Diễn đàn lý luận

Tiếp nhận tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương

Đỗ Hải Ninh
Lý luận phê bình
16:38 | 06/10/2024
Baovannghe.vn - Tác phẩm Nguyễn Bình Phương được giới nghiên cứu, phê bình quan tâm bởi bản thân nó mang chứa cái mới, cái lạ, cái riêng để có thể thử nghiệm
aa

Nguyễn Bình Phương xuất hiện ban đầu với tư cách một nhà thơ (cuối thập niên 1980 đã có thơ đăng Báo Văn nghệ) nhưng tiểu thuyết của ông được chú ý nhiều hơn, tạo nên dư luận đa chiều và thể hiện những xu hướng tiếp nhận khác nhau. Trong vòng 30 năm, từ khi tiểu thuyết đầu tay Bả giời (1991) [18] ra đời, đến cuốn tiểu thuyết mới nhất Một ví dụ xoàng (2021) [28], Nguyễn Bình Phương liên tục và bền bỉ sáng tác, định hình một phong cách riêng. Bài viết này nhìn lại quá trình tiếp nhận tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương nhưng không chỉ là sự hệ thống những cách đọc, những nhận định, khen chê, mà qua đó có thể quan sát những chuyển động của một chặng đường văn học.

1. Những cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Nguyễn Bình Phương xuất hiện từ năm 1991 và đã có không ít người cảm nhận được cái hay, cái mới của cây bút này, nhưng phải đến năm 2000 Nguyễn Bình Phương mới trở thành hiện tượng nổi bật vì: a/ Như lí giải của Thụy Khuê, "lối viết mới lạ của Nguyễn Bình Phương không dễ ngấm vào một công chúng quen đọc truyện theo lối "cổ điển", b/ Từ sau năm 2000 mới thực sự có một bối cảnh văn hóa, văn học phù hợp cho sự tiếp nhận tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, và c/ Hiệu ứng từ sự kiện truyện ngắn Đi trên Báo Văn nghệ Trẻ của Nguyễn Bình Phương khiến tác giả trở thành cây bút “có vấn đề” [22]. Với những cuốn tiểu thuyết đầu tiên Bả giời [18], Vào cõi [19], Những đứa trẻ chết già [20], Nguyễn Bình Phương không tạo nên hiệu ứng tiếp nhận nổi bật ngoại trừ một số bài giới thiệu sách trên các báo [29]. Lí giải của Thụy Khuê về “lối viết mới lạ”, không quen với người đọc đương thời như trên không chỉ đúng riêng đối với Những đứa trẻ chết già mà còn với các tác phẩm khác của Nguyễn Bình Phương. Nhiều nhà nghiên cứu phê bình sau Thụy Khuê cũng cùng chung nhận định này [Xem 8, 11, 30]. Tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương với những câu chuyện mơ hồ, khó hiểu về một miền đất lạ lùng, hỗn mang, đầy những huyền thoại hoang đường, những nhân vật “khùng điên”, kì dị, và đặc biệt là cách kể chuyện phức tạp làm “rối trí” người đọc là thứ xa lạ với mĩ cảm của người đọc vốn quen với những câu hỏi Tác phẩm viết về đề tài gì? Phản ánh hiện thực nào? Cốt truyện ra sao? Đây là những câu hỏi không dễ trả lời đối với tiểu thuyết kiểu Nguyễn Bình Phương.

Cùng với Phạm Xuân Nguyên[2], Thụy Khuê là nhà nghiên cứu “phát hiện” Nguyễn Bình Phương ngay từ đầu những năm 2000. Trong chùm bài “Khuynh hướng hiện thực huyền ảo trong tiểu thuyết Những đứa trẻ chết già”, “Những yếu tố của Tiểu thuyết Mới trong tác phẩm Trí nhớ suy tàn”, “Tính chất hiện thực linh ảo âm dương trong tiểu thuyết Người đi vắng”, Thụy Khuê đánh giá rất cao tác phẩm của Nguyễn Bình Phương: “Tiểu thuyết Người đi vắng, tác phẩm thứ nhì của Nguyễn Bình Phương, in năm 1996, bốn năm sau cuốn Những đứa trẻ chết già, đem lại cho người đọc một kỳ ngạc, kỳ ngộ pha lẫn kỳ vọng, bởi, sau Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, có lẽ đây là tác giả thứ ba trỗi dậy trong vòng 15 năm nay, như một giá trị khai phá đích thực

Những chú ý dành cho Nguyễn Bình Phương nhiều hơn từ tiểu thuyết Người đi vắng [21] và Trí nhớ suy tàn [23]. Thời điểm năm 2000 có thể coi là mốc quan trọng trong quá trình tiếp nhận tiếp tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương: Từ đây, Nguyễn Bình Phương chính thức bước vào sân khấu tiểu thuyết như một nhân vật chính, một hiện tượng được quan tâm mổ xẻ, được khẳng định mạnh mẽ nhưng cũng không thiếu những ý kiến phê bình nặng nề[1]. Cùng với Phạm Xuân Nguyên[2], Thụy Khuê là nhà nghiên cứu “phát hiện” Nguyễn Bình Phương ngay từ đầu những năm 2000. Trong chùm bài “Khuynh hướng hiện thực huyền ảo trong tiểu thuyết Những đứa trẻ chết già”, “Những yếu tố của Tiểu thuyết Mới trong tác phẩm Trí nhớ suy tàn”, “Tính chất hiện thực linh ảo âm dương trong tiểu thuyết Người đi vắng”, Thụy Khuê đánh giá rất cao tác phẩm của Nguyễn Bình Phương: “Tiểu thuyết Người đi vắng, tác phẩm thứ nhì của Nguyễn Bình Phương, in năm 1996, bốn năm sau cuốn Những đứa trẻ chết già, đem lại cho người đọc một kỳ ngạc, kỳ ngộ pha lẫn kỳ vọng, bởi, sau Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, có lẽ đây là tác giả thứ ba trỗi dậy trong vòng 15 năm nay, như một giá trị khai phá đích thực” [14]. Có thể nói, sự “phát hiện” của Thụy Khuê rất quan trọng khi bà đặt Nguyễn Bình Phương sau những cây bút nổi bật nhất của văn học đổi mới (như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài), đồng thời gợi ý cách đọc mới, liên hệ với Tiểu thuyết Mới, với khuynh hướng văn học hiện thực huyền ảo. Tiếng nói của Thụy Khuê được biết đến rộng hơn nhờ sự phát triển của các trang mạng, tìm được nhiều đồng cảm của người đọc trong nước nhưng cũng vô tình dựng nên hàng rào ngăn cách với tác phẩm Nguyễn Bình Phương ở một số người đọc khác. Sau này, khi giới phê bình đã viết rất nhiều về Nguyễn Bình Phương, Thụy Khuê vẫn tiếp tục theo dõi và phát hiện những điểm mới trong hành trình tiểu thuyết của cây bút này.

