Diễn đàn lý luận

TRẦN VĂN GIANG, VỊ TƯỚNG “VĂN VÕ SONG TOÀN”

Chân dung văn học
10:59 | 23/12/2019
Thiếu tướng - Chuẩn đô đốc Trần Văn Giang, người từng chỉ huy pháo cao xạ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, người từng chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ trên không trên bầu trời Hà Nội 1972, người từng tham gia giải phóng Trường Sa 1975…
aa

Thiếu tướng - Chuẩn đô đốc Trần Văn Giang, người từng chỉ huy pháo cao xạ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, người từng chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ trên không trên bầu trời Hà Nội 1972, người từng tham gia giải phóng Trường Sa 1975… Với cụ Văn Giang, tôi có nhiều cái duyên. Ông là thân phụ của Ts Trần Bắc Hải, bạn học đã hơn nửa thế kỉ từ thuở Thiếu sinh quân chống Mỹ; và khi được sống gần ông mới được nghe kể nhiều kỉ niệm với cha tôi, thiếu tướng Trần Tử Bình, những chuyện anh em tôi chưa hề biết…

Chuẩn đô đốc Trần Văn Giang (thứ hai từ trái qua) trao đổi kinh nghiệm với chuyên gia Liên Xô - Ảnh: ML

Tuổi trẻ theo cách mạng

Những năm trước Cách mạnh Tháng Tám 1945, khi còn là học sinh, chàng trai Văn Giang nghe theo tiếng gọi của non sông, giấu gia đình đi làm liên lạc cho cán bộ Việt Minh. Anh tham gia cướp chính quyền ở thị xã Hải Dương. Sau ngày Cụ Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ở Ba Đình, Văn Giang được cử đi học Quân chính Việt Nam (tiền thân là Quân chính Kháng Nhật thành lập ngày 15/4/1945), đóng ở trường Sư phạm Đỗ Hữu Vị ở gần Cửa Bắc, Hà Nội. Cha tôi, cụ Trần Tử Bình (khi đó là Phó giám đốc, Chính trị ủy viên; còn cụ Trương Văn Lĩnh là giám đốc), đã trực tiếp phỏng vấn và chọn ông vào học khóa 1 của trường đào tạo cán bộ quân sự ngắn hạn đầu tiên của nước Việt Nam mới cùng các tướng lĩnh cao cấp trong quân đội sau này: Vũ Lăng, Trần Văn Nghiêm, Trần Đình Cửu, Hoàng Phương...

Khóa học kéo dài hơn một tháng, tốt nghiệp, ông về đơn vị chiến đấu. Sau 4 năm, Văn Giang trở thành Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 121, đóng quân ở Thái Nguyên. Cho dù chiến tranh có khốc liệt đến mấy thì cuộc sống vẫn phải tuân đúng theo quy luật của nó. Tháng 4/1949, ông xin phép về Yên Thế (Bắc Giang) cưới vợ. Trong bữa cơm mừng tân hôn, Chính ủy trung đoàn Phạm Ngọc Mậu cảm thông với cặp vợ chồng son đã tuyên bố: cho nghỉ phép 15 ngày. Hai vợ chồng nghẹn ngào hạnh phúc, còn gia đình và cô bác thì cảm phục cách xử sự có tình, có lí của bộ đội Cụ Hồ.

Nhưng nghỉ mới được có 3 ngày thì có lệnh của trên: Văn Giang phải có mặt ở đơn vị để đi dự lớp “Rèn cán, chỉnh quân”. “Chưa bén hơi vợ” nhưng đã là người lính thì “có lệnh là đi”, Văn Giang chia tay vợ, khoác ba-lô lên đường. Lớp học ở Soi Mít (Phúc Trìu, Thái Nguyên) do Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng 2 thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Trần Tử Bình trực tiếp chỉ đạo.

Sau hơn một tháng học tập, thiếu tướng Văn Tiến Dũng (Chủ nhiệm Chính trị Cục) quyết định rút Văn Giang về cơ quan. Hiểu được tâm trạng cậu học sinh của mình từ ngày thi vấn đáp vào trường sau 2/9/1945, Trần Tử Bình đề nghị với Chủ nhiệm cho Văn Giang được nghỉ nốt 12 ngày phép trước khi về cơ quan. Nghe vậy, tướng Dũng cười: “Đang có việc đột xuất cần Văn Giang về ngay. Xong đợt này, tôi sẽ cho Văn Giang nghỉ phép”.

Do công việc mà tới 4 tháng sau, Văn Giang vẫn chưa có lúc nào rảnh để đi phép. Dù bận rộn nhưng trong lòng không vơi nỗi nhớ người vợ trẻ, trong một đêm sương giăng đầy trời ở vùng rừng núi Chiến khu Việt Bắc, trăng khi mờ khi tỏ, văng vẳng đâu đây tiếng chim nhạn, giục Văn Giang cầm bút viết dưới ngọn đèn dầu:

“Tiếng nhạn đêm sương nghe buồn da diết/ Ngọn đèn khuya tha thiết mắt chờ mong/ Chày giã gạo bập bùng vừng trăng khuyết/ Gió xạc xào cây lá ngẩn ngơ trông.

Anh lỡ hẹn mấy tuần trăng không gặp/ Đêm đêm nghe con chim nhạn gọi đàn/ Anh ao ước biến mình thành chim nhạn/ Sai trời mây bay đến đậu bên em…”

Bài thơ Chim nhạn được gửi tới tay người vợ trẻ…

Cả cuộc đời gắn với cái tên “Điện Biên Phủ”

Đầu năm 1953, ông cùng đồng chí Nguyễn Quang Bích đưa 114 cán bộ, chiến sĩ sang Trung Quốc học chỉ huy và nhận pháo cao xạ phòng không tại Trường sĩ quan Pháo cao xạ Thẩm Dương. Trở về nước, Trung đoàn Pháo cao xạ 367 (đơn vị pháo cao xạ phòng không đầu tiên, tiền thân của Sư đoàn phòng không 367 ngày nay) tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử 1954. Trên cương vị Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 367, Trần Văn Giang cùng với chỉ huy đơn vị làm tốt công tác tư tưởng, tổ chức, quán triệt và thực hiện phương châm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuyển từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đơn vị đưa pháo vào rồi lại vất vả kéo pháo ra. Khi chính thức nổ súng, Trung đoàn 367 đã tạo ra “lưới lửa Điện Biên Phủ”, bắn rơi nhiều máy bay và cắt đứt "cầu hàng không" của quân đội Pháp lên Điện Biên Phủ, buộc chúng phải thả dù tiếp tế và nhiều dù chiến lợi phẩm với thuốc men, thực phẩm... rơi vào tay bộ đội ta. Quân dân ta đã làm nên một Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Trong kháng chiến chống Mỹ, trên cương vị: Chính ủy Bộ Tư lệnh Phòng không Hà Nội, Chính ủy Bộ Tư lệnh Phòng không Hải Phòng và đặc biệt trong thời kỳ “12 ngày đêm” cuối năm 1972 trên cương vị Chính ủy Sư đoàn Phòng không 361 (Sư đoàn “Cận Vệ Đỏ”), bảo vệ bầu trời thủ đô Hà Nội, Trần Văn Giang đã đi đến từng trận địa pháo cao xạ, kiểm tra, động viên bộ đội. Tác phong gần gũi, sâu sát của ông đã góp phần cùng lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn phối hợp, hiệp đồng với các đơn vị, địa phương bắn rơi nhiều máy bay Mỹ; đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B52 vào thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng, tạo nên một “Điện Biên Phủ trên không”, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ký Hiệp định Paris năm 1973.

Trần Văn Giang là một trong số ít cán bộ trực tiếp chỉ huy 2 trận Điện Biên Phủ vĩ đại của dân tộc. Tháng 7/1974, Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm cho đồng chí Trần Văn Giang làm Chính ủy quân chủng Hải quân, chuẩn bị lực lượng giải phóng Trường Sa và các đảo của Việt Nam trên vùng vịnh Thái Lan. Chuẩn đô đốc Văn Giang đã cùng Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao: giải phóng và bảo vệ vững chắc biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần xây dựng quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam lớn mạnh, trưởng thành.

Ông được thụ phong quân hàm thiếu tướng năm 1980. Thời gian (1984-1987) ông còn trở lại với Hải quân với chức vụ Phó tư lệnh chính trị quân chủng…

Tướng quân “Văn Võ song toàn”

Là người lính nhưng ông yêu thơ, yêu văn; suốt những tháng năm gian khó Chín năm kháng chiến chống Pháp, rồi hơn 20 năm đánh Mỹ, cho tới thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ông tranh thủ ghi lại những vần thơ giữa những khoảnh khắc ngưng tiếng súng hay thời gian nhàn rỗi. Tới đầu năm 2000, ông sắp xếp lại những bài thơ suốt nửa thế kỷ qua và cho xuất bản tập thơ Con Tằm với ý nguyện giản dị - như con tằm nhả kén tơ tặng bè bạn thân hữu và lưu lại cho con cháu. Trong số đồng đội cũ, thiếu tướng Đỗ Văn Phúc (chiến sĩ Điện Biên) cũng nhận được một cuốn từ “nhà thơ”. Trái tim người lính già từng thổi ac-mô-ni-ca “địch vận” trên đồi C1 năm xưa thực sự rung động. Đầu năm Giáp Thân 2004, ông lấy giấy bút ra hí hoáy phổ nhạc cho bài thơ Chim Nhạn.

Trong tiệc trà mừng thọ cụ Văn Giang vào tuổi 80, tôi cũng vinh dự có mặt. Khách quý được thưởng thức song ca của ông Phúc cùng bác sĩ trẻ Nguyễn Hồng Sơn (con rể “nhà thơ”) tặng vợ chồng cụ ca khúc trữ tình Chim Nhạn, mang hơi ấm nồng nàn của mối tình lãng mạn của anh lính Cụ Hồ cách đây đã hơn nửa thế kỷ.

Có những tuổi hai mươi như thế/ Mắt ngọc tay vàng xanh biếc mộng hoa niên/ Bạn quý, người yêu, em nhỏ, mẹ hiền/ Tôi ấp ủ, hạnh phúc nào sánh nổi... Đất nước hòa bình đẹp như thơ/ Giặc bạo tàn giày xéo non sông/ Xúc phạm điều thiêng liêng nhất trong lòng/ Ước mơ đành dang dở, xếp bút nghiên! Và lửa cháy đạn bom, và chiến trường máu đổ/ Tôi ngã xuống giữa lòng đất mẹ đỏ…

Ca khúc được ca sĩ trẻ Vũ Thắng Lợi tự sự thiết tha, nói lên nỗi mất mát, niềm tự hào của biết bao thế hệ đã hiến dâng máu xương cho Tổ quốc - điều mà lão tướng Trần Văn Giang muốn nói. Năm 2015, ca khúc này được là một trong những giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Vỹ thanh

Thiếu tướng - Chuẩn đô đốc Trần Văn Giang từ giã cõi đời ở tuổi 92 (1924 – 2016). Trước vong linh cụ, tôi không thể nào quên đôi câu đối mà bạn bè, đồng đội đã tặng:

Đất Bắc sinh thành người Võ tướng/ Trời Nam an dưỡng khách Văn chương

Xin thắp nén tâm nhang tưởng nhớ Thiếu tướng – Chuẩn đô đốc Trần Văn Giang, nhân kỉ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng!

Nguồn Văn nghệ số 51/2019


Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...
Đại biểu Quốc hội: Làm rõ "Tiêu chuẩn Việt Nam" trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Đại biểu Quốc hội: Làm rõ "Tiêu chuẩn Việt Nam" trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Baovannghe.vn - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, sáng nay, 22.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Bản tin Văn nghệ ngày 22/11/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 22/11/2024

Baovannghe.vn - Bộ VHTT&DL tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Tổ chức triển lãm 80 năm văn hóa, nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổ chức triển lãm 80 năm văn hóa, nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam

Baovannghe.vn - Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) tổ chức Hội nghị triển khai và rà soát công tác chuẩn bị tổ chức Triển lãm 80 năm văn hóa, nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam