Hắn đấy, một người bạn của chúng tôi, Trần Ngọc Tuấn, quê Quảng Ngãi, sống Đồng Nai, thơ “in nhiều lắm rồi, bao nhiêu bài không nhớ nổi”; rồi một buổi chiều Trà Vinh, tôi chợt có ý định viết về Tuấn, về những dòng thơ thiền, nhẹ, sâu nhưng không đơn giản, là những giọt sương trên cỏ khiêm cung, những hạt bụi nước long lanh lặng lẽ, nhưng nếu biết nhìn sẽ thấy cả trời xanh và mắt xanh biêng biếc. Bọn tôi thường nói về bạn mình bằng cụm từ hiền lành: Tuấn Đồng Nai hồn nhiên xanh.
Hắn đấy, vẫn đang hồn nhiên, cười vỗ trán, khe khẽ trổ thơ với vài ba người bạn cùng “một lứa bên trời lận đận”: Tay nâng giọt nước ân tình/ Thấy trong hiện hữu có hình muôn hoa. Ừ thì đó cũng là cái cách biểu lộ tình cảm của một gã thơ thiền, vốn an nhiên tự tại được quá nửa người (nửa in ít kia xin để cho đời mưu sinh, trách nhiệm với vợ con, gia đình).
Hắn đấy: “Cánh én liệng, nụ hoa xinh/ Tình người chân thật, hồn mình an nhiên” (Kho báu)
Nhà thơ Trần Ngọc Tuấn |
Tháng 8 năm 1998, Tuấn và tôi cùng dự Hội nghị những người viết văn trẻ tại Hà Nội, cùng là những chàng trai miền Nam mang ánh mắt ngơ ngác của nai vàng đến với thủ đô. Tôi lúc đó cũng thơ như Tuấn, (sau chuyến ấy mới chuyển sang văn xuôi). Trong Hội nghị ai lên giọng xuống giọng mặc kệ, chúng tôi cứ cười hề hề suốt ngày, xét cho cùng cũng mấy chuyện “văn học chi ngoại” thôi mà. Lứa ấy mấy chàng trong Nam ra có Trần Ngọc Tuấn, Nguyễn Một, Mai Thìn, Trần Thế Vinh và tôi, có vài người nữa nhưng tôi không nhớ. Sau này, 5 đứa tôi đều vào Hội Nhà Văn Việt Nam và đều đang viết sung sức. Riêng Tuấn, anh chọn con đường khá thầm lặng với dòng thơ thiền của mình, mà sự nổi tiếng của anh cũng bởi cái thâm trầm ấy.
Cho đến giờ này, tôi có trong tủ sách của mình gần đủ 8 tập thơ của Trần Ngọc Tuấn: Giữa cỏ (1996), Chân chim hóa thạch (1998), Con mắt dã quỳ (2000), Suối reo (2006), Hiện hữu (2013), Chân thân (2018)… Nhưng với tôi, 3 tập thơ gần đây nhất Trần Ngọc Tuấn đã thực sự định hình và chín muồi một cá tính sáng tạo: Thơ thiền.
Tuấn hiền lành, chỉn chu, nụ cười luôn trên môi, không như những nhà thơ khác, đa phần vốn “Ta với giang hồ có nợ duyên/ Có yêu thương và cả những ưu phiền” (Trần Viễn Sơn). Thơ Tuấn cũng vậy, luôn tìm đến cõi bình an thật sự: Lắng nghe/ Khổ não Trần gian/ Trở về chân tánh/ Bình an hiển bày. (Lắng nghe)
Thơ Tuấn thường cô đọng, thỉnh thoảng cũng có những bài có vẻ dài mà tôi lại thích, chẳng hạn Một hôm: Một hôm đối diện chính mình/ Mừng còn nhịp đập chân tình trong tim.
Tuấn rượu cũng gọi là tạm, mỗi khi rượu vào lời ra, Tuấn say nhưng vẫn có cách nói thơ thiền cùng với nụ cười hề hề muôn thuở. “In vino veritas”, thành ngữ Latin, trong rượu có sự thật, Tuấn sống và say đúng như thơ. Thật trăm phần trăm. Thật như đếm được. Kể vậy cũng hiếm! Cũng nhờ những lúc rượu mà mạch thơ Tuấn mênh mang chan chứa hơn nhiều: Người trong gương có phải mình/ Hay là ảo ảnh hiện hình chân thân. (Chân thân). Hồn nhiên xanh lá trên cành/ Không hay sâu bọ loanh quanh bóng mình/ … Hồn nhiên xanh đến hết mình/ Không hay cơn gió bội tình vừa qua (Hồn nhiên)
Trong đời sống, Tuấn chừng mực, hòa nhan ái ngữ, anh luôn hết lòng vì bạn bè văn chương, không đến nỗi “Không hay cơn gió bội tình vừa qua”, vì tính chỉn chu của Tuấn nên tôi tin anh chỉ một lòng yêu vợ yêu con thì làm gì có ai bội tình.
Những lúc đi trại sáng tác, hội thảo hoặc Đại hội chung Tuấn luôn là trung tâm của bạn bè vì Tuấn luôn vui vẻ, anh có tài hóa giải được mọi bất đồng, kể cả bất đồng về học thuật bởi có lẽ trong thâm tâm anh coi mọi chuyện cứ như không, cứ là nhỏ hết nên cái dễ dàng ấy lây sang mọi người: Vui gì mấy đóa hoa rơi/ Mấy thân mục rữa, mấy lời ngoa ngôn/ Về ngồi giữa đỉnh núi non/ Nghe tâm thanh lọc mất- còn, có- không (Giữa núi). Thong dong/ Một chiếc thuyền không/ Mặc thu vàng lá/ Mặc đông buốt chiều. (Thuyền không)
Trần Ngọc Tuấn là vậy đó, không chấp nhất gì ai bao giờ, bạn bè hoặc ai đó có điều gì không phải, Tuấn luôn cười trừ và buông gọn một tiếng: “Tội!”, thế thôi, thế là đúng với người thơ, người thiền: Không chấp người/ Không chấp ta/ Rừng hoang/ Thung vắng/ Vào ra nhẹ nhàng. (Vô chấp)
Cả khúc ruột miền Trung giáp tới miền Đông có mấy, dăm thằng đau mộng văn chương, mộng hòa bình, mộng đi qua lý lịch, mộng tìm tơ nắng trời cao, rồi bao lần đập vỡ mình ra và sắp xếp lại, nhưng có được đâu. Một lứa lận đận mang bút đi cày xới khắp cõi ba miền tìm tứ thơ, tứ văn, ngơ ngác ngu ngơ đối mặt với gió đời kinh dị. Góp mặt với đời bằng những dòng thơ dòng văn đau đời, đau mình nhưng tựu trung vẫn là hiền. Dù là bạn bè một lứa lận đận, “Tuấn Đồng Nai hồn nhiên xanh” đã biết cách dìu ba đào về chân trời khác từ trước chúng tôi rất lâu. Thơ Tuấn hay vì tất cả những điều ấy!
Nguồn Văn nghệ số 47/2020