Tiếp nhận tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương
Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Bình Phương

Cũng vào thời điểm năm 2000, khi Nguyễn Bình Phương bắt đầu rơi vào “tầm ngắm” của giới nghiên cứu phê bình, đã xuất hiện những ý kiến mang tính “đối thoại” trên báo chí. Nguyễn Hòa trong bài Một cách lý giải thực trạng tiểu thuyết Việt Nam đương đại [6] chỉ ra thực tế trong tiếp nhận những tác phẩm “cách tân” ở thời điểm đó: những tiểu thuyết ra đời như là kết quả của những khát vọng cách tân kiểu Những đứa trẻ chết già (Nguyễn Bình Phương), Cơ hội của Chúa (Nguyễn Việt Hà) đã không tìm được sự đồng cảm của số đông”. Vấn đề “không tìm được sự đồng cảm của số đông”, hay là đa số người đọc chưa đón nhận vẫn còn là một câu chuyện của đời sống văn học thời gian tiếp sau đó nhưng rõ ràng là Nguyễn Bình Phương đã bắt đầu được chú ý đến như một cây bút thuộc khuynh hướng cách tân.

2. Với Thoạt kỳ thủy [24] và Ngồi [25], Nguyễn Bình Phương thực sự trở thành hiện tượng gây tranh luận của tiểu thuyết đương đại. Nếu như ở nước ngoài, Thụy Khuê tiếp tục mạch giải mã những tác phẩm mới của Nguyễn Bình Phương thì trong nước cũng đã tiếp tục những cảnh báo về lối viết cách tân của Nguyễn Bình Phương và những cây bút văn xuôi đương đại khác như ý kiến của Nguyễn Hòa: “Lẽ ra, để góp phần “nâng cấp” và thay đổi, làm phong phú thói quen của người đọc trong điều kiện dân trí đã phát triển, người viết văn xuôi nói chung, người viết tiểu thuyết nói riêng (rộng hơn là cả người làm thơ) cần từng bước thay đổi lối viết với những tìm tòi mới thì ngược lại, đa số tác giả lại hầu như chỉ quan tâm đến việc “kể sao cho hay hơn”, vô tình góp phần củng cố thói quen tiếp nhận đã khá ổn định của người đọc. Đưa tới hệ lụy là tiểu thuyết ra đời như kết quả của những khát vọng cách tân đã không tìm được sự đồng cảm của số đông. Phải chăng các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương (Những đứa trẻ chết già, Trí nhớ suy tàn, Thoạt kỳ thủy...), gần đây là của Thuận (Phố Tàu) đã nằm trong trường hợp này? Vả lại tôi nghĩ, khi cố gắng cách tân chưa có sự đột biến trong tư duy thể loại, vẫn chỉ là những tìm tòi mang tính hình thức thì chuyên chú với hướng đi ấy chưa hẳn đã có thành tựu” [7]. Ở đây nhà phê bình tiếp tục chú ý tới việc tiểu thuyết cách tân “không tìm được sự đồng cảm của số đông”, bởi “vẫn chỉ là những tìm tòi hình thức” chứ chưa phải là “đột biến trong tư duy thể loại”. Tuy nhiên, lặng lẽ và “lì lợm” trước những cảnh báo, Nguyễn Bình Phương tiếp tục cho ra mắt tiểu thuyết Ngồi trở thành tác phẩm được chú ý đặc biệt, khen hết lời và chê cũng nặng nề, thậm chí những đánh giá đều được đẩy đến cực đoan: Phạm Xuân Thạch trong bài “Tiểu thuyết như là trạng thái tìm kiếm ý nghĩa của đời sống - (đọc Ngồi của Nguyễn Bình Phương)” nhận định: “Có lẽ Ngồi không thuộc loại tiểu thuyết dành cho những tâm hồn ngây thơ và đơn giản, những tâm hồn tìm kiếm sự thoải mái từ những câu chuyện ngụ ngôn, những cuộc phiêu lưu giả tưởng và chân lý “prêt - à - porter” (đồ may sẵn, đem về nhà mặc). Không thể là cái gì khác nó là một tiểu thuyết về chính đời sống của chúng ta. Nó mờ ảo và phức tạp, lộn xộn và rối mù như đời sống của chúng ta. Nó không là một chân lý về đời sống mà là một tiểu thuyết về chính cái trạng thái kiếm tìm ý nghĩa của đời sống. Nó là một cuộc mời gọi đặt vấn đề phản tư về đời sống và ý nghĩa của đời sống. Nó là một tiểu thuyết bắt người ta phải suy tư và làm điều ấy, nó xứng đáng là một tiểu thuyết và một tiểu thuyết xuất sắc” [30]. Nhận định có tính thách thức này đã lập tức được phản hồi. Trong bài trả lời Phạm Xuân Thạch, Nguyễn Huy Thông không đồng tình với sự đánh giá cao đó, ông chỉ ra những hạn chế đáng phê phán của tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương như “hiện thực xã hội được miêu tả trong Ngồi một cách rời rạc, vụn vặt”, “chỉ thấy màu của những cái xấu”, “tác giả sa vào tự nhiên chủ nghĩa tự nhiên một cách trầm trọng, nhất là khi miêu tả quá tỷ mỉ các trận chửi bới, những cuộc làm tình rất kích dâm, kích dục, khêu gợi những thị hiếu và bản năng tầm thường, thấp hèn của con người” [36]. Quan sát cuộc đối thoại Phạm Xuân Thạch - Nguyễn Huy Thông, Nguyễn Hòa trong bài tổng kết văn chương 2006 đã coi tiểu thuyết Ngồi là “liều thuốc thử” đối với lý luận phê bình Việt Nam: Vào dịp cuối năm, từ việc đọc mấy bài phê bình tiểu thuyết Ngồi của Nguyễn Bình Phương, tôi những nghĩ đây là “liều thuốc thử” đối với lý luận - phê bình Việt Nam đương đại. Trong khi có tác giả sử dụng các công cụ lý thuyết mới để “giải mã” tác phẩm theo các chiều nghĩa khác nhau như Phạm Xuân Thạch, thì Nguyễn Huy Thông - một cây bút “già tuổi đời, non tuổi nghề” lại đánh giá cuốn sách theo một chiều nghĩa trần trụi của nó để đưa ra những quy kết nặng nề. Khó có thể nói thành lời khi được mục kích “nhà phê bình” so đo giữa hiện thực tác phẩm và hiện thực cuộc sống để đưa ra kết luận kiểu như: “xạo quá trời” [8]. Qua nhận xét trên, có thể thấy Nguyễn Hòa đã từ chỗ nhận thấy tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương “không tìm được sự ủng hộ của số đông” trong các bài viết trước đây đến chỗ ủng hộ cách đọc bằng “công cụ lý thuyết mới” của Phạm Xuân Thạch. Từ trường hợp của tác giả phê bình này, có thể thấy sự thay đổi trong tâm thái tiếp nhận tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương nói riêng và các tác giả “cách tân” nói chung. Đó cũng là sự chuyển biến của đời sống lí luận, phê bình văn học nghệ thuật Việt Nam khi ngày càng có ý thức đón nhận “công cụ lý thuyết mới để giải mã tác phẩm theo các chiều nghĩa khác nhau”.

Tiếp nhận tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương

Ngoài những ý kiến đánh giá cao Nguyễn Bình Phương [43], dư luận khen chê về Ngồi cũng xới lên nhiều vấn đề của văn học Việt Nam đương đại. Trong bài trả lời phỏng vấn “Sẽ chẳng có ma nào đọc Ngồi” [3], Nguyễn Đình Chính bày tỏ nỗi thất vọng khi đọc tiểu thuyết này: “Ngồi gọi là mới nếu đặt cạnh những tiểu thuyết viết theo trường phái hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nhưng Ngồi không có gì là mới cả nếu đặt nó trong dòng chảy tiểu thuyết của nhân loại cuối thế kỉ XX và đầu thế kỉ XXI. Đọc một tiểu thuyết nguyên bản tiếng Pháp của một nhà văn có tên loằng ngoằng nào đó ở Paris thì tìm được cách tiếp cận Ngồi”. Như vậy có thể thấy, mặc dù nhận xét Ngồi không mới so với tiểu thuyết thế giới cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI, và đọc tiểu thuyết Pháp sẽ hiểu được Ngồi, rõ ràng Nguyễn Đình Chính cũng đã thừa nhận khả năng bắt nhịp với văn học thế giới đương đại của tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương. Văn học Việt Nam do một thời gian dài phát triển trong điều kiện chiến tranh, tập trung hướng tới mục tiêu chung nên hạn chế trong việc giao lưu, tiếp nhận văn học thế giới, đặc biệt là văn học phương Tây. Nhận định tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương khiến cho người đọc có thể liên tưởng tới tiểu thuyết Pháp hay tiểu thuyết thế giới cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI chính là sự ngầm khẳng định tính hiện đại của cây bút này. Tuy nhiên, đến tận năm 2010, Bùi Công Thuấn trong bài “Ngồi và những thể nghiệm thất bại” đã cố gắng chỉ ra những nhược điểm của tiểu thuyết này: Ngồi khó đọc và không hấp dẫn, “Ngồi khó đọc không phải vì nó chứa đựng những tư tưởng cao siêu, những hình tượng lớn lao quá tầm với của trí tuệ, những tri thức mà nhân loại chưa vươn tới, hay những cách tân nghệ thuật ở Việt Nam chưa từng có. Ngồi khó đọc, đơn giản chỉ vì kỹ thuật trình bày cuả tác giả” [38]. Theo Bùi Công Thuấn, “Ngồi không có một cốt truyện hấp dẫn”, “hoặc Nguyễn Bình Phương sa vào sự suy đồi Hậu Hiện Đại, hoặc anh đã không hiểu bản chất của văn chương là nghệ thuật ngôn từ”, Ngồi “không phản ánh chân thực đời sống xã hội Việt Nam hôm nay, mà chỉ ghi lại một vài hiện tượng nhếch nhác của một bộ phận nổi trên mặt của hiện thực ấy”. Tuy nhiên, cách đọc định kiến, quy tác giả vào “suy đồi hậu hiện đại” hoặc “không phản ánh chân thực đời sống xã hội Việt Nam” không thực sự đem lại hiệu quả trong nghiên cứu, phê bình văn học đương đại, cũng không thuyết phục trong bối cảnh văn học đầu thế kỉ XXI. Bên cạnh đó, Ngồi cũng là một trong những tiểu thuyết bị phê phán bởi yếu tố tính dục gây sốc đối với độc giả, ngôn ngữ thông tục suồng sã được chuyển thẳng vào tác phẩm[3]. Đây chính một trong những vấn đề được xới lên, bàn thảo khá nhiều trong văn học thập niên đầu thế kỉ XXI nói chung. Từ trường hợp của Ngồi, mặc dù vẫn còn những ý kiến khác nhau, thậm chí chê bai khá gay gắt nhưng xu hướng cơ bản vẫn là tìm hiểu, khẳng định những nỗ lực cách tân tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương [2]. Những ý kiến đối thoại như vậy lại khiến người đọc tìm đến tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương nhiều hơn.

Các nghiên cứu về tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương tập trung vào các vấn đề như: a/ Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương tiêu biểu cho xu hướng cách tân tiểu thuyết, vượt thoát khỏi lối viết truyền thống. b/ Nguyễn Bình Phương là tác giả đại diện cho một thế hệ nhà văn thành công ở đầu thế kỉ XXI, một hiện tượng của tiểu thuyết thế hệ mới. c/ Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương mở ra “chân trời đón đợi” (horison of expectation ) của những cách đọc, những cách tiếp cận mới.

