Chuyên đề

Trường Đại học và vai trò lan tỏa tác phẩm văn chương

TS. Hoàng Thị Hường
Văn học nhà trường
16:05 | 25/08/2024
Baovannghe.vn - Vai trò văn học trong hình thành nhân cách bồi dưỡng tâm hồn; Bài viết đề xuất biện pháp nhằm thúc đẩy văn hóa đọc, lan tỏa giá trị văn học
aa

Trong bối cảnh xã hội hiện đại và công nghệ phát triển không ngừng, vai trò của văn học trong việc hình thành nhân cách và bồi dưỡng tâm hồn con người vẫn giữ nguyên giá trị và càng có ý nghĩa sâu sắc. Văn học không chỉ là nguồn cảm hứng sáng tạo, mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa các thế hệ và giữa các nền văn hóa. Đối với hoạt động giáo dục, Văn học giúp phát triển tư duy và khả năng ngôn ngữ, giáo dục các giá trị đạo đức, mở rộng hiểu biết về văn hóa và lịch sử, đồng thời rèn luyện tư duy phê phán và khơi dậy sự sáng tạo. Do vậy, trường Ngôn ngữ - Xã hội Nhân văn, trường Đại học Duy Tân với tư cách là tổ chức giáo dục luôn ý thức để hướng đến cung cấp kiến thức chuyên sâu và thúc đẩy nghiên cứu, phát triển kỹ năng chuyên môn cao cấp, khuyến khích tư duy phê phán và sáng tạo, đồng thời tạo cơ hội kết nối và xây dựng mạng lưới chuyên nghiệp cho sinh viên. Để làm được điều này thì việc giới thiệu và phổ biến các tác phẩm văn học đến sinh viên và bạn đọc trẻ là việc làm vô cùng cần thiết. Bài viết này sẽ đề xuất các biện pháp cụ thể của chúng tôi nhằm hướng đến thúc đẩy văn hóa đọc và lan tỏa giá trị văn học trong sinh viên.

Trường Đại học và vai trò lan tỏa tác phẩm văn chương
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Cung cấp kiến thức chuyên sâu về văn học và khuyến khích nghiên cứu, phê bình văn học

Thực hiện sứ mệnh giáo dục nhân văn tạo ra môi trường học thuật khai phóng, tôn trọng những giá trị khác biệt, Trường NN-XHNV luôn ý thức sâu sắc làm cách nào để sinh viên yêu thích việc đọc sách, đặc biệt là những tác phẩm văn học. Mục tiêu đào tạo của 10 ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn của trường tuy khác nhau bởi định hướng giúp sinh viên có thể làm việc tốt nhất với ước mơ nghề nghiệp mà mình chọn lựa nhưng cơ bản chúng tôi đều chú trọng việc cung cấp cho các em nguồn tri thức phong phú về lịch sử, xã hội, văn hóa và con người thông qua việc khuyến khích đọc sách và tổ chức những sinh hoạt liên quan đến vấn đề này.

Đối với ngành Văn học, chuyên ngành Văn Báo chí. Toàn bộ chương trình được xây dựng lại, gia tăng phương pháp đào tạo lý thuyết kết hợp với thực hành thực tế tạo cơ hội cho các em tiếp cận thực tế để nhận thức sâu sắc hơn giá trị tri thức văn chương đã được học; thấu hiểu văn là đời. Những buổi sinh hoạt ngoại khóa trong được thiết kế ấn tượng mang tính chất chữa lành như: dự án Hãy trồng một cây xanh trên đỉnh Sơn Trà, Biển cần cũng cần sự yêu thương …. Không những giúp sinh viên hòa mình cùng thiên nhiên mà còn thấu hiểu sâu sắc những giá trị văn học. Can dự vào vấn đề môi trường theo cách riêng của mình, sinh viên chuyên ngành Văn học ứng dụng đã nhận thức rõ văn học là một phần quan trọng của đời sống. Điều này đã khuyến khích các em đào sâu nghiên cứu để không những tích lũy kiến thức ngành mà còn nhận thức sâu sắc hơn giá trị của mỗi tác phẩm văn học. Một số hoạt động khác cũng được triển khai thông qua điểm nhìn ứng dụng từ các tác phẩm văn học như: sân khấu hóa một số tác phẩm văn học; tổ chức ngày hội văn hóa dân gian để các nhân vật văn học tái hiện trong khung cảnh này; sáng tạo những ca khúc về tình yêu Kim – Kiều, Lãm – Nguyệt với giai điệu rất hiện đại…. Cách này không những giúp làm mới văn học mà còn mở ra nhiều điểm nhìn liên ngành thú vị, thậm chí giúp sinh viên thức nhận nhiều vấn đề của cuộc sống.

Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến khích sinh viên tham gia vào các hoạt động nghiên cứu và phê bình văn học để các em phát triển tư duy phản biện, có cơ hội khám phá sâu tri thức văn học. Các buổi hội thảo, tọa đàm, và các bài báo khoa học là những hình thức phổ biến mà chúng tôi thường xuyên tổ chức để tạo điều kiện cho sinh viên thể hiện ý kiến và quan điểm của mình về các tác phẩm văn học; hiểu rõ hơn về các phương pháp phân tích, lý thuyết văn học, và các quan điểm phê bình khác nhau. Đồng thời, các hoạt động này cũng tạo động lực để khuyến khích sinh viên hướng đến tìm tòi, khám phá và đưa ra những góc nhìn mới mẻ về các tác phẩm văn học. Điều này không chỉ làm phong phú thêm kiến thức và kỹ năng của sinh viên, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền văn học.

Tạo môi trường đọc và thảo luận văn chương

Thư viện trường chúng tôi là một nguồn tài nguyên quý giá cho sinh viên. Nơi này không chỉ cung cấp các sách giáo trình và tài liệu nghiên cứu, mà còn có một kho tàng các tác phẩm văn học phong phú. Để khuyến khích sinh viên đọc sách, thư viện trường rất chú trọng việc cập nhật những tác phẩm mới và có các dịch vụ hỗ trợ như mượn sách, đọc trực tuyến, và tổ chức các buổi giới thiệu sách. Ngoài ra, Thư viện rất chú trọng tổ chức các chương trình đọc sách tập thể, mời các tác giả đến thuyết trình và giao lưu với sinh viên. Các buổi đọc sách và thảo luận này giúp sinh viên có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với tác giả, hiểu rõ hơn về quá trình sáng tác và ý nghĩa của tác phẩm. Đồng thời, nó cũng tạo ra một không gian để sinh viên chia sẻ cảm nhận và ý kiến của mình về những tác phẩm mà họ đã đọc.

Câu lạc bộ văn học thuộc trường NN-XHNV là một môi trường lý tưởng để sinh viên gặp gỡ, trao đổi và thảo luận về các tác phẩm văn học mà họ yêu thích. Thông qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, sinh viên có thể chia sẻ cảm nhận, quan điểm và nhận xét về các tác phẩm, từ đó giúp họ hiểu sâu hơn và yêu thích văn học hơn. Ngoài ra, các hoạt động ngoại khóa như các cuộc thi viết văn như Tôi yêu DTU, Cuốn sách làm thay đổi cuộc đời tôi, …., và các buổi gặp gỡ với tác giả Hoàng Nhuận Cầm, Bảo Ninh, Thái Bá Lợi, Bùi Minh Quốc, Nguyên Ngọc, Hồ Anh Thái…cũng là những cách thức hiệu quả để thúc đẩy văn hóa đọc trong giới trẻ. Ngoài ra, câu lạc bộ văn học còn tổ chức các buổi xem phim chuyển thể từ tác phẩm văn học, các buổi diễn kịch dựa trên nội dung của các tác phẩm nổi tiếng. Những hoạt động này không chỉ giúp sinh viên tiếp cận văn học một cách trực quan và sinh động hơn, mà còn khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động nghệ thuật, từ đó phát triển khả năng sáng tạo và thẩm mỹ.

Đổi mới sáng tạo trong cách dạy, cách học để giúp sinh viên hiểu hơn giá trị văn chương

Việc tích hợp văn học vào chương trình giảng dạy không chỉ giới hạn ở các môn học chuyên ngành, mà còn có thể áp dụng trong các môn học khác. Chẳng hạn, trong các môn học về lịch sử, triết học, hoặc xã hội học, giảng viên có thể sử dụng các tác phẩm văn học để minh họa cho các khái niệm, sự kiện hoặc vấn đề xã hội. Điều này không chỉ làm cho các bài giảng trở nên sinh động và hấp dẫn hơn, mà còn giúp sinh viên hiểu rõ hơn về giá trị của văn học trong việc phản ánh và phê phán xã hội. Các tác phẩm văn học có thể được sử dụng để giúp sinh viên hiểu rõ hơn về những biến cố lịch sử, những xung đột xã hội, và những vấn đề triết học sâu sắc. Chẳng hạn, các tác phẩm văn học về chiến tranh có thể giúp sinh viên hiểu rõ hơn về nỗi đau và mất mát mà chiến tranh mang lại, từ đó thúc đẩy họ suy nghĩ về giá trị của hòa bình và nhân đạo.

Các chương trình giao lưu và hợp tác quốc tế của Trường cũng là một cách thức hiệu quả để giới thiệu văn học đến sinh viên. Thông qua các chương trình trao đổi sinh viên, các hội thảo quốc tế, và các dự án hợp tác nghiên cứu, sinh viên có cơ hội tiếp cận với các tác phẩm văn học từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Điều này không chỉ mở rộng tầm nhìn của họ về văn học, mà còn khuyến khích sự giao lưu văn hóa và hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia. Vào mùa hè năm 2023 vừa qua, Trường chúng tôi đã tổ chức thành công dự án trải nghiệm văn hóa thật sự ấn tượng và thú vị - Nấc thang xanh. Dự án này đối với chúng tôi không còn là một hành trình công việc mà là một mối lương duyên ấm áp. Chúng tôi hạnh phúc vì được chăm sóc các em sinh viên đại học Sunmoon Hàn Quốc, chúng tôi tự hào vì được chia sẻ lan tỏa văn hóa Việt đến với nước bạn. Việt Nam là một quốc gia mến khách. Đà Nẵng là một thành phố biển hiền hòa thơ mộng. Đại học Duy Tân là một môi trường giáo dục khai phóng và đầy ắp giá trị nhân văn. Thông qua dự án, chúng tôi muốn truyền gửi thông điệp ấy đến với những bạn bè của các bạn ở khắp mọi nơi.

Bên cạnh đón sinh viên nước ngoài đến tại Trường, chúng tôi còn tổ chức các chuyến đi thực tế đến các quốc gia có nền văn học phong phú như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…; mời các giảng viên và nhà nghiên cứu nước ngoài đến giảng dạy và thuyết trình. Những hoạt động này giúp sinh viên có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với những nền văn học khác nhau, hiểu rõ hơn về các đặc điểm văn hóa và lịch sử của từng quốc gia, từ đó tạo ra một sự phong phú và đa dạng trong nhận thức văn học của họ.

Ứng dụng công nghệ trong giảng dạy và học tập văn học

Trong kỷ nguyên số hóa, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc giảng dạy và học tập văn học. Trường NN-XHNV đã sử dụng các công cụ và nền tảng công nghệ như sách điện tử, bài giảng trực tuyến, và các ứng dụng học tập để giúp sinh viên tiếp cận và học tập văn học một cách hiệu quả hơn. Việc sử dụng công nghệ không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, mà còn tạo ra những trải nghiệm học tập mới mẻ và thú vị cho sinh viên.

Các nền tảng học tập trực tuyến như Coursera, edX, và Khan Academy cung cấp nhiều khóa học văn học miễn phí hoặc có phí, giúp sinh viên tiếp cận với các khóa học chất lượng cao từ các trường Đại học hàng đầu trên thế giới. Đồng thời, các công cụ như Google Scholar, JSTOR, và Project MUSE cung cấp quyền truy cập vào hàng ngàn bài báo và tài liệu nghiên cứu về văn học, giúp sinh viên dễ dàng tìm kiếm và tham khảo các nguồn tài liệu uy tín.

Mạng xã hội cũng là một phương tiện truyền thông mạnh mẽ để quảng bá văn học đến giới trẻ. Chúng tôi đã sử dụng fanpage LHSS – Trường Ngôn ngữ - Xã hội Nhân văn để chia sẻ thông tin về các tác phẩm văn học, tổ chức các cuộc thi viết và đọc sách trực tuyến, và mời các tác giả nổi tiếng tham gia giao lưu và thảo luận với sinh viên; sử dụng YouTube để giới thiệu các tác phẩm văn học, tổ chức các buổi thảo luận trực tuyến, và chia sẻ các bài viết, video về văn học. Việc này không chỉ giúp tiếp cận một lượng lớn bạn đọc trẻ, mà còn tạo ra một cộng đồng yêu thích và quan tâm đến văn học. Những hoạt động này không chỉ giúp tăng cường sự gắn kết giữa sinh viên và văn học, mà còn tạo ra một không gian để sinh viên có thể chia sẻ cảm nhận và ý kiến của mình về các tác phẩm mà họ đã đọc.

Đưa văn học vào đời sống sinh viên

Các hoạt động văn học ngoài giờ học như chúng tôi đã chia sẻ ở ý trên không chỉ là cách thức giảng dạy mà còn là một cách hiệu quả để đưa văn học vào đời sống sinh viên. Hàng loạt cách hoạt động như diễn kịch, trình diễn thơ. Các buổi diễn kịch dựa trên các tác phẩm văn học nổi tiếng như Hồng Lâu Mộng, Tam Quốc diễn nghĩa, China Town, Nỗi buồn chiến tranh… không chỉ giúp sinh viên hiểu rõ hơn về nội dung và ý nghĩa của tác phẩm, mà còn khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động nghệ thuật và phát triển kỹ năng diễn xuất. Đồng thời, các buổi trình diễn thơ và nói chuyện với tác giả cũng tạo ra cơ hội để sinh viên tiếp xúc trực tiếp với những nhà văn, nhà thơ mà họ ngưỡng mộ, từ đó khơi gợi niềm đam mê và hứng thú với văn học. Ngoài ra, các buổi dã ngoại thực tế tìm về không gia văn hóa, quê hương các tác giả giúp sinh viên trải nghiệm văn học một cách trực tiếp và sống động; hiểu rõ hơn về các tác phẩm và tạo ra những kỷ niệm đẹp, sự gắn kết giữa các sinh viên.

Việc khuyến khích sinh viên viết và sáng tác văn học là một cách thức tuyệt vời để phát triển tài năng và đam mê văn học. Chúng tôi thường tổ chức các workshop về phương pháp viết truyện ngắn và cung cấp các cơ hội xuất bản cho các tác phẩm của sinh viên. Điều này không chỉ giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng viết, mà còn khuyến khích họ tự tin thể hiện bản thân và đóng góp vào nền văn học.

Các cuộc thi viết văn và sáng tác thơ không chỉ tạo ra cơ hội để sinh viên thể hiện tài năng và sáng tạo của mình, mà còn giúp họ nhận được những phản hồi và góp ý từ các giảng viên và nhà văn chuyên nghiệp. Đồng thời, các workshop về viết lách cũng cung cấp cho sinh viên những kỹ thuật và phương pháp viết hiệu quả, giúp họ nâng cao kỹ năng và phát triển phong cách viết riêng của mình.

---

Trường Ngôn ngữ - Xã hội Nhân văn (NN-XHNV) của Trường Đại học Duy Tân đã và đang khẳng định vai trò của mình trong việc cung cấp kiến thức chuyên sâu về văn học và khuyến khích nghiên cứu, phê bình văn học. Với sứ mệnh giáo dục nhân văn, trường không chỉ tạo ra môi trường học thuật khai phóng, tôn trọng những giá trị khác biệt, mà còn thực hiện nhiều hoạt động để khơi dậy niềm đam mê văn học trong sinh viên. Thông qua việc xây dựng lại chương trình đào tạo, tăng cường các phương pháp thực hành, tổ chức các buổi ngoại khóa, và các hoạt động văn học ngoài giờ học, trường đã giúp sinh viên thấu hiểu sâu sắc hơn giá trị tri thức văn chương và ứng dụng văn học vào đời sống. Thư viện trường với kho tàng sách phong phú, cùng các chương trình đọc sách và thảo luận, đã tạo ra một môi trường lý tưởng cho sinh viên yêu thích văn học. Bên cạnh đó, câu lạc bộ văn học và các buổi giao lưu với các tác giả nổi tiếng đã khuyến khích sinh viên trao đổi, thảo luận, và chia sẻ quan điểm về các tác phẩm văn học. Trường cũng không ngừng đổi mới sáng tạo trong cách dạy và cách học, tích hợp công nghệ vào giảng dạy văn học, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế, đưa văn học vào đời sống sinh viên thông qua các hoạt động ngoại khóa, và khuyến khích sinh viên viết và sáng tác văn học. Những nỗ lực này không chỉ làm phong phú thêm kiến thức và kỹ năng của sinh viên, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền văn học.

Trong bối cảnh xã hội ngày càng thay đổi và phát triển, việc tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập văn học là một thách thức nhưng cũng là một cơ hội lớn. Trường Ngôn ngữ - Xã hội Nhân văn cần tiếp tục tìm kiếm và áp dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến, sử dụng công nghệ một cách hiệu quả hơn để giúp sinh viên tiếp cận văn học một cách đa chiều và sâu sắc.

Ngoài ra, việc mở rộng hợp tác quốc tế và giao lưu văn hóa cũng sẽ mang lại nhiều cơ hội mới cho sinh viên. Thông qua các chương trình trao đổi, hội thảo quốc tế, và các dự án hợp tác nghiên cứu, sinh viên không chỉ được tiếp cận với các nền văn học khác nhau mà còn được phát triển kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, và tư duy phản biện.

Cuối cùng, việc khuyến khích sinh viên sáng tác và xuất bản các tác phẩm văn học sẽ không chỉ giúp phát triển tài năng văn học trẻ mà còn góp phần làm phong phú thêm nền văn học của quốc gia. Những nỗ lực này cần được duy trì và phát triển liên tục để đảm bảo rằng văn học luôn là một phần quan trọng và sống động của đời sống học thuật và văn hóa của sinh viên.

TS. Hoàng Thị Hường | Báo Văn Nghệ

*Bài tham luận tại Hội thảo Văn học - Hội nhà văn Đà Nẵng

------------

Bài viết cùng chuyên mục

Sức hấp dẫn của tác phẩm văn chương Bác Hồ trong tác phẩm văn chương Điểm đến cuối cùng của một tác phẩm văn chương* Ra mắt những tác phẩm văn chương đương đại phiên bản đặc biệt Những tác phẩm Văn chương được chờ đón trong năm 2024
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn