Sáng tác

Tuấn mã. Truyện ngắn của Giai Du

Giai Du
Truyện
08:00 | 25/01/2025
Baovannghe.vn - Nhà này cũng có gia phong, thầy cũng là đồ làm sư, cũng gõ đầu trạng nguyên bảng nhãn, chứ có thua chị kém anh nào! Do cái thời cái thế loạn lạc nó chèn ép con chữ không cho lớn, phải, đang thời binh đao hỗn độn, con chữ không lớn nổi.
aa

1.

Sáng nay, tiếng dao thớt gõ kí cốc ngoài sân làm Thuấn tỉnh giấc. Trời còn tối mù, trăng lưỡi liềm treo ngọn đa. Nó bỏ chân xuống phản. Chà! Mặt đất buốt sương, gà còn chưa gáy, rõ ràng chưa đến ngày mới. Canh mấy rồi nhỉ? Trống cầm canh không thấy khua. Người nhớn trong nhà không định ngủ hay sao? Thuấn giẫm lên sương mai mà đi, rón rén dựa vách cửa. Ngoài sân người ta đang giết lợn đấy, nhưng chẳng biết là đãi ai. Con lợn này chân cu da giấy, là lợn tốt dễ nuôi chứ không xoàng. Mùi máu nồng quá! Thuấn bịt mũi chạy.

Đến chái bếp, nó đụng phải Thường đang xách quang cỏ đi vào. Thường nghiêng sang, né thằng bé. Tiếng vòng vàng, kiềng nhẫn va lanh canh.

“Ối giời, ai đấy hử, lướt phăng phăng cứ như ma ý! Ồ, ai đây? Ông giời con, đuổi bắt với ma đấy à mà cuống cà kê lên thế! Sao không ngủ?”

Tuấn mã. Truyện ngắn của Giai Du
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Thường lùi lại hai ba bước, guốc khua lốc cốc, có lẽ vì vội chạy mà vừa rồi Thuấn không nghe thấy tiếng chân chị vào. Thuấn nhìn xuống đôi guốc mộc. Ái chà, Thường hôm nay làm duyên làm dáng tợn, chẳng biết khuya khoắt thế này là để ai nhìn. Canh này ấy à? Người thì chưa thức mà ma chuẩn bị đi ngủ rồi, chị diện cho bề nào xem đấy hử? Gớm chưa, nay đến chị Thường còn biết chưng diện. Kìa, đôi guốc mộc khảm một bông hoa cúc bé tí bằng xà cừ ở gót, mỗi lần nhấc chân lên, phải để ý kĩ lắm mới thấy he hé một ánh chớp tắt, nhưng trong đêm ngập ánh giăng, nó loé sáng như đâm vào mắt, không muốn để ý cũng chẳng đặng đừng. Quai đeo da thuộc chắc lẳn, còn mới tinh, được đánh sạch bóng hới như cố tình cho không còn ai nhận ra là làm bằng da trâu nữa. Cả thân guốc được mài nhẵn mịn phết dầu lanh, cho bàn chân con gái thêm phần bóng bẩy. Ồ, nhắc đến đôi chân lại phải nói, còn đâu đôi chân thô ráp cáu bẩn thường ngày. Hẳn chị phải mất cả ngày hôm qua ra bến sông Bồ Đề chà rửa nó thật sạch, tỉa tót móng khoé gọn gàng, lấy đá sạt bong hết lớp chai đi, để giờ hiện ra đôi chân nõn nà mềm mại đây. Mà phải nhẽ, guốc này phải đi với chân ấy mới xứng, nên buộc lòng mới đòi hỏi chút kì công rửa ráy.

Lần đầu bu mua cho đôi guốc, chị nhận mà tay run cầm cập, nói rằng giời ơi món này là người ta ăn trắng mặc trơn mới dùng, ai như nhà mình lại phí của cho một thứ đem đạp xuống đất. Chị cất ngay vào hòm riêng, khoá lại, có bao giờ tơ tưởng đến chuyện mang đôi guốc ấy đâu chứ, bảo để dành đến lúc lấy chồng.

Thế mà Thường đã lấy chồng đâu, sao hôm nay lại mang nó đi xách cỏ?

“Mà này! Lên giường ngủ đi chứ!” Thường nói tiếp và hình như lại dịch người, làm mấy chiếc vòng tay kêu lổn cổn.

Chị xoa đầu thằng nhóc, như muốn vỗ về. Đến giờ Thuấn mới để ý, Thường đâu chỉ mang mỗi đôi guốc quý, dường như có thứ châu báu ngọc ngà nào, đồ trang sức tế nhuyễn nào, lụa là gấm vóc nào, kiềng nhẫn chuỗi hạt nào, chị cũng đều đem ra quấn hết lên người mình. Dân quê ai lại mua trang sức để đeo bao giờ, người ta mua trang sức là để làm của, để giữ đó khi nào cần kíp thì lấy ra bán đi. Hiếm hoi lắm, người ta mới phải đeo để điểm trang đôi chút trong những dịp quan trọng, để còn cái uy phong mà hất mặt nhìn đời. Chị ngẩn thật rồi, trang sức ai lại đeo như thế, diêm dúa hết phần thiên hạ!

