngoại giao, Chân dung cố Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (Tuyển tập nhiều bài viết của nhiều tác giả về Bộ trưởng Hoàng Minh Giám), NXB Chính trị Quốc gia, H., 2005;

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hoàng Minh Giám - Người con của thế hệ vàng (Tuyển tập nhiều bài viết của nhiều tác giả về Bộ trưởng Hoàng Minh Giám), NXB Chính trị Quốc gia, H., 2013.

Tôi lĩnh hội được nhiều nội dung trực tiếp, hoặc gián tiếp về thân thế và sự nghiệp của Giáo sư Hoàng Minh Giám và đặc biệt xúc động khi được đọc lại những dòng viết trong sổ tang lễ Bộ trưởng của Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười; Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Trung tướng Lê Quang Đạo, học trò của Giáo sư, Hiệu trưởng Trường tư thục Thăng Long. Qua các công trình nói trên, qua các nguồn sử liệu khác, tôi nhận ra Giáo sư Hoàng Minh Giám không chỉ là nhân chứng của nhiều sự kiện lịch sử trọng đại mà còn là một trong những nhân vật lịch sử tiêu biểu của thời đại Hồ Chí Minh.

II. Những đóng góp của Giáo sư Hoàng Minh Giám cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới

Theo sự phân công của Đảng, Nhà nước và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Giáo sư Hoàng Minh Giám thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao để nhận nhiệm vụ mới, thử thách mới: Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền (8/1954 - 9/1955); Bộ trưởng Bộ Văn hóa (9/1955 - 6/1976) trong bối cảnh đất nước ở trạng thái vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh, khó khăn và thách thức không ít.

GS Hoàng Minh Giám - Trí thức yêu nước tiêu biểu, nhà giáo tận tụy, tâm huyết
Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đồng chí Trường Chinh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hoàng Minh Giám (người bên phải) tham quan hệ thống trưng bày Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia), ngày 6/1/1959

Với bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy đúng lúc, đúng chỗ vốn kiến thức uyên bác và mẫu mực trong quản lý, chỉ đạo, đoàn kết, tạo dựng ý thức cộng đồng trách nhiệm, phát huy tới mức cao độ tài năng của từng cá nhân, từng binh chủng trong lực lượng văn hóa, trong toàn dân, Bộ trưởng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, ghi dấu ấn sâu đậm trong sự nghiệp xây dựng trong nền văn hóa mới.

Hơn hai mươi năm (chính xác là hai mươi hai năm), với cương vị là Bộ trưởng, Giáo sư Hoàng Minh Giám cùng với tập thể lãnh đạo Bộ, với lực lượng toàn ngành đã đạt được các kỳ tích sau:

Một là: Xây dựng hệ thống các văn bản chỉ đạo về tư tưởng chính trị, về quy phạm pháp luật trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ ban hành đảm bảo cho nội dung xây dựng nền văn hóa mới đúng với yêu cầu của Đảng, Nhà nước và có đủ đầy các văn bản đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng nền văn hóa mới.

Chỉ riêng trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tôi đã tìm ra gần 50 văn bản có nội dung như trên trong giai đoạn Giáo sư làm Bộ trưởng. Trong số đó có Thông Tri số 38/TT.TU, ngày 28/6/1956 của Đảng Lao động Việt Nam về việc bảo vệ những di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, có Nghị định số 519/TTg, ngày 29/10/1957 của Phủ Thủ tướng về bảo tồn di tích lịch sử - Đây là Nghị định đầu tiên của Chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về di tích và Nghị định này có hiệu lực tới năm 1984, khi được thay thế bằng Pháp lệnh bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh... và 30 Thông tri (có cả thông tri liên tịch giữa Bộ Văn hóa với cục Lâm nghiệp, giữa Bộ Văn hóa với các lực lượng vũ trang, giữa Bộ Văn hóa với Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của Đế quốc Mỹ ở Việt Nam về bảo vệ di tích khảo cổ học, sưu tầm hiện vật, bảo vệ các di tích chống Mỹ cứu nước...), Chỉ thị, Công văn hướng dẫn các ngành, các cấp, các địa phương thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về kiểm kê bảo tồn di sản văn hóa, lập hồ sơ xếp hạng di tích, sưu tầm, lưu giữ tài liệu chữ Hán, chữ Nôm...

Hai là: Xây dựng hệ thống tổ chức của ngành từ Trung ương đến các địa phương vừa đảm nhận chức năng quản lý Nhà nước về văn hóa, vừa tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới, nếp sống mới, con người mới. Hệ thống tổ chức này chưa từng có dưới chế độ cũ (Phong kiến và Thực dân).

Ba là: Đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa nghệ thuật theo hướng truyền nghề trực tiếp, đào tạo qua hệ thống các trường của Bộ và chọn cử đưa cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài. Giáo sư Hoàng Minh Giám cho rằng: “Công tác đào tạo cán bộ được coi là vấn đề then chốt có tính quyết định nhất, nên đã đặt lên hàng đầu và kiên quyết thực hiện.

Từ khi hòa bình lập lại, chúng ta đã đào tạo được 3.583 cán bộ văn hóa nghệ thuật tốt nghiệp trung cấp và đại học. Hiện nay vẫn còn 1.038 cán bộ văn hóa nghệ thuật đang theo học tại các trường trung cấp và đại học. Đó là chưa kể hàng nghìn hạt nhân văn hóa nghệ thuật quần chúng đã được bồi dưỡng trong các lớp ngắn hạn và tại chức ngoài giờ sản xuất ở các địa phương.

Nhờ tích cực đào tạo cán bộ, chúng ta đã có thêm lực lượng mới để bổ sung cho các đơn vị văn hóa nghệ thuật ở trong nước, tổ chức thêm được một số đơn vị văn hóa nghệ thuật mới ở địa phương nhằm đáp ứng đòi hỏi sinh hoạt tinh thần ngày càng cao của nhân dân”.

Với tầm tư duy chiến lược cao, Bộ trưởng rất chú ý tới việc đào tạo cán bộ của ngành có trình độ cao, bồi dưỡng các tài năng nghệ thuật, phát huy được nghề. Tính đến năm 1995, ngành văn hóa có 4 Tiến sĩ khoa học gồm các chuyên ngành Lịch sử (Khảo cổ: TSKH Lưu Trần Tiêu), Sân khấu (TSKH Nguyễn Đình Quang), Nghệ thuật (TSKH Tô Ngọc Thanh), Văn hóa (TSKH Huỳnh Khái Vinh); 95 Tiến sĩ thuộc nhiều lĩnh vực của văn hóa nghệ thuật.

15 cán bộ khoa học được nhà nước trao tặng học hàm Giáo sư, 56 Phó giáo sư; 6 nhà giáo nhân dân, 46 nhà giáo ưu tú; 92 nghệ sĩ nhân dân, 537 nghệ sĩ ưu tú. Trong số trên, tuyệt đại bộ phận đều được đào tạo và làm việc dưới thời Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hoàng Minh Giám. Đào tạo hàng nghìn cán bộ, tạo hạt nhân cho các hoạt động văn hóa ở Việt Nam khi đất nước còn bị chia cắt làm hai miền...

Bốn là: Xây dựng đồng bộ các thiết chế văn hóa từ Trung ương đến các địa phương. Đó là: Thư viện, Bảo tàng, Nhà xuất bản, Nhà in, báo chí, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn...

GS Hoàng Minh Giám - Trí thức yêu nước tiêu biểu, nhà giáo tận tụy, tâm huyết
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hoàng Minh Giám duyệt phòng trưng bày chuyên đề "Tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam" tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia), ngày 20/11/1974

Riêng lĩnh vực bảo tồn bảo tàng, Bộ trưởng đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng Viện Bảo tàng Lịch sử (1958), Viện Bảo tàng Cách mạng (1959), Viện Bảo tàng Việt Bắc, Viện Bảo tàng Mỹ thuật, Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Xô viết - Nghệ Tĩnh, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn, Bảo tàng Khu Hồng Quảng, Bảo tàng Thành phố Hải Phòng... Trực tiếp ký quyết định xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh (Từ năm 1962 đến lúc Bộ trưởng chuyển sang làm chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội), trực tiếp chỉ đạo việc bảo tồn tháp Bình Sơn, bia Vĩnh Lăng (Khu di tích Lam Kinh, Thanh Hóa).

