Giữa trùng trùng núi non hùng vĩ nơi địa đầu Tổ quốc tôi nhận ra đá cũng có nhịp đời hiển hiện như đời sông đời biển đời gió đời mây đời cây đời nắng kết thành vòng xoay tuần hoàn trong lòng lớp vỏ trái đất có bề dày từ vực thẳm đáy đại dương cho đến giới hạn trên cùng của tầng bình lưu trước khi bước ra vũ trụ mênh mông vô cùng tận.
Lớp vỏ cưu mang những nhịp đời ấy chứa đựng sức mạnh siêu nhiên do năng lượng tiềm tàng cộng hưởng từ mặt trời và từ sâu lòng trái đất tỏa ra điều khiển sự vận động không ngừng nghỉ lúc thăng lúc trầm sau cơn cuồng nộ đến độ mềm mại thướt tha để mà “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà” (thơ Nguyễn Xuân Sanh).
Thì đây giữa cao nguyên đá vôi Đồng Văn kiến tạo độc đáo hiện diện sau hàng trăm triệu năm dâu bể sừng sững giữa trời xanh mây bạc vẫn đong đầy ký ức của quá khứ xa xăm mịt mùng niên đại địa chất.
Minh họa: Ngô Xuân Khôi |
Tôi bất giác thốt lên từ rung động cõi lòng:
Chẳng mênh mông nào như cao nguyên đá Đồng Văn một trùng trùng đá sắc chĩa thẳng lên cao xanh rời rợi!
Chẳng sừng sững nào như đỉnh Mã Pì Lèng kỳ vĩ nhìn xuống dòng Nho Quế thăm thẳm ngất ngây gió núi mây trời!
Chẳng đê mê nào như đôi nhũ hoa căng đầy sức sống tuổi mười tám trắng trinh rạo rực Quản Bạ phong tình lúc bình minh lên khi hoàng hôn ngả bóng!
Chẳng trắc ẩn nào huyễn ảo mà lồ lộ như chợ tình Khau Vai đón những chàng trai cô gái tìm về hẹn hò xưa diễm lệ nhưng không nên vợ nên chồng!
Còn nhớ ngày nào giữa cao nguyên đất đỏ ba dan với tên gọi Tây Nguyên có cội nguồn từ hoạt động mác ma phun trào dưới hình thức núi lửa dần nguội để lại bề mặt uốn lượn như sóng thoải theo chiều bắc-nam dưới bầu trời:
Nhuốm
sắc hồng
Mây
bảng lảng
trời đông
Thức dậy
Lang Biang
Lâm Viên
Di Linh
Kon Tum
Khát vọng
Và hai đồng bằng vựa lúa phì nhiêu Bắc Bộ và Nam Bộ tưởng chừng không chút gì dan díu mà cũng là thành quả mài rũa sỏi đá một cách nghiệt ngã và dài lâu của các dòng sông trong quá trình xâm thực và lấn biển bằng những lớp phù sa mịn màng màu mỡ nuôi dưỡng cây trái bốn mùa sắc màu rực rỡ quyến rũ hương thơm.
Ai đã qua bất cứ vùng đất nào trên lãnh thổ đất nước thân thương hình chữ S lưng tựa dải Trường Sơn điệp trùng luôn hướng ra biển Đông mênh mông sóng vỗ đều không khỏi ngỡ ngàng đến bàng hoàng trước vẻ đẹp lộng lẫy mà nhức nhói niềm yêu lòng nhớ.
Riêng tôi lại hình dung về sự xóa nhòa ranh giới thời gian chỉ còn giữ lại nhịp điệu đổi thay trong không gian nhiều chiều thách đố qua sự phân bố sự vật và hiện tượng trong lớp vỏ trái đất đầy biến động mà chính tiến trình văn minh loài người luôn lặp lại những lầm lỡ trên con đường nhận thức và chinh phục khiến thiên nhiên giận dữ trút tai họa khôn lường lên cuộc sống vốn đã chật vật lại thêm ô nhiễm môi trường phát sinh nhiều bệnh tật luôn phải đứng trước nguy cơ suy kiệt các nguồn tài nguyên hứng chịu hậu quả của sự thay đổi khí hậu do chính mình gây nên.
Thuở nhỏ tôi say mê đọc Jules Verne những tác phẩm văn học của nhà văn người Pháp có sức tưởng tượng siêu việt với nhiều dự báo cho khoa học tương lai đã gieo vào tâm hồn tôi khoái cảm ước mơ thích thú liên tưởng soi tìm quan hệ. Cuộc hành trình Hai vạn dặm dưới biển của ông khiến tôi vỡ lẽ còn tồn tại một thiên nhiên thứ hai dưới đại dương với đầy đủ các dạng địa hình như ở thiên nhiên trên bề mặt trái đất. Ở dưới đó cũng có những rặng núi đồ sộ đỉnh núi cao vực thẳm cũng có những dòng chảy ngược xuôi (dòng biển nóng, dòng biển lạnh trên bề mặt hay ngầm trong lòng đại dương), những loài động thực vật (bậc cao, bậc thấp) xếp thành tầng (bề mặt, giữa, đáy) vận động trong nguồn sáng chất lân tinh, có sự đối lưu ngang và thẳng đứng…, dưới áp lực của khối nước đại dương mà bề mặt chiếm tới ba phần tư diện tích trái đất và độ sâu rất khác nhau, nơi sâu nhất hơn mười một nghìn mét trong địa vực Thái Bình Dương. Thuyết Kiến tạo mảng chỉ cho tôi thấy những căn nguyên hình thành các lục địa qua biến thiên từng chu kỳ địa chất, trong đó có cả sự thay đổi to lớn khối địa hình bán đảo Đông Dương liên quan tới những hoạt động dữ dội của dãy Himalaya đẩy đỉnh Everest lên độ cao nhất thế giới trong cuộc Tân kiến tạo hàng triệu năm trước đây làm nên hình hài bề mặt trái đất ngày nay.
Một câu hỏi khác đặt ra trong tôi là làm cách nào người xưa đã hình dung được trên “đầu” nhân loại có tận “chín tầng mây”? Cứ cho rằng nhân vật lão Tôn Hành Giả sau năm trăm năm tu luyện có đủ bảy mươi hai phép thần thông đi mây về gió tới thấu chân trời góc bể vẫn không thể thoát khỏi bàn tay Phật là hư cấu thì trí tưởng tượng của tác giả Tây du ký - Ngô Thừa Ân thật trác tuyệt! Thời nay, cùng chiếc phi cơ hiện đại bay lên ta dễ dàng nhận thấy phải vượt qua những tầng mây phân cách rất rõ rệt với những cú xóc nảy người còn khủng khiếp hơn ngồi trên chiếc xe tải chạy trên con đường đầy ổ gà ổ voi để khi đạt đến độ cao trên mười nghìn mét mới thảnh thơi đọc sách nhâm nhi tách cà phê hoặc ngả lưng chìm vào giấc mơ nhẹ nhàng. Ở độ cao ngoài tầng đối lưu qua ô cửa máy bay tôi đắm chìm trước không gian huyền ảo của tầng bình lưu lúc bình minh gấp gáp đuổi sau lưng hay khi hoàng hôn thả buông trước mặt khiến lòng ta không thể hững hờ bởi sắc màu lung linh biến hóa từng giây với bao hình ảnh sống động từ những khối mây như những dặng núi bồng bềnh trong khói sương huyền tích.
Thật vậy, trong bao bọc của lớp vỏ địa lý, thiên nhiên bề mặt đất mà ta nhìn thấy nằm kẹp giữa hai lớp thiên nhiên có nhịp đời hướng về hai chiều đối nghịch của không gian thẳng đứng khác với chiều bốn phương tám hướng nằm ngang nhìn về đường vòng tròn chân trời nằm dưới vòm cong như chiếc lồng bàn đậy khít cái mâm. Trên “cái mâm” ấy nhịp đời của đá luôn giữ vai trò nền tảng cho sự phát sinh các điều kiện các nhân tố tiên quyết dẫn đến sự phân bố cảnh quan thiên nhiên trước đó cũng như cảnh quan văn hóa tiếp sau mà không tách khỏi những tác động trực tiếp và gián tiếp của hai lớp thiên nhiên kia.
Và, giữa rừng đá vôi cao nguyên địa chất Đồng Văn uy nghi trầm mặc, tôi cảm nhận rõ ràng hơi thở toát ra từ những thớ đá thẫm đen dấp dính mồ hôi còn sót lại từ biển thôi ra vị mặn mòi của muối. Trồi lên mặt đất từ đáy đại dương rừng đá cao nguyên phải đối mặt trực tiếp với những tác động thường xuyên của ngày của đêm của bốn mùa luân chuyển dưới biên độ nhiệt dao động bất thường, của sự đỏng đảnh gió mưa mà thân thể đanh lại nhọn sắc lởm chởm không chỉ bề ngoài mà cả trong lòng cũng biến thành những hang động, một sản phẩm tự nhiên được quốc tế hóa dưới tên gọi là “dạng địa hình các-xtơ” (từ Karst – tiếng Đức là tên gọi cho Kras, một khu vực ở Slovenia dọc theo bờ biển Adriatic và nằm trên một cao nguyên đá vôi) có nhiều ở Việt Nam như động Thiên Cung hang Sửng Sốt - vịnh Hạ Long - Quảng Ninh, động Phong Nha - Quảng Bình, hồ Thang Hen - Cao Bằng, động Hương Tích - Hà Nội, Tam Cốc-Bích Động, hang động Tràng An - Ninh Bình… Từ chỗ chịu áp lực lớn của khối nước khổng lồ đại dương đến khi phơi mình dưới nắng mưa nóng lạnh, dạng địa hình các-xtơ trở thành những khu vực mà khả năng dự trữ nguồn nước kém hơn các dạng địa hình có nền đá khác nhưng bề ngoài khô khan ấy lại chứa đựng trong lòng nó những bí tích do tạo hóa đem lại với vẻ đẹp sững sờ mời gọi bàn tay khối óc con người làm nên vẻ đẹp mới - trầm tư đầy màu sắc âm thanh đậm dấu ấn tộc người với truyền thống khai sơn phá thạch trên những độ cao ngất ngưởng trầm mình trong mây gió sớm chiều sương giăng ảo mờ bóng núi mà tiếng gọi âm vang dội vách đá để lại những vết sẹo ngàn năm.
Nhập vào trùng trùng nhịp đá cao nguyên Đồng Văn, “sống cùng đá chết vùi trong đá”, không phân biệt nơi bắt nguồn dù người Mông người Dao người Tày người Giáy hay Lô Lô, con người định cư nơi địa đầu Tổ quốc không hóa đá mà thổi hồn vào đá kết nên cộng đồng điệp điệp hoa văn váy áo xênh xang trên những thửa ruộng bậc thang sau những bức tường rào xếp đá trong những ngôi nhà tường chình công phu xây bằng mồ hôi và nước mắt đời này tiếp đời kia.
Cuộc sống của đồng bào các dân tộc ít người vùng cao nguyên đá này thảng qua đôi ba lần có vẻ như diễn ra bình thường thậm chí không ít người còn cho là đơn điệu giữa âm u thâm cùng thủy cốc. Nhưng bên trong cái tưởng quá ư bình thường ấy thực chất tàng trữ rất nhiều điều phi thường không phải chỉ ở sức bền bỉ dẻo dai gồng vai đội trời đạp đá tắm sương gội gió mà ở tinh thần sâu xa của vị thế chiếm lĩnh chinh phục những độ cao cheo leo vươn lên đón ánh mặt trời sớm nhất uống nước tận nơi thượng nguồn ngọn suối. Con người sống với nhau trong tình mẫu tử nghĩa bạn bầu anh em đôi lứa gái trai mặn mà đầm ấm năm này qua năm khác gieo mùa tam giác mạch nở hoa rung rinh trong gió bấc se lạnh chờ tiếng đàn môi réo rắt hương xuân cất lên mỗi năm một lần tìm về phiên chợ gặp lại bạn tình thuở hoa niên một chợ phiên đặc sắc tính nhân văn nhân bản. Chẳng day dứt nào khiến nụ cười của các cặp trai gái đầu đời ướt hàng mi như con đường tình ái đến Khau Vai! Thi sĩ Trần Hòa Bình có bài thơ Khau Vai với những câu thơ bầm giập:
“Trời ơi Khau Vai
Khau Vai nhìn qua nước mắt
Bao bong bóng về trời
Thương buồn gửi lại…
Quỳ trước núi mà tin thôi em ạ
Ai trong đời chẳng có một Khau Vai”
Khau Vai - một địa danh thuộc huyện Mèo Vạc, trở thành biểu tượng thủy chung của tình yêu nam nữ cũng là một quan niệm rất phóng khoáng về khoảnh trời riêng của mỗi người trong đời sống vợ chồng không ai xâm phạm. “Ai trong đời chẳng có một Khau Vai” là sự thật, là cái nói ra được mà cũng chẳng thể nói ra của mỗi đời người!...
Một biểu tượng khác cũng uy nghi lẫm liệt được ghi vào sử xanh trên Cao nguyên địa chất toàn cầu đầu tiên của Việt Nam mà mỗi người đến đây đều phải nghiêng mình trước vòi vọi cao và hun hút sâu để ngắm dòng sông Nho Quế từ độ cao hai nghìn mét, để thưởng thức vị thế “vua” của các con đèo trên toàn lãnh thổ đất nước. Đó là đèo Mã Pì Lèng (hay còn gọi là Mã Pí Lèng) - một trong tứ đại đèo ở nước ta (ba đèo khác là Pha Đin – từ Sơn La sang Điện Biên, Ô Quy Hồ - từ Lai Châu sang Lào Cai, Khau Phạ - thuộc Yên Bái), là con đèo hiểm trở bậc nhất ở vùng núi biên viễn phía bắc Tổ quốc. Cả quãng đường từ huyện Đồng Văn sang huyện Mèo Vạc dài hai mươi tư cây số vùng núi đá làm mất một năm rưỡi, riêng đoạn dốc Mã Pì Lèng thì phải tốn mất mười một tháng, mười bảy thanh niên trong đội cảm tử phải treo mình bằng dây trên các vách đá đục đẽo hoàn toàn bằng bàn tay trần, bằng những phương tiện thủ công. Trong lịch sử làm đường của Việt Nam, đây là con đường thi công hoàn toàn bằng sức người gian khổ nhất (gồm hàng vạn thanh niên xung phong và bà con thuộc mười sáu dân tộc), vượt qua cao nguyên cao nhất, chiếm số ngày công lao động nhiều nhất, thời gian lâu nhất, và cũng bi tráng nhất. Thưởng ngoạn cảnh đẹp Mã Pì Lèng với cung đường có tới chín khúc ngoặt uốn lượn trên sườn núi chênh vênh, nhà thơ Nguyễn Hải Trừng thốt lên:
“Y chu choa! Nguy ôi! Cao thay!
Mây đạp dưới chân, trời đụng trán…”
Còn một địa danh khiến lòng người dân đất Việt không khỏi bồi hồi hướng tới - Cột cờ Lũng Cú, điểm cực bắc của Tổ quốc Việt Nam, nằm ở toạ độ 23°22’59” vĩ tuyến Bắc, 105°20’20” kinh tuyến Đông, có độ cao khoảng một nghìn bốn trăm bảy mươi mét trên mực nước biển, được xác định từ thời Lý, trải qua nhiều lần phục dựng, tôn tạo. Cột cờ mới hình bát giác cao trên ba mươi ba mét, khá gần kiểu kiến trúc Cột cờ Hà Nội, với lá cờ rộng năm mươi tư mét vuông, tượng trưng cho năm mươi tư dân tộc cùng chung sống trên lãnh thổ Việt Nam, khánh thành ngày 25 tháng 9 năm 2010. Lũng Cú (theo người địa phương, Lũng Cú đọc chệch từ Long cư – nơi Rồng ở) là mảnh đất địa đầu Tổ quốc, là vùng đất của chè Shan, rượu mật ong bạc hà và món thắng cố, của những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc Mông, Lô Lô, Giáy. Nơi đây cũng là xứ sở của đào phai hoa lê tuyết trắng vào mùa xuân và náo nhiệt những buổi chợ phiên rực sắc hoa văn giản dị mà thấm đẫm tình người.
Giữa trùng trùng nhịp đá, hòa vào bao la đất trời gấm vóc, dù thân bé nhỏ mà sức người bất diệt, khát vọng mông mênh, tôi sững sờ thốt lên tự sâu thẳm: “Sống cùng đá chết vùi trong đá”
Cuộc đời người lớp lớp ruộng bậc thang
Tiếng gọi bạn vọng vang vách núi
Điệu khèn rung ngựa hí động rừng
Chõ mèn mén đồ dăm ba lượt
Bếp quây quần lửa phần phật reo
Bậc dịu dàng hoa văn nhịp váy
Đá chồng đá nên tường vững chãi
Vách nhà chình đào nở ngậm sương
Chum nước đầy trong vắt mắt em
Cao nguyên đá mùa lên ngút ngát
Hoa bạc hà nở bừng hội mới
Lắc bạc reo trai gái chen chân
Đã một lần thả hồn cao nguyên đá
Níu bước ai nỗi nhớ chùng chình
Con đường đá sẽ đưa ta về lại
Đá trở mình hơi thở ấm vạn năm…
Một mùa hoa tam giác mạch đã đi qua. Một mùa hoa bạc hà gọi mời bầy ong kiếm mật. Một mùa xuân réo rắt tiếng đàn môi quy tụ bạn tình trên khắp nẻo đường về phiên chợ Khau Vai. Tôi ước gì hằng năm chen chân dòng du khách đến với trùng trùng nhịp đá cao nguyên hôn lên lá cờ Lũng Cú, xuôi vực Nho Quế đến với đỉnh cao Mã Pì Lèng trên “Con đường Hạnh phúc” uy nghiêm, ngắm nhìn đôi nhũ hoa Quản Bạ dưới Cổng trời Cán Tỷ trong sương mờ bảng lảng thấp thoáng nếp nhà trên sườn núi chênh vênh chung quanh màu xanh khóm ngô khóm cỏ, ghé vào chợ ăn bát thắng cố bát cháo ấu tẩu hôi hổi ngắm điệu múa nghe âm vang nhịp trống đồng các chàng trai vây quanh các cô gái chùng chình nếp váy. Sức sống luôn bừng dậy trên nhịp đời của đá bởi tình người tuôn chảy như những dòng sông lưồn lách khi ẩn khi hiện dưới ánh mặt trời dưới áng mây trôi.
Mỗi lần lên cao nguyên đá là mỗi lần thổn thức nhịp đá reo vang trong trùng trùng sóng vỗ ký ức vạn vạn năm để thấu hiểu cõi đời muôn thuở thăng trầm…
Tùy bút của Cao Ngọc Thắng
Nguồn Văn nghệ số 35+36/2023