Ngày 5 tháng 1 năm 1970, Nhà xuất bản (Nxb) Seghers phát hành cuốn Đối diện với Hồ Chí Minh - sự kiện với độ dày 206 trang được chia làm 13 phần cùng các bản đính kèm gồm “Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” và “Điếu văn của Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư, đọc tại lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh” với dòng giới thiệu ở trang bìa thứ tư như sau: “Đối diện với Hồ Chí Minh, Jean Sainteny thường xuyên phải đối mặt, trong rất nhiều hoàn cảnh với những hậu quả rất kịch tính, trên cương vị là đại diện nước Pháp. Vào ba thời điểm có tính chủ chốt, ông ấy đã cố gắng cứu vãn nền hòa bình ở Việt Nam và tạo dựng các mối quan hệ với đất nước này. Vai trò này đã giúp ông trở thành người Tây phương hiểu, và chắc chắn là người hiểu thấu Hồ Chí Minh”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Marius Moutet ký Tạm ước ngày 14-9-1946. Ảnh tư liệu |
Sainteny là tác giả không còn xa lạ với độc giả về các vấn đề của Đông Dương. Trước đó, ông đã từng xuất bản cuốn sách Một nền hòa bình bị bỏ lỡ. Đông Dương 1945 - 1947 do Nxb Amiot Dumont phát hành năm 1953 và được tái bản với Nxb Fayard vào năm 1967. Ở cuốn sách mới này, Sainteny đã mở đầu bằng lễ tang của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trở về từ lễ tang, trên cương vị của nhà ngoại giao Pháp tại Hà Nội, Sainteny đã hồi tưởng lại những tình cảm của mình dành cho vị lãnh đạo vừa ra đi: “Tính trang trọng và giản dị, không khí trang nghiêm của buổi tang lễ cùng với bước chân nặng nề của đoàn đại biểu lên lễ đài khiến tất cả đều xúc động, và, khi đến lượt tôi cúi người trước áo quan, tôi đã không thể kìm nén được cảm xúc…” (Chương I - Vĩnh biệt, tr. 9).
Với những kinh nghiệm của một chính khách, nhưng trước tiên là của một nhà cách mạng từng chiến đấu để giải phóng nước Pháp, Sainteny có thể thấu hiểu được tâm tư của những người đấu tranh vì nền hòa bình ở Đông Dương. Từ quan điểm của một chính khách, Sainteny đã viết với lập trường: “Sẽ là tự phụ để phác họa chân dung của một chính khách, chúng ta có thể chắc chắn rằng đó là một thách thức, nhất là khi người đó, dù là do chủ đích hay do hoàn cảnh, buộc phải sống một cuộc sống đầy bí ẩn; một chính khách, người, do bản tính hay hoàn cảnh, luôn từ chối nói về bản thân, toàn bộ cuộc sống của ông gắn liền với cuộc chiến mà ông đã dành cả cuộc đời để chiến đấu” (Chương I - Vĩnh biệt, tr. 10). Tuy nhiên hoàn cảnh chính trị đã cho phép Sainteny tiếp xúc nhiều với Bác, đủ để viết ra cuốn sách này: “Thành thật mà nói, tôi sẽ chỉ nói về con người mà tôi thực sự hiểu, người mà tôi thực sự và trong khoảng thời gian dài từng đàm phán. Những mặt khác, vào thời điểm khác của con người ông, đối với tôi không hoàn toàn xa lạ, nhưng tôi sẽ chỉ kể ra để giúp chúng ta hiểu hơn về ông. Bởi đây là một bằng chứng mà tôi muốn kể ra trong cuốn sách này” (Chương I - Vĩnh biệt, tr. 11). Rõ ràng Sainteny không hề giấu giếm tình cảm của mình dành cho vị lãnh tụ của một đất nước đang đối đầu với lợi ích của nước Pháp dù lúc này, ông đang nắm giữ chức vụ thành viên Hội đồng hiến pháp.
