Chuyên đề

Tư tưởng Phật giáo: Lập trường giáo lý

Paul Williams - Anthony Tribe - Alexander Wynne
Tư liệu
11:22 | 09/08/2024
Đức Phật (nghĩa là Bậc tỉnh thức) được các tín đồ Phật giáo tôn xưng là Bậc đã hoàn toàn giác ngộ chân lý tối hậu của vạn vật.
aa

Thuật ngữ ‘Buddhism’, cùng với các từ phái sinh như ‘Buddhist’ hiển nhiên là tiếng Anh. Chúng có các từ tương đương trong các ngôn ngữ châu Âu khác, như ‘Buddhismus’ và ‘Bouddhisme’. Đối với những người nói tiếng Anh (hoặc tiếng Đức, tiếng Pháp), chúng dùng để chỉ một ‘ism’ (đạo) phái sinh từ ‘Buddha’ (Đức Phật). Đức Phật (trong tiếng Phạn/Pāli nghĩa là Bậc tỉnh thức) được các tín đồ Phật giáo tôn xưng là Bậc đã hoàn toàn giác ngộ chân lý tối hậu của vạn vật, và vì vậy đã giải thoát cho bản thân vĩnh viễn khỏi mọi khổ đau. Với lòng từ bi vô lượng, Ngài cũng đã dạy cho chúng sinh con đường để tự mình giác ngộ. Các vị Phật không được sinh ra như các vị thần, và chắc chắn không thể xem họ là các vị thần bất tử. Xưa kia (cách đây nhiều kiếp) chư Phật cũng giống như chúng ta. Họ đã tự nỗ lực tu tập và trở thành Phật. Một vị Phật siêu việt hơn chúng ta vì đã ‘hiểu về vạn vật như chúng vốn là’. Chúng ta, mặt khác, thì vẫn đang đắm mình trong vô minh (tiếng Phạn: avidyā, Pāli: avijjā) nên luôn bất hạnh và khổ đau.

Việc sử dụng hậu tố ‘-ism’ trong ‘Buddhism’ của tiếng Anh có thể được hiểu là đang nói đến hệ thống thực hành, hiểu biết (‘tín ngưỡng’), kinh nghiệm, tầm nhìn... phái sinh hoặc được cho là phái sinh từ Đức Phật, được trải qua hay thể hiện tại bất kỳ thời điểm đơn lẻ nào cũng như xuyên suốt dòng chảy thời gian. Điều tối thiểu để trở thành Phật tử là đọc ‘quy y Tam Bảo’ ba lần theo phương thức thích hợp do truyền thống Phật giáo quy định. Theo nghĩa rộng, ‘quy y Phật’ là việc lấy Đức Phật làm nơi nương tựa tinh thần rốt ráo, nơi an toàn tuyệt đối (và duy nhất). Ngài đã tuệ tri tường tận nhất có thể và chỉ dạy một cách toàn diện bản chất vạn vật nên đã tự thoát ly khỏi khổ đau và ngăn ngừa nguồn gốc của trạng thái mê lầm và hiểu biết sai lệch về thể bản chất thực của chúng. Thứ hai là ‘quy y Pháp’: Pháp nói về việc vạn vật thực sự ra sao cũng như cách lồng ghép sự hiểu biết về bản chất của vạn vật vào đời sống của chúng ta một cách sâu sắc nhất, theo những lời thuyết giảng của một vị Phật. Thứ ba là ‘quy y Tăng’. Tăng đoàn (Sangha) là đoàn thể những hành giả học và hiểu được Pháp bằng nhiều cách ở nhiều trình độ khác nhau.

Điều quan trọng ở trên là khái niệm thực hành Pháp phái sinh từ Đức Phật, và tiến đến việc thấy được vạn vật theo cách chúng thực sự đang là. Mặc dù niềm tin tất nhiên là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ con đường tâm linh nào (các Phật tử không phủ nhận điều này), Phật tử thường đặt sự ưu tiên không phải là niềm tin mà là sự tu tập, đi theo một đạo tu hành, đồng thời tìm hiểu và tận mắt chứng kiến mọi thứ. Chỉ có niềm tin thì không mang lại hiệu quả thực sự. Trực tiếp ‘nhìn thấy vạn vật như chúng thực sự đang là’ như vậy được cho là sẽ giải thoát người nhìn khỏi những kinh nghiệm mà hầu hết mọi người đều muốn thoát khỏi. Đó là những trải nghiệm như đau đớn, thất vọng, khổ não, phiền muộn – những kinh nghiệm được các Phật tử đưa vào một phạm trù mang tính bao trùm trong tiếng Phạn là duḥkha (Pāli: dukkha), tức là khổ, không viên mãn và không hoàn hảo. Vì vậy, bất kỳ ai được giải thoát thì cuối cùng chắc chắn thoát khỏi mọi kinh nghiệm không như ý. Vì thế, Phật giáo là một giáo lý cứu độ (soteriology). Nói cách khác, nó liên quan đến việc mang lại cho các hành giả sự giải thoát, sự tự do khỏi những trạng thái và kinh nghiệm được coi là tiêu cực, khó chịu và không như ý. Ngược lại, được giải thoát là một trạng thái tích cực, dễ chịu và đáng mong muốn. Do đó, định hướng quan trọng của Phật giáo là hướng tới kinh nghiệm mang tính chuyển hóa của cá nhân, vì không có kinh nghiệm nào không phải là kinh nghiệm cá nhân. Như thế, mối quan tâm hàng đầu và quan trọng nhất của Phật giáo là về tâm trí, hay nói chính xác hơn là sự chuyển hóa tâm, bởi không kinh nghiệm nào không phụ thuộc vào tâm. Sự chuyển hóa tâm này hầu như luôn được cho là phụ thuộc vào và cuối cùng sẽ đạt được bởi bản thân người tu hành vì tâm không thể tự chuyển hóa nếu không có sự tham gia tích cực của bản thân. Phật giáo hiển nhiên trở thành con đường giải thoát có tính cá nhân cao. Con người luôn bị trói buộc bởi tâm của chính mình, và chính nhờ tu tâm mà người ta được giải thoát, từ đó đạt được trạng thái tâm linh cao nhất. Sự chuyển hóa này đưa con người từ trạng thái tinh thần mà Phật tử coi là tiêu cực sang trạng thái tích cực. Cụ thể, đó là sự chuyển hóa từ tham, sân, si và những hậu quả của chúng sang các mặt đối lập của ba trạng thái tiêu cực này – vô tham, từ bi và tuệ giác hoặc trí tuệ cùng với những hệ quả. Chính điều này mang lại sự giải thoát. Việc những trạng thái tiêu cực và tích cực này có ý nghĩa gì, dẫn đến điều gì, người ta sẽ hiểu ra điều gì khi ‘nhìn thấy vạn vật như chúng thực sự đang là’, cái ‘thấy’ nào là cần thiết và thấy như thế nào sẽ hình thành nên nội dung của Phật giáo.

Tôi đã bàn về ‘Phật giáo’ như một khái niệm mà người nói các ngôn ngữ châu Âu (hoặc ‘phương Tây’) coi là một ‘-ism’ bắt nguồn từ Đức Phật. Tuy chắc chắn không thể vừa theo Kitô giáo chính thống, vừa theo Hồi giáo hay Hindu giáo, nhưng ta hoàn toàn có thể vừa trở thành Phật tử vừa gửi gắm niềm tin và cúng dường cho các vị thần Hindu hoặc các vị thần bản địa khác trong văn hóa của mình. Đa số Phật tử đều làm như vậy. Lý do là trở thành Phật tử, theo Kitô giáo và theo Hồi giáo là ba việc khác nhau. Và nếu trở thành Phật tử và trở thành tín đồ Kitô là khác nhau thì Phật giáo và Kitô giáo với tư cách là ‘các tôn giáo’ cũng khác nhau. Richard Gombrich đã tóm tắt toàn bộ về Phật giáo như sau:

Đối với Phật tử, tôn giáo chỉ liên quan đến vấn đề hiểu và thực hành Pháp [tiếng Phạn: Dharma], là các hoạt động góp phần tạo thành bước tiến đến sự giải thoát. Họ quan niệm sự giải thoát (salvation, liberation), một thuật ngữ gắn liền với người Ấn Độ, chính là sự đoạn tận hoàn toàn với tham, sân, si. Bất kỳ ai cũng có thể đạt được sự giải thoát và nó là điều tối hậu duy nhất đáng để đạt được vì đó là niềm hạnh phúc duy nhất không có tính tạm bợ. Một người đã giải thoát sẽ mãi sống như vậy miễn là cơ thể của họ còn được duy trì, nhưng sau đó không còn tái sinh. Vì vậy, họ sẽ không bao giờ phải đau khổ hay phải chết nữa. Đối với Phật tử, tôn giáo là những gì có liên quan đến sự truy cầu giải thoát này và chỉ vậy mà thôi.

