Theo đó, Kinh Dương Vương là vua Xích Quỷ, sinh Lạc Long Quân. Lạc Long Quân sinh Hùng Vương đời 1, là người mở ra triều đại Hùng Vương kéo dài 2.622. Tiếp nối Hồng Bàng Thị là nhà Thục của An Dương Vương. Đây là giai đoạn chuyển tiếp trước khi sang thời đại của Triệu Đà - nhân vật đã được ghi chép cụ thể trong sử sách Đại Việt và Trung Hoa (Toàn thư cho biết Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu chép từ Triệu Vũ đế đến Lý Chiêu hoàng).
Mặc dù đưa hai triều đại vào sử, nhưng nội dung hầu hết đều do Ngô Sĩ Liên nhặt trong Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh tập có san cải ít nhiều. Tuy vậy, trước Ngô Sĩ Liên, đã có khá nhiều sách vở nhắc tới các triều đại trước nhà Triệu.
Bộ sử của tác giả khuyết danh được viết ở thời nhà Trần này chép khác hẳn Toàn thư. Nếu như Toàn thư cho Hùng Vương dựng nước Văn Lang rồi chia nước thành 15 bộ, thì Việt sử lược cho rằng vua Hoàng Đế (Trung quốc) chia Giao Chỉ thành 15 bộ, sau này Hùng Vương vốn là dị nhân “dùng ảo thuật quy phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương [nguyên văn Đối Vương] đóng đô ở Văn Lang, đặt quốc hiệu là Văn Lang”. Sự kiện này diễn ra vào Chu Trang vương (696-682 TTL). Lưu ý, điểm khác nhau cơ bản của Toàn thư và Việt sử lược là ở cương giới nước ta thời Hồng Bàng thị. Toàn thư cho rằng Văn Lang “đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành, nay là Quảng Nam” siêu to khổng lồ. Còn Việt sử lược chép “以交趾逺在百粤之表” (dĩ Giao Chỉ viễn tại Bách Việt chỉ biểu / thấy Giao Chỉ xa xôi, ở ngoài cõi Bách Việt), nên “bèn phân giới hạn ở góc tây nam”. Tức là coi Văn Lang chỉ là Giao Chỉ mà thôi, thậm chí không liệt Giao Chỉ vào Bách Việt.
Cũng như Toàn thư, Việt sử lược chép sau thời Hùng Vương là tới nhà Thục của An Dương Vương. Nhà Thục kết thúc sau khi bị Triệu Đà chinh phạt, An Dương Vương ngậm sừng tê đi xuống nước. Việt sử lược khác Toàn thư ở chỗ nó không chép Trọng Thủy cưới Mỵ Châu, mà Trọng Thủy chỉ là con tin và tư thông với Mỵ Châu.
Một bộ sử khác cũng ra đời ở thời nhà Trần, xấp xỉ khoảng thời gian ra đời của Việt sử lược là An Nam chí lược của Lê Trắc cũng viết về giai đoạn trước nhà Triệu. Lê Trắc dẫn sách Giao Châu ngoại vực ký của Lưu Hân Kỳ (Thực chất là dẫn lại từ Thủy kinh chú) để nhắc tới triều đại Lạc Vương, rồi bị An Dương vương là con của Thục Vương tấn công và tiêu diệt, lập ra nhà Thục. Đại khái chuyện nhà Thục cũng tương tự như Toàn thư và Việt sử lược đã ghi lại. Điểm kỳ lạ là tuy An Nam chí lược dẫn Giao Châu ngoại vực ký, nhưng kết cục của An Dương vương như ta đọc lại không phải giống trong Giao Châu ngoại vực ký. Sách này cho biết sau khi thua trận, “安阳王下船,迳出于海” (An Dương vương hạ thuyền kính xuất vu hải - An Dương vương xuống thuyền chạy thẳng ra biển). Thuyết dùng sừng tê rẽ nước đi xuống biển lại là từ sách Nam Việt chí của Thẩm Hoài Viễn thời Lưu Tống.
Như vậy có thể thấy là tuy tiếp thu thuyết của Lưu Hân Kỳ, nhưng sách vở thời Trần đã thu nạp cả các thuyết khác để kiến tạo truyền thống riêng của dân tộc. Một ví dụ khác là truyện nỏ thần, Giao Châu ngoại vực ký chép “bắn một phát giết chết 300 người”, thì An Nam chí lược đã đổi thành “một phát giết cả vạn người”.
Ngoài lề: Không có bộ sử nào chép nỏ thần bắn một lần cả vạn mũi tên như ngày nay chúng ta thường hiểu cả. Việt sử lược viết “bắn một phát ra mười mũi tên”. Giao Châu ngoại vực ký chép “bắn một phát giết chết 300 người”, An Nam chí lược chép “bắn một phát giết cả vạn người”, Lĩnh Nam chích quái (và Toàn thư) chép “lấy nỏ thần ra bắn, quân Đà thua lớn”. Cấu trúc “nhất phát sát vạn nhân”nên được hiểu là nhiều cây nỏ cùng bắn một lúc.
Điểm đặc biệt của An Nam chí lược là sách gọi An Dương vương là Việt vương: “Thành Việt Vương (tên tục là thành Khả Lũ), có cái ao cổ. Vua hàng năm đều tìm ngọc trai, dùng nước ấy mà rửa ngọc thì màu sắc tươi sáng”; “Nhân Thọ năm thứ 2 [602], Lý Phật Tử làm loạn, chiếm thành cũ Việt Vương”. Có thể tạm hiểu rằng Lê Trắc coi [Nam] Việt vương Triệu Đà là người kế tục nước Việt của An Dương vương vậy.(Ví dụ, phần Tổng tự quyển thủ chép “Hán Cao Đế phái Lục Giả tới lập Đà làm Việt Vương”; quyển 1 cũng chép: “Núi Võ Ninh (tục truyền bên dưới núi có mộ Triệu Việt Vương.)
Tuy là tác phẩm văn học của Lý Tế Xuyên, nhưng sách cũng có ít nhiều giá trị trong nghiên cứu lịch sử. Triều đại Hùng Vương được nhắc tới trong truyện Tản Viên Hựu thánh khuông quốc hiển linh ứng đại vương (Sơn Tinh) với các danh hiệu Hùng Vương, Lạc hầu. Nhà Thục được nhắc tới trong truyện Quả nghị Cương chính Uy huệ vương (Cao Lỗ) và có thể tính thêm truyện Hiệu úy Uy mãnh Anh liệt Phụ tín đại vương (Lý Ông Trọng). Ở mức độ dày đặc hơn, ta có Lĩnh Nam chích quái với 13 truyện: Hồng Bàng thị, Ngư Tinh, Hồ Tinh, Đổng Thiên vương, Nhất Dạ trạch, Mộc Tinh, Cây cau, Bánh chưng, Dưa hấu, Bạch trĩ, Lý Ông Trọng, Giếng Việt, Rùa vàng.
Cũng ở thời Trần, chúng ta còn được nghe tới tên sách Việt Nam thế chí của Hồ Tông Thốc chép về 18 đời Hùng vương mà Phan Huy Chú nhắc trong Lịch triều hiến chương loại chí.
Phạm Sư Mạnh trong bài Hành quận có câu “Văn Lang nhật nguyệt Thục sơn hà”, trong bài lại có câu “Văn Lang thành cổ sơn trùng điệp, Ông Trọng từ thâm vân đạm nùng”, đều nhắc tới cả quốc hiệu thời Hùng vương lẫn nhà Thục.
Ngược về trước triều Trần, chúng ta không tìm thấy tác phẩm nào có nhắc tới Hùng vương và An Dương vương. Nhưng xét vết tích trong Việt điện u linh tập, có nhắc tới Giao Châu ký của Tăng Cổn (truyện Sơn Tinh), Sử ký của Đỗ Thiện (truyện Cao Lỗ, cũng dẫn Giao Chỉ ký), thì hẳn là giai đoạn trước Trần đã lác đác có sách vở ghi chép về Hồng Bàng thị và nhà Thục.