Xem kìa! Chuỗi ngọc đeo tay hạt bồ đề, trên tóc còn ghim trâm bạc, cài thêm lược gỗ. Xem kìa! Kiềng đeo cổ có khoá vàng hình vân mây lượn sóng, điểm viên ngọc bích nhỏ tí hin. Rồi là những vòng đá, vòng bạc, điểm mai điểm thuý, điểm chim trĩ nhãn cẩn hạt cườm, trâm bạc cài đầu khắc bông sen. Thảy đều như mới. Thuấn giật mình, chẳng lẽ nhà nó nhiều của nả vậy mà nó không biết? Hay là…

“Chị sắp đi theo chồng hay sao mà ăn mặc lạ lùng vậy?” Thuấn hỏi. Đầu nó chỉ nghĩ đến mỗi viễn cảnh chị mình đi lấy chồng, dù gì thầy bu cũng đã hối thúc chuyện cưới xin của Thường lâu nay rồi.

Nhà này cũng có gia phong, thầy cũng là đồ làm sư, cũng gõ đầu trạng nguyên bảng nhãn, chứ có thua chị kém anh nào! Do cái thời cái thế loạn lạc nó chèn ép con chữ không cho lớn, phải, đang thời binh đao hỗn độn, con chữ không lớn nổi. Nhưng chẳng sao, đợi đến thời bình, những đồ những sư lại phất lên mấy hồi. Thầy đã nói rồi, chỉ cần bờ cõi này được bình định, vinh hoa sẽ lại về tay người có học ngay.

“Nỡm này… Nói gì thế hả? Cốc đầu cho bây giờ!” Nhắc chuyện cưới hỏi, có lẽ Thường thẹn, nhưng vẫn mỉm cười.

“Nhưng đẹp không, giống quý nữ về nhà chồng không?”

“Thưa không, như bà Chúa nào ấy chứ không phải thiếu nữ, chị ăn mặc bình thường đã đủ đẹp rồi.” Thuấn lắc đầu nguầy nguậy.

Thuấn liếc xéo chị. Quang cỏ đầy ắp, dậy lên mùi cỏ tươi ngai ngái. Thứ cỏ tươi non mềm mịn, mơn mởn này cho người ăn còn thích, huống gì cho trâu bò ăn. Nhưng sao nhiều cỏ thế nhỉ, và ai là người đã xắn tay nhổ hết đống này, nhà cũng chẳng có trâu bò gì, mà có đi chăng nữa thì cũng tự thả rông đi ăn, chứ bắt phát gom về rồi dâng tận miệng như quan như tướng thì làm gì có? Từ qua đến giờ mọi người cứ làm như có cỗ bàn khoản đãi gì lớn lắm, đón nghè vinh quy thì không phải rồi, thời này ai mà tổ chức thi thố nữa, mà nghè thì cũng chẳng ăn cỏ, nghè ăn chữ thôi.

Thuấn xoay đầu lại, hỏi:

“Cỏ này đem bán hả chị?”

“Không đâu, cho ngựa ăn đấy! Không biết gì à, Bình Định Vương lập bản doanh chỗ mình. Làng nước đang góp sức nuôi quân.”

Thuấn há hốc mồm, định hỏi Bình Định Vương chị nói có phải Bình Định Vương mà ai cũng biết không, sao Thường nhắc đến Ngài ấy với cái vẻ qua loa đại khái như nhắc gã hàng xóm nào vậy. Mà Bình Định Vương ra Đông Quan làm gì, vào làng Bồ Đề làm gì? Dựa theo thế đất nơi này và tình cảnh đất nước hiện tại thì chỉ có một lí do duy nhất thôi…

“Chị cứ khéo trêu em!”

“Muốn trêu ai lại đem Vương ra trêu, có dở hơi không đấy!” Thường dẩu mỏ nhìn thằng bé kéo cái quang cỏ ra. “Không tin chứ gì, đi hỏi là biết thôi.”

Hỏi ai cơ? Người nhớn chẳng bao giờ nói chuyện dân tình thế thái với nó.

“Thế chị ăn diện như vậy là để Vương xem chắc?” Ái chà! Ra thế, ra thế! Hôm nay trạch biết đẻ ngọn đa nhỉ? Dứt lời, Thuấn vội gánh cái quang lên vai, co cẳng chạy biến.

À, vậy chắc không phải Vương, nhưng với Thường thì không vương cũng là tướng thôi nhỉ. Chắc là tướng tài nào đấy trong số quân ta.

2.

Nhong nhong nhong nhong… Mở đường cho ngựa Vương tiến tới nào, phải đấy, các người cứ nhìn đi! Dù chỉ là con ngựa, nhưng ngựa quý nhờ người cưỡi, kẻ đang ngồi chĩnh chện trên lưng ta đây là Bình Định Vương đấy. Oai phong không, ta là con ngựa oai phong nhất trong giống ngựa. Các người cứ trố mắt mà nhìn, cứ nhìn cho thật kĩ vào. Trống giong cờ mở đây nhé, tiền hô hậu ủng đây nhé, vó khoan vó nhặt đây nhé, lộc cà lộc cộc đây nhé! Ngựa chín hồng mao còn chẳng quý bằng ta, đúng là con ngựa có thừa hênh hoang trong giống ngựa.

Tuấn mã. Truyện ngắn của Giai Du
Minh họa Vũ Đình Tuấn

Nhong nhong nhong nhong… Vó trước vó sau, Vương thúc dây cương, hây da, ngựa hí vang trời, động đến cao xanh! Vương ta đến đây để ép bọn Vương Thông trốn trong Đông Quan ra hàng, nếu chúng biết khôn ra hàng càng sớm thì càng có lợi cho chúng. Chứ lần lữa mãi, cứng đầu mãi thì ta sẽ một vó đạp nát óc chúng ra. Đừng nghĩ ngựa nước Nam thua ngựa phương Bắc, vật tốt hay không nhờ ở chủ chăm, người huấn luyện ngựa tốt ắt sẽ cho ra được những con ngựa dũng mãnh. Đại Việt cũng mấy phen giành lại độc lập từ trên lưng ngựa chứ đâu. Ngựa thời bình kéo xe đẩy hàng, dốc sức mình xây nền thịnh trị cho bá tánh, ngựa thời chiến ngang tàng dũng mãnh, xông thẳng vào gươm giáo quân thù để bình định giang sơn xã tắc. Người ta yêu Vương, ắt phải yêu thú cưỡi của Vương.

Tuy vậy, cá trong lờ đỏ hoe con mắt, cá ngoài lờ ngúc ngoắc muốn vô. Các người đừng nhìn những cái đẹp đẽ ta có mà nghĩ số ta tốt, đừng quên ta đã phải trải qua những gì để có được cái ngày vẻ vang hôm nay, và có thể tương lai ta sẽ còn phải chịu đựng những gì. Sướng thì chẳng thấy đâu, chỉ thấy kiếp trâu kiếp ngựa nó phải lao lung thế rồi! Ta đã cùng Vương trải qua bao nhiêu trận chiến lớn nhỏ, đã vào sinh ra tử bao phen. Trận Tây Đô vừa rồi quân địch đánh rát quá, suýt thì chết, ta bảo ôi thôi thế là tiêu đời một con chiến mã, nhưng số ta nào dễ bị đánh gục đến thế. May sao, có tin từ trận Tuỵ Động gửi về, phiến quân thắng vẻ vang, ấy là nhờ mưu lược của Bình Định Vương và các tướng lĩnh của Ngài.

Xem đây, các ngươi thấy vết thương to đùng trên cổ ta chứ, ăn một giáo khủng khiếp. Lẽ ra ta phải gục ngay lúc đấy rồi, nhưng ta nào phải con ngựa tầm thường, ta quyết không để Vương ngã ngựa, bốn chân ta vẫn bám trên đất, vững như sắt như đồng. Ngược lại, cái đau và mùi máu chiến trường thúc ta lồng lộn lên, ta như con quỷ dữ, ta nghĩ nếu xác định là chết rồi thì còn gì để mất nữa đâu, nên quyết liều một phen. Ta cất vó, hí vang, mắt ta long sòng sọc và dường như cả cơ thể ta như bị thần nhập, lại xông đến.

Bình Định Vương ngờ ngợ rằng ta không phải một con vật tầm thường. Đáng lí, ngựa bị ăn một nhát đâm khủng khiếp thế này thì chẳng ai muốn giữ lại. Nhưng khi từ trận địa quay về, Ngài ấy liền gọi người luyện ngựa cùng các y sĩ đến, bảo:

“Phải dốc hết sức cứu con vật này. Nó không phải giống tầm thường!”

Ta có sức sống tiềm tàng, lại nhờ ơn mưa móc, rốt cuộc cũng vượt qua cảnh hiểm, sống vẻ vang đến hôm nay để thấy ánh mặt trời và hai gốc cây Bồ Đề khổng lồ kì quặc kia. Ngẫm xem, trận ở bến Bổng đội quân của Vương thu về hơn một trăm con ngựa, trong một trăm con, Vương chọn ra ta và một đồng đội khác để làm thú cưỡi. Nếu không phải đã nhìn thấy khí phách của ta thì Ngài có chọn ta cho nhiệm vụ quan trọng đến thế hay không?

Từ chiến thắng Tuỵ Động, nghĩa quân thừa cơ tiến ra Đông Quan, nhưng đám người trong thành cố thủ quá, nghe ngóng được là chúng đang muốn chờ viện binh sang. Tụi ta đành chọn thế đất tốt, lập bản doanh để đợi thời cơ thích hợp mà hạ thành. Riêng ta thì cầu cho chúng biết tự lượng sức mà ra hàng, chứ ta không muốn có một cuộc đổ máu nào nữa, thoát chết được lần một chứ khó mà thoát chết lần hai. Có khi, với vết thương trên cổ, ta không được Vương chọn để cưỡi ra trận lần tới, ta có thể đi cùng Ngài lúc bình thường, nhưng trong trận mạc thì e là khó lòng để cho Ngài chọn, dù được yêu được chuộng và có công cán ít nhiều, nhưng nay, ta đã thành phế vật rồi.

Vậy thì sao chứ, hồi đại quân vượt đường sông ra Bắc, đem theo hai mươi con voi, lũ voi thì sồ sề, thân hình bồ tượng của chúng tuy lấn át kẻ khác nhưng lại chậm rì rì, nên Vương vẫn chọn ta làm thú cưỡi, chứ chẳng leo lên lưng tụi voi làm gì. Chỉ có ngựa mới thể hiện đủ cái uy nghi của anh hùng, thân ngựa chắc đậm, gọn ghẽ, người ta nhìn vào thấy cả người lẫn ngựa.

A, có người đem cỏ đến, từ xa đã nghe thấy mùi cỏ non tươi nức mũi, dân làng này thảo lảo quá, cái gì cũng đem cho! Ồ, một thằng bé đáng yêu, trẻ con ở đây cũng mến tướng quân chúng ta quá, hăng hái cắt cỏ, gánh cỏ nuôi ngựa của tướng quân. Ta ở trong chuồng mãi cũng chồn chân lắm rồi, ta thèm được bay nhảy, nhưng số loài ngựa là phải ở trong chuồng, cũng đành vậy thôi.

Mi nói sao, bọn Vương Thông trong thành bắn thư ra à? Thư viết gì, xin hàng nộp thành chứ hả, hay chiêu an? Nếu chiêu an thì không thành đâu, Bình Định Vương không bao giờ nhún nhường bọn xâm lược, trừ cái hồi còn yếu ớt nên buộc phải cầu hoà thôi. Cha chả, thư định ngày hàng? Nghe mùi biến báo nồng nặc chưa, rõ ràng muốn lần chần để đợi tiếp viện đấy. Ta hiểu, Vương buộc phải chờ thêm, đã đành. Bây giờ địch gửi thư ra thế rồi, chúng ta không hèn mà đuổi cùng giết tận được, dẫu thừa biết có keo kế chi đây. Không sao, Vương và quân sư của Ngài hẳn sẽ biết khi nào cần tiến và khi nào cần lui. Đâu đến lượt đứa con nít hôi sữa như ngươi phải lo lắng!

Ô hay, Vương đến kìa, nhóc, ngươi biết đấy là ai không? Bình Định Vương đấy, tướng quân của chúng ta đấy, sao ngươi không chào? Này ông giời con, đừng nói ngươi không biết Vương mặt ngang mũi dọc ra sao đấy nhé, ngươi đừng nhầm Ngài với một viên tướng bình thường, hình dong điệu bộ khác thường, tướng mạo uy vũ đến thế mà chẳng lẽ ngươi không nhận ra hay sao?

3.

“Này, cậu bé, cho ngựa ăn đấy à?”

Người đàn ông to cao, thân hổ vai gấu hỏi Thuấn.

“Thưa vâng, đây là ngựa của Bình Định Vương. Con đang cho ngựa ăn, cỏ này mọc ven bờ sông Bồ Đề đấy, nước sông dâng cao rồi hạ xuống, đất bên bờ sông ngấm phù sa nên lau lách cỏ dại mọc rất tốt. Ngựa Ông sẽ thích!” Thằng bé trả lời. Trong đầu nó nghĩ chắc đây là một tướng quân nào đó trong đại binh. Giờ này Bình Định Vương hẳn đang ở doanh trại Bồ Đề với quân sư của Ngài ấy.

“Cậu bé tên gì?”

“Thưa, con tên Thuấn.”

Trên mặt người đàn ông, cặp lông mày nhíu lại hình chữ bát, gặng hỏi:

“Sao lại tên Thuấn? Ngươi có lộn với Thân, Thuần hay không?”

“Thưa…” Cậu bé bối rối, đặt cái bồ cỏ xuống rồi chùi hai tay vào cái áo nâu rách tướp. Quả vậy, nó tự gọi và tự xưng mình là Thuấn vì thấy tên này hay, nó tên Thân mới đúng. Nhưng tại sao vị kia lại nhận ra khi cả hai chỉ mới gặp lần đầu, và nhìn sắc mặt Ngài dường như có điều chi không vừa ý.

“Ta nói này, Thuấn không phải tên để đặt cho con nhà nông phu. Thật tình, ai muốn đặt gì thì đặt. Nhưng tên Thuấn thì lạ lắm, nên ta nghe là biết ngay. Ngươi biết chữ Thuấn phạm huý đến ai không?” Tướng hơi cúi người khi nói chuyện với cậu bé, như muốn thể hiện rằng cậu không cần phải sợ.

“Thưa, không ạ!” Thuấn lại càng sợ hãi tợn, nó né ánh mắt đang ghim vào mình.

“Đế Thuấn là tên một vị vua mẫu mực trong sử sách Trung Hoa.”

Dường như trong lời của người nọ chứa hàm ý gì sâu xa lắm, nhưng với thằng bé, nó chỉ biết là mình đã vô tình gọi bản thân bằng tên của một ông vua, nó thấy vui vui.

“Thế ạ, con không biết.” Lòng nó tở mở.

Thằng bé này, Đại Vương bỗng nghĩ, rốt cuộc là nó ngây thơ không biết, hay là nó có chí lập thân ngay từ tấm bé. Không, nó còn con nít thế kia, trông cũng chẳng có điểm dị hình, mà việc này cũng không đáng để xem là dị tượng. Chỉ hiềm nỗi, để thế thì không được, phải sửa ngay cho nó.

“Chính vì vậy mà ngươi không nên sử dụng cái tên này. Nếu vị vua đa nghi nào nghe được, sẽ có nguy to đấy!” Ngài hắng giọng, đe thằng bé.

“Cậu bé là con ai?”

“Thưa, con thầy đồ Kiểm trong làng.”

“Con thầy đồ vậy hẳn cũng biết chữ nhỉ? Đã đọc được những gì rồi.”

Thuấn đọc cũng khá, nhưng bỗng nhiên lúng túng quá, nó sợ nói ra sách mình đọc thì lại bị hỏi dồn là sách ấy nói những gì, bảo nó nêu chính kiến về việc bình thiên trị quốc, nó đâu có biết. Nó đành kể bừa ra cái tên mình thích nhất và đã đọc đi đọc lại nhiều lần:

“Chỉ… Con thích nhất là Sơn Hải Kinh…”

Người to lớn nén cười nhưng không được. Chà, thằng bé suy cho cùng vẫn chỉ là trẻ con thôi!

“Những sách ấy đọc vui trong buổi nhàn rỗi thì được. Song, vẫn phải dành toàn tâm toàn ý cho những sách đạo nghĩa, thuật bình thiên trị quốc, kinh bang tế thế, có vậy mới làm nên việc lớn!”

Rón rén, Thuấn trút hết bồ cỏ vào máng ngựa, rồi vòng tay ôm cái bồ như ôm bọc của, mắt không nhìn thẳng, rụt rè như rùa rụt cổ.

“Vâng, Ngài dạy phải, nhưng con thiết nghĩ…”

Vương quát một tiếng: “Nào, ngẩng mặt lên nhìn ta mà nói, vai ưỡn cổ thẳng. Thế khiêm cung là thế của kẻ tiểu nhân!”

Như quân lệnh kề tai, Thuấn dựng thẳng lưng, mắt nhìn người đối diện, nhãn tròng ứ nước long lên như sắp khóc. Nhưng cậu bé kiếm ra được bình tĩnh, hít sâu một hơi, trả lời: “Thưa, con nghĩ Sơn Hải Kinh rất hay, Lĩnh Nam Chích Quái cũng rất hay. Tất nhiên, sách dạy trị quốc bình thiên hạ, những huấn thị về đạo, về lí, về lễ là các loại kinh điển mà ai cũng buộc phải học. Nhưng nhân dân không chỉ sống vì những binh pháp, những chiến lược, những tấm gương mẫu mực hay những gương tày liếp, nhân dân còn sống vì những câu chuyện truyền kì, những lời đồn đại cổ quái.”

“Ý cậu nhỏ là…” Lần đầu tiên Vương nghe một người bảo truyền kì là thứ có ích, trong khi chúng rõ ràng chỉ có tác dụng để mua vui khi rỗi rãi. Người chính nhân quân tử đáng lí phải tránh những chuyện nhảm nhí để không phải ngu độn đi mới đúng.

“Muốn có được lòng dân, hãy xây dựng những huyền tích. Dân ta thích ngồi hàn huyên những chuyện kì quái, càng kì quái càng được ưa chuộng và đồn đãi, dùng để bồi chuyện giữa chuỗi ngày nhàm chán. Chữ viết và các loại sách nghiêm túc dạy được kẻ sĩ, nhưng phần đa để dạy dân chúng, hãy kể những câu chuyện quái dị. Con nghĩ thế!”

Một thứ gì đó chạm vào người Vương như một đầu cỏ mảnh đâm vào da thịt. Vương bật cười, ngốc thật, ngớ ngẩn thật, nhưng cũng không xoàng xĩnh tí nào. Đồ Kiểm cũng giỏi đấy, nuôi ra một bé trai ngộ nghĩnh có những ý tưởng táo bạo. Nhưng thôi, Ngài không chấp, chỉ vỗ đầu thằng bé.

“Được rồi, cảm tạ cậu bé đã cho ngựa ăn. Ta rất mến trẻ con, có dịp sẽ hội ngộ!”

Thuấn cúi chào, ôm bồ cỏ bỏ đi, không biết nó có bị dọa sợ rồi sau này không còn dám bén mảng đến cho ngựa Ông ăn hay không. Vương xoay người, nhìn con ngựa già đã cùng ông Nam chinh Bắc phạt mấy năm nay, xoa bờm nó. Con vật khì mũi vì vừa được ăn no đã có chủ vuốt bờm.

“Cổ quái thật!” Chủ lại bật cười, lắc đầu.

Nhưng rồi, như một tiếng sét giữa trời quang, tuấn mã cảm nhận được bàn tay của Bình Định Vương đặt trên người mình bất giác run rẩy.

4.

Bẩm tướng quân, ta nghe cũng lấy làm quái dị. Ấy là Ngài có điểm chưa tỏ. Trước khi Ngài đến, thằng bé kia còn rủ rỉ bên tai ta thế này:

“Ông Mã à, Ông cố mà ra trận đánh đuổi giặc Minh. Bờ cõi yên thì con chữ mới thịnh, thầy tôi mới lại đem cái sở học ra dạy cho dân chúng được. Ông phải như ngựa Xích Thố, cất vó ngàn dặm, đánh tan những quân thù hùng mạnh nhất. Đất nước chúng ta là một con ngựa! Hãy mang thời thái bình thịnh thế của Lý - Trần quay lại, nhé!”

Chà, ra là ta cũng mang trọng trách lớn lao đến mức ấy. Ngài xem, những kẻ ưa thích chiến tranh muốn xảy ra loạn lạc để có dịp mà tỏ rõ hào khí, trả nợ tang bồng. Loạn lạc giúp cho nhân tài có được thời thể hiện bản thân. Nhưng người dân thì chỉ muốn sớm ngày yên ổn để mà còn phát triển đất nước, chứ cứ đau khổ li tán, thay triều đổi đại mãi thì biết chừng nào con dân bá tánh mới được tập trung làm ăn. Làm người ai lại mê trò chém giết chứ! Ta biết Ngài cũng chẳng báu gì tình hình này nữa. Thế nên hãy đánh một trận, bình định quốc gia, rồi cùng tập trung vào khoa cử, vào kinh tế để Đại Việt hưng thịnh, đúng không?

Bình Định Vương vừa dẫn quân ra Bắc, đã có vô số anh hùng hào kiệt nghe tiếng mà đến xin được ra trận mà thoả chí kẻ sĩ. Mới đó, đội quân đã lớn mạnh đến mức khó tin, Ngài và quân sư thật giỏi trong cuộc thu phục lòng người.

Lòng người trong thiên hạ đã uy phục xong, Vương liền dành thời gian đến nhà đồ Kiểm. Chẳng biết hai người họ thảo luận với nhau điều chi, mà lâu lắm lâu lắm, Ngài mới chịu cáo từ họ ra về. Mãi sau ta mới biết họ nói với nhau hai việc, một là Vương gửi gắm ta cho nhà ông đồ chăm sóc, hai là chuyện mở khoa thi cử để kiếm nhân tài. Ấy là Ngài muốn gầy dựng lại cái nền khoa cử của nước nhà, để nâng cao con chữ, thúc đẩy cho sự học được phát triển tiếp tục, không bị đứt mạch. Thời nào cũng không thiếu người hay chữ như quân sư, bên cạnh võ tướng cũng phải có người giỏi văn, có lẽ đây là nguyện vọng của Ngài để nhân dân không mải tập trung vào binh biến mà quên đi con chữ. Điều này làm bá tánh vui lắm, lành thay!

Đấy, người ở bến Bồ Đề đón mừng Ngài bằng sự hiếu khách không thể chê vào đâu được. Với số lượng ủng hộ to lớn thế, toán quân địch co cụm trong thành chỉ còn mỗi đường chết. Ngày đáo hạn sắp đến, bọn Vương Thống vẫn cứng đầu không chịu ra hàng. Thế là hết nước, phải đánh thôi!

Diễn biến này làm ta nhớ đến ngày hôm ấy, rất lâu rồi, hồi ta còn là một con ngựa chiến dũng mãnh nhất, tuyệt vời nhất, cũng là những ngày nghĩa quân bị dồn đuổi, lực lượng vô cùng yếu ớt và phải thắt lưng buộc bụng để cố chống cự. Tinh thần tướng sĩ vì vậy mà càng thêm sa sút. Thử hỏi trong tình cảnh khó thấy được ngày mai, sống muối dưa đắp đổi, sao tránh khỏi phải chịu như thế? Một hôm, cũng là chuyện đã nằm trong dự tính, Vương rút gươm, trước mặt quân sĩ, lăm lăm tiến đến chỗ chuồng ngựa.

Một luồng sáng bạc hắt xuống, con ngựa thân tín của Ngài đổ ra đất, máu tuôn xối xả như thác. Ta cứng người, sục sạo, đó là huynh đệ của ta. Ta và nó là hai con ngựa thiện chiến được Ngài chú ý và chọn ra trong một trăm con ngựa. Ta nhìn cái thân hình đen thẫm dưới đất, máu cũng như được nhuộm đen kịt. Nó chết mà không giãy giụa, như kẻ đã đoán ra mình phải chết. Mắt nó chỉ hấp háy, tia nhìn phóng về phía ta, như muốn trao gửi điều gì. Nhưng đương khi hoảng loạn quá, ta giậm chân, va vào cửa chuồng, muốn chạy đi. Cái thân hình sõng soài dặt dẹo kia đã có thể là ta, nhưng giờ thì không phải, chỉ là suýt phải thôi. Suy nghĩ ấy làm ta sợ.

Bình Định Vương khao thịt con ngựa của mình cho các tướng lĩnh. Từ đó các tướng cảm được cái tấm lòng Ngài muốn truyền đạt. Vương thề quyết một lòng vì đại nghiệp, sẽ không từ nan bất cứ điều gì, sẽ không lùi lại dù đã mất tất cả, chỉ mỗi con ngựa quý này thì có sá chi. Lâu lắm rồi nghĩa quân mới có thịt ăn, lại là món thịt đến từ nguồn gốc đặc biệt như thế, tinh thần nghĩa sĩ dâng cao. Mọi người thề quyết một lòng chiến đấu đến cùng. Họ sẽ chiến đấu đến hơi tàn lực kiệt, sẽ đi theo Vương, ủng hộ Vương.

Hắc mã đã hi sinh vì nghiệp lớn, bạch mã tiếp tục chiến đấu để gánh vác trách nhiệm về sau. Ta vẫn không bao giờ quên ngày hôm đó, và luôn tự nhủ mình có thể đã bị giết thịt khao quân, chỉ là chưa đến lúc mà thôi. Ta sợ, một nỗi sợ rất bản năng, rất thú vật, rằng một ngày mình sẽ nhận lấy lưỡi gươm của Vương, chỉ là chưa biết khi nào.

Vương đứng trên vọng lâu nhìn sang bờ bên kia, trong thành Đông Quan, bọn giặc đang gia cố thành lũy, không có dấu hiệu sẽ đầu hàng. Chẳng thể chờ đợi được nữa. Liệu ta có được chọn ra quân hay không?

Song le, viễn cảnh con ngựa già này đánh trận đã không đến. Trận Chi Lăng không có ta, hẳn là dành cho một con chiến mã khác hùng hổ hơn, trẻ trung hơn. Ta được giao cho nhà thầy đồ Kiểm, được con trai và con gái trong nhà chăm sóc. Họ nuôi ta như nuôi một ông tướng, một ông tướng đã về hưu sau thời gian dài cống hiến cho Tổ quốc.

Ái chà, thế này cũng tốt chứ sao, đời ngựa thì cũng chỉ đến thế thôi! Ta còn chê trách gì ai nữa, phải mừng còn không hết chứ, hờn trách mới là chuyện lạ trên đời. Nhưng thật lòng, ta nhớ những lời chấp chưởng của chủ khi xưa.

5.

Đồ Kiểm suy nghĩ, trằn trọc, trở người như nằm trên chông. Này nhé, cũng định tình đính ước đầy đủ, cũng cau trầu mâm quả đầy đủ! Hiềm nỗi… Thôi cứ vẽ chuyện… Thầy không dám nói ra đâu, vì nói ra rồi lại trở thành sự thật thì chết chửa! Song le, cái duyên cái kiếp thì cứ trao đấy. Con người nước Nam là giống lạ, sinh ra chưa biết chuyện ái ân đã bén mùi binh lửa, ấy là ngược ngạo lẽ đời.

“Thường, mi biết không? Mi ngẫm mà thấm cho nhuần, muốn lấy anh hùng thì chính mi cũng phải là anh hùng!”

Thường gật đầu. Cả cái xứ sở này ai mà chẳng là anh hùng, ta làm anh hùng thì có gì khó.

*

Sốt vó thật, sốt vó cả lên thật! Chẳng biết lần này thành hay bại. Nói dại, lỡ bại thì tiêu tùng mất. Thường lo ngai ngái, cứ đi hỏi đầu này đầu kia, xem tình hình chiến sự hiện nay như thế nào. Thường ra ra vào vào, ngẩn ngẩn ngơ ngơ suốt, thỉnh thoảng tiếng bồ cu bồ các kêu cũng làm chị giật mình, choàng tỉnh. Thường nằm mê, thấy toàn những điềm kì quặc, chẳng biết cái nào hung cái nào cát. Thường trở người trên chõng, gọi Thuấn đến dặn:

“Nay đã cho ngựa Vương ăn chưa đấy, đừng để nó đói mà tội. Lạ thật! Con ngựa này không khác gì con người. Người đợi tin từ chiến trường bồn chồn thế nào thì nó cũng ngứa ngáy, sục sạo y hệt vậy! Chắc nó cũng đang đợi chủ về. Nó già lắm rồi, chẳng còn sống được mấy nả, nhưng vẫn cố gượng để nghe tin thắng trận…”

“Đã cho ăn từ sớm rồi, chị yên tâm chị ạ. Sẽ thắng thôi, tướng quân mưu lược hơn người, từ trước đến nay toàn thắng nhiều hơn thua, chị phải tin vào Ngài ấy chứ!”

“Chị tin Ngài, nhưng chị chỉ không tin vào vận mệnh. Con Tạo nham hiểm lắm, mi không biết đâu!” Thường lắc đầu, ngồi dậy, chân khua đôi guốc mộc dưới gầm ra và xỏ vào.

Hồi thế địch yếu ớt, Vương đã không quyết định thừa cơ đánh ngay, Ngài muốn đợi đến khi địch nhận đủ viện binh rồi mới đánh, đây là vụ cược lớn và rất đúng với con người Ngài. Song le, tướng thì đã ra trận, những người ở lại không khỏi cứ thấy sờ sợ thế nào. Đâu phải ai cũng có đủ cương cường để tham gia vào ván cờ lớn đến mức ấy.

Hốt nhiên, một hồi trống vang dậy khiến cả làng Bồ Đề tỉnh giấc. Hai chị em Thường giật mình, ngẩng phắt đầu nhìn ra sân nắng. Hình như các chức sắc đang cho gióng trống khua chiêng ở sân đình, chắc chắn là muốn thông báo gì đó. Ô hay! Tiếng khèn hiệu vui vẻ lạ! Tiếng khua chiêng nôn nả lạ! Nhịp trống lùng bùng mới rộn ràng làm sao, mới tưng bừng làm sao, đó có phải là điệu báo tin vui hay không, có phải là một tín hiệu cho điềm phúc lành đang đến hay không? Dù chỉ mới nghe tiếng trống, lòng Thuấn đã lâng lâng vui sướng, quả tim đập thình thịch như muốn hoà điệu. Ô hay! Tiếng trống sao lại vui thế này, ắt đó phải là tín hiệu khải hoàn, của thắng lợi vẻ vang, của một thế gian đã thay da đổi thịt. Chắc chắn đó là âm thanh gọi dân làng đến nghe tin mừng, một thứ tin mừng sẽ đem lại sự vỡ oà, sung sướng tột cùng. Chưa cần biết đến nội dung của tin tức, khuôn mặt của Thuấn và chị đã rạng rỡ hẳn lên.

Và kìa, Thường như đã lấy lại nguồn sống tràn trề. Mặt chị hồng hào, đỏ đắn, mắt chị lúng liếng, rợn ngợp. Và kìa, chị luống cuống đứng lên, nhích cái thân người nặng nhọc của mình ra khỏi chõng. Mặt chị như đoá hoa đón trận mưa xuân, bung nở đầy mãnh liệt giữa khu vườn trần thế.

“Tin thắng trận đấy, chắc chắn là tin thắng trận đấy! Ôi, tiếng chiêng tiếng trống vui thế cơ mà, phải đi ngay, phải đi ngay…” Thường cuống quýt, Thuấn muốn đến đỡ chị dậy nhưng chị dạt tay như không cần. Thường biết mình đã có thừa sức để đến nghe tận tai. Cuối cùng họ cũng đã trở về, người mà chị chờ đợi cũng đã trở về.

Thường chạy ra bên ngoài. Ngoài đường, mọi người đang kéo nhau đến đình làng, những đoàn rồng rắn. Thuấn thì ngược lại, nó quay ngoắt, chạy đến chuồng ngựa. Nó sẽ báo tin cho Ông Mã biết, nó đã chắc mẩm rằng quân ta đã đại thắng, chẳng nghĩ gì đến việc xác nhận nữa, nó phải nói cho con ngựa già nghe.

Con ngựa già của Vương đã chết. Chết mà như không chết, nó chết trong tư thế đứng, nhìn từ xa còn tưởng nó chỉ đang ngủ trưa. Thuấn phải đến lay nó, rồi đẩy nó, cả cơ thể bệ vệ chắc nịch trắng muốt mới chịu nghiêng qua một bên, nằm thẳng trên đất như pho tượng. Thuấn giật mình, lùi lại nhìn con ngựa dưới chân. Chắc do tiếng kèn trống vừa rồi ầm ĩ quá, làm nó giật mình mà thăng luôn chăng?

Rồi, giữa những nhấp nhánh lông trắng và nắng xiên khoai, một tiếng thét kinh hoàng bạt vía dội lại. Thuấn vội chạy ra sân trước xem có chuyện gì. Giữa đám người chật cứng, Thường rũ rượi trên tay một người đàn bà nạ dòng phốp pháp. Thường đau đớn khi nghe thấy tin dữ. Song hơn hết, chị còn đau quặn trong bụng gấp bội. Thường gập người lại ôm lấy chiếc bụng tròn căng như cái thúng của mình.

Đại quân của Bình Định Vương chiến thắng vẻ vang rồi, giặc Minh quyết định ra hàng. Họ trở về rồi, Vương và các tướng sĩ của Ngài trở về rồi, nhưng người mà Thường chờ đợi đã không thể quay về.

*

Mọi người muốn để Vương và các trung thần nghĩa sĩ của Ngài có thời gian nghỉ ngơi, nhưng tin tức vẫn đến tai Ngài rất nhanh. Một hôm, Ngài ghé nhà thầy đồ Kiểm, nói với cô Thường và cả nhà:

“Tướng ấy là tâm phúc của ta, đây là huyết mạch của hắn. Hắn đã hi sinh vì nghĩa lớn, vì Đại Việt. Đứa trẻ này tượng trưng cho một thời kì mới của quốc gia. Nó là đứa trẻ đầu tiên được sinh ra khi quân ta đại thắng, chắc chắn nó sẽ nối gót cha mình trở thành một trung thần, một hiền sĩ của giang sơn xã tắc!”

Đứa bé khóc khoẻ, bụ bẫm. Cơ thể hồng hào và xinh xắn. Thầy nói đây là một đứa trẻ tướng tá rất có uy, không biết sẽ giỏi văn hay giỏi võ, nhưng vẫn hi vọng là có chí lớn giúp nước giúp đời. Đất nước nào cũng cần có người giỏi giang làm bậc lương đống, gánh vác xã tắc. Nó là con của một tướng quân, dù chưa từng thấy mặt cha, nhưng sẽ luôn chảy dòng máu khí phách bên trong mình.

Cuối cùng, Vương dành chút thời gian đi thăm mộ của con tuấn mã, được người ta cho chôn cất ở một cái gò trống. Quả là vật linh, con ngựa đã gắng gượng để chờ đợi đến giây phút nghe thấy tiếng trống báo tin mừng mới chịu lìa đời, gượng đến mức phải chết trong thế đứng. Đây có thể xem là một câu chuyện truyền kì trong thiên hạ!

Thuấn tin rằng, Ông Mã chết ngay khi chị Thường sinh ra đứa nhỏ, chắc chắn đây là một sự chuyển hoá, một cuộc tái sinh. Ông Mã đã hoá thành đứa nhỏ mà Thường hoài thai ra được. Lịch sử là một cuộc tái sinh không dứt, đời đời sinh ra để nối nghiệp tổ tông, nhờ vậy mà đất nước này sẽ không bao giờ tàn lụi.

Rồi đó, nhong nhong nhong nhong, ngựa Ông đã về… Ngựa Ông đi rồi sẽ lại về mấy hồi!

Cho một ngày mới - Thơ Đỗ Trọng Khơi

Cho một ngày mới - Thơ Đỗ Trọng Khơi

Baovannghe.vn- Tĩnh lặng - Tĩnh tại - Tĩnh không/ tĩnh mong cảm cõi mênh mông sâu dày
Mùa quả chín - Thơ Đỗ Minh Dương

Mùa quả chín - Thơ Đỗ Minh Dương

Baovannghe.vn- Vừa nhỏ nhoi hạt giống/ đã mọc thành mầm cây
Nhớ nhà sàn của mế - Thơ Chung Tiến Lực

Nhớ nhà sàn của mế - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Cứ như người khổng lồ/ Đi đôi chân cà kheo
Bộ GD&ĐT: giải bài toán thiếu giáo viên dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Bộ GD&ĐT: giải bài toán thiếu giáo viên dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Baovannghe.vn - Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm tuyển dụng người có trình độ cao đẳng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Đọc truyện: Nữ hoàng đậu phụ . Truyện ngắn dự thi của Bùi Khánh Nguyên

Đọc truyện: Nữ hoàng đậu phụ . Truyện ngắn dự thi của Bùi Khánh Nguyên

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương