Đó là một nền văn học rộng mở, tự do và khai phóng. Có thể thấy có các khuynh hướng khác nhau ở thời kì này. Đó là văn học hiện sinh, marxist, nữ quyền, phân tâm học, phản chiến...
Văn học miền Nam 1954 - 1975 hình thành và phát triển trong tư thế hội nhập sâu rộng với văn hóa, văn học phương Tây và thế giới. Đó là một nền văn học rộng mở, tự do và khai phóng. Có thể thấy có các khuynh hướng khác nhau ở thời kì này. Đó là văn học hiện sinh, marxist, nữ quyền, phân tâm học, phản chiến... Ở đó, văn học dịch là một hợp phần, một phương tiện quan trọng. Có hai hợp phần trong dịch thuật, gồm dịch các lí thuyết văn học và dịch văn học hư cấu (fictional literature). Về các lí thuyết văn học (và triết học), có thể kể đến chủ nghĩa hiện sinh, hiện tượng luận, cơ cấu luận (cấu trúc luận), phân tâm học, tiểu thuyết Mới (Nouveau Romance)..., với các dịch giả, nhà nghiên cứu Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Văn Trung, Trần Thiện Đạo, Phạm Công Thiện, Tam Ích, Nguyên Sa Trần Bích Loan... Đó là các lí thuyết của M. Heidegger, E. Husserl, S. Kierkegard, J. P. Sartre, A. Camus, A. Robbet - Grillet...
![]() |
Một số tác phẩm văn học dịch xuất bản trước 1975. |
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 20 năm văn học miền Nam, có đến trên dưới 2000 tựa sách được dịch. Theo Võ Phiến, “năm 1972, sách dịch chiếm 60% tổng số sách ra đời, năm 1973, sách dịch tiến lên 80%”(1). Các tạp chí văn học nổi tiếng đều đăng tải phê bình và các bản dịch văn học nước ngoài. Đó là các tạp chí Bách khoa, Văn, Vấn đề, Văn học, Trình bày... Tạp chí Văn nổi tiếng có hàng chục số đặc biệt và các nhà văn nước ngoài, như về A. Camus, M. Cholokhov, Aleksandr Solzhenitsyn, M. Proust, S. de Beauvoir... Thời kì này, kĩ thuật in và xuất bản rất phát triển. Riêng Sài Gòn có tới “150 nhà xuất bản” và “hàng ngàn nhà in”(2). Có các nhà xuất bản tiếng tăm, in rất nhiều sách dịch như Sống Mới, Khai Trí, Lá Bối, An Tiêm, Trí Đăng, Nguyễn Đình Vượng, Thái Độ, Trình Bày... Ngay từ giữa thập niên 1950, dịch giả Mặc Đỗ đã nói đến ý nghĩa lớn lao của dịch thuật văn học. Theo ông, “nó mở ra lâu đài tư tưởng của toàn thế giới”(3) cho độc giả Việt Nam. Văn học dịch, với ông, rất quan trọng, vì chúng “phổ biến tư tưởng của văn gia quốc tế trong đại chúng độc giả Việt Nam”(4). Ông kêu gọi nhà nước tài trợ cho dịch giả và “nắm lấy công việc phiên dịch”(5). Thời kì này, hầu hết các tác phẩm lớn, có giá trị về tư tưởng và kĩ thuật của các nền văn học quan trọng đều được dịch ra Việt ngữ. Nói cách khác, các nền văn học được dịch có tính toàn cầu, khắp các châu lục nhưng được đặc biệt quan tâm là văn học Pháp, văn học Mỹ, Anh, Nga. Ngoài ra, còn có văn học Mỹ Latin, Nhật Bản, châu Phi... Có thể kể đến các tác phẩm được dịch như: Anh em nhà Karamazov (Dostoievski - Vũ Đình Lưu dịch, Nguồn Sáng xb, 1972), Anna Karenine (Tolstoi - Mạc Thái Phong dịch, Đất Sống xb, 1972), Vụ án, Hóa thân (Franz Kafka - Vũ Hạnh và Chương Ngọc dịch, Thời Mới xb, 1966), Khúc hát dâng đời (Thơ dâng) (R. Tagore - Phạm Hồng Dung, Phạm Bích Thủy dịch, Nguồn Sáng xb, 1969, 1972), Ông già và biển cả (Ngư ông và biển cả) (E. Hemingway - Trương Bảo Sơn dịch, Gió Bốn Phương xb, 1968), Hoàng tử bé (Saint Exupéry-Exupéry - Bùi Giáng dịch, An Tiêm xb, 1973), Dịch hạch (La Peste) (A. Camus - Võ Văn Dung dịch, 1971), Con người hào hoa (Gatsby vĩ đại) (The Great Gatsby) (Scott Fitzgerald - Mặc Đỗ dịch, Quan Điểm xb, 1956), Bác sĩ Zhivago (Boris Pasternak - Văn Tự và Mậu Tử dịch, Huế, 1960), Miền đất hung bạo (Đất dữ) (Violent Land) (Jorge Amado - Diễm Châu dịch)... Các dịch giả lừng danh, có thể kể ra là: Ngọc Thứ Lang, Nguyễn Vỹ, Vũ Đình Lưu, Mai Thảo, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên, Lê Thanh Hoàng Dân, Vi Huyền Đắc, Bửu Ý, Lê Ngọc Trụ, Nguyễn Thạch Kiên, Cô Liêu, Mặc Đỗ, Tầm Nguyên, Hoàng Ngọc Khôi, Lệ Thanh, Phạm Công Thiện, Nguyễn Hiến Lê, Thái Bình Dương, Võ Viết Chuẩn, Nguyễn Minh Hoàng, Vũ Kim Thư, Phạm Kim Khôi, Bùi Quang Đông, Hoài Khanh, Hoàng Thu Uyên, Thạch Chương, Vũ Đình Lưu, Lý Quốc Sinh, Liêu Quốc Nhĩ, Nguyễn Hữu Hiệu, Huỳnh Phan Anh, Tràng Thiên... Như vậy là có một đội ngũ các dịch giả hùng hậu, đông đảo. Họ được đào tạo bài bản, khoa học. Dù có một số ngôn ngữ được dịch như tiếng Đức, tiếng Trung nhưng hai ngôn ngữ chính được dịch là tiếng Anh và tiếng Pháp. Một số tác phẩm văn học Hàn Quốc, Nhật Bản... được dịch qua hai thứ tiếng này. Các dịch giả tiếng Pháp được học, nghiên cứu tiếng Pháp trong các trường Pháp - Việt thời tiền chiến và trong các bậc học sau 1954, một số du học ở Pháp. Tiếng Anh thời đó, ngày càng có vai trò quan trọng, được giảng dạy ở các bậc học, là phương tiện mưu sinh. Có một số dịch giả tự học, như học giả Nguyễn Hiến Lê. Phần lớn các dịch giả, như Nguyễn Hiến Lê, coi dịch thuật là một nghề, là sinh kế. Do vậy, có một đội ngũ dịch giả chuyên nghiệp. Họ không chỉ có đam mê. Họ dốc toàn lực vào trang sách dịch, đem hết khả năng của mình ra để vì tình yêu văn học và tiền bạc.
Thời kì 1954 - 1975, trong văn học miền Nam, vẫn còn hiện tượng phóng tác trong văn học, chứ không chỉ có ở thời tiền chiến hay thời khởi đầu của văn học hiện đại. Bên cạnh đó, vẫn còn phỏng dịch, lược dịch, như trường hợp nhà văn Hoàng Hải Thủy. Có trường hợp dịch phóng khoáng, bay bướm, không theo sát bản gốc/nguyên tác, như trường hợp Bùi Giáng. Trong khi đó, các dịch giả như Trần Phong Giao, Trần Thiện Đạo..., luôn lấy tiêu chí trung thực, tôn trọng triệt để nguyên tác làm hàng đầu trong dịch thuật. Điều này sẽ gây khó khăn cho chính các dịch giả, vì không phải lúc nào cũng có thể có tương đương về cấu trúc, cú pháp, từ vựng giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ được dịch. Do vậy, dịch trang nhã, theo cảm thức tiếng Việt cần được quan tâm.
Văn học dịch ở miền Nam thời kì này có ảnh hưởng lớn lao đến sáng tác và phong cách sống trong xã hội. Nguyễn Vy Khanh cho rằng: “Nếu không có các tác phẩm văn học dịch và sách phê bình, lí luận văn học Âu Mỹ, thì đã không có những Võ Phiến, Thanh Tâm Tuyền, Chu Tử, Trùng Dương, Nguyễn Thị Hoàng, Thế Nguyên, Diễm Châu, Huỳnh Phan Anh...”(6). Một minh chứng là bản dịch Bonjour, Tristesse (Buồn ơi, chào mi!) (Françoise Sagan - Nguyễn Vỹ dịch, 1959) và các bản dịch lí thuyết, triết học hiện sinh, phân tâm học... đã góp phần tạo ra phong trào hippie trong xã hội và không khí chán chường, mệt mỏi, yêu đương bất chấp các quy phạm truyền thống, sự nổi loạn, sống phóng túng, ham muốn tình dục, coi đời là vô nghĩa trong văn học, nhất là trong tiểu thuyết Nguyễn Thị Hoàng, Chu Tử, Thế Uyên, Trùng Dương... Tiểu thuyết Tiếng chim vườn cũ (Nguyễn Mộng Giác, Trí Đăng xb, 1973) chịu ảnh hưởng sâu đậm của thuyết phân tâm học. Nhân vật chính bị ám ảnh bởi sang chấn tuổi thơ và xung động tình dục.
Văn học dịch thời kì này rực rỡ bởi trước hết, nó đã đáp ứng được nhu cầu văn học, thị hiếu (goût, taste) của công chúng. Thị hiếu văn học đã thay đổi. Công chúng không còn mặn mà, thích thú với thơ, tiểu thuyết sướt mướt của Thơ Mới, Tự lực văn đoàn, truyện Nôm đạo đức và truyện anh hùng/tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc. Con người đã trở nên phức tạp về mặt ý thức, tâm lí. Công chúng vì thế hướng đến các dòng văn học phân tích bản thể, tự phức hợp của tâm lí, các vấn đề thân phận, ý nghĩa của sự tồn tại, những đau khổ trong đô thị hiện đại, sự mong manh của kiếp người, đặc biệt là trong chiến tranh và bản năng con người. Vì thế mà không phải ngẫu nhiên, tiểu thuyết hiện sinh (existentialism) của A. Camus, F. Kafka, J. Sartre, F. Sagan... được dịch và tiếp nhận sâu rộng. Bên cạnh đó, độc giả mới còn có nhu cầu hiểu biết các nền văn học trên thế giới, với văn hóa sinh hoạt, xã hội, con người, tư duy các dân tộc, nhất là ở phương Tây, Bắc Mỹ, được chuyển tải qua văn học. Họ còn muốn thư giãn, giải trí bằng văn học mới lạ, trong điều kiện các phương tiện giải trí khác như truyền hình, âm nhạc, điện ảnh... chưa phát triển nhiều cho lắm. Tiếp đến, kinh doanh sách là ngành kinh tế phát đạt ở miền Nam thời kì này. Có tới hàng trăm, hàng ngàn công ty, nhà xuất bản, cơ sở in ấn, phát hành, tổ chức bản thảo. Có những nhà kinh doanh sách nổi tiếng như Nguyễn Văn Thành, Khai Trí, Thế Nguyên. Du Tử Lê gọi ông Khai Trí là “ân nhân”(7) của giới văn nghệ sĩ ở Sài Gòn trước 1975. Sách dịch/tác phẩm văn học được coi là hàng hóa, dù là hàng hóa đặc thù, nằm trong chuỗi cung ứng văn học dịch gồm dịch - in ấn - phát hành - phê bình/điểm sách dịch - tiêu thụ. Các nhà kinh doanh sách lúc đó chưa bị ràng buộc bởi bản quyền theo Công ước Berne (1886) nên rào cản thương mại không cao, lợi nhuận nhiều. Và cuối cùng, văn học dịch phát triển mạnh là nhờ có sự đầu tư, khích lệ của chính quyền. Có các tổ chức thúc đẩy văn học dịch như Asian Foundation, Asian Culture Association, Ủy ban dịch thuật, Hội đồng chấm giải dịch thuật, Giải thưởng dịch thuật toàn quốc. Năm 1970, giải này được trao cho dịch giả Tuấn Minh, với bản dịch Người xa lạ (L’ Étranger) (A. Camus - Sống Mới xb, 1970).
Văn học miền Nam 1954 - 1975 là một hợp phần của văn học Việt Nam thế kỉ XX. Nó bổ sung cho văn học marxist ở miền Bắc cùng thời kì và cùng với bộ phận văn học này, làm phong phú, đa dạng, đa sắc màu và sự giàu có cho văn học dân tộc. Văn học dịch thời kì này phát triển rực rỡ, đa diện, đa khuynh hướng, góp phần quan trọng vào việc hình thành và triển nở của các khuynh hướng văn học viết. Các quá trình này là kinh nghiệm văn học đáng chú tâm cho văn học Việt Nam đương đại.
---------------
(1) Võ Phiến, Văn học miền Nam, Tổng quan, Người Viet Books, 2014, tr 291.
(2) Võ Phiến, Sđd, tr 104.
(3), (4), (5) Mặc Đỗ, Công việc dịch văn, Tạp chí Sáng Tạo, số 1, tháng 10-1956, tr 21-22.
(6) Nguyễn Vy Khanh, Văn học miền Nam 1954 - 1975, Tổng quan, Quyền thượng, Nhân Ảnh, 2019, tr 523.
(7) Du Tử Lê, Những tùy bút cuối cùng, Phan Book, 2019, tr 188.