Diễn đàn lý luận

Nhà văn Nguyễn Trí Huân và tiểu thuyết " Chim Én còn bay mãi"

Trịnh Thanh Phong
Chân dung văn học
19:00 | 12/07/2024
Tiểu thuyết Chim Én Bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân viết khi đất nước đang ở thời kỳ vô cùng khó khăn, chiến tranh biên giới cam go ác liệt... Chuyện kể nhẹ nhàng, mỗi câu văn đều khéo léo, giản dị
aa

Tôi không có ý định viết những dòng này bởi với anh tôi là lớp tuổi dưới, dưới mà chơi vớ vẩn bị ông anh mắng hay lại nhếch miệng cười thì mắc cỡ… ở nhà đôi khi yên tĩnh tôi sực nhớ tiểu thuyết Chim Én bay của anh liền lục đọc lại.

Rất xúc động khi thấy mấy dòng chữ anh ghi bằng mực xanh lá cây: “Thân tặng Trịnh Thanh Phong - Cô cùng các cháu”. Mấy dòng chữ giản dị này gợi trong tôi những năm tháng tri kỷ cùng anh. Ấy là những năm tám mươi của thế kỷ trước, khi đất nước đang ở thời kỳ vô cùng cam go, đời sống thời bao cấp chia nhau từng cân gạo, lại chiến tranh biên giới ác liệt. Khi ấy anh mới chỉ là sĩ quan cấp úy, chưa có chức sắc gì cả và đang công tác ở tạp chí Văn nghệ quân đội. Trong những chuyến đi công tác phía bắc các anh thường ghé qua hội văn nghệ. Lúc bấy giờ là văn nghệ Hà Tuyên, cũng vừa được thành lập. Đời như có cái duyên, một chiều đông năm 1982, đoàn công tác của tạp chí Văn nghệ quân đội do nhà thơ Hữu Thỉnh, lúc ấy mới là Phó tổng biên tập, dẫn đầu từ Núi Bạc về có ghé hội văn nghệ. Nhà thơ Gia Dũng tranh thủ tổ chức ngay buổi gặp mặt tại căn phòng bé (Chỗ Đảng ủy khối cơ quan bây giờ) vì mới thành lập nên hội chưa có trụ sở. Một số anh em văn nghệ ở quanh thị xã được mời đến. Cũng không có chủ đề gì, chỉ vui vẻ gặp gỡ, giới thiệu tên tuổi các nhà văn rồi cùng uống nước, đọc thơ, kể chuyện cho nhau nghe, nhưng rất ấm áp, thú vị. Sau những dàn ca lớn của các bậc nổi danh như Hữu Thỉnh, Lê Lựu, Trần Ninh Hồ… thì đến lượt Nguyễn Trí Huân. Anh lẳng lẽ đứng dậy khẽ mỉm cười rồi bảo: Tôi viết văn xuôi, nhưng cũng đôi khi làm thơ, lần này lên biên giới cũng viết được một bài, xin đọc góp vui. Rồi giọng anh rất dõng dạc, từng câu thơ vang lên sang sảng… Hết bài thơ anh ngồi xuống. Căn phòng im lặng, tự nhiên tôi buột miệng: “Thơ anh như sắt, như thép, thằng giặc nghe cũng chạy mất dép rồi, cần gì súng đạn…”. Mọi người đổ cả ánh nhìn về chỗ tôi, tôi hơi ngài ngại, sợ mình nói gì thất thố… Nhưng Nguyễn Trí Huân lại khẽ mỉm cười, mặt hơi đỏ nhưng không nói gì… Chuyện trong căn phòng lại ran. Anh khẽ nhích lại gần chỗ tôi, giọng nhỏ nhẹ:

- Chú cũng làm ở hội à?

- Dạ, không. Em làm nghề giữ sách, đang ngụ ở thư viện trường Đảng tỉnh, nghe danh các anh thì tìm đến thôi. Câu nói em vừa buột, bác đừng để bụng nhé, nghe thế em nói thế chứ chả tỏ thơ văn nhiều đâu, thi thoảng cũng có cái truyện ngắn kiểu người tốt việc tốt, được gọi đến đây gặp các anh là vinh dự tự hào lắm…

Nguyễn Trí Huân không nói gì mặt anh hơi hồng lên cùng nụ cười mỉm. Rồi đến giờ chia tay, tôi theo chân các anh ra tận xe, khi chiếc Uwat rì rì chạy, Nguyễn Trí Huân ngó đầu ra cửa xe, tay vẫy, giọng kêu to: Trịnh Thanh Phong… Tôi nhìn theo xe, tự nhiên thấy nghẹn ngào…

Thời gian trôi, cứ ngỡ chả ai nhớ ai nữa, nhưng giời cho cái duyên thì nó cứ se vào. Một chiều cuối năm 1986 tôi vừa đóng cửa kho sách, đang định phi ra chợ mua cái gì về làm bữa tối thì thấy hai người vận đồ lính, khệ nệ hai cái bị to đến, nhận ra anh Nguyễn Trí Huân và Trung Trung Đỉnh. Tôi reo toáng nhưng trong lòng lại lo vì móc túi chỉ còn có mấy đồng bạc, gạo trong cái hũ cũng vét rồi, các lão đến giờ này là phải… bỏ mẹ thật nhưng tôi cũng kịp nghĩ ngay ra cách. Tôi vẫy cô bé thủ thư lại ghé tai: Mầy ra chợ mua cho anh đấu lạc, ít chân gà chỗ quán chị Duyên…

- Sao không mua cả con?

- Hết mẹ tiền rồi.

- Em góp nhé...

Rồi con bé đạp xe đi. Chỉ lát sau nó về, có đủ gà, rượu, lạc. Thế là mấy anh em lục đục nhóm bếp. Bữa nhậu hôm ấy vui tới khuya, khi chúng tôi lăn ra ngủ thì con bé thủ thư một mình dọn dẹp, mọi thứ lại ngăn nắp như thường.

Sáng hôm sau dậy, chưa đánh răng rửa mặt gì, tôi thấy lão Đỉnh lọ dọ mở nắp hai cái bị. Tôi bảo: Có gì cho nhau đấy? Lão Đỉnh cười.

- Có cái nợ đây. Rồi lão lôi trong bị ra một đống sổ tay rất đẹp và hàng tập lịch treo tết. Lão cười: Có tài gì thì đẩy hết đám này đi, để lại gốc nộp cơ quan, còn ngọn thì… Lão lại cười, tôi cũng cười theo rồi bảo:

- Cũng mắc đấy, ở đây toàn đám nghèo, để tôi hô cánh học viên…

Rồi cũng bán được vài tấm lịch, vài quyển sổ, chả bõ bèn gì. Nguyễn Trí Huân tần ngần rồi hỏi:

- Ngoài phố có nhiều ky ốt không?

Tôi chưa kịp nói gì thì Đỉnh cười:

- Cái thị xã bằng bàn tay, ốt với ky gì. Phong xem có mối nào, đắt rẻ cũng thả đi, mang “đầu máu” về làm gì.

- Ờ, thế thì ra chỗ quán gốc đa ăn lót rồi tôi dẫn đi. Đành vời mấy mụ hiệu sách vậy. Tôi có quen mụ Ngân giám đốc mà.

- Vậy, tốt rồi.

Thế là ba anh em thút mối hai cái bị, cho lên xe đạp phóng đi. Xong việc lót dạ ở quán cháo lòng gốc đa, hai lão cắm đầu đạp xe theo tôi ra thị xã. May, cửa hàng sách cũng vừa mở cửa. Thấy tôi mụ Ngân cười toáng

- Cậu có món gì mà ghé đây sớm thế? Vừa nói mụ vừa nhìn vào hai cái bị ở sau xe tôi.

- Dạ, hàng quý hiếm, chị không sài ngay là hết. Nói rồi tôi mở nút hai cái bị. Mụ Ngân ghé sát rồi lại cười toáng.

- Thứ này thiếu gì mà quý hiếm…

- Quý hiếm là nó của tạp chí Văn nghệ quân đội mà đích tay hai nhà văn chở lên đây.

- Hai nhà văn chắc gì đã là hàng… Thôi được, cậu mang vào chỗ kế toán, mỗi thứ lấy một nửa…

- Lấy hết cho…

- Chị lấy vậy thôi, thế là đã nể cái “quý hiếm” của hai ông nhà văn rồi. Vừa nói mụ vừa mời bọn tôi vào phòng. Để anh Huân và Đỉnh ở đó, tôi đẩy hàng vào phòng cô kế toán. Gạ gẫm mãi cuối cùng cô kế toán cũng đồng ý lấy cả. Thanh toán xong, tôi quay lại phòng mụ Ngân, thấy hai cái bị rỗng, mụ Ngân thừ mặt nhưng lại cười toáng. - Cậu có duyên với kế toán của tôi, thôi được, hàng này cũng không sợ ế. Anh Huân và Đỉnh đỏ mặt nhưng nhìn tôi có vẻ khoái. Xã giao vài câu chuyện rồi ba anh em xin phép rút.

