Jonh thở khò khè. Cố lắm ông mới ngồi dậy được. Tiết trời chuyển sang mùa xuân ấm áp sức khỏe của ông cũng có phần tốt lên. Mỗi lần ngồi dậy được Jonh lại nhìn ra ngoài ô cửa sổ tận hưởng những luồng gió mát lành của thảo nguyên mênh mông.
Nơi ông ở là một thị trấn trong thung lũng cách xa New York - Thành phố của sự xa hoa và lộng lẫy, nơi ông và vợ mình đã trải qua một tuổi thơ êm đềm và tươi đẹp như bao đứa trẻ được sinh ra trong một đất nước phồn vinh và giàu có bậc nhất. Ở đó, người ta vẫn nhắc đến sự tự do như một quyền cao tối thượng của con người mà không bất cứ ở đâu có được.
Khi sự đói khát vẫn còn bủa vây nhiều thân phận con người ở đâu đó. Khi mà hằng ngày truyền thông vẫn đưa tin về giết chóc, đói khát, bạo lực ở khắp nơi. Nhiều người đang phải sống kiếp nô lệ, chìm trong tăm tối của đói khát thì Jonh đã có khoảng thời gian sống hạnh phúc, đủ đầy bên bố mẹ và anh chị của mình. Những con người luôn yêu thương và ủng hộ ông vô điều kiện.
Điều gì đã làm cho cuộc đời của ông rẽ sang một hướng hoàn toàn khác. Không còn ai tin ông, không có một người nào ủng hộ ông. Họ nhìn ông như một kẻ giết người hàng loạt. Ông - Kẻ đầy tội lỗi.
Năm hai mươi tuổi, Jonh nhận lệnh tham gia vào binh chủng lục quân, phục vụ quân đội tham chiến ở Việt Nam- Đất nước hoàn toàn xa lạ. Tuổi trẻ, tình yêu và khát vọng. Jonh đã chọn khát vọng như bao người đàn ông trưởng thành. Ông hoãn lại lễ đính hôn với Emily - người yêu của mình để lên đường làm nhiệm vụ. Ông được biết đó là một cuộc tham chiến với mục đích bảo vệ hòa bình, bảo vệ những người dân nghèo khổ ở một đất nước xa lạ. Ông không biết điều gì đang chờ đợi mình…
Jonh cảm thấy như tim mình ngừng đập, khó thở. Ông nhấn chuông. Bà Emily vợ ông, hốt hoảng chạy vào, lắp máy thở vào mũi và đỡ chồng nằm xuống.
Bản nhạc bắt đầu vang lên… Những âm thanh lạ mà quen thuộc. Nhiều năm nay ông đã nghe bản nhạc ấy trong những giấc mơ. Bản nhạc được phát ra từ chiếc hòm gỗ, nơi mà ông cất giữ một kỷ vật thiêng liêng.
Một người thanh niên có gương mặt vuông vức, đôi mắt đen với làn da vàng. Anh ta còn rất trẻ, trạc hai mươi, như ông ngày khoác quân trang lên đường tham chiến.
Chiếc áo xanh trên vai anh đã bạc sờn. Cả chiếc mũ trên đầu cũng vậy. Sau những trận càn ác liệt, anh ta ngồi trên tảng đá, giở cuốn sổ nhỏ để trong túi áo ngực, đặt lên đùi và viết. Những dòng chữ dài nối nhau mà Jonh không thể hiểu được. Có lẽ anh ta đang viết cho người yêu ở quê nhà, hay đang viết cho mẹ. Hoặc có khi anh ta viết về trận chiến, từng giờ phút đối mặt với sinh, tử. Giữa lửa đạn ác liệt vậy mà từng ngày trôi qua với anh ta vẫn vô cùng ý nghĩa và đáng sống! Điều đó khác hẳn với tâm lý chán chường, sợ hãi và mặc cảm của Jonh và những người bạn ông. Từng ngày với họ thật đáng sợ và chán nản. Họ như những đứa trẻ bị đẩy vào cuộc chơi mà không hiểu gì. Sau mỗi cuộc chiến, thứ làm Jonh và những người bạn lính của mình tìm đến là rượu. Rượu làm họ quên đi những việc họ đã làm.
Jonh nheo mắt nhìn vào từng trang giấy nhỏ. Những dòng chữ còn nguyên, một vài chỗ bị mờ đi. Có thể là do nước mắt. Có thể là mồ hôi, hoặc máu.
*
Bà Emily mang đến cho chồng một cốc sữa nóng, bà đưa tay ra hiệu cho ông có thể ngồi dậy được không? Jonh đưa một ngón tay lên. Bà từ từ nâng ông dậy, tháo ống thở. Trán Jonh lấm tấm mồ hôi nhưng khuôn mặt thì rạng rỡ hơn. Bà biết ông vừa trải qua một giấc mơ.
Bà đưa cho chồng ly trà nóng. Họ ngồi uống trà và nhìn con mèo đang nghịch nắng trên bậu cửa. Ông đưa tay lên trán, chậm rãi đọc lại trong trí nhớ:
“Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em
Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ
Nỗi nhỡ chẳng bao giờ nhớ thế
Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi…”
(Chiếc lá đầu tiên - Hoàng Nhuận Cầm)
Những câu thơ trong sáng của một thời tuổi trẻ. Thời mà anh ta đã đi qua. Tuổi trẻ thật là đẹp. Tình yêu và khát vọng. Vậy mà điều gì đã thay đổi cuộc đời anh?
Cuộc chiến tranh nổ ra khi tôi đang còn ngồi trên ghế trường Đại học. Theo tiếng gọi của Tổ quốc tôi cùng những người bạn của mình gấp lại trang vở, lên đường vào chiến trường. Tuổi trẻ có tình yêu và khát vọng. Tôi và những người bạn của mình đều ra đi theo tiếng gọi của cả tình yêu cháy bỏng trong tim với quê hương, đất nước với khát vọng tuổi trẻ, góp một phần công sức của mình trong cuộc chiến chống lại kẻ thù cướp nước.
Khí thế ngày ra trận như tiếng trống thúc giục trong tim ngày khai giảng. Chúng tôi ra đi bởi một niềm tin mãnh liệt rằng rồi chúng tôi sẽ lại về ngôi trường ấy, sẽ được học tập trong một không gian yên bình, không khói bom và đạn pháo. Những đứa trẻ lớn lên trên đất nước đau thương của tôi sẽ được sống trong hòa bình và hạnh phúc.
Jonh hiểu điều đó qua ánh mắt người thanh niên ấy. Ánh mắt đong đầy khát vọng và một niềm tin mãnh liệt vào ngày mai. Trong cuộc chiến cam go và gai góc, ở anh ta vẫn hiện lên một niềm tin mãnh liệt. Khác hẳn với Jonh, đó là nỗi sợ, sự mất niềm tin, mất phương hướng. Và điều quan trọng hơn, Jonh đã dần nhận ra mình đang tham gia vào một cuộc chiến vô nghĩa. Điều mà khác hẳn với những gì Jonh được giải thích trước khi lên máy bay sang đất nước xa lạ này. Tại sao ông phải chĩa súng vào những con người vô tội? Tại sao ngay cả một người phụ nữ, một đứa trẻ cũng có phản ứng dữ dội khi nhìn thấy Jonh? Jonh đã dần hiểu ra điều đó nhưng đã quá muộn để có thể từ bỏ.
Ra khỏi cuộc chiến, Jonh bị ám ảnh về những cái chết đầy thương tâm. Đau khổ hơn khi trở về thành phố của mình ông bị cả những người thân phản đối, bố mẹ, chị, em gái, bạn bè… Những người thân yêu của ông đều nhìn ông bằng một con mắt xa lạ, họ khinh ghét và coi Jonh chẳng khác gì một tên giết người hàng loạt. Rồi Jonh sẽ phải trả giá cho những việc mình làm, chỉ là ông không biết mình sẽ phải đền tội vào lúc nào mà thôi.
Emily ở lại bên ông. Họ làm đám cưới và chuyển tới ngôi làng ven thung lũng, cách xa thành phố, rời xa ánh hào quang ồn ào để đến một nơi yên tĩnh sống hết những năm tháng còn lại của cuộc đời.
Sức khỏe của Jonh không được tốt. Từ sau cuộc chiến tranh Jonh đã phát hiện ra mình nhiễm chất độc hóa học. Ông thường xuyên phải nhờ đến sự hỗ trợ của máy thở, bình oxi và nằm bẹp trên chiếc giường. Họ không có con vì chúng không thể lớn lên bình thường như những đứa trẻ khác được.
*
Emily đỡ chồng lên ghế khi ông đã uống hết ly sữa và mỉm cười với bà. Đôi mắt ông chăm chăm về phía trước. Đồng cỏ xanh ngắt, một vài con hươu từ trong rừng chậm rãi đi trên bãi, nhìn chúng có vẻ thích thú. Xa xa là những ngọn núi sừng sững và những hồ nước nhỏ. Ánh nắng vừa đủ làm cho tất cả không gian nhuộm màu vàng nhạt, thơm tho. Khung cảnh thật tuyệt vời. Đẹp và yên bình. Một cảnh tượng thật yên tĩnh và tươi đẹp, như mảnh đất năm xưa mà Jonh đặt chân tới…
Những ngôi nhà lúp xúp lợp mái lá đơn sơ nằm san sát nhau. Một gia đình khoảng bốn đến lăm người sống ở đó. Họ nấu ăn, làm lụng và chăm con. Những đứa trẻ không có đủ quần áo để mặc, không đủ cơm để ăn nhưng miệng thì lúc nào cũng cười đùa vui vẻ. Cho đến khi tiếng súng nổ ra thì mọi chuyện đã khác. Bom đạn đã phá hủy ngôi nhà, chỗ ở của họ, đẩy họ ra khỏi mảnh đất mà cha ông họ đã sống. Lửa, khói súng ám đen đặc cả một vùng trời. Âm thanh của súng, bom, tiếng gào thét. Jonh nhắm mắt lại. Ông đưa tay lên ngực, cố không để mình ngã xuống trước khi Emily phát hiện và chạy lại. Bà nắm lấy bàn tay run rẩy của Jonh, từ từ vuốt ngực ông: “Tất cả đã qua rồi. Đó chỉ là quá khứ”.
Jonh thở chậm, từ từ mở mắt…
*
Bao nhiêu năm nay bà Emily đã quen với những cơn mê sảng của chồng. Từ khi trở về từ cuộc chiến tranh, Jonh luôn bị ám ảnh, quá khứ luôn đeo bám ông, về cái chết, máu và nước mắt. Có lần trong cơn mê sảng Jonh đã ôm bà chặt đến nỗi bà tưởng như mình không thở nổi và liên tục la hét.
Nhưng ký ức đẹp và kỷ vật về người thanh niên xa lạ thì lại luôn được ông kể lại với một niềm vui. Và như một sợi dây vô hình nó làm cuộc sống của chồng bà thêm ý nghĩa. Bà biết ông vẫn luôn ao ước được trở về quá khứ từ hiện tại dù đó là một quá khứ đau buồn và đáng sợ. Ông cần phải trở về chính nơi mà mình đã để lại vô vàn những nỗi đau cho những người vô tội và trở về để trả lại vật kỷ niệm của người thanh niên mà ông đã giữ suốt cuộc chiến tranh. Điều gì đã khiến Jonh làm thế? Điều gì đã khiến ông không muốn nhắc lại quá khứ nhưng lại gìn giữ kỷ vật khơi lại quá khứ ấy?
Emily không muốn điều đó. Bà lo cho sức khỏe của chồng và bà muốn ông quên đi tất cả những gì trong quá khứ, nó chỉ như một mũi tên găm vào trái tim nhức nhối. Nhưng dù không muốn đi chăng nữa thì bà cũng đang cùng ông trải qua những năm tháng chiến tranh qua hình ảnh của một người thanh niên xa lạ. Hình ảnh về chàng trai và kỷ vật trong chiếc hòm gỗ là những liều thuốc tinh thần của Jonh. Những con người, những thứ đến từ quá khứ lại chính là liều thuốc chữa lành những vết thương trong hiện tại mà Jonh đang phải trải qua từng ngày.
*
Emily tỉ mẩn vuốt từng nếp áo và xếp những bộ quần áo cũ của Jonh vào trong tủ. Bà không muốn ông nhìn thấy bất cứ thứ gì liên quan tới quá khứ. Sáng qua, Jonh đã mang nó ra và hình như ông chưa kịp gấp lại.
Bà đến gần chiếc ti vi, vặn nhỏ tiếng lại. Jonh đang chìm vào giấc ngủ trong tiếng thở nặng nhọc.
Bản nhạc vang lên… Âm thanh lúc bổng, lúc trầm, réo rắt. Cánh đồng hiện ra xanh ngút ngát, những con trâu nhởn nha gặm cỏ. Một vài người đàn ông mặc áo nâu, quần xắn quá gối đang xới đất. Những người đàn bà cúi mặt cấy lúa. Từng đứa trẻ thích thú với trò nghịch nước dưới con mương um tùm cỏ dại. Chúng bắt cá, đùa với bùn xình bám đầy trên tóc, trên gương mặt đỏ vì nắng. Người thanh niên quay sang nhìn Jonh:
- Quê tôi đấy!
Jonh nheo mắt nhìn. Đúng là một cảnh tượng yên bình.
- Quê anh thật đẹp!
Người thanh niên cười và lại ngồi xuống đưa cây sáo lên miệng thổi. Bản nhạc réo rắt vang lên giữa khung cảnh làng quê yên bình. Jonh đi bộ trên cánh đồng cỏ xanh ngăn ngắt. Những lá cỏ mềm ngả rạp dưới gót giày đinh hầm hố. Cả những bông hoa trắng muốt cũng nát bươm. Jonh không nhận ra điều đó. Anh tiến về phía trước. Một khu rừng rậm với vô vàn những thân cây vươn mình đón nắng. Tiếng chim lảnh lót từ trên cao, khuất trong những tán lá xanh um. Anh cố tìm cho được những chú chim để thỏa trí tò mò. Chàng thanh niên mỉm cười:
- Chim chóc ở đây nhiều, có cả nhiều loài động vật nữa. Chúng tôi không bắt
nó. Chim là bạn, là tiếng gọi của hòa bình.
Vừa nói dứt lời anh lại chỉ cho Jonh thấy những loài cây có thể làm thuốc, có cây cầm máu, cây hạ sốt, chữa ho, chữa bệnh nặng… Jonh không biết điều đó. Nơi anh ở người ta không dùng cây lá để chữa lành vết thương. Họ dùng thuốc, những viên thuốc trắng, những trai hóa chất được bọc trong túi và bảo quản trong hiệu thuốc hoặc trong tủ.
Người thanh niên mỉm cười. Nụ cười của anh ta giống với nụ cười của hầu hết những con người trên mảnh đất này khi chiến tranh chưa xảy ra. Nụ cười đôn hậu và trìu mến. Anh ta chỉ về phía ngôi nhà lá nằm nép mình dưới một thân cây già, có những cành vươn dài bao trùm lấy khoảng sân nhỏ.
- Nhà tôi ở đấy!
- Anh còn mẹ không?
- Có. Mẹ và các em tôi. Chúng còn nhỏ.
- Cha anh đâu?
- Cha tôi hy sinh.
Bản nhạc lại vang lên… Những gót giày đinh chạy trên đồng cỏ xanh ngăn ngắt, những bông hoa trắng muốt giập gãy, nát bét. Những đôi mắt trẻ thơ hoảng sợ, nháo nhác chạy, bỏ lại những xâu cá. Tiếng những người đàn bà la hét. Tiếng bước chân của những người đàn ông cầm gậy thình thịch chạy về phía gót giày. Rồi tiếng súng, tiếng bom nổ. Cháy. Khói đen bốc cao. Trăm mảnh cháy tung lên như có ai tung những tờ giấy đốt giở lên trời… Cả cánh rừng trụi lá.
“Mẹ và các em yêu mến! Chúng con vừa trải qua một trận chiến ác liệt. Bọn chúng đánh bất ngờ mẹ ạ. Nhiều đồng đội của con hy sinh. Chúng con đang trên đường di chuyển về đơn vị X chuẩn bị cho một trận đánh mới. Có thể là ngay đêm nay, cũng có thể là ngày mai. Con sẽ chiến đấu kiên cường như bố. Mẹ đừng lo gì cho con mà buồn lòng mẹ nhé!
Các em thân yêu của anh! Anh mong khi các em lớn lên các em sẽ được làm người dân của đất nước hòa bình, không phải đối mặt với bom rơi, đạn nổ nữa. Anh hy vọng ngày về anh em mình lại cùng nhau đi tát cá ngoài mương, được ra đồng cày ruộng… Còn nhiều ước mơ lắm. Anh mong sẽ được trở về ngôi nhà mình bên mẹ và các em…”. Dòng chữ cuối cùng mờ đi.
Jonh ôm đầu. Tiếng chuông đồng hồ làm ông mở mắt. Đồng hồ điểm mười hai giờ. Căn phòng yên tĩnh. Chỉ còn âm thanh của bản nhạc réo rắt trong đầu ông.
Jonh từ từ ngồi dậy, đến bên chiếc hòm gỗ. Trong ánh nến lập lòe, ông nhìn thấy chàng trai đang ngồi ghi nhật ký dưới ánh sáng của mảnh trăng giữa rừng già khuya khoắt. Trời về đêm, sương xuống mỗi lúc một dày. Sương ở đây buốt lạnh, nhói vào tận xương. Anh ta ngồi đó, lặng lẽ. Đôi mắt thi thoảng lại ngước lên ngắm nhìn tấm ảnh nhỏ vừa lòng bàn tay, soi trong ánh trăng sáng bàng bạc. Rồi lại cúi xuống viết như thể tranh thủ từng giây, từng phút trước khi trời sáng.
“H thân yêu! Em đã gửi cho anh tấm ảnh này như gửi cả tình yêu. Anh trân trọng từng giây được bên em, từng phút được ngắm em cười trong bức hình anh luôn mang theo. Chúng mình đang ở hai đầu đất nước nhưng cả anh và em cùng đang nhìn về một hướng. Đó là ngày mai. Ngày mai thôi khi chiến tranh kết thúc chúng mình sẽ về một nhà. Sẽ sinh con, sẽ sống những tháng ngày hạnh phúc phải không em? Hãy chờ anh H nhé! Anh mong được trở về bên em trong ngày giải phóng. Hạnh phúc khi ấy thật tròn vẹn, phải không em? Thôi, đã đến lúc anh phải lên đường rồi. Nhớ em nhiều”.
Cuốn sổ khép lại cũng là lúc trời tờ mờ sáng. Đoàn người nối nhau đi trong thinh lặng, trong giá buốt của đêm sương rừng già. Họ trao vội cho nhau nắm cơm và mẩu thuốc lá. Những đôi giày đã mòn vẹt, những vai áo ngả màu, cành lá ngụy trang rung rinh theo bước chân những người chiến sĩ. Thỉnh thoảng có pháo sáng trên không lập lòe rồi rơi xuống, chỉ cách đoàn người một khoảng. Trong hơi sương lạnh lẽo, đoàn người đi trong ánh trăng sáng bàng bạc.
Jonh không hiểu vì sao những thân người nhỏ bé, đói khát kia lại có thể băng qua những cánh rừng rậm, những ngọn núi, những làn bom đạn liên tục trút xuống. Họ mang trong mình sức mạnh gì để vững chắc cây súng chiến đấu? Họ là ai? Những người đàn ông mình đồng da sắt hay những tráng sĩ còn xót lại trong sử thi.
Người lính trẻ nhìn Jonh:
làm gì để vượt qua.
Jonh từ từ tra chìa khóa, mở chiếc hòm. Bản nhạc vang lên nhanh và rõ hơn. Bản nhạc lần này như một điệp khúc quân hành, nó có giai điệu nhanh, dồn dập như bước chân và trái tim họ, những người lính đang hành quân. Jonh lẩm nhẩm theo giai điệu và hình dung ra những bước chân rầm rập của tiếng giày đinh đạp trên đất, tiếng động cơ máy bay gầm rú, tiếng xe tăng…
Cuốn sổ nằm yên dưới đáy hòm, bìa đã sờn màu. Tấm ảnh nhỏ từ cuốn sổ rơi ra. Đó là hình một cô gái đang cười rất tươi. Đằng sau cuốn sổ là những dòng chữ. Ông đưa tay mình chạm vào đó. Một luồng hơi lạnh ngắt. Sương bao phủ dày đặc cả không gian. Cả căn phòng trùng trình trong sương lạnh. Jonh hướng mắt về chiếc lò sưởi đang cháy. Jonh từ từ tiến đến lò sưởi. Chỉ cần ông bỏ cuốn sổ này vào lò sưởi. Lửa sẽ mang tất cả quá khứ đi. Quá khứ sẽ ngủ yên như ông muốn. Tất cả. Ngọn lửa bốc cao, sức nóng lan tỏa khắp cánh tay Jonh.
Ánh mắt chàng trai nhìn Jonh. Jonh chạm vào ánh mắt như có hai đốm lửa đang cháy. Tôi muốn được trở về. Trở về bên mẹ. Mẹ đã chờ tôi mấy chục năm nay… Mẹ tôi đã già, sức đã yếu. Cả đời mẹ chỉ mong được tìm thấy con mình. Dù là một nắm đất. Tôi biết, mẹ vẫn đi tìm tôi. Tôi muốn được trở về…
Tay Jonh khựng lại, cuốn sổ nằm trong đôi bàn tay ông lạnh ngắt. Jonh gấp lại, đặt ngay ngắn vào đáy hòm.
Ngọn nến hắt bóng một người đàn ông trầm ngâm và cô độc.
*
Mặt trời rọi những tia vàng lấp lánh trên đỉnh những ngọn núi xa xa. Ánh nắng đầu ngày luôn khiến tâm hồn con người ta cảm thấy dễ chịu. Jonh thấy sức khỏe mình tốt hơn. Tuy không tự đi lại được nhưng ông vẫn còn có thể được nhìn thấy ánh mặt trời. “Mỗi ngày nhìn thấy ánh mặt trời là bạn đã đang được hít thở, được tận hưởng và được yêu thương. Dù thế nào đi nữa cuộc sống vẫn là điều tuyệt với nhất. Và được sống là một ân huệ lớn lao mà chúa ban tặng cho bạn. Cuộc sống càng quý giá biết nhường nào khi bạn đã trải qua tất cả những đớn đau, khủng khiếp nhất để được sống. Và bạn nhận ra có những con người đã hy sinh mạng sống của mình cho những người khác. Họ đáng được trân trọng. Đáng được yêu quý”. Jonh ghi vội vào bìa một quyển sách đang đọc dở.
Ánh nắng khiến cho cả người Jonh ấm dần lên. Ông nhớ tới những ngày ở nơi mặt trời rọi nóng bỏng. Trong thời tiết 40 độ ông và những người bạn lính nặng nề mang vác quân trang, vũ khí và cố trấn an một tinh thần đang hoảng loạn, chán chường để đối đầu với những người lính quân Việt Nam. Đó là trận chiến mang ý nghĩa quyết định.
Trong không khí im lặng đến đáng sợ của cả hai bên Jonh chẳng nghĩ được gì ngoài cái chết. Đã bao lần ông nghĩ mình sẽ bỏ mạng ở đấy, trên mảnh đất xa lạ này. Cái chết đang đến rất gần, từng giờ, từng ngày. Chỉ là không biết vào thời điểm nào mà thôi. Jonh đặt tay lên ngực trái của mình, ở đó có tấm hình của người ông yêu thương, đó là quê nhà, là tình yêu, động lực sống duy nhất để ông trở về. Tiếng súng bên kia vang lên một tràng dài. Một quả lựu đạn ném qua hàng rào và phát nổ, tim Jonh như ngừng đập. Trong phút chốc, tiếng súng đáp trả, tiếng bom liên tục dội lại phía bên kia. Khói đen mù trời. Lửa bốc cao. Mùi khói súng khét lèn lẹt. Mùi máu tanh lợm ngay rất gần. Rất nhiều đồng đội của ông đã bị thương, họ nằm trên cỏ, miệng không ngừng la hét, kêu cứu. Những tiếng kêu cứu của đồng đội làm Jonh hoảng sợ. Ông nã đạn như một gã điên vào khoảng không vô định. Đất bắn lên tung tóe, những mảnh vụn văng về khắp ngả…
Đầu óc Jonh như có lửa, choáng váng, Jonh ôm đầu, rên khẽ. Ông lấy tay liên tiếp đập vào đầu. Emily chạy lại, bà biết chồng vừa trải qua những hình ảnh đầy ám ảnh đáng sợ. Bà ôm ông trong vòng tay chắc nịch, ngăn những cơn hoảng loạn của chồng.
Jonh nằm xuống nệm, mắt ông từ từ nhắm lại, nghe rõ từng hơi thở…
Bản nhạc vang lên chậm rãi…
Chàng thanh niên ngồi trong tĩnh lặng của đêm và sương giá buốt. Anh kê đầu gối và rút quyển sổ tay trong túi ngực, cúi sát người để có thể viết…
“Mẹ thân yêu! Chúng con đang bước vào những giờ phút ác liệt nhất của trận đánh để giành thắng lợi cuối cùng. Nhất định hòa bình sẽ về ta mẹ ạ. Mẹ con mình cùng chờ tin chiến thắng mẹ nhé. Con luôn mong ước được trở về bên mẹ. Để đỡ đần mẹ nuôi các em khôn lớn, trưởng thành. Còn không, nếu con không thể trở về, cũng đừng buồn nhiều mẹ nhé! Xem như con đã hiến trọn đời mình cho Tổ quốc, quê hương.
Các em yêu thương của anh! Hãy nhớ sống thật tốt, sống xứng đáng với những gì những người đi trước đã hy sinh cho cuộc sống của các em. Hãy sống thay phần của anh, thay anh chăm sóc mẹ nếu anh chẳng thể trở về…”
Đêm mỗi lúc càng thêm tĩnh mịch. Sự im lặng đến rùng rợn sau ngày đẫm máu thứ nhất. Ngày mai…
Trận chiến kết thúc sau nửa ngày dòng dã, súng, bom dội lên mặt đất. Jonh ôm chiếc chân phải đã bị thương nặng, cố gắng trở về ơi an toàn. Nếu gặp một người lính Việt Nam chắc ông sẽ chết. Jonh vừa nghiến răng vừa lẩm nhẩm cầu chúa. Một người thanh niên đang tiến lại gần ông, người anh ta đẫm máu. Máu thẫm một vùng áo nơi ngực trái. Anh ta đang bị thương rất nặng. Nhưng khi nhìn vào đôi mắtanh ta Jonh hoảng sợ. Đôi mắt như hai quầng lửa, đỏ và nóng bỏng. Hai bàn tay đẫm máu của anh ta cầm chắc khẩu súng. Jonh ú ớ, giơ tay đầu hàng.
Anh ta chĩa súng về phía Jonh. Jonh chạm vào đôi mắt như hai quầng lửa đang bùng cháy. Trong đôi mắt ấy Jonh biết sức mạnh của anh ta thừa để bóp cò hướng vào đúng trái tim Jonh. Jonh ôm chiếc chân bị thương trong đau đớn và tuyệt vọng. Có thể cái chết đã đến và nó sẽ mang Jonh ra khỏi cuộc chiến này. Jonh lầm rầm một câu gọi trong cổ họng trước lúc viên đạn bay ra khỏi nòng súng. Đôi mắt tuyệt vọng nhìn gương mặt đầy máu của người thanh niên.
