Con đường đến với văn chương của bất cứ nhà văn đích thực nào cũng không thể là con đường bằng phẳng. Nhà văn sinh năm 1962, Olga Tokarczuk cũng không ngoài quy luật đó. Bà bắt đầu sự nghiệp cầm bút của mình bằng việc sáng tác thơ và sau đó là việc đi gõ cửa các nhà xuất bản để được in tác phẩm văn xuôi đầu tay của mình. Có điều là cả hai cố gắng trên đều không mang lại kết quả mong đợi. Nhưng khi tiểu thuyết Hành trình của những người có chung cuốn sách được in ra đúng 26 năm trước đây thì cả bạn đọc lẫn các nhà phê bình văn học trong nước đều dễ dàng đi đến thống nhất rằng văn học Ba Lan từ nay sẽ có một tiếng nói vô cùng đặc biệt. Và việc Olga Tokarczuk được trao Nobel văn học 2018; giải thưởng văn chương danh giá nhất hành tinh lần thứ năm về với Ba Lan, một đất nước được mệnh danh là quê thương của thơ và nhạc...
Nhà văn Olga Tokarczuk |
Olga Tokarczuk được trao Nobel văn học ở tuổi 57. Cuộc đời bà nhìn chung không có thăng trầm gì đáng nói, song như vậy không có nghĩa là bà không phải đối đầu với những thời điểm khó khăn, thậm chí những thử thách đòi hỏi bà phải tỉnh táo đưa ra những quyết định mang nặng tính chất lý chí.
Tốt nghiệp ngành tâm lý học Đại học Tổng hợp Varsava, Olga Tokarczuk rời thủ đô tráng lệ, bắt đầu công việc với tư cách nhà tâm lý trị liệu tại một trung tâm y tế chuyên về tâm lý sức khỏe ở Walbrzych. Ở tuổi 24, bà sinh con trai đầu lòng. Chồng bà cũng là nhà tâm lý trị liệu. Hai người say mê công việc đến mức họ để đứa con nhỏ lại với ông bà ở thị xã để đến với một vùng nông thôn cách đó sáu cây số đường núi, nhằm hiện thực hóa mơ ước nghề nghiệp cháy bỏng của mình. Con trai họ sau này cũng theo gương bố mẹ, học ngành tâm lý xã hội.
Olga Tokarczuk ít nói về cái gia đình nhỏ của mình với lý do tôn trọng quyền riêng tư. Chỉ biết rằng hai vợ chồng bà sau đó chia tay nhau và bà lên xe hoa lần thứ hai. Với người chồng sau này, bà trân trọng gọi ông là “người quản trị” cuộc đời mình và nhấn mạnh rằng nhờ ông, bà cảm thấy con người mình luôn được hâm nóng và mọi chuyện trong cuộc đời bà đều được tổ chức tốt hơn...
Đọc Olga Tokarczuk, nhiều người có cảm giác rằng viết lách với bà chỉ là “chuyện nhỏ”, vì bà sẵn có tài năng văn chương cộng với óc quan sát thiên phú, lại chu du khắp nơi, chứng kiến nhiều mảnh đời, nhiều số phận. Thế nhưng mọi chuyện không đơn giản vậy. Sau rất nhiều gian truân, tiểu thuyết Hành trình của những người có chung cuốn sách của bà được in năm 1993. Sau này ngồi nghiêm túc nhớ lại, bà miêu tả việc viết cuốn sách đó giống như việc đi qua “con đường đau khổ”, “một cuộc vật lộn đau đớn với hình thức, với những khó khăn để làm chủ các nhân vật mình hư cấu nên, vật lộn để giữ vững những nguyên tắc cơ bản của thể loại văn tự sự”. Sau bước khởi đầu đầy gian nan này, nữ nhà văn rút ra một điều: “Mỗi quyển sách ai đó viết ra đều vượt ra khỏi con người anh ta. Một người khi viết sách, anh ta đã vượt qua chính mình, bởi lẽ người đó đã làm một cuộc thử thách đầy dũng cảm để xác định bản thân và gọi tên mình một cách chính xác”. Không phải ngẫu nhiên Olga Tokarczuk được mệnh danh là chuyên gia vượt qua chính mình ngay sau khi công bố tiểu thuyết đầu tay. Đến năm 1996, khi tiểu thuyết thứ hai của bà Thời cổ và các thời khác, Saga về hai gia đình sống ở làng Prawiek do tác giả hư cấu, đan xen với những chi tiết mang tính triết lý, được in ra, bà đã gặt hái một vụ mùa bội thu các loại giải thưởng.
Trong số các tiểu thuyết của Olga Tokarczuk, cuốn Bieguni, xuất bản năm 2007, được coi là tác phẩm mang tính bước ngoặt trong cuộc đời cầm bút của bà. Ngoài giải Nike văn học, được trao trong nước vào năm 2008, tức là chỉ một năm sau khi tác phẩm được in ra, mười năm sau nó được dịch và xuất bản tại Anh và vào năm 2018 được trao giải Booker Quốc tế và được đề cử National Book Award. Và giải thưởng danh giá này đã được trao cho bà. Sau giải thưởng này, nhiều người đã nghĩ rằng khả năng nhận Nobel văn học của Olga Tokarczuk là rất lớn, bởi lẽ bà là người phụ nữ Ba Lan đầu tiên được trao giải Booker, thế giới những người sử dụng tiếng Anh biết về bà nhiều hơn và quả thật sự ngưỡng mộ dành cho bà cũng từ đó tăng lên. Không ít người đã phải thốt lên: “Một cuốn sách thật đặc biệt!”.
Năm 2015 cuốn tiểu thuyết lịch sử nhan đề Những cuốn sách của Jakub trình làng và trở thành sự kiện lớn trong văn học Ba Lan, đồng thời cũng là sự kiện đặc biệt trên thị trường sách trong nước. Đã có 170 ngàn bản sách được bán. Con số đó đặc biệt có ý nghĩa nhất định khi ở Ba Lan 60 phần trăm công dân không đọc một cuốn sách nào trong năm. Chưa kể là cuốn sách này dầy đến 900 trang, lại đụng chạm đến vấn đề lịch sử phức tạp của một đất nước có hai dân tộc tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau. Giáo sư Krzysztof Biedrzycki thuộc Đại học Tổng hợp Jagiellonski nói đùa rằng “để đọc xong Những cuốn sách của Jakub cần có thời gian, sự kiên nhẫn, những bắp thịt nổi cuộn và bộ xương sống chắc khỏe”. Nhưng trong thực tế, có thể bắt gặp những người đọc cuốn sách này trên các phương tiện giao thông công cộng. Như thế đủ biết tác phẩm của Olga Tokarczuk có sức hút như thế nào... Olga Tokarczuk đã đưa vào văn học Ba Lan nói riêng và văn học thế giới nói chung giọng điệu của sự suy ngẫm sâu sắc, mang nặng tính tinh thần về hiện trạng con người hiện đại. Thậm chí khi viết tiểu thuyết lịch sử, mà Những cuốn sách của Jakub là một ví dụ, bà viết về những người đang sống ở thời đại hiện nay. Bà viết về cái bản sắc mang tính tôn giáo, tính dân tộc, tính tình dục và về sự vượt qua giới hạn cái bản sắc ấy. Đây không phải sự miêu tả thuần túy xã hội học, mà là sự miêu tả liên quan đến phần tinh thần con người, vì bà chỉ ra những gì diễn ra nơi con người, ở nơi sâu thẳm nhất và chỉ ra tất cả những gì là hấp dẫn nhất. Các nhà phê bình văn học và bạn đọc đánh giá cao nhất ở con người và tác phẩm của Olga Tokarczuk là bà đã dũng cảm động chạm đến những đề tài có phần mạo hiểm đối với một nhà văn. Những cuốn sách của Jakub có thể coi là tiểu thuyết không có nhân vật chính. Jakub tự nhiên biến mất, trở thành người không quan trọng nữa, nhưng bạn đọc vẫn nhận được kết quả sự nghiên cứu nghiêm túc, đầy trách nhiệm về một đất nước Ba Lan đa sắc tộc ở thế kỷ XVIII. Bạn đọc Ba Lan vốn quen với loại tiểu thuyết có nhân vật chính được khắc họa tính cách rõ ràng, nhưng họ cũng có thể yêu mến Tokarczuk khi tác phẩm của bà không đi theo hướng đó. Xung quanh con người và tác phẩm của Olga Tokarczuk đã xảy ra một sự kiện tạo nên dư luận trái chiều. Đó là phát biểu của bà trong một cuộc trả lời phỏng vấn được thực hiện ngay sau khi Ban giám khảo giải thưởng văn học Nike công bố kết quả bình chọn của mình, cũng là kết quả bình chọn của công chúng độc giả tiểu thuyết Những cuốn sách của Jakub. Bà nói: “Chúng ta đã tự nghĩ ra lịch sử nhà nước Ba Lan với danh nghĩa một quốc gia vị tha, cởi mở, với danh nghĩa một đất nước không để lại vết nhơ trong quan hệ với các dân tộc thiểu số sống trên đất nước mình. Trong khi đó chúng ta đã có những hành động kinh khủng với tư cách những tên thực dân, với danh nghĩa dân tộc chiếm đa số, đã đàn áp thiểu số, với danh nghĩa ông chủ nô lệ hay với danh nghĩa kẻ tàn sát người Do Thái”.
Sau những lời này, Olga Tokarczuk đã phải nhận những bình luận gay gắt và cả những lời đe dọa. Bà buộc phải thuê luật sư riêng để bảo vệ mình. Rất may là viện kiểm sát đã không tiến hành điều tra vụ việc. Dư luận sau đó cũng thống nhất cho rằng Olga Tokarczuk không chống lại hoặc không bôi nhọ nhà nước Ba Lan, mà chỉ nói ra sự thật về những góc khuất của lịch sử Ba Lan, cũng là những gì mà lãnh đạo Ba Lan lảng tránh thừa nhận... Giáo sư Ryszard Koziolek cho rằng Olga Tokarczuk đã cho thấy các hình thức tham gia của văn học vào đời sống chính trị đất nước có thể rất khác nhau.
Olga Tokarczuk luôn đặt ra câu hỏi về cái Thiện: Vị trí của nó ở đâu, vì sao nó lại gia tăng, cơ cấu và gia phả của nó ra sao? Đây là hiện tượng hiếm gặp cả trong văn học đại chúng, nơi cái xấu, cái ác lên ngôi, lẫn trong văn học đáp ứng đòi hỏi cao. Văn học cách tân, loại văn học phức tạp về hình thức thường coi cái Thiện như là một yếu tố của sư phạm học chứ không phải yếu tố mang tính triết học. Ở Olga Tokarczuk, vấn đề hoàn toàn khác. Đơn giản vì bà là nhà văn của cái Thiện. Không phải cái Thiện ngây thơ hay mang tính an ủi. Ở bà có những thứ cay đắng và khó khăn: Bệnh tật, sự xúc phạm, sự cô đơn, bị loại bỏ, song đây lại chính là vùng đất để bà thể hiện cái Thiện giỏi hơn bất cứ ai. Olga Tokarczuk thông qua các tác phẩm của mình, đã chỉ ra rằng cuộc sống của mỗi con người, cho dù đôi khi quá phức tạp, khó khăn, bị xé ra thành nhiều mảnh, vẫn là một giá trị lớn, còn mỗi con người, bất kể sự khác biệt, vẫn xứng đáng được hưởng sự ấm áp, xứng đáng được yêu thương. Nhà văn mở ra một thế giới đa chiều, trong đó có chỗ đứng cho những câu hỏi, những nghi ngờ, những sai lầm, những xúc cảm, nhưng lại không có chỗ đứng cho những toa thuốc có sẵn, có tác dụng chữa trị tất cả mọi căn bệnh khác nhau... Những tác phẩm của Olga Tokarczuk là bài học lớn về sự nhún nhường, sự suy ngẫm sâu sắc và sự tôn trọng khác biệt, mặc dù chúng xuất hiện dưới những hình thức khác nhau trong các cuốn sách của bà, nhưng lại là điều không khó nhận ra.
Việc Olga Tokarczuk được trao Nobel văn học, người góp công không nhỏ là nhà văn, dịch giả Thụy Điển Jan Henrik Swahn. Trong số các tác phẩm của Olga Tokarczuk, ông đã xuất bản các bản dịch tác phẩm: Ngôi nhà ban ngày, ngôi nhà ban đêm, Bieguni, Hãy dấn lưỡi cày của bạn trên xương cốt những người đã khuất và Những cuốn sách của Jakub. Là người rất hài hước, khi Thư ký Viện Hàn lâm Thụy Điển đọc quyết định trao Nobel văn học cho Olga Tokarczuk, ông đang có mặt ở trung tâm thủ đô. Ông lập tức gọi điện cho nhà văn để chúc mừng, nhưng điện thoại liên tục bận. Ông hình dung cảnh nhà văn, sau khi nhận Nobel văn học, sẽ phải gặp gỡ bao nhiêu người, trả lời bao cuộc phỏng vấn khác nhau... Nghĩ lại chuyện mình đã góp một phần để Viện Hàn lâm Thụy Điển quyết định trao Nobel văn học cho nhà văn Ba Lan, ông thở dài: “Mình đã làm gì thế này? Mình thật sự hủy hoại cuộc đời cô ấy rồi!”.
Nguyễn Chí Thuật | Báo Văn nghệ
---------
Bài viết cùng chuyên mục: