Sự kiện & Bình luận

Tiếng gọi khẩn thiết từ một hang đá

NGUYỄN TRÍ HUÂN
Bút ký phóng sự
16:24 | 02/07/2024
Ngày 25 tháng 4 năm 1969, một trận bom dữ dội đã trút xuống hang đá ở vùng Ranh Lâm Tây, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Lúc đó ở trong hang có 8 chiến sĩ thuộc Trung đoàn Pháo binh 575 và Trạm K.600 (Kho 600). 8 người đã bị một tảng đá lớn nặng hàng chục tấn sập xuống bịt kín cửa hang, không có cách nào giải thoát những người bị kẹt trong hang ra ngoài được. 55 năm qua, khu hang đá nằm giữa rừng già không còn được nhắc tới. Cho đến tháng 7 năm 2023, những người lính già của Trung đoàn 575 đã tìm về hang đá với một mong muốn cháy bỏng: dựng một cây hương, một tấm bia tưởng niệm 8 con người đã bị mai táng sống trong hang như hang đá 8 cô ở Quảng Bình. Nhưng điều ước muốn đơn giản ấy xem ra không dễ gì thực hiện...
aa

Trong một lần về quê dưỡng bệnh, tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Đình Cáp, một người bạn thân từ nhỏ và cũng là đồng đội của anh trai tôi, liệt sĩ Nguyễn Chí Khái, thuộc Trung đoàn Tên lửa 575 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trung đoàn Tên lửa 575 được thành lập năm 1966. Trước ngày trung đoàn được điều động vào chiến trường Khu 5, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến thăm đơn vị. Người căn dặn trung đoàn phải dũng cảm, sáng tạo trong tác chiến, phải biết tựa vào dân, vì dân mà chiến đấu...

Tiếng gọi khẩn thiết từ một hang đá
Ngày 17-4-1966 tại trường bắn Hoà Lạc - Sơn Tây, Bác Hồ cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị đã trực tiếp kiểm tra, quan sát bộ đội pháo binh (575) bắn ứng dụng đạn A12 do Liên Xô chế tạo mới viện trợ trước khi đưa vào sử dụng tại chiến trường.

Thực hiện lời căn dặn của Người, hơn 10 năm ở chiến trường Quảng Nam, Đà Nẵng, trung đoàn đã gây nên biết bao nỗi kinh hoàng cho Quân đội Mỹ, Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Tiêu biểu là trận tập kích vào sân bay Đà Nẵng rạng sáng ngày 23 tháng 8 năm 1968, ngày anh trai tôi hy sinh. Trận tập kích đã tiêu diệt hàng trăm lính biệt kích, hàng chục máy bay Mỹ đồn trú tại sân bay Đà Nẵng.

Năm 1975, Trung đoàn 575, đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang giải thể, nhưng một Ban liên lạc đã được thành lập. Năm 2007, được sự tham gia trực tiếp của Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, một người chỉ huy cũ của trung đoàn, cùng ông Nguyễn Văn Chi, Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và ông Nguyễn Bá Thanh, hồi đó là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Đà Nẵng, một đài tưởng niệm lớn đã được dựng lên ở đồi Dương Lâm, Hòa Phong, Hòa Vang, nơi lưu giữ, ghi nhớ chiến tích của hơn 800 liệt sĩ của trung đoàn đã hy sinh, nằm rải rác ở vùng ven Quảng Nam, Đà Nẵng.

Ông Cáp cho tôi biết, năm nay, Ban liên lạc trung đoàn giao cho ông sang Bát Tràng đặt một tấm ảnh bằng gốm sứ cỡ lớn, ghi lại hình ảnh ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm đơn vị, để ngày 27 tháng 7 tới dựng ở khu Đài tưởng niệm.

- Như vậy là đã xong một việc lớn. Tôi nói. Cũng đã đến lúc ông cần phải nghỉ ngơi, dưỡng bệnh. Công việc còn lại nên giao dần cho những thành viên mới của Ban liên lạc.

- Cũng còn một việc lớn, rất lớn nữa mà chúng tôi chưa làm được. Ông Cáp thở dài. Đó là việc đưa hang đá Ranh Lâm Tây vào khu Đài tưởng niệm. Xong việc này, Đài tưởng niệm Trung đoàn Tên lửa của chúng tôi mới thực sự được hoàn thiện.

Tiếng gọi khẩn thiết từ một hang đá
Cựu chiến binh 575 khấn cúng thần linh, vong linh các Liệt sĩ trước cửa hang đá Sập Ranh Lâm Tây - Đại Đồng - Đại Lộc - Tỉnh Quảng Nam.

Câu chuyện giữa tôi và ông Cáp trở lại sự kiện của 55 năm trước. Hồi đó, Ranh Lâm Tây là vị trí đặt khu kho hậu cần của Mặt trận 44, gọi tắt là K.600. K.600 nằm giữa rừng già, nhà kho là một hang đá lớn, nơi thu nhận, lưu giữ hàng hóa, lương thực thiết yếu từ đồng bằng chuyển lên và cũng là nơi giao nhận hàng của các đơn vị đóng quân, hoạt động trong khu vực. Sự kiện ngày 25 tháng 4 năm 1969, khu kho bị ném bom do sơ suất của một số chiến sĩ về kho nhận hàng. Một chiếc máy bay trinh sát OV10 của Mỹ đã phát hiện một cột khói trên đỉnh rừng và một cuộc ném bom tàn khốc đã diễn ra ngay sau đó.

- Khi ấy ở trong hang, trung đoàn tôi có 4 người. 4 người còn lại là cán bộ, chiến sĩ của K.600. Họ đã bị mai táng sống khi một tảng đá dài 10 mét, cao 6 mét đổ trụt xuống bịt kín cửa hang. Mấy ngày sau, những người ở bên ngoài vẫn văng vẳng nghe thấy tiếng gọi khản đặc, tuyệt vọng của họ.

Tôi trân trối nhìn ông Cáp. Làm sao một sự kiện hệ trọng đến vậy mà bây giờ mới được nhắc tới. Mặc dù chỉ ở trong quân ngũ, ở chiến trường 10 năm, nhưng kể từ ngày Trung đoàn Tên lửa 575 được thành lập đến ngày giải thể, ông Cáp vẫn luôn coi 10 năm đó là 10 năm then chốt của cuộc đời mình. Năm nào, ông cũng dành dụm tiền trợ cấp để trở về thăm chiến trường cũ, gặp lại những người lính cũ, động viên con em họ tham gia Ban liên lạc mới. Theo ông, còn Đài tưởng niệm, còn Ban liên lạc có nghĩa là trung đoàn của ông, đồng đội của ông sẽ còn lại mãi mãi...

Ông Cáp bảo: Cơ thể con người ta được nuôi sống bằng cơm gạo nhưng thần thái con người lại được nuôi dưỡng bằng ký ức. Đánh mất ký ức là đánh mất một nguồn sống thiết yếu của con người. Ông đã nói như vậy khi đưa cho tôi danh sách của 4 liệt sĩ trung đoàn ông bị mắc kẹt trong hang đá sau trận bom ngày 25 tháng 4 năm 1969. Tôi đọc: 1. Hoàng Tiên Ngũ, sinh năm 1947, quê Hạ Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội; 2. Đặng Văn Phú, sinh năm 1948, quê xã Tân Hội, Đan Phượng, Hà Nội; 3. Nguyễn Văn Vinh, sinh năm 1945, quê xã Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Nội; 4. Nguyễn Huy Nhự, sinh năm 1944, quê xã Thanh Cao, Thanh Oai, Hà Nội.

Tất cả 4 người đều là người Hà Nội, thời gian chiến tranh quê hương họ thuộc đất Hà Tây quê lúa.

- Thế còn danh tính của 4 liệt sĩ khu Kho 600? Tôi hỏi.

- Bà Nguyễn Thị Sanh, cựu tù chính trị, hiện là cán bộ phụ nữ xã Đại Đồng cho tôi địa chỉ của bà Trương Thị Thanh Huyền, nguyên Trạm trưởng K.600, hiện đang sinh sống tại phường Tân An, thị xã Hội An. Bà Huyền cho biết, bà đã cùng bà Vũ Thị Lài, cán bộ thương nghiệp thời đó xác định danh tính của 4 liệt sĩ khu Kho 600 thuộc đơn vị của bà. Trong số 4 người có một người là nữ. Đó là các liệt sĩ: 1. Võ Thị Pháo, sinh năm 1951, quê xã Duy Vinh, Duy Xuyên, Quảng Nam; 2. Nguyễn Nhạ, sinh năm 1937, quê xã Đại Chánh, Đại Lộc, Quảng Nam; 3. Thái Quý Anh, sinh năm 1951, xã Hòa Khương, Hòa Vang, Đà Nẵng; 4. Đồng chí Vựng (chưa rõ họ), sinh năm 1951, quê xã Hòa Khương, Hòa Vang, Đà Nẵng.

Tháng 7 năm 2023, ông Cáp và 5 cựu binh của Trung đoàn 575 đã tìm về hang đá cũ. Cùng đi có Xã đội trưởng xã Đại Đồng và một sĩ quan tham mưu của Huyện đội Đại Lộc. Họ đã băng rừng 5 giờ để đến với hang đá, thắp những nén nhang đầu tiên tưởng nhớ 8 liệt sĩ trong sự hoang dại của rừng già. Ông Cáp bảo, sau 54 năm, cây rừng và dây leo đã bò phủ dày trên bề mặt của phiến đá.

Ông Cáp còn cho tôi biết, cách đây vài tuần, ông đã liên lạc với xã Đại Đồng, đề cập tới việc tiến hành dựng một cây nhang, khắc một tấm bia ghi tên các liệt sĩ dựng trước cửa hang. Nhưng sự việc lại không đơn giản như ông nghĩ. Trong công văn phúc đáp đề nghị của Ban liên lạc Trung đoàn 575, Uỷ ban nhân dân huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam do Phó Chủ tịch huyện Đặng Văn Kỳ ký ghi rõ: “Đền thờ liệt sĩ là nơi thờ và ghi danh các liệt sĩ được xây dựng ở nơi có chiến tích tiêu biểu. Nhà bia ghi tên liệt sĩ được xây dựng tại các xã, phường, thị trấn, quận huyện không có nghĩa trang liệt sĩ.

Căn cứ theo quy định trên, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc đã có nghĩa trang liệt sĩ nên không thể xây dựng nhà bia ghi tên liệt sĩ nơi 8 liệt sĩ hy sinh tại hang đá Ranh Lâm Tây, xã Đại Đồng, đây cũng không phải là trận chiến đấu tiêu biểu để xây dựng đền thờ liệt sĩ.

Do đó, nguyện vọng của Ban liên lạc chiến đấu Trung đoàn Pháo binh 575, Mặt trận 44 Quảng Đà về việc xây dựng bia ghi danh liệt sĩ của trung đoàn tại hang đá Ranh Lâm Tây không thể thực hiện được theo quy định tại Điều 151 của Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ.”

Tôi chợt nhớ lại lời kể của Trung tướng Phùng Khắc Đăng. Ông Đăng bảo ở Lạng Sơn, những người lính cũ của một đơn vị tác chiến thời chiến tranh biên giới đã góp công, góp của xây dựng một ngôi đền nhỏ nơi 200 liệt sĩ của đơn vị họ đã hy sinh, nhưng những người của hạt kiểm lâm lại đề nghị dỡ bỏ ngôi đền vì khu vực đó là rừng phòng hộ. Thật may mắn, điều tệ hại đó đã không xảy ra.

- Chúng tôi không mong hang đá ở Ranh Lâm Tây được như hang đá 8 cô ở Quảng Bình, nơi được dựng một đền thờ, trở thành một khu di tích rất nổi tiếng. 8 liệt sĩ của chúng tôi chỉ mong có được một cây nhang, một tấm bia, được cúng giỗ vào ngày 27 tháng 7 và các ngày lễ lớn của dân tộc, và cũng bởi hang đá Ranh Lâm Tây là một phần linh thiêng không thể thiếu của Đài tưởng niệm 800 liệt sĩ của trung đoàn chúng tôi.

Ngừng một lát, ông Cáp đột ngột bảo tôi:

- Ông là một nhà văn, nhà báo. Tiếng nói của các ông ít nhiều có tác động đối với đời sống, dư luận xã hội. Một xã không được có hai khu nghĩa trang, rừng phòng hộ không được xây dựng đền thờ liệt sĩ là điều cần được nghiên cứu, vận dụng, nhất là đối với những trường hợp đặc biệt. Năm ngoái, khi đứng khấn vái trước cửa hang, tôi như vẫn nghe văng vẳng tiếng gọi của 8 liệt sĩ. Họ đã chết dần, chết mòn, đau đớn và khắc khoải. Các ông hãy kêu lên một tiếng để đáp lại những tiếng gọi tuyệt vọng của họ.

Tôi sững sờ nhìn ông Cáp, một người cựu binh già đang mắc bệnh tiểu đường do phơi nhiễm chất độc hóa học của Mỹ, vẫn đang từng ngày, từng giờ sống với kỷ niệm, sống với ký ức về một thời hào sảng nhưng cũng tột cùng đau xót của đất nước.

Và tôi đã ghi lại cuộc trò chuyện này, viết vội bài báo này trong nỗi bức xúc, day dứt của một người sống sót sau cuộc chiến. Hy vọng các cơ quan chức năng của Tỉnh đội Quảng Nam, của Quân khu 5, những đơn vị không ngừng nghỉ trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đọc được nó và cũng cất lên một tiếng gọi trước Nghị định 131/2021 của Chính phủ và cũng để đáp lại tiếng gọi của 8 liệt sĩ Trung đoàn Tên lửa 575 và K.600 55 năm trước.

Người ta nói, một khi tiếng gọi được đáp lại bằng tiếng gọi thì điềm lành và sự may mắn sẽ mặc nhiên tìm đến.

Báo Văn Nghệ số 26/2024

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.