3. Năm 2011, Xe lên xe xuống được Diễn đàn thế kỷ (California USA) xuất bản và đến năm 2014, tác phẩm này được in lại với tên Mình và họ. Đây là bước ngoặt trong hành trình sáng tác của Nguyễn Bình Phương đồng thời cho thấy nhiều tín hiệu mới của đời sống văn chương Việt Nam, từ xuất bản đến tiếp nhận. Mình và họ được dư luận chú ý bởi hướng đến sự kiện còn bỏ ngỏ trong văn học (chiến tranh biên giới phía Bắc) và được đánh giá cao ở phương diện nghệ thuật như là một trong các tác phẩm hay nhất của Nguyễn Bình Phương. Cuốn tiểu thuyết này được trao giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2015, được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải nhất giải thưởng Sáng tác về biên giới, biển đảo giai đoạn từ 1975 đến nay năm 2020. Sự ghi nhận cùng lúc của người đọc (giới nghiên cứu phê bình) và các thiết chế văn học (hệ thống giải thưởng của các hội đoàn văn học) cho thấy hành trình tiếp nhận tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương đã từ chỗ mâu thuẫn gay gắt đến cho đến nay đã tương đối đồng thuận (qua các bài viết trên báo chí, qua xu hướng nghiên cứu Nguyễn Bình Phương ở các trường đại học và trung tâm nghiên cứu). Sự khó đọc, khó hiểu của tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương giờ đây đã không còn là vấn đề gây trở ngại cho độc giả nữa. Thậm chí, còn có ý kiến lo ngại về sự “cũ đi” của Nguyễn Bình Phương trong các tiểu thuyết sau đó. Nhìn chung cho đến nay, Mình và họ vẫn tiếp tục nhận được phản hồi tốt và đánh giá cao từ cả độc giả và giới phê bình [16].

4. Trên thực tế, lời tiên đoán “Sẽ chẳng có ma nào đọc Ngồi” vẫn không làm bớt đi các ý kiến thảo luận và nghiên cứu về tiểu thuyết này nói riêng, sáng tác của Nguyễn Bình Phương nói chung, qua các nghiên cứu của học viên cao học, nghiên cứu sinh ở các trường Đại học và nhiều công trình bài viết nghiên cứu về văn học đầu thế kỉ XXI [Xem 37, 32, 1, 4, 17]. Theo quan sát của chúng tôi, tại Thư viện Đại học Sư phạm Hà Nội có khoảng 40 luận văn, bài viết về Nguyễn Bình Phương được lưu trữ, tại Thư viện Đại học Sư phạm Hà Nội 2 có khoảng 17 luận văn nghiên cứu Nguyễn Bình Phương hoặc so sánh Nguyễn Bình Phương với các nhà văn đương đại. Các tác phẩm của Nguyễn Bình Phương hầu như đều đã được tái bản 2-3 lần[4], điều đó cũng cho thấy nhu cầu đọc Nguyễn Bình Phương của công chúng không ít.

Các nghiên cứu về tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương tập trung vào các vấn đề như: a/ Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương tiêu biểu cho xu hướng cách tân tiểu thuyết, vượt thoát khỏi lối viết truyền thống. b/ Nguyễn Bình Phương là tác giả đại diện cho một thế hệ nhà văn thành công ở đầu thế kỉ XXI, một hiện tượng của tiểu thuyết thế hệ mới. c/ Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương mở ra “chân trời đón đợi” (horison of expectation ) của những cách đọc, những cách tiếp cận mới.

Tiếp nhận tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương
Nhà văn Nguyễn Bình Phương. Ảnh: Thiên Điểu.

Đầu những năm 2000, chủ đề đổi mới tư duy tiểu thuyết được bàn luận khá nhiều trên các báo, tạp chí văn học nghệ thuật (Báo Văn nghệ, Tạp chí Nhà văn, Tạp chí Nghiên cứu văn học). Cũng từ sau năm 2000, Nguyễn Bình Phương mới được nhắc đến nhiều hơn trong các bài viết nghiên cứu, phê bình. Chúng ta biết rằng trước đó, vào thời điểm đầu Đổi mới những tranh luận xoay quanh vấn đề văn nghệ và hiện thực, vai trò của nghệ sĩ,... nhưng sau thành công rực rỡ của mùa giải 1991 với Mảnh đất lắm người nhiều ma, Nỗi buồn chiến tranh, Bến không chồng, văn học có dấu hiệu “chững lại”. Trong đời sống văn học đã có những hiện tượng, tác phẩm bị đưa ra mổ xẻ, phê phán vì sự không phù hợp với văn hóa truyền thống, không “phản ánh đúng hiện thực” hoặccó cái nhìn tiêu cực(chẳng hạn như các tiểu thuyết Miền hoang tưởng (Đào Nguyễn), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Nổi loạn (Đào Hiếu), Cơ hội của Chúa (Nguyễn Việt Hà). Người cầm bút giai đoạn trước và sau 2000 đối diện với tình thế buộc phải tự tìm đến những cách thức nghệ thuật khác trước để thể hiện ý tưởng nghệ thuật của mình. Họ cũng ý thức được yêu cầu cần thiết thoát khỏi những khung khổ chật hẹp để vươn tới những chân trời sáng tạo. Trong lí luận phê bình văn học, từ cuối thập niên 90, hướng tiếp cận thi pháp học, tự sự học đã trở thành xu hướng chiếm ưu thế trong việc giải mã các hiện tượng văn học đương đại, chẳng hạn như Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài. Không gian văn hóa và bối cảnh thời đại cũng có ý nghĩa quan trọng trong hành trình tiếp nhận hiện tượng Nguyễn Bình Phương, nếu như trước đó những thủ pháp nghệ thuật như kì ảo, đồng hiện, lạ hóa, còn khá xa lạ thì ngày càng trở nên quen thuộc. Với internet và các trang mạng, người đọc, nhà phê bình có thêm nhiều không gian và tự do hơn trong việc công bố quan điểm của mình bởi vậy, những bài viết về Nguyễn Bình Phương xuất hiện và được cộng hưởng trên rộng rãi (như talawas.org, thuykhue.fr, evan, tienve.org…).

Nhìn lại hành trình tiếp nhận tác phẩm Nguyễn Bình Phương, ngoại trừ truyện ngắn Đi gặp sự cố, những tiểu thuyết của ông chủ yếu đều được bàn luận về phương diện nghệ thuật kể chuyện, yếu tố tính dục, ngôn ngữ thông tục,… Những ý kiến về sự phản ánh hiện thực (như của Nguyễn Huy Thông) trở nên yếu ớt trong bối cảnh văn học đầu thế kỉ XXI. Với sự đều đặn xuất hiện của các cuốn tiểu thuyết, mỗi lần xuất hiện Nguyễn Bình Phương đều thu hút sự chú ý và được đặt trong bối cảnh văn học chung: Nguyễn Chí Hoan với bài viết “Cấp độ hiện thực và sự hão huyền của ý thức trong Thoạt kỳ thủy”[9], “Những hành trình qua trống rỗng” [10]. Phùng Gia Thế: “Những dấu ấn hậu hiện đại trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương”, “Cảm nhận tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương” [33], “Tiểu thuyết đương đại - một “cuộc chơi” khó” [34]. Phùng Văn Tửu: “Kỹ thuật tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương trong Trí nhớ suy tàn” [42]. Nhiều tác giả cũng đi đến khái quát về phong cách sáng tác và cá tính sáng tạo Nguyễn Bình Phương như: Trương Ngọc Hân với “Một số điểm nổi bật trong sáng tác Nguyễn Bình Phương” [5], Nguyễn Thanh Trường, Trương Văn Lâm với “Cá tính sáng tạo của Nguyễn Bình Phương” [41], Đoàn Ánh Dương với “Lục đầu giang tiểu thuyết” [2], Liễu Trương với “Kỳ ảo của Nguyễn Bình Phương” [40]. Các bài viết đều nhận ra bút pháp kì ảo được Nguyễn Bình Phương lựa chọn đã tạo nên đặc sắc của cây bút này. Bên cạnh xu hướng nghiên cứu yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong nỗ lực hóa giải mối quan hệ văn học - hiện thực, hướng tiếp cận từ phê bình phân tâm học cũng rất thành công trong việc lí giải sáng tạo nghệ thuật của nhà văn. Đoàn Cầm Thi trong bài viết “Sáng tạo văn học giữa mơ và điên” làm sáng tỏ một phương diện nổi bật nhất trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương: “Nguyễn Bình Phương có lẽ là nhà văn Việt Nam đương đại đã đẩy cuộc thăm dò này đi xa nhất. Vô thức chiếm vị trí trọng tâm trong Thoạt kỳ thủy, được diễn tả trong một văn phong chậm, ngắn, chính xác, phản ánh một tư duy đang khảo sát, chiêm nghiệm. Đặc biệt, nó được xem xét trong mối quan hệ với điên và mộng, là hai trạng thái trong đó vô thức hoạt động tích cực nhất, và lại khá gần nhau” [35]. Đây sẽ là một hướng nghiên cứu tiềm năng được nhiều người thử nghiệm, chẳng hạn như “Yếu tố vô thức nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương” [39], “Những mộng tưởng Thoạt kỳ thủy” [12],… Các công trình này chủ yếu tiếp cận từ phân tâm học văn bản, chỉ ra những ám ảnh, vô thức trong thế giới nhân vật, ngôn ngữ tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, cho thấy khả năng nắm bắt thế giới sâu thẳm trong tâm hồn con người của nhà văn và sự thể hiện nó bằng ngôn ngữ nghệ thuật điêu luyện.

Tiếp nhận tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương
Tác phẩm Một ví dụ xoàng của Nguyễn Bình Phương được trao giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2021.

Những nghiên cứu về tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương vẫn được tiếp tục trong những thế hệ người đọc tiếp sau. Gần đây, những tác phẩm ở giai đoạn đầu của Nguyễn Bình Phương cũng được những người đọc xới lại. Đặc biệt trong Tọa đàm Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong chuyển động của văn học Việt Nam đương đại, Bảo Ninh, Phạm Xuân Nguyên nhắc lại những cảm nhận đánh giá của các nhà văn thế hệ trước về Nguyễn Bình Phương khi tác giả mới xuất hiện trên văn đàn [13]. Trong tọa đàm này, ngoài cuốn tiểu thuyết mới nhất Một ví dụ xoàng đang là tâm điểm chú ý thì Thoạt kỳ thủy lại được tiếp tục mổ xẻ với hướng tiếp cận từ lí thuyết chấn thương hay phân tâm học đã gợi mở những suy ngẫm và đối thoại thú vị (Vũ Kiều Chinh, Đặng Thị Thái Hà, Lê Thu Trang). Hướng nghiên cứu so sánh cũng sẽ mở ra những chiều kích mới cho tiếp nhận tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, chẳng hạn như bài viết của Đoàn Cầm Thi đặt vấn đề so sánh Ngày cuối cùng của một tử tù (Victor Hugo) với Một ví dụ xoàng, Kể xong rồi đi (Nguyễn Bình Phương).

Có thể thấy, trước năm 2000 sự tiếp nhận Nguyễn Bình Phương khá dè dặt nhưng từ sau 2000 đã có sự khác biệt hoàn toàn. Không phải không có những người đã rất tinh tế nhận ra tố chất đặc biệt của cây bút này (theo lời kể của Bảo Ninh, Nguyễn Quang Sáng đã chú ý từ năm 1993). Nhìn lại quá trình đọc Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của một người sáng tác, Phạm Ngọc Tiến lên tiếng về sự “im tiếng” trước tác phẩm Nguyễn Bình Phương: “Tiểu thuyết Những đứa trẻ chết già là bước tiến vượt bậc của anh nhưng chỉ được giới văn chương tiếp nhận dè dặt, đặc biệt là sự im tiếng của cánh phê bình. Cánh này chỉ khi Nguyễn Bình Phương thành danh với một loạt tiểu thuyết không lẫn vào ai thì họ mới ào ạt tiếp cận với đủ chủng loại lý luận gán vào thậm chí là phong thánh cho tác giả một mình một ngựa một con đường này” [31]. Thực sự thì trước đó dẫu đã có không ít người cảm nhận được sự khác lạ của tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương nhưng chưa chỉ rõ đó là gì, chưa lí giải cặn kẽ. Nếu dùng những công cụ lí thuyết truyền thống để đọc Nguyễn Bình Phương thì sẽ không giải quyết được bởi rất khó để trả lời tác phẩm của ông có phản ánh đúng hiện thực hay không, viết về đề tài gì, cốt truyện ra sao, nhân vật điển hình nào? Khi văn học đổi mới đã đi qua giai đoạn đầu, những khuynh hướng lí thuyết được đón nhận rộng rãi cũng là khi tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương được lí giải một cách bài bản, kĩ lưỡng hơn. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của các phương tiện thông tin đại chúng, internet, sự phát triển của các trang mạng văn học những năm đầu thế kỉ XXI tạo nên hiệu ứng rộng rãi, tạo môi trường cho những ý kiến tranh luận được va chạm. Việc đào xới, mổ xẻ tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương bằng những công cụ lí thuyết mới như hậu hiện đại, phân tâm học, huyền thoại học, lí thuyết biểu tượng, lí thuyết chấn thương, lí thuyết diễn ngôn, lí thuyết trò chơi không phải là “gán vào” hay “phong thánh” cho tác giả, đó là những cách giải mã một hiện tượng văn chương phức tạp trong một giai đoạn văn chương mới.

Tác phẩm Nguyễn Bình Phương được giới nghiên cứu, phê bình quan tâm bởi bản thân nó mang chứa cái mới, cái lạ, cái riêng để có thể thử nghiệm những lí thuyết mới, kiểm chứng những xu hướng nghiên cứu khác nhau. Qua đó cũng có thể thấy được khả năng đáp ứng “tầm đón đợi” của người đọc và độ mở của văn bản tiểu thuyết.

Hiện nay, tác phẩm của Nguyễn Bình Phương được chuyển ngữ sang tiếng nước ngoài chưa nhiều, gồm có Thoạt kỳ thủy, Trí nhớ suy tàn (bản dịch tiếng Pháp đã xuất bản), Mình và họ (bản dịch tiếng Anh và tiếng Hàn). Tên tuổi Nguyễn Bình Phương được biết đến chủ yếu ở nước ngoài qua các giới thiệu của nhà xuất bản Riveneuve (Pháp), hay trang Mekong Review. Bảo Ninh cũng hơn một lần giới thiệu Nguyễn Bình Phương trên diễn đàn quốc tế. Tuy nhiên độc giả quốc tế vẫn chưa biết nhiều đến tác giả tiểu thuyết này, nhiệm vụ là cây cầu nối đưa Nguyễn Bình Phương đến với độc giả quốc tế sẽ cần đến vai trò của các dịch giả và giới nghiên cứu phê bình trong và ngoài nước.

5. Từ việc quan sát quá trình tiếp nhận tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương từ khi mới xuất hiện đến nay, có thể thấy những vấn đề nổi trội như sau:

Thứ nhất, tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương được chú ý và được ghi nhận ở phương diện cách tân nghệ thuật, được người đọc, nhà phê bình các thế hệ sau tiếp nhận, đến nay vẫn có những cách tiếp cận mới. Ý kiến về Nguyễn Bình Phương ở giai đoạn đầu có những luồng khen chê trái ngược, thậm chí có phê bình khá nặng nề (Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Huy Thông, Bùi Công Thuấn) nhưng không có những tranh luận đối đầu nảy lửa, không có hiện tượng bị quy chụp như một số cây bút khác. Nguyễn Bình Phương trở thành minh chứng tiêu biểu cho xu hướng cách tân nghệ thuật tiểu thuyết, cho sự đổi mới tư duy tiểu thuyết và tâm thức hậu hiện đại. Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương là “vỉa quặng” dồi dào cho những cách tiếp cận mới: phân tâm học, kí hiệu học (nghiên cứu biểu tượng), lí thuyết chấn thương, v.v…

Thứ hai, những người chọn đọc và đánh giá cao tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương là những người quan tâm tới đổi mới tư duy tiểu thuyết. Tác phẩm Nguyễn Bình Phương được giới nghiên cứu, phê bình quan tâm bởi bản thân nó mang chứa cái mới, cái lạ, cái riêng để có thể thử nghiệm những lí thuyết mới, kiểm chứng những xu hướng nghiên cứu khác nhau. Qua đó cũng có thể thấy được khả năng đáp ứng “tầm đón đợi” của người đọc và độ mở của văn bản tiểu thuyết.

Thứ ba, quan sát hành trình tiếp nhận Nguyễn Bình Phương không chỉ là điểm lại đánh giá, khen chê về một hiện tượng văn học mà qua những thăng trầm trong cách đọc tác giả đó cũng thấy được tiến trình của lịch sử văn học. Từ chỗ là một cây bút cô độc, đơn thương độc mã đến khi trở thành một hiện tượng nổi bật của văn học đương đại, tiếp nhận tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương cho thấy sự trưởng thành và thích nghi của người đọc, sự đa dạng hóa gu thẩm mĩ.

Cuối cùng, xuất hiện từ thập niên 90 của thế kỉ XX nhưng thực sự được quan tâm từ sau năm 2000, tác phẩm của Nguyễn Bình Phương phù hợp với đối tượng độc giả xuất hiện sau năm 2000, lớp độc giả trẻ sẵn sàng đón nhận cái mới. Nguyễn Bình Phương luôn được xuất hiện trong những cuộc điểm danh thế hệ, gắn với một thế hệ nhà văn mới sung sức và giàu khát vọng sáng tạo, táo bạo trong cách tân nghệ thuật. Những đánh giá về tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương cũng đại diện cho sự xung đột giữa hai xu hướng tiếp nhận mà sau đó xu hướng cổ vũ lối viết mới đã chiếm ưu thế và Nguyễn Bình Phương đã dần đi vào trung tâm của văn học Việt Nam hai thập niên đầu thế kỉ XXI.

Tài liệu tham khảo

[1] Thái Phan Vàng Anh (2017), Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI lạ hóa một cuộc chơi, Nxb. Đại học Sư phạm Huế.

[2] Đoàn Ánh Dương (2008), “Lục đầu giang tiểu thuyết”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 4, tr.63-82.

[3] Lý Đợi phỏng vấn Nguyễn Đình Chính (2006), “Sẽ chẳng có ma nào đọc Ngồi”, nguồn: Thể thao văn hoá, Lý Đợi ghi ngày 16/11.

[4] Hoàng Cẩm Giang (2010), “Vấn đề nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 4 (458), tr.90-104.

[5] Trương Ngọc Hân, Một số điểm nổi bật trong sáng tác Nguyễn Bình Phương.

[6] Nguyễn Hòa (2000), “Một cách lý giải thực trạng tiểu thuyết Việt Nam đương đại”, Tạp chí Nhà văn, số 8.

[7] Nguyễn Hòa (2005), “Tiểu thuyết, khoảng cách giữa khát vọng và khả năng thực tế”, nguồn: chungta.net. 2005

[8] Nguyễn Hòa (2006), “Văn chương 2006 chuyển dịch trong sự nhiễu loạn”, nguồn: https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/van_chuong_2006_chuyen_dich_trong_su_nhieu_loan-4.html?fbclid=IwAR16HSoKGU7P7SpVx3LGrK-nbAFaKGsR2Ck1cWnTlJxbypKL15IJLDdtiPE

[9] Nguyễn Chí Hoan (2004), “Cấp độ hiện thực và sự hão huyền của ý thức trong “Thoạt kỳ thủy”, Báo Người Hà Nội, số 33, ngày 13/8.

[10] Nguyễn Chí Hoan (2009), Bút ký một người đọc sách, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.

[11] Nguyễn Mạnh Hùng (2003), Người đi vắng, ai đọc tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương”.

[12] Nguyễn Quang Huy (2011), “Những mộng tưởng Thoạt kỳ thủy”, Tạp chí Sông Hương, số 274.

[13] K. (2021), “Sáu năm những đứa trẻ chết già: Tôi dịch Nguyễn Bình Phương sang tiếng Anh như thế nào”.

[14] Thụy Khuê (2002), Sóng từ trường II.

[15] Phạm Xuân Nguyên (2000), Văn xuôi dài một chặng đường (Tư liệu tác giả cung cấp).

[16] Đỗ Hải Ninh (biên soạn) (2019), Tự sự về chiến tranh trong văn học Việt Nam đương đại, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội.

[17] Đỗ Hải Ninh (2021), “Nhìn lại tiểu thuyết Việt Nam hai mươi năm đầu thế kỷ XXI”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 10, tr.34-47.

[18] Nguyễn Bình Phương (1991), Bả giời, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội.

[19] Nguyễn Bình Phương (1991), Vào cõi, Nxb. Thanh niên, Hà Nội.

[20] Nguyễn Bình Phương (1994), Những đứa trẻ chết già, Nxb. Văn học, Hà Nội.

[21] Nguyễn Bình Phương (1999), Người đi vắng, Nxb. Văn học, Hà Nội.

[22] Nguyễn Bình Phương (1999), “Đi”, Báo Văn nghệ Trẻ, số ra ngày 10/01.

[23] Nguyễn Bình Phương (2000), Trí nhớ suy tàn, Nxb. Thanh niên, Hà Nội.

[24] Nguyễn Bình Phương (2004), Thoạt kỳ thủy, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.

[25] Nguyễn Bình Phương (2006), Ngồi, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng.

[26] Nguyễn Bình Phương (2014), Mình và họ, Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.

[27] Nguyễn Bình Phương (2017), Kể xong rồi đi, Nxb. Hội Nhà văn - Nhã Nam, Hà Nội.

[28] Nguyễn Bình Phương (2021), Một ví dụ xoàng, Nxb. Hội Nhà văn - Tao Đàn, Hà Nội.

[29] Võ Văn Thành (1995), “Những đứa trẻ chết già”, Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 12.

[30] Phạm Xuân Thạch (2006), “Tiểu thuyết như là trạng thái tìm kiếm ý nghĩa của đời sống - (Đọc Ngồi của Nguyễn Bình Phương)”, Báo Văn nghệ, số 45.

[31] Phạm Ngọc Tiến (2021), Người đi vắng của văn chương, nguồn: https://vanvn.vn/nguyen-binh-phuong-nguoi-di-vang-cua-van-chuong/, bài đăng ngày 10/5.

[32] Bùi Việt Thắng (2005), Tiểu thuyết đương đại, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội.

[33] Phùng Gia Thế (2008), “Cảm nhận tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương”, Văn nghệ Trẻ, số 2 & 3, ngày 13 & 20/1.

[34] Phùng Gia Thế (2008), “Tiểu thuyết đương đại - một “cuộc chơi” khó”, Văn nghệ, số 15, ngày 12/04.

[35] Đoàn Cầm Thi (2005), “Sáng tạo văn học: giữa mơ và điên - Đọc Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương”, in trong: Đọc “Tôi” bên bến lạ, Nxb. Hội Nhà văn, Nhã Nam, 2016, tr.75-88.

[36] Nguyễn Huy Thông (2006), “Về cuốn tiểu thuyết Ngồi của Nguyễn Bình Phương”, Báo Văn nghệ, số 51 ngày 23/12, tr.9.

[37] Bích Thu (2006), “Một cách tiếp cận tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 11, tr.15-28.

[38] Bùi Công Thuấn (2011), “Ngồi và những thể nghiệm thất bại?”, in trong Những dòng sông vẫn chảy, Nxb. Hội Nhà văn, tr.218 -244.

[39] Nguyễn Đức Toàn (2016), “Yếu tố vô thức nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 381, tháng 3.

[40] Liễu Trương (2016), “Kỳ ảo của Nguyễn Bình Phương”.

[41] Nguyễn Thanh Trường, Trương Văn Lâm (2015), “Cá tính sáng tạo của Nguyễn Bình Phương”, Tạp chí Khoa học Nhân văn và Giáo dục, tập 5 số 3.

[42] Phùng Văn Tửu (2012), “Kỹ thuật tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương trong Trí nhớ suy tàn, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 7.

[43] Hoàng Nguyên Vũ (2006), “Một lối đi riêng của Nguyễn Bình Phương”


[1] Truyện ngắn Đi của Nguyễn Bình Phương in trên Báo Văn nghệ Trẻ (số ra ngày 10/1/1999) bị nhắc nhở về vấn đề tư tưởng, ban biên tập Báo Văn nghệ Trẻ bị kiểm điểm nội bộ là một sự kiện khiến cho tên tuổi Nguyễn Bình Phương được biết đến nhiều hơn, từ đây người đọc Nguyễn Bình Phương cũng bị chia rẽ, phân hóa sâu sắc. Tôi nghĩ đây chính là sự kiện khiến cho Thụy Khuê giành nhiều chú ý tới Nguyễn Bình Phương, và cũng là ngọn nguồn tiềm ẩn của nhiều tranh cãi sau này về tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương khi tác giả này bị đẩy về phía những cây bút “có vấn đề”. Xin cảm ơn nhà văn Bảo Ninh, nhà văn Phong Điệp và TS. Hoàng Tố Mai đã cung cấp thông tin chi tiết về sự việc này.

[2] Từ năm 2000, Phạm Xuân Nguyên trong bài viết “Văn xuôi dài một chặng đường” đã phân tích Người đi vắngTrí nhớ suy tàn chỉ ra một kiểu tiểu thuyết mới mẻ trong văn học Việt Nam: “đan xen nhiều tầng, nhiều lớp thực và mộng”, “tiểu thuyết đầy ám ảnh, tượng trưng”, “đọc nó phải chuẩn bị tâm thế tự hỏi tự đáp cái gì, vì sao”. (Tài liệu tác giả cung cấp).

[3] Lý Đợi: “Đọc rải rác các bài đã viết về Ngồi, tôi thấy một số dư luận cho rằng tiểu thuyết này quá sex, quá thiên về tình dục. Thật công bằng mà nói, tôi thấy tiểu thuyết này giống như một bản photocopy về một vài khu dân cư Việt nào đó, chẳng có gì được “hình tượng hoá, được nhân hoá” lên cả. Đó là bối cảnh của chúng ta ngày này, qua cái nhìn hẹp của tác giả” [3].

[4] Theo thống kê sơ bộ, tác phẩm Nguyễn Bình Phương liên tục được tái bản: 1-Vào cõi, Nxb. Thanh niên, 1991, tái bản Nxb. Văn học và Tao Đàn, 2016, 2- Bả giời, Nxb. Quân đội nhân dân 1991 tái bản, Nxb. Quân dội nhân dân, 2003, Nxb. Văn học và Tao đàn, 2017, 3- Những đứa trẻ chết già, Nxb. Văn học, 1994, Nxb. Hội Nhà văn, 2002, Nxb. Trẻ, 2013, 4-Người đi vắng, Nxb. Văn học, 1999, tái bản Nxb. Tổng hợp TP HCM, 2013, 5-Trí nhớ suy tàn, Nxb. Thanh niên, 2000, tái bản Nxb. Văn học, 2008 tên là Trí nhớ suy tàn và những trang viết khác, Nxb. TP HCM, 2013, 6- Thoạt kỳ thủy, viết xong tháng 8 năm 1995, chỉnh sửa tháng 8 năm 2003, Nxb. Hội Nhà văn, 2004, tái bản Nxb. Văn học, 2005, Nxb. Trẻ, 2014, 7- Ngồi, Nxb. Đà Nẵng, 2006, Nxb. Trẻ, 2013, 8- Xe lên xe xuống, Diễn đàn thế kỷ, California USA xuất bản 2011, đổi tên thành Mình và họ, Nxb. Trẻ, 2014, tái bản Nxb. Trẻ, 2016, Nxb. Trẻ, 2019.

TS. Đỗ Hải Ninh

-------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Nguyễn Bình Phương: 'Mất lý tưởng sống thì bản năng ác dễ trỗi dậy' Tiểu thuyết “Mình và họ” của Nguyễn Bình Phương ra mắt ở Hàn Quốc Đi - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Bình Phương "Vào cõi" Nguyễn Bình Phương - Tiểu luận của PGS. TS Nguyễn Đăng Điệp Đôi lời tìm thấy và đánh mất
Lửa Thiên Đường. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Đình Tú

Lửa Thiên Đường. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Đình Tú

Baovannghe.vn - Giấc ngủ không sâu, đã thế lại liên tục bị rơi vào những miền ảo ảnh xa mờ. Hắn thấy Thầy Sư Phụ trở về từ hẻm núi sũng hơi sương. Khuôn mặt thầy hốc hác.
Bản tin Văn nghệ: Lan tỏa "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam ra thế giới

Bản tin Văn nghệ: Lan tỏa "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam ra thế giới

Baovannghe.vn - Mỗi doanh nghiệp trở thành những đại sứ quảng bá giá trị văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới, lan tỏa "sức mạnh mềm" của văn hoá Việt Nam.
Nhà văn Sao Mai - Văn chương và cuộc đời

Nhà văn Sao Mai - Văn chương và cuộc đời

Baovannghe.vn - Văn chương Sao Mai luôn gắn liền với số phận con người, hết sức bình dị và lôi cuốn. Những tác phẩm của ông đã ăn sâu trong tâm trí bao bạn đọc. Một đời văn sống lam lũ nơi rừng xanh núi đỏ, viết văn dưới ánh sáng đèn dầu, mà cho ra đời đến hơn 30 tác phẩm.
Khoảnh khắc không mùa - Thơ Đỗ Bạch Mai

Khoảnh khắc không mùa - Thơ Đỗ Bạch Mai

Baovannghe.vn- Người đi trên phố nắng/ Ta về sau cơn mưa
Khoe giọng - Thơ Phạm Đình Ân

Khoe giọng - Thơ Phạm Đình Ân

Baovannghe.vn- Quẩn quanh trong lồng sắt/ năng hót