Năm là: Mở rộng quan hệ đối ngoại về văn hóa nghệ thuật. Ký kết 54 Nghị định thư trao đổi về văn hóa giữa nước ta với các nước khác, cử 98 đoàn văn hóa nước ta ra nước ngoài công tác và biểu diễn, tiếp đón 110 đoàn văn hóa - nghệ thuật của nước ngoài vào nước ta công tác, biểu diễn trong đó có các nước Tư bản như Pháp, Ý... Tham gia phim liên hoan quốc tế, triển lãm mỹ thuật quốc tế... nghĩa là bước đầu đưa văn hóa nghệ thuật Việt Nam tới các nước để giới thiệu và quảng bá.

Sáu là: Nâng cao mức hưởng thụ văn hóa - nghệ thuật cho toàn dân theo các tiêu chí: Số báo, tạp chí xuất bản (đơn vị tính 1.000 tờ), năm 1965 là 84.000; 1976 là 222.000, bình quân đầu người từ 2,4 tăng lên 6,1 tức 1 người được đọc 2,4 đến 6,1 tờ báo; Tổng số phim sản xuất: năm 1965 (đơn vị tính bằng bộ) là 115 bộ, 1976 là 98 bộ, bình quân 1 người dân được xem trên 4,3 lần chiếu/năm. Số người xem biểu diễn nghệ thuật (đơn vị tính 1.000 người) năm 1965: 1.628, năm 1976: 3.570 lượt người được xem biểu diễn nghệ thuật; Số sách có trong thư viện (đơn vị tính: 1.000 bản), năm 1965: 2.555, năm 1976 là 6.240 bản...

Bảy là: Quan tâm và tổ chức chỉ đạo các hoạt động nghiên cứu bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình văn hóa dân tộc cổ truyền như Tuồng, Chèo, Cải lương, Dân ca... Đi đôi với việc tiếp nhận và thử nghiệm các bộ môn nghệ thuật mới như: Giao hưởng hợp xướng, Opera, Kịch múa (Bale), bảo tồn di sản văn hóa và xây dựng các viện nghiên cứu như: Viện Văn hóa, Viện Mỹ thuật mỹ nghệ, Viện Âm nhạc, Viện Sử học, Viện Văn học... Coi trọng sự nghiệp văn hóa của quần chúng và coi văn hóa quần chúng là nền tảng để nuôi dưỡng, phát triển văn hóa chuyên nghiệp…

Tám là: Xây dựng con người mới, nếp sống mới ở thành thị, nông thôn, ở các cơ quan, xí nghiệp, trong đó có nếp sống thời chiến, phát động sâu rộng phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, phong trào đọc sách “Sách đi tìm người”, “Sách người tốt việc tốt”... Động viên hàng ngàn văn nghệ sĩ đi thực tế ở các vùng trọng điểm bị không quân Mỹ đánh phá ở miền Bắc, đi chiến trường miền Nam để biểu diễn, phục vụ đồng bào, chiến sĩ để sáng tác... thời chống Mỹ cứu nước.

GS Hoàng Minh Giám - Trí thức yêu nước tiêu biểu, nhà giáo tận tụy, tâm huyết
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hoàng Minh Giám xem các tiêu bản cá ép khô tại Viện Hải Dương học, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa, tháng 3/1976

Quả thật, di sản Giáo sư Hoàng Minh Giám để lại cho ngành văn hóa là cực lớn. Nhà thơ Cù Huy Cận có mười năm làm Thứ trưởng dưới thời Bộ trưởng Hoàng Minh Giám viết: “Là một trí thức uyên thâm, tâm huyết với tầm nhìn xa trông rộng, hơn hai mươi năm làm Bộ trưởng Văn hóa anh (tức Giáo sư - Bộ trưởng Hoàng Minh Giám) là nhà lãnh đạo tài năng có nhiều cống hiến cho sự phát triển văn hóa của đất nước cả trong thời bình và thời chiến”. Hoặc như nguyên Bộ trưởng Văn hóa Thông tin Trần Hoàn viết: “Là Bộ trưởng đầu tiên của Bộ, người đặt nền cho hoạt động ngành Văn hóa - Thông tin sau này... là người mà giới Văn hóa cả nước thường gọi là anh cả, nhân hậu, giàu tình thương, uyên thâm trong xử thế và tiêu biểu cho tinh thần Đoàn kết, đại đoàn kết toàn ngành”.

Bà Êkatêria Fourtseva - Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng Cộng sản, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết cũng viết rằng: “Tôi chưa từng gặp một vị Bộ trưởng Văn hóa nào tinh tế, lịch thiệp như ông Giám. Đó là một kiểu mẫu của một nền văn hóa. Ông rất uyên bác và với phong thái một con người có văn hóa cao”.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng: Nếu phân tích một cách biện chứng về mối quan hệ hữu cơ giữa các thành tựu nói trên và hiểu một cách thấu đáo kết quả hoạt động toàn diện của các thiết chế văn hóa, chẳng mấy khó để nhận ra: Giáo sư Hoàng Minh Giám cùng các cộng sự của ông đã bước đầu tạo dựng được nền tảng của một nền văn hóa mới: Văn hóa vì con người - con người vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là chủ thể xứng đáng hưởng thụ những sáng tạo đó; Khơi dậy được sức mạnh tiềm ẩn, phi thường của từng con người, của cả cộng đồng để khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng; Tạo nên mẫu hình con người mới cường tráng về thể lực, có trí tuệ về tâm hồn và không ngừng vươn tới đỉnh cao của văn hóa - chân, thiện, mỹ.

Với những cống hiến như trên, Giáo sư Hoàng Minh Giám xứng đáng được tôn vinh là danh nhân văn hóa thời đại Hồ Chí Minh.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Những cơn sóng ở Hawaii. Truyện ngắn của Bích Ngọc

Những cơn sóng ở Hawaii. Truyện ngắn của Bích Ngọc

Baovannghe.vn - Edmond mệt mỏi nhớ những lần hệ thống mạng bị trục trặc, anh phải làm việc một mạch đến tận mười, mười một giờ đêm. Hôm nào may mắn được về sớm
Thăng trầm một đời văn

Thăng trầm một đời văn

Baovannghe.vn - Với Minh Giang, trong mỗi cuốn sách bao giờ ông cũng cố gắng xây dựng nhân vật giàu cá tính và thế giới nghệ thuật sống động.
Nơi phòng đợi - Thơ Thanh Quế

Nơi phòng đợi - Thơ Thanh Quế

Baovannghe.vn- Bên kia, sau cánh cửa này/ Là căn phòng vĩnh cửu
Bản tin Văn nghệ: Chiếu miễn phí phim tham dự LHP Hoạt hình "Dòng Khát Vọng lần thứ I"

Bản tin Văn nghệ: Chiếu miễn phí phim tham dự LHP Hoạt hình "Dòng Khát Vọng lần thứ I"

Baovannghe.vn - Ban Tổ chức LHP Hoạt hình Dòng Khát Vọng lần thứ I tổ chức chiếu phim hoạt hình miễn phí chào mừng 65 năm ngành hoạt hình Việt Nam.
Cầu truyền hình trực tiếp kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc

Cầu truyền hình trực tiếp kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc

Baovannghe.vn - Tối ngày 16/11/2024, Ban Tuyên giáo Trung ương và Đài Truyền hình Việt Nam đã phối hợp tổ chức chương trình Cầu truyền hình trực tiếp chương trình nghệ thuật mang tên “Tình sâu nghĩa nặng”. Chương trình diễn ra tại 3 điểm cầu là Cà Mau, Thanh Hóa và Hải Phòng.