Ra khỏi hiệu sách, anh Huân cười tủm: – Chú mày giỏi đấy…

- Giỏi chi bác, em phải lại quả cho nó chục bạc đấy, còn đây, vừa nói tôi vừa dúi gói tiền vào tay Đỉnh. Anh Huân lại tủm tỉm cười...

- Ra chợ xem có món gì lạ, trưa nay trả công chú Phong chứ.

- Chú Phong hay cô thủ thư, có khi lão Huân mê cô thủ thư ông ạ, kế hoạch lão tính đẩy xong hàng là xuôi luôn, thôi quay lại chỗ Phong nhậu, xuôi chuyến chiều cũng được.

Thế là ba anh em dắt nhau vào chợ, ngó nghé khắp dãy hàng thịt, hàng gà… thứ gì ưng thì túi tiền lại không chịu, lững thững đến phản thịt bò, ba anh em dừng lại. Cô chủ phản thịt nom cũng bắt mắt, mặt mày niềm nở: - Các anh ăn mông cho em đi, nạc, ngon lắm. Đỉnh cười: - Mông em thì nạc rồi nhưng cái túi của bọn anh cạn quá vả lại giữa thanh thiên bạch nhật thế này thì ăn “mông em” sao được… Mọi người cùng cười. Nguyễn Trí Huân chỉ vào cái lưỡi bò, chưa nói gì thì cô chủ nhanh nhảu: -Vâng, lưỡi này luộc nhừ, các anh phải hết can. - Ừ, tính tiền cho bọn anh đi. Cô chủ cười tít mắt rồi vớ cái lạt xâu cái lưỡi bò đưa cho tôi, giọng ngọt sớt. - Ba mươi lăm đồng ạ. Ba anh em nhìn nhau, nhưng Đỉnh cũng không cò kè mà móc túi sòng phẳng.

Trở lại lều bếp của tôi, cô thủ thư lại nổi lửa. Một đĩa đầy ụ bày lên cùng hai chai sáu lăm nữa. Tan nhậu cũng hơn một giờ chiều, Đỉnh mở túi kiểm lại ngân, mặt lão đỏ nhừ. Bỏ cha thâm vào gốc nửa chục, nhưng không sao. Khấu vào lương lão Huân là ổn. Đỉnh cười, Nguyễn Trí Huân cũng khẽ nhếch miệng rồi cùng thu xếp hành lý. Nhìn các anh tôi thấy tội tội vì thấy mình vô tích sự. Giúp các anh một tý lại làm tội nhiều tý! Nhưng mà thú vị, chả thế mà mỗi lần gặp lại tôi Nguyễn Trí Huân vẫn tủm tỉm cười và nhắc lại chuyện cái lưỡi bò!...

Chút kỷ niệm riêng kể lại cho vui, bây giờ tôi quay lại với tiểu thuyết Chim Én Bay mà anh ghi tặng tôi.

Nhà văn Nguyễn Trí Huân  và tiểu thuyết
Tiểu thuyết Chim Én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân

Quả thực quyển sách này tôi đã gặp nó ngay từ ngày xuất bản (1988) nhưng chỉ đọc lướt qua để viết vài dòng giới thiệu với độc giả rồi xếp lên giá theo chuyên môn của người làm thư viện. Nó cũng nhòa dần trong ký ức theo năm tháng. Bây giờ có tuổi mở lại thấy bút tích của anh ghi tặng, xúc động quá và cứ thế ngồi đọc liền mạch. Đọc đến trang cuối rồi lại lật lại trang đầu. Một cảm xúc vừa lạ vừa quen cứ xâm lấn làm lòng tôi chộn rộn. Chim Én Bay nhìn từ văn bản cuốn tiểu thuyết thì không thấy cái mới lạ, Nguyễn Trí Huân thể hiện bằng lối kể truyền thống, lớp lang cũng chỉ vẹn hai tuyến nhân vật. Một bên là thằng Giám Tuân, kẻ chiêu hồi tàn độc, nham hiểm, một bên là Quy (mà trong tiểu thuyết thường gọi là Chị). Không gian tiểu thuyết ở gọn trong một làng ấp, thời gian là khoảng những năm 1969.

Có thể tóm tắt gọn câu chuyện như thế này: Thằng Giám Tuân xuất thân cũng là cán bộ cách mạng, cùng hoạt động với cha của nhân vật Chị. Gia cảnh chị sau khi bà mẹ mất chỉ còn lại bốn cha con với bao nhiêu cảnh ngộ bị đảo lộn, Anh Dương đi du kích tối ngày mới về, chị Hảo phải gánh công việc chính trong nhà, còn Chị thì mới mười ba, mười bốn tuổi. Căn hầm bí mật giấu anh Dương làm ở dưới cái giếng, bao lần kẻ địch lùng sục nhưng vẫn an toàn. Đến khi thằng Giám Tuân chiêu hồi thì bị lộ: “buổi sáng nó cùng mấy thằng dân vệ khệ nệ khiêng cái thùng to đến, khi ấy cha Chị đang ngồi ăn cơm…” (tr.13). Thằng Giám Tuân trở giọng vừa tình nghĩa, vừa uy hiếp nhưng không làm lay chuyển ý chí của cha chị. Cuối cùng nó đặt cái thùng to xuống giếng rồi cho phát nổ. Một cánh tay anh Dương bắn lên tận sườn đồi. Tang tóc trùm phủ xuống ngôi nhà. Phải tính chuyện trả thù cho anh, chị Hảo lặng lẽ vắng nhà và sau khi thực hiện phi vụ diệt thằng Giám Tuân không thành, Hảo bị bắt và bị thằng Giám Tuân tra tấn dã man rồi cho xe kéo xé xác! Cái chết của chị Hảo làm người cha đau đơn không còn sức gánh vác công việc gia đình nữa, từ đây Chị phải đứng ra làm chủ sự gia đình. Ở trong ngôi nhà đang ấm cúng bây giờ tan nát, u ám, đau buồn… Chị cũng lớn dần, mỗi lần hình ảnh cái chết của anh Dương và chị Hảo cùng sự đau đớn của người cha hiện lên, Chị lại tính phải trả thù, và Chị đã tìm đến đội Chim Én. Đội Chim Én lúc bấy giờ có 5 người do anh Cường làm chỉ huy. Ở đây Chị được rèn luyện, học tập nhưng mỗi khi thấy máu người Chị lại sợ cùng với nỗi lo người cha già ở một mình, Chị phân vân, anh Cường là một chỉ huy rất nghiêm khắc nhưng lại giàu tình nghĩa, thấu nỗi băn khoăn của Chị, anh gợi ý cho chị về với Cha, khi trở về thì cha chị và ngôi nhà cũng tan nát, cha mất, nhà cửa không còn, lý do này khiến Chị không thể bỏ cuộc. Chị lặng lẽ trở lại đội Chim Ém. Chị tự cao lớn, sắt đá hơn, quyết tâm phải trả mối thù với thằng Giám Tuân và cuối cùng Chị cũng được anh Cường giao cho nhiệm vụ ấy… Nhưng khi tiếp cận tới xào huyệt của thằng Giám Tuân, mặc dù khẩu súng của Chị đã nhằm thẳng vào nó, nhưng Chị không thể bóp cò vì nó đang bế đứa con trai của nó. Lúc ấy vợ nó chạy lại kêu to: Chạy đi. Chị đã chạy và thoát ra khỏi nhà nó. Mấy ngày sau thì Chị bị thằng Giám Tuân lập kế bắt ở chợ. Chúng đưa Chị về ấp tra tấn dã man và cho hai thằng đồ tể phá nát đời con gái của Chị (khi đó Chị mới mười lăm tuổi). Ngày thoát khỏi trại giam, mối thù với thằng Giám Tuân trong Chị càng cao ngất. Chị quyết phải trả thù. Lần thứ hai Chị lại được giao nhiệm vụ, lần này đích thân anh Cường cùng Chị thực hiện. Thằng giám Tuân bị Chị bắn trúng nhưng không chết, nó được cứu chữa, khỏe mạnh lại và còn được lên chức. Nếu cứ để nó sống thêm ngày nào thì cán bộ bí mật của ta còn bị nó sát hại, phong trào cách mạng trên quê hương sẽ tổn thất to lớn hơn. Đội Chim Én quyết tâm phải diệt nó càng sớm càng tốt. Lần nữa Chị tiếp tục nhận nhiệm vụ này. Bằng mưu trí của mình Chị đã qua mắt bọn cảnh vệ và lọt vào xào huyệt của thằng Giám Tuân. Nó đã ăn đủ băng đạn của Chị. Chị đã hoàn thành nhiệm vụ của đội Chim Én và trả được mối thù nhà...

Khi đất nước thống nhất Chị từ Côn Đảo trở về, được đi du học tại Liên Xô, được phong danh hiệu anh hùng và được làm chủ tịch hội phụ nữ tỉnh. Nếu câu chuyện chỉ kể đến đây thì chả có gì lạ, những người chiến thắng sẽ hả lòng hả dạ… Nhưng sau cuộc chiến, khi con người ta không còn ngày đêm lùng sục tìm nhau chém giết nữa, cuộc sống trở lại yên bình, con người ta lại trở về với những ước mơ giản dị, những mối quan hệ anh em, xóm giềng vốn có, cùng mỗi tổ ấm hạnh phúc của mình. Chị cũng không ở ngoại lệ này. Dù được đặt vào vị trí xứng đáng với công lao của mình, nhưng mỗi khi nghĩ đến một tổ ấm hạnh phúc, lòng Chị luôn hoang vắng, đơn độc. Chị khát khao có một tổ ấm như bao người nhưng giời không cho bởi sau những đòn tra tấn của kẻ thù, Chị hoàn toàn không còn khả năng sinh đẻ, người Chị luôn đặt niêm tin, hy vọng có một chỗ dựa vững chắc là anh Cường, đội trưởng đội Chim Én. Nhưng anh đã cưới vợ vì không thể chấp nhận sự thực chị bị vô sinh mặc dù anh luôn yêu thương chị. Chị thấu tỏ và không hề trách cứ anh, nhưng lòng chị luôn bị nỗi cô đơn dày xé, nhiều khi chị cũng muốn uống một liều bả để chết như vợ thằng Giám Tuân, nhưng chị không thể làm điều đó vì tận sâu kín trong lòng chị vẫn còn le lói niềm hy vọng dù nó rất nhỏ nhoi, và niềm hy vọng ấy của chị cũng được bù đắp khi nhận được một bức thư của người đàn ông ở trung đoàn Sao Vàng. Anh đã từng sống và chiến đấu trên quê hương chị. Trong thư anh bày tỏ rõ quan điểm của anh với chị khi anh đang nằm điều trị vết thương ở bệnh viện 108 và hẹn sang tháng giêng anh sẽ về thăm chị, anh còn nói: “Con cái là hạnh phúc không thể thiếu trong đời sống vợ chồng, nhưng tuyệt nhiên nó không phải là tất cả. Chị đã ôm lá thư trên ngực nhiều đêm nhưng không khỏi thấp thỏm lo mình còn sức để chờ đến tháng giêng!...”. (tr. 205). Dù biết vậy nhưng chị vẫn hy vọng. Chị lấy công việc để vượt lên nỗi cô đơn và cũng cố gắng làm được một việc gì góp cho mối quan hệ làng xã, xóm giềng ngày càng đầm ấm, xóa đi những khoảng cách hận thù do chiến tranh gây ra, làm cho con người ngày càng xích lại gần nhau để cùng chung tay xây dựng quê hương đất nước. Ý nghĩ này luôn xuyên suốt tâm lòng chị và cũng không hiểu sao những suy nghĩ ấy lại thúc giục chị muốn tìm lại gia cảnh những thằng ác ôn mà chính đội Chim Én của chị đã trừng phạt. Lẽ này làm nhiều người không hiểu và chính chị cũng không tự giải thích được nhưng chị phải làm và chị đã từ chối đề nghị của thầy giáo hiệu trưởng ở trường huyện khi mời chị đến nói chuyện về truyền thống đánh giặc của cha anh mà chị từng là người trong cuộc với một lý do rất đơn giản: Chị sợ trong đám trẻ ấy lại có con cháu của những thằng ác ôn ngày nào… Chị không nỡ… Chị hủy bỏ chuyến đi đó mặc dù đã công phu chuẩn bị bài nói rất sâu sắc…

Chị tìm đến nhà thằng Giám Tuân. Những nghịch cảnh đập ngay vào mắt chị khi vừa đến cổng. Một đám trẻ đang liệng đất, liệng đá vào mái nhà nó rồi đuổi đứa con trai của thằng Giám Tuân đấm đá, mẹ nó chỉ đứng nhìn. Chị nhắc đám trẻ không được làm thế, chúng đều đồng thanh: Cô bênh chi, nó là con thằng ác ôn… Chị lặng người và cứ thế đi vào nhà, vợ thằng Giám Tuân đứng ngẩn nhìn chị. Chị thấy trên cái bàn mốc mác mấy quyển vở, chị mở xem toàn điểm chín, mười. Chị muốn chia sẻ với vợ thằng Giám Tuân nhưng chưa tìm được sự đồng thuận. Chị về, những ý nghĩ phải làm sao cho làng xã kết về một mối, ai cũng có việc làm, trẻ cùng nhau được đến trường… những ý nghĩ đó càng gấp gáp, thôi thúc chị, nhất là sau lần vợ thằng Giám Tuân đến chỗ chị làm việc, bà ta nói: “Không phải đến để cầu xin gì, chỉ gặp để chia sẻ…” và sự nghiệt ngã từ cái chết của bà ta tại bệnh viện mà chị được chứng kiến!... Sự thật này càng làm lòng chị cắn dứt, dày vò hơn. Chị quyết đi tìm thằng nhỏ con Giám Tuân, và chị thấy nó ở khu chợ trong buổi tế lễ cúng cháo, thằng nhỏ ở với thím Huỳnh, một người có họ mạc với vợ thằng Giám Tuân. Nhờ thím Huỳnh chị đã gặp được nó và nó cũng thấu tỏ lòng Chị. Chị đã tìm đến trường học gặp thầy giáo hiệu trưởng, may thầy giáo hiệu trưởng lại chính là người trước đây đã mời chị đến nói chuyện về truyền thống đánh giặc của quê hương... Gặp lại chị lúc này thầy giáo hiệu trưởng hình như tỏ hơn lòng chị nên câu chuyện chị đề xuất cho con thằng Giám Tuân được học hành thông thoáng hơn. Chia tay nhà trường và thím Huỳnh, chị hứa về sẽ lo toan đủ sách vở gửi cho thằng bé nhưng khi về đến cơ quan thì căn bệnh cố hữu từ sau những đòn tra tấn của kẻ thù ập đến. Chị được đưa đến bệnh viện và lại được nằm ngay trên cái giường bệnh mà vợ thằng Giám Tuân đã trút hơi thở cuối cùng… và cuối cùng, sau nhiều lần quằn quại với những cơn đau bệnh tật, Chị cũng trút hơi thở cuối cùng ngay chính trên cái giường đó. Trong lúc hấp hối chị vẫn dặn anh Cường: “Em còn ít tiền ở ngân hàng, anh gửi cho thím Huỳnh!... Sang giêng!...”.

Chuyện ngừng kể tại đây nhưng nó cứ bắt người đọc thả tâm theo Chị trên bầu trời đầy cánh én cùng những day dứt đó của chị, và cũng chính từ đây, một vấn đề lớn tự hiện ra. Ấy là mục tiêu hòa hợp, hòa giải dân tộc của nước nhà sau hậu chiến liệu có được giải quyết thấu tình để cùng xóa đi mọi nỗi hận thù, con người kết về một mối, cùng chung tay xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh… Chủ đề này được xuyên suốt nội dung tiểu thuyết Chim Én Bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân. Nó đụng chạm đến nhiều vấn đề phức tạp không thể khắc phục một sớm một chiều...

Chuyện kể nhẹ nhàng, mỗi câu văn đều khéo léo, giản dị. Sự khéo léo, giản dị như chính tác giả sống hàng ngày với mọi người. Nhờ đó sách mới ra được cùng bạn đọc ở thời điểm những năm tám mươi thế kỷ trước, nhưng những vấn đề trong tiểu thuyết Chim Én Bay đặt ra đến bây giờ vẫn nóng hổi, vẫn day dứt cùng Chị tận mãi cuối miền mây trắng!

Nhớ Hoàng Cát - nhà thơ "đi xe máy một chân" Quán Tươi - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Tuân Tươi tắn Đỗ Chu - Bút ký chân dung của nhà văn Tô Hoàng Sứ mệnh của nhà văn trước nhân tính và tự do, dân chủ Nhà văn Nguyễn Khải: Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...