Sáng tác

Lưng chừng ban mai - Truyện ngắn dự thi của Tịnh Vũ

Tịnh Vũ
Truyện
14:52 | 01/08/2024
Baovannghe.vn - Thanh âm va chạm của những viên tràng hạt vang lên trong đêm mưa rả rích. Mụ Đợi ngồi im lìm như một pho tượng phía đuôi giường...
aa

Thanh âm va chạm của những viên tràng hạt vang lên trong đêm mưa rả rích. Mụ Đợi ngồi im lìm như một pho tượng phía đuôi giường, miệng liên tục “Nam mô Phật! Nam mô Phật!”. Không tiếng chuông. Không tiếng mõ.

Giữa đêm cuối Chạp rì rầm mưa gió, thi thoảng một tiếng ếch cất lên, phá tan tiếng khấn nguyện lầm rầm không rõ lời. Bàn tay già nua, chai sạn của mụ lần chuỗi tràng hạt đã dãn rộng hết cỡ tưởng chừng sắp đứt.

Mụ dán chặt đôi mắt tèm nhèm của mình vào thân hình vạm vỡ đang nằm kia. Những nhịp đập phập phồng của lồng ngực rám nắng bị át đi bởi tiếng ngáy. Một thứ mùi nồng sặc, tanh tưởi thi thoảng lại phủ khắp căn nhà khi tiếng ngáy đó thoát ra khỏi miệng thằng Đắc.

Mụ đang run.

Mụ sợ nó sẽ tỉnh dậy bất ngờ.

Mụ sợ những cơn khát sau trận say bí tỉ sẽ khiến cái thằng ngỗ nghịch đó vùng dậy tìm nước uống.

Mụ hình dung đôi mắt rực lửa của đứa con trai sẽ nhìn chằm chằm vào mụ và hỏi “Vợ tui đâu” khi phát hiện căn nhà vắng tanh.

Mụ sẽ ngã sõng soài vì khiếp hãi trước khi nó kịp vung chân đá phăng cái ghế hay quơ tay chụp lấy xâu tràng hạt của mụ và ném đi sau khi đã giằng xé tan tành.

Cơn gió lạnh cuối đông len lỏi vào nhà, thổi hắt lên những lọn tóc bạc lòa xòa trên vai mụ. Dưới ánh đèn dầu nhập nhoạng trên bàn thờ đang hắt xuống nền nhà, mụ nhìn ra sân vắng. Chỉ có đêm.

Mụ không biết con Nương đã chạy đến đâu. Mụ sợ những hạt mưa lạnh buốt sẽ làm cóng đứa cháu đích tôn đáng thương của mụ.

Xâu tràng hạt trên tay mụ ướt nhèm vì từng giọt nước mắt rơi xuống. Đêm vẫn rì rầm, từng chút một xé tan lòng mụ thành trăm nghìn mảnh.

2.

Tiếng ống pô đứt quãng, chen lẫn tiếng lạo xạo của những thanh sắt buộc chặt trên yên xe Đắc vừa vang lên đầu ngõ.

Nương đưa tay gom vội số vàng mã đang nằm ngổn ngang dưới nền nhà. Gom được bao nhiêu, Nương nhét hết vào bao và đẩy sát xuống gầm bàn.

Tối nay, Đắc về sớm hơn thường lệ. Nương chỉ mới xếp được vài xấp giấy tiền đã phải vội dẹp đi. Đắc đã nhiều lần cấm cô không được mang những tờ giấy cõi âm ấy về nhà. Có lần, hắn xé tan tác, mặc kệ cho Nương van nài, khóc lóc. Hắn nói đó là thứ không may. Hắn bảo sẽ có ngày Nương bị người âm dắt đi, rồi không có ai lo nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa. Hắn cũng không bao giờ cho Nương được giải thoát dễ dàng như vậy. Cuộc đời Nương phải gắn chặt với hắn để trả hết những món nợ do cô gây ra. Bởi vậy, mỗi khi tiếng xe của Đắc vang lên đầu ngõ, Nương phải gom hết vàng mã cất đi thiệt vội.

Đắc đã vào đến sân. Một câu chửi thề vang lên cùng lúc với tiếng gạt chân chống “Mẹ kiếp, con Nương đâu, con Nương đâu?”

Nương lật đật đứng dậy, chới với chạy ra, đỡ lấy Đắc. Mùi rượu nồng phả vào mặt Nương cùng lúc với ánh mắt man dại của hắn. Môi hắn mấp máy “Mi đó hả Nương, vừa lòng mi chưa Nương?”

Vừa nói, hắn vừa cười. Nụ cười khằng khặc nơi cuống họng của hắn khiến Nương rùng mình. Mỗi lần hắn cười như vậy, cô thường bị đánh. Những cú tát bôm bốp đi kèm lời chửi rủa “Mi hại đời tau đủ chưa Nương” đã nhiều lần làm gương mặt gầy rộc của cô hằn in những dấu tay đỏ lòm, rát buốt. Đắc còn đá mạnh vào người Nương, trúng bụng, trúng lưng hoặc bất cứ chỗ nào không may ngang với tầm đá của hắn.

Nương vẫn chưa dám quên những nhúm tóc đen nhánh rơi xuống nền nhà khi Đắc túm lấy cô giữa cơn say ngất ngưởng. Đôi chân loạng choạng bị hơi men dẫn đường cứ liên tục ngã vào người Nương một cách đầy chủ đích. Hắn vẫn luôn như thế. Đã bảy năm rồi!

Mỗi lần hắn ngập ngụa trong men rượu và bất chợt nhớ lại chuyện cũ là thể nào Nương cũng bầm mình bầm mẩy. Mà có phải Nương làm chuyện chi tày trời. Chỉ vì cái nghèo. “Đúng rồi, chỉ vì cái nghèo thôi!” Nương đã hơn trăm lần tự trấn an mình như vậy.

Nếu không phải vì cuộc sống khó khăn thì Nương đã không tham gia chơi hụi và mấy trò đầu tư do mụ Xoa ở xóm trên dụ dỗ.

Nương còn nhớ, bữa sáng hôm đó rất nhiều người tập trung trước nhà mụ Xoa. Người ném đá, người vác theo gậy gộc. Những tiếng la ó, những lời than khóc nối nhau không ngớt. Cô cũng hoảng hốt chạy ào ra, mặc cho cái thai gần ngày sinh nở căng tròn trước bụng. Cái tin “mụ Xoa bỏ trốn” khiến Nương chới với. Cô chỉ kịp gào lên một tiếng trước khi lịm đi và được người ta đưa vào viện.

Thằng Dại được sinh ra khi mới tròn tám tháng. Đắc đặt tên con như vậy để ghim chặt cả đời Nương vào cái dại bị lừa, mãi mãi không được phép quên.

Số tiền mà Nương vay mượn bên ngoài để tham gia đầu tư cùng mụ Xoa đã kéo cả gia đình vào cảnh nợ nần. Thằng Dại vừa cứng cáp, Nương muốn ra ngoài tìm việc làm nhưng Đắc không cho. Hắn nói “Mi ngu lắm, tau không còn khả năng trả nợ cho mi nữa đâu.” Đắc cứ vịn vào chuyện cũ để giam chặt Nương trong bốn bức tường, suốt ngày quanh quẩn chăm con và quán xuyến nhà cửa. Để rồi, sau mỗi cuộc rượu, Đắc lại đay nghiến. Hắn sẵn sàng chì chiết Nương bằng những từ ngữ khó nghe nhất. Hắn chà đạp Nương. Hắn đánh cô không nương tay để trút hết cái hận nợ nần, cái hận xấu hổ với bà con, láng giềng vì có con vợ khờ khạo.

Mỗi lần như vậy, Nương đều co mình chịu trận. Cũng có khi, thằng Dại chạy ào từ nhà dưới lên, ôm chặt hai chân của Đắc. Thằng nhỏ mếu máo khóc, xin ba nó đừng đánh mẹ nữa. Năn nỉ mãi không được, thằng nhỏ buông Đắc ra, chạy đến ôm chầm lấy Nương. Hai mẹ con cùng khóc. Cái nịt da trên tay Đắc vung lên tứ tung, mặc cho tay chân thằng Dại cũng hằn lên những vết thương rát cả da thịt.

Cứ hễ nghe tiếng thằng nhỏ gào khóc, mẹ chồng của Nương sẽ vén rèm bước ra. Mụ thường mặc kệ thằng con trai suốt ngày đánh vợ và rượu chè say xỉn. Mụ dửng dưng khi thấy Nương ôm gối trên tấm phản, tự mình thoa dầu cù là lên những vết bầm tím rải rác khắp chân tay. Mụ chỉ nói “Tụi bây ồn quá, làng xóm, láng giềng họ cười cho.” Nhưng nói là nói vậy, chứ mụ không can ngăn. Cái xóm này cũng dăm bữa nửa tháng lại rộn rạo tiếng chửi mắng, cãi nhau um sùm. Còn lạ gì chuyện thằng Suốt to tiếng với cha mẹ, con Hiềm tị nạnh với chị dâu hay tiếng than trời trách đất của mấy mụ hàng rong ế ẩm. Bởi vậy, Đắc có thi thoảng đánh vợ cũng là chuyện thường tình. Chẳng ai quan tâm hay thấy khó chịu. Mụ cũng chẳng hà cớ gì phải bênh vực cho cô. Suốt ngày, mụ chỉ quanh quẩn trong phòng, hiếm khi ra ngoài. Từ ngày bước chân về nhà này làm dâu, Nương chỉ thấy mụ nở nụ cười với thằng Dại. Mụ hay nói, đời mụ như que củi sắp tàn, dù có thêm dầu, thêm lửa cũng chẳng cháy sáng được bao lâu. Vậy nên, có gì ngon, mụ đều để dành cho thằng cháu đích tôn. Mụ cưng nó như trứng mỏng. Mụ dành cả cái quyền được ôm nó, ru nó. Mới đầu, Nương không chịu. Mụ lấy cái quyền làm mẹ chồng để áp đặt. Rồi mụ nhắc lại chuyện cũ, như một nhát dao chém vào giữa mênh mông ký ức.

Lưng chừng ban mai - Truyện ngắn dự thi của Tịnh Vũ
Lưng chừng ban mai - Minh họa: Họa sĩ Đặng Tiến

Nó làm Nương đau. Nó cũng vô tình làm Đắc nhớ lại những món nợ nần do Nương gây ra. Thành thử, hắn đồng tình tách rời Nương với thằng nhỏ. Chỉ những lúc con trai khát sữa thì Nương mới được ẵm bồng và ôm con trong tay.

Thằng Dại bện hơi mụ đâu chưa thấy, chỉ biết mụ thường lo quýnh quáng khi thằng nhỏ vừa âm ấm hay sổ mũi, ho khan. Nó vấp ngã, mụ cũng đau. Nó u đầu, mụ cũng xót. Bởi vậy, cứ hễ nghe nó khóc là mụ sẽ chạy ào ra ngay dù có bận bịu bất kỳ việc gì.

Xâu tràng hạt trên cổ mụ đong đưa theo từng bước đi. Mụ thường kéo cánh tay Đắc, buông thõng một câu “Mi lại say nữa hả con, quậy đủ rồi thì ngủ đi, ồn ào quá.”

Nói xong, mụ cúi xuống, kéo thằng Dại vào lòng xuýt xoa liên tục.

Nương đã quá quen với lối sống cam chịu đòn roi từ Đắc. Cô quen với cái thờ ơ nghiệt ngã trong hành xử của mụ. Bởi vậy, lúc nào Nương cũng phải đề phòng mọi trạng thái cảm xúc của Đắc, nhất là khi hắn say và lầm rầm về chuyện cũ như tối nay.

3.

Thằng Đắc lại say.

Mụ Đợi ngồi xếp bằng trên cái giường tre trong phòng, cố đọc thật to câu Phật hiệu “A Di Đà Phật.”

Tim đập thình thịch. Hai tay run run. Mụ vừa niệm Phật, vừa cố dỏng tai lên nghe ngóng động tĩnh bên ngoài. Dù chưa từng lên tiếng can ngăn thằng Đắc đánh vợ nhưng mụ cũng không muốn chuyện đó tái diễn. Với mụ, vợ chồng lời qua tiếng lại hay động chân động tay là chuyện thường tình. Chén bát trên chạn còn xô nhau, huống chi vợ chồng ở với nhau năm này tháng nọ. Chưa kể, con dâu mụ còn gây ra món nợ lớn, không thể trách thằng Đắc say xỉn rồi lỡ tay đánh vài cái.

Nhưng cứ hễ nghe thấy tiếng thằng Đắc lèm bèm chửi thề, mụ lại nhớ đến chồng mình.

Ông cũng là một thợ hồ, sáng đi xây nhà, chiều về trong men rượu. Cũng chẳng phải mình ông mà hầu như cả xóm này, đàn ông nào cũng như nhau cả.

