Văn hóa nghệ thuật

Từ thất bại đến kinh điển: Hành trình trăm năm của Gatsby

Bùi Tùng Linh
Sách
10:00 | 10/04/2025
Một trăm năm đã trôi qua kể từ khi tiểu thuyết The Great Gatsby ra đời - một thế kỷ của biến động lịch sử, khủng hoảng tài chính, di cư, toàn cầu hóa và những lần tái định nghĩa “Giấc mơ Mỹ”. Nhưng ánh đèn xanh của Gatsby vẫn còn đó, ám ảnh độc giả bằng một thứ ánh sáng mê hoặc nhưng không bao giờ chạm tới. Cuốn tiểu thuyết đã đi từ thất bại thương mại năm 1925 đến địa vị kiệt tác trong lịch sử văn học Mỹ, một hành trình phản ánh chính nội dung của nó: khao khát không ngừng, vươn tới điều bất khả.
aa

Vào ngày 10 tháng 4, nhân vật Gatsby - biểu tượng bất tử do F. Scott Fitzgerald tạo nên, người đã gửi gắm toàn bộ khát vọng của mình vào ánh đèn xanh - chính thức bước sang tuổi một trăm.

Chính vào ngày này năm 1925, ấn bản đầu tiên của The Great Gatsby được nhà xuất bản Scribner phát hành. Tác phẩm nhanh chóng trở thành một biểu tượng văn chương, phản ánh sâu sắc xã hội Mỹ thời hậu Thế chiến I và đặt nền móng cho vị thế của Fitzgerald như một trong những nhà văn vĩ đại nhất của văn học hiện đại Mỹ. Như T. S. Eliot từng khẳng định, The Great Gatsby là “bước khởi đầu cho sự phát triển của nghệ thuật tiểu thuyết kể từ thời Henry James.”

Từ thất bại thương mại đến kinh điển toàn cầu

F. Scott Fitzgerald đã không sống để thấy The Great Gatsby được tôn vinh. Khi ông qua đời năm 1940 ở tuổi 44, những bản in đầu tiên của tiểu thuyết vẫn phủ bụi trong kho nhà xuất bản Scribner. Đó là một bi kịch song hành với chính nhân vật Gatsby của ông: một người tin vào giấc mộng và đã chết trước khi thấy nó thành hình.

Cuộc hồi sinh của Gatsby diễn ra sau Thế chiến II, khi 155.000 bản được phát miễn phí cho lính Mỹ qua chương trình Armed Services Editions (sách phục vụ quân đội). Lính Mỹ đọc Gatsby giữa khói lửa chiến trường không chỉ tìm thấy một giấc mơ Mỹ mà họ đang chiến đấu, mà còn là tiếng vọng của sự lạc lối, của nỗi cô đơn và mất phương hướng trong thế kỷ đầy biến động.

Từ thất bại đến kinh điển: Hành trình trăm năm của Gatsby
F. Scott Fitzgerald đã không sống để thấy The Great Gatsby được tôn vinh.

Gatsby, với tất cả sự huy hoàng giả tạo, là hiện thân của một “kẻ mộng mơ hiện đại” - một người tin rằng quá khứ có thể được làm lại nếu ta đủ giàu, đủ khát vọng. Nhưng chính trong sự vươn tới vô vọng đó, Fitzgerald cho ta một chân dung bi tráng của nước Mỹ: một quốc gia sinh ra từ một lý tưởng cao đẹp nhưng luôn bị giằng xé giữa sự siêu việt và vật chất, giữa dân chủ và bất công, giữa lời hứa và phản bội.

Trong tiểu thuyết, ánh đèn xanh cuối bến tàu nhà Buchanan - biểu tượng nổi tiếng nhất của văn học Mỹ - không chỉ là ẩn dụ cho Daisy, người phụ nữ Gatsby yêu, mà còn là biểu tượng cho Giấc mơ Mỹ: lung linh, nhưng luôn ngoài tầm với.

Một New York hiện đại và chia rẽ

Tiểu thuyết diễn ra mùa hè năm 1922, tại một New York vừa bừng tỉnh sau Thế chiến I, nơi làn sóng nhập cư tràn về, nơi phụ nữ giành được quyền bầu cử, và nơi giấc mơ hiện đại bùng nổ giữa những tòa nhà chọc trời và nhạc jazz. Nhưng đó cũng là nơi những vết rạn đầu tiên của nước Mỹ hiện đại lộ diện. Tom Buchanan là hình ảnh điển hình của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ưu sinh, nỗi sợ về “sự tuyệt chủng của người da trắng” - một ám ảnh vang vọng đến tận thế kỷ 21.

Từ thất bại đến kinh điển: Hành trình trăm năm của Gatsby
Sách The Great Gatsby được xuất bản tại Việt Nam. Bản dịch của Trịnh Lữ. Ảnh: Bìnhbook.

Fitzgerald viết về chủng tộc, giai cấp, giới tính không với ngôn ngữ của tuyên ngôn mà bằng những ẩn dụ lặng lẽ nhưng sắc bén: Thung lũng Tro tàn, những chuyến tàu xuyên Manhattan, và những bữa tiệc trác táng - tất cả là hình ảnh của một nước Mỹ hiện đại đang trôi dạt giữa tự do và tha hóa.

Dưới lớp vỏ xa hoa, The Great Gatsby là một tác phẩm về tôn giáo đã mất. Cha Joseph Thomas từng nhận xét rằng Fitzgerald, một người Công giáo bỏ đạo, vẫn không thể thoát khỏi những ám ảnh siêu hình: từ ý tưởng ban đầu về cậu bé trong phòng xưng tội đến hình ảnh đôi mắt khổng lồ của bác sĩ T.J. Eckleburg một “Chúa trời đã chết” trên biển quảng cáo phế thải. Trong một xã hội vắng bóng đức tin, ánh đèn xanh thay thế Thiên Chúa và Gatsby là kẻ hành hương tuyệt vọng.

Sự ám ảnh của Gatsby với Daisy, người ông từng nâng lên thành hình mẫu thiêng liêng trong một nụ hôn, là minh chứng cho sự chuyển hóa của tình yêu thành tôn giáo thế tục. Nhưng chính tình yêu đó là thứ sẽ giết chết anh.

Tại sao Gatsby vẫn sống?

Italo Calvino từng viết: “Tác phẩm kinh điển là tác phẩm không bao giờ nói hết điều nó muốn nói.” The Great Gatsby là như thế. Ở mỗi thế hệ, nó sống lại với nghĩa mới. Thập niên 1950, nó nói về khát vọng hậu chiến. Những năm 1970, nó trở thành tiểu thuyết bắt buộc của thế hệ phản văn hóa. Đến thế kỷ 21, nó là tấm gương phản chiếu bất bình đẳng, bất công, và sự tái định nghĩa giấc mơ Mỹ trong thời đại siêu giàu. Đây không chỉ là câu chuyện của New York, mà còn là giấc mơ được cả thế giới thì thầm trong đêm. Trong bối cảnh ngày nay, cuốn tiểu thuyết về tiền bạc, tình yêu và sự vỡ mộng này đang âm thầm trở thành ẩn dụ cho "nỗi cô đơn thời hiện đại" trong thời đại toàn cầu hóa.

Từ thất bại đến kinh điển: Hành trình trăm năm của Gatsby
Đằng sau vẻ hào nhoáng và quyến rũ, sự căng thẳng giữa con người và thời đại chưa bao giờ thay đổi. Ảnh trong phim The Great Gatsby.

Cộng đồng học thuật Mỹ cũng tận dụng thời điểm kỷ niệm 100 năm này để bắt đầu một vòng thảo luận mới về giá trị văn học của The Great Gatsby. Tạp chí Nation đã đăng một bài viết đặc biệt, nói rằng một trăm năm sau, cuốn tiểu thuyết vẫn như một tấm gương lạnh lẽo, phản chiếu những vết nứt vỡ vụn của Giấc mơ Mỹ. Gatsby đứng bên vịnh và nhìn chằm chằm vào ánh đèn xanh, dường như vẫn đang dự đoán những vấn đề không thể giải quyết về giai cấp, chủng tộc và quyền lực trong thế giới đương đại.

Không ngạc nhiên khi hàng loạt các tác phẩm tái hiện, diễn giải lại Gatsby ra đời: từ tiểu thuyết thơ, truyện ma cà rồng, truyện trinh thám, tiểu thuyết LGBTQ+, cho đến tiểu thuyết đồ họa. Gatsby trở thành một vũ trụ biểu tượng - nơi mọi khao khát và thất bại đều có thể tìm thấy chỗ trú chân.

Một thế kỷ sau, ánh đèn xanh vẫn chưa tới. Giấc mơ Mỹ, nếu từng tồn tại, giờ đây có thể đã vỡ vụn. Nhưng chính vì điều đó, The Great Gatsby lại càng trở nên cần thiết. Nó nhắc nhở ta về nỗi khát khao - điều vẫn làm nên nhân loại, kể cả khi khát vọng ấy dẫn đến hủy diệt. Gatsby vẫn đang nhắc nhở chúng ta sau một trăm năm: con người ở mọi thời đại cuối cùng đều vội vã chạy tới ánh sáng luôn ngoài tầm với theo cách riêng của họ.

Đằng sau vẻ hào nhoáng và quyến rũ, sự căng thẳng giữa con người và thời đại chưa bao giờ thay đổi.

Khi thế giới kỷ niệm sinh nhật 100 năm của Gatsby bằng nhạc kịch Broadway, triển lãm các ấn bản mới, hội thảo... có lẽ lời tri ân sâu sắc nhất ta có thể dành cho Fitzgerald là... đọc lại tiểu thuyết này.

"Huyền tình Dạ Trạch" - dự án phim đặc biệt của Đài PT-TH Hà Nội

"Huyền tình Dạ Trạch" - dự án phim đặc biệt của Đài PT-TH Hà Nội

Baovannghe.vn - Đài PT-TH Hà Nội vừa công bố dự án phim đặc biệt mang tên “Huyền tình Dạ Trạch”, lấy cảm hứng từ chuyện tình Chử Đồng Tử - Tiên Dung.
Traphaco: Đổi mới hệ sinh thái dược phẩm để bứt phá tăng trưởng

Traphaco: Đổi mới hệ sinh thái dược phẩm để bứt phá tăng trưởng

Baovannghe.vn - Năm 2024, trong mảng Đông dược, nhóm sản phẩm cao cấp đạt mức tăng trưởng 49%. Dòng sản phẩm nổi bật nhất là Boganic Premium tăng trưởng 36%.
Bản tin Văn nghệ ngày 17/4/2025

Bản tin Văn nghệ ngày 17/4/2025

Baovannghe.vn - Cầu truyền hình đặc biệt nằm trong loạt chương trình trọng điểm do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Văn nghệ trong đổi mới và hội nhập

Văn nghệ trong đổi mới và hội nhập

Baovannghe.vn - Ngày 29/1/1977, Hội Văn nghệ giải phóng hợp nhất với Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, hai tờ báo Văn nghệ giải phóng Văn nghệ cũng hợp nhất lấy tên là Văn nghệ ra hàng tuần.
"Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam" lần thứ Ba được tổ chức tại Huế

"Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam" lần thứ Ba được tổ chức tại Huế

Baovannghe.vn - Ngày 16/4, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định 1045/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức "Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam" lần thứ ba - Huế 2025.