![]() |
Đền Hùng ở Phú Thọ. |
Mặc dù không thuộc nhóm tác phẩm thời Trần, nhưng Dư địa chí của Nguyễn Trãi cũng là bộ sách rất đáng lưu tâm khi nghiên cứu về hai triều đại Hùng vương.
Nguyễn Trãi sinh cuối thời Trần và viết Dư địa chí vào đầu thời Lê, trong đó, có lẽ ông kế thừa được khá nhiều kiến thức về Hồng Bàng thị và An Dương vương được lưu truyền ở thời Trần. Dư địa chí xác lập địa vị quốc tổ của Hồng Bàng thị với mở đầu: “Vua đầu tiên là Kinh Dương vương, sinh ra có đức của bậc thánh nhân, được phong sang Việt Nam, làm tổ Bách Việt”. Điểm đặc biệt của Dư địa chí là nó không coi Lạc Long Quân là vị vua nối tiếp Kinh Dương vương, mà chép “Hùng vương tiếp nối ngôi vua [của Kinh Dương vương]” mặc dù vẫn viết “Hùng vương là con Lạc Long, cháu Kinh Dương”. Có thể nói Nguyễn Trãi mang nặng dấu ấn Nho giáo, bởi Lạc Long không xưng vương nên không coi là vua nước Việt.
Nhà Thục không được Dư địa chí nhắc tới nhiều, nhưng cũng viết: “Hầu [tức Nguyễn Trãi] bèn tâu rằng: ‘Kinh Dương vương dựng nước gọi là Xích Quỷ, Hùng vương gọi nước là Văn Lang đóng đô ở Phong châu, Thục gọi nước là Âu Lạc đóng đô ở Phong Khê...”
Đại khái có thể coi đây là bộ sử đầu tiên của nước ta nhắc tới lần lượt quốc hiệu, kinh đô các triều đại từ Hồng Bạch thị tới Thục, Triệu, Trưng, Tiền Lý, Ngô, Đinh,... Các thông tin đều cực kỳ giá trị.
Đại Việt sử ký toàn thư chép kỷ Hồng Bàng Thị, cho nước Văn Lang chia làm 15 bộ: Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức và Văn Lang. Trong đó bộ Văn Lang là nơi Hùng Vương đóng đô, cai trị cả nước.
Không phải tới Toàn thư của nhà Lê mới có ghi chép này, mà từ thời Trần đã xuất hiện thông tin ấy, trong Việt sử lược (khuyết danh), Lĩnh Nam chích quái (Trần Thế Pháp) và Dư địa chí (Nguyễn Trãi). Tên 15 bộ trong Dư địa chí được Toàn thư sao lục nguyên văn, còn Việt sử lược và Chích quái có chút khác biệt (xem hình). Xét về mặt thời gian ghi chép xuất hiện, lần lượt là Việt sử lược, Chích quái, rồi tới Dư địa chí (Toàn thư).
Tuy nhiên, Việt sử lược lại có khác biệt ở phần định danh, đó là không chép “thập ngũ bộ” mà chép “其部落十有五焉 - kỳ bộ lạc thập hữu ngũ yên” ([nước/cõi] ấy có mười lăm bộ lạc), tức là mười lăm tên gọi ấy không phải tên đất, tên địa phương hành chính mà là tên gọi của bộ lạc. Như vậy, theo Việt sử lược, nước Văn Lang là liên minh mười lăm bộ lạc.
Khảo sát về nguồn gốc tên các bộ/bộ lạc, học giả Đào Duy Anh đã viết tường tận (xem thêm Đất nước Việt Nam qua các đời - Đào Duy Anh), xin tóm tắt như sau:
- Giao Chỉ: Tên quận có từ nhà Hán, tên huyện đời Đường, ở hữu ngạn sông Hồng.
- Việt Thường Thị: Tên nước xưa trong truyền thuyết, từ đời Ngô thì thành tên một huyện thuộc quận Cửu Đức, tương ứng với Hà Tĩnh ngày nay.
- Vũ Ninh: Tên huyện thuộc quận Giao Chỉ do nhà Ngô lập. tương ứng với Quế Dương, Võ Giàng ở Bắc Ninh ngày nay.
- Quản Ninh: Tên huyện ở đời Đường thuộc Ái Châu, nay thuộc Thanh Hóa ngày nay.
- Gia Ninh: Tên huyện, trị sở của Phong Châu đời Đường, ở khoảng Phú Thọ, Sơn Tây ngày nay.
- Ninh Hải: Tên quận đặt từ đời Lương, lấy đất của quận Giao Chỉ mà đặt, nay ở phía nam Quảng Đông.
- Lục Hải: Tức Lục Châu, tên châu đời Đường, nay là phần Quảng Ninh giáp Lạng Sơn.
- Thang Tuyền: Tên quận và tên huyện ở đời Đường, thuộc Thang Châu, gần Ung Châu của Trung quốc.
- Tân Xương: Tên quận đặt từ đời Tấn, nay thuộc Phú Thọ và Sơn Tây.
- Bình Văn: Không rõ.
- Văn Lang: Tên nước của Hùng vương, nay thuộc Phú Thọ.
- Cửu Chân: Tên quận đời Hán, tên huyện ở đời Tùy, nay thuộc Thanh Hóa và Nghệ An.
- Nhật Nam: Tên quận đời Hán ở phía nam Hoành Sơn; tên huyện đời Tùy thuộc quận Cửu Chân.
- Hoài Hoan: Huyện Hàm Xoan xưa, nhà Đường đổi làm Hoài Hoan, nay thuộc Nghệ An.
- Cửu Đức: Tên quận ở đời Ngô, nay thuộc Hà Tĩnh.
Thời đại Hùng Vương quá đỗi mơ hồ, các tên gọi 15 bộ/bộ lạc đều xuất phát từ tên quận, huyện do các triều đại Trung quốc đặt trong thời Bắc thuộc. Như thế đủ biết là trong nỗ lực kiến tạo cổ sử, người Việt thời Trần (hoặc trước đó) nhân các tên gọi có sẵn của quận huyện mà đặt. Địa bàn của 15 bộ này trải dài từ phía nam Trung quốc tới hết miền bắc Việt Nam, dường như vượt quá quy mô của 15 bộ lạc. Cách viết “bộ - 部” của Chích quái và Dư địa chí hợp lý hơn “bộ lạc - 部落” của Việt sử lược. Bản thân Việt sử lược cũng sử dụng đơn vị bộ trong câu “嘉寧部有異人 - Gia Ninh bộ hữu dị nhân” (Bộ Gia Ninh có dị nhân).
Thế “bộ” có ý nghĩa là gì? Bộ chính là đơn vị hành chính mà nhà Hán đặt ra. Năm Nguyên Phong thứ 5 [106 TTL], Hán Vũ đế chia cả nước thành 13 bộ (cũng gọi là châu) và đặt các chức Thứ sử để giám sát các bộ này. Giao Chỉ bộ cũng chính là một trong 13 bộ của nhà Hán.
Tựu trung, người Việt hậu thế đã mượn cơ chế quản lý quốc gia của Trung quốc để gán cho nhà nước Văn Lang cổ xưa, thậm chí còn phóng đại lên hẳn 15 bộ (so với 13 của nhà Hán). Không có chuyện 15 bộ lạc như Việt sử lược chép. Cũng trong cơ chế này, ta loáng thoáng thấy hình bóng của Giao Chỉ bộ hay Giao Châu thời Hán mạt, đó là Hùng Vương đóng đô ở bộ Văn Lang và đặt tên nước là Văn Lang, tương tự như khoảng thời Sĩ Nhiếp giữ chức Thái thú Giao Chỉ nhưng tạm quyền cai quản cả Giao Chỉ bộ (Giao Châu).