Jean Sainteny (1907 - 1978) tên thật là Jean Roger, cựu sĩ quan tình báo người Pháp. Trong cuộc Thế chiến II, sau khi Đức xâm chiếm Pháp năm 1940, ông gia nhập hàng ngũ kháng chiến, tham gia tổ chức hoạt động tình báo bán công khai tại vùng Normandie với bí danh Dragon (Rồng). Ông từng bị bắt lần đầu vào tháng 9 năm 1941 nhưng được thả vì thiếu bằng chứng kết án. Tháng 9 năm 1943, ông bị bắt lần nữa nhưng đào thoát được. Sau lần thoát hiểm này ông đổi tên thành Jean Sainteny và rút vào hoạt động bí mật. Tháng 6 năm 1944, một lần nữa Sainteny bị bắt, thêm một lần nữa ông trốn thoát và được phong hàm thiếu tá tham gia Cơ quan Tình báo và hoạt động bí mật của Pháp (gọi tắt là DGER) cho đến ngày giải phóng Paris. Ở cương vị mới này, Sainteny được giao nhiệm vụ đến Đông Dương. Sau khi phát xít Nhật đầu hàng ở Việt Nam, Chính phủ Pháp trao cho ông vai trò Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Bắc Kì và Bắc Trung Kì nhằm mục đích duy trì quyền lợi thuộc địa của Pháp tại Đông Dương. Kể từ đây Sainteny chính thức trở thành một nhà chính khách trong vòng xoáy chính trị giữa Việt Nam, Pháp và Trung Quốc. Chính trong thời gian này, ông được dịp tiếp xúc trực tiếp với các lãnh đạo của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đặc biệt là với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng từ đây ông dần chuyển từ thái độ kiên quyết giữ quyền thuộc địa của Pháp tại Đông Dương sang thái độ ôn hòa hơn. Đầu năm 1946, ông được cử làm đại diện, thay mặt Chính phủ Pháp trong cuộc đàm phán Pháp - Việt và cùng với Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh kí tên vào bản Hiệp định Sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946, bắt đầu mối quan hệ bình đẳng Việt Nam - Pháp. Trên cương vị này, Sainteny là đại diện của Pháp tháp tùng phái đoàn Việt Nam sang đàm phán tại hội nghị Fontainebleau với chuyến viếng thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp từ 24 tháng 4 đến 19 tháng 9 năm 1946.
Tuy cả Hiệp định Sơ bộ và Tạm ước 14 tháng 9 đều đã được kí, nhưng dưới sức ép của những người theo quan điểm cứng rắn về quyền thuộc địa ở Đông Dương, những nỗ lực của Sainteny và những người theo chủ trương ôn hòa hầu như không mang lại kết quả. Ngày 2 tháng 12 năm 1946, ông trở lại Hà Nội với chức vụ Thống đốc Bắc Kì. Ngày hôm sau, ông có cuộc tiếp xúc lần cuối với Bác nhằm tìm lối thoát ngăn chặn cuộc chiến. Nhưng tình hình đã thay đổi, nguy cơ xảy ra cuộc chiến không xa.
“Nếu như những sự kiện của năm 1945, tại Đông Dương, đưa tôi trở thành người đối thoại của Hồ Chí Minh cho đến phút cuối cùng của cuộc đời ông, nếu như tôi trở thành một trong những người Tây phương hiểu ông nhất, nếu như chính ông đã nhiều lần chọn tôi để gửi gắm niềm tin, tất cả vẫn chưa đủ để có thể nói hết về nhân cách của ông, một con người, ngay cả khi đã ở đỉnh cao của sự nghiệp, vẫn rất giản dị cả về cuộc sống và thái độ. (…) Ông là một người khiêm tốn. Nếu ông nhượng bộ những người viết tiểu sử vẽ ra những lời tán tụng, thì đó không phải là với mong muốn để lại cho lịch sử một bức chân dung đẹp đẽ về bản thân; mối quan tâm của ông chỉ là để lại cho người dân của đất nước mình một tấm gương” (Chương I - Vĩnh biệt, tr. 10 - 11).
Chắc chắn khi viết ra những dòng này, Sainteny không có chút tự phụ khi cho mình là người hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất. Có lẽ chính vai trò của một chính khách đã buộc ông phải trang bị những hiểu biết sâu sắc nhất về “đối thủ” của mình để có thể đối thoại. Điều này thể hiện rất rõ trong cuốn sách của ông. Sainteny đã dành một chương dài với tiêu đề “Tổ quốc” để phác họa lại lịch sử dân tộc Việt Nam: “Phải cần tới hai cuộc chiến dài gần đây chống lại những quốc gia Tây phương lớn mạnh để thế giới phát hiện ra sự tồn tại của một dân tộc Việt Nam, dân tộc gắn bó sâu sắc với lịch sử hơn hai mươi thế kỉ tồn tại; một dân tộc tự hào về quá khứ, tự hào về truyền thống và về sự cá biệt, một dân tộc có khả năng tự vệ trước mọi sức mạnh…, không một dân tộc nào lại hứng chịu nhiều như dân tộc Việt Nam, những ảnh hưởng cũng như là hậu quả do hoàn cảnh địa lí trên bản đồ thế giới gây ra cho họ” (Chương III - Tổ quốc, tr. 17).
Không giấu giếm sự ngưỡng mộ của mình, Sainteny đã mở đầu chương “Đối thoại với Hồ Chí Minh” như sau: “Ngay từ cuộc gặp gỡ đầu tiên, ngày 15 tháng 10 năm 1945, cả tôi và tướng Alessandri cùng Léon Pignon đều có niềm tin rằng Hồ Chí Minh sẽ là một chính khách lỗi lạc, sớm muộn gì ông cũng sẽ đứng trước chính trường châu Á.
Nhìn thoáng qua, vẻ bề ngoài của ông không có gì đặc biệt. Dáng người tầm thước, hơi nhỏ, gầy, mảnh khảnh… Điều ấn tượng nhất chính là đôi mắt, sống động, nhanh nhẹn, bừng sáng một cách khác lạ: toàn bộ năng lượng của con người ông dường như dồn vào đôi mắt” (Chương VII - Đối thoại với Hồ Chí Minh, tr. 65).
Với danh nghĩa của một Ủy viên Chính phủ, Sainteny có nhiệm vụ bảo vệ cho những quyền lợi của nước Pháp. Tuy nhiên, Sainteny cũng hiểu rất rõ, những quyền lợi đó đang đi ngược với quyền nhân văn của các dân tộc. Đó là lí do khi đứng trước Hồ Chí Minh, Sainteny hiểu rất rõ lí tưởng mà vị chính khách này đang theo đuổi. Trong một phân đoạn kể về cuộc hội thoại với Hồ Chí Minh sau những thất vọng tại cuộc đàm phán ở Fontainebleau, Sainteny đã viết: “Thôi nào, chúng ta sẽ đối đầu… Các ngài sẽ giết mười người của chúng tôi, trong khi chúng tôi chỉ giết một người của các ngài, giọng nói của ông, sự thành thật của ông, cùng với thái độ nhẹ nhàng và cách hành xử khiêm tốn, ngay cả lúc này ông ấy cũng không tìm cách để gây ấn tượng hay đe dọa. Ngược lại, ông ấy chỉ chỉ ra những khó khăn sẽ phải trải qua và ông ấy hoàn toàn có lí do để tin điều đó. Nhưng, rất nhanh, một ánh nhìn chiến thắng thắp sáng đôi mắt của ông, chúng tôi chỉ hiểu ra khi ông ấy nói thêm (giống như khi ông ấy hành xử ở Paris, ông chậm rãi nói rõ): Và cuối cùng tôi sẽ là người chiến thắng. Ông ấy sẽ không lùi bước trước bất cứ điều gì để chiến thắng thách thức này” (Chương VII - Đối thoại với Hồ Chí Minh, tr. 81).
Để hiểu được Hồ Chí Minh, Sainteny đã có may mắn khi không chỉ là người đối thoại với Hồ Chí Minh mà còn được “đồng hành” cùng Bác trong một vài giai đoạn lịch sử, dù mục đích của họ không đồng nhất. Tuy nhiên, không vì thế mà Sainteny không ngưỡng mộ Hồ Chí Minh như một người bạn.
Một trong những kỉ niệm sâu sắc và đặc biệt nhất mà Sainteny có được với Hồ Chí Minh trong tư cách bạn bè chính là “kì nghỉ bất đắc dĩ trên bờ biển vùng Basque” (từ của tác giả, Chương VIII - Tại Pháp, tr. 88) từ ngày 12 đến ngày 22 tháng 6 năm 1946. Về lí do Bác chọn Paris làm nơi kí kết hiệp ước tháng 9, Sainteny đã giải thích như sau: “Ông ấy mong muốn rằng nhân dân Pháp sẽ làm chứng cho sự kiện này, và dưới một hình thức nào đó, họ chính là người đảm bảo cho bản hiệp ước. Nếu bản hiệp ước được kí kết ở Đà Lạt với chuẩn đô đốc, bất hạnh thay nó sẽ gợi lại bản hiệp ước bảo hộ được kí kết trước đây với những quan chức tiền nhiệm. Ngược lại, việc chính phủ Pháp đón tiếp tại Paris để đàm phán chính là thừa nhận ông với tư cách lãnh đạo một chính phủ độc lập” (Chương VII - Đối thoại với Hồ Chí Minh, tr. 83).
Thật không may, ngay khi Bác vừa đặt chân đến Paris, chính trường Pháp rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ. Chính phủ đương nhiệm bị phế truất. Pháp không có chính phủ, sẽ không có người đàm phán với Việt Nam. Đây là một trong những lí do dẫn đến “kì nghỉ bất đắc dĩ” này. Nhưng cũng nhờ thế mà Sainteny đã được thấy những nét nhân cách rất đỗi bình thường của Bác: “Những ai tiếp xúc gần với ông, trong kì nghỉ bất đắc dĩ này, đều ấn tượng về sự hài hước và chân thành của ông… Hồ Chí Minh chơi với các cháu của tôi trên bãi biển, ông ấy thực sự hạnh phúc nhìn lũ trẻ chơi đùa. Chính lúc đó, theo đúng nghĩa của từ, ông ấy trở thành một người bác tuyệt vời” (Chương VIII - Tại Pháp, tr. 90 - 91).
Ngoài những kỉ niệm với người dân Basque mà Sainteny được chứng kiến, còn một kỉ niệm khác mà ông kể trong cuốn sách của mình chính là buổi đi xem phim cùng với Hồ Chí Minh: “Từ những ngày ở Paris lúc trước, ông ấy vẫn giữ được tình cảm dành cho thành phố và người dân nơi đây. Ông ấy thích vi hành ẩn danh, hòa vào dòng người, thăm lại những nơi ngày xưa từng sống, làm việc và hình thành ý tưởng… Một buổi tối, ông ấy rủ tôi đến rạp chiếu phim xem bộ phim Cuộc chiến đấu của đường tàu, không với mục đích “tìm kiếm ý tưởng” như mọi người suy đoán (bản thân tôi lúc đó cũng nghĩ như thế), mà vì cuộc đấu tranh của nhân dân Pháp chống lại cuộc xâm lược đã chiếm được cảm tình của ông và vì thế đây là bộ phim duy nhất, vào thời điểm đó, có ý nghĩa với ông. Còn lại thì bối cảnh của phong trào công nhân đường sắt rất khác với bối cảnh của nhân dân Việt Nam ở giai đoạn này, những người Việt Nam vẫn đang tìm kiếm một bản thỏa thuận” (Chương VIII - Tại Pháp, tr. 95).
Đối với Sainteny, cuộc chia tay với Hồ Chí Minh vào ngày 19 tháng 9 tại Toulon trên con tàu Dumont d’Urville sau thất vọng về kết quả của cuộc đàm phán Fontainebleau chính là cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa họ.
Tuy nhiên điều mà Sainteny không ngờ tới chính là những sự kiện chính trị năm 1954 một lần nữa lại đưa ông trở lại vị trí đối thoại với vị lãnh đạo tối cao của Việt Nam.
“Tám năm đã trôi qua - quãng thời gian đặc biệt - kể từ năm 1946, hẳn nhiên đã để lại những dấu ấn trên con người. Đôi vai của ông đã trĩu nặng, râu tóc bạc trắng, càng khiến ông ấy thêm xanh xao vàng vọt, tựa như một chiếc ngà voi già… Nhưng nét không thay đổi trên con người đó chính là ngọn lửa hừng hực và sự nhanh nhẹn của đôi mắt” (Chương X - Tám năm sau, tr. 132).
Ở cuộc gặp gỡ này, dù vẫn dành cho nhau những tình cảm đặc biệt thì vị trí chính trị của họ buộc họ phải giữ một khoảng cách. Nước Pháp không còn là nước bảo hộ, họ đang là nước bại trận trong một trận đánh “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ở Điện Biên Phủ. Vị thế đối thoại của Sainteny cũng vì lí do này đã thay đổi. Và chính ở đây, một lần nữa Hồ Chí Minh thể hiện phẩm chất của một con người rất đỗi nhân văn với tình cảm chân thành dành cho người bạn lâu ngày gặp lại. Tại buổi gặp gỡ giữa Sainteny và Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh đã bất ngờ xuất hiện. Nhận ra những bối rối của Sainteny, Bác chủ động: “…sự bối rối chỉ kéo dài vài giây và ông đã mở rộng vòng tay, hai bàn tay hướng về phía trời nói với tôi: Nào, chúng ta có thể chào nhau chứ? Và chúng tôi đã chào hỏi thân thiện” (Chương X - Tám năm sau, tr. 133). Lần trở lại này giúp cho Sainteny có thêm những kỉ niệm về sự tinh tế của Hồ Chí Minh: “Vào năm 1955, sau khi kết thúc bữa ăn tối tại phủ, chúng tôi chỉ còn lại vài người chưa rời bàn ăn cùng với Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh đã cầm mấy quả quýt trong đĩa hoa quả tặng cho vợ tôi, vì mục đích gì? Chắc chắn là không phải để lấy lòng tôi: tôi biết ông ấy quá rõ. Đó là hành động quán tính theo những suy nghĩ truyền thống được kế thừa của người dân Việt Nam, trong mọi hoàn cảnh và tình huống dù là nhỏ nhất, điều quan trọng không phải là giá trị của món quà mà là giá trị của hành động. Ngoài ra tôi cũng cho rằng vì vợ tôi vừa ở Paris sang, nên đây là hành động thể hiện sự hiếu khách” (Chương XI - Hồ Chí Minh và những người đồng chí, tr. 152).
Dù trên thực tế Đối diện với Hồ Chí Minh - sự kiện được viết dưới dạng tư liệu lịch sử và được xếp vào những tài liệu lịch sử “hàng đầu của hồ sơ lịch sử đương đại” (Lời giới thiệu, trang bìa thứ 4) nhưng ngoài những yếu tố lịch sử, cuốn sách chứa đựng rất nhiều tư liệu mang tính cá nhân. Trong mọi hoàn cảnh, Sainteny luôn đánh giá cao nhân cách của Hồ Chí Minh: “Về phần mình, tôi cần phải nói rằng tôi chưa bao giờ có cơ hội nhặt ra từ những câu nói của Hồ Chí Minh một chút thái độ hung hăng, sự căm thù hay chế giễu dù nhỏ nhất đối với bất cứ một tín ngưỡng nào. Và tôi không thể quên rằng, chính ông ấy, trong kì nghỉ bất đắc dĩ ở Biarritz, vào tháng 6 năm 1946, trong khi tôi đang xem lịch trình của ông, đã đề nghị tôi tổ chức cho ông một chuyến thăm… Lourdes. Luôn luôn tò mò, luôn luôn lịch sự, ông ấy luôn thể hiện thái độ tôn trọng trong cuộc đàm đạo với đức cha Théas, người đã đón tiếp ông ấy” (Chương XI - Hồ Chí Minh và những người đồng chí, tr. 155).
Sự ngưỡng mộ được Sainteny thể hiện đến những dòng cuối cùng của cuốn sách. Kết thúc cuốn sách, thay vì những nhận định lịch sử, Sainteny chỉ đơn giản kể ra một kỉ niệm tưởng rất nhỏ nhặt nhưng đủ để chứng minh cho tâm hồn cao thượng và cởi mở của Hồ Chí Minh, một con người nỗ lực đấu tranh chống lại chế độ thực dân Pháp nhưng không vì thế mà mang lòng căm hận với dân tộc và văn hóa Pháp: “Hồ Chí Minh, vẫn là Hồ Chí Minh, và mới đây thôi, một tờ báo nào đó còn gọi ông là “kẻ thù lớn nhất của nước Pháp”, vài tuần trước khi mất vẫn đề nghị tìm cho ông ấy bộ sưu tập các đĩa hát của… Maurice Chavalier, và của những ca sĩ hát về Paris. Câu chuyện có vẻ như hoang đường, nhưng nó lại hoàn toàn là sự thật” (Lời kết, tr. 193 - 194).
Nguồn: VNQD