(Gombrich 1988: 24)

Theo truyền thống, Phật tử trên khắp thế giới cho rằng vũ trụ có thể chứa nhiều chúng sinh hơn những gì con người thông thường nhìn thấy. Phật tử không phản đối sự tồn tại của các vị thần Hindu mặc dù hoàn toàn phủ nhận sự hiện hữu của một vị Thượng đế, chẳng hạn như Chúa trong Kitô giáo chính thống, được hiểu là vị thần sáng tạo toàn năng, toàn trí, toàn giác, và có thể được coi là một người theo một nghĩa nào đó. Tuy nhiên, khi là một Phật tử, người ta không thể quy y các vị thần Hindu vì các thần này không phải là những vị Phật đã giác ngộ, người nhìn thấy được bản chất thực sự và thực tại tối hậu của vạn vật. Đối với Phật tử, các vị thần Hindu không giống các vị Phật và cũng phải chịu khổ đau. Họ đã tái sinh thành các vị thần do những nghiệp thiện trong quá khứ (chúng ta cũng tái sinh làm người vì những nghiệp thiện tương tự); và họ cũng chết (giống như con người chúng ta), rồi được tái sinh ở nơi khác. Chính chúng ta có thể là các vị thần trong những kiếp sau và các Phật tử cho rằng chúng ta chắc chắn đã từng là các vị thần vô số lần ở vô số kiếp trước đây. Các vị thần có thể được tái sinh làm con người (hoặc tệ hơn – vòng luân hồi bao gồm nhiều cõi như súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục...). Nhưng không gì trong số này cho thấy các vị thần Hindu không tồn tại. Do đó, không có gì chứng tỏ các vị thần Hindu không thể sử dụng quyền năng tác động đến đời sống và các hoạt động của con người. Vậy nên sẽ không có vấn đề gì khi Phật tử cúng dường các vị thần Hindu để thỉnh cầu những đặc ân thỏa đáng.

Trong toàn bộ thế giới Phật giáo, có một cách rất đặc biệt để kết nối với các vị thần và cầu xin sự ưu ái của họ. Đó chính là thông qua việc nhập hồn. Ở nhiều quốc gia Phật giáo (như Sri Lanka, Thái Lan, Miến Điện hoặc Tây Tạng) và cả những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Phật giáo (như Trung Quốc và Nhật Bản), có những người vừa là Phật tử vừa đi vào được một trạng thái xuất thần. Trong trạng thái xuất thần này, họ được một vị thần nhập vào và, chẳng hạn, có thể đưa ra lời khuyên hoặc cho phương thuốc. Những việc như vậy sẽ chỉ trở nên không phù hợp khi Phật tử quy y một vị thần, ngụ ý rằng vị thần đó có chìa khóa mở ra cánh cửa giải thoát cuối cùng. Các vị thần chỉ quan tâm đến thế gian (tiếng Phạn: laukika). Chư Phật là các bậc xuất thế gian (lokuttara), cả về trạng thái và những mối quan tâm rốt ráo đến việc cứu độ chúng sinh của họ. Do đó, trong khi không ai mong đợi nhìn thấy một tín đồ Kitô giáo chính thống cúng dường, lễ lạy và thỉnh cầu các vị thần Hindu, hoặc đi vào trạng thái xuất thần và bị nhập hồn, thì không có gì mâu thuẫn trong Phật giáo khi Phật tử làm như vậy. Trở thành Phật tử trong suy nghĩ của Phật tử khác với trở thành Kitô hữu trong suy nghĩ của Kitô hữu. Việc thực hành ngoại đạo được các tôn giáo chấp nhận ở mức độ khác nhau. Đây không phải là một điển hình về ‘chủ nghĩa hỗn dung trong Phật giáo’, hay ‘Phật giáo quần chúng’ hoặc thậm chí là ‘lòng từ bi của Phật giáo’. Không phải tất cả các tôn giáo đều vận hành theo cách chúng ta mong đợi trên cơ sở của một hoặc các tôn giáo mà chúng ta quen thuộc nhất. Lance Cousins đã nói:

Sẽ là sai khi nghĩ về Phật giáo thuần túy, vì Phật giáo vốn đã hòa trộn với các tôn giáo khác và thậm chí đã thoái hóa ở các dạng thức sau này. Thật vậy, Phật giáo thuần túy chưa từng tồn tại. Phật giáo luôn tồn tại song song với các tín ngưỡng và thực hành tôn giáo khác. Phật giáo thường không chú trọng về các hoạt động nghi lễ của con người bởi chúng không mang lại lợi ích gì cho con đường giải thoát tâm linh. Sức mạnh của Phật giáo có lẽ nằm ở chính sự không hoàn thiện này... [Các thực hành tín ngưỡng/tôn giáo này, chẳng hạn như việc kết nối với các vị thần địa phương, vẫn có thể được thực hiện miễn là mục tiêu chính không bị mất đi... [Chừng nào mục tiêu cứu độ, nghĩa là sự giải thoát, vẫn còn được quan tâm thì chúng] không có hại gì.

(Cousins 1998: 372)

Theo những gì chúng ta biết thì Phật giáo luôn như vậy. Không có giai đoạn nào trong quá khứ mà nó khác đi, hoặc kỳ vọng là khác đi. Vị vua vĩ đại theo Phật giáo của Ấn Độ Aśoka (thế kỷ thứ ba trước Tây lịch) đã cúng dường các bậc đạo sư ngoại đạo và các tôn giáo không phải là Phật giáo. Rõ ràng ông cũng đã cúng dường các vị thần ngoài Phật giáo. Khi các gia chủ thời xưa gặp gỡ, tin tưởng, yêu mến Đức Phật và ‘quy y’ Ngài, chúng ta không nên nghĩ rằng vì vậy mà họ đã hoàn toàn dừng việc cúng dường cho các đạo sư hoặc thần thánh khác. Do đó, trong cộng đồng làng xã của mình, họ vừa là ‘người theo đạo Hindu’ vừa là ‘Phật tử’ (nếu người ta phải sử dụng các phân loại phương Tây hiện đại này). Nhưng nếu thật sự thấy Đức Phật đã giác ngộ, và chấp nhận rằng giáo lý của Ngài khác với giáo lý của các đạo sư ngoại đạo, thì họ sẽ không quy y những vị đạo sư đó như là cội nguồn của sự thật và sự giải thoát cuối cùng. Họ có thể sẽ nghĩ về Đức Phật như vị thầy đặc biệt của mình, người mà họ đặt trọn niềm tin ở giai đoạn cuối đời, người mà họ muốn là người giúp đỡ mình nhất khi lâm chung.

Tư tưởng Phật giáo: Lập trường giáo lý
Sách "Tư tưởng Phật Giáo". Ảnh Omega+

Bài được trích từ sách “Tư tưởng Phật Giáo – Một giới thiệu toàn diện về truyền thống Ấn Độ” của tác giả Paul Williams, Anthony Tribe, Alexander Wynne - Diệu Như dịch.

Ba tác giả đều là những nhà nghiên cứu Phật học uy tín ở Đại học Oxford, cuốn sách giới thiệu tổng quan về tư tưởng & triết lý Phật giáo, đồng thời mô tả và đối chiếu các trường phái tư tưởng khác nhau, là một cuốn sách có giá trị trong nghiên cứu tôn giáo, thần học, văn hóa và triết học.

Cú sốc. Truyện ngắn của Bích Ngân

Cú sốc. Truyện ngắn của Bích Ngân

Baovannghe.vn - My chìm vào giấc ngủ. Mái tóc phủ kín chiếc gối ôm lấy gương mặt ngời ngợi hạnh phúc. Gương mặt My bình yên theo nhịp thở, trôi nổi phiêu bồng
Ngọn gió xuân - Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh

Ngọn gió xuân - Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh

Baovannghe.vn- Làm sao cầm được ngọn gió xuân tràn về/ Để nghe hơi ấm đầy sớm mai chớm lạnh
Hội thảo khoa học "Tổng trấn Nguyễn Văn Thành (1758-1817) với Thăng Long - Hà Nội"

Hội thảo khoa học "Tổng trấn Nguyễn Văn Thành (1758-1817) với Thăng Long - Hà Nội"

Baovannghe.vn - Hướng tới kỷ niệm 220 năm xây dựng công trình Khuê Văn Các - biểu tượng của Thủ đô Hà Nội (1805-2025), sáng 19/12/2024, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tổ chức hội thảo khoa học về Tổng trấn Nguyễn Văn Thành (1758-1817), một danh nhân văn hóa đã để lại dấu ấn đặc biệt trên mảnh đất Thủ đô.
Từ láy trong thơ Hồ Xuân Hương

Từ láy trong thơ Hồ Xuân Hương

Baovannghe.vn - Những từ láy tạo thanh mà Hồ Xuân Hương dùng không nhiều nhưng rất đắt, rất độc đáo, và thể hiện rất đúng chức năng của nó.
Lập thể tình yêu - Thơ Hồ Thế Sinh

Lập thể tình yêu - Thơ Hồ Thế Sinh

Baovannghe.vn- Thoảng thi rưng rức thịt da/ để còn thổn thức đàn bà đàn ông