Phú Thọ, đất Tổ Hùng Vương, miền đất lịch sử văn hóa, nơi cội nguồn dân tộc Việt Nam. Sinh thời trên cương vị Chủ tịch nước, dù bận trăm ngàn công việc nhưng Bác Hồ luôn dành cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ nói chung, Khu di tích Đền Hùng nói riêng những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt. Trong chín lần về Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần tới thăm Đền Hùng. Lần nào cũng vậy, sau khi thắp hương viếng các Vua Hùng, Bác đều gặp gỡ, dặn dò những lời tâm huyết với cán bộ, nhân dân và chiến sĩ. Những lời căn dặn của Bác không chỉ dành cho thế hệ ngày ấy, mà còn cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Bác Hồ thăm Đền Hùng ngày 28/3/1947 |
Bác thăm Đền Hùng lần thứ nhất
Ngay sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, Bác đã chọn Đền Hùng là nơi gặp gỡ, nói chuyện và giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên phong (Sư đoàn 308 Quân đội nhân dân Việt Nam) trước khi về tiếp quản Thủ đô.
Sáng ngày 18/9/1954, Bác Hồ từ Thái Nguyên qua bến Bình Ca sang Tuyên Quang về Đền Hùng, Bác ghé thăm đơn vị bộ đội đóng quân ở đồi Chò, Kim lăng, Chân Mộng, huyện Đoan Hùng (khi ấy là xã Ba Đình thuộc huyện Phù Ninh). Gần trưa Người vào thăm thị xã Phú Thọ, sau đó đến thăm địa điểm sơ tán của Văn phòng Tỉnh ủy Phú Thọ tại thôn Quang Trung xã Thanh Hà, hôm ấy các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy đi vắng. Bác làm việc với các đồng chí Phạm Dụ - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Trần Lưu Vị - Trưởng Ban cán sự Đảng thị xã Phú Thọ... Rồi Bác giao nhiệm vụ cho đồng chí Cháng Văn phòng Tỉnh ủy, báo cáo lại với Tỉnh ủy về những điều Bác căn dặn. Chiều tối ngày hôm đó, Bác về Đền Hùng nghỉ đêm tại Đền Giếng. Sáng hôm sau 19/9/1954, Bác cùng các đồng chí Song Hào và Nguyễn Văn Thanh, một số đồng chí bảo vệ leo núi thăm viếng các đền, rồi Người dừng chân dưới gốc cây thiên tuế, vừa nghỉ, vừa nghe đồng chí Song Hào - Chính ủy Đại đoàn 308 báo cáo tỉ mỉ về Đại đoàn. Tầm gần 10 giờ Bác đã gặp cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên phong tại Đền Giếng. Cửa Đền Giếng mở, Bác Hồ từ bên trong bước ra, mọi người reo lên: “Bác Hồ! Hồ Chủ tịch muôn năm!” Bác vẫy tay ra hiệu cho mọi người tiến lên, ngồi quanh mình, rồi Bác cũng ngồi ngay xuống bậc cửa đền. Bác cháu quây quần bên nhau.
Trong tiết thu, mát mẻ, Bác mặc bộ quân áo nâu giản dị, áo khoác ngoài màu sáng, chân đi dép cao su. Bác hỏi:
- Các chú có mệt không?
Mọi người đã đồng thanh đáp:
- Thưa Bác, không ạ!
Chỉ tay lên đền, Bác lại hỏi:
- Các chú có biết đây là nơi nào không? Đây chính là Đền thờ các Vua Hùng - Tổ tiên chúng ta, các vị vua khai quốc. Hôm nay, Bác cháu ta gặp nhau ở đây là rất có ý nghĩa. Ngày xưa, các Vua Hùng dựng nước, nay Bác cháu ta là những người giành lại đất nước. Trải qua bao nhiêu thời đại đấu tranh, từ buổi bình minh của lịch sử các Vua Hùng lập nước, đến Đinh - Lý - Trần - Lê... ông cha ta mới giữ được đất nước, giữ được Thủ đô. Gần chục năm nay, quân và dân ta đã kiên trì kháng chiến, nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Các chú được Trung ương, Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô, là được nhận một vinh dự rất lớn.
Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ vào tiếp quản Thủ đô phải giữ nghiêm kỷ luật, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân, chống mọi hành vi phá hoại vì địch còn lấn lút, dân ta còn có những việc làm vô ý, cán bộ, chiến sĩ ta còn những nhận thức và việc làm sơ hở... Phải bảo vệ công thương nghiệp, kể cả công thương nghiệp của ngoại kiều. Bộ đội phải giúp đỡ nhân dân, tuyên truyền giải thích cho nhân dân, không được làm điều gì phiền nhiễu nhân dân, sao cho từ cụ già đến em bé đều quý mến, tin tưởng. Giữ gìn phẩm chất bộ đội cách mạng, không sa ngã, bắt chước lối sống không tốt. Cán bộ phải gương mẫu, gần gũi chiến sĩ, đoàn kết thương yêu nhau.
Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn Quân Tiên phong ngày 19/9/1954 |
Bác nói về tình hình nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Bác nhắc nhở quân đội không vì hòa bình mà lơi lỏng tay súng. Còn đế quốc ở miền Nam, ta còn phải xây dựng miền Bắc, giải phóng miền Nam. Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc còn rất nặng nề. Bác nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Câu nói ấy khẳng định công lao to lớn của các Vua Hùng - Tổ tiên của chúng ta, những người sáng lập nước truyền lại cho con cháu muôn đời. Lịch sử hàng ngàn năm dân tộc ta đã phải chịu sự xâm lược, áp bức của giặc ngoại xâm. Nhưng với tinh thần yêu nước, các thế hệ cha ông ta đã đứng lên anh dũng quật cường đánh đuổi kẻ thù giữ vững non sông, mở mang bờ cõi. Để đến hôm này lịch sử lại trao cho Người nhắc nhở con cháu về truyền thống ấy. Câu nói ấy của Bác đã vang lên từ Đền Hùng - biểu tượng thiêng liêng của cội nguồn dân tộc, là lời căn dặn đầy ý nghĩa không chỉ với quân đội mà còn với toàn Đảng, toàn Dân ta. Là chân lý, là nguyên tắc, là truyền thống dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc. Không cho phép chúng ta lơ là mất cảnh giác, nó được xem như một quy luật biện chứng để chúng ta tồn tại và phát triển đất nước. Từ ngày ấy, câu nói ấy của Bắc còn ngân vang mãi trong trái tim mỗi người Việt mang dòng máu lạc Hồng, kết nối tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước, ý chí kiên cường từ ngàn xưa của đân tộc trong đấu tranh dựng nước và giữ nước. Lời nói ấy còn như lời hiệu triệu để quân và dân ta vượt qua mọi khó khăn gian khổ, săn sàng chiến đấu và hy sinh để giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất non sông và xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, đúng như mong ước của Bác: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn được độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành...”
Lần thứ hai Bác về thăm Đền Hùng
Khi đế quốc Mỹ chuẩn bị cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Bác Hồ về thăm Ðền Hùng lần thứ hai ngày 19/8/1962. Trước đó, chiều ngày 18/8, Bác thăm và làm việc với Ủy ban Hành chính tỉnh, có các đồng chí Nguyễn Thành Đô - Bí thư Tỉnh ủy, Vũ Song - Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh, buổi tối Bác xem đoàn văn công tỉnh và đoàn múa rối xã Xuân Lộc - Thanh Thủy biểu diễn. Hôm sau, lúc 5 giờ 30 phút ngày 19/8, Bác gặp và nói chuyện thân mật với các chuyên gia Trung Quốc sang giúp ta xây dựng khu công nghiệp Việt Trì, được mời đến gặp Bác. Đúng 6 giờ sáng ngày 19/8, Bác nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc, từ khắp nơi trong tỉnh có mặt tại sân vận động thị xã Phú Thọ, nhân kỷ niệm 17 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công. Tại đây, Bác căn dặn: “Đảng ta là Đảng cách mạng, không có lợi ích gì khác ngoài lợi ích của nhân dân. Vì vậy, Đảng cần được dân tin, dân yêu, dân phục. Ngày nay, nhiệm vụ của Đảng là lãnh đạo quần chúng đánh thắng tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Như thế chính là xây dựng chủ nghĩa xã hội”... Sau đó, Bác đi thăm Hợp tác xã Nam Tiến, Nhà máy Su-pe phốt-phát Lâm Thao. Gần trưa Bác lên thăm Ðền Hùng. Cùng đi với Bác có ông Nguyễn Văn Trân, Bí thư Trung ương Ðảng, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng; Nguyễn Khai, Ủy viên dự khuyết Trung ương Ðảng và một số đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Thọ.
Gần trưa lên đến Ðền Hạ, trời nắng nóng, thấy Bác tuổi cao, áo thấm mồ hôi, cán bộ văn phòng đem chiếu ra định rải chiếu mời Bác ngồi. Bác biết ý, hỏi:
- Các chú định làm gì?
Cán bộ văn phòng phải nói thật sợ Bác mệt, rải chiếu để Bác nghỉ và khuyên Bác xuống núi. Bác nói:
- Leo núi chưa đến đỉnh đã dừng, thế là các chú làm cách mạng nửa vời rồi.
Bác nói tiếp:
- Như vậy là leo núi phải lên đến đỉnh. Cũng như người làm cách mạng, không được bỏ nửa chừng. Ðã đi, phải tới đích.
Lên đến Ðền Thượng, núi cao, cây xanh tỏa bóng xum xuê, gió đông nam mát mẻ. Bác hỏi:
- Thế các chú thấy ở đây có mát không?
Mọi người đều trả lời là mát. Rồi Bác nói tiếp:
- Nếu không leo lên đến đỉnh núi (Ðền Thượng) thì mục tiêu chuyến đi không đạt và làm sao được hưởng không khí trong lành và mát mẻ như thế này.
Câu nói ấy của Bác như nhắc nhở người làm cách mạng, tuy vất vả gian nan, nhưng cách mạng thành công chúng ta sẽ được hưởng cuộc sống hòa bình, hạnh phúc. Sau khi dâng hương bái Tổ tại các đền. Buổi trưa hôm ấy, Bác nghỉ trưa và ăn cơm ở cửa phía Đông Nam Ðền Thượng. Bữa cơm thật thân mật, đầm ấm tình Bác cháu, cha con. Cũng tại đây Người đã dặn dò cán bộ lãnh đạo và nhân dân tỉnh Phú Thọ: “Chú ý bảo vệ di tích, trồng thêm nhiều hoa, cây xanh để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm, đẹp đẽ, để Đền Hùng thành công viên cho con cháu sau này tham quan, chiêm bái”. Sau khi thăm Đền Hùng trên đường về Thủ đô Bác còn ghé thăm Lữ đoàn Pháo binh 374 đóng quân ở Thậm Thình, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao (nay là xã Vân Phú, thành phố Việt Trì).
Bác Hồ thăm Đền Hùng ngày 19/8/1962 |
Trên thực tế Bác Hồ còn đến thăm Đền Hùng một lần nữa trước đó. Nhưng vào thời điểm kháng chiến, phải giữ bí mật tuyệt đối cho Bác và lãnh đạo chính phủ. Đó là vào lúc 3 giờ chiều ngày 28/3/1947, từ xã Chu Hóa nơi Bác đang ở nhà dân trong những ngày hành quân sơ tán lên chiến khu Việt Bắc. Bác đã bí mật cùng một số đồng chí bảo vệ, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Nga - tên Bác đặt cho là Kiên ở xóm Lum, xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao, đã tháp tùng Bác vào thăm Đền Hùng. Sau khi thắp hương vái mộ Vua Hùng và Hậu cung Đền Thượng, cầu mong Tổ tiên phù hộ cho kháng chiến chống Pháp thành công, cho quốc thái, dân an một cách mau lẹ. Trên đường trở về Người rất phấn chấn, rồi Bác ghé thăm trụ sở Bộ Tổng Tư lệnh tối cao, đạt tại nhà cụ Tâm ở xóm Mon, xã Tiên Kiên. Tại đây Bác đã làm việc với Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, cùng nhiều đồng chí khác. Sau hơn một giờ, khi trời đã sẩm tối, Bác mới ra về, hôm đó cũng là lần đầu tiên Bác gặp chủ nhà là cụ Nguyễn Văn Tâm, Bác bắt tay thân mật, hỏi thăm gia đình, con cháu, chúc sức khỏe mọi người trong gia đình... Sáng hôm sau 29/3/1947, Bác soạn và đánh máy thư gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước nhân 100 ngày toàn quốc kháng chiến. Đúng 19 giờ tối hôm đó, Bác rời Lâm Thao đến địa điểm mới tại xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng. (Theo lời kể của cụ Kiên, tức Nguyễn Văn Nga - chiến sĩ bảo vệ Bác).
Tỉnh Phú Thọ và Đền Hùng hôm nay
Khắc ghi lời dạy của Người, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ, trong đó có đội ngũ những người làm công tác trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, đang ngày đêm nỗ lực phấn đấu xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh xứng đáng là miền đất Tổ cội nguồn dân tộc. Cùng với đó, với truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, ý nghĩa văn hóa, lịch sử to lớn của khu di tích. Trong những năm qua, Đền Hùng luôn được tỉnh Phú Thọ và Trung ương quan tâm đầu tư, xây dựng để Khu di tích lịch sử ngày càng khang trang sạch đẹp, xứng tầm là nơi thờ tự Tổ tiên của dân tộc, nơi hội tụ khí thiêng sông núi, hun đúc tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Các di tích được tu bổ, tôn tạo trang nghiêm, cảnh quan khuôn viên được quy hoạch mở rộng, xây dựng bề thế. Đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của đồng bào, du khách trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài khi về thăm viếng Đền Hùng. Bên cạnh đó, thực hiện lời dạy của Bác, các đồi trọc xung quanh khu di tích, đều được phủ kín cây xanh, tạo nên môi trường sinh thái trong lành cho toàn khu vực. Vườn hoa, cây cảnh được trồng theo quy hoạch, với nhiều loại cây quý dọc theo các tuyến đường, trục hành lễ, sân lễ hội, xung quanh các hồ nước, khuôn viên, nhà làm việc của cơ quan tạo nên cảnh sắc thiên nhiên hấp dẫn đối với đồng bào và du khách.
Kỷ niệm 70 năm Bác Hồ về thăm Đền Hùng 19/9/1954-19/9/2024 cũng đúng vào dịp toàn Đảng, toàn Dân, toàn Quân ta, đang thiết thực kỷ niệm 55 năm thực hiện di chúc của Người. Chúng ta cùng đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Đỗ Ngọc Dũng | Báo Văn nghệ
(Bài viết tham khảo tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh)
------------
Bài viết cùng chuyên mục:
Phê duyệt quy hoạch Khu di tích Đền Hùng Một cuộc thi độc đáo ở Đền Hùng Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2024 Cảm hứng nguồn cội trong thơ viết về Đền Hùng Bác Hồ trên quê hương Xô Viết |