Sự kiện & Bình luận

Bác Hồ trên quê hương Xô Viết

Trình Quang Phú
Bút ký phóng sự
09:19 | 01/09/2024
Baovannghe.vn - Ý định rời Paris để đến với đất nước Xô Viết, quê hương của Lenin ngày càng nung nấu và chín mùi trong Bác. Ngày ấy đường đến Liên Xô rất khó
aa

TẠM BIỆT PARIS

Cuối tháng 5 vẫn còn là mùa xuân của Paris, hoa nở rực rỡ, cái nắng đầu hè tràn đến hòa trong cái rét buốt của cuối đông tạo nên một tiết trời nắng nhưng không nóng, man mát dễ chịu. Đêm càng dịu dàng dễ chịu hơn. Cuộc họp Chi bộ Đảng cộng sản vừa tan, Bác và nữ Đảng viên Lared trên đường về, tản bộ trên bờ sông Seine, từng làn gió mát nhè nhẹ phả trên mặt.

- Lared nghĩ thế nào về các nước thuộc địa của Pháp. Bác hỏi.

- Tôi nghĩ ở đó phải làm cách mạng.

- Lared đọc luận cương của Lenin chưa?

- Rồi. Anh muốn làm gì ở xứ An Nam.

- Ở đó phải có Đảng cộng sản, phải giải phóng khỏi ách thực dân.

- Ồ! Tôi khâm phục anh. Nhưng…

- Ý cô là phải làm sao chứ gì?

- Đúng rồi. Quay qua phía Bác cô cười: đồng chí Nguyễn ơi, Chi bộ họp xong rồi, bây giờ nói chuyện ở bờ sông Seine chứ.

- Sông Seine êm đềm quá! Biết Lared muốn tán tỉnh, nên Bác nói tản ra: Lared có biết sông này chảy từ đâu không?

Thấy Lared im lặng mỉm cười, Bác nói luôn: Nó chảy từ phía Đông Nam nước Pháp, ôm lượn qua mấy tỉnh, rồi xuyên qua Paris và vòng vài lượt nữa mới chịu chảy ngược lên phía Bắc, đổ ra cảng Le Havre, nơi năm 1911 mình đặt chân lên đất Pháp.

- Con đường của anh cũng lòng vòng như sông Seine vậy, thật khó ai sánh bằng.

Bác nhìn thẳng vào Lared và hỏi:

- Tôi muốn trở về giúp xứ tôi. Cô ủng hộ chứ?

- Đi bằng cách nào?

- Tôi đến đây được thì trở về được.

- Anh cần tôi ủng hộ anh những gì?

- Cô giúp các bạn tôi tiếp tục công việc ở đây khi không có tôi.

- Tôi sẵn lòng. Nhưng,… Anh đi thật sao?

Bác gật đầu:

- Cô giữ kín cho tôi.

- Chừng nào anh đi?

- Khi nào đi, tôi sẽ báo với Lared, được không?

Ý định rời Paris để đến với đất nước Xô Viết, quê hương của Lenin ngày càng nung nấu và chín mùi trong Bác. Ngày ấy con đường đến Liên Xô rất khó. Các nước chưa công nhận Liên bang Xô Viết, chỉ mới có Đức là nước có quan hệ ngoại giao. Đế quốc Pháp nếu phát hiện ai đi Nga sẽ bắt và xử liền. Bác đã làm quen với anh em ngành hỏa xa, tìm hiểu cung đường đi và tìm cách tích lũy tiền nong… Đồng thời tính toán, nghĩ cách để tờ báo Le Paria vẫn tiếp tục. Hội Liên hiệp các nước thuộc địa vẫn hoạt động… Mọi việc đang dục dã thôi thúc Bác, thì bỗng một hôm có người đến báo tin Trung ương Đảng cộng sản Pháp cần gặp Bác. Bác hồi hộp đến văn phòng Trung ương Đảng. Đến nơi, Bác thấy đồng chí M. Cachin và nữ đồng chí Clara Zetkin đại diện Quốc tế cộng sản, một nữ chiến sĩ cách mạng mà Bác đã gặp ở Đại hội Tours đang chờ. Trong không khí vui vẻ, đồng chí Cachin nói:

- Ban chấp hành Trung ương Đảng cử đồng chí với tư cách đại diện cho các nước thuộc địa đi Moscow để dự đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ 5.

- Ôi, thật tuyệt vời! Bác thốt lên trong vui mừng sung sướng.

- Chúng tôi bố trí để đồng chí qua Đức - đồng chí Clara nói. Từ đó sẽ lên tàu thủy của Liên Xô vào Petrograd. Đồng chí phải tìm cách cắt đuôi bọn mật thám.

- Vâng, hiện tại chúng theo tôi từ sáng đến tối. Nhưng tôi sẽ có cách.

- Cách nào?

- Trong những ngày tới tôi sẽ tạo thành một qui luật “không có gì mới” với mật thám, chúng sẽ chủ quan. Để hôm cuối cùng sẽ bất ngờ “biến mất”.

- Nên chọn một quán café lớn có hai cửa, rủ một vài đồng chí vào café ở cửa trước rồi một mình ra cửa sau - đồng chí Cachin nói. Và như chợt nhớ ra, đồng chí cười: Đồng chí Nguyễn mời đồng chí Lared. Đi uống café với bạn gái là “đắc cor”([1]) nhất.

Bác cười.

Đồng chí Clara nói thêm:

- Tôi thấy nữ đồng chí Lared thương và mến phục đồng chí Nguyễn lắm đấy!

- Nhưng… lúng túng một chút Bác nói: Trong tôi, ưu tiên số một là giải phóng thuộc địa, cứu dân tộc mình.

- Chúng tôi hiểu đồng chí.

Đồng chí Cachin mới đi Liên Xô về và đã gặp Lenin. Bác hỏi Cachin rất kỹ về Lenin, về cuộc sống ở Moscow, về nước Nga, về đất nước Xô Viết. Câu chuyện sôi nổi và thân thiết. Bác quay qua đồng chí Clara:

- Tôi sẽ đi đến Đức như thế nào xin đồng chí cho biết rõ.

- Chúng tôi sẽ cử một người hỗ trợ đồng chí, đồng chí ấy sẽ lo thu xếp vé tàu lửa, chuẩn bị giấy thông hành đi Đức cho đồng chí Nguyễn, có lẽ đồng chí phải dùng một tên khác. Đồng chí đóng vai người Trung Quốc, như vậy khi lên tàu chưa ra khỏi đất Pháp đồng chí chỉ dùng tiếng Hoa hoặc tiếng Pháp, có gặp người Việt Nam cũng không nói tiếng Việt Nam. Đồng chí ấy sẽ liên lạc với đồng chí để bàn cụ thể trước ngày lên đường.

- Chúng ta xác định như thế này - đồng chí Cachin nói: Anh sẽ đi chuyến tàu đêm 13 tháng 6, hôm ấy là thứ ba. Như vậy còn mười hai ngày nữa, đồng chí thu xếp, chuẩn bị.

- Một việc lớn nữa, đồng chí Nguyễn phải chuẩn bị bài tham luận ở Đại hội Quốc tế Cộng sản về sự cần thiết đối với các nước thuộc địa - Đồng chí Clara nhắc.

- Cảm ơn các đồng chí nhiều. Tôi sẽ làm tốt nhất. Bác như được tiếp sức, phấn chấn trả lời.

Bác Hồ trên quê hương Xô Viết
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nga. Ảnh Internet

*

* *

Ngày thứ ba đã sắp tới. Suốt một tuần lễ qua Bác thực hiện rất chuẩn mực công việc hàng ngày: Sáng đi làm ở tiệm ảnh, chiều đến tòa soạn báo Le Paria, có hôm đến trụ sở Hội Liên hiệp thuộc địa. Có hôm hẹn ăn trưa với Luật sư Phan Văn Trường. Buổi tối đi thư viện hoặc đi dự meeting. Cũng có hôm đi uống café với các bạn Châu Phi và trở về nhà nghỉ không quá 23 giờ đêm. Hai tên mật vụ thay nhau ngày và đêm theo Bác. Bác đã nhận ra qui luật của chúng là buổi tối chỉ theo Bác đến thư viện hoặc một nơi nào đó rồi yên tâm Bác sẽ về nhà ngủ trước 23 giờ, nên một lúc sau chúng về nhà hú hí với vợ con để sáng hôm sau đến “đưa” Bác đi làm. Bác cười thầm và có lần khoe với bạn cùng làm: Mình có “cảnh vệ” sát cánh từ sáng đến tối.

Sáng sớm thứ hai, trời vừa hừng sáng, người của tổ chức bố trí đã đến gặp Bác. Anh nói:

- Chúng tôi sẽ làm giấy tờ để anh đi Nga, có lẽ anh phải đóng vai thương gia Trung Quốc. Anh muốn lấy tên gì?

Suy nghĩ một lúc, Bác chọn:

- Chen vang, có nghĩa là Trần Vương, ở An Nam Vương là vua.

Cả hai cùng cười.

- Anh đã chuẩn bị hành lý xong chưa? Nhớ mang theo áo măng tô để chống lạnh. Anh cứ đi làm với tay không như mọi ngày. Vali tôi sẽ xách ra tàu cho anh.

Hai người bàn chi tiết công việc cho ngày ra đi vừa xong, thì tên mật thám Pháp, đầu đội mũ phớt đen, đã lãng vãng bên ngoài. Bác cười:

- “Cảnh vệ” đến rồi. Anh ở đây chờ cho tôi và tên “cảnh vệ” chết tiệt này đi xa xa, rồi hãy đi. Nhớ giúp tôi đóng cửa.

Bác ung dung bước ra đi làm như mọi ngày, tên mật thám lẻo đẻo theo sau. Đồng chí của tổ chức mĩm cười và xách va ly hành lý của Bác ra đi.

Tối thứ ba đẹp trời, Bác hẹn với cô Lared cùng đi dự meeting ở ngoại ô. Hôm đó Bác mặc bộ quần áo mới, sơ mi trắng cổ cứng láng bóng, đầu chải rất bảnh trai.

- Hôm nay anh diện bộ này, đẹp quá!

Nhìn thẳng vào Bác, cô cười:

- Lại có mái tóc chải mượt thế kia, bảnh trai nhá!

- Cảm ơn Lared, đi với người đẹp phải diện chứ.

Cuộc meeting vừa bắt đầu, Bác đã rủ Lared đi uống café ở khách sạn sang trọng.

- Sao bữa nay anh chơi sang thế?

- Làm oai một bữa mà.

Đến cửa Paris hotel cổ kính, Bác bất ngờ khoác tay Lared, làm cô xúc động, đỏ mặt, sung sướng. Tên mật thám vẫn ở phía sau. Bác ghé vào tai Lared nói nhỏ:

- Che mắt mật thám một chút.

Đôi bạn “tình tứ” vào bar café. Tên mật thám chắc mẫm Nguyễn Ái Quốc đã “cắn câu” với cô gái Pháp và sẽ ở đây, rồi sẽ về nhà có thể sau 23 giờ.

Bên tách café, Bác nói với Lared:

- Hôm nay tôi đi. Ai hỏi, bạn nói tôi đi nghỉ mát ở miền Nam.

- Nhưng thực ra anh đi đâu?

- Tôi tìm đường về xứ An Nam của tôi.

Bác nhìn thẳng vào mắt Lared thăm dò và nói tiếp:

- Tôi nhờ bạn chuyển dùm bức thư này cho các đồng chí ở Hội Liên hiệp thuộc địa.

- Ôi, thế là tôi mất Nguyễn rồi sao? – Lared cầm phong bì và nói lạc giọng vì xúc động.

- Sao mất được. Chúng ta là đồng chí, là những người cộng sản, dù ở phương trời nào thì lý tưởng cũng bên nhau.

Uống mới nửa tách café, Bác đưa tiền cho Lared và dặn cô ngồi lâu lâu, rồi thanh toán dùm. Lered gạt đi:

- Không, anh để tôi trả tiền café, coi như mời anh để chia tay. Nói xong Lared ngồi xích lại, choàng tay qua vai kéo Bác về phía mình và nói trong xúc động:

- Anh là một con người vĩ đại, tôi tin anh sẽ thành công!

Và cô hôn chặt lên má Bác. Một dòng năng lượng chạy khắp người, Bác xúc động:

- Merci Lared([2]).

Bác hôn lên tay Lared và đứng dậy, tạm biệt. Bác đi nhanh ra cửa sau, đón taxi đến ga xe lửa. Taxi chạy qua nhiều đường phố như để Bác chào tạm biệt Paris, rồi vào đại lộ Magenta chạy thẳng đến nhà ga Du Nord([3]), một nhà ga lớn, có mái vòm cong rất đẹp trong ánh đèn đêm. Gọi là ga phía Bắc nhưng vẫn trong trung tâm Paris, không xa lắm là Vương cung Thánh đường uy nghiêm trầm mặc. Người của tổ chức bố trí mà Bác đã từng gặp đang chờ sẵn trong vai thư ký. Anh xách chiếc vali hành lý nhỏ đưa Bác lên toa tàu hạng nhất. Anh đưa vé cùng giấy tờ và nói với Bác:

- Đây là giấy thông hành, anh dùng cho đến khi đến Liên Xô. Tôi quan sát không thấy có tên mật thám nào theo, anh ngồi toa hạng nhất cảnh sát ít chú ý, yên tâm. Anh dặn mật khẩu khi có người đón ở nhà ga Berlin và vui vẻ bắt chặt tay Bác:

- Chúc đồng chí lên đường thành công.

Con tàu lăn bánh lao về phía Bắc, Paris lùi dần với bao kỷ niệm của hơn 2.000 ngày.

Việc Nguyễn Ái Quốc “mất tích” cũng là một chấn động với mật thám Pháp.

Những tên mật thám theo Bác đã bức đầu bức tai: “Nguyễn Ái Quốc đi đâu?”, “Đi nghỉ mát với ai? Ở đâu???”, “Không mang theo hành lý, thì chỉ quanh quẩn ở Paris?”.

Ngày 30 tháng 7 năm 1923, khi Bác đã đến nước Nga tròn một tháng thì Bộ trưởng thuộc địa Pháp Albert Sarraut mới nhận được báo cáo hỏa tốc “Nguyễn Ái Quốc đi nghỉ 10 ngày nhưng đã một tháng rồi vẫn chưa thấy về. Người An Nam ấy giữ vai trò chủ chốt trong phong trào cộng sản ở thuộc địa”.

Ngày 30 tháng 8 năm 1923, điện mật số 822 ghi rõ: “Tôi hân hạnh báo để ông biết Nguyễn Tất Thành, quen biết dưới tên gọi Nguyễn Ái Quốc, cho đến nay dù đã truy lùng tìm kiếm ráo riết những vẫn chưa có tung tích gì”.

Bộ trưởng thuộc địa chỉ thị phải tìm cho ra Nguyễn Ái Quốc ở đâu? Phát hiện được Nguyễn Ái Quốc phải báo cáo ngay.

Chúng ra sức lục tung nước Pháp, đến tất cả những nơi Bác đã từng ở, từng đến, hỏi những người Bác đã có quan hệ, chúng tìm kiếm nhiều ngày cũng không biết Bác đi đâu.

Về lá thư Bác nhờ Lared chuyển cho các đồng chí ở Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa, rất may mắn vẫn còn lưu giữ lại được, xin trích từ bản dịch như sau:

“Các bạn thân mến,

Bao lâu nay chúng ta làm việc với nhau.

Mặc dầu chúng ta là những người khác giống, khác nước, khác tôn giáo, chúng ta đã thân yêu nhau như anh em.

Chúng ta cùng chịu chung một nỗi đau khổ: sự bạo ngược của chế độ thực dân. Chúng ta đấu tranh một lý tưởng chung: giải phóng đồng bào chúng ta và giành độc lập cho Tổ quốc chúng ta.

Chúng ta phải làm gì?, Chúng ta không thể đặt vấn đề ấy một cách máy móc. Điều đó tuỳ hoàn cảnh của mỗi dân tộc chúng ta.

Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: Trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập.

Tôi từ giã các bạn. Tôi xa các bạn, nhưng lòng tôi luôn luôn gần các bạn”.

Cuối thư, Bác đã gởi những dòng thắm thiết cho hai cháu nhỏ: “Chú sẽ luôn luôn nhớ đến các cháu. Các cháu luôn luôn vẫn là cô bé Alítxơ và cậu bé Pôn thân yêu của chú... Các cháu nhỏ thân yêu của chú, chú hôn các cháu rất kêu. Các cháu hôn mẹ hộ chú([4]).

Con tàu lao trong bóng đêm. Bác ngồi nhẩm lại những gì đã xảy ra trong những năm ở Paris. Dù là chưa vừa lòng, nhưng Bác thấy mình đã làm được nhiều việc, trong đó đã tham gia Đại hội Tours, sáng lập Đảng cộng sản Pháp và dùng diễn đàn này nêu rõ dân các nước thuộc địa đang bị lầm than, cơ cực. Bác đã lập được Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa và ra tờ báo Người cùng khổ (Le Paria). Như vậy vấn đề thuộc địa và giải phóng thuộc địa đã tạo được tiếng vang và truyền rộng, được nhiều quốc gia quan tâm. Bác cũng vừa lòng với việc đưa được 8 điều yêu sách của nhân dân Đông Dương đến các vị nguyên thủ các nước lớn gây chấn động nước Pháp và nhân đó đưa về nước và lan tỏa đến những yêu sách chính đáng này để thức tỉnh mọi người.

Việc làm ấy là cần thiết nhưng phương pháp đã đúng chưa? Bác tự hỏi. Cụ Phan Chu Trinh có lúc cho là mình quá khích, gây kích động làm cho các hoạt động bị Chính phủ giám sát và nhất là mật thám đeo bám. Luật sư Phan Văn Trường cũng có lần cho rằng vì sự hăng hái của ta mà mật thám đã theo dõi căn nhà số 6 của ông suốt ngày đêm…

Bác hiểu và trân quí cụ Phan, một trí thức dũng cảm đã thức dậy lòng yêu nước trong nhân dân và chịu mọi khổ cực vì lòng yêu nước thương nòi đó. Chỉ tiếc là phương pháp của cụ không thể giải phóng dân tộc được. Trong Bác cụ luôn là bậc trượng phu đáng trân trọng và kính nể, là người đã giúp Bác ra đi tìm đường cứu nước. Sau này như đã rút được bài học từ thực tế hoạt động có lần cụ Phan đã nhắc Bác: muốn làm cách mạng thì phải về Việt Nam lãnh đạo nhân dân. Không thể ở nước ngoài kêu gọi được.

Suy đi nghĩ lại, có thể thấy rằng Bác và các đồng chí Đảng cộng sản Pháp, những người hoạt động trong Liên hiệp thuộc địa đã làm đúng. Và Bác cho rằng tiếng vang từ chính quốc đã về tới Việt Nam là một thành công. Lấy chính nghĩa, lấy lẽ phải để đấu tranh thì phải can đảm, phải đương đầu. Bác chỉ tiếc là chưa làm được nhiều việc như ý muốn. Và Bác đã hiểu ra muốn có “Tự do, bình đẳng, bác ái” thì phải làm sao? Tất nhiên thai nghén và hình thành nó phải có quá trình.

Và điều vui mừng nhất của Bác là phía trước, nơi con tàu đang lao tới, đó là đến với quê hương cách mạng, là nước Nga, là Liên bang Xô Viết, nơi đã giành được độc lập, tự do, đang mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân mình…

Trời đã hừng sáng, con tàu đang ở vùng Bắc nước Pháp, Bác nhìn ra cửa sổ và nhớ lại những ngày đầu tiên lên đất Pháp, Bác đã rời Tàu Amiral Latouche-Tréville lên bờ làm nghề dọn vườn cho ông chủ tàu và học thêm tiếng Pháp ở vùng này. Mới đó đã 12 năm, nói như ông bà ta là đã 12 con giáp, từ Tân Mão đến Quý Mão và Bác đã có một nửa thời gian, 6 năm ở Paris.

Những tia nắng đầu ngày rực rỡ chiếu qua khung cửa nhỏ của toa tàu, những cánh đồng trồng củ cải thẳng tắp xanh um cứ nối nhau mênh mông, mênh mông. Một đồng chí của Đảng cộng sản Pháp làm trên tàu được phân công hỗ trợ Bác, đến nói nhỏ với Bác: “Tàu sắp qua biên giới. Cảnh sát sẽ kiểm tra giấy tờ, đồng chí cứ yên tâm”. Đúng như vậy, chỉ ít phút sau đã có cảnh sát và nhân viên đến soát vé và giấy thông hành. Tay cảnh sát thấy Bác ăn mặc chỉnh chu tưởng là nhà buôn Trung Quốc đã lễ phép chào buổi sáng. Y xem nhanh giấy thông hành và trả lại Bác không một chút nghi ngờ, còn vui vẻ chúc Bác chuyến đi thành công. Y còn nói: “Ở Đức lúc này nhiều cơ hội để quí ông làm ăn lắm”. Bác cười tán đồng. Vậy là thoát khỏi mạng lưới mật thám dày đặc của nước Pháp. Bác hít thở sâu và thấy lòng nhẹ nhõm. Sau này, khi nhắc lại chuyện này, Bác đã nói: “Bác cố trấn tỉnh, nhưng chỉ đến khi xe lửa qua khỏi biên giới Pháp – Đức trong ngực Bác mới hết phập phồng”([5]).

ĐẾN QUÊ HƯƠNG XÔ VIẾT

Bác Hồ trên quê hương Xô Viết

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng các thủy thủ trong chuyến thăm Cộng hòa Dân chủ Đức. (Nguồn: Bundesarchiv Bild)

Con tàu đưa Bác vượt qua Luxembourg, Bruxelles và xẻ dọc nước Đức từ miền Nam lên miền Bắc.

Những năm ấy, nước Đức vừa thua trận ở thế chiến lần thứ nhất, kinh tế khó khăn, đói kém, người dân ăn mặc rách rưới, kẻ ăn xin ở cửa nhà ga có trẻ, có già và có cả người trung niên khỏe mạnh. Lạm phát lên cao đến đỉnh, đồng tiền Đức mất giá, tiền mua một tờ báo ráp lại to hơn tờ báo. Chỉ cần một nghìn đồng tiền Pháp đổi ra tiền Đức xách đầy một vali và trở thành tỷ phú([6]).

Bác xách va ly bước xuống tàu. Một người tiến đến ngã mũ chào: “Đồng chí - xin chào”.

Mật hiệu đã qui ước là phải gọi “đồng chí” trước rồi “xin chào” sau. Bác bắt tay người đồng chí người Đức và lên xe về văn phòng đại diện nước Nga. Xe chui qua cổng Brandenburg với tượng đài nữ thần Victoria giương đôi cánh thiên thần đứng trên xe Tứ mã, tay đỡ cánh chim hòa bình phi về phía trước. Con đường Unter tráng lệ, rộng và thẳng tắp đưa Bác đến cơ quan đại diện toàn quyền của nước Nga Xô Viết tại Liên bang Đức. Một tòa nhà bốn tầng, không to lắm, phía trước sân lá cờ đỏ có ngôi sao bên cạnh búa liềm vàng tung bay trước gió. Bác đứng ngắm cờ bay, như thả hồn vào đó, lòng Bác thật sự được lộng gió, được tung bay. Bác đã bước vào tòa lâu đài của tự do và độc lập. Vui sướng cứ tràn ngập.

Đồng chí Bradopsky, đại diện nhà nước cách mạng Nga dang rộng tay đón và ôm chặt Bác.

- Chào đồng chí Nguyễn, đại diện Đông Dương và các nước thuộc địa. Chúng tôi chờ đồng chí từ cả tuần nay.

Đồng chí Bradopsky đã có một buổi làm việc ân cần với Bác, đồng chí hỏi tỉ mĩ về tình hình Đông Dương, tình hình các nước thuộc địa và nghe chăm chú các ý kiến của Bác về các nước thuộc địa. Một cuộc trao đổi rất sâu sắc, đã diễn ra giữa những người đồng chí chân tình, cởi mở vì lý tưởng chung. Nghe xong đồng chí Bradopsky nói:

- Đồng chí là người hiểu sâu về các nước thuộc địa như vậy, đồng chí thật xứng đáng được phát biểu về thuộc địa ở Đại hội Quốc tế Cộng sản sắp tới.

Bác cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi cảm ơn đồng chí Bradopsky.

Bác được bố trí ở trong khu nhà nghỉ của cơ quan đại diện. Đồng chí Victor, người Nga biết tiếng Pháp được phân công hỗ trợ Bác. Ngoài việc thông qua Victor để biết về nước Nga, về cách mạng tháng 10. Bác còn yêu cầu Victor dạy Bác nói tiếng Nga.

Chiều ngày 18 tháng 6, theo hẹn Victor đưa Bác đến gặp lại đồng chí Bradopsky. Đồng chí Bradopsky nói kỹ với Bác về cách đi đến Nga kể cả thời gian và thủ tục đi đường, đồng chí đưa cho Bác những giấy tờ cần thiết và giới thiệu từng thứ một:

- Đây là giấy đi đường do tôi ký để đồng chí đến nước Nga([7]).

- Đây là giấy thông hành của cảnh sát Đức([8]) để đồng chí đi qua các đồn gác của cảnh sát nước Đức và xuất cảnh, xuống tàu.

Bác cầm các giấy tờ với nhiều xúc động. Bác cảm ơn bằng tiếng Nga:

- Spa-xi-pơ ta-va-rít (cảm ơn đồng chí)

- Ô, đồng chí đã nói được tiếng Nga. Bradopsky ngạc nhiên hỏi.

- Tôi đang học.

- Thật tuyệt vời.

Quay qua Victor đồng chí Bradopsky nói:

- Đồng chí Victor, biết tiếng Pháp sẽ hỗ trợ đến khi đồng chí ra khỏi nước Đức. Đồng chí sẽ nghỉ lại Berlin thời gian ngắn. Cần gì cứ nói với Victor, kể cả việc “móc túi” Victor lấy một số từ tiếng Nga cần thiết. Cả ba người cười to thoải mái vì cách nói dí dỏm của đồng chí Bradopsky.

Một tình cảm cách mạng nồng ấm và sâu sắc. Bác như cầm được trong tay cái mình tìm lâu nay, đó là những đồng chí cách mạng cùng quyết tâm giải phóng nô lệ, giải phóng thuộc địa…

Victor tranh thủ đưa Bác đi thăm Berlin. Thấy những người nghèo khổ rách rưới đang xếp hàng dài để mua bánh mì, Bác nói với Victor:

- Đế quốc Đức oai hùng như vậy, mà bây giờ để dân tình khốn khổ vầy sao?

- Đây là kết cục của chàng đế quốc thua trận.

- Chiến tranh là chết chóc, là đau thương, mất mát. Bác khẳng định.

Hôm sau Victor cầm tờ báo Đức đọc cho Bác tin công nhân cảng Hamburg đang đình công, mọi hoạt động đều tê liệt. Bác phải kéo dài thời gian ở Berlin. Victor nói.

Bác lấy trong túi áo ra tờ giấy phép của cảnh sát Đức đưa cho Victor và nói:

- Giấy phép của cảnh sát cấp cho tôi chỉ còn 3 ngày nữa hết hạn. Anh giúp tôi xin gia hạn.

Victor vui vẻ gật đầu.

Tờ giấy phép ấy, cảnh sát trưởng đã dùng bút mực đỏ sửa thành ngày 27 và đổi bút ghi thêm phía dưới: “Tôi xác nhận đã sửa ngày 22 tháng 6 thành ngày 27 tháng 6 năm 1923” và ký tên đóng dấu.

Ngày 24 tháng 6 có tin công nhân đình công ở cảng đã hoạt động trở lại bình thường. Victor đưa Bác đi lên Hamburg. Anh nói: “Chuyến tàu thủy của nước Nga chở hàng và người từ Hà Lan đi Petrograd sẽ ghé lại Hamburg đón khách”. Bác vui vì nước Nga Xô Viết đang đến gần.

Bác Hồ trên quê hương Xô Viết
Một góc thành phố càng Hamburg ( Đức). Ảnh Intenet

Hamburg là một thành phố cảng nằm bên bờ sông Elbe, được coi là cửa ngõ vào thế giới của nước Đức, Hamburg là cảng lớn nhất nước Đức, đứng thứ nhì Châu Âu, được thành lập đã hơn 830 năm([9]). Nhờ có cảng này mà thành phố Hamburg trở thành đô thị thương mại hàng đầu thế giới một thời. Sông Elbe bắt nguồn từ dãy núi cao 1.386 mét của Cộng hòa Séc chảy qua nhiều vùng núi đá hiểm trở của Séc, của Áo rồi đổ vào nước Đức với chiều dài trên một ngàn cây số. 65% lưu vực sông Elbe nằm trên nước Đức. Sông Elbe có nhiều kênh đào để kết nối với các thành phố lớn nhỏ khác, đó là chưa kể những đường hầm vượt sông.

Bác đã đến Hamburg trong tuần lễ cuối tháng 6, cái nắng của Bắc Âu rất nhẹ nhàng, nắng mà không rát, không nóng. Người vùng này rất mê nắng, ở đâu cũng thấy họ phơi nắng. Tại nơi sầm uất, phồn thịnh của nước Đức, Bác vẫn nhận ra sự bất công của nghèo, giàu và vẫn thấy nhan nhãn cảnh bóc lột, bất công, nhất là công nhân bốc vác dưới sự kiểm soát bằng roi của đế quốc thực dân.

Victor mời Bác bữa tối với món cá hồi của biển Bắc. Hai người cụng ly rượu vang. Victor nói:

- Tối nay tàu Karl Liebknecht của nước Nga Xô Viết sẽ cập cảng Hamburg. Tổ chức đã bố trí để đồng chí đi con tàu này đến Petrograd, cảng lớn nhất của nước Nga. Đồng chí Antonop thuyền trưởng là Đảng viên cộng sản rất thân quen với chúng tôi. Tôi sẽ bàn giao đồng chí Nguyễn cho đồng chí ấy.

Chiều 25 tháng 6, Bác nhận visa nhập cảnh để vào Cộng hòa Liên bang Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết Nga([10]), chính thức rời nước Đức. Victor đưa Bác xuống tàu. Thuyền trưởng Antonop nồng hậu đón và đưa hai người vào phòng khách của tàu. Antonop người mập, đậm đà, có bộ ria mép mỏng, đặc biệt có nụ cười hiền lành và giọng nói vồn vã. Bác thấy như được về nhà. Biết Bác trước đã làm thủy thủ tàu viễn dương, Antonop giới thiệu về lịch sử con tàu, và đưa Bác cùng Victor đi thăm tàu, sau đó mời hai người uống ly rượu để chia tay.

Con tàu của nước Nga kéo ba hồi còi và nhẹ nhàng rời bến theo sông Elbe ra biển Bắc. Bác bước ra boong tàu phía trước, đã tám giờ tối mà xứ Bắc Âu này trời vẫn còn sáng. Phía chân trời những ráng hồng, trời trong xanh, vài đám mây lơ lửng. Trên đỉnh cột cờ, cờ đỏ búa liềm và sao vàng bay lất phất trước gió. Có lẽ từ ngày rời Sài Gòn, đây là phút giây Bác thấy lòng mình nhẹ nhõm, khoan khoái nhất. Con tàu chỉ dài hơn một trăm mét, nếu tính diện tích mặt boong chỉ 1.500 mét vuông. Vậy mà Bác thấy mình đang đứng giữa một không gian mênh mông. Có lẽ đó là sự mênh mông của độc lập, của tự do đang thấm vào từng đường gân, thớ thịt của Bác. Bác giang rộng hai tay, hít thật sâu cho đầy lồng ngực.

Con tàu Karl Liebknecht đi về phía Tây, hết một trăm cây số của sông Elbe mới ra biển Bắc, rồi đi ngược lên vòng qua bán đảo Đan Mạch để vào biển Baltic.

Biển Baltic như một cái đầm khổng lồ, có chiều dài gần bằng Hà Nội đến Sài Gòn, là biển rìa lục địa được bao bọc bởi quần đảo Đan Mạch và các nước Trung và Đông Âu, có chu vi bờ biển dài đến tám ngàn cây số, là sự nối tiếp của các đảo, bán đảo nên trông rất kỳ vĩ.

Thuyền trưởng Antonop giới thiệu cho Bác những địa danh khi con tàu đi qua. Phía Bắc là vịnh Phần Lan, là quần đảo Stockholm, phía bờ Nam là các nước Đức, Latvia, Extonia và Nga. Antonop cho Bác biết biển Baltic có độ sâu trung bình năm mươi lăm mét, đủ cho tàu trọng tải rất lớn. Anh còn nói: Phía Thụy Điển có chỗ sâu đến gần năm trăm mét. Anh giới thiệu về điều ít thấy trên các đại dương đó là mùa đông, nước biển đóng băng. “Người ta tổng kết lại biển này hàng năm có gần 50% mặt biển bị đóng băng. Cũng có những năm cả mặt biển này băng đóng toàn phần. Tàu bè phải đành thả neo, uống Vodka chờ băng tan”.

Khi con tàu vào lãnh hải nước Nga, Antonop mời Bác kéo hồi còi dài để chào nước Nga Xô Viết. Anh chỉ về phía Bắc:

- Kia là biên giới Phần Lan với Nga, ở đó có túp lều Razliv nằm trên đất Phần Lan, nơi Lenin đã ở để tránh sự truy lùng của kẻ thù. Tại đó Lênin đã đóng vai người đi cắt cỏ thuê. Và cũng tại túp lều đó, Người đã chỉ đạo để chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, đồng chí Staline, và các đồng chí Trung ương Đảng cộng sản Nga đã đến đây báo cáo và nhận chỉ thị của Lenin.

Bác đứng nhìn bờ biển lượn vòng tít ở phía xa và nghĩ đến Lenin với lòng khập khởi mong mau chóng được gặp Người.

Cảng Petrograd dài đến bảy cây số, với ba mươi tám cầu tàu. Tàu Karl Liebknecht đã cặp cầu tàu số 7 ở vùng Gutuev, quận Kirov của cảng Petrograd vào buổi sáng ngày 30 tháng 6 năm 1923. Sau 4 ngày đêm trên biển Bắc và biển Baltic Bác đã đến với quê hương Xô Viết. Bác theo thuyền trưởng bước lên bờ mà lòng lâng lâng sung sướng như đang bay bổng trên mây.

Một đồng chí trung niên và một cán bộ nữ trẻ tuổi, mặc váy xòe nhẹ nhàng bước đến chào Antonop và Bác. Antonop giới thiệu:

- Đây là đồng chí Ptorop cán bộ của chính quyền Xô Viết thành phố. Còn đây là nữ đồng chí Natasa phụ trách công tác tuyên truyền của Xô Viết. Bác bắt chặt tay hai đồng chí Xô Viết mà lòng rung động mãnh liệt. Đồng chí Petonop vui vẻ:

- Chúng tôi chào mừng đồng chí Nguyễn đến với đất nước Xô Viết. Đồng chí Natasa sẽ hỗ trợ đồng chí trong thời gian ở đây. Từ nay đồng chí sẽ dùng đúng tên mình là Nguyễn Ái Quốc.

Bác ôm hôn chia tay thuyền trưởng Antonop và theo đồng chí Petorop và Natasa về khách sạn Astoria ở gần quảng trường lớn, nơi năm 1917 đã diễn ra đại meeting ra mắt chính quyền Xô Viết.

Petrograd những đêm cuối tháng 6 là những đêm không ngủ, vì cả đêm như vần có mặt trời, không chói chang, nhưng rực rỡ như ban ngày. Natasa nói với Bác:

- Nếu đồng chí Nguyễn đến trước bốn ngày thì đúng vào đêm trắng.

- Sao gọi là đêm trắng.

- Vì không có đêm đen, cả đêm sáng trắng.

- Cả tháng sáu, hay chỉ mấy ngày.

- Sáng như hôm nay thì kéo dài cả tháng sáu, nhưng sáng như ban ngày là những ngày từ 21 đến 25 tháng 6. Đây là hiện tượng do khúc xạ mặt trời bên kia bán cầu phản chiếu qua “tấm gương” tuyết Bắc cực khổng lồ chiếu rọi xuống khu vực này.

- Thật kỳ diệu. Bác đáp trong sự ngạc nhiên.

Bác và Natasa tản bộ trên đường phố. Ngày đầu tháng 7, thành phố mở hội mừng chiến thắng. Một sân khấu lớn, dàn hợp xướng biểu diễn những bản nhạc nổi tiếng của các thiên tài âm nhạc Tchaikovsky, Beethoven Mozart… Thanh niên nam nữ đàn ca, nhảy múa. Ở góc này, góc kia họ bày nướng thịt lụi, khói lên thơm phức, họ ăn với củ hành và uống bia, uống rượu vui vẻ.

Bác theo dòng người đi xem cầu mở pháo Đài vào 12 giờ đêm. Sông Neva có tám mươi cây cầu, trong đó có mười ba cây cầu mở vào đêm cho tàu bè qua lại, trở thành điểm tham quan đầy hấp dẫn và nó càng có ý nghĩa hơn của những đêm trắng tháng 6 này. Đêm trắng làm cho Bác thấy tự do độc lập rộn ràng hơn, tưng bừng hơn.

Mấy hôm sau Natasa đến và báo với Bác:

- Xô Viết thành phố cho mượn chiếc xe ôtô này trong vifng hai tiếng đồng hồ để đưa đồng chí đi thăm vài nơi của Petrograd.

Natasa đưa Bác đến cung điện mùa đông nằm bên bờ sông Neva, đây là nơi đêm 7 rạng sáng mồng 8 tháng 11([11]) lực lượng Xô Viết tấn công bắt toàn bộ bộ máy chính quyền phản động. Natasa không quên giới thiệu với Bác chiến hạm rạng đông nơi đã bắn những phát đại bác đầu tiên báo lệnh khởi nghĩa. Và sau đó Natasa đưa Bác về cung điện Smolny, một cung điện không to như cung điện mùa đông nhưng nằm giữa trung tâm thành phố, là đầu não của cuộc khởi nghĩa, của cuộc cách mạng tháng 10.

Bác tranh thủ hỏi thêm Natasa:

- Cô nói kỹ một chút về diễn biến của những ngày khởi nghĩa tháng 10.

- Có thể tóm tắt thế này: Đầu năm 1917, do chiến tranh đã đẩy nền kinh tế nước Nga suy kiệt dẫn đến đình công, phản đối của người lao động buộc vua Nikolay II thoái vị, chấm dứt chế độ Sa hoàng. Ở Petrograd có hai thế lực của Xô Viết và của Chính phủ lâm thời giả danh cách mạng.

Đêm 16 tháng 4, theo lịch Nga, chuyến xe lửa từ Thụy Điển chở Lenin về đến Petrograd, Người được dân chúng nồng nhiệt đón rước và dịp này, Người đã đọc luận cương tháng tư nói rõ đường lối giải phóng dân tộc với khẩu hiệu “Tất cả chính quyền về tay Xô Viết”. Người đã chủ trương lật đổ Chính phủ lâm thời. Khẩu hiệu “Hòa bình, đất đai và bánh mì” của Người được nhân dân hoan ngênh.

Đến tháng 8, Chính phủ lâm thời phản động do Karensky làm Thủ tướng đã khủng bố, đàn áp dã man, lực lượng cách mạng làm cho tình thế chính trị khủng hoảng nghiêm trọng. Lenin chỉ đạo mọi hoạt động tạm thời rút vào bí mật để bảo toàn lực lượng và Người đã ra vùng Razliv của Phần Lan cách Petrograd ba mươi lăm cây số và từ đây Người quyết liệt chỉ đạo khởi nghĩa.

Biết cách mạng đang tiến hành vũ trang khởi nghĩa, cả ngày mùng 6 Chính phủ lâm thời phản động đã điên cuồng đàn áp.

Đêm ngày 6 tháng 11 năm 1917, Lenin từ Phần Lan cấp tốc lên đầu tàu lửa số 293 với bộ trang phục công nhân đốt lò để bí mật vào thành phố Petrograd, Người đã lấy điện Smolny để làm đại bản doanh thủ phủ cách mạng.

Natasa nói: Lenin là lãnh tụ vĩ đại, Người nói khi thời cơ đến, cách mạng phải nhanh chóng giành lấy. Cuộc khởi nghĩa phải là ngày 7, không thể chậm, dù chỉ là một đêm. Lenin trực tiếp chỉ huy khởi nghĩa, rạng sáng 8 tháng 11, toàn bộ nội các phản động tử thủ trong cung điện Mùa Đông bị bắt. Chính quyền về tay nhân dân. Cuộc khởi nghĩa thành công.

- Những ngày ấy Natasa làm gì?

- Tôi cũng cầm súng. Lực lượng xung kích chúng tôi chỉ hai trăm người, nhưng đến đâu cũng được nhân dân hưởng ứng tham gia. Tôi cũng nổ súng và cùng đồng đội xông vào cung điện mùa đông.

Từ 30 năm trước năm 1893, lúc mới 23 tuổi, Lenin đã chuyển đến sinh sống ở Petrograd và bắt đầu hoạt động cách mạng ở đây. Năm 1917, Lenin đã ở điện Smolny suốt bốn tháng để lãnh đạo khởi nghĩa và điều hành bộ máy chỉ huy những ngày tháng đầu tiên của cách mạng tháng 10 tạo nên “Mười ngày rung chuyển thế giới”([12]). Đứng giữa điện Smolry, nơi Lenin đã chủ trì 77 cuộc họp của chính quyền Xô Viết và ra nhiều quyết sách quan trọng đưa cuộc cách mạng toàn thắng, Bác nhận ra rằng muốn giải phóng dân tộc phải cướp lấy thời cơ, phải huy động sức dân, và phải khởi nghĩa vũ trang.

TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHƯƠNG ĐÔNG

Bác Hồ trên quê hương Xô Viết

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc (ngồi trên sàn) cùng những người đảm bảo phục vụ kỹ thuật cho Đại hội V Quốc tế Cộng sản, tháng 6-1924. Ảnh TL

Vì Lenin bệnh, Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ 5 phải lùi lại chờ đợi sự phục hồi của Lenin. Bác được Ban lãnh đạo Quốc tế Cộng sản cho đi học lớp ngắn ngày ở Trường Đại học Phương Đông.

Đại học Phương Đông do Lenin sáng lập từ tháng 4 năm 1921, là trường đào tạo lý luận cho những Đảng viên cộng sản của các nước thuộc địa và phụ thuộc ở Phương Đông. Trường không có cơ ngơi đồ sộ. Trụ sở chính trông có vẻ bề thế, là cơ sở của một nhà thờ, còn lại nơi ở và học của trường nằm rải rác trên mấy đường phố gần nhau nhưng cũng chia ra từng khối cho các nước. Trường có cả trăm cán bộ giảng dạy, lúc Bác vào học trường có trên một nghìn học viên của nhiều nước với 62 dân tộc khác nhau. Về sau trường phát triển các phân hiệu ở Irkutsk và ở Baku, ở Tashkent. Bác rất thích thư viện của trường với gần năm mươi ngàn đầu sách. Ở đây Bác gặp lại cô Lumina, người ở thành phố Khabarovsk vùng viễn đông nước Nga, đang là thư ký cho đồng chí Clara Zetkin được Ban Bí thư phân công phụ trách Phụ nữ Cộng sản Quốc tế. Lumina người cao dong dỏng, có khuôn ngực con gái đầy đặn, mắt sáng long lanh, mũi không cao lắm, đặc biệt có nụ cười với cái răng khểnh rất duyên dáng và chân tình. Lumina cũng rất thích đi thư viện. Cô hay trao đổi với Bác. Một lần cô hỏi Bác:

- Điều anh lo trước nhất khi nước anh giành được độc lập là gì?

- Ồ, câu hỏi của cô giống như của nhà báo vậy. Lumina biết đấy, bọn thực dân đô hộ luôn bóc hết của cải làm cho người dân xứ tôi nghèo khổ. Chúng cố làm cho dân chúng trở thành nô lệ và ngu dốt bởi không được học hành. Phải làm cho họ có cái ăn, cái mặc, phải ấm no và được học hành, cái chữ sẽ làm cho đầu óc họ sáng ra. Đúng không?

- Anh thông minh quá. Giải đáp của anh là một bài học.

Một hôm khác, ngay trong phòng đọc của thư viện, Bác hỏi Lumina:

- Cô đọc nhiều, theo cô nền kinh tế mới theo chủ trương của Lenin chủ yếu là gì?

Lumina nhìn Bác mỉm cười:

- Anh kiểm tra em đấy à?

- Không, ta trao đổi nhau cho sáng ra.

- Theo như em hiểu thì chính sách kinh tế mới, tiếng Anh gọi là New Economy Policy nên có tên gọi tắt là NEP, là một chính sách mới thay thế chủ trương thời chiến là trưng thu lúa mì của nông dân bằng một cách thức mới. Nhày nay, người nông dân làm ra sản phẩm chỉ phải nộp thuế cho nhà nước. Sản phẩm của mình được quyền mua, bán, trao đổi thoải mái. Trong công nghiệp, thương nghiệp cũng vậy, mở rộng cho tư nhân làm ăn… Nói cách khác là chấp nhận cơ chế thị trường có định hướng, có quản lý. Chính sách này được mọi người đón nhận rất nồng hậu, phấn khởi, nhất là nông dân.

- Tức là phát huy nội lực, để mọi người có thể tạo cho mình cuộc sống khấm khá.

- Đúng rồi. Nhưng cũng có người cho rằng làm như vậy là mất Chủ nghĩa Xã hội.

- Lumina à, tôi nghĩ trong lúc này người dân nước Nga cần ấm no, hạnh phúc. Ta làm một bữa tiệc sang cho gia đình thì không khó, chứ lo cho cả nước có bữa ăn ngon thì rất khó. Không ai lo được cho họ bằng họ tự lo. Phương cách của Lenin là rất đúng.

Những ngày ở Đại học Phương Đông, Bác hiểu rõ nguyên lý của Chủ nghĩa Mác, của Quốc tế cộng sản. Bác hiểu sâu vai trò của Đảng Cộng sản. Có lần Bác nói với Lumina:

- Không có Quốc tế Cộng sản thì không giải phóng nhân loại được.

Một lần, sau ngày nghỉ, Bác và cả Lumina đều từ cơ quan trở lại trường. Chỉ mới mấy ngày mà Lumina làm như xa đã lâu. Cô lao đến ôm chầm lấy Bác và siết thật chặt. Bác gở tay cô ra và nói: Phương Tây nam nữ gặp nhau chỉ áp má nhẹ nhàng thôi. Ôm chặt như vậy người ta cười đấy.

- Không. Người anh nhiều năng lượng lắm, em phải lấy năng lượng từ anh. Nhìn Bác, Lumina cười thân thiện: “Đồng chí mà, chúng ta là đồng chí thân thiện mà” và cô cười hồn nhiên. Những câu nói và nụ cười chân thành như vậy như đã tiếp thêm sức cho Bác. Lần đó Lumina hỏi:

- Sau khóa học anh làm gì?

- Tôi muốn về giúp đất nước tôi.

- Anh định giúp như thế nào?

- Trước hết là lập Đảng Cộng sản của Việt Nam.

- Thành lập được Đảng là phải làm. Nhưng liệu với số Đảng viên ít ỏi có thể giải phóng được đất nước không anh?

- Cách mạng tháng 10 Nga đã cho tôi bài học lớn. Nhất định xứ An Nam của tôi phải được giải phóng.

- Đồng chí Clara Zetkin, sếp của em đã nói: đồng chí Nguyễn sẽ là trụ cột cách mạng ở xứ An Nam nhất định không sai. Em tin ở anh, người đồng chí lớn của em.

Bác xúc động, nắm tay Lumina:

- Anh chỉ có một tâm nguyện duy nhất là giải phóng được đất nước.

- Trên diễn đàn em thấy anh đâu chỉ có một tâm nguyện này. Anh luôn lên án thực dân tại các thuộc địa của các Châu Á, Âu, Phi, Mỹ và kêu gọi giải phóng các nước thuộc địa trên toàn thế giới mà.

- Đúng vậy, đó là khát vọng của chúng ta, Lenin dạy: Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại mà em. Tất cả đứng lên, bọn thực dân sẽ co vòi và đất nước anh là một phân khúc của cuộc cách mạng vô sản đó. Liên Xô, là chỗ dựa, là điểm xuất phát cho phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Các nước sẽ học Liên Xô, theo Liên Xô…

- Anh nghĩ hay quá.

*

* *

Một lần, cuối tuần Bác từ trường Đại học Phương Đông về lại khách sạn Lux, nơi ở tập thể của Quốc tế Cộng sản. Trong bữa cơm chiều, Bác xuống phòng ăn ở tầng trệt thì thấy đồng chí Colarop, Tổng bí thư đang ngồi với đồng chí Dimitorop, lãnh đạo Đảng của Bungari([13]) và đồng chí Manuinsky. Thấy Bác, đồng chí Colarop vẫy tay:

- Đồng chí Nguyễn lại đây cho đủ bốn người.

Những ngày ấy mọi người trong Quốc tế Cộng sản sống rất giản dị, sau giờ làm việc là anh em đồng chí của nhau, không phân biệt chức vụ, đẳng cấp. Tiêu chuẩn, ăn ở như nhau. Mọi người thường nói đó là “lối sống Quốc tế Cộng sản”.

Bác ngồi vào bàn. Đồng chí Tổng Bí thư hỏi:

- Học tốt không?

- Tốt lắm, thưa đồng chí. Và không bỏ lỡ cơ hội, Bác nói luôn ý định tha thiết của mình. Tôi muốn đề nghị đồng chí cho những người có ý chí cách mạng của xứ An Nam sang học ở trường Phương Đông.

- Nhất trí, sau này đồng chí liên hệ với đồng chí Manuinsky là được. Tôi mong những cán bộ xuất sắc của An Nam sẽ được đào tạo.

Bác vui như mở cờ trong bụng, bữa cơm Bác cảm thấy ngon hơn mọi khi.

Cuối bữa, khi uống trà Bác hỏi đồng chí Tổng Bí thư:

- Tôi muốn được hỏi đồng chí một câu.

- Tôi sẵn sàng nghe đồng chí Nguyễn.

- Ở trường đại học có đồng chí hỏi tôi: Khi có Đảng Cộng sản rồi với số đảng viên ít ỏi có thể khởi nghĩa thành công không?

- Lúc đó đồng chí trả lời sao?

- Tôi nói: Cách mạng tháng 10 Nga đã cho tôi bài học lớn.

- Ừ, đồng chí nói đúng. Nhưng phải xem cốt lõi là học được điều gì. Đồng chí Dimilorop nói xen vào.

- Theo đồng chí Nguyễn là gì? Đồng chí Calarop hỏi Bác.

- Tôi nghĩ phải tập họp dân chúng, phải có lực lượng vũ trang.

- Đồng chí nói đúng. Nhưng phải chi tiết hơn. Đó là tập họp quần chúng như thế nào? Sức mạnh của dân khi huy động được sẽ là trời long đất lỡ. Nhưng làm sao để tập họp nhân dân?

- Phải nắm các đoàn thể như thanh niên, công nhân, nông dân và cả tri thức nữa. Đồng chí Dimitorop nói thêm.

- Tôi nghĩ, Bác nói. Người dân nào cũng biết yêu quê hương mình. Bọn thực dân phong kiến đày đọa, họ phải cam chịu, Đảng khơi dậy lòng yêu nước ấy, họ sẽ đứng lên theo Đảng.

- Đúng vậy, đồng chí Calarop nói như kết luận: Chủ nghĩa Cộng sản cũng bắt nguồn từ lòng yêu nước, yêu dân tộc. Và đồng chí nên nhớ một yếu tố sống còn đó là vai trò của người đứng đầu. Đồng chí đó phải được mọi người tin yêu và phải sáng suốt và quyết đoán. Là tổng chỉ huy thì phải dám quyết, và biết chọn thời cơ để quyết. Chúng ta nghĩ xem nếu không có Lenin thì có cách mạng tháng 10 chưa? Và sao Lenin chọn ngày 7 tháng 11 để khởi nghĩa mà không phải ngày 8? Vì nếu chậm một ngày kẻ thù sẽ có cơ hội để tập hợp lại chống đỡ. Hơn nữa, lúc đó nhân dân đang hưởng ứng ở mức cao trào. Cho nên có thể nói với đồng chí Nguyễn: Vai trò của người Tổng chỉ huy rất quyết định và Người tổng phải có bên mình đội ngũ những chỉ huy giỏi. Nói cách khác, mặt trận đánh lớn bên cạnh Tổng tư lệnh phải có tư lệnh các binh chủng giỏi.

Đồng chí Manuinsky dơ bàn tay như xin phát biểu và nói: Lực lượng vũ trang thì phải có bộ đội, có vũ khí, có chiến thuật và đừng quên phải có hậu cần. Bộ đội đói không đánh được, có súng mà thiếu đạn thì cũng như không…

Tất cả cười vui vẻ.

Bác như vỡ ra nhiều điều và nghiệm thấy rằng học ở thực tế, học ở sách báo, học ở các đồng chí quanh mình là rất hay và cần thiết, đây là một trường đại học lớn mà mình phải học suốt đời.

TẬN HIẾN VỚI NÔNG DÂN QUỐC TẾ

Nước Nga với Bác là quê hương thứ hai, đúng hơn là quê hương cách mạng trong những ngày hoạt động bí mật. Những năm hoạt động vì phong trào Cộng sản Quốc tế, Bác đã đến Nga ba lần. Sau lần đầu tiên này Bác còn trở lại Nga lần thứ hai năm 1927 để rồi từ đây qua Đức, qua Thụy Sĩ, qua Ý để xuống tàu về Xiêm (Thái Lan), rồi từ đó đến Hồng Kông thành lập nên Đảng Cộng sản Việt Nam. Và lần thứ ba là những năm 1934 đến 1938, để từ đây vào phía Tân Cương làm người sĩ quan Bát lộ quân đi xuyên dọc đất nước Trung Quốc để về với tổ quốc thân yêu. Ba lần đến Nga với tổng cộng hơn sáu năm, nhưng có thể nói mười sáu tháng của lần đầu tiên này Bác đã tận hiến vì sự nghiệp cao cả của Quốc tế Cộng sản, thực hiện di nguyện của Lenin.

Nếu ở Pháp yêu sách tám điểm ở hội nghị hòa bình Versailles và phát biểu ở hội nghị Tours đã làm rung chuyển thủ đô của nước Pháp và thức tĩnh lương tâm mọi người trong nước. Thì ở Thủ đô nước Nga Xô Viết, Bác đã tận dụng tất cả diễn đàn từ lớn tới nhỏ, đã tranh thủ gặp gỡ những đồng chí trong Quốc tế Cộng sản để nói lên tâm tư nguyện vọng của người dân các nước thuộc địa bị áp bức và nhất là ở Đông Dương, ở Việt Nam. Bác đã phát triển sâu rộng tư tưởng về giải phóng thuộc địa bị áp bức của Lenin. Và ở đây Bác đã nhận tình cảm, nhận đạo lý, nhận phong cách “sống Cộng sản Quốc tế”, nhận những bài học sâu sắc về Đảng, về cách mạng, mười sáu tháng đã đưa Bác trở thành một trong những con người có tư duy, tầm nhìn của một lãnh tụ của giai cấp vô sản Quốc tế([14]).

*

* *

Sự kiện đầu tiên Bác tham dự là triển lãm nông nghiệp Quốc tế được tổ chức lần đầu tiên ở Moscow. Năm 1864, Các Mác đã đề xuất triển lãm công nghiệp Quốc tế ở Luân Đôn và từ đó lập ra Quốc tế Cộng sản. Lần này Lenin chỉ đạo triển lãm nông nghiệp quốc tế, sau đó tổ chức hội nghị quốc tế nông dân để lập ra tổ chức nông dân Cộng sản Quốc tế. Cuộc triển lãm có bốn mươi nước trên thế giới tham dự. Một không gian rộng, tưng bừng, náo nhiệt và rất thị trường, nhưng rất trật tự và ấm cúng. Họ trưng bày đủ các sản phẩm làm ra từ lúa mì, lúa mạch, gạo, đến bắp, khoai, củ, quả, đến các loại rau và đẹp nhất là trái cây và hoa. Đủ thứ, từ nho, táo, lê và có cả quả chà là, quả nep của Châu Phi.

Bác và các đồng chí ở Quốc tế Cộng sản, cả cán bộ các văn phòng cùng đi hết gian hàng nước này đến gian hàng nước kia. Trong đoàn có Lumina và có cả Duliana, thư ký của Manuinsky. Mọi người ngỡ ngàng khi bước vào khu nông nghiệp Liên Xô. Ở đây có sản phẩm của các nước Cộng hòa, là nơi triển lãm và mua bán. Lumina vui vẻ dịch ra tiếng Pháp cho Bác và các đại biểu nghe. Cô vui như giới thiệu sản phẩm của chính mình. Mọi người được Ban tổ chức mời thưởng thức hương vị món ăn của các dân tộc Nga. Một góc ẩm thực thật lịch sự và phong phú. Đưa Bác và các đại biểu đến bên góc đang có khói bốc lên nghi ngút, hòa quyện với mùi thơm phưng phức của thịt nướng. Lumina nói:

- Đây là món Shashlik (thường đọc là sa-si-lức), thịt heo, thịt bò ướp hương vị với các gia vị khác nhau, mỗi vùng có hương vị theo sở thích rồi xâu với hành tây nướng lên. Shashlik luôn tạo vị thơm, ngon độc đáo, hấp dẫn.

- Còn phụ thuộc vào cách nướng nữa – Duliana giải thích thêm: Shashlik là thịt nướng trên than hồng và xiên thịt phải cách lửa một gang tay, xoay trở để thịt chín đều, chín từ từ, không được cháy.

- Và đây là nước giải khát truyển thống, ở các vùng quê nhà nào cũng có. Họ dùng gạo lúa mì, kể cả gạo lúa mì đen để nấu và ủ lên men tự nhiên gọi là nước Kvass. Các anh ăn Shashlik và uống với Kvass sẽ thấy hương vị của vùng quê ở Liên Xô đấy.

- Thật tuyệt vời, một bạn Pháp tán thưởng.

Bác nhấp một ngụm Kvass và reo lên: lạ quá, chưa gặp bao giờ, có men nhưng không phải rượu.

- Cũng không phải bia – Duliana nói thêm. Chúng tôi còn pha Kvass khi nấu súp cá, súp thịt.

Cuối bữa, mỗi người được mời một chén súp. Lumina nói: ở đây có nhiều loại súp như súp Borsch nấu từ củ cải đỏ, súp Ukha nấu với cá, súp Salad… Nhưng tôi muốn mời các anh dùng thử loại súp Rassolnik là món súp lâu đời của Nga nấu từ dưa chuột muối chua, rau củ, lúa mạch và thịt, trong này cũng có pha chút Kvass như Duliana nói.

Mọi người vừa thưởng thức vừa khám phá. Ai cũng xít xoa khen ngon.

Ăn xong cả đoàn qua khu văn hóa các dân tộc Nga. Thật là độc đáo, thanh niên nam nữ đàn ca nhộn nhịp. Các cô mặc các loại quần áo dân tộc, màu sắc rực rỡ. Mới nhìn tưởng giống nhau, nhưng khi nghe Lumina giới thiệu mới thấy mỗi dân tộc có cách thêu ren, màu sắc độc đáo riêng. Góc này các chàng trai kéo đàn Accordion, chỗ kia thổi Harmonica để nam thanh nữ tú nhảy và hát vang lừng. Lumina rủ mọi người cùng nhảy. Các bạn Châu Âu, Châu Mỹ thì thỏa sức tung tăng, các bạn Châu Phi thì múa độc diễn không theo nhạc. Lumina nắm tay chỉ cho Bác cách nhảy theo dân gian Nga. Bác có dịp thỏa sức ngắm các bộ phục trang truyền thống của nước Nga. Đàn ông quần có đường viền màu đỏ dọc ống, áo rộng dài đến gần gối, tay rộng có họa tiết ở cổ và ngực như muốn thay cavat và một dây đai để thắt ngang eo bụng rất điệu đà – Lumina nói đó là kiểu áo Kosovorotka. Nữ thì tùy tuổi có phục trang riêng đó là những bộ váy rất sặc sỡ. Duliana mời một thiếu nữ đến với các đại biểu và giới thiệu đây là bộ Poneva, trên đầu đội khăn hình chim ác là, áo liền váy dài với nhiều hoa văn rất sặc sỡ, màu chủ yếu là đỏ xen với đen. Thật là một không gian lộng lẫy đầy bản sắc văn hóa dân tộc và tất cả hòa trong không khí lạc quan tươi trẻ, yêu đời. Bác nghĩ rằng chỉ khi có độc lập dân tộc thì mới có cuộc sống như thế này và chính sự lạc quan này sẽ cho con người tự tin và sáng tạo. Một bích chương bằng tiếng Nga vẽ minh họa hoa hồng treo to lời của Lenin: “Bánh mì và hoa hồng”. Bác thích và thấm thía với bốn chữ này. Bác nói: đây cũng có nghĩa là ấm no và hạnh phúc. Lenin nói thật giản dị, nhưng vô cùng sâu sắc.

Bác nói với Lumina và Duliana:

- Đất nước An Nam của anh, hơn 90% dân làm nông nghiệp, nhưng dưới ách thực dân, hơn hai mươi triệu người ấy luôn thiếu ăn, thiếu mặc. Thăm cuộc triển lãm này anh hiểu thêm vai trò của nông dân.

Hội nghị Quốc tế nông dân lần đầu tiên sắp khai mạc, Bác quyết tâm có tham luận với các đại biểu thế giới về dân tộc Việt Nam, nông dân Việt Nam và nông dân các nước thuộc địa. Bác rủ Lumina, ngoài giờ, đi thư viện Quốc gia ở gần điện Kremlin, cũng gần nơi Bác ở. Bác nói:

- Trong thư viện nhiều sách tiếng Nga nhưng mình đọc chưa tốt, Lumina hỗ trợ dùm. Anh rất cần thông tin về nông dân trên thế giới.

Ngày ngày Bác đọc, ghi chép tích lũy tài liệu. Bác nhờ Lumina đọc các sách báo Nga và ghi ra.

Ngày hội nghị đã đến, các báo đều đưa tin trang nhất hội nghị nông dân toàn thế giới khai mạc. Hồng trường và cả trên các đỉnh tháp trong điện Kremlin và quanh điện cờ đỏ tung bay rực một góc trời. 158 đại biểu của các nước, gồm những người lãnh đạo phong trào nông dân, những đại biểu đã đấu tranh đòi quyền lợi cho nông dân. Bác là đại biểu của Đông Dương và các nước thuộc địa Pháp. Đoàn đại biểu đi bộ vào Hồng Trường, trên vách nhà bách hóa Gum một băng rôn to: “Quyết tâm thực hiện tốt chính sách kinh tế mới của Lenin”.

Bác, người Việt Nam đầu tiên cùng đoàn đại biểu quốc tế bước vào cung điện Kremlin lòng lâng lâng sung sướng. Các nhà báo đứng hai bên phát hiện ra một thanh niên vóc dáng cao mãnh khảnh, khuôn mặt luôn luôn toát nét ra kiên nghị và thông minh. Dáng cao dong dõng của người Châu Á càng làm cho Bác trẻ thêm. Năm ấy, Bác đã 33 tuổi, nhưng trong lý lịch Bác khai theo giấy thông hành sinh năm 1894, nghĩa là chỉ chưa đầy ba mươi tuổi. Các nhà báo và cả các đại biểu đều nghĩ Bác là sinh viên, là đại biểu thanh niên trẻ tuổi.

Hội nghị tổ chức trong cung điện Andreyepxki là nơi có ngai vàng, ngày trước vua ngự triều ở đây. Bây giờ chiếc ngai vàng được bỏ sang một bên để trang trí khán đài. Một hội trường rực rỡ bởi màu đỏ và các khẩu hiệu, cờ và áp phích. Đại biểu năm châu nắm tay nhau hát vang bài Quốc tế ca bằng đủ thứ ngôn ngữ, một không khí nồng ấm, đoàn kết hữu nghị chưa từng thấy.

Đồng chí Kalinin, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô bước lên diễn đàn. Trước khi phát biểu, đồng chí thông báo sức khỏe Lenin đã tốt lên, Người theo dõi và đọc tài liệu đại hội, nhưng Người chưa thể đến dự đại hội. Người gởi lời chào mừng các đại biểu và chúc đại hội thành công. Các đại biểu đã đứng dậy vỗ tay kéo dài để đón nhận lời chúc của Lenin. Trong lời phát biểu thay mặt Đảng Cộng sản Liên Xô chào mừng đại hội đồng chí Kalinin đã đặt vấn đề: Vì sao giai cấp nông dân, giai cấp lớn nhất và hình thành sớm nhất, cứ tưởng rằng người nông dân sẽ giữ vai trò lớn và then chốt. Nhưng lịch sử thế giới cho thấy chưa có thời kỳ nào giai cấp nông dân lãnh đạo nhà nước. Người nông dân luôn bị bóc lột thậm tệ. Các đại biểu từ các nước đến đây, các bạn đã thấy ở nước Nga Xô Viết người nông dân đã nắm chính quyền. Giai cấp nông dân đã cùng giai cấp công nhân thực hiện liên minh công nông để giữ vững và xây dựng nhà nước Xô Viết. Đồng chí khẳng định rằng chỉ có như vậy mới giải phóng giai cấp nông dân trên thế giới đang bị áp bức lầm than.

Đại hội diễn ra nghiêm trang, sôi nổi, sau tham luận của đại biểu Mehico của Châu Mỹ, và đại biểu Tiệp Khắc của Châu Âu, Đoàn Chủ tịch “Mời đại biểu Đông Dương trẻ tuổi, đồng chí Nguyễn Ái Quốc phát biểu”.

Bác bước lên bục phát biểu trong tiếng hoan hô của nhiều thứ tiếng và vỗ tay không ngớt vì các đại biểu ít nhiều đã nghe tên Nguyễn Ái Quốc và đọc các bài Bác viết trên các báo. Trong diễn văn tham luận đầu tiên Bác đã nêu lên thực tế nông dân trên thế giới trong đó có Đông Dương, Châu Phi, những đất nước 95% là nông dân bị bóc lột thậm tệ và Bác kết thúc diễn văn bằng lời kêu gọi: “Nhiệm vụ của Quốc tế lúc này là phải tổ chức những nông dân bất hạnh đó lại, là cung cấp lãnh tụ cho họ, chỉ ra cho họ con đường cách mạng và con đường giải phóng”([15]).

Mọi người lắng nghe và ngạc nhiên khi một thanh niên trẻ, mãnh khảnh mà có những lời nói đanh thép và hùng hồn đến vậy.

Trong phiên họp ngày 13 tháng 10, Bác lại đăng ký phát biểu. Lần này Bác đặc biệt nói sâu về nông dân Đông Dương. Xin trích nguyên văn như sau:

Thưa các đồng chí,

Tất cả các đồng chí đều đã nói về tình hình của nông dân trong đất nước các đồng chí. Tôi sẽ không làm tròn bổn phận của tôi nếu có được quyền đến đây với các đồng chí mà tôi lại không nói một đôi lời về tình cảnh của nông dân tại đất nước tôi.

Để minh hoạ với các đồng chí tình cảnh của nông dân Đông Dương, tôi phải đưa ra một sự so sánh: một bên là người nông dân Nga và một bên nữa là người nông dân Đông Dương. Nông dân Nga giống như một người ngồi oai vệ trong chiếc ghế bành, còn nông dân An Nam lại giống như một người bị trói vào một chiếc cột, đầu ngược xuống đất. Nói thế không phải là nói phóng đại đâu”.

*

* *

Các đồng chí đều biết rằng trong các nước ven biển, nhất là trong những nước ở Viễn Đông, thường xảy ra giông bão và lụt lội làm cho mùa màng thất bát; các nhà truyền đạo lợi dụng những dịp đó để ứng trước tiền cho nông dân với những tỷ suất lãi rất nặng và một thời hạn rất ngắn. Biết rõ ràng làm như vậy thì nông dân không bao giờ có thể trả nợ được, nên các nhà truyền đạo đòi nông dân phải đem ruộng đất ra bảo đảm. Thế là khi đến thời hạn trả nợ, thì toàn bộ ruộng đất của nông dân đều rơi vào tay các nhà truyền đạo.

Các đồng chí đã thấy bọn thực dân bóc lột nông dân như thế nào và các giáo sĩ tước đoạt nông dân như thế nào.

Bây giờ, còn có những kẻ bóc lột khác nữa, chẳng hạn như Nhà nước([16]). Dù mùa màng có xấu đến mức nào đi nữa, nông dân An Nam vẫn cứ phải đóng thuế; để đóng được thuế, nông dân phải bán mùa màng của mình đi; để khỏi bị bỏ tù (hễ đóng thuế chậm là họ bị bỏ tù), họ phải bán non mùa màng của họ, nghĩa là bán trước khi gặt; họ bán cho bọn lái buôn theo cách ước lượng bằng mắt. Bằng cách đó bọn lái buôn mua được lúa trước khi gặt bằng một giá rất rẻ và sau đó đem bán lại rất đắt. Như vậy là người nông dân An Nam không phải chỉ bị trói vào một chiếc cột như tôi đã trình bày với các đồng chí, mà họ bị đóng đinh câu rút bởi bốn thế lực liên hợp là: Nhà nước, tên thực dân, nhà thờ và tên lái buôn.

Chắc là các đồng chí sẽ hỏi rằng tại sao nông dân An Nam không tổ chức nhau lại, không làm như các đồng chí là thành lập hợp tác xã. Chỉ là vì họ không có thể làm như vậy được.

Tôi phải nói với các đồng chí rằng chúng tôi bị cai trị bởi một chế độ nô lệ. Chúng tôi không được quyền xuất bản báo. Chúng tôi không được quyền tự do đi lại; chẳng hạn như chúng tôi không thể đi từ Moscow đến Petrograd được, chúng tôi phải một tờ giấy thông hành, nếu không họ sẽ bắt giữ và ném chúng tôi vào tù. Cũng vậy, chúng tôi không được quyền hội họp, nghĩa là chúng tôi không được quyền họp với nhau trên 4 hoặc 5 người nếu không có một giấy phép đặc biệt của cơ quan cai trị Pháp.

Tôi cũng xin nhắc lại rằng các đồng chí đã lên tiếng chống chiến tranh, đòi hoà bình; các đồng chí đã nói đến một chính quyền vô sản và việc lật đổ chủ nghĩa tư bản. Nhưng tất cả những điều các đồng chí nói ở đây sẽ trở thành vô ích, nếu các đồng chí quên mất cái yếu tố quân phiệt thực dân. Các đồng chí đều biết những sự kiện. Trong chiến tranh thế giới, chỉ riêng ở nước Pháp, người ta đã đưa từ các thuộc địa về gần một triệu người bản xứ để tham gia chiến tranh. Trong những năm 1916-1917, người ta đã chở về 2 tỷ tấn ngũ cốc, trong khi những dân bản xứ ở châu Phi và ở Đông Dương đang chết đói.

Thưa các đồng chí, để kết thúc, tôi phải nhắc lại với các đồng chí rằng Quốc tế của các đồng chí chỉ trở thành một quốc tế thật sự khi mà không những nông dân phương Tây, mà cả nông dân ở phương Đông, nhất là nông dân ở các thuộc địa là những người bị bóc lột và bị áp bức nhiều hơn các đồng chí, đều tham gia Quốc tế của các đồng chí([17]).

Bài phát biểu của Bác được hội nghị vỗ tay nhiệt liệt. Những phát biểu đó làm cho mọi người hiểu tư duy ý chí, tầm nhìn và nhiệt huyết của Bác, và Bác đã được mọi người quan tâm, tín nhiệm. Vì vậy Đại hội đã bầu Bác là một trong mười một ủy viên Đoàn Chủ tịch và là một trong năm mươi hai ủy viên Ban Chấp hành của Nông dân Quốc tế. Với tư cách ủy viên Đoàn Chủ tịch Bác đã có nhiều đóng góp to lớn với nông dân quốc tế những ngày đầu mới thành lập. Bác là người sáng lập ra tờ báo, làm diễn đàn mang tên “Nông dân Quốc tế”.

Bác Hồ trên quê hương Xô Viết
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc (hàng đầu, thứ 3 từ trái sang) cùng các đại biểu tham dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản. Ảnh: Commons.wikimedia.org

LENIN BẤT DIỆT

Bác là người cộng sản Việt Nam đầu tiên đặt chân lên quê hương Xô Viết, đến Mockba, Người canh cánh bên lòng, ước nguyện được gặp Lenin, người thầy của các thuộc địa bị áp bức, người thầy của cách mạng vô sản toàn thế giới. Nhưng lúc đó Lenin đang bị mệt, phải đi nghỉ không làm việc, cũng chính vì vậy mà Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ 5 phải lùi lại.

Đến Moscow, Bác được ở tầng 3, khách sạn Lux, nhà số 10, phố Gorky ngày nay. Bác ở trên tầng 3 cùng đồng chí Manuilsky, ủy viên thường trực Quốc tế Cộng sản và có cả nữ đồng chí Clara Zetkin đã từng đại diện Quốc tế Cộng sản ở Pháp, người đã bố trí cho Bác sang Nga… Đồng chí Manuinsky là Đảng viên Cộng sản Nga, ông đã từng học trường Đại học Luật ở Paris, Bác đã quen từ những năm 1920 ở Pháp. Hai người thường nói với nhau bằng tiếng Pháp. Manuinsky người to, mặt tròn, mắt sáng, vầng trán cao, chân mày rậm và dài, có chùm ria nhỏ dưới mũi, nằm giữa đường nhân trung, nói theo Phương Đông là làm đậm nét của nhân trung.

Một tối đồng chí Manuilsky rủ Bác đi bộ ra quảng trường đỏ, nơi có tháp Spasskaya cao vút lên trời. Hai người vừa thong dong thả bộ vừa nói chuyện, tâm tình. Nhân cơ hội, Bác đã bày nguyện vọng muốn về sát biên giới Việt Nam để giúp Việt Nam thành lập Đảng cộng sản, ngày ấy Quảng Châu là địa chỉ đỏ của cách mạng Phương Đông. Đồng chí Manuilsky gật đầu ghi nhận, hứa sẽ báo cáo Ban Bí thư.

- Tôi muốn xin đồng chí Manuilsky cho biết cụ thể về tình hình sức khỏe Lenin được không? Nói thật với đồng chí những ngày qua nghe tin Người bệnh nặng trong lòng cứ thấp thỏm lo âu.

- Anh có biết năm 1918, Lenin bị ám sát không?

- Không. Tôi chưa biết. Bị như thế nào thưa đồng chí?

- Hôm đó Lenin đi thăm và nói chuyện với công nhân một nhà máy trong thành phố này, người đi và không đưa theo cảnh vệ. Khi Người nói chuyện xong, ra cửa, tiến về phía ôtô thì một tên giả bộ đội hải quân cản những người đi sau Lenin. Một tên sát thủ bắn ba phát, hai phát xuyên qua vai và ngực của Người. Lenin được đưa về điện Kremli để cấp cứu. Tên nữ sát thủ gốc Do Thái và tên cản đường đã bị bắt. Sau đó ba ngày, tòa án quân sự đã tuyên án tử hình kẻ sát nhân. Lenin được chữa lành, nhưng do mất nhiều máu nên sức khỏe không tốt như trước. Tuy nhiên, Người đã làm việc bình thường. Người chỉ đạo chuẩn bị Đại hội Quốc tế cộng sản, Đại hội Nông dân Quốc tế và chỉ đạo để cả nước chuyển đổi nền kinh tế mới. Nhưng một năm nay, sức khỏe Người bắt đầu suy giảm. Tháng ba vừa rồi Người bị liệt nửa người, không nói được. Bác sĩ sau thời gian tập trung cứu chữa đã tạo sự ổn định ban đầu và quyết định đưa Người về nghỉ ở một làng quê yên tĩnh mà Người rất thích([18]), cách Moscow về phía Tây Nam ba mươi lăm cây số.

- Vậy dạo này sức khỏe của Người có khá lên không?

- Nghe nói khá lên, Người đã ngồi xe đi dạo trong rừng cây, ngắm các thảm hoa, hít khí trời trong lành. Các bác sĩ còn nói Người ngủ được và Người rất tích cực tập luyện, đã tự đứng lên chống gậy đi lại được và vui nhất là Người nói được.

- Ồ. Đúng là tin vui!

Trong Đại hội toàn quốc lần thứ 9 của Liên Xô (ngày 19 tháng 1 năm 1924). Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Kalenin đã báo tin các thầy thuốc số một cho biết Lenin có thể trở lại làm việc bình thường. Cả hội trường đứng dậy vỗ tay kéo dài trong tiếng hoan hô vang dội.

Một nhà báo của tờ Sự thật còn nói riêng với Bác: Hôm qua Lenin ngồi ôtô đi một vòng trên các phố chính rồi vào điện Kremlin, ghé vào phòng làm việc, xem qua một số văn bản, lấy đi vài cuốn sách…

Niềm hy vọng dâng lên tràn trề, Bác nghĩ đến ngày Đại hội Nông dân, Đại hội Quốc tế cộng sản, Lenin sẽ dự, phát biểu và chắc chắn khi nghe Bác tham luận về giải phóng thuộc địa Lenin sẽ vui và Bác sẽ được tay trong tay Lenin và sau đó Bác sẽ xin được Lenin gặp riêng chỉ dạy...

Sáng sớm ngày 22 tháng 1 năm 1924, Bác xuống tầng trệt của khách sạn Lux để ăn sáng thì nhận được tin sét đánh từ loa phóng thanh công cộng trong tiếng nhạc tang và một phát thanh viên giọng trầm buồn, chậm rãi báo tin: “Vladimir Ilyich Lenin đã từ trần hồi 18h50 ngày 21 tháng 1 năm 1924”.

Tất cả mọi người có mặt đều xúc động, đau buồn ôm nhau nức nở. Bác nói với người đồng chí đang trong vòng tay mình:

- Không thể thế được.

Nhưng sự thật phũ phàng vẫn ập đến. Ngoài trời tuyết rơi dày đặc, cái rét âm 30o đã tái tê, nhưng cái rét mất Lenin càng tê buốt tim can mọi người hơn bao giờ hết.

Hôm sau thông báo của Chính phủ Xô Viết:

Lê-nin không còn nữa, nhưng sự nghiệp của Người là bất tử. Để thực hiện ý nguyện của nhân dân lao động, Chính phủ Xô-Viết sẽ tiếp tục công việc của Vladimia Ilies, tiến xa hơn nữa trên con đường đã vạch ra. Chính quyền Xô-Viết sẽ đứng vững trên vị trí của mình để bảo vệ những thành quả cách mạng vô sản”.

Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Liên bang Nga trong lời kêu gọi đã nhắc đậm nét công lao vĩ đại của Lenin không chỉ với nước Nga mà với cả nhân loại trên toàn thế giới. Kêu gọi toàn thể nhân dân lao động và những người cộng sản toàn thế giới hãy đoàn kết lại thực hiện di huấn của Lenin.

Ban Thường vụ Quốc tế cộng sản ra lời kêu gọi có đoạn viết:

Chúng tôi kêu gọi hàng triệu đồng chí cùng chiến đấu trên toàn thế giới hãy làm theo di huấn của Lê-nin, những di huấn đó sẽ tiếp tục sống trong Đảng của Lê-nin và trong tất cả những gì do cuộc đời lao động của Người tạo ra. Các đồng chí hãy đấu tranh như Lê-nin, và các đồng chí hãy chiến thắng như Lê-nin.

Quốc tế nông dân đã có cuộc họp bất thường của Đoàn Chủ tịch để truy điệu Lenin. Bác được phân công cùng vài đồng chí nữa viết lời kêu gọi, Bác đã đưa các ý nghĩ từ sự đau buồn và lòng quyết tâm của trái tim cháy bỏng của mình vào bản thông báo:

"Chúng tôi kêu gọi các đồng chí, tất cả các tổ chức của các bạn, tất cả những người ủng hộ chúng tôi ở khắp các nước hãy biểu thị nỗi buồn sâu sắc của mình trong giờ phút đau thương khi lãnh tụ yêu quí của chúng ta là Lê-nin từ trần.

Các anh chị em và đồng chí!

Nghĩa vụ thiêng liêng của chúng ta là thực hiện những lời dạy quan trọng nhất của Lê-nin, điểm quan trọng nhất trong di huấn chính trị của Người là thực hiện liên minh công nông, củng cố khối đoàn kết nông dân ở nông thôn và công nhân ở thành thị.

Hãy cất lên thật to, thật mạnh giữa quần chúng nông dân lời kêu gọi: Nông dân và công nhân tất cả các nước, hãy đoàn kết lại!”.

Thi hài Lenin được đưa từ làng quê qua cánh đồng tuyết phủ dài ba cây số để đến ga xe lửa. Một toa xe đặc biệt đưa thi hài Người về hội trường lớn, nhà công đoàn ở Moscow.

Quá đau xót và tiếc thương, Bác đã không chờ để viếng theo lịch tập thể, Người tự đi với dòng người dài dằng dặc giữa tuyết phủ của nhiệt độ ba mươi độ dưới không. Tuyết phủ, mưa và gió như đưa cái rét vào tận ruột gan. Bác đút tay vào túi áo khoác, nhưng vẫn không cưỡng nổi cái rét. Bác phải đôi lần dừng lại để hơ tay bên những đống lửa người dân đốt dọc đường. Bác đã viếng được Lenin. Bác dừng lại ngắm kỹ khuôn mặt, vầng trán của Lenin và thấy như Người đang ngủ, một giấc ngủ sâu. Viếng Lenin về đã nữa đêm, hai tay tê cóng và rướm máu, nhưng sau cốc trà đen nóng của một người bạn cùng tầng, Bác vẫn ngồi vào bàn viết ngay bài về Lenin để gởi cho báo Sự Thật, cơ quan của Trung ương Đảng cộng sản Nga.

Ngày 26 tháng 1 Đoàn Chủ tịch tối cao Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết toàn Nga tổ chức lễ truy điệu Lenin, Bác và một số đại biểu Quốc tế cộng sản được mời dự, Bác là đại biểu của Quốc tế cộng sản nhưng cũng là đại biểu Việt Nam, đại biểu Đông dương duy nhất có mặt trong lễ truy điệu Lenin.

Trong điếu văn Chủ tịch Kalenin nói: “Các đồng chí, chúng ta hứa với Lenin sẽ thực hiện di huấn của Người, đó là đấu tranh cho Chủ nghĩa Cộng sản thắng lợi. Lenin là lãnh tụ hết sức vĩ đại, vô cùng yêu quí qua đời, là tổn thất to lớn và nặng nề nhưng chúng ta càng phải nhân gấp bội lực lượng của mình để thực hiện di huấn của Lenin trong cuộc đấu tranh để đạt tới mục đích cuối cùng của giai cấp công nhân, tiến tới Chủ nghĩa cộng sản”.

Trong không khí trang nghiêm đầy xúc động đó I.V.Stalin đã đọc lời thề sẽ giữ trọn vẹn độc lập, chủ quyền của đất nước và tiếp tục sự nghiệp vĩ đại của Lenin.

Xô Viết tối cao công bố quyết định lập đài tưởng niệm Lenin, xuất bản các tác phẩm của Người, giữ gìn thi hài của Người, lập lăng Lenin ở Quảng trường đỏ để mọi người trong nước và thế giới đến viếng, quyết định đổi tên thành phố Petrograd thành Leningrad.

Ngày 27 tháng 1, Bác Hồ đi dự lễ tang trọng thể của Lenin ở Hồng trường. Tác giả xin trích một đoạn về lễ tang Lenin của nhà báo lớn Hồng Hà:

“Linh cữu mang thi hài Lê-nin phủ lá cờ búa liềm được đưa từ hội trường Nhà Công đoàn Liên Xô đến Quảng trường Đỏ, đặt trên một đài cao. Anh Nguyễn cùng các đại biểu Quốc tế Cộng sản đứng trên quảng trường giữa một biển người từ khắp Liên Xô đến vĩnh biệt Lê-nin.

Đúng 16 giờ, trong tiếng nhạc tang, tiếng còi của hàng vạn nhà máy, xe, tàu và từng loạt tiếng đạn đại bác nổ vang, thi hài của Lê-nin được đưa vào lăng mới dựng bằng gỗ. Trong ngày lễ tang này, vô sản trên khắp thế giới tuyên bố ngừng làm việc trong năm phút. Ở Paris, Berlin, Luân Đôn, Praha, Vacsava, New York... diễn ra các cuộc họp và mít tinh truy điệu Lê-nin. Ở Quảng Châu, trung tâm cách mạng Trung Quốc, chính phủ cách mạng Tôn Dật Tiên tuyên bố quốc tang ba ngày. Tại cuộc mít tinh tưởng nhớ Lê-nin, Tôn Dật Tiên nói: “Trong nhiều thế kỷ của lịch sử thế giới có nhiều vị lãnh đạo miệng nói những lời đẹp đẽ nhưng không bao giờ thực hiện, Lê- nin không phải là con người như thế. Lê-nin không những nói và dạy, mà còn biến những lời mình nói thành thực tế. Lê-nin đã tạo ra một nhà nước kiểu mới, chỉ cho chúng ta con đường cùng chiến đấu... Là vĩ nhân của các dân tộc bị áp bức, Lê-nin sống mãi”([19]).

Đúng ngày lễ tang này, báo Sự Thật ra số đặc biệt với bức tranh lớn chiếm cả bề ngang trang báo vẽ nhân dân khiêng thi hài Lenin. Tờ báo đã đăng trang trọng bài của Bác, đại biểu nhân dân Đông Dương, người nước ngoài duy nhất, và là người ở xứ thuộc địa duy nhất có bài viết trong số báo vĩnh biệt Lê-nin.

Bằng lời văn trong sáng, giản dị, sự nhận xét cô đọng sâu sắc, tình cảm chân thành và nồng cháy, Bác viết:

Lê-nin đã mất! Tin này đến với mọi người như sét đánh ngang tai, truyền đi khắp các bình nguyên phì nhiêu ở châu Phi và các cánh đồng xanh tươi ở châu Á. Đúng, những người da đen và da vàng có thể chưa biết rõ Lê-nin là ai, nước Nga ở đâu. Bọn đế quốc thực dân cố ý bưng bít không cho họ biết. Sự ngu dốt là một trong những chỗ dựa chủ yếu của chế độ tư bản chủ nghĩa. Nhưng tất cả họ, từ những người nông dân Việt Nam đến người dân săn bắn trong các rừng ở ở Dahomay, cũng đã thầm nghe nói rằng ở một góc trời xa xăm có một dân tộc đã đánh đuổi được bọn chủ bóc lột và đang tự quản lý lấy đất nước mà không cần tới bọn chủ và bọn toàn quyền. Họ cũng đã nghe nói rằng nước đó là nước Nga, rằng có những người dũng cảm, mà người dũng cảm nhất là Lenin. Chỉ như thế cũng đủ làm cho họ ngưỡng mộ sâu sắc và đầy nhiệt tình đối với nước Nga và lãnh tụ của nước Nga.

Nhưng không phải chỉ có thế. Họ còn được biết rằng người lãnh tụ vĩ đại này sau khi giải phóng nhân dân nước mình, còn muốn giải phóng các dân tộc khác nữa. Người đã kêu gọi các dân tộc da trng giúp đỡ các dân tộc da vàng và da đen thoát khỏi ách áp bức của bọn ru-mi, của tất cả bọn ru-mi, toàn quyền, công sứ, v.v... và để thực hiện mục đích ấy, Người đã vạch ra một cương lĩnh cụ thể.

Lúc đầu họ tưởng trên đời không thể có được một người như thế và một cương lĩnh như thế. Nhưng về sau họ được biết tin, tuy lờ mờ, về Đảng Cộng sản, về tổ chức gọi là Quốc tế Cộng sản đang đấu tranh vì những người bị bóc lột và tất cả những người bị bóc lột, trong đó có cả họ nữa, họ biết rằng chính Lê-nin là người lãnh đạo tổ chức này.

Và chỉ như thế cũng đã đủ để cho những người đó, tuy văn hóa kém cỏi nhưng là những người có thiện chí và biết ơn, hết lòng tôn kính Lê-nin. Họ coi Lê-nin là người giải phóng cho họ. Lê-nin đã mất rồi thì chúng ta biết làm thế nào? Liệu có những người dũng cảm và rộng lượng như Lê-nin để không quản thời gian và sức lực chăm lo đến sự nghiệp giải phóng của chúng ta không? Đó là những điều mà nhân dân bị áp bức ở các thuộc địa băn khoăn tự hỏi.

Còn chúng tôi, chúng tôi vô cùng đau đớn trước sự tổn thất không thể nào đền bù được và chia sẻ nỗi buôn chung của nhân dân các nước với những người anh, người chị của chúng tôi. Song chúng tôi tin tưởng rằng Quốc tế Cộng sản và các chi bộ của nó, trong đó có các chi bộ của các nước thuộc địa, sẽ thực hiện được những bài học và những lời giáo huấn mà vị lãnh tụ đã để lại cho chúng ta. Làm những điều mà Người đã căn dặn chúng ta, đó chẳng phải là phương pháp tốt nhất để tỏ lòng yêu mến của chúng ta đối với Người hay sao?

Khi còn sống, Người là người cha, người thầy, người đồng chí và là vị cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội.

Lê-nin bất diệt sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta([20]).

Bác Hồ ân hận vì không đến nước Nga sớm hơn để được gặp Lenin, được tay trong tay, được nói chuyện với Lenin. Nhưng nhiều nhà báo vẫn nói: Bác Hồ đã gặp Lenin và đây là cuộc gặp lịch sử đã đưa Bác sang chân trời mới. Đó là năm 1920, Bác đọc được “Sơ thảo luận cương những về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”. Bác đã vui như muốn reo to lên: “Đây là cái chúng ta cần”. Và từ đó Bác luôn theo Lenin, đọc của Lenin và thấm sâu tư tưởng của Lenin và chính Lenin đã dạy Bác con đường giải phóng thuộc địa, giải phóng dân tộc. Cách mạng tháng 10 do Lenin lãnh đạo là một bài học thực tiễn sâu sắc nhất đối với Bác. Sơ thảo luận cương về thuộc địa của Lenin đã phê phán luận điểm sai lầm của những thủ lĩnh quốc tế 2, Người lên án tư tưởng Sô vanh, thực dân nước lớn, tư tưởng hẹp hòi ích kỷ. Chính Lenin đã dạy Bác phải tập họp đoàn kết những người cần lao nghèo khổ để đứng lên giành độc lập dân tộc. và những tư tưởng đó đã đưa Bác trở thành người Đảng viên cộng sản và là người tham gia sáng lập Đảng cộng sản Pháp. Năm 1920, tại Đại hội Đảng xã hội Pháp trong phát biểu của mình Bác đã dựa vào lời dạy của Lenin. Giữa rừng mật thám dày đặc và ngay giữa nước Pháp, Bác đã đọc cáo trạng lên án Chủ nghĩa thực dân Pháp và kêu gọi thức tĩnh mọi người. Và để kết thúc lời phát biểu, Bác đã kêu gọi: “Nhân danh toàn thể loài người, nhân danh tất cả các Đảng viên xã hội, cả phái hữu lẫn phái tả, chúng tôi kêu gọi các đồng chí, hãy cứu chúng tôi”([21]). Có Lenin, Bác đã can đảm đứng lên như cây tùng giữa phong ba vì dân tộc Việt Nam. Hành động dũng cảm của Bác đã làm đế quốc Pháp điên đầu và đã thức tĩnh nhân dân trong nước, nhân dân các thuộc địa.

Và chính như vậy, nên Bác nói Lenin bất diệt sống mãi là một lời nói từ tim, từ máu của mình.

CHIẾN SĨ CỘNG SẢN QUỐC TẾ

Tính đến năm 1924, toàn thế giới mới có 1.319.000 Đảng viên Cộng sản và 10 tổ chức đoàn thể Cộng sản Quốc tế như: Công nhân, Nông dân, Thanh niên, Phụ nữ… và tại Moscow Đại hội lần thứ 5 Quốc tế Cộng sản đã chính thức khai mạc với 504 đại biểu. Lần đầu tiên Việt Nam, Đông Dương có một đại biểu dự Đại hội đó là Bác của chúng ta. Bác ngày đó còn đại diện cho các dân tộc thuộc địa Pháp. Bác cầm tấm thẻ Đại hội có in hình Lenin để điểm danh tiến vào hội trường mà lòng thấy rộn ràng. Đại hội họp ở trong cung điện Kremlin hoành tráng, mỹ lệ. Sự hoành tráng đó thôi thúc Bác, đặt cho Bác những câu hỏi: khi nào và làm như thế nào để Việt Nam có Đảng Cộng sản, có cách mạng vô sản. Khi Đại hội công bố dự thảo lời kêu gọi của Đại hội, trong đó dường như chưa nhắc đến các nước thuộc địa, Bác liền đề nghị: phải có câu “gởi các dân tộc các nước thuộc địa”. Và ý kiến của Bác được Đại hội nhất trí.

Hôm sau tất cả đại biểu vào lăng viếng Lenin. Lúc này lăng mới tạm xây dựng bằng các loại gỗ quí và đặt ở gần cửa chính vào điện Kremlin. Một lần nữa Bác cố đi chậm lại để nhìn kỹ khuôn mặt Lenin và như để thấm sâu tư tưởng Lenin về Quốc tế vô sản, về giải phóng các dân tộc bị thuộc địa.

Tại diễn đàn Đại hội Quốc tế Cộng sản, Bác đã ba lần đăng đàn phát biểu. Bác đề nghị Đại hội đặc biệt quan tâm đến phong trào giải phóng thuộc địa. Bác cho rằng, nếu không liên minh với phong trào ở các nước thuộc địa thì vô sản ở Châu Âu chưa thể thắng lợi được. Bác thẳng thắn phê bình các Đảng Cộng sản ở nhiều nước, trừ Liên Xô ra đã có những tư duy, quan điểm chưa đúng về các nước thuộc địa. Bác phê bình các Đảng Cộng sản Pháp, Anh, Hà Lan, Bỉ... đã chưa có đường lối để cùng giải phóng áp bức do Chính phủ các nước này gây ra cho các thuộc địa. Cuối cùng Bác kêu gọi: Các đồng chí, vì chúng ta là học trò của Lenin, cho nên cần phải đoàn kết nhau, tạo sức mạnh, tạo ý chí nghị lực để giải phóng các nước thuộc địa theo giáo huấn của Lenin([22]).

Trong phiên họp thứ 25, ngày 3 tháng 7 năm 1924. Trong phát biểu lần thứ ba của mình, Bác phát biểu sâu về nông dân bị áp bức ở các nước thuộc địa. Đặc biệt Bác nói sâu về Đông Dương: Xin trích nguyên văn như sau:

Các thuộc địa Pháp chiếm một diện tích rộng 10.211.510 km2 với số dân là 55.571.000 người ở rải khắp bốn lục địa. Dù có sự khác nhau về chủng tộc, khí hậu, tập quán, truyền thống, về trình độ phát triển kinh tế và xã hội, song có hai điểm chung làm cho các nước thuộc địa giống nhau và sau này có thể đi tới thống nhất để cùng đấu tranh:

1. Tình hình kinh tế: trong tất cả các thuộc địa Pháp, công nghiệp và thương nghiệp phát triển rất yếu ớt và nhân dân hầu hết làm nghề nông, 95% số dân bản xứ là nông dân.

2. Ở tất cả các nước thuộc địa, nhân dân bản xứ đều bị tư bản đế quốc chủ nghĩa Pháp bóc lột không ngừng.

Tôi không có thì giờ phân tích kỹ lưỡng về tình hình nông dân từng nước thuộc địa. Vì vậy, tôi chỉ lấy một vài thí dụ điển hình để chúng ta có một ý niệm về tình cảnh nông dân các nước thuộc địa.

Tôi xin bắt đầu từ nước tôi, Đông Dương là nước tôi biết rõ hơn cả.

Khi Pháp đánh chiếm thuộc địa này, chiến tranh đã làm cho nông dân phải rời bỏ làng mạc của họ. Sau đó, khi họ trở về thì đã thấy ruộng đất của họ bị bọn chủ đồn điền, theo sau quân đội chiến thắng, chiếm mất. Thậm chí chúng đã chia nhau cả những đất đai mà nông dân bản xứ đã cày cấy từ bao đời nay. Như vậy là nông dân An Nam đã biến thành nông nô và buộc phải cày cấy ruộng đất của chính mình cho bọn chủ nước ngoài.

Nhiều người trong những người xấu số này vì không chịu sống trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt do những kẻ chiếm đoạt đưa ra, nên đã bỏ ruộng đất của mình và lang thang nay đây mai đó khắp nước; người Pháp gọi họ là "giặc cướp" và tìm đủ mọi cách truy nã họ.

Ruộng đất cướp được bằng cách ấy đã được đem chia cho bọn chủ đồn điền. Chỉ cần xin một tiếng là bọn chúng có thể được hưởng những khoảnh đất có khi trên 2 vạn và 2,5 vạn ha.

Những tên chủ đồn điền này không những chiếm không ruộng đất mà còn chiếm không cả mọi thứ cần thiết để khai thác số ruộng đất đó, kể cả sức lao động.

Chính quyền cho phép chúng sử dụng một số tù khổ sai làm không công, hoặc bắt các xã phải cung cấp nhân lực cho các chủ đồn điền.


*

* *

Bị những kẻ “bảo hộ” họ (ở trong tôn giáo hay ở ngoài tôn giáo) cướp bóc, nông dân An Nam thậm chí không thể yên ổn làm ăn trên phần ruộng đất ít ỏi còn lại của mình. Người ta bắt những người đo đạc phải đo ruộng đất của nông dân không đúng để bắt họ phải đóng thuế khống. Thuế ruộng đất mỗi năm một tăng. Mới đây, khi chiếm hàng nghìn hécta của người An Nam ở miền ngược để giao cho bọn đầu cơ, các nhà cầm quyền đã phái máy bay đến để những nạn nhân bị cướp bóc ở đấy không dám nghĩ đến nổi loạn.

Những người nông dân bị cướp bóc, phá sản và bị đuổi đi nơi khác lại tìm cách khai khẩn đất để làm ruộng. Nhưng khi đất mới vừa khai khẩn xong thì chính quyền lại chiếm lấy và buộc nông dân phải mua lại theo giá do chính quyền định. Ai không đủ sức mua thì bị đuổi đi một cách tàn nhẫn.

Năm ngoái, mặc dù đất nước bị nạn lụt tàn phá, thế mà thuế ruộng đất vẫn tăng ngay một lúc lên 30%.

Ngoài những thứ thuế bất công làm cho nông dân bị phá sản, nông dân còn phải đi phu, đóng thuế thân, thuế muối, đóng công trái cưỡng bức, lạc quyên và v.v..

Chủ nghĩa tư bản Pháp cũng thực hiện chính sách ăn cướp và bóc lột như vậy ở Angiêri, Tuynidi, Marốc. Tất cả những ruộng đất tốt và được tưới nước thì phải để cho bọn thực dân di cư tới chiếm. Dân bản xứ bị đuổi đi, họ phải tìm nơi nương tựa ở những vùng ven núi hay những nơi ruộng đất khó làm ăn. Các công ty tài chính, bọn đầu cơ và quan lại cao cấp chia nhau ruộng đất của các thuộc địa.

*

* *

Để kết luận, tôi xin lấy một dẫn chứng của một người da đen là Rơnê Marăng, tác giả cuốn Batuala. Ông ta nói: Châu Phi vùng xích đạo là nơi dân cư đông đúc, giàu cao su, ở đây có đủ các loại vườn trại trồng cây, gà và dê rất nhiều. Chỉ sau 7 năm mọi cái đều bị phá hoại. Làng mạc tan tành, vườn trại hoang tàn, gà và dê bị giết. Nhân dân bản xứ kiệt sức vì phải làm việc nặng nhọc liên miên và không công nên không đủ sức và không còn thời gian, dù là rất ít, để cày cấy ruộng đất. Bệnh tật phát sinh, nạn đói hoành hành, số người chết càng nhiều... Nên biết rằng họ là con cháu của một bộ lạc khoẻ mạnh, thiện chiến, dẻo dai và đã được tôi luyện. Ở đây, nền văn minh đã tiêu tan...”.

Để bổ sung bức tranh bi thảm này, tôi xin thêm một điểm là chủ nghĩa tư bản Pháp không hề ngần ngại đẩy cả một khu vực vào cảnh đói kém, nếu việc đó có lợi cho nó. Trong nhiều nước thuộc địa, ví dụ như Rêuyniông, Angiêri, Madagátxca, v.v., người ta không trồng ngũ cốc nữa, mà lại phải trồng những thứ khác cần cho nền công nghiệp của Pháp. Những thứ này có lợi hơn cho chủ đồn điền. Điều đó làm cho đời sống ở thuộc địa rất đắt đỏ và luôn luôn xảy ra nạn đói.

Trong tất cả các thuộc địa của Pháp, nạn nghèo đói đều tăng, sự phẫn uất ngày càng lên cao. Sự nổi dậy của nông dân bản xứ đã chín muồi. Trong nhiều nước thuộc địa, họ đã vài lần nổi dậy, nhưng lần nào cũng bị dìm trong máu. Nếu hiện nay nông dân vẫn còn ở trong tình trạng tiêu cực, thì nguyên nhân là vì họ còn thiếu tổ chức, thiếu người lãnh đạo. Quốc tế Cộng sản cần phải giúp đỡ họ tổ chức lại, cần phải cung cấp cán bộ lãnh đạo cho họ và chỉ cho họ con đường đi tới cách mạng và giải phóng([23]).

Bài phát biểu sâu sắc của Bác làm nhiều người xúc động, trong giờ giải lao họ đến bắt tay Bác, trao đổi thân tình với Bác và tìm những mỹ từ ca ngợi Bác, ủng hộ Bác.

Đại hội bế mạc sau ba tuần lễ bàn thảo sôi nổi. Nhân dân Moscow tổ chức đêm dạ hội chào mừng Đại hội Quốc tế Cộng sản thành công ngay trên đồi Chim Sẻ([24]).

Bác và một ít đại biểu Quốc tế Cộng sản đến sớm để thăm một thắng cảnh của Moscow. Đồi Chim Sẻ là khu sinh thái thiên nhiên tuyệt vời. Người ta gọi Hồng Trường là “trái tim”, còn đồi Chim Sẻ là “tâm hồn” của Moscow quả không sai. Đồi Chim Sẻ nằm trên độ cao 220 mét, là một trong bảy ngọn đồi, nằm trong thành phố có dòng sông Moscow lượn từ Hồng trường đến sát chân đồi gấp khúc chuyển sang hướng Đông Bắc. Trên đồi nhiều Bạch dương thong dong thẳng hàng và nhiều cây táo trĩu quả xanh um. Bác dạo trên Quảng trường ngắm sông Moscow lượn vòng êm ả dưới chân đồi, rồi ngắm ngôi trường đại học Moscow do nhà bác học thiên tài Lomonoxop xây dựng từ 70 năm trước([25]). Bác ước mơ Việt Nam sẽ có những trường Đại học của chính mình để đào tạo con em mình. Bác vỗ vai đồng chí đảng viên Pháp đi cạnh và chỉ tay về phía ngôi trường: Tương lai các nước thuộc địa phải có những ngôi trường đại học như thế này.

Đồi Chim Sẻ đang tưng bừng đàn nhạc, trống, chiên. Các đội văn nghệ đã đến và đang tụm lại hát những bài dân gian. Họ ăn mặc đẹp, rực rỡ cùng với cờ, băng rôn khẩu hiệu. Cuộc meeting diễn ra rất ấm áp, trang trọng. Người Moscow bày tỏ tình cảm của mình bằng những tràng vỗ tay kéo dài cùng tiếng hô như những điệp khúc. Khi cuộc meetinh chuyển sang phần văn nghệ, biết Bác là Nguyễn Ái Quốc đại biểu Đông Dương. Nhiều người đã biết Bác qua báo chí, nay được gặp, họ vui mừng hô to: hoan hô Nguyễn Ái Quốc, hoan hô Đông Dương. Và họ công kênh Bác, tung Bác lên cao trong tiếng hò reo vang dậy.

Vài ngày sau, Bác được mời dự Hội nghị Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản mở rộng để bàn nhiều công tác cụ thể. Tại đây, một lần nữa, Bác lại nêu vấn đế bức xúc của Đông Dương, của các nước thuộc địa. Và Ban chấp hành đã ghi nhận, bổ sung vào chương trình hành động của Quốc tế Cộng sản. Có lẽ đây cũng là kết quả mỹ mãn nhất sau hơn 480 ngày đến Liên Xô và tận hiến cho phong trào Cộng sản Quốc tế.

Nước Nga Xô Viết, thủ đô Moscow như tưng bừng hơn, sáng sủa hơn, sôi nổi và nồng ấm hơn bởi ánh sáng bàng bạc của những đêm tháng 7 và càng tưng bừng hơn bởi các Đại hội Quốc tế diễn ra liên tục. Bác được mời dự Đại hội Quốc tế Cứu tế đỏ, Đại hội Công hội đỏ Quốc tế. Tại Đại hội Thanh niên Cộng sản Quốc tế Bác được mời tham gia đoàn Chủ tịch. Tại đây, một lần nữa Bác khẳng định thanh niên là rường cột, là lực lượng xung kích của cách mạng. Bác không quên nêu ở những diễn đàn này về các thực trạng đang xảy ra ở các nước thuộc địa và kêu gọi các tổ chức đoàn thể Quốc tế hãy ủng hộ giải phóng các thuộc địa. Các ý kiến Bác được các đại biểu nhiệt liệt hưởng ứng, các báo ở Liên Xô và các nước khác đăng tải kèm theo những bình luận rất sâu sắc.

Trước khi tham dự các đại hội, Bác tham dự cuộc meetinh vì hòa bình và hữu nghị. Meetinh có cả ngàn người tham gia, Bác được mời vào vị trí Đoàn Chủ tịch cùng các đồng chí Manuinsky, Dimitorop, Vorosilop([26])

Nhưng có lẽ một trong những Đại hội để lại ấn tượng sâu sắc với Bác là Đại hội phụ nữ Quốc tế. Một Đại hội đại diện cho một nửa dân số địa cầu. Trước Đại hội Bác đã có một loạt bài gởi cho các báo, đặc biệt là báo “Nữ Công nhân” của Trung ương Đảng Cộng sản Nga để nêu lên tình trạng phụ nữ ở các nước thuộc địa bị bóc lột, đàn áp và mất bình đẳng cao độ. Tại Đại hội Bác rất vui được gặp lại nữ đồng chí Calara Zetkin và vui hơn nữa khi đồng chí ấy được Đại hội bầu làm Chủ tịch của Hội Phụ nữ Quốc tế. Hôm đó, Đại hội đặc biệt hoan nghênh sự tham dự của bà N.K.Krupskaya, nhà cách mạng lão thành và là vợ của lãnh tụ Lenin. Trong giờ giải lao Bác đến chào bà. Đồng chí Krupskaya rất vui:

- Ồ, đồng chí Nguyễn, đại biểu Đông Dương. Những ngày qua tôi đọc nhiều bài của đồng chí. Nhờ đồng chí mà tôi hiểu rõ thêm tình cảnh các nước thuộc địa. Ngừng một chút, nhìn thẳng vào Bác như để cảm nhận, chia sẻ, bà nói: lúc Ilyich([27]) còn sống, tôi có đọc cho anh ấy nghe vài bài báo của anh, có bài tôi tóm tắt. Người rất xúc động về tình cảnh khốn cùng của người dân thuộc địa và hoàn toàn nhất trí với anh.

- Ôi, vinh hạnh cho tôi quá, cảm ơn bà nhiều lắm. Đây là hạnh phúc lớn của cháu. Bác xúc động đổi ngôi xưng hô là cô cháu. Thưa cô, cháu từ An Nam phải qua nhiều nước để đến nước Pháp, rồi từ Pháp đến đây chỉ một mong ước được gặp Lenin, nhưng không kịp, thật ân hận.

- Tôi hiểu, tôi đã đọc những bài anh trên các báo, nhất là bài anh viết về Ilyich, về chủ nghĩa thực dân. Anh chưa gặp Người, nhưng anh đã gặp tư tưởng của Người, đã nắm bắt tư tưởng của Người, và đang làm theo ý Người, như vậy coi như anh đã gặp Người. Hãy nghĩ như vậy nó sẽ là niềm an ủi với anh.

Krupskaya còn nói thêm về sự quan tâm của Lenin với việc giải phóng các nước thuộc địa. Bà vỗ vai Bác: “Lenin nói với tôi, ở đó, những người nông dân nghèo cần cách mạng lắm”.

Bác nói chuyện với bà Krupskaya bằng tiếng Pháp và phải nhờ Lumina dịch dùm. Cuộc gặp đã truyền cho Bác nhiều niềm tin, sức mạnh và làm cho Bác có cảm giác như vừa được gặp Lenin.

*

* *

Những ngày này, báo chí đăng nhiều bài của Bác và mời Bác đến thăm tòa soạn. Hãng Thông tấn Rosta, một cơ quan thông tấn lớn của Trung ương Đảng Cộng sản Nga không những mời Bác đến thăm mà chính thức mời Bác cộng tác với hãng. Các lãnh tụ cách mạng Liên Xô kể cả Lenin lúc sinh thời cũng từng viết cho Rosta. Trong hàng ngũ các phóng viên, biên tập viên có những “Cây đại thụ” như nhà thơ Mayakovsky, nhà văn Paustovsky, Katayer...

Hơn một năm ở Moscow, ngoài nhiệm vụ của một chiến sĩ Cộng sản tận hiến với phong trào Quốc tế Cộng sản, được sống trong bầu trời tự do của đất nước Xô Viết, Bác đã tranh thủ mọi thời gian để đọc và viết. Bác đã xem báo chí là công cụ, là vũ khí sắc bén để làm cách mạng. Sau những năm ở Pháp, Bác cho rằng chỉ có diễn đàn báo chí mới nói được nhiều và được lan tỏa rộng và sâu, lan tỏa cả địa cầu và có sức cuốn hút động viên mọi người. Chỉ trong hơn một năm Bác đã viết đến mấy chục bài báo đăng trên các báo, tạp chí: Điện tín Quốc tế (Inprekorr), Sự thật (Pravda), Nữ Công nhân (Rabotnhitxa), Tiếng còi (Gudok), hãng Thông tấn Nga (Rosta), Ngọn lửa nhỏ (Ogoniok),… Đặc biệt là báo “Quốc tế nông dân” do Bác sáng lập. Bác đã không quên gởi và gởi nhiều bài cho “Đời sống thợ thuyền” (La Vie Ouvrière), “Nhân đạo” (l'Humanité), và “Người cùng khổ” (Le Paria) ở Pháp…

Các bài báo của Bác là bản cáo trạng với chủ nghĩa thực dân, là lời kêu gọi mọi người ở các nước từ chính quốc đến thuộc địa hãy đoàn kết nhau giải phóng khỏi ách nô lệ, đòi độc lập tự do.

Báo chí không chỉ giúp Bác tuyên truyền mà còn nâng vị thế của Bác, bởi mọi người qua đó hiểu tư duy, tầm nhìn và sự quyết tâm cách mạng của Bác.

Tạp chí Projector đã chọn đăng 29 chân dung các nhà hoạt động Quốc tế Cộng sản, trong đó bức ảnh chân dung thứ ba là Nguyễn Ái Quốc, Bác của chúng ta, họ chú thích: “Những người lãnh tụ của phong trào Quốc tế vô sản”.

*

Tháng 9 năm 1923, Bác Hồ đi xem triển lãm “50 năm mỹ thuật nước Đức tại Liên Xô” trưng bày 500 tác phẩm nghệ thuật của 126 họa sĩ. Ở đây, Bác gặp họa sĩ Eric Johanson người Đức gốc Thụy Sĩ. Ông đã vui vẻ trao đổi với Bác về nghệ thuật, về hội họa. Bác nói với Eric: Mỗi dân tộc đều có nền văn hóa đặc trưng của mình. Mỗi nước cần gìn giữ bản sắc ấy của riêng mình như vậy nền nghệ thuật của thế giới mới phong phú. Họa sĩ cũng là Đảng viên Cộng sản, ông rất thích thú khi biết Bác là nhà cách mạng vô sản đến từ xứ An Nam xa xôi. Hai người kết thân nhau, cùng nhau đi dạo phố, đi uống trà trò chuyện thân mật. Trước ngày triển lãm kết thúc, họa sĩ đề nghị Bác cho vẽ chân dung. Hôm đó Erisc đã vẽ hai bức, một bức nghiêng và một bức chân dung nhìn thẳng. Vẽ xong, ông hỏi Bác có vừa ý không và xin Bác chữ ký. Bức nhìn thẳng, Bác ghi bên góc phải ba chữ Nguyễn Ái Quốc và ghi rõ ngày 19 tháng 9 năm 1924 bằng chữ Hán. Bên trái Bác ghi Nguyễn Ái Quốc và ngày tháng bằng chữ Việt Nam. Còn bức nhìn nghiêng, Bác ký chữ Nguyễn Ái Quốc nằm ngang phía dưới chân dung và bên cạnh Bác ký Nguyễn Ái Quốc bằng chữ Hán. Sau này trong hồi ký của mình Eric viết: “Cử chỉ văn hóa và thái độ thân mật, chân tình của Người, gây ấn tượng là Người có uy tín lớn. Người có thể trở thành lãnh tụ nhưng không phải bằng bề ngoài mà bằng học thức, bằng trí tuệ của mình”. Sau này khi nghe tin Bác mất, ông đã gởi bức nhìn nghiêng để đăng trên báo “Phụ nữ Xô Viết”. Còn bức nhìn thẳng khi họa sĩ qua đời, bà vợ ông thực hiện di nguyện ông đã đem đến Sứ quán Việt Nam tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh và hai tác phẩm này được lưu giữ đến ngày nay.

*

* *

Bên lề Đại hội Quốc tế Nông dân Bác gặp nhà báo Osip Mandel Stam. Anh ta đến bắt tay Bác và tự giới thiệu:

- Tôi là Osip Mandel Stam, phóng viên của tạp chí Ogoniok.

- Tôi rất vui được gặp anh.

- Tôi đã đọc các bài của anh trên các báo. Anh viết chính luận rất sắc sảo, đọc để hiểu và rất đanh thép.

- Cảm ơn anh.

- Hôm nay, nghe anh tham luận tôi càng nể phục anh hơn, anh không chỉ là nhà báo mà là nhà hoạt động cách mạng.

- Vâng, tôi làm tất cả cho sự nghiệp giải phóng thuộc địa và giải phóng đất nước tôi.

- Anh cho tôi cuộc hẹn, tôi muốn được trao đổi sâu với anh, bởi vì anh là người Đông Dương duy nhất ở Moscow.

- Vâng.

Tháng 12, theo Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”([28]) là trước ngày 23. Hai người đã gặp lại nhau. Osip gọi là chuyến đến thăm chiến sĩ Quốc tế Cộng sản Nguyễn Ái Quốc, thực ra đó là cuộc trao đổi giữa Bác với nhà báo của tạp chí ngọn lửa nhỏ. Osip Mandel Stam là một nhà thơ, dáng nho nhỏ, lịch lãm, có khuôn mặt trái xoan, mắt sáng, hiền từ có độ tuổi cùng trang lứa với Bác. Cuộc gặp đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhà thơ, nhà báo Xô Viết. Giữa những ngày đông đầy tuyết phủ, nhưng Osip cảm thấy ấm áp, được nhận năng lượng từ Bác của chúng ta, Osip Mandel Stam đã viết bài đăng trên tạp chí Ogoniok (Ngọc lửa nhỏ) số 39 ra tháng 12 năm 1923 trong bài báo Osip đã viết: “Nguyễn Ái Quốc, cũng đang toả ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị. Văn minh châu Âu trên đất nước ấy dùng lưỡi lê và rượu độc và che giấu tất cả những cái đó dưới tà áo dài đen của bọn cố đạo. Từ Nguyễn Ái Quốc đã toả ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hoá tương lai”.

Sau này, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Nga V. Putin đã trao Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết tập tài liệu và hình ảnh mà Liên Xô và nước Nga còn giữ được về Chủ tịch Hồ Chí Minh những năm 1923 đến 1938. Trong số tài liệu đó có bản chụp bài báo của Osip Mandel Stam viết về cuộc gặp gỡ Bác đăng trên tạp chí Ngọn lửa nhỏ (Ogoniok), trong bài báo có ảnh chân dung Bác. Về bài báo này chúng tôi dịch bản gốc “Chúng tôi đến thăm người chiến sĩ Cộng sản Nguyễn Ái Quốc” nhằm sát nghĩa tiếng Nga hơn (Xem toàn văn bài báo ở phần Phụ lục).

*

* *

Một hôm, Bác rủ Lumina và Duliana đi uống “Trai”, trai là từ của người Nga, có nghĩa là trà đen với lát chanh tươi. Bác đến quán, đã thấy Lumina ngồi đợi cùng cô Duliana. Cả ba rất vui vẻ, thân tình. Hai cô đều nhỏ tuổi hơn Bác, nhất là Duliana chắc chỉ ngoài hai mươi, nhưng chín chắn, điềm đạm.

Bác nhìn Duliana hỏi:

- Cô có biết thư yêu cầu của tôi xin về hoạt động ở Quảng Châu để giúp Việt Nam đã được các đồng chí Ban Bí thư xem xét chưa?

- Em biết đồng chí Manuinsky đã báo cáo với Ban Bí thư rồi nhưng chưa biết ý kiến như thế nào?

- Cô nhắc dùm. Tôi sốt ruột lắm.

- Vâng, đồng chí Manuinsky khen anh lắm.

- Đồng chí ấy khen những gì?

- Khen anh thông minh nè, tận tụy nè và đẹp trai nữa nè – Lumina đùa vui xen vào.

- Một lần đồng chí ấy khen anh với Tổng Bí thư đó. Im lặng nhìn Bác một giây Duliana nói:

- Mà với anh thì rất đáng được khen.

- Tôi cũng làm như các chiến sĩ Quốc tế Cộng sản khác thôi mà.

- Không? Anh khác. Anh tài ba, lặn lộn, làm việc hết mình.

- Có đồng chí Quốc tế nào đến đây mà Đại hội nào cũng có mặt không? Nông dân nè, công hội nè, thanh niên nè, phụ nữ nè, cả cứu tế đỏ nữa. Lumina hăng hái nói.

- Tôi dự các Đại hội là muốn thông qua các diễn đàn này giúp mọi người hiểu được bọn thực dân áp bức nhân dân ở các nước thuộc địa, để giúp mọi người hiểu thế giới này còn một lớp người bị bóc lột đến cùng cực, để các đại biểu cùng nhau kêu gọi và tổ chức, đánh thức dân các nước thuộc địa đứng lên.

- Anh gải đúng chỗ ngứa, nên được đại biểu các nước hoan nghênh – Duliana nói.

- Còn một lý do nữa tôi phải dự, phải tiếp xúc mà hai cô chưa thấy.

- Là gì? Duliana hỏi.

- Là để học phương cách tổ chức đoàn thể và huy động lực lượng, tôi học được nhiều lắm.

- Anh còn một cái giỏi nữa, anh biết gì không? – Lumina hỏi.

Bác mĩm cười nhìn hai cô lắc đầu.

- Đó là tài năng xuất chúng của anh. Anh viết rất nhiều báo, báo Quốc tế Cộng sản, báo Đảng, báo của các đoàn thể, của phụ nữ, thanh niên, nông dân... Anh viết rất thuyết phục, nhiều tư liệu và nhiều tư duy. Em đọc rất thích – Lumina nói.

- Đó cũng là một diễn đàn quan trọng. Hai cô thấy đấy, một cuộc họp, một cuộc meeting nhiều lắm chỉ vài trăm người nghe, chứ một tờ báo phải có hàng nghìn, hàng vạn người đọc, như tờ Phụ nữ của các cô ấn bản đến sáu vạn, một tờ báo chỉ cần hai người xem là đã cả vạn người đọc. Và nó dễ dàng vượt biên giới đến với toàn cầu. Đúng không? Im một chút Bác khẳng định: Tôi luôn luôn coi báo chí là công cụ, là vũ khí để chiến đấu vì công cuộc cách mạng này.

- Đúng. Chúng tôi kính nể anh – Duliana nói.

Hai cô nâng cốc “Trai” chúc mừng Bác.

Bác Hồ trên quê hương Xô Viết
Tập truyện ký " Theo dấu chân Người"

VỀ PHƯƠNG ĐÔNG

Một lần khác, Lumina mời Bác đi xem Opera nhưng đêm đó mất điện, nên hai người thả bộ bên bờ sông Moscow. Đêm tháng 9 khí trời mát mẻ, thỉnh thoảng vài làn gió như đưa hơi lạnh phả trên mặt hai người, mặt trời đã lặn từ lâu nhưng cái ánh sáng của bầu trời phương Bắc cứ bàng bạc. Hai người vừa đi vừa nói về văn học, về Lep Tônxtôi, về Gorky, họ cứ thong dong, bình luận từng tác phẩm, nhắc đến cả nhân vật trong tiểu thuyết, cho đến khi chuông đồng hồ điện Kremlin vang lên 9 tiếng, hai người ngước nhìn lên thấy đỉnh tháp Kremli gần bên tay trái, Lumina mới nói:

- Vậy mà ta đi đã khá xa, đã đến sát Hồng Trường rồi.

- Lâu lắm anh mới có dịp đi tản bộ như thế này.

- Nè, em hỏi anh điều này. Sao anh dấu em?

- Dấu cái gì?

- Duliana nói với em hình như Ban Bí thư đã có quyết định đi công tác của anh rồi.

- Anh chưa biết gì cả, em nghe như thế nào?

- Lại bí mật chứ gì?

- Thưa “Cô giáo”, tôi không dấu ạ.

Lumina vẫn giúp dạy Bác học tiếng Nga, nên lâu lâu Bác lại đùa “Thưa cô giáo” và Bác lại hỏi Lumina:

- Em nghe Duliana nói sao?

- Cô ấy cũng chỉ nghe lõm bõm là Ban Bí thư có bàn chuyện cho anh về Phương Đông, nhưng cụ thể thì cô chưa biết.

Lumina đang nói thì dừng lại, chỉ tay lên bầu trời đang có những ngôi sao sáng lấp lánh quanh đỉnh tháp Spasskaya, rồi đưa hai tay dang ra như đón cả bầu trời.

- Nhiều sao quá. Cả bầu trời rất nhiều sao. Anh thích ngôi sao nào?

Bác chỉ tay về phía điện Kremli và vui cười nói:

- Anh thích ngôi sao Xô Viết nhất. Nếu được phép anh sẽ đề nghị gắn trên đỉnh tháp kia một ngôi sao năm cánh của cách mạng Xô Viết. Còn em?

- Em ý à? Cô giơ tay lướt qua các vì sao trên trời như để chọn lựa, rồi quay qua Bác bất thình lình khẳng định: Em thích ngôi sao này! Ngôi sao “Người yêu nước” (ý nói Nguyễn Ái Quốc).

Bác giật mình, lúng túng, ái ngại:

- Em nói quá rồi.

- Thật đấy, anh thông minh, trí tuệ, toàn tâm cho nhân loại, cho quê hương, cho Đảng Cộng sản. Anh lại tài ba, đẹp trai. Là con gái, em tự hào vì được kết thân với anh. Nếu được thay mặt cho chị em phụ nữ thì em tuyên bố phụ nữ Quốc tế Cộng sản mê anh, thích anh. Còn em, hơn thế, em sẽ tuyên bố yêu anh. Nhưng… Lumina dừng lại nhìn vào Bác và nói như để giải vây: Nhưng em biết trong tim anh duy nhất chỉ là Đảng, là đất nước của anh, là giải phóng thuộc địa. Và chỉ ít nữa là anh sẽ lên đường. Từ giờ phút này, em xác định rồi: Anh là đồng chí lớn của em, đúng hơn anh là người anh, người anh lớn vô cùng kính yêu của em. Nói xong, Lumina ngã vào lòng Bác, ôm chặt lấy Bác.

Bác xúc động vỗ vỗ vào vai Lumina: Cảm ơn em, cảm ơn em.

*

* *

Một tuần sau Duliana tìm Bác, cô cười báo tin:

- Anh có tin vui rồi đấy. Anh Manuinsky mời anh.

Bác liền đến trụ sở Quốc tế Cộng sản và hồi hộp đứng trước cửa phòng có bảng tên: “Đ. Manuinsky”. Thấy Bác bước vào. Ông đứng dậy vồn vã mời Bác ngồi và nói.

- Đồng chí Nguyễn, hôm nay có tin cho đồng chí đây! Nói xong ông phân bua: Chúng tôi có lỗi với đồng chí. Đề nghị của đồng chí đã mấy tháng rồi, nay Ban Bí thư mới có thời gian xem xét. Tôi chính thức báo với đồng chí: Ban Bí thư đã quyết định cử đồng chí làm Ủy viên Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản và chỉ định đồng chí phụ trách cục Phương Nam. Ban Bí thư cũng quyết định, tôi dùng chữ Quyết định chứ không phải chấp thuận đề nghị nhé, đồng chí sẽ về Quảng Châu để chỉ đạo phong trào cách mạng Đông Dương và các nước Đông Nam Châu Á như Xiêm, Mã Lai, Indonesia…

Nói xong Manuinsky đứng dậy, trân trọng trao cho Bác Quyết định của Ban Bí thư ký ngày 25 tháng 9 năm 1924. Trong đó ghi rõ: “Chi phí Ban Phương Đông có trách nhiệm thu xếp”.

- Tôi cảm ơn đồng chí, cảm ơn Ban Bí thư. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Bác nói trong xúc động và trong niềm vui tột đỉnh.

Bác đã gặp Manuinsky lần đầu ở Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920. Khi ấy đồng chí Manuinsky đã có trên 10 tuổi đảng, Manuinsky đã giúp đỡ Bác nhiều. Vì vậy hai người trao đổi khá thoải mái và thân mật.

- Năm ngoái tôi thấy anh hay nói chuyện với Borodin, giờ anh ấy và cả gia đình đang ở Quảng Châu, làm cố vấn cho Tôn Trung Sơn, Chủ tịch Quốc dân đảng theo yêu cầu của ông ta, nhưng cũng là giúp cho Đảng Cộng sản Trung Quốc.

- Ông Tôn Trung Sơn và ông Tưởng Giới Thạch nghe nói bằng mặt nhưng không bằng lòng.

- Đúng vậy, Tôn Trung Sơn là nhà cách mạng dân tộc thật lòng chủ trương liên minh với cộng sản để chống đế quốc xây dựng đất nước, còn Tưởng thì chỉ liên minh hình thức. Tình hình rất thuận lợi cho anh.

- Nghe nói có một số thanh niên Việt Nam tiến bộ sang ở Quảng Châu lập ra Tâm Tâm Xã và có cả cụ Phan Bội Châu đang ở đó, lòng tôi vui lắm.

- Ban bí thư quyết định đồng chí đến đó dưới danh nghĩa hợp pháp là trợ lý cho đồng chí Borodin và đồng thời là nhà báo thực thụ. Có cái mác nhà báo tốt cho việc đi lại, tiếp xúc nắm tình hình, vả lại tôi nghĩ nhà báo là khả năng trời cho của đồng chí. Trợ lý cho đồng chí Borodin là một phần việc, còn nhiệm vụ chính của đồng chí là lãnh đạo, xây dựng phát triển tổ chức Đảng cộng sản ở Đông Dương, Xiêm, Mã và cả Indo nữa. Đồng chí được toàn quyền quyết định với nhiệm vụ này.

- Vâng, tôi hiểu.

- Tình hình Đông Dương, nhất là ở An Nam xứ đồng chí đang diễn biến tốt, nhưng đồng chí nhớ rằng tình hình tốt mà không có lãnh đạo thì sớm muộn gì cũng sẽ bị đàn áp. Đồng chí nên tính toán kỹ.

- Tôi sẽ tổ chức bồi dưỡng cho một số đồng chí trụ cột để họ về nước lập ra tổ chức, từ đó sẽ tiến đến thành lập Đảng cộng sản và các đồng chí ấy phải hoạt động ngay trong nước để lãnh đạo phong trào. Có Đảng sẽ có tất cả.

- Đúng vậy, tôi tin tưởng đồng chí.

- Cám ơn sự tin tưởng của đồng chí. Tôi rất mong, mong từng ngày và đã có ngày hôm nay. Nhưng khi cầm quyết định trong tay thì tôi bối rối vì nhiệm vụ ở Quốc tế nông dân còn nhiều dở dang quá.

- Đồng chí bàn giao lại, nhưng phải khéo. Đừng để nhiều người biết đồng chí về Phương Đông.

- Tôi hiểu. Đồng chí Manuinsky quí mến. Tôi mong rằng các nước thuộc địa sẽ được quốc tế cộng sản quan tâm. Giai cấp nông dân ở các nước này rất đông, đến 90-95% dân số, phải cứu họ. Phu nhân của Lenin, đồng chí Krupskaya có nói với tôi Lenin có dặn: “Những người nông dân nghèo cần cách mạng lắm”. Các đồng chí giúp chúng tôi nhé.

- Tôi có theo dõi, các đồng chí Ban bí thư Quốc tế cộng sản cũng theo dõi các phát biểu ở các diễn đàn của đồng chí, đọc các bài báo của đồng chí. Phải nói đồng chí viết rất khỏe và nhiều thông tin quí, nhiều kiến nghị đọc cứ nhức nhói cả tim gan. Chúng tôi đánh giá rằng: đồng chí là học trò xuất sắc của Lênin về giải phóng các nước thuộc địa. Riêng tôi, thì cho rằng hơn thế, sau Lênin, đồng chí là người hiểu sâu sắc về các nước thuộc địa và có những tư duy, tầm nhìn và kiến nghị rất xác đáng về các dân tộc bị áp bức ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, đặc biệt với Đông Dương.

- Cám ơn, đồng chí đã quá khen.

- Không, đó là điểm mạnh của đồng chí, đồng chí cần nhớ để phát huy. Và đồng chí Maninsky nhìn Bác hồi lâu rồi nói: chính ngòi bút của đồng chí đã giúp Quốc tế Cộng sản, các đồng chí khác hiểu cái đầu của đồng chí. Thế mạnh này đồng chí giữ và sử dụng nó làm một vũ khí.

Khi đứng dậy chia tay, đồng chí Manuinsky đã tặng Bác một cây viết máy. Anh nói:

- Bút này tôi đã dùng qua, tặng anh làm kỷ niệm để nhớ nhau. Tạm biệt đồng chí Nguyễn. Tôi nghĩ lần sau gặp lại đồng chí thì ở xứ Đông Dương đã có Đảng Cộng sản.

Họ ôm nhau, hôn nhau ba lần, nhưng vẫn chưa chịu thả nhau ra.

*

* *

Mấy hôm sau, Bác ra sân ga xe lửa, rời Moscow để về Quảng Châu. Mấy đồng chí của Quốc tế Cộng sản tiễn Bác, trong số đó có cả các đồng chí Pháp, Đức và các đồng chí Nga, có cả Lumina. Trong bịn rịn mọi người vẫn bày tỏ sự tin tưởng ở Bác và chúc Bác thành công. Lumina đến tặng Bác bó hoa nhỏ với mấy đóa hoa hồng đỏ thắm.

Bác ôm hôn tạm biệt từng người với tất cả sự tin yêu nồng nhiệt. Lumina ôm chặt Bác. Cô nói:

- Em gởi anh trọn niềm tin thắng lợi của người con gái Nga. Và trong nghẹn ngào cô nói nhỏ vào tai Bác.

- Tạm biệt ngôi sao của em! Anh phải giữ sức khỏe để thành công.

Bác cảm động bước lên tàu, đưa tay vẫy chào mọi người lưu luyến chia tay.

Bác Hồ trên quê hương Xô Viết
Một góc nước Nga hôm nay. Ảnh Internet

Con tàu chuyển bánh. Từ Moscow về đến cảng cực đông Vladivostok rất dài. Moscow ở kinh đô 37037 đông còn bán đảo Vladivostok ở kinh đô 131054 kinh đông, cách nhau đến gần mười ngàn cây số. Con tàu sẽ xuyên qua vùng Siberia mênh mông và mùa đông là vùng giá tuyết, có hồ Baikal lớn và sâu nhất thế giới. Con tàu sẽ xuyên qua Novosibirsk, Irkutsk, Ulan Ude, Khabarovsk… để vào thành phố biển Vladivostok. Trên suốt chặng đường dài dằng dặc đó, Bác vẫn thấy ấm áp, thậm chí còn nôn nao. Con tàu đang lao về phía trước nhưng tốc độ không nhanh, nhiều đoạn chạy như người đi bộ. Khi đến sông Amua phải bỏ đầu máy lại, đưa các toa sang sông rồi có đầu máy khác kéo chạy tiếp, vì cây cầu bị chiến tranh tàn phá. Con tàu sẽ chạy thế này mất ba tuần mới đến cảng. Dù rất sốt ruột nhưng Bác thấy lòng rộn vui khi đường về Việt Nam gần lại. Bác mĩm cười khi nhớ đến lời đe nạt của Albert Sarraut, Bộ trưởng thuộc địa Pháp: Nước Pháp sẽ bóp chết từ ý tưởng những kẻ muốn từ Pháp sang Nga để rồi tìm đường về Đông Dương. Bác nghĩ hắn khá thông minh, nghĩ ra được đường ta đi. Nhưng để coi ai sẽ bóp chết ai? Miên man, Bác ngồi đúc kết và rút ra những bài học ở Moscow, bài học của cách mạng tháng 10, của Quốc tế Cộng sản. Bác thấy hạnh phúc vì suốt mười ba năm của quãng đời bôn ba, kể từ ngày rời Sài Gòn, chưa có thời gian nào Bác hạnh phúc như nửa ngàn ngày qua, khi được sống giữa những người đồng chí anh em với tình cảm chứa chan nồng hậu, lại thật sự được sống tự do, thoải mái trên đất nước Xô Viết. Được thỏa sức học tập và được nói những điều mình muốn nói. Bác hiểu sâu sắc ý nghĩa của bốn chữ Độc lập, tự do và càng thấm thía hơn khi mang lại được ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Bác nhớ đến Lumina, người bạn gái Nga đã dành cho Bác những tình cảm sâu sắc và hỗ trợ Bác hết mình. Bác vui vì được sống chung trong ngôi nhà Quốc tế Cộng sản với những người đồng chí có ý chí cao cả thiêng liêng như Colarop, Manuinsky, Dimitorop, Vacga, Ubric, Gotvan([29])… Thân thiết hơn và gần gũi với Bác là đồng chí Manuinsky, đồng chí Borodin và đặc biệt là các đồng chí của Đảng Cộng sản Pháp…

Con tàu vẫn lao về phía trước đưa Bác về với Phương Đông, với quê hương, con tàu như chở theo Bác tư tưởng vĩ đại của Lenin.

Bác đến Vladivostok vào những ngày cuối tháng 10 năm 1924. Thành phố cảng cực Đông Liên Xô này là thủ phủ của vùng Liên bang Viễn đông Liên Xô. Vladivostok dịch theo nghĩa tiếng Nga là “Người cai trị Phương Đông”. Ngày xưa các cụ lớp thân sinh của Bác thường gọi theo âm Hán là thành phố Hải Sâm Uy (vùng đầm Hải sâm). Hải Sâm Uy vốn là một làng chài của tộc người Udege ở Đông Nam Xiberia. Mùa đông ở Vladivostok đầy tuyết. Các công viên cây trụi lá, tuyết phủ kín, tuyết chạy trắng xóa dọc bờ như một bờ đê ngăn những cơn sóng biển mang nước mặn vào bờ. Tuyết phủ trắng những con tàu lớn và thuyền bè đậu trên vịnh.

Cơ quan đại diện của Quốc tế Cộng sản ở vùng Viễn đông Liên Xô đã đón và bố trí Bác ở khách sạn Versailles tại số 10 đường Svetlanskaya của thành phố Vladivostok.

Từ năm 1916, khi có đường sắt nối với Moscow, Vladivostok phát triển nhanh và trở thành một hải cảng lớn trên bờ Thái Bình Dương của Liên Xô. Các hãng tàu Liên Xô nối với Triều Tiên, Nhật Bản và Thượng Hải, Quảng Châu… của Trung Quốc và các nước Châu Âu, Châu Mỹ.

Vladivostok là thành phố Bác Hồ đã mấy lần đến và rời đi. Nhân dân vùng Viễn đông luôn coi đó là một vinh dự, là dấu ấn của tình hữu nghị. Ngày này chưa có tài liệu xác định tên con tàu Viễn dương đưa Bác rời Liên Xô, nhưng ở cảng biển quốc tế Vladivostok có một chiếc tàu vận tải lớn mang tên Hồ Chí Minh và giữa thành phố có một công viên lớn được Liên Xô dựng tượng Bác Hồ rất trang nghiêm và ấm cúng. Khách sạn Versailles nơi Bác đã ở nay là nơi gặp gỡ của thanh niên, mitting nhân kỷ niệm sinh nhật Bác rất tưng bừng. Tại tòa nhà của ga tàu hỏa Vladivostok ngày 19 tháng 5 năm 2009 được dựng bia nhớ Bác. Tấm bia ghi rõ: “Năm 1924-1927-1934 Hồ Chí Minh – Nhà hoạt động vì phong trào giải phóng đất nước và quốc tế đã được UNESCO công nhận anh hùng Giải phóng Dân tộc Việt Nam, Nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng, Người đặt nền tảng vững chắc cho tình hữu nghị Nga – Việt đã nhiều lần đến Vladivostok”.

Kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ đến nước Nga Xô Việt

(23/6/1923 – 23/6/2023)

TQP


([1]) D’accord (tiếng Pháp) nghĩa là được, là OK.

([2]) Cảm ơn Lared (tiếng Pháp).

([3]) Du Nord (tiếng Pháp) có nghĩa là phía Bắc

([4]) Hồ Chí Minh toàn tập – NXB Chính trị Quốc gia 2011. Trang 208-210.

([5]) Theo Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử - NXB Chính trị Quốc gia 2016. Trang 178.

([6]) Xem: T.L “Vừa đi đường vừa kể chuyện”.

([7]) Cộng hòa Liên bang Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết Nga

Giấy đi đường số 1829

Người mang giấy: Chen Vang

Sinh ngày: 15-2-1895 ở Đông Dương; Nghề nghiệp: Thợ ảnh; Đi đến: Nước Nga.

Berlin ngày 16-6-1923. Đại diện đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa

Liên bang xã hội chủ nghĩa xô-viết Nga tại Đức. XTEPHAN BRATMAN BRADOPSKY

([8]) Giấy phép số 5316 tháng 6 năm1923

Có giá trị cho một chuyến đi từ Béc-Lin qua các đồn biên phòng.

Tên: Chen Vang; Đi đâu: Ra nước ngoài; Mục đích: Về nhà

Giấy có giá trị từ ngày 18-6-1923 đến ngày 22-6-1923.

Berlin ngày 18-6-1923. Chánh cảnh sát SƠ-NÂY-ĐƠ

([9]) Cảng Hamburg thành lập năm 1189.

([10]) Thị thực số 361370 – Ông Chen Vang, đến nước Cộng hòa Liên bang Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết Nga qua đồn biên phòng cảng Petrograd. Mục đích chuyến đi: Công tác chuyên môn. Thời gian ở Nga: một tháng. Berlin ngày 25 tháng 6 năm 1923. Ký thay đại diện đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Liên bang Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết Nga tại Đức.

([11]) Theo lịch Nga là 24 tháng 10. Vì vậy gọi là cách mạng tháng 10.

([12]) Tên tác phẩm của nhà báo Mỹ Jolin Reed viết về những ngày cách mạng tháng 10.

([13]) Đồng chí G. Dimitorop sau là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Bungari và sau cùng là Tổng Bí thư Quốc tế Cộng sản.

([14]) Lời bình của Thép mới trong phim “Nguyễn Ái Quốc đến với Lenin”.

([15]) Theo “Hồ Chí Minh toàn tập”. Tập 1 – NXB Chính trị Quốc gia 2011.

([16]) Chỉ nhà nước thực dân phong kiến.

([17]) Theo “Hồ Chí Minh toàn tập”. Tập 1 – NXB Chính trị Quốc gia 2011.

([18]) Về sau làng này được đặt tên làng Gorki.

([19]) Trích “Bác Hồ trên đất nước Lenin” của Hồng Hà – Trang 83 – NXB Thanh Niên 2000.

([20]) Theo Hồng Hà “Bác Hồ trên đất nước Lenin – NXB Thanh Niên năm 2000.

([21]) Theo “Hồ Chí Minh toàn tập”, tập I – NXB Chính trị Quốc gia 2011. Trang 35.

([22]) Phát biểu phiên 22 Đại hội 5 Quốc tế Cộng sản theo Hồ Chí Minh toàn tập – NXB Chính trị Quốc gia 2011.

([23]) “Hồ Chí Minh toàn tập”. Tập 1 – Trang 305 – NXB Chính trị Quốc gia 2011.

([24]) Đồi Chim sẻ nay là đồi Lenin.

([25]) Đại học Moscow sau mở rộng và đổi tên thành Đại học Quốc gia Lomonoxop.

([26]) Đồng chí Vorosilop sau này là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô.

([27]) Cách gọi thân mật đối với Lenin.

([28]) NXB Chính trị Quốc gia Sự thật 2016.

([29]) Đồng chí Dimitorop sau là Tổng Bí thư Quốc tế Cộng sản, các đồng chí Vacga sau là lãnh tụ của Đảng Cộng sản Hungari, đồng chí Ubric sau là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Cộng hòa Dân chủ Đức, đồng chí Gotvan lãnh tụ của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc…

Bác Hồ trên quê hương Xô Viết
Bìa cuốn sách "Theo dấu chân Người"

"Bác Hồ trên quê hương Xô Viết" được trích từ tập Truyện ký "Theo dấu chân Người" của GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, “ Với nghệ thuật kể chuyện tài tình, chân thực, giản dị và có tình yêu mãnh liệt, vượt qua mọi rào cản, nhà văn Trình Quang Phú đã mang lại cho chúng ta cái nhìn mới mẻ hơn về vĩ nhân lịch sử Hồ Chí Minh"...

-------------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Xúc động trước;Tấm lòng của họa sĩ Việt Kiều với Bác Hồ Một kỷ niệm đẹp của nhà thơ miền Nam với Bác Hồ Nguyễn Hồng Nghi, lá thư từ Bác Hồ và những cuộn ảnh, thước phim cách mạng quý giá Một mùa xuân của Bác Bên dòng Châu Giang
Ra mắt “Tổ quốc bên bờ sóng” và “Bác Hồ với Ba Đình”

Ra mắt “Tổ quốc bên bờ sóng” và “Bác Hồ với Ba Đình”

Baovannghe.vn - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô, Nxb Thông tấn thuộc Thông tấn xã Việt Nam, ra mắt hai cuốn sách ảnh “Tổ quốc bên bờ sóng” và “Bác Hồ với Ba Đình.”
Bản tin Văn nghệ: Tự hào về Thủ đô anh hùng qua “Hà Nội – Bản hùng ca phố”

Bản tin Văn nghệ: Tự hào về Thủ đô anh hùng qua “Hà Nội – Bản hùng ca phố”

Baovannghe.vn - “Hà Nội – Bản hùng ca phố”, cho chúng ta thấy một Hà Nội xứng với danh hiệu Thành phố Vì hòa bình, Thành phố đang phát triển trong thời đại mới.
Chuyển đổi số tại BSR: Thay đổi tư duy, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy công việc

Chuyển đổi số tại BSR: Thay đổi tư duy, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy công việc

Baovannghe.vn - Đổi mới tư duy, thay đổi cách làm việc và ứng dụng công nghệ được Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn đã có những kết quả vượt trội, góp phần vào kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty
Nhà không có đàn ông. Truyện ngắn của Đào Phong Lan

Nhà không có đàn ông. Truyện ngắn của Đào Phong Lan

Baovannghe.vn - Tôi sinh ra trong một ngôi nhà to lớn với những cột kèo nâu bóng cũ kỹ, nham nhở những vết khắc vụng dại. Mảnh sân rộng đầy rêu và khu vườn tối tăm đầy bí mật. Sau này mẹ tôi kể lại, ngày tôi ra đời, hàng trăm con bướm bay về đậu rợp cả sân. Bà nội tôi bỏ vào buồng, không ra nữa. Bà ốm ba tuần lễ. Bà chỉ ốm ba tuần lễ khi quá tuyệt vọng vì một điều gì đó. Bà đã hy vọng quá nhiều về một đứa cháu trai.
Hoa Anh Đào trong tâm thức người Nhật

Hoa Anh Đào trong tâm thức người Nhật

Baovannghe.vn- Người Nhật luôn dành cho thiên nhiên một tình cảm đặc biệt. Với những đổi thay đa dạng phong phú và bốn mùa khác biệt được gọi là “siêu thị thời tiết”, người Nhật luôn ý thức đang sống ở một trong những nơi đẹp nhất hoàn vũ.