Mụ đã từng bị chồng đánh tả tơi vì chưa kịp dọn cơm khi ông vừa về đến nhà, còn chân thấp chân cao sau cuộc nhậu. Có lúc, ông ném tô cơm bay vèo ra sân. Lúc khác, ông hất tung mâm cơm canh cá khi mụ lỡ lời càm ràm chuyện say xỉn của ông. Lâu dần, mụ thành quen. Chỉ là, thi thoảng mụ thấy tiếc. Bụng dạ mụ rầu dữ lắm vì nghĩ đến thằng Đắc. Nó là một đứa con trai hiền lành, ngoan ngoãn. Dù không ít lần bị ông đánh oan, dù liên tục chứng kiến cảnh ông đánh mụ nhưng nó chưa bao giờ biểu hiện cái sự cộc cằn tương tự. Nó rất chăm học. Nó muốn dẫn mụ thoát khỏi đây. Vậy mà, từ ngày ông nằm xuống, không hiểu sao thằng Đắc lại bỏ học. Mụ gặng hỏi mãi, nó không nói. Chỉ có một lần vô tình, nó uống vài chén rồi thì thào tiếng được tiếng mất “Nghèo là cái tội.” Rồi nó cũng nối gót theo ông, trở thành một thợ xây như bao thanh niên khác lớn lên trong con hẻm nhỏ này.

Mụ đã tận mắt chứng kiến từng lớp thanh niên say mèm sau một ngày hì hụi xúc cát, xây tường. Mùi xi măng, mùi sơn vôi quyện với mùi khen khét của nắng, mùi ngai ngái ẩm của mưa và thứ mùi ám ảnh của cái nghèo. Chúng bao trùm lấy con hẻm cụt, phủ lên cuộc đời từng đứa trẻ mới lớn ở đây, kể cả thằng Đắc. Cái nghèo bủa vây, ăn mòn ý chí và khát khao của những đứa nhỏ vốn từng ước mơ được trở thành kỹ sư, bác sĩ. Những tiếng chửi mắng quen tai, những tiếng bước chân giẫm huỵch trên nền đất, những tiếng lạo xạo vỡ toang của bát đĩa khiến cho thanh âm của hy vọng trôi vào quên lãng. Lâu dần, những tâm hồn vốn ngây thơ như thằng Đắc của mụ cũng không còn nhớ đã từng khao khát điều gì.

Nhiều năm rồi, cả trước khi thằng Đắc lấy vợ thì hơi men đã quẩn quanh trở lại trong nhà mụ. Tiền lương một ngày công ướt đẫm mồ hôi trôi tuột đi trên bàn nhậu. Những đĩa xương má hàm được thui nướng thơm nức mũi. Những chai rượu đế nồng nặc có màu trắng ngà ngà. Giọng cười ngất ngưởng của những kẻ bất cần đời như con trai mụ cứ vang vang khắp con hẻm nhỏ.

Sau cuộc rượu, tụi nó sẽ quậy. Có đứa phá làng phá xóm. Có đứa đánh vợ, đánh con. Bởi vậy, mụ không can ngăn thằng Đắc làm gì. Vì đâu lại vào đấy.

Mới hôm bữa, lúc con Nương vừa đi chợ thì thằng Đắc ghé nhà để tìm cái xà beng bỏ quên. Mụ từ trong phòng đi ra, đăm đăm nhìn.

Mụ lên tiếng:

Tối ni sinh nhật thằng Dại, mi lo mà về, bớt uống đi.

Đắc quay sang nhìn mụ, tỏ vẻ đăm chiêu. Hắn quay lưng, buông thõng một câu sau lưng:

Nhật với nhẽo gì, tui bận nhậu.

Mụ chột dạ, im lặng. Đã lâu lắm, hai mẹ con mụ không còn tâm sự hay chia sẻ gì với nhau nữa. Lúc nó tỉnh, mụ nói gì, nó cũng bàng quan. Khi nó say, dù không dám nói hỗn với mụ thì nó cũng sẵn sàng đá phăng cái ghế hoặc ném vỡ toang bất kỳ thứ gì trong tầm tay để biểu thị sự giận dữ của mình. Từ ngày chồng mụ mất, thằng con trai vốn hiền lành cũng thay đổi lạ lùng. Nó ít nói dần, rồi gần như im lặng. Căn nhà trở nên vắng hoe vì chỉ có mình mụ lầm lũi ra vào. Chỉ khi đêm về thì tiếng xe của nó, tiếng đồ nghề xây dựng và những tiếng bước chân lạo xạo mới đem lại cho mụ cảm giác còn đang sống. Có khi mụ tưởng mình đã chết.

Ngày thằng Đắc dẫn con Nương về, nó nói trống không “Vợ tui đó, lo cau trầu qua nói chuyện với người ta.” Mụ vui dữ lắm. Mụ còn tưởng nó không bao giờ lấy vợ. Vậy mà, nó đột nhiên nói chuyện xây đắp tương lai và hứa hẹn thay đổi.

Niềm vui chưa tày gang thì con Nương gây ra số nợ quá lớn vì tin lời mụ Xoa ở xóm trên. Cũng bởi chuyện đó mà cháu đích tôn của mụ mới sinh sớm một tháng mười ngày. May là cháu của mụ vẫn khỏe mạnh. Nhưng thằng Đắc lại ngày càng bê bối hơn. Không có ngày nào nó không nhậu. Đêm nào nó cũng lè nhè những câu nói không đầu không cuối. Nó đá thúng đụng nia. Nó bắt đầu giống hệt chồng mụ. Có lúc, mụ nhìn Nương mà thấy mình trong đó. Mụ cũng thi thoảng xót cho Nương, nhưng mụ chọn im lặng. Mụ không muốn nhìn vào đôi mắt một mí đang hằn học tức giận của Đắc. Mụ sợ nhìn thấy chồng mụ đang ẩn hiện ngay trên gương mặt thằng con trai đáng thương hơn đáng trách của mụ.

Tối nay cũng vậy. Nghe tiếng cười khằng khặc của Đắc vang lên ngoài sân, mụ co người lại. Bàn tay thoăn thoắt lần những viên tràng hạt trơn nhẵn. Môi mụ mấp máy những tiếng niệm Phật mỗi lúc một to hơn, để át đi tiếng thằng Đắc. Mụ cũng không muốn nghe thấy tiếng lòng mụ đang chập chờn tái hiện từ dư âm quá khứ.

4.

Đắc đã ngủ say. Tiếng ngáy đều đều vang lên. Với Nương, đó là âm thanh yên bình nhất trong ngày.

Cô rón rén bước ra phòng khách sau khi kéo chăn đắp ngang bụng Đắc.

Trời đã chuyển lạnh. Má của Nương rát buốt. Cái tát của Đắc quá mạnh. Cũng chẳng trách, đây là lần đầu tiên Nương dám hất đổ chén cơm trên tay Đắc. Nếu không có mẹ chồng cô chạy ra ngăn cản thì chắc Nương đã bị Đắc xô ra khỏi cửa giữa cơn mưa đêm tháng Chạp. Đây cũng là lần duy nhất mà mụ Đợi đứng ra bênh vực cô, mặc cho Đắc vẫn trợn trừng mắt xông vào như muốn nghiền nát Nương trong cơn giận dữ. Dù biết rõ sẽ bị đòn đau, nhưng nếu Nương không làm vậy thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Nương chợt rùng mình.

Cô ngồi bệt xuống sàn nhà láng xi măng, lạnh cóng. Nương chậm rãi cúi xuống gầm bàn, kéo cái bao đựng đầy giấy tiền vàng mã. Đây là chuyến cuối cùng mà Nương nhận về xếp và phân loại. Sắp Tết rồi, Nương phải tranh thủ. Cô dặn lòng phải cho thằng Dại một cái Tết ấm cúng. Cô sẽ mua cho nó bộ quần áo mới. Thằng nhỏ còn thích nhất món búp bò rim sả, không cay. Nương đã lén dành dụm được một số tiền nho nhỏ sau nhiều ngày nhận gia công vàng mã cho người ta. Cũng may, mẹ chồng của Nương không kể lại cho Đắc chuyện cô lén nhận hàng về làm thêm. Mụ không tỏ ra đồng tình, nhưng cũng không hề phản đối.

Nương soạn vàng mã ra giữa nhà. Cô cẩn thận phân loại từng mẫu giấy tiền khác nhau sau khi xếp chúng theo nếp mà người ta yêu cầu.

Những tờ giấy tiền đủ màu sắc đập vào mắt Nương. Bất chợt, Nương giật mình nghĩ đến sân nhà phủ đầy hoa mận. Chen lẫn giữa những bông hoa mận trắng muốt là rất nhiều sâu róm. Những bộ lông li ti của chúng cũng sặc sỡ sắc màu như số vàng mã trước mặt Nương.

Thằng Dại mới sáu tuổi nhưng không hề sợ chúng.

Ba hôm trước, Nương còn thấy thằng Dại bắt rất nhiều sâu. Nó bỏ sâu vào trong vỏ lon sữa Ông Thọ đã được rửa sạch. Nó đục hai lỗ trên miệng lon, xâu một sợi dây dừa khô để treo cái lon lên cành cây. Xong xuôi, nó lấy miếng vải quấn chặt trên đầu khúc củi và bắt đầu bật lửa. Nương thấy nó đưa ngọn lửa xuống bên dưới cái lon, rồi nhìn chằm chằm vào bên trong.

Nương tưởng như mình sắp ngạt thở khi chứng kiến cảnh tượng đó. Con trai cô không biểu lộ một chút cảm xúc nào. Nó còn nói ba từ “Con nướng sâu” một cách vô cùng thản nhiên khi cô chạy đến ngăn cản và hỏi nó đang làm gì. Trong ánh nhìn của thằng Dại lúc đó là sự vô hồn, hờ hững với cái chết của lũ sâu. Nương bỗng sợ hãi.

Nương hoàn toàn không muốn những xúc cảm và hành vi của Đắc ảnh hưởng đến thằng Dại. Nhưng từ bao giờ, thằng nhỏ lại trở nên như vậy?

Nương đã từng thấy nó cố bắt lấy con thằn lằn chỉ để xem thử “thằn lằn cụt đuôi” là như thế nào. Nương cũng từng rất hoang mang khi nhìn con trai đưa ngón tay trỏ vào đám kiến lửa đang bu quanh viên kẹo rơi ở góc sân. Khi Nương kéo tay thằng Dại ra, nó nói “Ba đánh còn không sợ thì kiến cắn có chi đâu mẹ.”

Trời ơi, nó mới sáu tuổi thôi. Mỗi câu thằng Dại nói, mỗi hành vi mà nó làm đều khiến Nương lo lắng không yên.

Nương đã nhiều lần muốn thoát khỏi sự đay nghiến của Đắc. Từ lúc nhận thấy những hành vi bất thường của thằng Dại, ý nghĩ đó trong Nương lại càng thôi thúc hơn. Nương muốn đưa con trai đi thật xa, khỏi cái xóm thợ hồ nhiều bạo lực và khốn khổ này. Cũng vì thế mà tối nay mới có chuyện Nương hất đổ chén cơm trên tay Đắc khiến cô nhận ngay hai cái tát điếng người.

5.

Thằng Đắc đã ngủ say. Mụ vẫn thắc thỏm không yên. Lâu lâu, mụ lại áp tai lên tường để nghe ngóng. Tiếng ngáy đều đều của Đắc vang lên ở phòng bên cạnh.

Từ lúc khuyên được con trai vào ngủ, mụ vẫn liên tục suy nghĩ về hành vi của Nương. Mụ không dám tin vào những gì vừa tận mắt chứng kiến. “Nó dám hất đổ chén cơm của thằng Đắc.” Ý nghĩ đó cứ nối đuôi nhau lặp đi lặp lại trong đầu mụ.

Suốt cả ngày hôm nay, mụ đã thấy con Nương có gì đó khang khác. Nó cứ đi ra đi vào không yên. Chốc chốc, mụ thấy nó thở dài. Chốc chốc, nó lại vò đầu bứt tai rồi ôm chầm lấy thằng Dại thủ thỉ gì đó. Mụ ngoắc thằng nhỏ để hỏi nhưng không được.

Mụ tháo xâu tràng hạt khỏi cổ, nắm chặt trên tay. Mụ bắt đầu ngồi xếp bằng trên giường, miệng lầm rầm niệm Phật.

Một câu Phật hiệu vang lên.

Hai câu.

Ba câu.

Mụ lắc lắc đầu, im bặt. Những hình ảnh ban nãy cứ quẩn quanh tâm trí khiến mụ không thể tập trung niệm Phật. Đây vốn là giải pháp duy nhất để kéo mụ ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống. Chỉ có tĩnh tâm thì mụ mới không buồn phiền về thằng Đắc, con Nương hay nhớ đến cái cuộc đời khốn khổ của mình. Vậy mà bây giờ mụ lại chẳng thể tập trung được.

Tiếng khóc sụt sịt của con dâu mụ thi thoảng lại vang lên ngoài phòng khách. Dạo này, mụ thấy nó nhận vàng mã về nhiều hơn so với trước. Có thể nó muốn sắm Tết cho thằng Dại. “Hoặc là…”

Nghĩ đến đó, mụ bỗng chột dạ. Hai hôm trước, mụ Liều hàng xóm sang kể chuyện gặp con Nương ra quầy thuốc Tây. Không biết nó mua gì mà đi đến hai, ba tiệm. Dạo gần đây, mụ cũng thấy nó hay suy tư, lại ít ăn. “Không lẽ thằng Dại sắp có em?” Mụ chợt nghĩ, tay vỗ mạnh lên bắp chân.

Mụ vội vàng thả hai chân xuống nền nhà, vịn thành giường đứng dậy. Mụ hấp tấp bước ra phòng khách, ngồi xuống trước mặt Nương. Mụ nhìn thẳng vào Nương, hỏi vội:

Mi nói thiệt cho mẹ nghe. Mi có thai nữa phải không?

Nương sững sờ nhìn mụ. Môi cô mấp máy:

Dạ không. Con đâu có.

Chớ mi mua chi mà tiệm thuốc Tây không bán? Mi phải đi hai, ba tiệm? Mi nói thiệt đi để mẹ tính.

Dạ không mẹ. Con không có thiệt mẹ ơi.

Nương vẫn một mực phủ nhận. Còn mụ lại tin chắc vào suy đoán của mình. Chỉ có thể là vậy. Mụ tin là một đứa cháu nội đã tượng hình trong bụng Nương. Mụ lắc đầu, nước mắt lưng tròng, rồi chới với đứng dậy.

Nương nói vọng theo dáng mụ đang lững thững vào phòng “Dạ con không có thiệt đó mẹ ơi.” Mụ không nghe thấy. Mụ ngồi phịch xuống giường. Những thanh tre cũ kêu cót két. Mỗi tiếng kêu như một nhát cắt bén ngót, cứa vào lòng mụ. Đau dữ dằn.

“Thì ra, con Nương mua thuốc không được nên nó mới cố tình hất đổ chén cơm của thằng Đắc. Nó muốn tự tay thằng Đắc đánh nó. Nó không muốn đứa nhỏ được sinh ra.” Mụ tự nghĩ rồi tự ôm chặt ngực mình bật lên tiếng khóc “Mi ác quá con ơi, ác quá Nương ơi.”

Xâu tràng hạt rơi xuống đất, văng ngổn ngang khắp phòng.

6.

Xe vừa lăn bánh. Nương đưa tay kéo tấm rèm cửa sổ, nhìn ra bên ngoài. Sương giăng mù mịt. Thằng Dại nằm ở ghế bên cạnh đã thiu thiu ngủ.

Nương trở người. Hai tay đan chéo trước bụng. Cô tự ôm lấy mình bên dưới tấm chăn mỏng được nhà xe phát cho.

Tim vẫn đập thình thịch. Hai chân còn run. Nương cố hít thở thật sâu để che đi sự sợ hãi vẫn âm ỉ khắp cơ thể từ lúc quyết định đeo ba lô lên vai và bước chân ra khỏi nhà.

Hình ảnh mụ Đợi vịn cửa ngóng theo cứ làm Nương day dứt mãi. Kể từ ngày gọi mụ tiếng “mẹ” cho đến nay đã bảy năm, nhưng chưa bao giờ cô cảm thấy xót xa đến thế. Mụ cũng thương Nương. Cái tình thương lặng lẽ ấy giá mà Nương hiểu sớm hơn.

Tối qua, Nương vừa ngả lưng sau khi làm xong số vàng mã cuối cùng, mụ khẽ khàng kéo tấm chăn đắp cho Nương. Cô vờ như không biết.

Rồi mụ sụt sùi nói tiếng được tiếng mất như cho chính mụ nghe “Không được bỏ, phải giữ lại cái thai nghe chưa con.”

Nương giật mình, mở mắt nhìn mụ. Đôi mắt tèm nhèm của mụ xoáy sâu vào lòng Nương. Cô kéo tay mụ xuống bếp. Rót cho mụ ly nước ấm, Nương mới chậm rãi kể chuyện thằng Dại đã có hành vi và lời nói thế nào.

Nương nói về nỗi sợ hãi của mình nếu thằng Dại lớn lên sẽ giống hệt Đắc.

Nương hỏi mụ “Mẹ có thương thằng Dại không?” “Mẹ có muốn thằng nhỏ sau ni lớn lên sẽ giống với chồng con không?”...

Mỗi câu Nương hỏi, mụ lại càng lúc càng siết chặt cái ly trên tay. Mụ buột miệng:

Còn chuyện tối ni thì răng? Không lẽ mi muốn thằng Đắc tự tay hại chết con hắn mới vừa lòng?

Nương lắc đầu, oà lên khóc. Nương không có thai. Cô chỉ tìm mua thuốc ngủ nhưng quầy thuốc không bán. Vậy nên, Nương phải đi hai, ba nơi để gom cho được vài viên. Nương dự tính sẽ cho thuốc ngủ vào cơm, để Đắc ngủ thật say, không tỉnh giấc nửa chừng. Chỉ cần đủ thời gian cho cô và thằng Dại đi khỏi xứ này là đủ. Nhưng khi Đắc chuẩn bị và cơm vào miệng, Nương lại sợ. Cô không biết chừng ấy thuốc có quá liều không. Nếu không may thì cô sẽ mất chồng, con sẽ mất cha. Vào khoảnh khắc đó, Nương rất sợ. Những nỗi sợ khác nhau thôi thúc Nương phải giằng lấy chén cơm và hất văng xuống đất.

Con không có thai, con chỉ muốn đưa thằng Dại trốn đi.

Mụ Đợi sững sờ nhìn Nương. Cô còn nhớ rất rõ mụ đã run thế nào, đã lắp bắp ra sao khi nghe cô kể ngọn ngành mọi việc.

Nương quỳ sụp xuống thật nhanh trước mặt mụ. Cô van mụ hãy giữ bí mật. Cô lạy mụ hãy giúp cô, hoặc ít nhất hãy thương thằng Dại mà giúp cô đưa nó thoát khỏi nơi này.

Mụ lắc đầu lia lịa. Mụ lập cập đứng dậy, chân đi không vững. Mụ lắp bắp “Mi ác lắm Nương ơi, mi ác lắm” rồi vịn tường đi dần lên phòng. Mụ đóng cửa dứt khoát. Tiếng khóc của mụ mỗi lúc một dày lên. Tiếng nức nở của Nương cũng dần xoáy sâu hơn vào lòng cô, đau nhói.

Vậy mà hôm nay, Đắc vừa đi làm, mụ kéo Nương vào phòng. Mụ mở cái túi nhỏ bằng vải nhung, đưa cho Nương bốn chỉ vàng. Mụ nói “Đây là quà để dành cho cháu dâu, mi cất đi, lo cho thằng Dại.” Mụ nói, tối nay mụ sẽ canh chừng Đắc cho cô dẫn thằng Dại đi.

Mụ còn nhắc “Phải nuôi dạy nó đàng hoàng, tử tế, đừng thất bại như mẹ, nhớ nghe chưa.”

Nương nhìn mụ, nước mắt trào ra. Cô lặp đi lặp lại trong miệng mấy tiếng “Con cảm ơn mẹ” mà như nghẽn lại trong lòng.

Gió cuối Chạp cuốn từng cơn lạnh buốt giữa thành phố. Nương vừa nhìn thấy một tia sớm vừa hé lên phía bên kia cây cầu.

Cô với một cánh tay sang chỗ thằng Dại đang nằm. Cô xoa xoa mái tóc rối bù của nó, mỉm cười nhẹ nhõm.

7.

Giữa lưng chừng ban mai, mụ Đợi và những làn sương tháng Chạp se sắt cùng nhau bao che cho hai mẹ con Nương bỏ trốn. Oái oăm thay, chính mụ là người tước bỏ cái quyền được tiếp tục làm chồng, làm cha của con trai mình.

Mụ rưng rưng khóc. Tiếng niệm Phật lại vang lên nức nở.

Chú Mười Ba - Truyện ngắn dự thi của Vĩ Nguyên Mười sáu đồng xu trắng - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Tiến Lợi Làng ven sông - Truyện ngắn dự thi của Vũ Hồng Lam Con ve sầu ngân mãi - Truyện ngắn dự thi của Phạm Quốc Toàn Cuốn sổ trắng - Truyện ngắn dự thi của Bùi Việt Phương

Tịnh Vũ | Báo Văn nghệ

Báo Văn nghệ số 30/2024
Hội Nhà văn Việt Nam: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Văn học năm 2004

Hội Nhà văn Việt Nam: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Văn học năm 2004

Baovannghe.vn - Sáng 12/12, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác văn học năm 2024, thông qua phương hướng hoạt động của năm 2025. Hội nghị được tổ chức tại Hà Nội.
Viết ở Đồng Đậu - Thơ Trần Khoái

Viết ở Đồng Đậu - Thơ Trần Khoái

Baovannghe.vn- Con ngồi thiền/ Để về lại thiên thu
Ru ca - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Ru ca - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Baovannghe.vn- Em ru ca/ Em ru nỗi người
Ủy ban thường vụ Quốc hội: Sẽ tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 9

Ủy ban thường vụ Quốc hội: Sẽ tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 9

Baovannghe.vn - Tháng 2/2025 dự kiến sẽ diễn ra kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội để sửa luật, phục vụ triển khai sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy
Canh sắn - món ăn đậm tình người và đất Trung du

Canh sắn - món ăn đậm tình người và đất Trung du

Baovannghe.vn - Ai từng đến Phú Thọ, ngoài chiêm bái đền Hùng và quần thể di tích Lạc Long Quân - Âu Cơ thì đều được giới thiệu món canh rau sắn, đặc sản của người trung du.