Nòng súng hướng thẳng về phía Jonh. Ánh mắt giận giữ. Máu từ bàn tay anh ta nhỏ xuống, từng giọt, thảm lá khô dưới chân chuyển màu nâu sẫm. Răng anh ta nghiến chặt lại như thể để kiềm chế nỗi đau, dồn sức lực cho viên đạn cuối cùng. Jonh từ từ lấy trong túi áo ngực của mình một tấm ảnh, ông muốn nhìn những người thân yêu của mình lần cuối. Họ là lí do duy nhất để ông đối đầu với cuộc chiến này để nhanh chóng trở về. Nhưng giờ thì không thể. Jonh khóc nấc lên. Nhắm chặt mắt lại.
Tiếng súng không vang lên. Jonh nhìn về phía người thanh niên. Anh ta từ từ hạ súng xuống. Hình như người thanh niên ấy cố nói một câu gì đó. Đôi mắt anh nhìn Jonh, rồi nhìn xuống ngực mình. Có thứ gì trong đó? Anh ta khụy xuống trước khi kịp lấy chúng ra. Anh nằm yên trên thảm lá khô, bàn tay đầy máu vẫn đặt trên ngực. Jonh cố trấn tĩnh. Tại sao anh ta không bắn? Có thứ gì đó trong túi ngực người thanh niên ấy? Jonh đã lấy chúng ra từ trái tim đầy máu bằng tất cả sự biết ơn lẫn trân trọng. Và cất giữ nó như cất giữ kỷ vật của chính mình.
*
Jonh ôm cuốn sổ nhỏ trong tay. Tôi sẽ mang anh về với mẹ. Cũng như tôi đã được trở về với gia đình của mình… Ông nhìn về phía trước mặt và thầm thì. Ngọn gió lay những cành cây phơ phất trong ánh nắng đầu ngày. Một ngày mới bắt đầu.
Đó có thể sẽ là chuyến đi cuối cùng trong cuộc đời của Jonh. Chuyến trở về cho một sự khởi đầu mới trong cuộc đời của ông. Khi ở giữa không không bao la Jonh thấy lòng thảnh thơi như ông đang được trở về với chính quê hương mình.
Mảnh đất ngày nay khác hẳn với những gì trong quá khứ. Không còn màu cỏ cháy và lá úa, không còn khói súng và đổ nát. Bầu trời cao trong xanh, những tảng mây trắng lững thững trôi trên mặt nước tĩnh lặng. Từng gương mặt người với nụ cười đôn hậu nhìn Jonh.
Vệt khói vẩn lên mái tóc trắng như cước, ám lên đôi mắt nhăn nheo của người mẹ già. Bà ngồi một góc nhà, lặng lẽ hôn lên những dòng chữ dài đã ố vàng trên tay Jonh. Ông chạm vào đôi mắt như hai đốm lửa nhỏ, từ từ khép lại. Anh nằm xuống, trên chiếc phản kê giữa sân nhà. Khoảng sân đầy nắng và cây lá lao xao.
Anh đã được trở về với quê nhà, với những người thân yêu sau bao năm xa cách. Mắt mẹ đã không còn nhìn thấy những dòng chữ anh viết nhưng anh luôn sống trong trái tim của mẹ, của những người đang sống. Sẽ chẳng còn cách xa nào nữa. Cũng sẽ chẳng còn nỗi đau nào nữa. Chiến tranh đã qua rồi…
Jonh bước chầm chậm trên cánh đồng xanh trải dài trước mắt. Những ngọn cỏ mềm dưới bàn chân trần mát lạnh. Những bông hoa trắng muốt lay lay trong gió sớm. Chàng thanh niên đứng cạnh ông, họ ngồi xuống cỏ. Nơi đây, cỏ đã xanh trở lại.
Nguồn Văn nghệ 35+36/2019